Xét xử vụ án tiêu cực ở các trung tâm đăng kiểm

Tuổi Trẻ Cuối Tuần

Những thông tin mới nhất về phiên tòa xét xử 254 bị cáo trong vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm Việt Nam

Làm khống 379 hồ sơ cải tạo xe, nhóm đăng kiểm viên lãnh án

TẤN LỰC 13/05/2025 19:55 GMT+7

Nhóm đăng kiểm viên Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 77-04D tại Bình Định nhận tiền đút lót để thông qua 379 hồ sơ cải tạo xe cơ giới khống, nhận hối lộ 189,5 triệu đồng.

Làm khống 379 hồ sơ cải tạo xe, nhóm đăng kiểm viên lãnh án - Ảnh 1.

Nhóm đăng kiểm viên Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 77-04D tại phiên tòa - Ảnh: H.Đ.

Ngày 13-5, TAND tỉnh Bình Định mở phiên tòa xét xử vụ án nhận hối lộ và đưa hối lộ đối với các bị cáo tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 77-04D.

Trung tâm đăng kiểm này thuộc Công ty cổ phần Kỹ nghệ Bình Định tại Khu kinh tế Nhơn Hội, xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn.

Các bị cáo trong vụ án là: Nguyễn Vũ Ka - nguyên giám đốc Trung tâm 77-04D; Nguyễn Đức Thạch - nguyên phó giám đốc; Ngô Văn Sanh, Trần Đình Thụy, Trần Huy Cường - cùng là đăng kiểm viên tại trung tâm. 

Trong vụ án này, bị cáo Cường bị truy tố về tội đưa hối lộ, những người còn lại bị truy tố tội nhận hối lộ.

Theo cáo trạng, ngoài vai trò đăng kiểm viên, Cường mở Công ty Cường Phát thực hiện dịch vụ trọn gói từ thiết kế, thẩm định, nghiệm thu xuất xưởng, nghiệm thu cấp giấy chứng nhận cải tạo cho phương tiện đã thi công cải tạo không đúng quy định.

Do không thi công cải tạo và nghiệm thu xuất xưởng đúng quy định, Cường làm khống các giấy tờ, thủ tục thi công cải tạo để hợp thức hóa 379 hồ sơ.

Để được nghiệm thu đạt, cấp giấy chứng nhận cải tạo, Cường thỏa thuận với Ka chi tiền cho tổ nghiệm thu để bỏ qua các sai phạm với số tiền 500.000 đồng/xe và được Ka đồng ý.

Sau đó Ka nói lại việc này cho Thụy để thông báo cho Thạch và Sanh biết. Sau những lần nghiệm thu đạt, Cường chuyển tiền vào tài khoản Thụy, rồi Thụy chia lại cho 4 thành viên trong tổ nghiệm thu gồm Ka, Thạch, Sanh và Thụy.

Đến tháng 9-2022, Ka xin nghỉ việc, những người còn lại tiếp tục thực hiện ăn chia tiền nghiệm thu xe cải tạo.

Theo kết quả điều tra, tổng số tiền Cường đã chuyển cho nhóm trên để bỏ qua sai phạm trong các hồ sơ nghiệm thu là 189,5 triệu đồng. Ka được xác định đã nhận 56,3 triệu đồng, Thạch nhận 55,8 triệu đồng, Sanh nhận 41,2 triệu đồng, Thụy nhận 36,1 triệu đồng.

Cơ quan điều tra cũng xác định tổng số tiền Cường đã nhận của 379 chủ phương tiện để làm dịch vụ cải tạo là hơn 1,6 tỉ đồng, trong đó số tiền thu lợi bất chính là 478,7 triệu đồng.

Hội đồng xét xử tuyên phạt Nguyễn Vũ Ka 3 năm tù, Nguyễn Đức Thạch 2 năm 6 tháng tù, Ngô Văn Sanh 2 năm 3 tháng tù (cho hưởng án treo); Trần Đình Thụy 2 năm tù (cho hưởng án treo) cùng về tội nhận hối lộ; Trần Huy Cường 2 năm tù (cho hưởng án treo) về tội đưa hối lộ.

Làm khống 379 hồ sơ cải tạo xe, nhóm đăng kiểm viên lãnh án - Ảnh 2.Sở Giao thông vận tải TP.HCM cảnh báo lừa đảo, mạo danh cán bộ đăng kiểm

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề nghị các cơ sở đăng kiểm xe cơ giới thông báo, cảnh báo tới các chủ xe tuyệt đối không thực hiện chuyển tiền khi nhận các cuộc gọi hay tin nhắn.

Cựu lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm Đồng Nai cùng thuộc cấp hầu tòa

A LỘC 14/04/2025 15:13 GMT+7

Cựu giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai cùng thuộc cấp bị xét xử về tội nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Cựu lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm Đồng Nai cùng thuộc cấp hầu tòa - Ảnh 1.

Cựu lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm Đồng Nai cùng thuộc cấp bị xét xử về tội nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ - Ảnh: AN BÌNH

Ngày 14-4, TAND tỉnh Đồng Nai đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử cựu lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai (viết tắt Trung tâm đăng kiểm, trụ sở chính tại phường An Bình, thành phố Biên Hòa).

Cựu giám đốc nhận hối lộ 104 triệu đồng

Theo đó, bị cáo Dương Việt Hồng, 50 tuổi, cựu giám đốc Trung tâm Đăng kiểm Đồng Nai, bị truy tố về tội nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Hai cựu phó giám đốc trung tâm gồm Nguyễn Sơn Hải, Trần Minh Lợi và đăng kiểm viên Bùi Trọng Tường bị xét xử về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Bị cáo Đặng Trần Huy, trưởng dây chuyền 1 và 2 (Trung tâm đăng kiểm 60-01S), bị truy tố tội nhận hối lộ.

Các bị cáo Nguyễn Thành Sơn, Phùng Thị Được, Vũ Xuân Lại, Ngô Văn Giàu, Ngô Văn Sang, Trần Đại Nghĩa và Đàm Đức Cải bị truy tố tội đưa hối lộ.

Riêng bị cáo Lê Văn Hòa bị xét xử về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và làm giả tài liệu của tổ chức.

Theo cáo trạng, từ tháng 1-2021 đến tháng 12-2022, bị cáo Hồng đã lợi dụng chức vụ của mình giúp cho các chủ xe không phải mang xe đến trung tâm đăng kiểm nộp hồ sơ đăng ký theo quy định.

Các chủ xe chỉ cần chụp hình gửi qua Zalo, chuyển tiền phí đăng kiểm vào tài khoản ngân hàng của Hồng.

Sau đó Hồng chuyển hình ảnh và thông tin của xe cho nhân viên, chỉ đạo nhân viên làm thủ tục trước để khi xe đến thì được đăng kiểm ngay. Quá trình đăng kiểm nếu có lỗi khiếm khuyết nhỏ thì bỏ qua cho xe đăng kiểm đạt.

Cáo trạng xác định Hồng đã nhiều lần nhận tiền hối lộ từ Sơn, Được, Nghĩa, Lại… với tổng số tiền 104,4 triệu đồng.

Cùng thời gian trên, bị cáo Đặng Trần Huy lợi dụng quyền hạn đăng kiểm viên, trưởng dây chuyền đã nhận hối lộ từ Giàu, Sang, Cải… với số tiền 27,78 triệu đồng.

Ký xác nhận, cấp giấy chứng nhận cải tạo xe trái quy định

Cũng theo cáo trạng, từ năm 2020 đến đầu năm 2023, lợi dụng chức vụ của mình, Nguyễn Sơn Hải đã trực tiếp nhận làm 125 hồ sơ đề nghị nghiệm thu với tổng số tiền 1 tỉ đồng của các chủ xe.

Sau đó Hải thông đồng với các bị cáo Tường, Hồng và Lợi nghiệm thu và cấp giấy chứng nhận cải tạo trái quy định. Qua đó hưởng lợi trái pháp luật tổng số tiền hơn 185 triệu đồng.

Bị cáo Tường trực tiếp nhận làm 140 hồ sơ với tổng số tiền 1,54 tỉ đồng từ các chủ xe, sau đó trực tiếp nghiệm thu, thông đồng với Hải, Hồng và Lợi để cấp giấy chứng nhận cải tạo trái quy định, hưởng lợi số tiền hơn 135 triệu đồng.

Các trạng xác định Hồng và Lợi có vai trò lãnh đạo trung tâm, chịu trách nhiệm trong công tác quản lý đối với hoạt động nghiệm thu xe cơ giới cải tạo, ký xác nhận biên bản và giấy chứng nhận cho các xe cải tạo.

Dù biết Hải và Tường nhận tiền làm hồ sơ đề nghị nghiệm thu trái quy định, quá trình nghiệm thu xe cơ giới cải tạo không đủ thành phần đăng kiểm viên, đại diện cơ sở thi công theo quy định.

Tuy nhiên, Hồng và Lợi vẫn ký xác nhận để giúp sức cho Hải và Tường làm trái công vụ và được hưởng lợi từ tiền "quỹ cải tạo" mỗi người gần 40 triệu đồng.

Xuất khống 314 hồ sơ thi công, thu lợi hơn 700 triệu đồng

Bị cáo Lê Văn Hòa là chủ tịch kiêm giám đốc Công ty Thuận Khánh (phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa), đồng thời là em rể của Nguyễn Sơn Hải.

Dù biết Hải và Tường mua hồ sơ thi công của Công ty Thuận Khánh với mục đích hợp thức hóa hồ sơ đề nghị nghiệm thu cải tạo xe, thế nhưng Hòa vẫn đồng ý xuất khống 265 bộ hồ sơ.

Hành vi của Hòa đã giúp sức tích cực cho Hải và Tường làm trái công vụ trong hoạt động nghiệm thu xe cải tạo để trục lợi. Riêng Hòa không hưởng lợi từ việc xuất khống số hồ sơ nêu trên.

Ngoài ra, cáo trạng xác định Hòa đã ký giả chữ ký của cán bộ kỹ thuật là kỹ sư cơ khí trên 966 "biên bản nghiệm thu xuất xưởng xe cơ giới cải tạo" và xuất khống 314 hồ sơ thi công để thu lợi bất chính tổng số tiền hơn 700 triệu đồng.

Cựu lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm Đồng Nai cùng thuộc cấp hầu tòa - Ảnh 2.Bắt một đăng kiểm viên ở Đồng Nai về tội nhận hối lộ

Liên quan vụ đưa và nhận hối lộ tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 60-01S, Công an Đồng Nai vừa bắt thêm một đăng kiểm viên.

Tuyên án vụ giả mạo trong công tác tại Trung tâm đăng kiểm 84-02D ở Trà Vinh

HOÀI THƯƠNG 21/03/2025 13:51 GMT+7

Nghĩa đã chỉ đạo 5 người khác thực hiện hành vi giả mạo trong công tác khi đăng kiểm và cấp giấy phép đăng kiểm giả cho 4.449 xe.

Tuyên án các bị cáo giả mạo trong công tác tại Trung tâm đăng kiểm 84-02D ở Trà Vinh - Ảnh 1.

Bị cáo Trần Lập Nghĩa (bìa phải) tại tòa - Ảnh: PHẠM HƠN

Sau 2 ngày xét xử sơ thẩm, ngày 21-3, Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh đã tuyên án đối với các bị cáo để xảy ra sai phạm tại Chi nhánh Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 84-02D ở xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.

Tuyên án các bị cáo vụ sai phạm tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 84-02D Trà Vinh - Video: HOÀI THƯƠNG - PHẠM HƠN

Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Trần Lập Nghĩa 13 năm tù; Phạm Thị Thanh Thùy 7 năm tù; Cao Minh Châu 4 năm tù; Mai Mạnh Hùng 2 năm tù nhưng hưởng án treo, thử thách 4 năm cùng về tội "giả mạo công tác".

Các bị cáo Nguyễn Quốc Thống 10 năm tù và Trần Vũ Phương 17 năm tù cùng về tội giả mạo công tác và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Theo cáo trạng, ngày 24-9-2021, Nghĩa giả chữ ký của ông Nguyễn Huỳnh Minh Quân (61 tuổi, ngụ TP.HCM) ký quyết định thành lập Chi nhánh Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 84-02D và bổ nhiệm bà Thùy làm giám đốc.

Sau đó Nghĩa chỉ đạo các bị cáo Thống, Thùy, Phương, Châu lập, hợp thức hóa hồ sơ để thực hiện hoạt động đăng kiểm trái pháp luật.

Từ tháng 2-2022 đến tháng 1-2023, tại Trung tâm 84-02D, Nghĩa, Thùy, Thống, Châu đã có hành vi giả mạo trong công tác khi thực hiện đăng kiểm và cấp giấy phép đăng kiểm giả cho 4.449 xe, thu lợi bất chính trên 2,8 tỉ đồng và số tiền này được chuyển vào tài khoản cá nhân của Nghĩa.

Ngoài ra Phương đã lợi dụng tư cách pháp nhân của một công ty khác làm giả 35 tài liệu, thu lợi bất chính trên 43 triệu đồng. Cơ quan điều tra xác định với vai trò đồng phạm, Thống đã thực hiện 12 tài liệu và Hùng thực hiện 13 tài liệu.

Nghĩa là chủ của 3 trung tâm đăng kiểm, trước đó đã bị Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên phạt 30 năm tù về các tội nhận hối lộ, giả mạo trong công tác và xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.

Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp cũng đã tuyên phạt Nghĩa 29 năm tù về tội nhận hối lộ và giả mạo trong công tác.

Tuyên án các bị cáo giả mạo trong công tác tại Trung tâm đăng kiểm 84-02D ở Trà Vinh - Ảnh 4.Vì sao chủ đầu tư 5 trung tâm đăng kiểm Trần Lập Nghĩa bị xử 3 tội danh?

Chiều 8-8, tại phiên tòa xét xử vụ án tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm, đại diện viện kiểm sát tiếp tục tranh luận đối với nhóm bị cáo ở các trung tâm do Trần Lập Nghĩa làm chủ.

Hai cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam và nhiều bị cáo được giảm án

TUYẾT MAI 22/01/2025 11:45 GMT+7

Sáng 22-1, TAND cấp cao tại TP.HCM đã tuyên án 144 bị cáo trong vụ sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM, Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.

Hai cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam và nhiều bị cáo được giảm án - Ảnh 1.

Ông Đặng Việt Hà (thứ hai từ phải) tại tòa phúc thẩm - Ảnh: H.Đ.

Theo đó, ông Trần Kỳ Hình (cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) được giảm 3 năm tù, từ 25 năm tù xuống còn 22 năm tù về các tội nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ông Đặng Việt Hà (cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) được giảm 2 năm, từ 19 năm tù còn 17 năm tù về tội nhận hối lộ.

Ngoài ra, HĐXX cũng chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ cho 125/144 bị cáo.

Theo HĐXX, việc chung chi nhận hối lộ được thực hiện trong thời gian dài. Vì vậy, cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm xác định số tiền nhận hối lộ các bị cáo phải chịu trách nhiệm và số tiền hưởng lợi dựa trên theo quy ước chung, dựa trên lượt phương tiện kiểm định, thời gian làm việc của các bị cáo là phù hợp.

Có một số bị cáo trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử có sai sót số tiền hưởng lợi, song việc xác định lại số tiền thu lợi không làm thay đổi khung hình phạt của các bị cáo. Vì vậy, HĐXX xem xét điều chỉnh và cân nhắc khi xem xét hình phạt đối với các bị cáo này.

Đối với kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM và kháng cáo xin giảm nhẹ của các bị cáo, cấp phúc thẩm cho rằng đa phần các bị cáo đều bị áp dụng tình tiết tăng nặng là phạm tội hai lần trở lên, nhưng cũng có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên hình phạt cấp sơ thẩm tuyên đối với các bị cáo là tương đối phù hợp.

Tuy nhiên, có một số bị cáo thực hiện hành vi phạm tội với tính chất, mức độ thấp hơn nhưng mức hình phạt cao hơn các bị cáo khác trong cùng vụ án là chưa phù hợp, chưa bảo đảm tính công bằng và phân hóa tội phạm, đặc biệt đối với các bị cáo là cấp dưới có vai trò phụ thuộc.

Ngoài ra, trong quá trình xét xử phúc thẩm một số bị cáo bổ sung thêm nhiều tình tiết mới so với giai đoạn xét xử sơ thẩm nên HĐXX đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của từng bị cáo, hậu quả, hành vi phạm tội gây ra nên có cơ sở chấp nhận giảm nhẹ hình phạt cho một số bị cáo có kháng cáo.

Hai cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam và nhiều bị cáo được giảm án - Ảnh 2.Hai cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm được đề nghị giảm án

Viện kiểm sát đề nghị tòa án cấp phúc thẩm giảm cho ông Đặng Việt Hà từ 1-2 năm tù và giảm cho ông Trần Kỳ Hình (cùng là cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) từ 2-3 năm tù.

Hai cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm được đề nghị giảm án

ĐAN THUẦN 10/01/2025 13:56 GMT+7

Viện kiểm sát đề nghị tòa án cấp phúc thẩm giảm cho ông Đặng Việt Hà từ 1-2 năm tù và giảm cho ông Trần Kỳ Hình (cùng là cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) từ 2-3 năm tù.

Hai cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm được đề nghị giảm án - Ảnh 1.

Ông Đặng Việt Hà (thứ hai từ phải) tại tòa phúc thẩm - Ảnh: H.Đ.

Ngày 10-1, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã phát biểu quan điểm giải quyết vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm và các đơn vị có liên quan.

Đề nghị tăng hình phạt đối với 12 bị cáo

Theo viện kiểm sát, trong số 139 bị cáo kháng có 120 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, 18 bị cáo kháng cáo xin được hưởng án treo và 1 bị cáo kháng cáo xin miễn trách nhiệm hình sự.

Tại phiên tòa phúc thẩm có 2 bị cáo rút kháng cáo nên đề nghị hội đồng xét xử phúc thẩm đình chỉ xét xử đối với 2 bị cáo này.

Đối với các kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM rút kháng nghị đối với 6 bị cáo và đề nghị hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị đề nghị tăng nặng hình phạt đối với 12 bị cáo.

Viện kiểm sát cũng đề nghị không chấp nhận kháng cáo, y án sơ thẩm đối với 85 bị cáo do không có căn cứ để chấp nhận. Trong số này có bị cáo Trần Anh Quân (quyền trưởng phòng kiểm định xe cơ giới - Cục Đăng kiểm Việt Nam).

Đồng thời, viện kiểm sát đề nghị tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của ông Đặng Việt Hà, đề nghị giảm cho ông Hà từ 1-2 năm tù; giảm cho ông Trần Kỳ Hình (cùng là cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) từ 2-3 năm tù. 38 bị cáo khác cũng được đề nghị chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ.

Phiên tòa phúc thẩm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam đang tiếp tục phần tranh luận.

Hành vi phạm tội của hai cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm

Theo án sơ thẩm, từ năm 2019, xuất phát từ chủ trương của lãnh đạo Cục Đăng kiểm, lãnh đạo phòng, ban; các trung tâm đăng kiểm khối V; chi cục đăng kiểm (thuộc Cục Đăng kiểm); các trung tâm đăng kiểm tư nhân (khối D), các bị cáo trong vụ án đã thống nhất nhận tiền hối lộ từ các tổ chức, cá nhân mang xe đến đăng kiểm để thực hiện hành vi trái quy định pháp luật.

Hành vi phạm tội của bị cáo là bỏ qua lỗi của các phương tiện để đăng kiểm đạt, cấp thông báo đủ năng lực trái quy định pháp luật cho các đơn vị đóng tàu… để nhận hối lộ.

Ông Trần Kỳ Hình trong thời gian giữ chức vụ cục trưởng Cục Đăng kiểm đã không thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, thiếu kiểm tra chỉ đạo cấp dưới, đã để xảy ra tiêu cực có hệ thống trong thời gian dài gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Vì vụ lợi cá nhân, ông Trần Kỳ Hình đã nhận hối lộ với tổng số tiền hơn 7 tỉ đồng.

Ngoài ra, ông Hình còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn đã duyệt cấp thông báo năng lực cho 63 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện cấp theo quy định, tạo điều kiện cho các cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện hoạt động trái pháp luật.

Sau khi ông Hình nghỉ hưu, ông Đặng Việt Hà được bổ nhiệm làm cục trưởng. Sau khi trở thành cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, ông Hà đã không thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, buông lỏng kiểm tra giám sát, để xảy ra sai phạm, tiêu cực trong hệ thống suốt thời gian dài.

Ông Hà còn chỉ đạo cấp dưới là các lãnh đạo phòng, lãnh đạo các trung tâm đăng kiểm phải nâng mức hưởng lợi của cá nhân ông Hà đối với số tiền tiêu cực, hối lộ mà cán bộ Phòng kiểm định xe cơ giới, các trung tâm đăng kiểm nhận được cho ông Hà phải là cao nhất.

Do đó ông Đặng Việt Hà phải chịu trách nhiệm hình sự chung về số tiền nhận hối lộ của Phòng kiểm định xe cơ giới giai đoạn từ ngày 1-8-2021 đến 30-9-2022 là 31,1 tỉ đồng và số tiền nhận hối lộ của 4 trung tâm đăng kiểm khối V tại TP.HCM 7,6 tỉ đồng, số tiền nhận hối lộ của 5 trung tâm đăng kiểm khối V tại TP Hà Nội 780 triệu đồng và số tiền hối lộ của các giám đốc trung tâm đăng kiểm khối D 680 triệu đồng. 

Tổng số tiền nhận hối lộ 40,2 tỉ đồng.

Ngày 23-8-2024, Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên phạt ông Trần Kỳ Hình 19 năm tù về tội nhận hối lộ, 6 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tổng hình phạt chung 25 năm tù.

Ông Đặng Việt Hà lãnh 19 năm tù về tội nhận hối lộ.

Đối với 252 bị cáo còn lại, hội đồng xét xử tuyên các mức án từ 1 năm tù (cho hưởng án treo) đến 30 năm tù về các tội nhận hối lộ, đưa hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tham ô tài sản…

Hai cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm được đề nghị giảm án - Ảnh 2.Truy tố giám đốc và phó giám đốc Trung tâm đăng kiểm 81-05D tội 'nhận hối lộ'

Giám đốc và phó giám đốc Trung tâm đăng kiểm 81-05D tại tỉnh Gia Lai bị truy tố ra tòa tội 'nhận hối lộ', vì đăng kiểm khống cho xe ô tô qua cải tạo.

Nhận hối lộ 199 triệu đồng, đăng kiểm viên bị đề nghị 8-9 năm tù

BỬU ĐẤU 14/12/2024 15:53 GMT+7

Ngày 14-12, phiên tòa xét xử nhóm cán bộ Trung tâm Đăng kiểm Kiên Giang về tội nhận hối lộ bước vào phiên chất vấn và luận tội của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh.

Nhận hối lộ 199 triệu đồng, đăng kiểm viên bị đề nghị 8-9 năm tù - Ảnh 1.

Bị cáo Đặng Phi Long bị đề nghị mức án từ 8-9 năm tù giam về tội nhận hối lộ. Đây là khung cao nhất trong nhóm 4 người bị đưa ra xét xử - Ảnh: BỬU ĐẤU

Bị cáo Nguyễn Quốc Sử - cựu giám đốc Trung tâm Đăng kiểm Kiên Giang - cho rằng cáo trạng quy kết tội danh ông nhận hối lộ không đúng.

"Bị cáo không có ý tưởng hay chỉ đạo cấp dưới làm sai phạm. Tôi không nhận hối lộ từ bị cáo Long", bị cáo Sử nói.

Đại diện hội đồng xét xử đã chất vấn: "Bị cáo Đặng Phi Long nói đưa tiền hối lộ cho bị cáo Sử có gì chứng minh không?". Bị cáo Đặng Phi Long cúi mặt nói: "Bị cáo chỉ đưa tiền mặt tại phòng làm việc của bị cáo Sử, không có chứng cứ gì".

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang đã trình bày phần luận tội đối với 4 bị cáo. Nghị án kéo dài đến ngày 21-12 sẽ tuyên án.

Theo đó, bị cáo Đặng Phi Long (đăng kiểm viên) bị đề nghị mức án từ 8-9 năm tù giam. Bị cáo Đặng Văn Công (anh ruột Long) và bị cáo Nguyễn Văn Lộc (giám đốc Công ty ô tô Nguyễn Lộc) bị đề nghị mức án từ 7-8 năm tù. Riêng bị cáo Nguyễn Quốc Sử - cựu giám đốc Trung tâm Đăng kiểm Kiên Giang - bị đề nghị từ 2-3 năm tù giam.

Nhận hối lộ 199 triệu đồng, đăng kiểm viên bị đề nghị 8-9 năm tù - Ảnh 2.

Bị cáo Nguyễn Quốc Sử, cựu giám đốc Trung tâm Đăng kiểm Kiên Giang, bác bỏ việc bị cáo Đặng Phi Long đưa tiền hối lộ tại phòng cho bị cáo - Ảnh: BỬU ĐẤU

Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, từ năm 2020-2022, Nguyễn Quốc Sử (giám đốc Trung tâm Đăng kiểm Kiên Giang), Đặng Phi Long (đăng kiểm viên) vì mục đích vụ lợi đã lợi dụng nhiệm vụ được giao, bàn bạc với Đặng Văn Công (anh ruột Long) và Nguyễn Văn Lộc (công ty ô tô Nguyễn Lộc) nhận hối lộ của chủ xe cơ giới.

Từ đó kiểm tra, nghiệm thu, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện xe cơ giới cải tạo với 56 phương tiện có hồ sơ thiết kế và miễn thiết kế để nhận hối lộ với tổng số tiền trên 334 triệu đồng. Bị cáo Đặng Phi Long đã nhận hối lộ gần 199 triệu đồng.

Nhận hối lộ 199 triệu đồng, đăng kiểm viên bị đề nghị 8-9 năm tù - Ảnh 3.Xét xử nhóm Trung tâm Đăng kiểm Kiên Giang về tội ‘nhận hối lộ’

Ngày 13-12, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang tổ chức xét xử vụ án hình sự liên quan đến giám đốc và các đăng kiểm viên của Trung tâm Đăng kiểm Kiên Giang về tội 'nhận hối lộ'.

Cựu giám đốc Trung tâm đăng kiểm 60-04D lãnh 7 năm tù

A LỘC 07/10/2024 11:32 GMT+7

Lương Minh Tú - cựu giám đốc Trung tâm đăng kiểm 60-04D - bị tuyên án 7 năm tù về tội nhận hối lộ.

Cựu giám đốc Trung tâm đăng kiểm 60-04D lãnh 7 năm tù - Ảnh 1.

Các bị cáo trong vụ đưa và nhận hối lộ tại Trung tâm đăng kiểm 60-04D nghe tuyên án - Ảnh: A LỘC

Sau một tuần nghị án, ngày 7-10, TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên án đối với 15 bị cáo trong vụ đưa và nhận hối lộ tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 60-04D (Trung tâm đăng kiểm 60-04D, TP Biên Hòa).

Mức án thấp hơn đề nghị

Theo đó, hội đồng xét xử tuyên phạt Lương Minh Tú (43 tuổi, cựu giám đốc Trung tâm đăng kiểm 60-04D) bị tuyên phạt 7 năm tù về tội nhận hối lộ.

Cùng tội danh trên, 2 cựu phó giám đốc Trần Đức Duy bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù và Lê Sơn Tuyên bị tuyên phạt 22 tháng tù.

9 bị cáo khác là đăng kiểm viên, nhân viên Trung tâm đăng kiểm 60-04D bị tuyên phạt từ 6 tháng đến 4 năm tù cùng về tội nhận hối lộ.

Nhận hối lộ, cựu giám đốc Trung tâm đăng kiểm 60-04D Biên Hòa lãnh 7 năm tù

Ngoài ra, hội đồng xét xử tuyên phạt 3 bị cáo Võ Chí Giang 6 tháng tù, Nguyễn Duy Khang 8 tháng tù (cho hưởng án treo), Lê Tiến Trung 6 tháng tù (cho hưởng án treo) cùng về tội đưa hối lộ. 

Mỗi bị cáo bị xử phạt bổ sung 20 triệu đồng.

Như vậy, mức án của các bị cáo mà hội đồng xét xử tuyên đều thấp hơn mức án mà Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai đề nghị.

Cụ thể, đối với nhóm bị cáo tội nhận hối lộ, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Lương Minh Tú mức án 9-10 năm tù, Trần Đức Duy từ 7-8 năm tù, Lê Sơn Tuyền 2-6 năm tù. Các bị cáo khác từ 1 năm 6 tháng đến 8 năm tù.

Trong khi đó, nhóm bị cáo tội đưa hối lộ bị đề nghị từ 6 tháng đến 3 năm tù.

Chỉ đạo thuộc cấp nhận tiền để bỏ qua lỗi kiểm định

Theo cáo trạng, năm 2018, Trung tâm đăng kiểm 60-04D, chi nhánh Công ty TNHH Quốc Tuấn Trung được cấp giấy phép hoạt động do Tú làm giám đốc.

Năm 2022 Tú bàn bạc, chỉ đạo các đăng kiểm viên và nhân viên nhận tiền của các chủ xe. Sau đó dùng các thủ thuật bỏ qua các lỗi không đạt khi kiểm định để cấp giấy chứng nhận kiểm định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Theo chỉ đạo của Tú, đăng kiểm viên được phân công luân phiên ghi lại biển số xe và số tiền các chủ xe chi để được bỏ qua lỗi kỹ thuật. Vào cuối ngày làm việc, số tiền trên được chia chác cho nhau theo tỉ lệ do Tú quy định.

Ngoài ra, Tú còn chỉ đạo bị cáo Trương Vĩnh Phát (nhân viên trung tâm) gợi ý, nhận tiền của các chủ xe vãng lai đến đăng kiểm tại Trung tâm 60-04D. Sau đó Phát báo cho các đăng kiểm viên trong dây chuyền biết để bỏ qua các lỗi kỹ thuật khi đăng kiểm.

Với thủ đoạn như trên, trong năm 2022 Tú và thuộc cấp đã nhận tổng cộng hơn 1,4 tỉ đồng của các chủ xe để bỏ qua lỗi không đạt tiêu chuẩn. Trong đó, Tú được chia hơn 400 triệu đồng, các bị can còn lại được chia từ 20 - 288 triệu đồng, riêng Nghĩa chỉ được chia 2,5 triệu đồng.

Cũng theo cáo trạng, các bị cáo Giang, Trung và Khang nhiều lần chuyển khoản cho bị cáo Lê Văn Lộc (đăng kiểm viên) để nhờ bỏ qua các lỗi như khí thải vượt mức cho phép, hệ thống phanh và đèn chiếu sáng không đảm bảo… khi đăng kiểm tại Trung tâm 60-04D. Tổng số tiền hối lộ hơn 50 triệu đồng.

Quá trình điều tra, gia đình các bị can đã nộp cơ quan điều tra tổng số tiền hơn 1,3 tỉ đồng.

Cựu giám đốc Trung tâm đăng kiểm 60-04D lãnh 7 năm tù - Ảnh 2.Giám đốc đăng kiểm chỉ đạo nhận tiền để bỏ qua lỗi kiểm định không đạt

Cáo trạng xác định Lương Minh Tú - giám đốc Trung tâm đăng kiểm 60-04D - đã chỉ đạo đăng kiểm viên, nhân viên nhận tiền của chủ xe để bỏ qua các lỗi kiểm định không đạt tiêu chuẩn.

Nhận hối lộ, phó giám đốc, 3 đăng kiểm viên ở Quảng Nam lãnh án tù

LÊ TRUNG 26/09/2024 17:15 GMT+7

Một phó giám đốc, ba đăng kiểm viên và một nguyên phó giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 92-02D ở Quảng Nam lãnh án tù về tội nhận hối lộ.

Nhận hối lộ, phó giám đốc, 3 đăng kiểm viên ở Quảng Nam lãnh án tù - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên xét xử - Ảnh: Đ.C.

Ngày 26-9, TAND tỉnh Quảng Nam đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án đưa, nhận hối lộ xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 92-02D, thuộc Công ty TNHH Đăng kiểm cơ giới Quảng Nam, thị xã Điện Bàn đối với 27 bị cáo.

Theo đó, 7 bị cáo bị truy tố về tội nhận hối lộ gồm: Nguyễn Khánh Linh (36 tuổi, phó giám đốc trung tâm), Nguyễn Trần Nhật Huy (33 tuổi) và Trần Đình Phước (33 tuổi), Trần Văn Tây (37 tuổi, cả ba là đăng kiểm viên của trung tâm).

Bên cạnh đó là Hoàng Ngọc Bình (45 tuổi, nguyên phó giám đốc trung tâm), Phan Thị Liên (43 tuổi), trú TP Đà Nẵng, giám đốc Công ty TNHH ô tô BCK4), Nguyễn Việt Hải (45 tuổi, trú TP Đà Nẵng).

Ngoài ra, 20 bị cáo khác bị viện kiểm sát truy tố về tội đưa hối lộ.

Theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện công tác kiểm định xe cơ giới, các đăng kiểm viên của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 92-02D đã bàn bạc, thống nhất phương thức nhận tiền từ các chủ phương tiện, lái xe và hợp tác cùng Nguyễn Việt Hải, Phan Thị Liên là lãnh đạo Công ty TNHH ô tô BCK4 để hợp thức hồ sơ phương tiện cơ giới đối với các xe ô tô đã được cải tạo.

Sau đó, trung tâm này cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo.

Nhận hối lộ, phó giám đốc, 3 đăng kiểm viên ở Quảng Nam lãnh án tù - Ảnh 3.

Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 92-02D - Ảnh: MẠNH TRƯỜNG

Số tiền nhận được các bị cáo chia nhau theo tỉ lệ đã thống nhất, và hỗ trợ các bộ phận công việc khác tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 92-02D.

Kết quả điều tra xác định đã có 273 lượt phương tiện, trong đó có 221 xe ô tô tập lái đã gắn bàn thắng phụ và 52 xe đã cải tạo gắn khung mui phủ đến kiểm định tại trung tâm này.

Các chủ xe đã đưa tiền cho các đăng kiểm viên với số tiền từ 1,4 triệu đồng với hồ sơ xe tập lái, và 5,5 triệu đồng đối với xe gắn khung mui phủ để được cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo.

Tổng số tiền các đăng kiểm viên đã nhận được xác định là khoảng 595 triệu đồng.

Nhận hối lộ, phó giám đốc, 3 đăng kiểm viên ở Quảng Nam lãnh án tù - Ảnh 4.

Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: Đ.C.

Trong đó, Nguyễn Khánh Linh là đăng kiểm viên, phó giám đốc trung tâm, đã cùng các đăng kiểm viên thống nhất, bàn bạc để nhận tiền từ các chủ xe, lái xe để hợp thức hóa hồ sơ cải tạo đối với các xe ô tô đã được cải tạo trước, nhằm mục đích cho các xe này được cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo.

Tổng số tiền các bị can nhận hối lộ 595 triệu đồng, riêng Linh hưởng 22 triệu đồng. Ba đăng kiểm viên là Huy hưởng lợi khoảng 18 triệu đồng, Phước hưởng 18 triệu và Tây là 18 triệu.

Còn Hoàng Ngọc Bình từ năm 2019 đến tháng 5-2021 là phó giám đốc trung tâm. Khi thực hiện nhiệm vụ, Bình biết và tham gia hợp thức hồ sơ cải tạo để nhận tiền từ các chủ phương tiện, Bình hưởng lợi 11 triệu đồng.

Hội đồng xét xử đã tuyên phạt các bị cáo Linh 3 năm tù, Huy và Phước mỗi người 2 năm 6 tháng tù, Tây 2 năm tù, Bình 2 năm tù, Hải 2 năm tù, Liên 2 năm tù treo về tội nhận hối lộ.

Ngoài ra tuyên phạt Phạm Hồng Sơn (trú TP Đà Nẵng) 9 tháng tù và 19 bị cáo còn lại mỗi người bị tuyên phạt nộp 20 triệu đồng về tội đưa hối lộ.

Nhận hối lộ, phó giám đốc, 3 đăng kiểm viên ở Quảng Nam nhận án tù - Ảnh 5.Nhận hối lộ, nhiều 'sếp' đăng kiểm tại Quảng Bình nhận án tù

Nhiều phó giám đốc các trung tâm đăng kiểm tại tỉnh Quảng Bình đã bị tòa tuyên án tù vì nhận hối lộ.

Kháng nghị tăng nặng hình phạt 18 bị cáo trong vụ đăng kiểm

TUYẾT MAI 06/09/2024 15:09 GMT+7

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM vừa kháng nghị một phần bản án sơ thẩm về phần quyết định hình phạt đối với 18 bị cáo.

Kháng nghị tăng nặng hình phạt 18 bị cáo trong vụ đăng kiểm - Ảnh 1.

Các bị cáo trong vụ sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm sáng 30-7 - Ảnh: HỮU HẠNH

18 bị cáo bị viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM kháng nghị tăng nặng gồm: Huỳnh Thái Bảo, Trần Văn Cảnh, Sơn Minh Khương, Đặng Phong, Đặng Trần Khanh, Mai Đức Truyền, Trần Anh Tú, Nguyễn Đức Nam, Võ Tấn Đạt, Phạm Ngọc Hoan, Đậu Đức Vũ, Huỳnh Văn Thoa, Dương Nghĩa, Nguyễn Thái Hòa, Nguyễn Văn Thái, Trịnh Bình Dương, Vũ Hồng Quang, Nguyễn Minh Trị.

Sếp chỉ đạo giả chữ ký, án nhẹ hơn nhân viên

Bị cáo Trần Văn Cảnh (phó giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 83-02D) chỉ đạo nhân viên ký giả 159 chữ ký, viện kiểm sát đề nghị 9-10 năm, tòa tuyên 3 năm. 

Mức án của bị cáo Cảnh thấp hơn so với các nhân viên cấp dưới bị chỉ đạo ký giả chữ ký như Nguyễn Thanh Đông (7 năm tù), Trần Minh Lý (7 năm), Lê Thị Diễm Mi (5 năm), Vũ Thanh Toàn (4 năm), Danh Rau (3 năm).

Bị cáo Sơn Minh Khương (Trung tâm 62-03D, ký giả 432 chữ ký, viện kiểm sát đề nghị 10-11 năm, tòa tuyên 5 năm tù), Đặng Phong Em (Trung tâm 71-02D, ký giả 293 chữ ký, viện kiểm sát đề nghị 7-8 năm, tòa tuyên 4 năm tù) nhẹ hơn các bị cáo ký giả ít hơn như Nguyễn Thanh Đông (202 chữ ký giả, 7 năm tù), Trần Minh Lý (93 chữ ký giả, 7 năm tù), Lê Thị Diễm Mi (46 chữ ký giả, 5 năm tù), Vũ Thanh Toàn (88 chữ ký giả, 4 năm tù).

Bị cáo Nguyễn Minh Trị (Trung tâm 50-14D) bị xử lý về tội nhận hối lộ, với tổng số tiền nhận hối lộ phải chịu trách nhiệm là 6,7 tỉ đồng. 

Bị cáo Trị là người trực tiếp chỉ đạo việc bỏ qua lỗi khi kiểm định phương tiện, ký cấp giấy chứng nhận kiểm định đạt.

Viện kiểm sát đề nghị 14-15 năm, tòa xử 7 năm tù, nhẹ hơn so với các bị cáo khác như bị cáo Phạm Văn Nối (hưởng lợi 40 triệu, đã nộp lại toàn bộ, bị xử 7 năm tù), Trần Thế Hơn (hưởng lợi 99 triệu, đã nộp lại toàn bộ, bị xử 7 năm 6 tháng tù), Nguyễn Văn Cường (hưởng lợi 89 triệu, đã nộp lại toàn bộ, bị xử 8 năm tù)…

Các bị cáo Nguyễn Minh Trị, Trần Văn Cảnh và Huỳnh Thái Bảo, tòa án tuyên mức án thấp hơn 6 năm tù so với đề nghị của viện kiểm sát về tội giả mạo trong công tác là không phù hợp. 

Bởi các bị cáo đã chỉ đạo những người không phải đăng kiểm viên đã ký giả, đóng giả đăng kiểm viên để thực hiện việc kiểm định phương tiện cơ giới, là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội.

Mức án không công bằng so với các bị cáo cùng hành vi

Bị cáo Đặng Trần Khanh là lãnh đạo phòng VAR, chịu trách nhiệm số tiền trên 60 tỉ, hưởng lợi lớn, viện kiểm sát đề nghị 14-15 năm tù, tòa xử 11 năm tù. 

Bị cáo Mai Đức Truyền là đăng kiểm viên, chịu trách nhiệm hình sự với số tiền hơn 5 tỉ, hưởng lợi hơn 2,5 tỉ nhưng chỉ nộp lại 650 triệu, viện kiểm sát đề nghị 12-13 năm tù, tòa xử 9 năm tù.

Bị cáo Trần Anh Tú (phó giám đốc Trung tâm 50-05V) phải chịu trách nhiệm ở 2 trung tâm 05V và 06V (với tổng số tiền hơn 19 tỉ), viện kiểm sát đề nghị 12-13 năm, tòa xử 9 năm được đánh giá là không tương xứng với tính chất, mức độ hậu quả hành vi phạm tội, không công bằng so với các bị cáo khác. 

Ví dụ, trưởng chuyền tại trung tâm này có tiền nhận hối lộ phải chịu trách nhiệm thấp hơn nhưng mức án cao hơn như Tô Anh Vũ (chịu trách nhiệm 7 tỉ đồng, hưởng lợi 668 triệu đồng, đã nộp lại 480 triệu đồng, mức án 10 năm tù), Nguyễn Thanh Toàn (chịu trách nhiệm hơn 8,7 tỉ đồng, hưởng lợi 850 triệu đồng, đã nộp lại 700 triệu đồng, mức án 10 năm tù)...

Theo kháng nghị, việc hội đồng xét xử tuyên xử mức án đối với các bị cáo quá nhẹ là không phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, tạo tiền lệ xấu trong việc áp dụng hình phạt khi xét xử và không công bằng đối với các bị cáo có hành vi tương tự.

Kháng nghị tăng nặng hình phạt 18 bị cáo trong vụ đăng kiểm - Ảnh 2.Cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình nhận 25 năm tù

Chiều 23-8, TAND TP.HCM tuyên án đối với 254 bị cáo trong vụ sai phạm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm, chi cục đăng kiểm tại TP.HCM và các địa phương khác. Cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm Trần Kỳ Hình lãnh 25 năm tù.

Vì sao phiên tòa vụ Cục Đăng kiểm Việt Nam kết thúc sớm hơn 1,5 tháng?

ĐAN THUẦN 24/08/2024 09:41 GMT+7

Chiều tối hôm qua (23-8), Tòa án nhân dân TP.HCM đã tuyên án xong đối với các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Vì sao phiên tòa vụ Cục Đăng kiểm Việt Nam kết thúc sớm hơn 1,5 tháng? - Ảnh 1.

Các bị cáo là cựu lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam tại tòa - Ảnh: HỮU HẠNH

Đến chiều tối hôm qua (23-8), Tòa án nhân dân TP.HCM đã tuyên án xong đối với 254 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm và các đơn vị có liên quan.

Phiên tòa kết thúc sớm hơn dự kiến 1,5 tháng

Theo đó, hội đồng xét xử tuyên phạt ông Trần Kỳ Hình (cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) 19 năm tù về tội nhận hối lộ, 6 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tổng hình phạt chung là 25 năm tù.

Còn ông Đặng Việt Hà (cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) 19 năm tù về tội nhận hối lộ. Đối với 252 bị cáo còn lại, hội đồng xét xử tuyên các mức án từ 1 năm tù (cho hưởng án treo) đến 30 năm tù về các tội nhận hối lộ, đưa hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tham ô tài sản…

Như vậy phiên tòa đã kết thúc sớm hơn dự kiến hơn 1,5 tháng (kế hoạch phiên tòa từ ngày 18-7 đến 18-10).

Về việc này, đại diện Tòa án nhân dân TP.HCM cho biết các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội giống như cáo trạng mà viện kiểm sát đã truy tố, hội đồng xét xử đã nỗ lực làm việc cả vào ngày cuối tuần và sự phối hợp với trại tạm giam T30 (Công an TP.HCM) để tổ chức phiên tòa trực tiếp kết hợp kết nối đường truyền đến T30.

Trong quá trình xét xử, hội đồng xét xử đã tạo điều kiện và đảm bảo cho tất cả các bị cáo cũng như luật sư thực hiện đầy đủ các quyền của mình.

Một số bị cáo cũng đã thực hiện khắc phục triệt để hậu quả của vụ án. Đồng thời, căn cứ vào diễn biến, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, hội đồng xét xử đã có sự phân hóa trách nhiệm cho các bị cáo khi lượng hình.

Trong đó, các bị cáo là lãnh đạo cục đăng kiểm, chịu trách nhiệm chính phải chịu mức án nghiêm khắc. Đối với nhóm bị cáo là đăng kiểm viên, người làm thuê, hội đồng xét xử đã quyết định mức án phù hợp tương xứng với vai trò, vị trí của các bị cáo này.

Hành vi phạm tội của hai cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam ra sao?

Nhận định trong phần tuyên án, hội đồng xét xử kết luận từ năm 2019, xuất phát từ chủ trương của lãnh đạo Cục Đăng kiểm đến lãnh đạo phòng, ban; các trung tâm đăng kiểm khối V; chi cục đăng kiểm (thuộc Cục Đăng kiểm); các trung tâm đăng kiểm tư nhân khối D, từ đó các bị cáo đã thống nhất nhận tiền hối lộ từ các tổ chức, cá nhân mang phương tiện đến đăng kiểm để thực hiện hành vi trái quy định pháp luật.

Hành vi phạm tội của bị cáo là bỏ qua lỗi của các phương tiện để đăng kiểm đạt, cấp thông báo đủ năng lực trái quy định pháp luật cho các đơn vị đóng tàu… để nhận hối lộ.

Ông Trần Kỳ Hình trong thời gian giữ chức vụ cục trưởng Cục Đăng kiểm đã không thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, thiếu kiểm tra chỉ đạo cấp dưới, đã để xảy ra tiêu cực có hệ thống trong thời gian dài gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Vì vụ lợi cá nhân, ông Trần Kỳ Hình đã nhận hối lộ với tổng số tiền hơn 7 tỉ đồng.

Ngoài ra, ông Hình còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn đã duyệt cấp thông báo năng lực cho 63 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện cấp theo quy định, tạo điều kiện cho các cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện hoạt động trái pháp luật.

Sau khi ông Trần Kỳ Hình nghỉ hưu, ông Đặng Việt Hà được bổ nhiệm làm cục trưởng. Sau khi trở thành cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, ông Hà đã không thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, buông lỏng kiểm tra giám sát, để xảy ra sai phạm, tiêu cực trong hệ thống suốt thời gian dài.

Ông Hà còn chỉ đạo cấp dưới là các lãnh đạo phòng, lãnh đạo các trung tâm đăng kiểm phải nâng mức hưởng lợi của cá nhân ông Hà đối với số tiền tiêu cực, hối lộ mà cán bộ Phòng kiểm định xe cơ giới, các trung tâm đăng kiểm nhận được cho ông Hà phải là cao nhất.

Do đó, ông Đặng Việt Hà phải chịu trách nhiệm hình sự chung về số tiền nhận hối lộ của Phòng kiểm định xe cơ giới giai đoạn từ ngày 1-8-2021 đến 30-9-2022 là 31,1 tỉ đồng và số tiền nhận hối lộ của 4 trung tâm đăng kiểm khối V tại TP.HCM là 7,6 tỉ đồng, số tiền nhận hối lộ của 5 trung tâm đăng kiểm khối V tại TP Hà Nội là 780 triệu đồng và số tiền hối lộ của các giám đốc trung tâm đăng kiểm khối D là 680 triệu đồng. 

Tổng số tiền nhận hối lộ là 40,2 tỉ đồng.

Vì sao phiên tòa vụ Cục Đăng kiểm Việt Nam kết thúc sớm hơn dự kiến? - Ảnh 2.Cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình nhận 25 năm tù

Chiều 23-8, TAND TP.HCM tuyên án đối với 254 bị cáo trong vụ sai phạm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm, chi cục đăng kiểm tại TP.HCM và các địa phương khác. Cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm Trần Kỳ Hình lãnh 25 năm tù.

Bạn đang đọc trong chuyên đề "XÉT XỬ VỤ ÁN TIÊU CỰC Ở CÁC TRUNG TÂM ĐĂNG KIỂM"