25/02/2024 08:10 GMT+7

2 năm chiến sự tại Ukraine: Trừng phạt không hiệu quả

Hai năm sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ "giáng một đòn nghiền nát" nền kinh tế Nga vì cuộc chiến ở Ukraine, báo Washington Post nhận định nền kinh tế Nga năm nay dự kiến tăng trưởng nhanh hơn Mỹ, Đức, Pháp hoặc Anh.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu xem xét khí tài quân sự khi tới thăm một trung tâm chỉ huy của lực lượng Nga tại khu vực do Nga kiểm soát ở Ukraine vào ngày 24-2 - Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu xem xét khí tài quân sự khi tới thăm một trung tâm chỉ huy của lực lượng Nga tại khu vực do Nga kiểm soát ở Ukraine vào ngày 24-2 - Ảnh: Reuters

Kể từ khi cuộc chiến tại Ukraine bùng nổ vào ngày 24-2-2022, Mỹ đã thực hiện một loạt các lệnh trừng phạt tập trung vào việc cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, cắt thu nhập từ ngành năng lượng của Nga.

Cùng với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nước đối tác khác cũng đã áp dụng những biện pháp trừng phạt riêng đối với các cá nhân và tổ chức của Nga.

Trừng phạt không hiệu quả

Ngay trước thời điểm tròn hai năm xung đột, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố hơn 500 lệnh trừng phạt mới nhắm vào lĩnh vực tài chính, doanh thu từ dầu khí và tổ hợp công nghiệp quân sự của Matxcơva.

EU cũng vừa thông qua gói trừng phạt thứ 13 chống lại Nga, tập trung vào việc hạn chế hơn nữa khả năng tiếp cận của Nga với các công nghệ quân sự, đồng thời liệt kê thêm 194 công ty và cá nhân có liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.

Tổng cộng, Mỹ và các đồng minh đã áp đặt trừng phạt với hàng nghìn mục tiêu của Nga kể từ cuối tháng 2-2022.

Tại sao Mỹ, EU và các quốc gia, tổ chức liên quan liên tục đưa ra các lệnh trừng phạt mới với Nga? Đơn giản vì sau hai năm xung đột nước Nga đã không bị cô lập như phương Tây kỳ vọng. Họ thật sự trở thành mục tiêu "khó nhằn".

Quả thật những biện pháp trừng phạt của phương Tây trong hai năm qua đã không làm sụp đổ nền kinh tế Nga, hạ bệ Tổng thống Putin cũng như làm giảm quy mô chiến dịch quân sự của Nga đối với Ukraine.

Trên thực tế, Quỹ Tiền tệ quốc tế ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga đã tăng 2,2% vào năm 2023 chủ yếu nhờ tăng chi tiêu cho quân sự và thúc đẩy xuất khẩu năng lượng. Thậm chí, tốc độ tăng trưởng này cao hơn Mỹ và nhiều nền kinh tế phương Tây khác.

Sức mạnh của Nga, bắt nguồn từ nguồn cung cấp dầu và khí đốt tự nhiên khổng lồ, cũng như từ khả năng xuất khẩu nhiều mặt hàng quan trọng như phân bón, lúa mì và kim loại quý, đã tạo nên khả năng phục hồi tài chính vượt qua sự cô lập của phương Tây.

Ở nhiều nơi tại châu Á, châu Phi và Nam Mỹ, ảnh hưởng và mối quan hệ làm ăn của Nga vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết hoặc thậm chí còn tăng lên.

Một số nước bên ngoài phương Tây đã nắm bắt thời điểm này để kiếm lợi cho riêng mình. Chẳng hạn Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng nhập khẩu dầu và khí đốt tự nhiên của Nga.

Những quốc gia khác đã đóng vai trò trung gian, nhập khẩu hàng hóa phương Tây và sau đó xuất khẩu chúng sang Nga.

Theo truyền thông Nhà nước Nga, vào năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu năng lượng kỷ lục từ Nga. Hiện nay, 90% thương mại giữa hai nước được thực hiện bằng đồng rúp và đồng nhân dân tệ, cao hơn nhiều so với 25% trước khi xung đột Ukraine xảy ra.

Vì sao vẫn trừng phạt?

Tuy vậy, các chính trị gia phương Tây ủng hộ tăng cường các biện pháp trừng phạt mới cho rằng mục tiêu của trừng phạt không chỉ làm suy yếu nước Nga mà mang ý nghĩa đa mục tiêu.

Thứ nhất, sự phối hợp trừng phạt mới của phương Tây vào thời điểm tròn hai năm xung đột nhằm gửi đi thông điệp việc vi phạm các chuẩn mực quốc tế đối với một nước láng giềng sẽ vấp phải phản ứng mạnh mẽ và mang tính chiều sâu của liên minh.

Thứ hai, nó thúc đẩy sự đoàn kết giữa các nước phương Tây trong việc đối phó với Nga.

Điều này được thể hiện rõ trong một tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen: "Chúng ta phải duy trì sự ủng hộ của mình dành cho Ukraine ngay cả khi chúng ta làm suy yếu cỗ máy chiến tranh của Nga. Điều quan trọng là Quốc hội phải tăng cường hợp tác với các đồng minh của chúng ta trên khắp thế giới trong việc cung cấp cho Ukraine các phương tiện để tự vệ".

Thứ ba, phương Tây muốn thể hiện không bỏ rơi Ukraine trong bối cảnh bản thân họ cũng đang gặp rất nhiều mối lo và quan tâm khác từ các khu vực địa chính trị trên thế giới. Họ cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt hiện nay tỏ ra hiệu quả từ một số chiều kích nào đó.

Ít nhất nước Nga đang phải chịu đựng một số trục trặc đáng kể ở nền kinh tế. Chẳng hạn tình trạng thiếu hụt các hàng hóa quan trọng như thuốc men và các bộ phận máy bay ở thời điểm trước mắt.

Còn trong dài hạn, họ tin rằng trừng phạt sẽ ngày càng có hiệu quả khi các biện pháp mới được đưa ra để bịt những lỗ hổng trước đây mà nước Nga đã tránh được.

Ông Medvedev kêu gọi "trả thù" phương Tây

Ngày 24-2, ông Dmitry Medvedev - cựu tổng thống, cựu thủ tướng và hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga - tuyên bố Matxcơva sẽ tìm cách "trả thù" các lệnh trừng phạt quy mô lớn của phương Tây, theo AFP.

Trước đó một ngày, Mỹ công bố loạt trừng phạt mới nhằm vào Nga.

"Lý do đằng sau các lệnh trừng phạt này rất rõ ràng: người dân Nga càng gặp khó khăn thì điều đó càng tốt với phương Tây", ông Medvedev chỉ trích.

Ông tuyên bố: "Tất cả chúng ta cần ghi nhớ điều này và trả thù họ bất cứ khi nào có thể. Họ là kẻ thù của chúng ta".

Ông Medvedev kêu gọi người Nga "gây khó khăn cho nền kinh tế phương Tây và khơi dậy sự bất mãn của công chúng đối với các chính sách kém cỏi của các chính quyền phương Tây".

EU có gói trừng phạt thứ 13 với NgaEU có gói trừng phạt thứ 13 với Nga

Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về mặt nguyên tắc của gói trừng phạt thứ 13 nhắm vào Nga và sẽ phê duyệt chính thức vào ngày 24-2.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên