09/03/2024 08:53 GMT+7

Biển Baltic thành 'hồ' NATO, Nga có thể thoát vây ra sao?

Thụy Điển gia nhập NATO là động thái 'khép vòng' kịch bản NATO kiểm soát toàn bộ biển Baltic, giờ còn được gọi là 'hồ' NATO.

Binh sĩ Thụy Điển tập trận cùng binh sĩ Phần Lan ngày 5-3 trong cuộc tập trận của NATO - Ảnh: REUTERS

Binh sĩ Thụy Điển tập trận cùng binh sĩ Phần Lan ngày 5-3 trong cuộc tập trận của NATO - Ảnh: REUTERS

Ngày 7-3, khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chính thức kết nạp Thụy Điển trở thành thành viên thứ 32 của liên minh quân sự này - NATO 32.

Việc Thụy Điển từ bỏ truyền thống không liên kết kéo dài hơn 200 năm và gia nhập NATO là một động thái "khép vòng" kịch bản NATO kiểm soát toàn bộ biển Baltic, giờ đây còn được gọi là "hồ" NATO.

Ngoài ra, với thành viên thứ 32, NATO còn hoàn thiện "vành đai phòng thủ" của khối này kéo dài từ bán đảo Scandinavia (Bắc Âu) qua khu vực Trung và Đông Âu (khối CEE) đến tận bán đảo Balkan (Nam Âu).

Tăng áp lực lên Nga

Vành đai phòng thủ này đã mở rộng các hoạt động tăng cường sự hiện diện quân sự của NATO thuộc sườn phía đông châu Âu kết nối đến khu vực sườn phía bắc qua các tuyến đường sắt Ofoten (Na Uy) và tuyến Iron Ore (Thụy Điển) thông qua các hoạt động tập trận tăng cường liên khu vực.

Biển Baltic thành "hồ NATO" - Nguồn: Financial Times - Dữ liệu: BÌNH AN - Đồ họa: TUẤN ANH

Biển Baltic thành "hồ NATO" - Nguồn: Financial Times - Dữ liệu: BÌNH AN - Đồ họa: TUẤN ANH

Điển hình gần đây là cuộc diễn tập Người bảo vệ kiên định (Steadfast Defender, bắt đầu từ tháng 1-2024) có quy mô lớn nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh với hơn 90.000 binh sĩ tham gia đến từ tất cả quốc gia thành viên NATO.

Cùng với một loạt dự án khác như kế hoạch thiết lập hành lang vận tải quân sự giữa ba bên Đức - Hà Lan - Ba Lan cũng vào cuối tháng 1, và chiến lược sườn phía nam mới dự kiến công bố tại Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Washington (Mỹ) sắp tới, có thể thấy tham vọng của khối này nhằm gia tăng tối đa áp lực quân sự lên "cánh châu Âu" từ phía tây của Nga.

Thêm vào đó, Thụy Điển còn là quốc gia sở hữu mạng lưới vận tải thuộc hành lang Bothnia có vai trò "xương sống" trong chiến lược tăng cường các kết nối từ châu Âu đến "cánh Bắc cực" của NATO.

Thỏa thuận quốc phòng mà Thụy Điển ký kết vào tháng 12-2023 đã cho phép Mỹ tiếp cận 17 căn cứ quân sự của nước này, nâng tổng số căn cứ tiếp giáp Bắc Cực từ Bắc Âu mà Mỹ được phép triển khai quân đội lên đến con số 36.

Các hoạt động quân sự tăng cường của NATO ở "cánh Bắc Cực" được tiến hành song song sự mở rộng tương tác với các đối tác của NATO trong nhóm AP4 (gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand) thuộc "cánh châu Á - Thái Bình Dương" đã được Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolay Patrushev xác nhận và lên án gay gắt trong bài phát biểu vào ngày 7-3.

Không chỉ vậy, NATO còn thủ sẵn một đòn tiến công theo "hướng trục" nhằm thọc sâu vào khu vực ảnh hưởng truyền thống của Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) của Nga.

Lời hứa hẹn thời điểm 2024 sẽ là "năm cực kỳ quan trọng" cho tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Gruzia (điều kiện tiên quyết để trở thành thành viên NATO) và động thái Armenia đình chỉ tư cách thành viên của CSTO vào giữa tháng 2-2023 đã tạo thời cơ cho NATO phát triển ảnh hưởng ở khu vực Nam Kavkaz (Caucasus) thuộc "vùng rìa" của CSTO.

Ngoài ra, động thái cả ba nước thành viên thuộc vành đai Kazakhstan - Tajikistan - Kyrgyzstan đều tham gia cuộc tập trận Hợp tác khu vực (Regional Cooperation 23) do Bộ Tư lệnh trung ương (CENTCOM) của Mỹ tổ chức tháng 8-2023 cũng cho thấy ảnh hưởng của NATO đã vươn đến "vùng lõi" Trung Á của CSTO.

Thụy Điển mang theo lực lượng vũ trang có năng lực và ngành công nghiệp quốc phòng hạng nhất. Việc Thụy Điển gia nhập giúp NATO mạnh hơn, giúp Thụy Điển an toàn hơn và toàn bộ liên minh an toàn hơn.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg
Binh sĩ Phần Lan trên xe thiết giáp trong cuộc tập trận thuộc khuôn khổ NATO gần Hetta, Phần Lan, ngày 5-3 - Ảnh: REUTERS

Binh sĩ Phần Lan trên xe thiết giáp trong cuộc tập trận thuộc khuôn khổ NATO gần Hetta, Phần Lan, ngày 5-3 - Ảnh: REUTERS

Thế trận đáp trả của Nga

Đứng trước các bước tiến lộ rõ tham vọng "khóa tay" Nga từ phía NATO, chính quyền Tổng thống Vladimir Putin đã lập tức củng cố thế trận "cài răng lược" của họ với trọng tâm khắc chế "cánh châu Âu" của NATO.

Nghiên cứu từ Viện RUSI (Anh) cho biết quân đội Nga đang được tái thiết một cách đáng kinh ngạc mặc dù bị tổn hại không nhỏ trong cuộc chiến ở Ukraine.

Số liệu từ các nghiên cứu tương tự cũng cho thấy phía Nga vẫn đang duy trì tuyển dụng hơn 10.000 quân mỗi tháng, giữ mức cung cấp khoảng 1.500 xe tăng cùng với khoảng 3.000 xe chiến đấu bọc thép các loại phục vụ chiến đấu mỗi năm.

Trong đó, Hạm đội biển Bắc của Nga ở các căn cứ trên biển Barents đang liên tục được bổ sung vũ khí và nâng cấp hạ tầng quân sự tập trung vào nhóm căn cứ trên bán đảo Kola (giữa biên giới Na Uy và Phần Lan), còn Hạm đội biển Baltic ở vùng Kaliningrad thường xuyên tiến hành tập trận bằng các tàu được trang bị tên lửa hành trình có độ chính xác cao như Kalibr nhằm tạo "gọng kìm" với "sườn phía bắc" của NATO.

Tiếp theo, Nga dùng trận địa hạt nhân phi chiến lược ở Belarus cùng với kế hoạch gia tăng quân lực lên gấp đôi ở biên giới giáp NATO thuộc khuôn khổ tái thiết lập hai quân khu Matxcơva và Leningrad để "kẹp giữa" các sườn còn lại của "cánh châu Âu" mà NATO đang triển khai.

Đối với thế trận trên Biển Đen đang có lợi cho các cuộc tấn công bằng drone tự sát của Ukraine, Nga tạm lui về thiết lập quân khu hải quân mới ở Biển Azov.

Căn cứ ở Azov này kết hợp với căn cứ hải quân ở thị trấn Ochamchire vừa được chính quyền vùng lãnh thổ Abkhazia đồng ý cho quân đội Nga triển khai lâu dài từ năm nay có thể tạo "gọng kìm" cản trở hướng tiến công thọc sâu từ Biển Đen đến biển Caspi của NATO.

Ngoài ra, bằng lợi thế vượt trội về số lượng căn cứ quân sự giáp Bắc Băng Dương, Nga đã khống chế "cánh Bắc Cực" của NATO khi tăng cường lực lượng ở "gọng kìm" từ biển Barents đến biển Baltic.

Nga cũng phối hợp với Trung Quốc và Triều Tiên giữ lợi thế tuyệt đối về răn đe hạt nhân nhằm giữ "cánh châu Á - Thái Bình Dương" của NATO không leo thang căng thẳng.

Nhìn chung, thế trận "một trục ba cánh" của NATO trở nên hoàn thiện hơn với các hành lang kết nối từ "cánh châu Âu" đến "cánh Bắc Cực" thông qua sự tham gia của Thụy Điển.

Tuy nhiên, dường như động thái này vẫn chưa đủ để tạo nên chênh lệch cụ thể trước thế "cài răng lược" từ phía Nga, ngay cả trong bối cảnh CSTO đang suy yếu.

NATO đưa hệ thống tên lửa Patriot đến gần Nga hơnNATO đưa hệ thống tên lửa Patriot đến gần Nga hơn

Theo bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lithuania (Litva), hệ thống tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất sẽ được triển khai đến nước này trong năm 2024.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên