Giải mã sự lăng nhục trên internet

Tuổi Trẻ Cuối Tuần

TTCT - Công nghệ số và truyền thông đang mơn trớn và khuếch đại những nét tàn nhẫn trong chúng ta như thế nào? Đâu là yếu tố tâm lý đằng sau não trạng của căm ghét? Làm thế nào để không hòa mình vào đám đông cuồng nộ mất lý trí để lăng nhục người khác? Và quan trọng hơn hết, là làm thế nào đi lên con đường của ngôn từ bất bạo lực, của thấu cảm và khoan dung?

Giải mã sự lăng nhục trên Internet

TTCT - Tại sao chúng ta lại nổi nóng về những thứ và những người xa xôi không liên quan nhiều tới chúng ta?

Giận dữ
Giận dữ

Một trong những hành vi phổ biến nhất của con người cũng là một trong những điều khiến chúng ta rối trí nhất: Khuynh hướng chúng ta nổi giận khi nói chuyện của... người khác. Bất cứ ai có tài khoản Facebook, Twitter hay chơi diễn đàn đều biết chuyện người ta có thể đỏ mặt tía tai khi lên án sự sai trái của những người khác ra sao.

Một ví dụ là trường hợp của Justine Sacco, cựu giám đốc truyền thông của Công ty IAC, viết trên Twitter: “Chuẩn bị đi châu Phi. Hi vọng sẽ không bị AIDS. Đùa thôi. Tôi là người da trắng mà!”.

Nói như thế quả là ngu xuẩn. Sacco xứng đáng bị phê phán nghiêm khắc vì điều đó. Nhưng hàng nghìn, hàng nghìn người đã phản ứng lại tin nhắn Twitter đó, cực đoan tới mức, như nhà báo Jon Ronson đã giải thích, không chỉ sự nghiệp mà cả cuộc đời của Sacco lao dốc. Nên nhớ trước đó cô là một người hầu như vô danh, với chỉ 170 người theo dõi trên Twitter.

Nếu mục đích tối thượng của sự trừng phạt là sửa chữa hành vi sai lầm tồi tệ của Sacco, thì cô hẳn đã hiểu được sau vài trăm tin nhắn trả lời trên Twitter. Nhưng tại sao đám đông lại trở nên đông đúc và dữ tợn như thế?

Loài người là loài duy nhất thích trừng phạt đồng loại

“Có vẻ như não bộ của chúng ta được thiết kế thích thú với việc trừng phạt người khác” - Nichola Raihani, một nhà tâm lý học nghiên cứu về sự hợp tác của con người ở Trường University College London, nói với vox.com.

Với những nhà nghiên cứu như Raihani, đây là một bí ẩn của tạo hóa. Trừng phạt những người lạ là một hành vi nguy hiểm. Họ có thể đáp trả và làm hại chúng ta, do đó đe dọa tới sự sinh tồn của chúng ta trong dài hạn. Trong khi đó, Darwin đã khẳng định rằng sự tiến hóa là để giúp ích cho sự sinh tồn trong dài hạn.

Trừng phạt một bên thứ ba không hoặc rất ít liên quan tới mình, giống như “nhảy khỏi vách đá”, Raihani so sánh. Nhưng đây lại là một đặc điểm mang tính bản chất của loài người. Hệ thống công lý của chúng ta được xây dựng trên những thẩm phán và bồi thẩm đoàn, tức không gì khác là một tập hợp những kẻ thuộc một bên thứ ba đóng vai trò người trừng phạt. Không loài vật có trí khôn nào trên Trái đất thích thú với việc trừng phạt đồng loại như con người, ngay cả loài tinh tinh, loài có vú gần gũi nhất với chúng ta.

Chúng ta “máu lửa” hơn khi nhân danh người khác

Các nhà tâm lý học từng thực hiện các nghiên cứu cho phép những người tham gia xử lý những người làm sai trong môi trường phòng thí nghiệm, và lựa chọn áp đảo là sự trừng phạt. Các nghiên cứu chụp ảnh hệ thần kinh cho thấy trừng phạt người khác kích hoạt các vùng phần thưởng trong não bộ, có nghĩa là nó mang lại cảm giác thích thú cho chúng ta.

Một thí nghiệm năm 2014 của Đại học New York đã tìm hiểu xem trong những cảnh huống nào con người có thể lựa chọn các giải pháp khác thay vì sự trừng phạt sau khi chứng kiến một hành vi sai trái.

Theo đó, trong một trò chơi chia một gói 10 USD cho vài người, những người tham gia nghiên cứu được lựa chọn hoặc trừng phạt kẻ ích kỷ (những người lấy nhiều hơn phần chia công bằng) hay đền bù cho các nạn nhân (những người lấy đúng hoặc ít hơn).

Kết quả thật đáng tò mò. Khi chính những người tham gia là nạn nhân của sự bất công, họ thường ít khi lựa chọn sự trừng phạt, mà muốn được bồi thường (chỉ có hai bên). Nhưng khi họ ra quyết định đại diện cho những người khác (như một bồi thẩm đoàn, một bên thứ ba), họ liên tục ra phán quyết trừng phạt.

“Điều đó thật trái với trực giác của chúng ta - Oriel Feldman Hall, người đứng đầu nghiên cứu, nói - Tại sao chúng ta lại có thể khoan dung khi là nạn nhân, nhưng không chấp nhận điều đó khi là một bên thứ ba?”.

Một lời giải thích khả dĩ là khi tội ác hay điều sai trái xảy ra với người khác, nó trở nên mơ hồ hơn với chúng ta. Khi đối mặt với sự mơ hồ, não bộ của chúng ta sẽ lựa chọn những con đường tắt (trong trường hợp này, con đường tắt rất đơn giản: “tội ác phải bị trừng phạt”). Nhưng khi chính chúng ta là nạn nhân, tư duy của chúng ta phức tạp hơn.

Giận dữ

 Trừng phạt người khác là quảng cáo cho những tiêu chuẩn đạo đức của mình

Các nghiên cứu mới tìm thấy bằng chứng cho một giả thuyết khác: “Ý tưởng cơ bản là mọi người trừng phạt sự ích kỷ để quảng bá với mọi người rằng họ là đáng tin cậy” - Jillian Jordan, một nhà nghiên cứu tâm lý ở Đại học Yale, nói.

Giả thuyết này giúp làm sáng tỏ câu hỏi tại sao chúng ta lại tiến hóa theo hướng thích thú với sự trừng phạt. Khi chúng ta trừng phạt một sự sai trái về đạo đức, chúng ta thật ra đang quảng cáo rằng mình là tiêu chuẩn đạo đức. Đó là một cách để thu hút sự tin cậy của người khác, là điều sẽ có ích cho chúng ta trong dài hạn.

Jordan và các đồng nghiệp cũng đã thử nghiệm giả thuyết này bằng một thí nghiệm. Giống như thí nghiệm của Feldman Hall, đó là một trò chơi chia tiền cho một số người. Ở giai đoạn thứ nhất, một người tham gia được cho tiền để chia cho người thứ hai. Người thứ nhất có thể công bằng và chia đều số tiền hoặc có thể ích kỷ. Một người thứ ba quan sát toàn bộ quá trình và có thể lựa chọn trừng phạt người thứ nhất vì hành động ích kỷ.

Jordan thấy rằng khi thí nghiệm đó diễn ra nhiều lần, người chơi đóng vai trò kẻ trừng phạt sẽ dần nhận được nhiều sự tin tưởng hơn và các người chơi khác sẵn lòng chia tiền cho người đó hơn mỗi khi họ có cơ hội. Điều này cho thấy trừng phạt người khác có thể mang tới những phần thưởng hữu hình thật sự, một kỹ năng sinh tồn mang tính tiến hóa.

(Nhưng cũng phải nói rằng bày tỏ sự giận dữ không phải là cách duy nhất để tỏ ra mình có đạo đức. Jordan và các đồng nghiệp của cô thấy rằng những người tham gia nghiên cứu có các cách khác để bộc lộ bản thân họ - như cho thấy sự rộng rãi và vị tha, và giảm bớt nhu cầu trừng phạt).

Tốc độ thời gian thực của mạng xã hội cũng góp phần vào việc mọi người hăng hái hơn trong việc tham gia cuộc trừng phạt. Những thí nghiệm khi các nhà nghiên cứu đưa vào một khoảng thời gian “tạm nghỉ” giữa việc chứng kiến hành động sai trái và việc kết án, “đã giảm đáng kể khát khao trừng phạt”, theo lời Feldman Hall. Tức là nếu chúng ta lùi lại một chút và dành chút thời gian để ngấm vấn đề, chúng ta có thể sẽ độ lượng hơn (gợi ý quan trọng: Luôn đợi một phút trước khi nhấn nút “đăng” hay “gửi” bất cứ thứ gì trên mạng). 

Còn ở trên mạng thì sao? Mạng Internet và mạng xã hội là những điều vẫn còn quá mới mẻ với giới tâm lý và thần kinh học. Hiện vẫn chưa có lời giải thích rõ ràng và đầy đủ về việc những cơn giận nhân danh đạo đức, để “thế thiên hành đạo” lại dữ dội và tập trung đông người như thế trên Internet.

Mong muốn trừng phạt của chúng ta không phải lúc nào cũng logic (như trường hợp Sacco, người đã bị trừng phạt quá mức so với sai lầm của mình). “Nếu một nguồn cho sự giận dữ mang tính đạo đức của chúng ta là khát khao quảng cáo sự tốt đẹp của chúng ta, thì điều đó giúp chúng ta hiểu tại sao đôi khi những cơn giận dữ nhân danh đạo đức lại đi chệch đường ray” - David Rand, nghiên cứu viên cao cấp trong thí nghiệm của Jordan, nói.

Internet là một cách hoàn toàn mới để kích hoạt bản năng thích trừng phạt của chúng ta và khiến chúng trở thành làn sóng cuồng nộ. Twitter hay Facebook cũng giống như một chiếc hộp thí nghiệm cho loài chuột với người dùng mà những con chuột sau khi gạt cần sẽ nhận được một phô mai. Trên mạng, sau mỗi bình luận, mỗi lần like, mỗi đánh giá... chúng ta lại được tận hưởng sự thích thú của việc trừng phạt người khác công khai.

Chúng ta cứ gạt mãi cái cần đó mà không hề thấy sợ bị đáp trả, một phần vì chúng ta chỉ đối mặt với bàn phím và màn hình máy tính, chứ không phải những người mà chúng ta đang trừng phạt tập thể. Mạng xã hội đã tạo ra không biết bao nhiêu là Justine Sacco ở quy mô thế giới, và mỗi trường hợp như thế là một cơ hội không thể bỏ qua để hàng nghìn người có thể ghi điểm đạo đức.

Các nhà nghiên cứu tất nhiên hiểu rằng những thí nghiệm đơn giản hóa cao độ của họ không thể phản ánh trực tiếp thế giới thật. Những người tham gia không biết nhau, giá trị của phần thưởng rất nhỏ nhoi. Nhưng không thể chối cãi là những gì diễn ra trên mạng không khác nhiều trong phòng thí nghiệm (“Twitter phải nói là giống với phòng thí nghiệm của tôi hơn là thế giới thật” - Raihani nói).

Những mặt tích cực của hành động đạo đức trừng phạt mang tính bản năng là không thể phủ nhận. Nó cho phép chúng ta lên tiếng bảo vệ những người yếu ớt hay bị đối xử bất công. Nó giúp chúng ta sửa chữa những sai trái trong thế giới này và Internet thậm chí có thể tạo ra những phong trào với hàng trăm nghìn người tham gia chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Nhưng giữa một trận đồ bát quái của thông tin như ngày nay, bản năng đạo đức của chúng ta hoàn toàn có thể sai lầm.

Internet và mạng xã hội nói chung là “một diễn đàn thúc đẩy động cơ trừng phạt của chúng ta, khuếch đại nó và dẫn tới những phản ứng tập thể thái quá trong một số trường hợp, vì mỗi cá nhân đều muốn bày tỏ góc nhìn của mình - Jordan bình luận - Kết hợp tất cả những điều đó lại, chúng ta có một đám đông cuồng nộ”.■

 

Làm nhục mua vui và tàn nhẫn giải khuây

ĐẶNG HOÀNG GIANG 29/03/2016 20:03 GMT+7

TTCT - “Con người được sinh ra để vui. Nếu họ không vui được về cái đẹp của bản thân thì sẽ vui về cái xấu xí của người khác” (Franz Schönthan von Pernwaldt).

Ném đá
Ném đá

Hai bảo mẫu Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý bị tòa tuyên án 3 năm tù giam vì tội bạo hành trẻ em (ngày 20-1-2014), trước Tết Nguyên đán đúng 11 ngày. Đọc những phản ứng của cư dân mạng sau khi phiên tòa xảy ra, một loại bình luận làm tôi chú ý, bởi chúng có điểm khác. Ví dụ, bình luận này được 15.000 likes: “Lý cho rằng không biết hành vi của mình là phạm tội mà chỉ muốn các cháu bé được ăn uống đầy đủ, ngoan ngoãn :)) anh cũng muốn hai em được ngoan”.

Một người khác phụ họa: “Giao hai cô này để mình trông giúp cho”.

Bình luận này cũng được 5.000 likes: “Ăn tết vui vẻ sau song sắt nhé hai em:)”.

Hai bảo mẫu Phương và Lý đã trở thành Internet meme, những tấm hình chèn chữ được cho là “vui nhộn” lan tỏa trên mạng như virút. Trở thành meme là minh chứng chắc chắn nhất cho sức hấp dẫn của một sự việc - nó chinh phục được cộng đồng mạng, làm họ thích thú và hào hứng để trình diễn sự “sáng tạo” của mình. Chế ảnh về hai cô bảo mẫu trở thành thời thượng, nó đóng góp cho “kho tàng văn hóa” mạng. Ai muốn sành điệu, người đó tham gia.

Các ảnh chế được một số tờ báo đăng lại một cách vô tư. Có tờ chạy một bài dài với các ảnh “xuất sắc” nhất. Trong một ảnh, một người đàn ông tóc tai bù xù giơ hai tay phát biểu: “Cô bảo mẫu này lên hình như thế, vậy là suốt đời sẽ không lấy được chồng nữa đâu nhỉ”. Tác giả bài báo xác nhận: “Câu nói đùa của dân mạng nhưng cũng là sự thật: vết nhơ này sẽ theo suốt cuộc đời của các bảo mẫu”.

Trong một ảnh chế khác, vẽ hình hai cô bảo mẫu đầu cúi gằm, đứng trước tường, bên trên là dòng chữ: “Là người Việt Nam lương thiện, tôi muốn pháp luật trả tự do cho đôi này”, và bên dưới là dòng chữ: “Từ độ cao 1.000m”.

Cứ như thể có thể nghe được tiếng cười khoái trá của đám đông vọng ra.

Những niềm vui thiệt hại

Chúng ta nhìn thấy điều gì ở đây? Một sự hài lòng, sung sướng, hả hê trước số phận của hai bảo mẫu. Người Đức dùng chữ Schadenfreude để chỉ cảm xúc này, kết hợp hai chữ Schaden (thiệt hại) và Freude (niềm vui). Niềm vui về cái bất hạnh, cái không may, cái tai họa, người ta vui chính vì cái tai họa đó rơi vào đầu người khác.

Có thể gọi đó là một niềm vui độc địa. Nó có thể kín đáo (ta thầm khoái trá khi thấy tay hàng xóm bị đâm móp chiếc ôtô mới tậu), hoặc có thể được phô trương không ngần ngại, trở thành giễu cợt, chế nhạo, châm biếm, được thông báo thẳng cho đối phương mà không cần che giấu. Triết gia Arthur Shopenhauer cho rằng niềm vui này là cảm xúc ma quỷ nhất mà người ta có thể có: “Ghen tị là một phần của con người, nhưng thưởng thức niềm vui trên nỗi đau của người khác thì là ma quỷ”.

Những bình luận “vui vẻ” về hai bảo mẫu chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khổng lồ. Vui khi người khác bị nhục và vui khi làm nhục người khác, đó là hai mặt của một đồng xu. 

Hiện tượng này phổ biến trong xã hội hơn là chúng ta tưởng và nhiều khi chúng ta tham dự vào nó một cách vô thức. Nó được thể hiện rõ nhất, công khai nhất, rộng khắp nhất, yêu thích nhất qua các chương trình truyền hình thực tế, khi nhiều thí sinh tối tối trở thành những chú hề bất đắc dĩ, thành trò cười cho hàng chục triệu người khắp cả nước.

Ngay từ năm 2002, thời truyền hình thực tế trên thế giới còn mới trứng nước, so với mức độ thô thiển của bây giờ thì một trời một vực, hai nhà nghiên cứu Brad Waite và Sara Booker đã đưa ra khái niệm humilitainment. Chữ này được cấu thành bởi hai chữ humilitation (làm nhục) và entertainment (giải trí), trong tiếng Việt ta có thể gọi là “làm nhục mua vui”. 

“Làm nhục mua vui” trên truyền thông là một xu hướng của văn hóa đại chúng, nó tạo ra những đấu trường La Mã của thời hiện đại, tái tạo những triển lãm đầu thế kỷ 20 đưa người lùn và người dị tật để đám đông thưởng ngoạn như trong sở thú. “Làm nhục mua vui” kiếm tiền bằng cách khuyến khích người khác biểu diễn những trò lố bịch, hoặc đặt họ vào những tình huống đáng xấu hổ.

Và nhiều người sẵn sàng trả tiền để xem. Báo chí thường xuyên đăng tải tỉ mỉ các “tiết mục thảm họa”, các pha “dở khóc dở cười”, các màn “khó đỡ” của các chương trình truyền hình thực tế. Thậm chí, các tiết mục này trở thành một vũ khí lợi hại của một số sô, cả nhà sản xuất, người xem và truyền thông đều rất ý thức được điều này. 

Năm qua, VTC News xác nhận: “Những màn trình diễn thảm họa luôn là “đặc sản” của Vietnam Idol qua các mùa” và bình luận tiếp: “Khán giả đã được... “cười thả ga” với những tiết mục “thảm họa” và những khoảnh khắc thú vị của ban giám khảo...”.

Lưu ý là chỉ ba năm trước, cũng trang này còn băn khoăn: “Got Talent: Câu khách bằng cách xúc phạm thí sinh?” và lên án chương trình “cố tình chọn các tiết mục làm trò cười cho khán giả”

Đây là một trích đoạn từ một bài báo năm 2012: ...yếu tố câu khách đã khiến đạo diễn chương trình Vietnam’s Got Talent trở nên coi thường thí sinh và gia đình họ khi khoét quá sâu vào những ngây ngô của gia đình thí sinh Lê Nguyễn Quỳnh Anh khiến họ trở nên lố bịch trước hàng triệu khán giả truyền hình. Hẳn sau này thí sinh 15 tuổi này sẽ còn phải đối mặt với nhiều những lời bàn tán dị nghị về cách cư xử của mình cũng như của gia đình. Có cần hay không khi phải gây tổn thương với thí sinh và người nhà thí sinh như thế để câu khách?”.

Giờ đây, những băn khoăn trên đã không còn, nhường chỗ cho những “trận cười thả phanh”, những “phút giây thư giãn”. Những phản ứng và nhận xét “vô cùng hài hước” của các giám khảo, được thảy vào mặt thí sinh và được mọi người tán thưởng, thì như thế này: “Em hát nghiến răng rất là ghê và cách hát của em cứ như đang đay nghiến ai đó” (giám khảo Quốc Trung), “Hình tượng của em là Thỏ mà sao em hát như Cáo vậy!?” (giám khảo Quang Dũng, với thí sinh đeo nơ to như tai thỏ).

Vui vì “so sánh xuống”

Đằng sau niềm vui độc địa là diễn biến tâm lý gì? Vì sao người ta thích xem người khác bị làm nhục?

Một lý giải tới từ thuyết so sánh xã hội, được xây dựng từ những năm 1950 bởi nhà tâm lý học Leon Festinger. Theo thuyết này, ta hay có xu hướng đánh giá bản thân không qua những chuẩn khách quan, mà qua việc so sánh mình với người khác. Ta thấy giá trị của mình được nâng lên khi người khác vấp ngã. 

Đó cũng là lý do những người thiếu tự tin thì hay có cái niềm vui độc địa này hơn những người khác. Một học sinh giỏi có thể sẽ thương cảm cậu bạn bị điểm kém, còn tay học kém sẽ khoái trá khi thằng bàn trên còn bị điểm thấp hơn mình và cảm thấy bản thân mình cũng “không đến nỗi”. Người thiếu tự tin thường xấu hổ và ghen tị khi thấy mình kém cỏi hơn, khinh khỉnh và kiêu ngạo khi cho rằng mình hơn người khác.

Và giống như những người nghiện, hằng ngày họ đi tìm lỗi của người khác để được sống trong cảm giác của người đứng bên trên. Richard Smith, tác giả cuốn Niềm vui từ nỗi đau, viết rằng chúng ta thích xem những “pha khó đỡ” trên truyền hình thực tế vì chúng làm ta thấy rằng cuộc đời của mình cũng không đến nỗi tệ. “Nhìn xuống”, như người ta vẫn nói, sẽ làm ta nhẹ nhõm hơn, vì ta thấy “không ai bằng mình”. Thuật ngữ chuyên môn ở đây là “so sánh xuống” và theo Richard Smith, nó đem lại một niềm vui khoái trá.

Niềm vui độc địa có một người chị ruột: ghen tị. Ghen tị là nỗi đau khi người ta thấy người khác thành công hay gặp may, niềm vui độc địa là niềm vui khi người khác vấp ngã. Đằng sau sự ghen tị cũng là sự tự ti. Càng tự ti thì càng hay ghen tị, càng hay ghen tị thì càng hay cười trên nỗi đau của người khác. 

Nhà văn Pháp thế kỷ 17 François de la Rochefoucauld viết: “Nếu bản thân chúng ta không có những khiếm khuyết thì chúng ta đã không khoái chí như vậy khi phát hiện ra những khiếm khuyết của người khác”. Nhà văn Mỹ Gore Vidal có một câu tự châm biếm nổi tiếng: “Mỗi lần một người bạn thành công, tôi lại chết ở trong lòng một ít”. Một câu khác, được cho là của nhà văn Somerset Maugham thì như thế này: “Sự thành công của ta không thôi không đủ, người khác phải thất bại nữa cơ”.

Đó cũng là lý do chúng ta dễ đồng cảm và yêu thương những người đã trải qua hoạn nạn hơn, chúng ta không ghen tị với họ. Họ không thể hơn ta được. Ngược lại, có điều gì không may xảy ra với người mà trước đó ta đã ghen tị với họ, ta sẽ thấy hả hê hơn.

Trong trường hợp của các bảo mẫu hay là hai người ăn cắp kính ở Thụy Sĩ, người ta còn hả hê vì cho rằng những người này xứng đáng bị như vậy. Lúc này, người ta có thể công khai trưng bày niềm vui độc địa của mình ra mà không phải che giấu nó hay xấu hổ về nó. Cảm xúc độc địa được khoác một cái áo là ủng hộ lẽ phải và công lý. 

Trong thực tế, tất nhiên, nó không liên quan gì tới công lý cả. Hãy hình dung một người bạn thân của bạn vi phạm pháp luật và chịu án tù. Bạn có thể buồn, đau xót, bạn có thể thấy hình phạt là hợp lý, nhưng bạn sẽ không hả hê vì công lý đã được thực thi. Lúc đó, nhìn những người hả hê, bạn sẽ thấy sợ hãi.

Liều thuốc tăng đô

Nếu niềm vui độc địa xảy ra khi chứng kiến kẻ khác gặp nạn, dù không nhất thiết góp tay tạo ra cái hoạn nạn đấy thì với nhiều người, điều đó không đủ. Họ cần một liều thuốc mạnh hơn, họ tàn nhẫn để giải khuây.

Trong số những clip bắt trộm, đánh trộm trên YouTube, một cái làm tôi chú ý. Khác những clip khác, ở đây người mất trộm - một thanh niên thấp và vạm vỡ - không đánh đập, không chửi bới, mà nhốt kẻ trộm trong một cái lồng gà lớn, nói một bài giáo huấn dài, rồi bắt anh ta hát hai bài. Kẻ trộm ngồi xổm trong lồng gà, đầu gối quá mang tai, vừa thút thít không ngừng vừa lí nhí và run run hát “anh yêu bình minh...”. Cậu thanh niên ngồi trên chiếc ghế nhựa đỏ bên cạnh, đánh nhịp một cách cường điệu. Clip kéo dài 4 phút và được hơn 600.000 lượt xem.

Phản ứng đầu tiên của tôi là bật cười, thậm chí còn khen thầm kẻ bắt trộm là sáng tạo. Chắc nhiều người cũng nghĩ giống tôi. Một người xem bình luận: “Rất khâm phục anh. Một đức tính nhân từ và vị tha và bản lĩnh”. Nhưng ngay sau đó tôi tự hỏi, liệu bắt nạn nhân phải hát hay múa, trong một trạng thái hoảng sợ, ở một tư thế quái đản, có phải là làm nhục không? Cái kỹ thuật này có phổ biến không, nó có kinh điển không? 

Tìm hiểu thêm, tôi phát hiện ra hành động của người bắt trộm này nằm trong một truyền thống lâu đời từ Đông sang Tây: dùng âm nhạc để làm nhục. Thật ra, nó được coi là một biện pháp tra tấn. (Tra tấn: theo định nghĩa của Tổ chức Ân xá quốc tế, được hiểu là hành vi cố tình và có hệ thống đem lại sự đau đớn về thể xác hay tâm lý trong một thời gian nhất định cho nạn nhân).

Cuốn Mặt tối của giai điệu: nhạc pop và bạo lực của hai tác giả Bruce Johnson và Martin Cloonan kể ra một loạt ví dụ. Trong cuộc nội chiến ở Nam Tư cũ, các tù binh người Croatia bị quân Serbs bắt hát quốc ca của Nam Tư hai lần trong ngày và bị đánh nếu họ không hát đủ lớn. 

Năm 2002, ở Zimbabwe, để trừng phạt việc bố một cô bé 12 tuổi tham gia phong trào dân chủ chống lại chính quyền, cô bé bị hiếp tập thể trong khi mẹ và các em cô chứng kiến và bị bắt hát các bài hát ca ngợi tổng thống Mugabe. 

Năm 2004, một sĩ quan Israel tại một trạm kiểm soát bắt một nhạc công Ả Rập chơi “nhạc gì đó buồn” trong khi những người lính khác đứng xung quanh chế nhạo, rồi mới cho anh ta đi qua.

Có hệ thống nhất là phát xít Đức, họ chọn ra các tù nhân biết chơi nhạc và lập ra các dàn nhạc ở các trại tập trung. Riêng trại khét tiếng Auschwitz có tới sáu dàn nhạc, mỗi dàn nhạc có tới hơn 100 nhạc công. Các nhạc công được hưởng một chế độ ăn uống tốt hơn, được tắm rửa hằng ngày và chừng nào họ còn chơi được nhạc thì không bị cái chết đe dọa. Một trong những nhiệm vụ của các dàn nhạc là chơi thể loại nhạc du dương hoặc quân nhạc trong khi những tù nhân khác bị dẫn vào lò thiêu. 

Trong cuốn sách Chơi nhạc câu giờ (Playing for time), bà Fania Fénelon, một nhạc công ở trại Auschwitz, kể lại trải nghiệm cá nhân: “Chúng tôi phải chơi nhạc liên tục hàng giờ liền và trong thời gian đó, mắt chúng tôi dõi theo hàng ngàn người xếp hàng bước đều vào các lò thiêu và phòng hơi ngạt”. Tỉ lệ tự tử của các nhạc công cao hơn của tất cả các nhóm tù nhân khác trong trại.

Tác giả M.J. Grant cho rằng bắt nạn nhân hát hay múa là cách khẳng định tuyệt đối nhất, đắc thắng nhất quyền lực và vị trí thượng đẳng của kẻ tra tấn. Hơn bất cứ cú đấm đá nào, sự làm nhục này bẻ gãy lòng tự trọng, cái tôi và nhân phẩm của người kia. 

Hơn tất cả các bạo lực vật lý, sự làm nhục tinh thần chạm tới cái cơ bản nhất của cá nhân người kia. Khi người ta không còn được kiểm soát những âm thanh mình phát ra, phải đóng giả vui vẻ trong một trạng thái hoảng loạn, sự quy hàng là tuyệt đối. Bị chiếm đoạt giọng nói, phải nói giọng của người khác còn kinh khủng hơn là bị ra lệnh câm mồm. Nó tương đương việc lính Mỹ bắt các tù nhân Iraq trong trại Abu Ghraib thủ dâm để họ xem. Hay việc người theo đạo Hồi bị bắt phải tiểu tiện bên trong nhà thờ Hồi giáo của mình, như đã xảy ra trong cuộc nội chiến ở Nam Tư cũ. Nó bắt người ta tự tay xóa sổ danh dự của mình. 

Chết cũng không thoát

Không phải ai cũng “may mắn” tóm được trộm trong nhà để có thể quay một clip có hơn nửa triệu người xem. Nhiều người bằng lòng với những cái khiêm tốn hơn. Hàng tháng trời, Nhâm Thị Hồng Phương, một trong hai người ăn cắp kính ở Thụy Sĩ, bị khủng bố điện thoại. “Cứ từ chiều, khi họ bắt đầu uống vào, họ gọi tới chửi bới, hay nhắn tin đe dọa, kéo dài tới tận đêm”. “Họ độc ác lắm anh ạ” - Phương nói với tôi trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Cái ta nhìn thấy ở đây là sự tàn nhẫn khi người ta nhàn hạ: buổi chiều tan việc, ta tụ tập làm cốc bia và hành hạ người khác chơi. Ở trên mạng, tàn nhẫn giải khuây lại càng dễ. Nhiều khi nó chỉ mang hình dạng của nút share. Giữa tháng 6-2015, nữ sinh T., 15 tuổi, ở Đồng Nai, bị bạn trai tung clip sex lên mạng. Chỉ trong hai ngày, có gần 300.000 người xem, 18.000 likes, 4.000 lượt share, hàng ngàn bình luận, vừa đay nghiến vừa cợt nhả. “Hàng ngon thế!”“Đẹp mặt chưa bé gái!”“Bị tung clip là đáng, mới tí tuổi đã đua đòi”.

Bố mẹ T. van xin cộng đồng mạng “hãy tha cho cháu”. Cộng đồng mạng lại càng đổ xô vào, cùng nhau khui ra trang Facebook của T. và bạn trai. Hàng ngàn người follow T., chuyền nhau các ảnh cá nhân, bình phẩm về cơ thể của T., gọi cô là bán dâm chuyên nghiệp, và rủa: “Chết đi đồ hư hỏng”.

Hai hôm sau, T. uống thuốc diệt cỏ tự tử.

Sau cái chết của T., người ta vẫn tiếp tục dè bỉu “không biết giữ mình thì bây giờ trách ai?” hoặc “có ai bắt nó phải chết đâu”. Người chết thì không nghe được, nên họ quay ra lăng nhục bạn trai cô: “Đ.M thằng chó... hên cho mày là đéo gặp tao... gặp là mày chết mẹ mày với tao rồi”“Loại này chết đi là vừa, sống chi cho chật đất”.

Một động tác đưa cái clip lên mạng chưa làm T. chết, nó chỉ buộc cô vào một cái cọc, nhưng hàng chục ngàn người xem và chuyền tay nhau, mỗi người đã góp một viên đá để ném cô tới chết.

Tôi cố gắng đi qua hàng trăm bình luận trên mạng, một công việc khó khăn. Xen lẫn giữa các câu lăng mạ kiểu “kiếp sau cho nó thành chó thiến” là trùng trùng những câu hỏi nhớn nhác “ai có clip hk cho xem với”

Trong nửa sau của tháng 6-2015, “nữ sinh 2000” là từ khóa được tìm nhiều nhất. Khác với các trường hợp bảo mẫu hành hạ trẻ, hai người ăn cắp kính, Hồ Ngọc Hà hay Dương Tường, ở đây họ tàn nhẫn không phải vì căm ghét mà để tiêu khiển.

Tàn nhẫn giải khuây không chỉ giới hạn ở cư dân mạng Việt Nam. Hiện tượng trolling, tạm gọi là đầu gấu trên mạng, lên mạng chỉ với mục tiêu làm nhục, miệt thị, quấy rối, khiêu khích người khác, đã trở thành nỗi đau đầu của nhiều quốc gia. 

Cuối tháng 3-2015, một phi công của Hãng hàng không Germanwings trong khi bay từ Barcelona (Tây Ban Nha) tới Dusseldorf (Đức) đã đâm máy bay vào vách núi tự sát, kéo theo cái chết của 150 hành khách, trong đó có nhiều người vùng Catalan của Tây Ban Nha, vốn có truyền thống đòi tự trị. 

Ngày hôm sau, trên Twitter đầy những tin ăn mừng. “Nếu có tụi Catalan trên đó thì vụ này hay đấy”“Một máy bay đầy dân Catalan và Đức rơi ở Pháp. Ba lần thắng lớn!”“Từ từ nào, có gì kinh khủng đâu. Tụi Catalan trên máy bay ấy mà, không phải người đâu”.

Một trò được các troll - đầu gấu mạng - ưa thích là vào các trang tưởng niệm người quá cố trên Facebook, lăng mạ gia đình người chết hay khách viếng thăm trang đó. Hiện tượng này được nhà nghiên cứu Whitney Phillips đặt tên là “RIP trolling”. Các troll không cần tiền, mục tiêu của họ là tiếng cười khoái trá, thu hoạch được từ những phản ứng của người bị làm nhục.

Tình hình tệ tới mức năm 2015, cả New Zealand và Anh đều ra một đạo luật chống troll, với mức án tới 2 năm tù giam. Bộ trưởng Tư pháp Anh Chris Grayling phát biểu: “Đây là những kẻ hèn nhát, chúng đầu độc cuộc sống của quốc gia. Điều luật này nhằm chống lại sự độc ác, nó đánh dấu quyết tâm của chúng ta ngăn chặn những kẻ du côn trên mạng”.

Theo tờ Telegraph của Anh, năm 2015, trong khuôn khổ Luật giao tiếp ác ý (Malicious Communications Act) của nước này, trung bình cứ mỗi ngày có năm người bị kết án vì đã gửi tin nhắn, email...với mục đích lăng nhục, khủng bố người khác, một con số cao gấp 10 lần so với thập kỷ trước.

Phải chăng chúng ta đang sống trong một văn hóa của căm ghét và làm nhục? Và nếu phải, những yếu tố gì tạo ra nó, tưới tắm để nó nảy nở?■

Cuộc chiến của các "mẹ sề"

ĐẶNG HOÀNG GIANG 22/03/2016 21:03 GMT+7

TTCT - Tiếp theo bài "Bảy bước đi của căm ghét", câu chuyện được nói tới sau đây nằm trong tuyến bài bàn về việc công nghệ số và truyền thông đang mơn trớn và khuếch đại những nét tàn nhẫn trong chúng ta như thế nào, về yếu tố tâm lý đằng sau não trạng của căm ghét... Sau cùng, là lời mời người đọc đi lên con đường của ngôn từ bất bạo lực, của thấu cảm và khoan dung.

Minh họa:
Minh họa: 

Xìcăngđan của Hồ Ngọc Hà bắt đầu vào cuối tháng 5-2015, khi trên Internet bắt đầu trôi nổi một bức ảnh được cho là chụp cô người mẫu - ca sĩ này trong một tư thế âu yếm với một người đàn ông. 

Tôi đã nhìn bức ảnh khá kỹ. Trong ảnh, người ta nhìn thấy một cô gái được chụp từ phía sau. Ngồi bên trái cô là một người đàn ông mặc sơmi trắng, anh ta nhoài người qua phía cô. Mặt người đàn ông chìm trong bóng tối, tay phải anh ta quàng qua vai trần của cô gái. Vô tình, bàn tay trên vai trần nằm trong nguồn sáng duy nhất của không gian. 

Một bức ảnh hoàn hảo để kích hoạt các cảm xúc khác nhau.

Tụ tập trong niềm “căm ghét” chung

Như thường lệ, cộng đồng mạng bắt tay vào “điều tra”. Người ta nhanh chóng đi tới kết luận người đàn ông này là một đại gia trẻ có quá khứ buôn bán ngà voi, sừng tê giác và kim cương ở Nam Phi, và quan trọng hơn: đã có vợ và ba con. 

Trong những tháng tiếp theo, một cơn phẫn nộ có một không hai hình thành, lên án hành vi “vô đạo đức”, “cướp chồng” của Hồ Ngọc Hà, đi kèm với một chiến dịch dữ dội tẩy chay những mặt hàng được cô quảng cáo.

Tôi bắt tay vào đọc một cách có hệ thống những trang Facebook, những thảo luận trên Webtretho, những bài báo và những bình luận ở dưới chúng, và nhận ra ở những nét chính, chiến dịch “đánh” Hồ Ngọc Hà có đầy đủ các bậc thang căm ghét mà hai tác giả John Schafer và Joe Navarro đã đưa ra sau khi nghiên cứu các băng đảng đầu trọc ở California, tuy các cung bậc không hẳn tuần tự mà có độ giao thoa lớn.

Trước hết, những người căm ghét tụ tập lại:

Lần đầu tiên trên webtretho mình tham gia chung một phong trào với các mẹ, trong đây gặp toàn tai to mặt lớn, cả những người mình thích lẫn mình ghét, vui phết”.

Mục đích chung, đánh Hồ Ngọc Hà, có thể làm người ta vượt qua những mối thù cũ. Kẻ thù của kẻ thù là bạn của ta.

Họ hình thành một nhóm người và đặt tên cho nó. Gọi là nhóm thì không đúng - riêng trang Facebook Hóa đơn không Hà (hàm ý không mua những mặt hàng được Hồ Ngọc Hà đại diện) đã có hơn 40.000 thành viên - và họ xây dựng một bản sắc riêng của nhóm: “#hoadonkhongha là một chiến dịch kết nối những con người biết yêu sự bình yên, là chiến dịch của những người biết mình đang làm gì với túi tiền của mình”.

Họ tạo cho nhóm một mục đích chung, đưa ra một diễn ngôn kiến tạo công lý và đại diện cho chính nghĩa: “Mọi người nhớ đồng lòng đồng tâm hiệp lực để đánh phò Hồ Ly trường kỳ kháng chiến nha mấy mẹ sề. Cố lên đời ko cho chúng ta công lý thì chính chúng ta sẽ tự tạo ra nó”.

Đúng như các nghiên cứu của John Schafer và Joe Navarro đã chỉ ra, họ tạo ra những ký tự, ngôn ngữ riêng. Họ tự gọi mình là các “mẹ sề” (*), biến đặc trưng cơ thể của mình thành một điểm gắn bó của nhóm. Họ gọi Hồ Ngọc Hà một cách coi thường là Hà Hồ, hay ma quỷ hóa thành Hồ Ly Tinh. 

Diễn ngôn của nhóm là “các mẹ sề” hợp lực nhau để giành công lý và bảo vệ sự bình yên của thế giới trước những yêu quái ngoài kia.

Họ chiêu mộ, thuyết phục những thành viên mới còn đang nghi ngờ, thắc mắc về mục đích của họ, dùng những ngôn từ của những người hoạt động xã hội, nâng vấn đề lên tầm quốc tế: “...tại vì bạn chỉ biết có bản thân và bàng quang (viết sai chính tả trong nguyên văn-NV) (trước) nỗi đau của người khác, miễn ko ảnh hưởng (tới) bạn là đc. Chúng tôi ko giống bạn. Thế giới này trước nay đã phải chịu tổn thất rất lớn. Không phải vì sự tàn ác của những người xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt”.

Họ động viên nhau, xây dựng tình đoàn kết: “Mình phục các mẹ quá, cực kỳ ấn tượng cố lên 1 triệu bà mẹ ở Webtretho chả lẽ lại thua con Cáo này sao”.

Một người khẳng định mình trước báo chí khi có người nghi ngờ cho rằng họ không thể có đủ công sức, thời gian và chất xám để có thể tấn công Hồ Ngọc Hà “một cách bài bản”: 

1. Chất xám chị có thừa để đọ với em Hà, chị đây có bằng cấp đầy đủ cao học thấp học, kinh tế học, luật học... nhá, lại cũng có mấy chục năm lăn lộn chiến trường rồi, kinh nghiệm cũng không ít để đua với em HLT đâu. 

2. Thời gian: Chị dù quản lý doanh nghiệp nhá, nhưng chị đây cũng 2 tay 3 máy, trong đó 1 máy chuyên dùng để f5 cái topic này để không sót bài nào nhá. Ngoài ra chị vẫn chăm con chị ăn ngủ đàng hoàng, chơi ôtô xe ủi với con và thủ thỉ dạy con tẩy chay tránh mác hà hồ đàng hoàng, rửa đít tắm giặt cho con chị cũng chả cần osin nhá. 

Thậm chí đêm đến chị vỗ đít cho con ngủ, chị nằm cạnh nó chị vẫn lướt webtretho, face vèo vèo vèo để check k sót tí nào nhá. Chị rảnh cực! 

3. Công sức: Cứ comment xong thấy mệt mệt chị lại tu 1 hớp sữa, 1 hớp trà sâm, 1 hớp tổ yến chưng đường phèn, 1 hớp sinh tố, và 1 viên đa vitamin. Chị khỏe cực! 

4. Còn nữa, chị còn luôn được các mẹ sề ở đây tung hoa, động viên tinh thần và các chị cũng luôn động viên lẫn nhau để chiến dịch này đảm bảo lâu dài, cho đến khi đạt được thắng lợi. Các em báo chí thấy chị đáng yêu chưa?”.

Khác với các thanh niên đầu trọc ở California, ngoài sự thù hận, có những “mẹ bỉm sữa” còn xây dựng lực lượng dựa trên các cảm xúc khác. Khi các trang diễn đàn bị Facebook khóa tài khoản quản lý, họ dùng nước mắt để đoàn kết:

“...chiều nay tôi rơi nước mắt khi chứng kiến Hội tẩy chay Hồ Ngọc Hà bị tấn công liên tục trong mấy tiếng đồng hồ liền. Em admin báo, “con vừa bị report, có nguy cơ bị mất nick, nhưng mọi người đừng lo, con bị reported thì sẽ có những admin khác đứng ra lo cho hội!”. 

Tôi tận mắt nhìn thấy những tin nhắn của em biến mất, những thông báo KHUẨN (viết sai chính tả - NV) của em không còn. Tôi rơi nước mắt khi nhìn thấy những nỗ lực của các bạn kêu gọi nhau chụp lại màn hình để lưu lại thông tin. Thế lực nào đang đứng sau một cô ca sĩ hạng Z để hủy hoại cái mảnh đất tôi đang sinh sống thế này?”.

Và qua đó hạ quyết tâm: “...các bạn đừng chùn bước vì bên cạnh các bạn còn có lẽ phải, còn có những tấm lòng của những bà mẹ như chúng ta sẽ. Không lùi bước vì bất cứ một lý do nào, và bất cứ thế lực nào. Sự phẫn nộ của các bà mẹ sẽ không có một thế lực nào có thể ngăn cản được bởi vì đơn giản chúng ta là những bà mẹ”.

Song song, đúng theo John Schafer và Joe Navarro, người ta dè bỉu, nói xấu đối tượng bị căm ghét: ““Nữ hoàng giải trí” > “Nữ hoàng chỉ gi...” ha ha”... Và nếu các nhóm đầu trọc hay sử dụng các tụng ca (hymn) và các bài văn căm ghét riêng của mình thì các “mẹ bỉm sữa” có khá nhiều thơ, vẻ, đủ các thể loại.

Giờ em như gái ăn sương - Bôn ba khắp chốn tìm đường mưu sinh... - Giờ đây em đã hết thời - Núi kia hết củi, để mồi lửa thơ - Kim cương có lúc cũng mờ - Của thiên trả địa vật vờ thân em...”.

Báo chí, nếu có tiếng nói nào chừng mực về Hồ Ngọc Hà, cũng nằm trong thành phần bị lăng mạ. Bạn của kẻ thù là kẻ thù: “Bọn lều báo nó cho ngậm... đầy mồm rồi thì bảo viết gì nó chả viết”. Mức độ miệt thị, chế nhạo, lăng mạ tăng dần. Bạo lực trong ngôn ngữ được thể hiện ra không giấu giếm. 

Cho xin hai cái gạch chéo hoặc đống shit vào mặt nó với bạn ơi, nhìn thế này e đau mắt lắm” (bình luận về một ảnh chân dung của Hồ Ngọc Hà); “Khỏi gạch chéo mặt làm gì, mẹ nào nhanh tay thay cái mặt của nó thành mặt con chó gặm cục kim cương là được”.

Ý tưởng này đã được thực hiện với chút cải biên. Một "mẹ sề" khác đề nghị: “mình có ý tưởng ảnh như thế này: HH giẫm trên xác tê giác cụt sừng đầm đìa máu, 1 tay cầm kim cương, 1 tay cầm giáo mác xỉa vào gia đình + trẻ con. Nền là các nhãn hiệu Lavie, Yamaha, Cali,...”. Ý tưởng về những kiểu ảnh chế này làm liên tưởng tới các khẩu hiệu graffiti chống người nước ngoài mà các băng đầu trọc hay xịt lên tường.

Thú vị không, tôi thưởng thức sự căm ghét của mình còn hơn bất cứ khi nào tôi thưởng thức tình yêu. Tình yêu thất thường. Mệt mỏi. Đòi hỏi. Tình yêu sử dụng chúng ta, nó thay đổi ý. Nhưng sự căm ghét, đó là một thứ mà bạn có thể sử dụng. Nhào nặn nó. Dùng nó. Nó cứng, nó mềm, tùy như bạn cần. Tình yêu làm bạn xấu hổ, nhưng sự căm ghét nâng niu bạn” (Janet Fitch )

Hành động thực của căm ghét

Các “mẹ sề” bền bỉ tìm cách gây ảnh hưởng tiêu cực tới công việc của Hồ Ngọc Hà, một động thái tương đương với việc nói xấu và tung tin đồn trong ví dụ công sở của John Schafer và Joe Navarro đã được dẫn ở bài trước. 

Một “mẹ” thảo một bức thư gửi VTV, phản đối chuyện Hồ Ngọc Hà được mời làm giám khảo cho chương trình truyền hình thực tế “Giọng hát Việt nhí”:

“...Chúng tôi không hiểu tiêu chí về giọng hát của Việt Nam thay đổi ra sao hay vũ đạo trườn bò kích dục trên sân khấu chính là tiêu chí mới cho một thế hệ giọng hát Việt trẻ sau này. Phải chăng Giọng hát Việt nhí sẽ không cần một giọng ca thật sự mà đưa một người như Hồ Ngọc Hà vào dạy các con hát lào khào không rõ tiếng và dạng háng, lăn lộn, và rũ rượi...”.

Một “mẹ” khác đề xuất gửi thư lên các lãnh đạo nước ngoài của các nhãn hàng đang được người mẫu này quảng cáo. 

Đây là một trích đoạn của bức thư, nguyên bản viết bằng tiếng Anh: “Dear... (tên nhãn hàng/giám đốc nhãn hàng)... Là những phụ nữ Việt, dù đã có gia đình hay chưa, chúng tôi luôn cố gắng để trở thành những phụ nữ thành công, những người vợ và mẹ tận tụy. Chúng tôi chọn những sản phẩm giúp chúng tôi hoàn thành trách nhiệm và mong muốn của mình một cách nhẹ nhàng. 

Tuy nhiên, cô Hồ Ngọc Hà, người đại diện cho nhãn hàng của quý vị, không chỉ ra những phẩm chất đó. Mặc dù là một người của công chúng và một ca sĩ nổi tiếng, cô không cố gắng giữ một lối sống sạch sẽ. 

Trong quá khứ cô ta đã có nhiều quan hệ với đàn ông có gia đình, ví dụ như... (em ko nhớ rõ nên các mẹ lôi các vụ cướp chồng trong quá khứ ra nhé). Gần đây nhất cô ta công khai đi lại với một người đàn ông giàu có đã mang tiếng là buôn bán sừng tê giác và kim cương. Chúng tôi rất tức giận...”.

Cuối cùng, bằng những khái niệm tiếng Anh đúng chuyên môn 100%, bức thư đề xuất công ty chọn người đại diện một cách kỹ lưỡng để “bảo vệ thị phần” của mình và giữ “vị trí của nhãn hàng”. 

Ngay lập tức, các biện pháp tẩy chay các mặt hàng mang khuôn mặt Hồ Ngọc Hà được triển khai rầm rộ. Một “mẹ” tường thuật cuộc cách mạng trong thế giới nội trợ của mình: “Khuấy động phong trào nè, nhà mình đã, đang đổi: Dove sang The Bol: đã dùng hết 1 tuýp The Bol, hiệu quả đáng ngạc nhiên, da mềm, mịn, mướt mát lắm. Milo => Kun Cacao, sữa trong Kun này là sữa tươi chứ hem phải sữa công thức như Milo. Cá nhân mình thấy uống ngon hơn, thik hơn. 

Trước là fan cuồng của PS mấy chục năm. Cơ mà mấy năm gần đây răng toàn bị mòn cổ, hàn suốt mà k ăn thua. Colgate bt, chả thik mấy. Dùng sang Aquafresh thấy thik hơn nhiều. Vĩnh biệt PS nhá”.

Giống các thanh niên trọc đầu trong các nghiên cứu của John Schafer và Joe Navarro, các “mẹ sề” nhấn mạnh sự hi sinh của mình - thay đổi thói quen, phong cách sống - cho mục đích lớn: “E nghỉ tập Cali, dù rất thích ở đấy nhưng có gương mặt đại diện là Hà Hồ. Unilever à? Chuyển hết qua Palmolive luôn! Quan trọng là k có gương mặt Hồ Ly Tinh”.

Một ông bố trẻ, hiếm hoi trong diễn đàn, cũng hi sinh: “Hôm qua con vợ mình đi mua 1 gói omo về đến nhà mình bảo nó mang đi đổi loại khác nó ko chịu mình tát nó 2 phát giờ nó bỏ về nhà ngoại rồi! Bây giờ phải tự nấu ăn các bạn ạ”.

Đến lúc này tôi đã đi qua hàng trăm trang của các diễn đàn hay nhóm Facebook. Liệu khi nào thì sự căm ghét lên tới đỉnh điểm? Và rồi, sự tấn công bằng ngôn ngữ, bạo lực ngôn từ ở mức cao nhất, thể hiện mong muốn cháy bỏng gây hại, phá hủy đối tượng bị ghét, cũng xuất hiện. Bình luận này xuất hiện 8 tháng sau khi xìcăngđan nổ ra:

Bó chiếu quăng xuống hố luôn”.

Một bình luận khác về một bức ảnh Hồ Ngọc Hà đang trên sân khấu, trong tư thế quỳ gối, chống tay xuống sàn, trán quấn một vòng dây kết hoa:

“Nhìn giống chó đang giành quá. Sợi dây quấn ở đầu phải nó quấn ở cổ thì còn đẹp hơn nhiều. Ka ka”.

Một đề nghị khác rất cụ thể:

“Con hồ ly này cứ phải ăn trọn gáo Axit thì thật yomosst”.

Những bạo lực bằng ngôn từ này không khác gì việc các thanh niên đầu trọc cầm gậy bóng chày và chai bia vỡ xáp vào một người da màu, vì anh ta “phạm tội” cặp với một cô gái da trắng. Ở trên mạng, với Hồ Ngọc Hà, các “mẹ sề” đã đi hết các cung bậc mà họ có thể đi.

Cũng giống như các thanh niên đầu trọc không thể ngừng ghét, sự căm ghét mà các mẹ dành cho cô người mẫu này dường như là vĩnh cửu. 

 "Phần lớn sự căm ghét là dựa trên sợ hãi, kiểu này hay kiểu khác. Đúng vậy, tôi quấn quanh mình sự giận dữ, với một nét căm ghét, và ở dưới đáy của tất cả là trung tâm băng giá của sự khiếp sợ thuần khiết"

​                                Laurell K. Hamilton

Khi tôi bắt tay vào tìm hiểu câu chuyện này vào đầu năm 2016, tôi tưởng rằng cơn siêu bão đã có phần suy yếu, nhưng vào thời điểm tôi viết những dòng này, những bức ảnh mới chụp cô ca sĩ đang vui vẻ cùng đại gia kim cương ở Thái Lan, và lời cáo buộc trên Facebook của người vợ đại gia “Chị ngậm đắng nuốt cay cho em nhởn nhơ, nhưng xem ra em còn chưa thỏa mãn (...) em giỏi và bản lĩnh lắm, nhưng thất đức lắm em ơi” lại được chuyền tay nhau. 

Chúng như những giàn khoan trên biển bị nổ, đổ một nguồn dầu mới vô tận vào biển lửa thù hận.■

(*) Chú thích: "Mẹ sề" là từ mà chính những phụ nữ ghét Hồ Ngọc Hà tự gọi bản thân, biến đặc trưng cơ thể của mình thành một điểm gắn bó của nhóm.

Kỳ sau: "Làm nhục mua vui và tàn nhẫn giải khuây"

Bảy bước đi của căm ghét

ĐẶNG HOÀNG GIANG 16/03/2016 04:03 GMT+7

TTCT - Có điểm gì chung giữa Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý - hai bảo mẫu bị tuyên án tù giam vì hành hạ trẻ em, Nhâm Tiến Dũng và Nhâm Thị Hồng Phương - hai anh em bị bắt ở Thụy Sĩ vì đã ăn cắp kính, ca sĩ Hồ Ngọc Hà, dịch giả Dương Tường và nữ sinh T. 15 tuổi khi em tự tử? Họ đều đã là tâm điểm của những cơn bão mạng, là đối tượng của làm nhục công cộng ở mức độ khổng lồ.

Minh họa VIIP

Đằng sau sự phục hưng đáng kinh ngạc của hiện tượng làm nhục công cộng này là những chuyển động tâm lý và xã hội gì? Tác giả Đặng Hoàng Giang - người cũng từng đi qua những cơn bão căm ghét - đi tìm câu trả lời trong loạt bài về hình hài và tâm lý của căm ghét, độc địa và tàn nhẫn.

Tôi tự hỏi vì sao mình lại băn khoăn về câu chuyện của những người này - những người rõ ràng rất khác với bạn bè của tôi? Vì sao tôi không đưa họ ra khỏi đầu được, mặc dù có người đã ngồi tù hai năm nay?

Tại sao, khi mà câu chuyện của những người này dường như xảy ra ở một nơi xa xôi, tôi và họ quá khác nhau, chúng tôi ở trong những thế giới không liên quan gì tới nhau?

Một hôm khi đọc lại những thông tin về họ, bỗng nhiên tôi hiểu ra: mặc dù không muốn nhớ lại, tôi từng ở vị trí của họ. Tôi từng là họ, đã trải qua những gì họ trải qua, đã bị làm nhục công cộng như họ, tuy ở một mức độ khác. Tôi bắt đầu một hành trình cá nhân để cố gắng lý giải, lý giải hành vi và tâm lý của những người làm nhục, lý giải những cảm xúc mà người bị làm nhục trải qua. Và lý giải sự độc ác trong xã hội.

Đối diện một đám đông reo hò

Đầu tháng 3-2014, tôi trả lời phỏng vấn của một phóng viên báo Lao Động. Câu chuyện xoay quanh câu hỏi vì sao tôi lại chuyển về Việt Nam sống sau nhiều năm định cư yên ổn ở Áo, cái gì hấp dẫn tôi ở Việt Nam, quan điểm của tôi về xã hội phương Tây như thế nào và cái nhìn của tôi về khao khát hướng ngoại của người Việt ra sao.

Tôi tâm sự rằng mình rời bỏ phương Tây vì sự máy móc và lạnh lùng của nó, rằng Việt Nam thú vị nhưng cũng bất an vì cái bất ngờ và khó đoán định trong cuộc sống ở đây, rằng tôi trở về vì có khả năng thử nghiệm bản thân ở nhiều lĩnh vực.

Tôi cho rằng nhiều phụ huynh Việt trong khi mơ ước cho con đi du học, thờ phụng cái “văn minh” của phương Tây thì mặt khác vẫn mắc kẹt trong tư duy cổ hủ của phương Đông về bằng cấp và địa vị xã hội. Giấc mơ về phương Tây của người Việt, do đó, là một giấc mơ hời hợt - đó là luận điểm chính của tôi.

Bài phỏng vấn lên trang mạng của Lao Động cuối ngày 15-3, chạy cái tít khiêu khích: “Phương Tây - một giấc mơ hời hợt”. Tối hôm đó, tôi chia sẻ bài này trên Facebook của mình. Hồi đó tôi không có nhiều bạn Facebook.

24 tiếng sau, bài có vài chục like, một số người, cả lạ lẫn quen, vào bình luận, đồng tình hoặc phản đối. Một người đang làm cho một công ty tin học ở Mỹ viết: “Anh Giang nhận xét và đánh giá về xã hội Tây sai hết cả rồi”. Một người khác cho rằng: “Cuối cùng thì vẫn tùy vào mục đích sống là gì thôi mà”. Tất cả không có gì lạ so với các bài khác của tôi.

Ngày 16-3, bài phỏng vấn bắt đầu lan ra trên mạng. Phương Đông hay phương Tây, ra nước ngoài sống hay ở trong nước, về Việt Nam lập nghiệp hay ở lại cho yên ổn, cái gì hơn, chỗ nào làm ta hạnh phúc, đó là những câu hỏi cơ bản, những quyết định khó khăn của nhiều người. Trăm người trăm ý.

Tôi có thể mường tượng ra điều đó. Điều cả tôi và chị phóng viên không hình dung được là cách người ta bảo vệ ý kiến của mình và những cảm xúc đi kèm của họ. 24 tiếng nữa - có lẽ đó là khoảng thời gian để bài báo đến tay cộng đồng người Việt ở nước ngoài, để họ đi làm về, ăn tối, lên mạng - một cơn bão nổ ra.

Tối 17-3, trong lúc ăn tối, tôi nhận được tin nhắn của một người bạn, rào đón: “Anh bình tĩnh nhé, đừng để ý gì tới bọn họ”. “Ai? - tôi hỏi - Có chuyện gì vậy?”. Trong đầu tôi điểm danh nhanh xem mình có thể là kẻ thù của ai, nhưng không tìm ra được cái tên nào.

Người bạn gửi cho tôi cái link của một trang Facebook. Nhấn vào đó, tôi được chuyển tới một diễn đàn nóng rừng rực với hàng trăm bình luận về bài phỏng vấn của tôi. Tôi đọc vài cái ở khúc đầu.

Suy nghĩ của tay no cơm, thừa sữa lại thèm chút cơm cháy đáy nồi đây mà”.

“Lại một thằng cha “chiết da” quốc doanh nữa”.

Một người tỏ ra thông thạo về quá khứ của tôi:

Ông này học ở Ilmelnau thuộc Cộng hòa dân chủ Đức trước đây, chất lượng thế nào thì cộng đồng người Việt ở Đức không lạ! Và loanh quanh bằng cách nào sang Áo lấy bằng tiến sĩ, rồi lại về Việt Nam thì cũng là trường hợp có một không hai”.

Một ý kiến hóm hỉnh khác:

Ông này không phải là Việt kiều tại Áo, mà đang định cư ở đâu đó dưới áo một chút”.

Mặt tôi nóng bừng. Phản ứng đầu tiên của tôi là bỏ ra chỗ khác, đúng hơn là để cái điện thoại sang một bên, ngoài tầm nhìn. Đó là phản xạ chạy trốn, che mặt, muốn độn thổ - các hành vi đặc trưng của người bị làm nhục được các nhà tâm lý học mô tả trong sách chuyên môn của họ mà sau này tôi mới tìm hiểu. Tôi quay lại với bữa tối.

Một lát sau, một người quen khác gắn (tag) tôi vào cái thread đó: “Anh Giang vào đây tham gia này”. Có cảm giác là mình phải nói một cái gì đó, tôi viết lại: “Anh vẫn đang lắng nghe mọi người đây”. Từ đó điện thoại của tôi cứ rung bần bật với các tin báo.

Tôi cố gắng không thay đổi sắc mặt và tiếp tục chuyện trò với hai con, nhưng gặp khó khăn để tập trung. Tôi thấy mình như vừa bị tát nhiều cái, cả hai mắt tôi phải hơi nheo lại để nhìn cho rõ. Choáng váng, hoa mắt, sau này tôi mới biết cũng là những cảm giác đặc trưng mà người bị làm nhục cảm thấy. Sau bữa tối, tôi vào lại Facebook.

Tất nhiên, lúc này những người tham gia trên trang kia đều đã nhìn thấy tên tôi được gắn ở đây, đã đọc câu trả lời của tôi và biết là tôi đọc được những gì họ viết. Có lẽ chính điều đó làm họ phấn khích hơn: “Đây là một tiến sĩ thất nghiệp ở phương Tây và không có cơ hội tiếp xúc với một gia đình tử tế ở đó”.

“Bằng tiến sĩ của anh ấy cũng học mót của các giáo sư phương Tây. Đọc bài anh ấy biết là anh ấy học mót nhưng cũng hiểu sai: học mót cũng cần nói đúng sự thật”.

“Nói chung dạng bị thiến sót nên thành thần kinh cố lảm nhảm ra chiều “phản biện” để che giấu một sự thật (có thể phũ phàng) nào đó khiến anh ku từ Áo phải bùng mịa nó về An Nam thôi, khổ!” (1 câu dài ko cần dấu ngắt câu, nhá, viết thế mềnh đã đủ chuẩn lấy tiến sĩ chưa nhở?)”.

Lác đác, có người bày tỏ sự đồng tình với tôi: “Là một người lao công không biết lý luận, không thạo chữ nghĩa nhưng tôi thấy cách đặt vấn đề, cách nghĩ của ông, lựa chọn của ông về Việt Nam, những cảm nhận của ông về Việt Nam đều làm tôi cảm nhận và chia sẻ”.

Tôi băn khoăn không biết mình có nên like ý kiến này không hoặc trả lời một câu kiểu: “Cảm ơn bác lao công”. Tôi không rõ người ta sẽ phản ứng thế nào khi tôi lên tiếng. Trong lúc tôi lưỡng lự thì bác lao công chìm nghỉm trong làn sóng công kích mới: “Không biết cậu này bị hiếp dâm hay làm đĩ đực thì chỉ cậu ta mới biết!”.

Tần ngần một giây, tôi cuộn lại lên trên đầu trang, bản thân cũng không biết vì sao. Có lẽ tôi thầm hi vọng rằng những lời lăng nhục kia đã biến mất, tất cả là do tôi hình dung ra. Tất nhiên chúng vẫn ở đó, chúng có thật. Tôi tắt điện thoại.

Lúc này tôi mới để ý là mình đang trong trạng thái bị kích động, tim đập nhanh và hơi thở ngắn. Tôi có cảm giác mình bị dồn vào một góc. Tôi thấy mình không có nhu cầu ra khỏi nhà và suy nghĩ xem có nên hủy cuộc gặp tôi đã hẹn cho sáng hôm sau không.

Tôi để cái điện thoại cách xa mình mà cảm thấy nó sáng như một cục than hồng và lại có mắt theo dõi các cử chỉ của tôi.

Đêm hôm đó không ngủ được, tôi hình dung ra một đám đông trên mạng đang đắc thắng vui cười, thi xem ai làm nhục giỏi hơn, ai miệt thị cay độc hơn. Một người bước lên trước liệng một hòn đá, đám đông reo hò. Người tiếp theo bước lên liệng hòn đá khác.

Họ quay ra đập tay high five với nhau như khi chơi bowling đánh đổ hết cả 10 pin bằng quả bóng đầu tiên. Tôi hình dung ra họ đang thấy bản thân mạnh mẽ; họ đang là chính nghĩa, cái thiện, cái tốt đẹp; họ đang đè bẹp cái xấu xa và ngu dốt.

Nếu như lúc này tôi đang đối mặt với họ trong một căn phòng, biết đâu tôi chẳng bị họ hất bia vào người, chỉ tay vào mặt, rồi vỗ tay xuống đùi cười ầm lên chế giễu. Nếu tôi ở cùng thành phố với họ, biết đâu họ sẽ liệng mắm tôm vào sân nhà tôi.

Họ có thể đến trường đại học của tôi ở Vienna, vào thư viện, lấy trên giá sách xuống luận án tiến sĩ của tôi và nguệch ngoạc lên trang nhất “Học mót”, hay “Tiến sĩ - Thiến sót”. Đại loại thế.

Sáng hôm sau, miệng khô, tôi cầm cái điện thoại lên, cố gắng kéo dài tới mức có thể mấy cái gõ ngón tay để vào Facebook rồi nhìn trân trân vào màn hình đang tải, giống một đứa bé theo dõi động tác của một bác sĩ đang chuẩn bị lấy máu của nó.

Qua một đêm, sự giận dữ và độc địa khó mà độc đáo được nữa, các bình luận có phần lặp đi lặp lại. Chỉ có câu này nổi bật lên: “Nói gì cho ngắn mà dễ hiểu nhỉ? Thôi thế này: Nếu chẳng may bạn có hệ trọng gì ngã đường ngã chợ thì vẫn hi vọng Chính phủ Áo chắc chắn cấp tiền chôn cất chu đáo, không phải lo đâu!”. Cách hành văn không trôi chảy và có lỗi dùng từ, nhưng tôi đồng ý là câu này vừa ngắn vừa dễ hiểu.

Cơn bão sôi sục trong những ngày tiếp theo. Có hai luồng khinh bỉ và buộc tội song song hình thành. Hoặc họ nói tôi “ở bên kia thất nghiệp không sống được nữa nên mới phải về Việt Nam”, hoặc “ở bên kia đầy đủ bơ sữa rồi nên mới về Việt Nam”.

Tất nhiên, nếu tôi vẫn đang định cư ở bên kia thì lại càng chết với họ. Tóm lại là không có lối thoát. Khoảng một tuần sau thì tình hình yên ắng trở lại. Đám đông trên mạng dạt đi chỗ khác, lùng sục các nạn nhân tiếp theo của mình.

Tôi tưởng rằng hòa bình đã trở lại với mình, nhưng Internet như một cái biển lớn, những làn sóng ngầm của nó thi thoảng lại đưa lên bề mặt những thứ nằm sâu trong lòng nó.

Tới đầu tháng 12-2015, tức là nửa năm sau khi tôi kinh ngạc chứng kiến cư dân mạng “hành quyết” hai anh em Nhâm Tiến Dũng và Nhâm Thị Hồng Phương sau chuyến du lịch châu Âu của họ, vì một lý do gì đó, bài phỏng vấn của tôi lại xuất hiện và mọi chuyện lại như mới. Lần này, bài đã được chia sẻ tới hơn 8.400 lần.

Tôi vào một diễn đàn - nơi vốn chủ yếu để trao đổi về công nghệ, phần mềm đồ họa, linh kiện máy tính... Nhưng ngay cả ở đây, “phương Tây hời hợt” cũng đang hot. Bình luận đầu tiên trong cái thread dài 12 trang là:

“Tại sao mày không về hở thằng tiến sĩ kia?”.

Cái kế tiếp:

TS chém gió ơi, về xứ Lừa bụi bặm, xảo trá này đi, ở mãi với bọn giẫy chết làm gì, lại còn đăng đàn phê phán nữa, đèo mẹ, khắm”.

Rồi mấy cái khác ăn theo:

Mời tiến sĩ về VN sống để đổi cho em qua Áo nhé”.

“ĐM nằm phơi chim bên EU rồi thích nói kiểu éo gì chả được”.

Hơi băn khoăn, tôi tìm đọc lại bài phỏng vấn xem trí nhớ của mình còn chính xác không. Và đây, câu hỏi đầu tiên của phóng viên, ngay ở đầu trang là: “Ông đã có một cuộc sống có thể nói là giấc mơ với rất nhiều người tại một quốc gia phát triển hàng đầu châu Âu. Vì sao ông quyết định về nước?”.

Có vẻ như một khi người ta đã quyết tâm làm nhục một ai thì khó có gì có thể làm lung lay ý định đó. Tôi cuộn xuống dưới và thấy có người phản pháo, “bảo vệ” tôi.

Vâng, ít nhất ông ấy cũng giỏi để có thể kiếm đc cái quốc tịch nước ngoài, để có cái mà chém gió, còn cái loại cả đời ko thoát đc lũy tre làng thì câm họng lại mà lo kiếm tiền đi”.

Rõ rồi, người “bênh tôi” cũng dùng ngôn ngữ lăng nhục y như của những người kia. Tôi tắt điện thoại và không biết mình nên cười hay nên mếu. 

 Tôi hình dung rằng một trong những lý do để người ta cứ khư khư bám vào nỗi căm ghét của mình là họ cảm thấy rằng nếu họ dừng căm ghét, họ sẽ phải đối mặt với nỗi đau (James Baldwin)

Đi tìm tâm của cơn bão căm ghét

Tôi đã hai lần đi qua cơn bão căm ghét, mặc dù cơn sau là một cơn bão rớt. Chỉ lúc này tôi mới thấm thía được rằng cái khái niệm tiếng Anh “hate storm” mới phù hợp làm sao. Những cơn bão này hình thành như thế nào?

Cái đám đông của những người căm ghét tôi đã định hình và lớn mạnh ra sao? Họ trải qua những trạng thái tâm lý gì? Liệu người ta có thể phân tích những cơn bão căm ghét trên mạng giống như các nhà khí tượng học phân tích các cơn bão thật sự không? Chúng có quy luật không?

Tôi bắt tay vào tìm hiểu quá trình hình thành và nảy nở của sự căm ghét. Dường như các nghiên cứu của John Schafer và Joe Navarro cung cấp cho tôi một câu trả lời, một cánh cửa để hiểu những người tấn công mình.

John Schafer và Joe Navarro là hai cựu nhân viên và điệp viên của Cục Điều tra liên bang Hoa Kỳ (FBI) và là chuyên gia trong các lĩnh vực ngôn ngữ cơ thể, phát hiện dối trá trong giao tiếp và tâm bệnh lý của căm ghét.

Họ đã dành nhiều năm nghiên cứu về những người căm ghét và tiến trình tâm lý của thù ghét, đặc biệt trong giới đầu trọc ở California. Dựa vào những quan sát từ những nhóm đầu trọc này, năm 2003 Schafer và Navarro đề xuất rằng từ khởi đầu tới đỉnh điểm, một quá trình căm ghét trọn vẹn đi qua bảy bước.

bước một, những người căm ghét tụ tập lại. Người ta không muốn ghét một mình, họ thuyết phục, chiêu mộ người khác căm ghét cùng. Có bạn có bè làm tăng cảm giác về giá trị của bản thân và giúp họ tránh nhìn vào nội tâm để thấy những bất an của mình. Hội đoàn đem lại cảm giác về sức mạnh, nó che chở, đem lại sự vô danh và giảm thiểu trách nhiệm bản thân của mỗi người.

Bước hai, nhóm căm ghét tạo lập một bản sắc. Họ dùng các biểu tượng, nghi lễ và huyền thoại để xây dựng vị thế và hạ thấp người bị ghét. Các nhóm đầu trọc thích dùng dấu chữ thập, cây thánh giá sắt và đi ủng nhà binh.

Họ dùng những hành vi mang tính nghi lễ như những cái đập tay, động tác chào... để tăng cảm giác gắn bó trong nhóm. Họ nhấn mạnh rằng mình hi sinh sự dễ chịu trong cuộc sống để phục vụ mục đích của nhóm, coi mình như những người lính hiến dâng cuộc sống của mình, qua đó trao cho nó ý nghĩa và giá trị.

Căm ghét là keo dính kết nối các thành viên của nhóm cũng như kết nối họ với mục tiêu chung.

bước ba, họ giễu cợt, phỉ báng đối tượng, qua đó củng cố hình ảnh và chỗ đứng của bản thân. Các nhóm đầu trọc dùng các bài hát và bài văn thù hận (hate literature) để tạo ra một môi trường giúp căm ghét nảy nở. Những ý nghĩ hung hăng làm người ta dễ hình dung ra các hành vi hung hăng hơn.

Bước bốn khác ở mức độ lăng nhục và thóa mạ đối tượng. Nếu căm ghét nguội đi, những người ghét sẽ phải nhìn vào bản thân. Để tránh chuyện này, họ nâng mức độ sỉ nhục và công kích lên một bậc. Những thanh niên đầu trọc bắt đầu xịt graffiti miệt thị ở khu dân cư của đối tượng bị ghét, đi ôtô lòng vòng, chửi rủa từ xa.

bước năm, họ tấn công nhưng không dùng vũ khí. Đây là một bước quan trọng vì nó phân hóa những kẻ võ mồm và những kẻ xắn tay áo lên dùng bạo lực. Những kẻ đầu trọc trở nên hung hãn, họ đi tuần trong lãnh thổ của mình để tìm mục tiêu.

Hưng phấn, chất adrenaline tràn đầy trong người, họ đi tìm cảm xúc mạnh. Căm hận tưới tắm căm hận.

Sang bước sáu, nhóm căm ghét tấn công bằng vũ khí. Những kẻ đầu trọc thích sử dụng chai lọ vỡ, gậy bóng chày hay tuôcnơvit để tấn công. Những vũ khí này bắt họ phải tiến sát vào nạn nhân, mắt đối mắt, tay dính máu.

Bạo lực liền tay, ở cự ly gần, cho phép họ thể hiện sự căm hận sâu sắc của mình ở cách mà súng không cho phép. Va chạm cơ thể với đối phương đem lại cảm giác quyền lực và thỏa mãn một mong mỏi sâu sắc áp đảo và chế ngự nó.

Cuối cùng, ở bước bảy, đối tượng của căm ghét bị phá hủy. Quyết định được số phận của người khác, những người căm ghét cảm thấy quyền năng và sức mạnh như Chúa trời, điều này thúc đẩy họ đi tới những hành vi bạo lực tiếp theo. Cảm giác quyền lực này lấp đầy sự trống rỗng bên trong họ, cho họ cảm giác về giá trị bản thân.

Ở bốn bước đầu tiên, người căm ghét thể hiện niềm tin của mình qua ngôn ngữ. Ở ba bước tiếp theo, người căm ghét hành động. Do vậy ngôn ngữ bạo lực là điều kiện cần, là xuất phát điểm cho bạo lực vật lý, đặt tiền đề cho nó.

Và một điều nữa: trên thực tế, John Schafer và Joe Navarro kết luận, trên cả bình diện tâm lý và vật lý, sự căm ghét phá hủy cả người ghét lẫn người bị ghét. Nhưng chúng ta sẽ trở lại điều này sau.

tt

 Kiểm chứng lý thuyết căm ghét trong đời thực

Tiến trình căm ghét bảy bước của John Schafer và Joe Navarro không chỉ giải thích những gì xảy ra trong giới đầu trọc. Người ta có thể quan sát nó ở nhiều môi trường và tập thể khác nhau: ở học đường, trong cơ quan, thậm chí trong một dòng họ.

Hai tác giả đưa ra một ví dụ trong môi trường văn phòng. Tất cả bắt đầu bằng việc một vài nhân viên ghét một đồng nghiệp và bắt đầu đi tìm đồng minh, rỉ tai người khác rằng anh đồng nghiệp kia là khó ưa (bước một).

Họ bắt đầu xác lập một bản sắc riêng thông qua ký hiệu, ngôn ngữ hay hành vi: một cái cười đầy ngụ ý chỉ người trong cuộc hiểu, một mật mã để loại người bị ghét ra khỏi bữa trưa chung, các hành vi khác để cô lập anh ta.

Có thể họ tạo một cái tên riêng cho nhóm (bước hai). Ở thời điểm này, họ mỉa mai đối tượng bị ghét bên trong nội bộ nhóm mình (bước ba), rồi tiến tới trực tiếp hay gián tiếp lăng mạ đối tượng, cố tình để đối tượng nghe thấy những lời thóa mạ (bước bốn).

Một buổi sáng, người nhân viên kia thấy bàn làm việc của mình bị xáo trộn và tấm ảnh gia đình trên bàn bị dán đè lên (bước năm). Đây là bước bạo lực đầu tiên. Ở bước tiếp theo (bước sáu), những người căm ghét phá đám công việc của đối tượng, hạ thấp uy tín của anh ta bằng nói xấu và tin đồn. Với thời gian, môi trường làm việc trở nên nghẹt thở với nhân viên này, anh ta bị phá hủy (bước bảy).

Ở ngoài đời thì như vậy, còn trên mạng thì sao? Liệu một “phong trào” căm ghét trên mạng có đi theo những bước trên? Tôi muốn kiểm chứng. Và tôi đã có ngay một sự kiện, một cơn siêu bão, để theo dõi tiến trình của nó như John Schafer và Joe Navarro đã vẽ ra: những lùm xùm xảy ra xung quanh người mẫu - ca sĩ Hồ Ngọc Hà mới đây. 

Tôi đã có dịp kiểm chứng lý thuyết “Bảy bước đi của căm ghét”, tuy quả thật những điều trông thấy khiến tôi kinh hãi.■

Bài tiếp: “Cuộc chiến của các mẹ sề

 

Bạn đang đọc trong chuyên đề "GIẢI MÃ SỰ LĂNG NHỤC TRÊN INTERNET"