TTCT - Báo cáo “Sự sẵn sàng cho tương lai của sản xuất năm 2018” (Readiness for the Future of Production Report 2018) do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Hãng tư vấn chiến lược A.T. Kearney vừa xuất bản, đã đưa ra nhiều thông số đáng lo cho Việt Nam.
WEF diễn ra tháng 1 vừa qua tại Davos (Thụy Sĩ) với chủ đề “Tạo dựng một tương lai chung trong thế giới rạn nứt”, tập trung thảo luận tình hình kinh tế toàn cầu và những căng thẳng địa chính trị đang nổi lên. Chủ đề đó cũng phản ánh cái nhìn về một thế giới đã xuất hiện những rạn nứt đáng kể trong mối quan hệ giữa các cường quốc trong năm qua, đầy những chia ly và trục trặc về cả chính trị cũng như kinh tế.
Tăng trưởng toàn cầu đang phục hồi, những lo ngại về kinh tế đã giảm mạnh. Tuy nhiên, sự bất bình đẳng về thu nhập là vấn đề lớn ở nhiều quốc gia, sự tự mãn về môi trường kinh tế trong khi mức nợ cao, tỉ lệ tiết kiệm thấp được cảnh báo và các điều khoản lương hưu không đáp ứng đủ đang gây lo ngại.
Bởi sản xuất là động lực phát triển của xã hội loài người, nên các nước luôn chú ý về hiệu suất của nền kinh tế thông qua sức sản xuất, mức độ đóng góp của sản xuất vào GDP của quốc gia.
Báo cáo “Sự sẵn sàng cho tương lai của sản xuất năm 2018” đã đo lường vị thế của 100 quốc gia và nền kinh tế trải rộng trên các khu vực địa lý nhằm định hình nền sản xuất toàn cầu theo hướng mang lại lợi ích từ sự thay đổi bản chất của sản xuất bằng cách áp dụng công nghệ mới.
Báo cáo này cũng được dùng như một công cụ chẩn đoán nhằm thúc đẩy đối thoại đa bên, hình thành các cương lĩnh hành động chung và cung cấp thông tin dự báo cho sự phát triển các chiến lược công nghiệp hiện đại của các quốc gia.
Định vị và thay đổi
Đánh giá về sự sẵn sàng (Readiness Assessment) được thực hiện lần đầu tiên năm 2018 nhằm đánh giá tương lai của sản xuất khi phân tích các quốc gia định vị nền sản xuất như thế nào để hình thành và hưởng lợi sự thay đổi cơ bản của sản xuất trong tương lai.
Mô hình đánh giá tính sẵn sàng tương lai của sản xuất |
Đánh giá được tạo thành từ hai thành phần chính: cấu trúc sản xuất (Structure of Production), là hiện trạng cơ sở sản xuất của quốc gia hay nền kinh tế được đánh giá; và các động lực sản xuất (Drivers of Production) - những động lực chủ chốt nhằm định vị một quốc gia trong khả năng tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để biến đổi hệ thống sản xuất của quốc gia mình.
Đánh giá đã thực hiện dựa trên 59 chỉ số. Sau đó, 100 quốc gia được đánh giá được sắp xếp thành 4 nhóm hình mẫu kinh tế cơ bản dựa trên trình độ của nền kinh tế, xét theo hai mặt: cấu trúc sản xuất và động lực sản xuất.
Sau khi thực hiện đánh giá, nhóm nghiên cứu đã thiết lập một bản đồ toàn cầu phân bố nền kinh tế của các quốc gia được đánh giá theo 4 nhóm hình mẫu kinh tế cơ bản gồm: nhóm tiềm năng cao, nhóm dẫn dắt, nhóm đang phát triển và nhóm di sản.
Việt Nam ở đâu trong nền sản xuất thế giới?
Báo cáo đưa rất nhiều thông tin chi tiết được rút ra từ đánh giá định lượng cũng như các hoạt động nghiên cứu sâu hơn ở Ấn Độ, Mexico, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên bang Nga, Nam Phi và sáu quốc gia thuộc ASEAN.
Trong số 100 quốc gia và nền kinh tế chiếm 96% giá trị sản xuất (Manufacturing Value Added - MVA) được đưa vào đánh giá, chỉ có 25 quốc gia từ châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Á thuộc nhóm dẫn dắt (Leading), hoặc ở vị trí tốt nhất để hưởng lợi từ sự thay đổi của sản xuất. 25 quốc gia này đã chiếm hơn 75% MVA toàn cầu và có khả năng tăng thị phần trong tương lai.
Khoảng 90% của các nước từ châu Mỹ Latin, Trung Đông, châu Phi và Âu - Á được phân loại vào nhóm đang phát triển (Nascent) hoặc nhóm nước ít sẵn sàng nhất cho sản suất trong tương lai. Việt Nam thuộc nhóm này.
Đánh giá được lập theo mô hình khá quen thuộc của Hãng tư vấn A.T. Kearney gồm 4 nhóm, trong đó vị trí trung tâm là giao điểm của trục hoành (cấu trúc sản xuất) ở điểm 5.7 và trục tung (động lực sản xuất) trong thang đo từ 0-10. Điểm trung bình 5.7 này là điểm trung bình theo trọng số của 59 yếu tố đánh giá trên 75 quốc gia. Theo đánh giá, cấu trúc sản xuất của Việt Nam được 5.0/10 và động lực sản xuất đạt 4.9/10.
Đánh giá tính sẵn sàng về sản xuất trong tương lai của Việt Nam. |
Khi được xét về tính phức tạp của nền sản xuất dựa trên mức độ áp dụng các kiến thức, công nghệ nhằm tạo ra một sản phẩm phức tạp, Việt Nam chỉ được 4.4 điểm (đứng ở thứ hạng 72/100) cho dù quy mô (Scale) của nền kinh tế nằm ở top 20 (xếp hạng 17) trên thế giới.
Độ phức tạp của nền kinh tế (Economic complexity) được hiểu là toàn bộ hệ thống liên quan đến quá trình sản xuất, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, giao nhận, xuất nhập khẩu hàng hóa sao cho nhanh chóng, thuận tiện, an toàn cho hàng hóa nói chung...
Về động lực sản xuất, Việt Nam có trình độ sử dụng công nghệ và đổi mới khá kém: xếp hạng 90/100 do hạ tầng công nghệ, chuyển giao tri thức, đầu tư của các doanh nghiệp vào công nghệ và chi tiêu cho nghiên cứu phát triển còn hạn chế.
Nhưng điểm đáng lo nhất chính là những thứ hạng về vốn con người (Việt Nam xếp hạng 70/100). Trong đó, các chỉ tiêu cụ thể đều ở mức rất tệ: kiến thức của người lao động đứng thứ 81, chất lượng đào tạo nghề đứng thứ 80, chất lượng các trường đại học đứng thứ 74, đào tạo qua công việc đứng thứ 74, chất lượng kỹ sư và nhà khoa học đứng thứ 70.
Chiến lược phát triển sản xuất nào cho Việt Nam?
Không phải tất cả các nước đều có thể tìm cách theo đuổi sản xuất tiên tiến trong tương lai. Một số nước vốn là điểm đến của thị trường lao động chi phí thấp vẫn có thể tìm cách nắm bắt các cơ hội sản xuất truyền thống theo mô hình hiện tại.
Các nước khác có thể theo đuổi cách tiếp cận song song, với một số lĩnh vực theo đuổi sản xuất tiên tiến và các khu vực khác theo đuổi sản xuất truyền thống. Việt Nam có hầu hết những đặc trưng của nhóm đang phát triển nên cần có một chiến lược sản xuất tổng thể phù hợp với điều kiện và trình độ sản xuất.
Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của hành trình chuyển đổi và thực tế là chưa có quốc gia nào đạt đến sự sẵn sàng chín muồi để có thể khai thác trọn vẹn tiềm năng cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất. Vấn đề lớn nhất cần chú trọng là đầu tư cho vốn con người nhằm nâng cao hàm lượng tri thức ở người lao động, các hoạt động hướng nghiệp cho thanh niên cần đẩy mạnh và cung cấp các cơ hội nâng cao chất lượng tri thức bằng cách xây dựng các trường đại học, viện nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ vào quản lý, điều hành sản xuất, thúc đẩy sáng kiến, đổi mới mô hình kinh doanh và từng biết hoàn thiện thể chế nhằm hỗ trợ chiến lược phát triển sản xuất ở tầm quốc gia.
Việc áp dụng công nghệ mới phát triển tạo nên nhóm các ngành công nghiệp mới, tạo tiền đề cho “đại nhảy vọt” (leapfrogging). Công nghệ mới đóng vai trò như một cơ hội để các quốc gia chậm trễ như Việt Nam có thể bắt kịp, vì ta có thể bước vào các ngành công nghiệp đang nổi lên mà không bị ràng buộc hay thanh toán những công nghệ trước đó hay bị kẹt vào các công nghệ hiện có. Cơ hội tồn tại với các công nghệ mới nổi liên quan trực tiếp đến cách mạng công nghiệp 4.0.
Các nước mong muốn cạnh tranh sản xuất thành công trong tương lai cần phải đầu tư vào các nguồn lực và phát triển một chiến lược để tận dụng cơ hội trong tương lai, xây dựng hoặc chuyển đổi cơ sở sản xuất của họ. Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Tuy nhiên, có một số nhân tố không thể phát triển một cách độc lập tại từng quốc gia. Ví dụ, các hệ thống sản xuất kết nối toàn cầu không chỉ đòi hỏi công nghệ tinh vi mà còn các tiêu chuẩn, định mức và khả năng tương tác trong một hệ thống đa dạng.
Các quy định và khuôn khổ pháp lý cho các công nghệ mới nổi được phát triển ở cấp độ toàn cầu so với từng nước một cách độc lập có thể mang lại hiệu quả to lớn và cải thiện việc kinh doanh dễ dàng qua việc hợp tác trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Hợp tác khu vực cũng có thể giúp Việt Nam tận dụng sức mạnh tập thể để cạnh tranh trên quy mô toàn cầu.
Mỗi quốc gia đều phải đối mặt với những thách thức mà không thể giải quyết được một cách độc lập bởi khu vực tư nhân hoặc khu vực công. Các quốc gia như Việt Nam có thể đẩy nhanh sự sẵn sàng và chuyển đổi bằng cách tận dụng khu vực tư nhân tích cực hơn trong việc giải quyết các thách thức ở cấp độ vĩ mô.
Khó khăn nhất đối với các quốc gia đang phát triển này là khung thể chế - nền tảng cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Tiếp theo là nguồn nhân lực, bởi một lực lượng lao động hấp dẫn và có tay nghề cao là đặc biệt quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng sản xuất truyền thống và tiên tiến. ■
(*) CHUYÊN GIA TƯ VẤN CHIẾN LƯỢC MVV GROUP.
Điểm sáng: - Khung thiết chế: Việt Nam được xếp hạng trung bình 53/100 trong đó mặc dù có những lo ngại về tham nhũng (xếp hạng 78/100) nhưng chính phủ được xem là có quyết tâm và hành động có kế hoạch và định hướng tốt (xếp hạng 43/100). Hiệu quả của việc điều hành được xếp hạng 65/100. - Môi trường cung cầu: xếp hạng 39/100, trong đó Việt Nam là thị trường lớn (xếp hạng 29/100). - Chỉ số thương mại (trade% GDP): xếp thứ 5. - Đầu tư chính thức: xếp thứ 7. - Giá trị gia tăng trong nền kinh tế: xếp thứ 9. - Tín dụng trong nước cho khu vực tư nhân: xếp thứ 19. - Dòng tiền FDI: xếp thứ 27. - Nguồn nhân lực cho sản xuất: xếp thứ 28. - Mua sắm sản phẩm công nghệ của chính phủ: xếp thứ 31. - Số điện thoại di động trên 100 dân: xếp thứ 39. |