24/03/2023 10:20 GMT+7

Xe vi phạm đấu giá còn thua sắt vụn: Ai chịu trách nhiệm?

Công an huyện Hóc Môn (TP.HCM) vừa đưa ra đấu giá để bán thanh lý 954 xe vi phạm với giá khởi điểm 479 triệu đồng, tương đương khoảng 500.000 đồng/xe máy. Bạn đọc Tuổi Trẻ Online xót xa đặt ra câu hỏi: Ai chịu trách nhiệm về sự lãng phí này?

Đây là lô xe vi phạm bị tịch thu mà ngày 18-3 Công an huyện Hóc Môn báo cáo với đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND TP.HCM rằng đã mang ra bán đấu giá hai lần, nhưng cả hai lần đơn vị mua trúng đấu giá đều bỏ cọc không nhận tài sản.

Giá khởi điểm của số xe máy trên được bán với giá phế liệu, còn thấp hơn giá sắt vụn. Một chiếc xe tạm giữ có trọng lượng trung bình 90-100kg, giá 500.000 đồng/xe máy thì bình quân chỉ 5.000 đồng/kg. Trong khi đó tham khảo bảng giá tại một số tổ chức thu mua phế liệu thì sắt vụn có giá dao động hơn 15.000 đồng/kg.

Kho tang tài vật vi phạm giao thông tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh là kho lớn nhất của Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM. Kho rộng khoảng 20.000m2, nơi đây đang chứa khoảng 17.000 xe - Ảnh: Lực lượng chức năng cung cấp

Kho tang tài vật vi phạm giao thông tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh là kho lớn nhất của Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM. Kho rộng khoảng 20.000m2, nơi đây đang chứa khoảng 17.000 xe - Ảnh: Lực lượng chức năng cung cấp

Mua xe vi phạm chỉ để tận dụng máy móc!

Tình trạng xe vi phạm phơi mưa phơi nắng cùng với quy trình xử lý, tịch thu, bán đấu giá nhiêu khê khiến xe bị tạm giữ hư hỏng, suy giảm giá trị khá phổ biến tại TP.HCM và nhiều địa phương khác.

Từng mua đấu giá xe vi phạm, bạn đọc Dương cho biết: "Ai mua rồi mới hiểu. Mua về chủ yếu tận dụng cái động cơ thôi. Chứ hư hỏng bể nát, gỉ sét cả, xe còn bị cắt sườn. Xe 100kg nhưng đâu phải là sắt hết đâu, còn nhựa, cao su, gang... Ai cảm thấy giá quá rẻ thì đăng ký mà đấu theo lô!".

Bạn đọc 2lua bổ sung: "Đúng rồi, sắt vụn lấy ra cân ký bán được ngay, chứ chiếc xe mà cân ký nguyên con bán ai mua bằng với giá sắt vụn? Mua nó về phải tốn công sức rã ra từng món để bán sắt vụn thì nó phải rẻ hơn cả sắt vụn rồi!".

"Nhớ ngày trước bị tạm giữ chiếc Dream, khi lấy ra không còn cần đạp khởi động, IC, bình xăng con… và cũng chẳng có đơn vị nào chịu trách nhiệm!" - bạn đọc Đức Tân Nguyễn kể.

Theo bạn đọc Trang, "chiếc xe máy là tài sản của người dân, đối với nhiều người thì đó là phương tiện để kiếm sống. Xe vi phạm bị cảnh sát giao thông tạm giữ nhưng lại vứt phơi sương phơi nắng, hư hỏng, trông cứ như đồ bỏ đi là không thể chấp nhận được. Cảnh sát giao thông có bồi thường thiệt hại khi để xe tạm giữ của người dân hư hỏng hay không?".

Xe vi phạm chất chồng lên nhau tại kho tạm giữ Công an huyện Hóc Môn - Ảnh: Lực lượng chức năng cung cấp

Xe vi phạm chất chồng lên nhau tại kho tạm giữ Công an huyện Hóc Môn - Ảnh: Lực lượng chức năng cung cấp

Bỏ tạm giữ xe vi phạm, chỉ thu bằng lái được không?

Trước tình trạng xe vi phạm kín kho, ngày 23-3, Công an huyện Bình Chánh, TP.HCM đã kiến nghị giảm thời hiệu xử phạt xe vi phạm hành chính từ 1 năm còn 3 tháng, khi làm việc với đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND TP.HCM.

Bạn đọc Trịnh Ngân đề xuất "chỉ nên tạm giữ đối với các xe không có giấy tờ hoặc không đủ điều kiện lưu hành. Các xe khác thì chỉ phạt hành chính, nếu người điều khiển không chấp hành thì tạm giữ giấy phép lái xe là được, vì chiếc xe không có lỗi mà lỗi do con người".

Với xe bị tạm giữ, theo bạn đọc Phong, nên phân loại xe kém chất lượng thì không quá 3 tháng, xe tốt hơn thì 6 tháng. Nếu không có người đến nộp phạt nhận xe thì nhanh chóng thanh lý nộp ngân sách, thậm chí cả xe ô tô cũng vậy. Chứ cứ để cho tài sản hư hỏng lại càng hoang phí".

Trong khi đó, bạn đọc gala@gmail... có ý kiến: "Nên xem xét bỏ việc tịch thu phương tiện, trừ những trường hợp mang tính hình sự, đua xe... Còn lại phần lớn xe vi phạm hành chính, tôi thấy tạm giữ phương tiện chẳng có ích gì cả. Cơ bản là người điều khiển có giấy phép lái xe, chứ phương tiện đâu có tội!".

Bạn đọc Huu Tan đưa ra hướng xử lý "vẹn cả đôi đường": bỏ điều khoản tạm giữ phương tiện và tăng nặng biện pháp xử phạt bằng cách gửi thông báo xử phạt về địa phương, cơ quan của người vi phạm. Việc tạm giữ phương tiện như hiện nay là chưa thỏa đáng và tạo thêm gánh nặng cho lực lượng cảnh sát giao thông, không khéo lại phạm quyền sở hữu và xâm phạm tài sản người khác.

"Lý do thứ nhất, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là chủ thể tạo ra vi phạm luật pháp. Thứ hai, cảnh sát giao thông khi tạm giữ phương tiện của người vi phạm phải có trách nhiệm gìn giữ và bảo quản tài sản (xe) của người vi phạm (công dân) đúng nguyên trạng. Nếu có mất mát phụ kiện hoặc hư tổn thì phải bồi thường thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ ba, pháp luật cũng phải có tính nhân văn, phải xem xét các quy định tạm giữ phương tiện và mức phạt đã phù hợp với thực trạng xã hội, đời sống nhân dân hay chưa. Ví dụ, thu nhập trung bình người dân 5-6 triệu/tháng mà mức phạt 7-8 triệu và tạm giữ phương tiện tối thiểu 7 ngày làm việc là chưa hợp lý. Nhiều gia đình lao động (công nhân, phụ hồ, xe ôm...) thường chỉ có một chiếc xe để dùng chung mà bị tạm giữ thì thường bỏ luôn phương tiện nếu giá trị của nó nhỏ hơn hoặc bằng, thậm chí lớn hơn tiền phạt 10-20%" - bạn đọc Hữu Tân viết.

Đấu giá 954 xe vi phạm tại kho Công an Hóc Môn, giá khởi điểm 479 triệu đồngĐấu giá 954 xe vi phạm tại kho Công an Hóc Môn, giá khởi điểm 479 triệu đồng

Sau 2 lần bán đấu giá lô 954 xe vi phạm không thành (2 đơn vị trúng thầu bỏ cọc), Công an huyện Hóc Môn tiếp tục tham mưu thủ tục bán đấu giá lần 3.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên