Trồng cây và nương tựa tự nhiên

Tuổi Trẻ Cuối Tuần

TTCT - Một bác nông dân, một cô nhân viên văn phòng, một kỹ sư chế tạo máy, một doanh nhân… đi làm vườn và trồng cây thì có gì khác và giống nhau? Câu chuyện của những người trồng cây gây rừng dưới đây chia sẻ những cách nghĩ, cách làm ít tốn kém, tối ưu hóa được nguồn lực nếu biết nương tựa vào tự nhiên, cả những sai lầm và vỡ lẽ của họ… Tất cả dẫn họ đi qua một hành trình không định trước, đi từ câu hỏi “trồng-cây-gì-ở-đây?” đến câu hỏi “Cây-gì-mọc-được-ở-đây?”, từ tâm thế chủ-nhân-ông đến tâ

Cây xanh tại TP.HCM bật gốc ngày càng nhiều, vì sao?

THẢO LÊ 10/10/2024 17:27 GMT+7

Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM đã phân tích nhiều nguyên nhân khiến cây xanh tại TP.HCM bật gốc ngày càng nhiều.

Cây xanh tại TP.HCM bật gốc ngày càng nhiều, vì sao? - Ảnh 1.

Cây xanh bật gốc tại giao lộ Mạc Đĩnh Chi - Nguyễn Đình Chiểu khiến 4 người bị thương vào ngày 7-10 - Ảnh: LÊ PHAN

Chiều 10-10, tại họp báo kinh tế - xã hội, ông Vũ Ngọc Kỷ Văn - trưởng phòng kỹ thuật, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM - đã phân tích các nguyên nhân dẫn đến tình trạng cây xanh bị bật gốc ngày càng nhiều.

Theo ông Văn, những năm gần đây do biến đổi khí hậu, triều cường gây ngập úng gia tăng, tình trạng khô hạn, nắng nóng kéo dài hay các thay đổi khác về môi trường như suy giảm mực nước ngầm, gia tăng ô nhiễm... đã ảnh hưởng đến cây xanh. Không chỉ vậy, mật độ xây dựng đô thị, nhất là những tòa nhà cao tầng ngày càng nhiều đã làm thay đổi hướng gió, gây nên hiệu ứng đường hầm.

Ngoài ra, các hành vi xâm hại đến rễ cây xanh như đào đường, thi công các công trình ngầm... đã tác động rất lớn đến khả năng sinh trưởng, phát triển và sức chống chịu của cây xanh. Đây là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng gãy nhánh, ngã đổ cây xanh ngày càng phổ biến trong thời gian qua.

Trước mùa mưa bão, ông Văn cho biết Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM đã đẩy mạnh cắt tỉa cây xanh, đề xuất xử lý cây xanh hư hại, khiếm khuyết nhằm hạn chế thấp nhất sự cố cây xanh. Công ty cũng khuyến cáo người dân khi trời mưa to, dông gió lớn nên hạn chế lưu thông ngoài đường khi không cần thiết để đảm bảo an toàn.

Cắt tỉa nhánh cây là giải pháp bắt buộc

Còn theo ông Đỗ Tấn Long - giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng, với cây xanh thuộc quản lý của trung tâm, việc cắt tỉa cành nhánh cây được thực hiện thường xuyên và liên tục hằng năm.

Công tác cắt tỉa cành nhánh là giải pháp kỹ thuật bắt buộc và cần thiết trong việc bảo dưỡng cây xanh. Việc này nhằm định hình sự phát triển của cây, tạo thông thoáng cho tán cây, giảm trọng lượng tán cây, loại bỏ cành nhánh khiếm khuyết, hư hại. Qua đó giảm nguy cơ rơi, gãy cành nhánh, giảm thiểu nguy cơ ngã đổ cây khi thời tiết cực đoan.

Ngoài việc cắt tỉa, trung tâm còn hạ thấp chiều cao với 263 cây từ đầu năm đến nay. Trung tâm cũng thay thế 3.097 cây xanh bị hư hại, khiếm khuyết, cây già cỗi, cây chết khô, cây bị công trình xâm hai hệ rễ…

Trung tâm sẽ tiếp tục rà soát, đẩy mạnh thay thế dần cây xanh kích thước lớn, cây cổ thụ bị hư hại, khiếm khuyết hoặc cây có nguy cơ, rủi ro mất an toàn trên đường phố.

Vì sao cây xanh tại TP.HCM bật gốc ngày càng nhiều - Ảnh 2.Một bệnh nhi dập phổi trong vụ cây xanh bật gốc đè trúng người đi đường tại TP.HCM

Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết đã tiếp nhận một bệnh nhi dập phổi, đa chấn thương trong vụ cây xanh bật gốc đè trúng người đi đường tại quận 1 tối 7-10.

Khó mở thêm công viên lớn, quận Phú Nhuận phủ cây bằng ngàn mảng xanh nhỏ

LÊ PHAN 19/05/2024 09:38 GMT+7

Sáng 19-5, UBND quận Phú Nhuận tổ chức Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ với 6.200 cây xanh được trồng.

Bà Phan Thị Thanh Phương (hàng ngồi, thứ hai từ trái qua) - bí thư Quận ủy quận Phú Nhuận - tham gia lễ trồng cây tăng mảng xanh tại Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ sáng 19-5 - Ảnh: LÊ PHAN

Bà Phan Thị Thanh Phương (hàng ngồi, thứ hai từ trái qua) - bí thư Quận ủy quận Phú Nhuận - tham gia lễ trồng cây tăng mảng xanh tại Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ sáng 19-5 - Ảnh: LÊ PHAN

Với đặc thù đô thị khó thể phát triển thêm các công viên quy mô lớn, quận Phú Nhuận chọn đi theo hướng phủ cây ở hầu hết các vị trí có thể trồng cây. Có thể thấy ở các khu dân cư, dọc đường ray, tiểu đảo trên đường phố mảng xanh đang được phủ từng ngày.

Theo lãnh đạo quận, trong sáng 19-5, lễ trồng cây được thực hiện tại công viên chung cư A2 - A3 Phan Xích Long và đồng loạt 12 địa điểm khác.

Quận mong muốn qua các hoạt động này có thể nhận được sự chung tay của các tổ chức hội, đoàn thể và người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Việc trồng và bổ sung thêm cây xanh, mảng xanh ở khu dân cư, công viên, nơi ở, nơi làm việc góp phần tăng vẻ mỹ quan, làm dịu bớt đi không khí nóng bức.

Trong thời gian qua, hưởng ứng cuộc vận động "Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch, xanh và thân thiện môi trường", quận đã có những mô hình, cách làm hay.

Một số hoạt động nổi trội của quận như hội thi xây dựng "Góc phố xanh - Không gian xanh" đã thu hút 233 tổ chức, cá nhân tham gia. Hoạt động này đã phát triển thêm mảng xanh xen cài trong khu dân cư. 

Có 33 công trình mảng xanh mới với 3.466 cây xanh và 200 công trình nâng cấp, cải tạo từ các công trình hiện hữu với 11.826 cây xanh hình thành.

Công trình "Đường tàu - Đường hoa" cũng làm cho tuyến đường sắt sạch, xanh, thân thiện môi trường. Hoạt động này trồng mới thêm 6.000 cây xanh các loại dọc theo 2,5km hành lang đường sắt đi qua 7 phường trên địa bàn. Góp phần xóa bỏ các điểm ô nhiễm, rác thải.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, ngụ đường Phan Xích Long, với chậu cây được UBND quận Phú Nhuận tặng. Bà Dung cho biết trước đây khi được vận động bà thấy tham gia cũng không có kết quả gì. Sau thời gian thấy cảnh quan, mảng xanh tốt hơn, bà Dung thay đổi quan điểm và rất ủng hộ. Bà cho tháo dỡ mái che, dù và trồng thêm cây xanh tại nơi bà kinh doanh để tăng mỹ quan - Ảnh: LÊ PHAN

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, ngụ đường Phan Xích Long, với chậu cây được UBND quận Phú Nhuận tặng. Bà Dung cho biết trước đây khi được vận động bà thấy tham gia cũng không có kết quả gì. Sau thời gian thấy cảnh quan, mảng xanh tốt hơn, bà Dung thay đổi quan điểm và rất ủng hộ. Bà cho tháo dỡ mái che, dù và trồng thêm cây xanh tại nơi bà kinh doanh để tăng mỹ quan - Ảnh: LÊ PHAN

Hiện quận đang triển khai mô hình "Gia đình trồng cây". Quận vận động mọi thành viên trong gia đình cùng tham gia trồng, chăm sóc cây xanh, nhằm thể hiện tính gắn bó, yêu thương nhau.

Đã có 5.500 hộ tham gia thực hiện mô hình trồng và chăm sóc hơn 31.800 cây xanh tại các hộ gia đình. Quận cũng tổ chức nhiều đợt tặng cây cho người dân chăm sóc.

TP.HCM quá thiếu mảng xanh, cây xanh

Tỉ lệ đất trồng cây xanh công cộng tại TP.HCM chỉ đạt 0,55m2/người, trong khi Hà Nội 2,06m2/người, Đà Nẵng 2,4m2/người và Hải Phòng khoảng 3,41m2/người.

Ngắm những công viên cây xanh rộng lớn, điểm trốn nắng lý tưởng giữa lòng TP.HCMNgắm những công viên cây xanh rộng lớn, điểm trốn nắng lý tưởng giữa lòng TP.HCM

Những công viên cây xanh rộng lớn, những hàng cây trải dài bóng mát dọc những tuyến đường luôn được xem là biểu tượng và là niềm tự hào của người dân thành phố, góp phần tạo cảnh quan xanh mát và điều hòa không khí, nhất là giữa những ngày nắng nóng.

Phục hồi rừng: Để tự nhiên làm công việc của mình

XUÂN MINH 05/03/2021 19:00 GMT+7

TTCT - Những nghiên cứu gần đây cho thấy các chương trình trồng cây cần được đánh giá lại, không phải cứ trồng thêm rừng là tốt.

Dự án phục hồi rừng ở huyện Củng, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh; Getty Images

Hậu quả do phá cách

Sự tình cờ đã đặt Malcolm North, nhà sinh thái học của Bộ Nông nghiệp Mỹ, làm nhân vật chính trong cuộc cách mạng lặng thầm về trồng rừng - lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng giúp thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Tháng 9-2014, trận cháy rừng có tên King Fire thiêu rụi 290km2 rừng thuộc Rừng quốc gia Eldorado ở California, Mỹ. Ông North cùng các đồng nghiệp có trọng trách tái sinh diện tích rừng này.

Suốt thế kỷ 20, dịch vụ trồng rừng ở nhiều quốc gia trên thế giới đã trồng rừng theo như cách chúng ta trồng rau màu: trồng từng cây một, theo hàng, theo lối. Sau mỗi mùa cháy rừng ở California, người ta lại đi trồng lại từng cây. 

Họ tái sinh được những cánh rừng ngay hàng thẳng lối trông không khác gì rẫy bắp và cây bản địa được trồng xen với với cây lâm sản để khai thác thương mại về sau. Nhưng việc này vô cùng tốn kém.

Ông North và các nhà khoa học khác lên tiếng về một mô hình trồng rừng mới thay thế cách trồng rừng trước đây. Điểm nhấn trong cuộc cách mạng trồng rừng này là tính khoảng cách, loại cây và tính tự nhiên của phương pháp. 

Đây là bài học kinh nghiệm tổng hợp từ nhiều nơi như Trung Quốc, rừng Amazon, châu Âu... Họ khẳng định rằng: tái trồng rừng bằng chính sách sai lầm còn tệ hơn là cứ để yên mọi thứ, đừng can thiệp.

Từ Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan đến châu Âu, Mỹ Latin đều có các chương trình trồng rừng. Từ năm 2000 đến nay, riêng Trung Quốc đã góp đến 25% diện tích phủ xanh tăng lên trên toàn cầu và khoảng một nửa là tăng trưởng diện tích rừng.

Mặc dù tăng trưởng diện tích rừng nghe như là một điều tốt đẹp, thực tế cho thấy tái trồng rừng có thể là con dao hai lưỡi. 

Tháng 4-2016, một vụ cháy rừng khủng khiếp gần như xóa xổ thị trấn Fort McMurray ở Canada, thiêu rụi 2.400 ngôi nhà, buộc hàng ngàn người phải đi di tản. Đây là thiên tai tốn kém nhất trong lịch sử Canada. Sau khi đám cháy kết thúc, các nhà khoa học đi tìm nguyên nhân. 

Đám cháy xuất phát từ đầm lầy than bùn dọc theo sông Horse - một khu rừng ẩm ướt với lớp rêu dày đặc, có tác dụng chống cháy phủ trên lớp than bùn bên dưới.

Thời tiết bất thường dẫn đến vụ cháy, nhưng tại sao vùng đầm lầy than bùn này lại cháy dữ dội đến vậy? Kết luận thật bất ngờ: chiến dịch tăng diện tích rừng do Chính phủ Canada hậu thuẫn đã phản tác dụng, là tội đồ. 

Những năm 1980, với khao khát làm chủ thiên nhiên, một chương trình cải tạo các bãi lầy thành rừng sản xuất gỗ được Chính phủ Canada ủng hộ. Người ta tháo nước ở vùng đầm lầy rộng lớn ở Alberta và trồng vân sam đen vào đó với khoảng cách tối ưu để cây tăng trưởng tối đa.

Những cây vân sam hút nước ngầm bên dưới phát triển đầy sung mãn, tán lá của chúng rộng bất thường khiến rêu phủ trên lớp than bùn nghẹt thở. 

Một loại rêu khác, khô hơn mọc lên thay thế. Khi đất khô đi, những cây vân sam đen như những que diêm chờ cháy trên lớp than bùn, cũng là nhiên liệu cháy. Lửa bùng phát, cả bãi than bùn lẫn rừng cây vân sam cùng bắt lửa. Đây là tác hại mà Chính phủ Canada không thể nào ngờ.

Vụ cháy rừng ở thị trấn Fort McMurray không phải là ví dụ duy nhất. Năm 2018, một nhóm các nhà sinh thái học nước ngầm ở Trung Quốc đã tiến hành đánh giá kết quả một trong những chiến dịch trồng rừng tích cực, ở nơi chưa từng có rừng, giúp Trung Quốc dẫn đầu thế giới về tăng trưởng rừng. 

Kể từ năm 1952, Bộ chính trị Trung Quốc đã chủ trương trồng rừng ở vùng cực bắc khô cằn, có xu hướng bị sa mạc hóa ở nước này.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc phát hiện người ta đã trồng những khu rừng khổng lồ với những loài cây không phải cây bản địa. Chúng là những cây háo nước nên đã hút nước ngầm để lớn lên, làm mực nước ngầm giảm xuống đến mức nguy hiểm. 

Tốc độ tăng trưởng rừng ấn tượng trên giấy tờ của Trung Quốc có thể khiến nước này gặp một thảm họa lớn trong tương lai. Các nhà khoa học khuyến cáo: các loại cây được lựa chọn trong tương lai phải chịu hạn, có khả năng sống mà chỉ cần ít nước.

Những cây rừng bị cháy đen ở Vườn quốc gia Tallaganda, bang New South Wales, Úc nảy chồi xanh vào tháng 3-2020. Ảnh: NPR

Khả năng tự mở rộng của rừng

Theo ông North, sở dĩ việc trồng thông theo hàng lối trở thành phương pháp tiêu chuẩn bởi vì cây thông mọc nhanh nhất và sẽ được khai thác để xây nhà, làm đồ nội thất. 

Tuy nhiên khi thông lớn lên, hút nước ngầm ít ỏi của vùng đất khô và khi có hỏa hoạn, đất khô, cây khô với mật độ dày vừa đủ đã làm lửa lan từ cây này sang cây khác dễ dàng. 

Các khu rừng trồng thông nổi tiếng là cực kỳ dễ cháy cho đến khi chúng được 60-80 tuổi. Khi đó, vòm lá của cây thông cao, ngoài tầm của ngọn lửa.

Còn theo bà Sofia Faruqi, một nhà kinh tế rừng của tổ chức phi lợi nhuận World Resources Institute (WRI), việc trồng rừng thông ở California là ví dụ điển hình của tình trạng máy móc áp dụng một phương pháp trồng rừng.

Điều bà Faruqi muốn nói rừng tự nó là một sinh thể phức tạp và thích nghi tinh tế với vùng đất mà chúng sinh trưởng. Ngược lại, các công cụ để quản lý rừng lại thường đơn giản và phản tác dụng.

Nghiên cứu ở Mỹ Latin và châu Phi cho thấy mỗi USD đầu tư để tái sinh rừng có thể thu về từ 7-30 USD. Nhưng kết luận này đã không trở thành mô hình tài chính hay được dùng làm cơ sở cho việc ra quyết định. 

Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách thường bỏ qua tiếng nói của những người bị ảnh hưởng nhiều nhất. Thay vì tái sinh rừng, họ đầu tư cho những thứ như khai thác gỗ và nông nghiệp, vốn ít nhiều góp phần làm mất và suy thoái rừng mà không tái sinh những khu rừng bị mất.

Nhóm ông North đã phục hồi khu rừng quốc gia bị cháy rừng tàn phá bằng phương pháp trồng xen cây lớn, cụm cây và để lại khoảng trống. Cây gỗ lớn và các cụm cây có thể hỗ trợ nhau bằng hệ thống nấm rễ, còn các khoảng trống cho cây bụi hoặc các loài mới tái sinh đồng thời làm ranh ngăn lửa. 

Cách tiếp cận này chủ trương kết hợp nhiều loài khác nhau. Họ không can thiệp gì mà để phần diện tích bên trong tự tái sinh. 

Can thiệp của con người chỉ diễn ra ở một số khoảnh rừng ngoài rìa nhiều hứa hẹn để thử phương pháp mới, học từ Mỹ Latin: trên những địa hình dốc, họ trồng một khoảnh rừng nhỏ và để những cây này phát triển và phát tán hạt, theo thời gian cả khu vực tự tái sinh.

Đây thật ra là cách quay về với tự nhiên, tôn vinh một đặc điểm quan trọng và thường bị lãng quên của các khu rừng là khả năng tự mở rộng. 

Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà sinh thái học Brazil, những người chịu trách nhiệm trồng lại một khu rừng trọc và mọc đầy cỏ châu Phi - một loại cỏ làm thức ăn cho gia súc, đã so sánh sự khác biệt của việc dọn cỏ - trồng cây và chỉ dọn cỏ. 

Họ vui mừng xác nhận khâu trồng cây là không cần thiết: 5 năm sau khi bừa cỏ, các ô thử nghiệm xuất hiện toàn cây bản địa. Trong báo cáo viết trên Tạp chí Sinh thái và quản lý rừng, các nhà khoa học khuyến cáo nên thử “đánh giá tiềm năng tái sinh tự nhiên trước và sau đó loại bỏ dần các rào cản với tái sinh tự nhiên là đủ”.

Đây có thể là một bài học quý giá đối với sứ mệnh phục hồi rừng toàn cầu.■

Thuật ngữ phục hồi, tái trồng rừng (reforestation) thường được hiểu là hành động trồng rừng trong một khu vực rừng bị xem là suy thoái hoặc sản lượng thấp và khu vực này đã từng là một nơi có rừng.

Còn thuật ngữ trồng rừng (afforestation) lại là hành động trồng rừng mới trên một khu vực chưa từng có rừng hoặc bị suy thoái và sử dụng đất cho mục đích khác trong thời gian rất lâu.

TS Shyam Paudel, chuyên gia lâm nghiệp của Canada: 

Phải có sự tham gia của cộng đồng

Muốn có chiến lược trồng bổ sung, làm giàu rừng thành công, không gì hơn là dân hiểu - dân biết - dân bàn - dân tin. Người dân thực sự có những kinh nghiệm tại cộng đồng. 

Về suy thoái rừng ngập mặn ở VN, các nguyên nhân chính gây mất rừng và suy thoái rừng ngập mặn là do nông dân khai thác quá mức để nuôi thủy sản và tôm, thiếu kiến thức về quản lý và sử dụng bền vững rừng ngập mặn để cân bằng giữa bảo tồn và sử dụng, thiếu quyền sở hữu rõ ràng đối với rừng ngập mặn gây ra tâm lý không chắc chắn trong cộng đồng về những gì xảy ra trong tương lai và thiên tai. 

Chiến lược phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn nói riêng, phục hồi rừng nói chung nên dựa vào cộng đồng. Cộng đồng cần được khuyến khích bằng tiền mặt hoặc với phần thưởng phù hợp để họ tham gia vào việc bảo vệ rừng ngập mặn và được giao một phần rừng ngập mặn để nuôi trồng thủy sản. Những khu vực rừng bị suy thoái cần được trồng lại và bảo vệ.

Về lý thuyết, rừng tái sinh có thể trở lại trạng thái ban đầu nhưng sẽ mất nhiều thời gian dựa trên các giai đoạn kế thừa kế tiếp khác nhau. Ví dụ, các khu rừng cây sala ở Nepal mất khoảng 80-100 năm để hoàn thành quá trình kế thừa với điều kiện là không có những xáo trộn lớn về nhân văn và tự nhiên. 

Trước đây, một số khu rừng cây sala ở Nepal bị chuyển thành rừng trồng bạch đàn. Hiện rừng nguyên sinh đang quay trở lại nhưng còn ở giai đoạn rất sớm.

Chúng tôi biết mình là một phần của tự nhiên

HẰNG MAI 03/03/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Câu chuyện của vợ chồng chị Trần Vũ Thanh Trâm, sinh năm 1982, ở xã Trường Xuân, huyện Đăk Song, tỉnh Đắk Nông.

Tôi sinh ra và lớn lên ở phố, không biết nhiều về nông thôn. Sau một biến cố cuộc đời, tôi tới tá túc một tuần trong một trang trại, được ôm đỡ và chữa lành. Phong cách sống và làm nông của vợ chồng người chủ trang trại gây ấn tượng với tôi, nên từ đó tôi mong ước được sống trong một trang trại như vậy. Bạn trai của tôi từng đi thăm những trang trại nhỏ xinh đẹp khi anh sống ở Mỹ cũng có mong muốn ấy. Chúng tôi cưới nhau và bắt đầu đi tìm đất.

Lúc ấy, cả hai đều ý thức được rủi ro là mình đang “cua rất gắt” trong cuộc đời, lại đang mông lung, nên chúng tôi - một anh kỹ sư cơ khí chế tạo máy và một cô nhân viên văn phòng - hiểu cần trang bị cho mình kiến thức nông nghiệp. Chúng tôi đi Israel vừa để học vừa để xem đó có phải là ý định bồng bột không. Sau vài tháng thực tập làm nông rất vất vả, cả hai thấy vẫn thích làm kinh tế nông nghiệp như các bạn Do Thái.

NHỮNG PHA “XỬ LÝ CỒNG KỀNH” THUỞ ĐẦU

Tháng 6 - 2014, chúng tôi mua 15ha đất. Đấy là vùng đồi trọc, hoang hóa sau khi rừng ở đó đã bị phá hết để trồng mì, hoa màu và cà phê thì đã cỗi. Một phần chưa có kinh nghiệm, phần khác vừa đi Israel về, khá tự tin rằng công nghệ sẽ giải quyết được mọi vấn đề, chúng tôi bắt tay vào mô hình trang trại trồng chuối laba để xuất khẩu.

Vợ chồng tôi “song kiếm hợp bích” - người lái máy xúc, người lái máy cày. Chúng tôi xới tung mảnh đất, dọn sạch từng cọng cỏ. Khi mùa mưa tới, đất mặt trôi đi hết, để lại những rãnh sâu ngoằn ngoèo, chằng chịt. Đến mùa khô, đất không có gì che phủ, khô cằn và rút nước rất nhanh, có tưới liên tục cũng không ăn thua. Vào mùa gió, không có tàu lá chuối nào nguyên vẹn. Thiếu nước nên chất lượng chuối bị ảnh hưởng. 

Tháng 7- 2016, xới đất trồng bơ và ca cao. Ảnh: NVCC

Sau hai năm, doanh thu không đủ bù chi phí đã bỏ ra cho 3 sào chuối, đó là chưa kể các chi phí đã bỏ ra để làm đường, làm nhà ở, nhà cho công nhân, nhà kho, mua máy cày, máy xúc …

Sau thất bại về chuối, chúng tôi chuyển qua trồng bơ và trồng ca cao dưới tán bơ. Nhưng lượng gió lớn, không có cây lớn che chắn, cây con yếu ở gốc và tả tơi ở ngọn nên tiếp tục chết. Gió thổi bay lớp đất mặt hiếm hoi còn sót lại đang nằm trơ trọi giữa nắng cháy, đất càng kiệt quệ.

Chúng tôi lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, nhưng hệ thống này - dẫu rất tốn kém chi phí, kỳ công lắp đặt, hạch toán khấu hao tối thiểu 10 năm - đã tan hoang chỉ sau mùa khô đầu tiên do chuột và một số loài gặm nhấm cắn phá để tìm nước. 

Khe nước dồi dào dưới chân đồi đã cạn khô sau khi chúng tôi dọn sạch thực bì (chặt hết đám cây tạp và tre) ngay triền đồi phía trên khe nước để trồng cây. Không đủ nước để tưới, cây mới trồng chết hàng loạt.

Ngoài khó khăn về thổ nhưỡng, khí hậu, chúng tôi còn gặp thử thách về nhân lực. Nguồn lao động tại chỗ khan hiếm, chúng tôi phải thuê nhân công từ ngoài tỉnh. Họ từ xa đến không quen khí hậu, ít gắn bó với công việc và khá thụ động nên gây đình trệ tiến độ chung của cả trang trại.

Chúng tôi tìm tòi qua sách báo, mạng Internet và học kỹ thuật từ các chuyên gia. Chúng tôi chở củi từ đỉnh đồi xuống lò than ở chân đồi để đốt, xay, rồi lại vác ngược lên trên đỉnh để rải vào gốc cây. Đó là “một pha xử lý cồng kềnh”. Ba chồng tôi có lần đến thăm, gặp lúc vợ chồng tôi mặt mày nhọ nhem vì hầm than đã quay mặt đi lau nước mắt.

Thấy con trai mình - một kỹ sư cơ khí chế tạo máy từng sinh sống ở Mỹ - nay nhem nhuốc vì hầm than, ba chồng tôi rớt nước mắt. -Ảnh: NVCC

Vì ý thức được tác hại của chất hóa học đối với đất và người nên ngay từ đầu chúng tôi đã chọn không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào. Nhưng không lẽ trồng cây mà không có phân bón? Chúng tôi lại bước vào hành trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh và các chế phẩm sinh học - một hành trình tốn kém cả thời gian, tiền bạc và là “một pha xử lý cồng kềnh” khác!

Hơn 3 năm miệt mài thử - sai, chúng tôi nhận được con số không tròn trĩnh. Mất 3 năm để chúng tôi hiểu rằng biện pháp kỹ thuật áp dụng trên mỗi mảnh đất phải dựa trên các đặc thù và nguồn lực sẵn có trên chính mảnh đất đó; rằng nền tảng của việc tái lập thảm thực vật không phải là công nghệ mà là tạo sinh khối tại chỗ, là che phủ, là tấp tủ. Phân vi sinh là vô nghĩa nếu đất không đủ độ ẩm, không được che phủ và thiếu sự đa loài làm nền tảng cho hệ vi sinh vật phát triển.

CÂY - NGƯỜI THẦY LỚN

Khi các bài học lần lượt hiện hình, lời giải cũng dần xuất hiện, và đó chính là cây - cây giữ nước.

Chúng tôi đào một cái giếng khơi, 8m giếng có 2m nước, đủ xài hàng ngày. Đến khi một người thân cho 1.000 cây vối, chúng tôi trồng đại trên 1.000m2 triền đất phía trên giếng. Sau gần 3 năm, đám vối chen nhau cao lớn và mực nước trong giếng đã lên 4m. Hóa ra những cây vối đã làm giàu cho nguồn nước mạch tuyệt vời như thế!

Chúng tôi có một hồ nước mạch giữa đồi, vì phía trên hồ là 1ha cao su và cây rừng tạp. Khe nước từng cạn vào mùa khô năm ấy vì chúng tôi chặt hết cây trên đồi, giờ đây, 3 năm sau, khi chúng tôi phủ xanh triền đồi bằng cây rừng đa loài và để cỏ dày giữ ẩm che phủ đất, nguồn nước đã dần trở lại.

Cũng mảnh đất ấy tháng 2-2021. Ảnh: NVCC

Khi chúng tôi trồng chuối để che bóng cho ca cao, người ta nói chuối sẽ làm nghèo đất và không cây nào cạnh tranh được với nó. Nhưng quan sát thấy đất nơi gốc chuối luôn ẩm nên chúng tôi trồng chuối gần cây rừng, cây ăn quả. Ban đầu cách 2m, bây giờ chỉ cách 20cm. Khi cây thân gỗ còn nhỏ, chuối giữ ẩm, che bóng, chắn gió. 

Khi cây lớn hơn, chuối được tỉa bớt lấy thân, lá ủ gốc. Những cây được trồng dưới tán chuối như thế lớn và khỏe mạnh gấp đôi cây đứng một mình. Và quan trọng hơn là vào mùa khô cũng không cần phải tưới.

Những chiêm nghiệm thực tế đó giúp chúng tôi tự tin thử nghiệm 1ha theo phương thức vườn rừng đa loài và đa tầng. Ngoài chuối, chúng tôi đưa cây tiên phong họ đậu phát triển nhanh như keo, muồng đen... để che bóng cho cây con, cố định đạm trong đất, cắt tỉa để tạo sinh khối tại chỗ, che phủ đất vào mùa khô. 

Giờ đây, sau những bài học của 3 năm đầu, chúng tôi chỉ trồng cây vào đầu mùa mưa và hạn chế xới xáo bề mặt. Khi trồng không bón phân lót, không múc hố lớn như trước mà chỉ khoan lỗ lớn hơn bầu một chút và làm sạch cỏ quanh hố trồng.

Vì muốn chủ động cây giống nên chúng tôi tự ươm cây lâm nghiệp, mất công sang bầu, dưỡng cây trong vườn ươm cả 6 tháng và giúp cây làm quen nắng theo tiến độ. Trong khi đó, chúng tôi lại thấy cây rừng tái sinh tự nhiên lớn như thổi mà mình chả phải làm gì. 

Cho nên sau đó, không quan trọng cây đó là cây gì, chỉ cần cây sống là chúng tôi dưỡng. Trong các tháng mùa mưa, chúng tôi dọn cỏ quanh gốc, cắt dây leo bám vào cây. Đến mùa khô, chúng tôi cắt cỏ tấp gốc, chừa lại ít cỏ để che phủ và giữ ẩm cho đất. Cây nào không biết tên thì chúng tôi hỏi người dân xung quanh. Hóa ra toàn cây quý: hương đen, trâm, xoan rừng...

Một năm sau, trên 1ha đó, cây phát triển rất khỏe mạnh. Chi phí được giảm thiểu, nhất là rất chủ động trong công việc vì chúng tôi có thể tự làm mà không phải thuê mướn nhân công. Đến năm vừa rồi, chúng tôi tự tin triển khai cách làm này trên những khu đất mà trước đây đã thất bại với việc trồng thâm canh cây bơ và ca cao ghép.

Hành trình trở về với tự nhiên của chúng tôi, cả lối sống và lối canh tác, đến lúc này đã không còn là một sự lựa chọn, mà đó là con đường tất yếu! Một cái cây phải len qua sỏi đá để cắm rễ sâu vào trong đất nếu muốn vươn cao. Chúng tôi cũng nhìn những vấp váp, thất bại ban đầu như những trải nghiệm cần thiết để vững vàng hơn trên con đường này. 

Cây rừng tái sinh tự nhiên lớn như thổi mà chủ vườn không cần phải làm gì. Ảnh: NVCC

Trên con đường ấy, chúng tôi từng bước nhận diện được đâu là tham cầu, đâu là nhu cầu. Chúng tôi đi từ những tham vọng ban đầu lớn lao đến việc đơn giản hóa và từng bước tự chủ những nhu cầu hàng ngày như việc chuyển sang ăn chay, tự trồng rau để ăn, gói ghém chi tiêu gia đình trong thu nhập từ vườn cà phê, tự tay làm vật dụng trong nhà từ nguyên liệu sẵn có trong vườn hoặc tái chế.

Sống ở vườn, chúng tôi đã học được bài học lớn nhất trong đời là quan sát quy luật tự nhiên để biết giới hạn bản thân và đặt mình vào đúng chỗ: chúng tôi là một phần của tự nhiên, nương tựa vào thiên nhiên để cùng nhau sinh tồn chứ không phải là chủ nhân của vạn vật trên mảnh đất ấy!■

Trồng cây ư? Không khó, thiên nhiên làm là chính!

HẰNG MAI 02/03/2021 17:02 GMT+7

TTCT - Câu chuyện của anh Phạm Văn Hùng, sinh năm 1991, ở xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.

 

 Anh Hùng và con, trong mong ước "con được lớn lên ở nơi có nhiều cây xanh, có nguồn nước lành, đất đai màu mỡ". Ảnh: NVCC

Tốt nghiệp đại học xong, tôi kinh doanh du lịch. Thời điểm 2017-2018, Phú Quốc có cơn sốt đất, môi trường sống xung quanh chúng tôi thay đổi rõ rệt, bụi bặm và ồn ào hơn. Nên khi vợ tôi có bầu cháu đầu tiên, chúng tôi thống nhất chuyển cả gia đình lên Đắk Nông nhằm tìm một môi trường tốt hơn cho con. 

Tuổi thơ của tôi gắn với nông thôn, với rừng nên tôi cũng muốn các con mình có được tuổi thơ như vậy; muốn con được lớn lên ở nơi thưa dân cư, có nhiều cây xanh, có nguồn nước lành, có đất đai màu mỡ; mong con hiểu về tự nhiên, học được nhiều kỹ năng, học trồng cấy để tự chủ thực phẩm, giảm sự phụ thuộc vào thực phẩm công nghiệp và đồ tiêu dùng công nghiệp.

Đầu tháng 5-2018, tôi tiếp nhận khu vườn 53ha trên đất dốc từ người chủ cũ. Thực vật trên khu đất lúc ấy chủ yếu là cỏ, vài loại cây ăn trái 3-4 năm tuổi và cây tái sinh 1-2 năm tuổi. Đất bị rửa trôi nhiều, nước trong hai cái hồ dưới chân đồi lúc nào cũng đỏ quạch.

Người chủ cũ đã dựng nhà và thâm canh chanh dây ở đỉnh đồi vì nơi đó bằng phẳng nhất. Tây Nguyên vốn đã nổi tiếng với cái nắng, cái gió. Ở đỉnh đồi trọc thì mọi yếu tố khí hậu như gió, mưa, lạnh, nóng đều cực đoan. Mưa đầu mùa kéo sạch lớp phủ thực vật trên đỉnh đồi đi, cả các công trình xây dựng. Những ngày gió lớn, ngồi trong nhà nghe gió rít mà sợ. Giàn chanh dây phải làm bằng dây kẽm và neo xuống đất mới trụ được trên đỉnh đồi.

Nhận đất xong, chúng tôi cũng trồng chanh dây để có thu nhập ngắn hạn như những nông dân địa phương, chỉ khác là không dùng hóa chất trong canh tác. Vụ đầu tiên rơi vào mùa mưa, mọi chuyện ổn: cây không phải tưới, trái đều đẹp, đầu ra giá tốt. 

Vụ thứ 2 rơi vào mùa khô, thiếu nước nên trái teo. Chúng tôi phải bơm nước liên tục, bơm chuyền 2-3 lần từ chân đồi mới lên được đỉnh đồi, vừa tốn năng lượng vừa tốn nhân công liên tục rà soát béc nước để đảm bảo không bị nghẹt. Sau một năm thì tôi bỏ tưới.

Khi mới nhận vườn, tôi đầu tư hơn 100 tấn phân bò cho 15ha cây ăn quả. Tôi cũng lấy rất nhiều sinh khối từ bên ngoài rồi trộn cùng phân bò để nuôi trùn quế, trùn quế nuôi gà, phân gà bón vườn. 

Tuy nhiên, dù có nguồn phân dồi dào thì trên đất dốc, việc vận chuyển phân ra vườn rất tốn công và nhiên liệu. Về sau, tôi dùng sinh khối có sẵn tại chỗ như cỏ, chuối, vỏ cà phê để phủ vườn rau. Đất dốc khiến chi phí sản xuất và chi phí thu hoạch cao, vì vậy tôi không trồng thêm cây ăn trái trên đất dốc nữa, chỉ trồng cây lâm nghiệp.

2 tháng sau khi trồng chanh dây, tôi bắt đầu nuôi gà trên đỉnh đồi gần nhà để dễ chăm sóc. Mọi chuyện tạm ổn được vài tháng mùa mưa. Sang mùa khô, nắng hạn làm đất khô khốc, cây cỏ vàng úa, lại thêm gà bới trơ cả đất. 

Sau đó tôi nuôi bò, những mong bò sẽ giúp giải quyết những đám cỏ đang lên rất tốt trên đất dốc ở xa nhà, dùng phân bò để nuôi trùn quế nhằm giảm tiền mua thức ăn cho gà. Nhưng khi thả tự nhiên thì bò chỉ chọn chỗ gần và phẳng để ăn chứ không chọn chỗ xa và dốc, nên thảm thực vật ở đỉnh đồi gần nhà bị cạo sạch. Do đó, tôi phải khoanh thành 4 vùng, mỗi vùng 2ha cho 7 con và cho ăn theo vùng. Tuy nhiên, vào mùa khô, chỉ sau 2 ngày là hết thức ăn. Thảm thực vật cạn kiệt, thêm bò giẫm đạp nên đất tơi ra như bột.

Tôi giải tán đàn bò, giảm luôn đàn gà vịt và heo, chỉ nuôi đủ dùng cho nhu cầu gia đình.

Tôi đúc rút cho mình vài bài học. Đầu tiên, đỉnh đồi mà không có cây lớn phòng hộ thì không phải vị trí phù hợp để dựng nhà, làm chuồng trại chăn nuôi, thậm chí trồng cây cũng vất vả bởi ngoài yếu tố khí hậu cực đoan còn phải tiêu tốn quá nhiều năng lượng để tiếp cận nguồn nước và thức ăn. Thứ hai, trên nền đất đỏ, đất dốc, ưu tiên số một là tái lập thảm thực vật. Vội vã chăn nuôi khiến thảm thực vật đã nghèo còn suy kiệt thêm, đất bị xói mòn hơn.

Tôi được tư vấn là có thể trồng cây vào bất cứ mùa nào khi đưa công nghệ vào nông nghiệp, thậm chí mùa khô cây còn phát triển nhanh hơn. Sẵn có hệ thống tưới nên tôi trồng xen các cây khác vào vườn chanh dây. Nhưng các vườn chanh dây đều nằm ở đỉnh đồi, dưới nắng gió Tây Nguyên chỉ 1 giờ sau khi tưới thì đất đã khô hết, lại tốn điện và nhân công vô ích.

 “Trong lúc tìm cách về với tự nhiên, ngặt vì người ta không hiểu rõ tự nhiên là gì nên nỗ lực ấy thành ra vô ích.

(trích cuốn sách Cuộc cách mạng một cọng rơm)

Năm đầu, tôi mua nhiều cây giống và nhận thấy cây ăn trái - loại cây ghép mà trồng theo kiểu tự nhiên thì tỉ lệ sống thấp. Cây giống lâm nghiệp mua về trồng cũng phát triển kém, do bộ rễ đa phần bị tổn thương. 

Khi so sánh trồng muồng đen và keo gieo hạt trực tiếp với cây ươm bầu, tôi nhận thấy cây gieo hạt lớn chậm nhưng khỏe. Nhiều cây trồng bầu chết vào mùa khô nhưng các cây trồng hạt thì vẫn sống.

Hiện nay tùy hiện trạng từng khu trong vườn mà tôi tác động theo 3 cách khác nhau:

1. Những khu có ít cây rừng tái sinh thì mùa mưa chúng tôi trồng thêm chuối. Chuối phát triển nhanh, bền cây và phủ xanh nhanh nhất.

2. Những khu có nhiều cây rừng tái sinh thì chúng tôi phát cỏ quanh những cây tự tái sinh để tạo điều kiện cho cây vượt lên.

3. Những khu mà cây rừng đã vươn lên chiếm ưu thế thì để tự nhiên, không can thiệp.

Tôi thấy khu nào từng thâm canh thì cây thân gỗ tái sinh ít, nhất là những khu từng trồng chanh dây do bị xới xáo nhiều lại ở vị trí đỉnh đồi nên thảm thực vật tái lập khá chật vật; khu nào ít canh tác thì cây thân gỗ tái sinh mạnh và đa loài hơn mình trồng rất nhiều. Nhìn chung, thảm thực vật từng bước được tái lập đã hạn chế phần nào sự xói mòn, hai hồ nước dưới chân đồi càng ngày càng trong và nhiều nước hơn.

                               
Sau gần 3 năm, (tháng 5-2018 đến tháng 2-2021), quả đồi đã xanh hơn, hồ nước dưới chân đồi trong hơn và nhiều nước hơn (Ảnh: NVCC) 

Nhìn lại gần 3 năm qua, tôi nghĩ rằng làm nông khó hay dễ là do mình. Muốn dễ thì phải hiểu nhu cầu của mình: tôi không còn mong đợi nguồn thu nào từ vườn mà tìm mọi cách giảm chi để đi được đường xa. Tiền mặt hàng tháng cho cả trang trại chỉ cần tầm chục triệu đồng. Chúng tôi tự chủ được phần lớn thực phẩm. Nhân lực gọn nhẹ. Chúng tôi trồng tre, trúc dọc đường đi và ven suối nhằm giải quyết nhu cầu sử dụng của trang trại. Muốn làm giàn cho cây dây leo mà không có cây thì sẽ chỉ nghĩ đến mua dây về dùng.

Bạn cần biết vườn có sẵn gì. Ví dụ, nếu trong vườn có mạch nước chảy quanh năm, sao không sống gần nguồn nước mà lại sống ở đỉnh đồi cách xa nguồn nước cả trăm mét? Kế đó là cần theo nhịp tự nhiên: có tiền, có nôn nóng thì cũng không đi nhanh hơn được, vừa tốn kém lại dễ nản lòng.

Trồng cây không phải việc khó. Thiên nhiên trồng là chính, người trồng là phụ. Thử thách lớn nhất của tôi ở giai đoạn này là bảo vệ khu vườn khỏi những mối nguy từ bên ngoài, bao gồm cả con người và gia súc.■

 Thiên nhiên không vội vã mà muôn sự đều thành. (Lão Tử) 

Trồng cây và nương tựa tự nhiên: Tôi thấy mình như khe nước nhỏ…

HẰNG MAI 01/03/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Một bác nông dân, một cô nhân viên văn phòng, một kỹ sư chế tạo máy, một doanh nhân… đi làm vườn và trồng cây thì có gì khác và giống nhau? Câu chuyện của những người trồng cây gây rừng dưới đây chia sẻ những cách nghĩ, cách làm ít tốn kém, tối ưu hóa được nguồn lực nếu biết nương tựa vào tự nhiên, cả những sai lầm và vỡ lẽ của họ… Tất cả dẫn họ đi qua một hành trình không định trước, đi từ câu hỏi “trồng cây gì ở đây?” đến câu hỏi “cây gì mọc được ở đây?”, từ tâm thế chủ nhân đến tâm thế nương tựa thiên nhiên. Nhờ thế mà họ nhận thức khác đi, hành động khác đi, sống khác đi. Họ đi từ việc biết “nương” (nương tay, nương nhẹ, nương theo) rồi mới có thể “tựa” được.

Câu chuyện của ông Nguyễn Minh Hải, sinh năm 1966, ở xã Ia Phang (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) - một người làm vườn rừng. 

 

 Khu vườn rừng của ông Hải (Ảnh: Hằng Mai)

Tôi theo cha từ miền Trung lên Tây Nguyên làm kinh tế mới khi ngoài 20 tuổi. Năm 30 tuổi, tôi lập gia đình và ra ở riêng. Vì mới ra riêng, vốn ít, tôi không trồng những cây đòi hỏi vốn đầu tư cao như cà phê và tiêu mà chọn trồng điều và chuối.

Năm 2003, vợ tôi bệnh nặng phải nhập viện ở Sài Gòn. Tôi đi theo chăm vợ bệnh, nhà cửa bỏ không, con cái gửi các em, vườn tược cũng gửi các em chăm sóc và bán nông sản. Sau vài tháng ở bệnh viện, khi trở về nhà, hai vợ chồng tay trắng cộng với ít nợ nần. Lúc đó, tôi nhìn vào vườn chuối và điều của mình, cảm thấy may mắn. Nếu trước đó tôi trồng loại cây nào khác đòi hỏi nguồn lực lớn hơn, thì sau thời gian vừa qua có khi đã không gượng dậy được.

Vườn chuối và điều là chỗ dựa giúp chúng tôi hồi phục kinh tế. Sau biến cố gia đình, tôi biết mình phải làm ít lại để tự chủ và để còn có thời gian tiếp tục chăm sóc vợ. Cô ấy vẫn cần tiếp tục điều trị trong 3 năm liền. Tôi quyết định trồng cây lâm nghiệp để đỡ chi phí đầu tư, đỡ tốn công và có của để dành.

Thời điểm 18 năm về trước đó, quả đồi 7ha của tôi gặp đủ chuyện khó khăn: vùng đỉnh đồi không có thảm thực vật che phủ nên bị xói mòn, suy thoái độ phì, đất lẫn nhiều đá, không có nguồn nước (canh tác hoàn toàn phụ thuộc vào nước mưa) nên không thể trồng cây hằng năm. 

Giải pháp khả thi khi đó là bỏ hoang hoặc trồng cây lâu năm. Vì đồi toàn đá, chỉ có cây xoan sống được nên tôi trồng xoan đầu tiên. Mới đầu thấy cây rừng tự tái sinh là tôi phát hết, cho khỏi cạnh tranh với xoan. Nhưng rồi tôi nhận ra sai lầm của mình: Sao mình trồng cây hoài không được, giờ có cây tự mọc mà mình lại đi chặt?

Từ đó, cây gì tự mọc lên tôi đều dưỡng hết. Cùng lúc, tôi trồng chuối xen với xoan, tạo nguồn thu ngắn hạn. Cứ tự nhiên như vậy, cả xoan và chuối đều là cây tiên phong hợp lý cho diễn thế tái lập rừng cho mảnh đất của tôi.

Trồng cây khó một thì giữ cây khó mười. Mình biết sống một chút thì mới giữ được. Tôi kết thân với cộng đồng người bản địa sống xung quanh, biết “thủ lĩnh” của họ là ai, khi cần thì nên nói chuyện với ai. Phía dưới chân đồi có một làng người đồng bào dân tộc ít người. Họ hiểu rằng tôi “nuôi rừng”, rằng họ có nước xài là nhờ những cái cây trên đồi của tôi nên họ rất hợp tác. Tôi cũng chia sẻ nguồn lợi của khu vườn như cỏ, măng... cho họ thu hái để dùng.

Ngoài việc nương tựa vào tự nhiên và cộng đồng trong việc trồng cây như nói ở trên, tôi nghĩ bản chất của một nông dân căn cơ, hà tiện đã giúp tôi đi qua được 18 năm qua và giữ được quả đồi cùng những cái cây. Tôi tự tay làm mọi việc và thuộc từng gốc cây trong vườn mình. Tôi hạn chế mọi giải pháp phải sử dụng đến tiền, không thuê mướn và không sử dụng giải pháp công trình. Ngay cả việc trồng cây tôi cũng chỉ đào hố vừa đủ cho gốc cây.

Tôi cũng từng trồng một ít tiêu, với tâm ý thận trọng. Nhờ làm ít nên tôi không bị sa lầy. Nhờ đi chậm nên tôi không nếm thất bại lớn. Nhưng tôi vẫn thấy rõ sự thất bại và những khó khăn của phương thức canh tác mà số đông đang thực hành. Ví dụ, nước tưới càng ngày càng khan hiếm: hồi đầu khoan giếng 20 mét, rồi phải khoan tới cả 100 mét mới có nước.

Thời điểm bắt đầu trồng cây lâm nghiệp, tôi thuyết phục bà con xung quanh cùng làm. Tổng diện tích dần dà cũng đến hơn 100ha cây lâm nghiệp. Như những nông dân khác, tôi cũng đứng trước nhiều cám dỗ. Ví dụ khi giá tiêu lên 200 ngàn đồng/kg, tôi phải lựa chọn giữa việc giữ nguyên hiện trạng quả đồi hay kêu xe múc hết để trồng tiêu. Nhưng rồi tôi biết ngừng lại, không chuyển đổi sang trồng tiêu mà dưỡng cây rừng, sau đó trồng xen tiêu vào vườn rừng.

Giờ đây, khi những người xung quanh đã phá hết cây lâm nghiệp, tôi vẫn còn “khu rừng”. Tôi thảnh thơi hơn họ bởi tôi không mắc nợ, tôi có thu nhập ngắn hạn chủ lực là chuối. Và tôi có “của để dành” là vài trăm cây căm xe và kơnia, xoan đếm không hết, cùng nhiều loài khác tự mọc lên, có loài tôi chưa biết tên.

 

 Anh Hải trong khu vườn rừng nay có rất nhiều cây quý tự mọc lên. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Gần đây có nhiều người từ xa tới thăm khu vườn rừng của tôi. Lúc ấy tôi mới hiểu là hóa ra con đường mình đi tuy không định trước, người xung quanh còn không ủng hộ, nhưng tôi lại bắt kịp xu thế chung trong việc trồng cây gây rừng, canh tác không hóa chất. Tôi thấy mình như khe nước nhỏ, len lỏi theo điều kiện riêng của mình, cũng đã từng không biết mình đi đâu, nhưng một ngày lại thấy mình đang hòa vào biển lớn.

Nhiều bạn trẻ tới hỏi tôi về kinh nghiệm tái lập rừng. Tôi cũng từng phá rừng làm rẫy như bao người. Sau đó, tôi bắt đầu trồng cây lâm nghiệp cũng chỉ vì lý do kinh tế vì miếng đất không thể trồng gì khác, chứ không có lý tưởng cao cả gì. Có điều càng làm thì nhận thức của tôi càng chuyển biến. Tôi biết mình cần nương tựa thiên nhiên để có cuộc sống bền vững.

Công việc hằng ngày của tôi đến giờ vẫn chỉ là làm rẫy, trồng chuối, dưỡng rừng. Các biện pháp kỹ thuật trồng vườn rừng các bạn có thể tìm trên mạng dễ dàng. Bí quyết của tôi, nếu có, chỉ là: đi chậm, làm nhỏ, chi phí thấp, quan sát học hỏi và nương theo tự nhiên. Và có sự hậu thuẫn của vợ tôi - một người đảm đang và vun vén. ■

Bạn đang đọc trong chuyên đề "TRỒNG CÂY VÀ NƯƠNG TỰA TỰ NHIÊN"