Bảo tồn động, thực vật

Tuổi Trẻ Cuối Tuần

Loài hổ có nguy cơ tuyệt chủng tái xuất hiện ở miền nam Thái Lan

TTXVN 05/05/2025 10:02 GMT+7

Truyền thông Thái Lan ngày 4-5 đưa tin các cơ quan quản lý động vật hoang dã của nước này đã phát hiện hổ Mã Lai, loài có nguy cơ tuyệt chủng, tại Công viên quốc gia Bang Lang ở tỉnh cực Nam Yala.

hổ - Ảnh 1.

Giống hổ hiếm Mã Lai xuất hiện tại miền nam Thái Lan - Ảnh: Bangkok Post

Hình ảnh về con hổ Mã Lai (Panthera tigris jacksoni) nêu trên được ghi lại bằng bẫy ảnh do các kiểm lâm viên lắp đặt tại Công viên quốc gia Bang Lang như một phần của chương trình giám sát động vật hoang dã dài hạn. 

Ông Chalerm Phoommai, giám đốc Văn phòng Bảo tồn động vật hoang dã, cho biết đây là lần thứ hai ghi nhận hình ảnh của hổ Mã Lai tại khu vực này, sau lần đầu năm 2023. Con hổ Mã Lai đầu tiên được nhìn thấy cách đây 2 năm có biệt danh "Bang Lang 01".

Hổ Mã Lai là phân loài chỉ được tìm thấy ở các khu rừng phía Nam của Thái Lan và trên bán đảo Malaysia. 

Chúng khác với loài hổ Đông Dương (Panthera tigris corbetti) thường được biết đến nhiều hơn, sinh sống ở các vùng rừng miền Trung và miền Tây của Thái Lan như khu phức hợp rừng Kaeng Krachan, khu bảo tồn động vật hoang dã Huai Kha Khaeng và Công viên quốc gia Khao Yai.

Ông Chalerm nhấn mạnh phát hiện trên làm nổi bật sự phong phú về sinh thái của Công viên quốc gia Bang Lang và khu bảo tồn động vật hoang dã Hala Bala ở Yala, vốn là các hành lang môi trường sống quan trọng nối liền các khu rừng được bảo vệ qua biên giới Thái Lan - Malaysia.

Việc phát hiện loài hổ hiếm nói trên là kết quả của dự án Tuần tra thông minh đang được tiến hành, kết hợp giữa tuần tra kiểm lâm với thu thập dữ liệu chất lượng để theo dõi các mối đe dọa và hỗ trợ bảo vệ hệ sinh thái. 

Ngoài chụp được ảnh hổ Mã Lai, bẫy ảnh của các kiểm lâm viên cũng đã ghi lại được hình ảnh của một số loài động vật quý hiếm khác như voi, bò tót và lợn vòi.

Các viên chức Văn phòng Bảo tồn động vật hoang dã và Văn phòng Bảo tồn rừng số 6 (chi nhánh Pattani) đang tiếp tục theo dõi quần thể hổ Mã Lai và sử dụng dữ liệu để định hình các chiến lược bảo tồn dài hạn, với sự hợp tác của các đối tác quốc gia và khu vực.

Loài hổ có nguy cơ tuyệt chủng tái xuất hiện ở miền nam Thái Lan - Ảnh 3.Người Malaysia đi bộ 235km để kêu gọi bảo vệ loài hổ Mã Lai sắp tuyệt chủng

TTO - Cô Sharifah Sofia Syed Hussein (36 tuổi) và bạn đồng hành Rafizah Mat Zin (46 tuổi) đi bộ hơn 235km từ Vườn quốc gia Taman Negara (bang Pahang) đến khu phức hợp tòa án ở Kuala Lumpur, Malaysia trong chuyến hành trình có tên "Đi vì hổ".

Xót xa voi con lọt giếng chết ở khu bảo tồn Đồng Nai, voi mẹ đạp đất tìm cách cứu con

HÀ MI 04/05/2025 13:51 GMT+7

Voi con đi theo voi mẹ kiếm ăn ở Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, không may bị lọt giếng chết.

Xót xa voi con lọt giếng chết ở khu bảo tồn Đồng Nai, voi mẹ đạp đất tìm cách cứu con - Ảnh 1.

Voi rừng ở Đồng Nai vẫn di chuyển vào rẫy, khu dân cư để kiếm ăn. Nhiều năm trước, voi rừng bị chết vẫn xảy ra ở Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai - Ảnh: Cắt từ clip

Trưa 4-5, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho hay các cơ quan chức năng vừa phát hiện con voi con bị chết ở Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.

Bước đầu cơ quan chức năng xác định sáng cùng ngày có một đàn voi rừng sáu con xuất hiện tại lô 17 khoảnh 5, tiểu khu 160 (thuộc ấp 3, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) là đất giao khoán của người dân do khu bảo tồn quản lý.

Người dân báo cho kiểm lâm có một voi con bị lọt xuống giếng. Kiểm lâm có mặt ở hiện trường để tổ chức cứu hộ nhưng khó tiếp cận khu vực voi rơi xuống giếng. 

Lý do sau khi voi con rơi xuống giếng, voi mẹ cùng bốn con voi lớn khác vẫn đi lại quanh khu vực giếng, đạp đất xuống giếng để tìm cách cứu voi con.

Sau nhiều giờ, đàn voi mẹ đi khỏi hiện trường, tổ cứu hộ mới tiếp cận được khu vực giếng thì voi con đã chết.

Bước đầu cơ quan chức năng xác định giếng nước có voi con bị rơi xuống là giếng nhỏ rộng gần 2m, sâu 3,5m. Voi con vẫn nằm dưới giếng với hiện trường đất đổ xuống, được nhận định do đàn voi mẹ đạp đất để cứu voi con.

Hiện các cơ quan chức năng tổ chức khám nghiệm hiện trường nhằm xác định nguyên nhân, trọng lượng, kích thước và giới tính voi con.

Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai xác định voi con bị chết là động vật thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Đồng thời đề xuất tỉnh Đồng Nai giữ lại xác voi con để làm tiêu bản.

Phát hiện một voi con ở Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai bị chết do lọt giếng - Ảnh 2.Cả đàn voi rừng béo tốt ra bìa rừng kiếm ăn ở Đồng Nai

Đàn voi rừng khoảng 10 - 12 con ra bìa rừng kiếm ăn được người dân quay clip lại nhận được sự quan tâm của nhiều người.

Lạ lùng nuôi cheo cheo quý hiếm dễ như nuôi heo

TẤN LỰC 04/05/2025 05:45 GMT+7

Cheo cheo, loài thú rừng quý hiếm đang được một hộ dân tỉnh Kon Tum nhân nuôi sinh sản thành đàn, mở ra cơ hội duy trì và nhân rộng nguồn gene quý.

cheo cheo - Ảnh 1.

Chị Lan và một con cheo cheo sắp sinh con

Không chỉ giúp bảo tồn loài thú đặc biệt này, mô hình nuôi cheo cheo đang hái ra tiền bởi thị trường có nhu cầu rất cao, không đáp ứng đủ.

Loài thú nhỏ xíu vừa giống hươu vừa giống chuột

Trang trại nhỏ chừng 300m2 nằm nép mình bên lô cao su cạnh quốc lộ 14 qua phường Ngô Mây, TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) ẩn chứa một bí mật thú vị.

Bên trong bức tường gạch xây cao và tấm cửa sắt quây kín, 20 chiếc chuồng gạch nhỏ là nơi sinh sống hàng chục con cheo cheo nhỏ xíu. Loài thú rừng quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam đang có nhiều hy vọng vào tương lai dù số lượng ngoài tự nhiên liên tục sụt giảm từng năm.

Nhác thấy bóng người, những chú cheo cheo nhỏ dễ thương như con mèo mở to đôi mắt cảnh giác rồi bẽn lẽn nép mình vào "ngôi nhà" được dựng bằng hai tấm gạch men.

Loài này thật khác lạ bởi dù là thú móng guốc như hươu nai nhưng kích thước rất nhỏ, mỗi con trưởng thành chỉ dài khoảng 20 - 30cm và cân nặng loanh quanh 2kg. Do trọng lượng nhỏ, bốn chân cheo cheo trông như que sậy, khá dễ tổn thương.

Bởi vóc dáng nhỏ bé, cheo cheo trông rất ngộ nghĩnh, nhìn vừa giống hươu vừa giống chuột và đang nắm giữ danh hiệu là loài thú móng guốc nhỏ nhất thế giới. Từng là loài thú sinh sống phổ biến trong các khu rừng từ Bắc tới Nam, cheo cheo ngày càng hiếm dần bởi bị săn bắt quá mức và môi trường sống thu hẹp.

Quét dọn chuồng trại xong xuôi, bà chủ trang trại Lê Thị Lan (38 tuổi) thả vào mỗi chuồng một nắm rau lang cho bầy cheo cheo thư thả nhấm nháp.

Người phụ nữ ôm một con cheo cheo lên ngang ngực, vạch bụng ra xem rồi khoe rằng con cái này sắp đẻ lứa mới.

Khách tham quan khen bà chủ khéo tay, nuôi thú rừng quý hiếm mà nhàn hơn nuôi heo, chị Lan nhẹ nhàng bảo: "Nhìn vậy nhưng không phải vậy đâu mấy chú! Để xây dựng được mô hình chăn nuôi thành công như hôm nay, tôi đã mất hơn 5 năm mày mò và nhiều lần trả giá bằng những bài học kinh nghiệm hàng trăm triệu đồng khi cheo cheo chết".

Người phụ nữ mặt hoa da phấn nhưng có đam mê khá đặc biệt với các loại thú rừng. Trước khi nuôi cheo cheo, chị từng thử sức với việc nuôi chồn, nuôi dúi.

Nhưng sớm nhận ra những loài vật này đang được nhiều người nuôi, thị trường sớm muộn cũng bão hòa, chị nhanh trí nghĩ tới nghề nuôi độc đáo là con cheo cheo.

Chị Lan bảo cheo cheo có nhiều đặc tính để giữ được giá trị ổn định qua thời gian. Đó là không như một số loài có thể đẻ vài con non mỗi lứa, giống cheo cheo sinh đẻ mỗi lứa chỉ một con, họa hoằn lắm mới có lứa đẻ hai con.

Chính đặc tính này khiến nuôi cheo cheo khó phát triển nhanh bầy đàn. Nguồn cung ra thị trường vì vậy sẽ được giới hạn, đảm bảo duy trì giá tốt.

cheo cheo - Ảnh 2.

Đàn cheo cheo quý hiếm được chị Lê Thị Lan nuôi nhiều như heo con ở Kon Tum - Ảnh: TẤN LỰC

Cheo cheo giống 10 triệu đồng/cặp, nuôi không đủ bán

Trong 5 năm mày mò tìm hướng nuôi, chị Lan đã vô số lần thất bại khi cheo cheo không hợp môi trường, dịch bệnh hoặc cắn xé lẫn nhau chết dần, thiệt hại cả trăm triệu đồng. Nhưng từ những kinh nghiệm quý giá đó, chị đã hiểu được tập tính sinh sống của loài vật đặc biệt này.

"Con cheo cheo đực có tập tính lãnh thổ rất cao, nếu thả chung nhiều con đực vào cùng chuồng con cái sẽ dẫn tới tranh giành và cắn nhau đến chết.

Ngoài ra, giống này có tập tính bầy đàn, không thể thả những con khác bầy vào sống cùng nhau vì sẽ xảy ra đánh nhau. Giống cheo cheo ít bệnh nhưng hay gặp tình trạng tiêu chảy, viêm da, nếu không phát hiện chữa trị kịp thời cũng rất dễ chết", chị Lan nói.

Theo chị, con cheo cheo trọng lượng khá nhỏ nên ăn uống rất ít, nuôi không tốn mấy. Tiền thức ăn cho mỗi con một ngày tính ra chỉ khoảng 2.000 đồng, bao gồm cám viên, rau xanh.

Là loài mới được nhân nuôi, chị Lan cho biết nhu cầu thị trường rất lớn. Do tổng đàn còn hạn chế, chị ưu tiên nuôi sinh sản để nhân rộng, rất ít khi bán ra bên ngoài. Thỉnh thoảng mới bán vài cặp làm giống cho những hộ có nhu cầu tìm hiểu để nuôi. Chỉ những con cheo cheo gặp khuyết tật, không đảm bảo điều kiện nhân giống mới bán vào các nhà hàng.

Chị Lan bảo dù giá bán giống lên tới 10 triệu đồng/cặp bố mẹ nhưng vẫn có rất nhiều người liên hệ muốn nhập giống. Với cheo cheo thịt, mỗi ký được bán với giá 1,2 - 1,5 triệu đồng, giá rất cao so với các loại vật nuôi khác.

Để được đàng hoàng nuôi cheo cheo, chị đã xin giấy phép chăn nuôi động vật rừng nguy cấp, quý hiếm từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum. Cùng với đó, lập sổ theo dõi biến động tổng đàn để phục vụ báo cáo cơ quan chức năng khi đến kiểm tra, giám sát.

Chủ trang trại cho hay đang hướng tới mục tiêu nhân nuôi 100 cặp bố mẹ để mở rộng quy mô đàn.

Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, chủ tịch Hội Nông dân phường Ngô Mây, cho hay đây là mô hình chăn nuôi độc đáo trong phường và cả trong tỉnh vì ngoài chị Lan chưa thấy nơi nào nuôi cheo cheo. Nghề nuôi cheo cheo mang lại giá trị kinh tế rất cao, lại góp phần bảo vệ và nhân rộng nguồn gene quý hiếm.

Theo chị Tuyền, chủ trang trại là người phụ nữ khá đặc biệt khi có sự đam mê với các loài động vật rừng. Việc bỏ thời gian nhiều năm để tìm tòi, học cách nuôi cheo cheo của chị Lan không phải ai cũng làm được nếu không đủ sự đam mê.

Đây là mô hình kiểu mẫu thành công mà hội nông dân phường rất tự hào giới thiệu cho các nơi tham quan, tìm hiểu.

cheo cheo - Ảnh 3.

Cheo cheo, loài thú móng guốc nhỏ bé, dễ thương

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho hay cơ sở nuôi cheo cheo của chị Lan đã được cấp mã số cơ sở nuôi.

Việc nuôi thành công loài cheo cheo tạo ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế của người dân, được khuyến khích nhân rộng. Việc phát triển mô hình nuôi động vật hoang dã như cheo cheo góp phần giảm tình trạng săn bắt trái phép trong môi trường tự nhiên.

Qua đó đóng góp vào công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã trong tự nhiên trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Tại địa phương này, qua khảo sát ghi nhận loài cheo cheo có tồn tại ở các khu rừng các huyện Đăk Tô, Ia H'Drai, Kon Plông, Đăk Hà và Sa Thầy.

Cheo cheo rừng đang suy giảm trong tự nhiên

Ông Đào Xuân Thủy, giám đốc Vườn quốc gia Chư Mom Ray (Kon Tum), cho hay cheo cheo là loài được xếp vào danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ.

Trước đây, cheo cheo xuất hiện phổ biến tại nhiều vùng rừng núi của Việt Nam, có phạm vi phân bố rộng từ Bắc tới Nam. Nhưng nhiều năm gần đây loài này đã khó bắt gặp hơn trong tự nhiên do suy giảm số lượng bởi nguyên nhân bị bẫy bắt nhiều.

Theo ông Thủy, do đặc tính hiền lành, chậm chạp, cheo cheo dễ trở thành nạn nhân của người săn bắt thú rừng.

"Trong nghiên cứu đa dạng sinh học, cheo cheo được coi như vật chỉ thị tính đa dạng của vùng rừng. Nơi nào còn nhiều cheo cheo chứng tỏ vùng rừng đó còn đa dạng giống loài khác, ngược lại những nơi không thấy cheo cheo cũng có thể hiểu rằng vùng rừng đang suy kiệt", ông Thủy nói.

Lạ lùng nuôi cheo cheo quý hiếm dễ như heo - Ảnh 7.Loài mới đặc hữu cực kỳ nguy cấp tại núi đá vôi Quảng Trị

Các nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia vừa công bố một loài mới đặc hữu, cũng là một chi thực vật mới, ở núi đá vôi tỉnh Quảng Trị.

Đàn cò nhạn quý hiếm bay về Gia Lai, địa phương kêu gọi bảo vệ

TẤN LỰC 21/04/2025 18:00 GMT+7

Một đàn cò nhạn (cò ốc) hàng trăm con có tên trong Sách đỏ Việt Nam bất ngờ bay về cư trú trên cánh đồng xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa (Gia Lai), thu hút sự chú ý của dư luận những ngày qua.

Đàn cò nhạn quý hiếm bay về Gia Lai, địa phương kêu gọi bảo vệ - Ảnh 1.

Cận cảnh loài cò nhạn (cò ốc) đang bay về cánh đồng xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa (Gia Lai) - Ảnh: H.T.

Ngày 21-4, ông Võ Tấn Công - bí thư Đảng ủy xã Ia Mrơn (huyện Ia Pa, Gia Lai) - đã ký công văn gửi UBND xã và các ngành, đoàn thể địa phương đề nghị bảo vệ đàn cò nhạn quý hiếm đang di cư về địa phương.

Trước đó theo phản ánh của người dân và ghi nhận thực tế, chính quyền xã Ia Mrơn phát hiện đàn cò ốc (còn gọi cò nhạn) hàng trăm con đang di cư về cánh đồng trên địa bàn xã.

Đây là loài quý hiếm, có tên trong Sách đỏ Việt Nam.

Trước tình hình trên, Đảng ủy xã Ia Mrơn đề nghị UBND xã và các ngành, đoàn thể xã, các chi bộ trực thuộc triển khai lực lượng tuần tra, bảo vệ đàn cò.

Thông báo cho người dân cấm săn bắt động vật quý hiếm, tránh hành vi vi phạm pháp luật.

Đồng thời giao Mặt trận, đoàn thể xã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ đàn cò; tuyên truyền các chính sách pháp luật về bảo vệ động vật quý hiếm có trong sách đỏ.

Đảng ủy xã Ia Mrơn yêu cầu các chi bộ trực thuộc quán triệt đảng viên chấp hành nghiêm chính sách pháp luật về bảo vệ động vật quý hiếm có trong sách đỏ.

Tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt việc bảo vệ động vật quý hiếm. Không săn bắt dưới mọi hình thức và việc săn bắt vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hình sự.

Đàn cò nhạn quý hiếm bay về Gia Lai, địa phương kêu gọi bảo vệ - Ảnh 2.

Đàn cò nhạn hàng trăm con bay trên bầu trời huyện Ia Pa, Gia Lai - Ảnh: H.T.

Cò nhạn hay cò ốc (danh pháp khoa học: Anastomus oscitans) là một loài chim thuộc họ hạc. Cò nhạn thường sống ở các nước trên khu vực Nam Á và Đông Nam Á.

Tại Việt Nam, loài cò nhạn chỉ xuất hiện ở một vài nơi như miền Tây Nam Bộ và Tây Ninh với số lượng không nhiều. Cò nhạn thường gặp ở Cà Mau (Cái Nước, Đầm Dơi và rừng tràm U Minh).

Tại miền Bắc, cò nhạn xuất hiện tại vùng cửa biển Hải Phòng. Loài này sống ở các sinh cảnh khác nhau của các vùng đất ngập nước ngọt như là hồ ao, kênh mương, sông, bãi bùn ngập nước, ruộng lúa...

Thức ăn chủ yếu là các loại ốc, các động vật thủy sinh như ếch, nhái, cua và côn trùng lớn. Mỗi con trưởng thành có trọng lượng 1 - 1,2kg.

Đàn cò nhạn quý hiếm bay về Gia Lai, chính quyền địa phương kêu gọi bảo vệ - Ảnh 5.Huế lên kế hoạch bảo vệ đàn cò nhạn quý hiếm

Gần 100 con cò nhạn quý hiếm được phát hiện ở TP Huế. Kiểm lâm địa phương này đã lập tức lên kế hoạch bảo vệ.

Nuôi động vật hoang dã làm thú cưng: Coi chừng phạm luật

NGỌC KHẢI 17/04/2025 12:18 GMT+7

Dù nuôi động vật hoang dã như rái cá, khỉ, cá sấu, rùa, trăn, mèo rừng… cần phải có giấy tờ, đăng ký với cơ quan chức năng, thế nhưng một số người vẫn lén lút mua bán, nuôi làm thú cưng, không ít trường hợp vi phạm bị cơ quan chức năng xử lý.

động vật hoang dã - Ảnh 1.

Rao bán rái cá trên mạng xã hội - Ảnh chụp màn hình

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, trên mạng xã hội, việc mua bán một số động vật hoang dã như rái cá, khỉ, cá sấu, rùa, trăn, mèo rừng… diễn ra khá sôi động.

Từ các nhóm công khai đến các nhóm kín trở thành "chợ ảo", giá từ vài trăm ngàn đồng đến hàng triệu đồng tùy loài. Nhiều loài được các tay chơi nuôi tại nhà làm thú cưng, có khi còn tổ chức offline gặp mặt giao lưu.

Nuôi động vật hoang dã làm thú cưng

Ngay trên vỉa hè, một số loài động vật hoang dã được chào bán công khai cho người nuôi làm thú cưng. Một người bày bán nhiều con rùa ba gờ trên vỉa hè đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Phú) cho biết người mua mang về nuôi hoặc phóng sinh. Tùy rùa lớn hay nhỏ, giá từ 180.000 - 350.000 đồng/con.

động vật hoang dã - Ảnh 2.

Con rùa đặt trên cục gạch bày bán tại vỉa hè đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Phú) - Ảnh: NGỌC KHẢI

Một người phụ nữ bán rùa trên vỉa hè đường Tân Sơn (quận Gò Vấp) cho biết bà bán "rùa vàng kích tài lộc", rùa ba gờ… giá từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng/con tùy theo độ tuổi lớn nhỏ. 

Tuy nhiên theo tìm hiểu, "rùa vàng kích tài lộc" kia thực chất là rùa tai đỏ, là loài ngoại lai gây hại. Còn rùa ba gờ thuộc nhóm IIB trong danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

Tại TP.HCM, thời gian qua cơ quan kiểm lâm đã tiếp nhận và đưa về cứu hộ theo quy định nhiều động vật hoang dã do người nuôi tự nguyện giao nộp, trong đó có cá sấu, khỉ, trăn... Một số người cho biết do mua từ người bán ngoài đường, mua từ người bán trên mạng, hoặc được cho tặng… để nuôi làm thú cưng, làm kiểng.

Theo một số người dân, họ không biết rõ về các quy định của pháp luật liên quan đến loài đang nuôi. Sau khi tìm hiểu quy định của pháp luật hoặc lo ngại hiểm họa mà con vật đang nuôi có thể gây ra, hoặc mong con vật được cứu hộ và thả về tự nhiên nên tự nguyện giao nộp cho cơ quan kiểm lâm.

Về một số trường hợp động vật hoang dã như khỉ, chim niệc mỏ vằn, cao cát bụng trắng… xuất hiện tại khu vực khu dân cư tại TP.HCM thời gian qua, một cán bộ kiểm lâm nhận định có khả năng do ai đó nuôi làm thú cưng, làm cảnh, sau đó con vật bị sổng chuồng hoặc do người nuôi không muốn nuôi nữa thả ra ngoài.

Coi chừng phạm pháp

Nuôi động vật hoang dã làm thú cưng: Coi chừng phạm luật - Ảnh 3.

Một con cá sấu nước ngọt (nặng khoảng 150g, dài khoảng 30cm) trong tủ kính mà một người ở huyện Hóc Môn tự nguyện giao cho Chi cục Kiểm lâm TP.HCM vào năm 2022 - Ảnh: NGỌC KHẢI

Theo cán bộ kiểm lâm, việc mua bán, nuôi động vật hoang dã không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp dù là nuôi thương mại hoặc nuôi làm cảnh đều vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất mức độ mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt hành chính.

Một số người vì đam mê tức thời, không tìm hiểu các quy định của pháp luật khi nuôi động vật hoang dã làm thú cưng, làm kiểng.

"Người dân không nên mua bán, nuôi trái phép động vật hoang dã, bởi điều này vi phạm pháp luật cũng như tiếp tay cho người buôn bán, săn bắt động vật hoang dã trái phép. Bên cạnh đó, động vật hoang dã có bản năng hoang dã có thể tấn công gây hại cho người, hoặc có thể có mầm bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe" - cán bộ kiểm lâm khuyến cáo.

Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo nghị định 84/2021/NĐ-CP sửa đổi nghị định 06/2019/NĐ-CP quy định động vật hoang dã là những động vật sinh sống, phát triển trong sinh cảnh tự nhiên, nhân tạo hoặc loài động vật nuôi trong môi trường có kiểm soát.

Như vậy các loại như rái cá, rùa, trăn, cá sấu.. được xem là động vật hoang dã. Người kinh doanh chúng phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Người nuôi cũng cần phải đáp ứng các yêu cầu về nuôi các loại động vật này theo quy định tại nghị định 84/2021/NĐ-CP.

động vật hoang dã - Ảnh 4.

Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM)

Nếu mua bán, nuôi nhốt không hợp pháp thì tùy mức độ vi phạm mà người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

Trường hợp khi cơ quan chức năng xác định hành vi vi phạm ở mức xử phạt hành chính thì mức phạt có thể bị phạt từ 1 triệu đồng đến 300 triệu đồng theo quy định tại điều 23 nghị định 35/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 14, điều 1 nghị định số 07/2022/NĐ-CP). Đồng thời bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung bằng việc tịch thu tang vật vi phạm.

Người nuôi nếu vi phạm các quy định về việc thực hiện ghi chép sổ theo dõi nuôi động vật thì có thể bị phạt số tiền từ 1 - 2 triệu đồng theo điều 24 nghị định 35/2019/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 15 điều 1 nghị định số 07/2022/NĐ-CP.

Trường hợp xác minh nhận thấy có dấu hiệu hình sự thì có thể khởi tố tội "vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã" theo điều 234, tội "vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm" theo điều 244 Bộ luật Hình sự.

"Người dân cần nhận thấy rằng không phải bất kỳ động vật nào cũng có thể nuôi để làm thú cưng, cần tìm hiểu trước về loài động vật đó về nguồn gốc, nếu nuôi thì cần đáp ứng các yêu cầu gì của pháp luật, tránh bị vi phạm pháp luật về sau" - luật sư Lê Trung Phát nêu ý kiến.

Nuôi động vật hoang dã làm thú cưng: Coi chừng lãnh án - Ảnh 6.Nuôi 3 con hổ trong nhà, bị phạt 30 tháng tù

TTO - Mua những con hổ còn nhỏ từ Lào về Việt Nam, để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, một gia đình ở huyện Yên Thành, Nghệ An cải tạo căn nhà thành những hầm nuôi hổ trái phép.

Tranh cãi về 'hồi sinh' động vật tuyệt chủng

KHÁNH QUỲNH 11/04/2025 09:15 GMT+7

Việc Công ty công nghệ sinh học Colossal thông báo đã tạo ra sói tiền sử bằng công nghệ biến đổi gene đang gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng khoa học về tính xác thực và ý nghĩa của thành tựu này.

hồi sinh - Ảnh 1.

Hai chú sói Romulus và Remus ra đời nhờ công nghệ biến đổi gene - Ảnh: Colossal Biosciences

Ngày 7-4, Công ty công nghệ sinh học Colossal (Dallas, Mỹ) thông báo đã hồi sinh một loài sói tuyệt chủng cách đây khoảng 12.500 năm. Colossal khẳng định đây là lần hồi sinh thành công đầu tiên của loài động vật đã tuyệt chủng hoàn toàn về mặt di truyền. 

Trong khi công ty xem đây là bước đột phá công nghệ ấn tượng, nhiều chuyên gia lại cho rằng những chú sói mới này không phải là loài sói hung dữ đã tồn tại từ thời tiền sử.

Công nghệ "hồi sinh"

Các nhà khoa học đã tạo ra thành công ba chú sói con (Romulus, Remus và Khaleesi) bằng công nghệ ADN cổ đại, sau đó nhân bản và chỉnh sửa gene để thay đổi gene của một con sói xám - họ hàng gần nhất còn sống của loài sói thời tiền sử. 

Kết quả là một loài lai có ngoại hình tương tự tổ tiên đã tuyệt chủng, loài sói hung dữ Aenocyon dirus - từng là loài săn mồi hàng đầu ở Bắc Mỹ.

Quy trình hồi sinh này đòi hỏi các nhà khoa học phải phân tích ADN cổ đại để xác định những đột biến quan trọng khiến loài tuyệt chủng khác biệt so với họ hàng còn sống. 

Sau đó họ chỉnh sửa ADN của loài hiện tại và sử dụng mã di truyền này để tạo ra cá thể mang đặc điểm của loài đã tuyệt chủng dù không giống hoàn toàn về mặt di truyền.

Đáng chú ý, chỉ một số thay đổi di truyền nhỏ cũng có thể tạo nên sự khác biệt giữa loài còn sống và loài đã tuyệt chủng. Trung bình một con sói có khoảng 19.000 gene. 

Colossal đã thực hiện khoảng 20 chỉnh sửa trong 14 gene chính của loài sói xám hiện tại để khớp với gene của loài sói tiền sử, bao gồm bộ lông trắng, kích thước răng và hàm lớn hơn, vai và chân khỏe hơn cũng như những thay đổi về tiếng hú, theo tạp chí Time.

Tờ New York Times dẫn lời nhà di truyền học Adam Boyko tại Đại học Cornell (Mỹ) đánh giá việc tạo ra những loài lai mới có đặc tính của các loài đã tuyệt chủng là điều thú vị. Tuy nhiên ông không cho rằng Romulus, Remus và Khaleesi là những con sói tiền sử thuần chủng. 

Thêm vào đó, chúng không được phát triển theo bầy đàn trong môi trường hoang dã, không săn mồi theo bản năng và không có hệ vi sinh đường ruột đặc trưng của tổ tiên.

Tranh luận khoa học

hồi sinh - Ảnh 2.

Hai chú sói Romulus và Remus lúc 1 tháng tuổi - Ảnh: Colossal Biosciences

Nhiều nhà khoa học đã chỉ ra sự khác biệt giữa loài sói mới được phục hồi và giống sói săn mồi hung dữ đã bị tuyệt chủng. Nhà động vật học Philip Seddon từ Đại học Otago (New Zealand) nhận định những con sói này chỉ là "loài sói xám biến đổi gene".

Phó giáo sư kiêm đồng giám đốc Phòng thí nghiệm di truyền học cổ đại Nic Rawlence từ Đại học Otago cho rằng ADN của loài sói cổ đại được tìm thấy từ hóa thạch đã bị hư hỏng và phân hủy quá mức, khiến việc sao chép và nhân bản sinh học gần như bất khả thi, theo Đài BBC.

"ADN cổ đại được nhân bản giống như cách bạn cho ADN mới vào lò nướng 500 độ suốt đêm. Nó sẽ cho ra kết quả là các mảnh vụn giống các mảnh vỡ và bụi. Bạn có thể tái tạo nó nhưng không đủ chất lượng để làm gì hơn", ông lập luận.

Tiến sĩ Rawlence giải thích Colossal đã sử dụng công nghệ sinh học mới - dùng ADN cổ đại để xác định mã di truyền quan trọng, sau đó đưa thông tin di truyền đó vào cấu trúc của sói xám. Do đó giống sói mới vẫn là giống sói xám nhưng mang những đặc tính của giống sói tiền sử - một loài lai.

Giám đốc Trung tâm ADN cổ đại Úc Jeremy Austin cũng cho rằng ngay cả khi thành công, sự hồi sinh này vẫn còn nhiều nghi vấn vì các loài thuộc họ Chó trong tự nhiên có hình dạng rất giống nhau. Việc xác định chính xác đặc điểm bên ngoài của loài đã tuyệt chủng từ hóa thạch là điều rất khó khăn, theo tạp chí ScienceAlert.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia chỉ trích tuyên bố của Colossal khi cho rằng đây là loài hồi sinh đầu tiên trên thế giới. Trước đó vào năm 2003, các nhà khoa học ở Tây Ban Nha đã nhân bản một loài dê hoang dã đã tuyệt chủng có tên bucardo hay dê núi Pyrene, theo trang thông tin Live Science.

Mặt khác, một số nhà khoa học lại lạc quan trước thành tựu của Colossal. Họ đánh giá loài sói lai mới đại diện cho những tiến bộ trong công nghệ di truyền, mở ra tiềm năng ứng dụng vào việc bảo tồn các giống loài hiện có, như loài sói đỏ ở Bắc Carolina (Mỹ).

Ứng dụng vào bảo tồn các loài

Ngày 7-4 Colossal cũng thông báo đã nhân bản thành công bốn chú sói đỏ. Đây là loài đang đối mặt nguy cơ tuyệt chủng với số lượng còn lại rất ít. Chúng đang gặp phải tình trạng thiếu đa dạng trong bộ gene, dẫn đến vô sinh hoặc dị tật bẩm sinh. Công nghệ ADN có thể hỗ trợ vấn đề này, theo thông báo từ Colossal.

Tranh cãi về 'hồi sinh' loài vật tuyệt chủng - Ảnh 2.Đông lạnh các loài vật có nguy cơ tuyệt chủng

TTO - Frozen Zoo hiện là kho đông lạnh động vật lớn nhất thế giới với những mẫu vật từ hơn 10.500 cá thể thuộc 1.220 loài.

Đàn cò nhạn quý hiếm hàng trăm con xuất hiện tại Quảng Trị

HOÀNG TÁO 07/04/2025 20:56 GMT+7

Đàn cò nhạn hàng trăm con xuất hiện ở đồng ruộng và gần nhà dân trong một tháng qua, tuy nhiên đông nhất trong khoảng 3 ngày qua.

cò nhạn - Ảnh 1.

Đàn cò nhạn hàng trăm con xuất hiện ở cánh đồng Quảng Trị - Ảnh: HOÀNG TÁO

Ngày 7-4, Hạt kiểm lâm liên huyện Cam Lộ - TP Đông Hà (Quảng Trị) vừa xác nhận thông tin về sự xuất hiện của một đàn cò nhạn quý hiếm, với số lượng hàng trăm con tại thị trấn Cam Lộ (huyện Cam Lộ).

Ông Hà Văn Bắc - hạt trưởng hạt kiểm lâm - cho biết đàn cò này đã xuất hiện tại khu vực thị trấn Cam Lộ gần một tháng nay, tuy nhiên số lượng trở nên đông đảo nhất trong 3 ngày trở lại đây.

Theo quan sát, hằng ngày đàn cò thường tìm kiếm thức ăn tại các vùng ruộng bỏ hoang thuộc thị trấn Cam Lộ và khu vực giáp ranh với thôn Phan Xá Phường, xã Cam Thành.

Thức ăn chủ yếu của chúng là giun, dế, châu chấu và đặc biệt là ốc bươu vàng.

Vào ban đêm, đàn cò thường chọn các rừng tràm xung quanh và vùng lòng hồ Nghĩa Hy làm nơi trú ngụ.

Đàn cò nhạn quý hiếm hàng trăm con xuất hiện tại Quảng Trị - Ảnh 3.

Đàn cò nhạn dày đặc trên cánh đồng ở phía xa - Ảnh: HOÀNG TÁO

Cò nhạn (còn có tên gọi khác là cò ốc) là loài động vật quý hiếm, có tên trong Sách đỏ Việt Nam và môi trường sống tự nhiên thường là các vùng rừng ngập mặn.

Ông Bắc cũng cho biết hạt kiểm lâm đã có văn bản tham mưu cho UBND huyện Cam Lộ để chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, không thực hiện các hành vi săn bắt, bẫy bắn hay xua đuổi đàn cò.

Đồng thời kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ loài chim quý hiếm này.

Vào mùa hè năm 2020 và 2024, cò nhạn cũng xuất hiện ở Quảng Trị.

Đàn cò nhạn quý hiếm hàng trăm con, bay đen bầu trời tại Quảng Trị - Ảnh 4.Kẻ gian vẫn ngày đêm tiêu diệt đàn cò nhạn quý hiếm

Cực khổ bảo vệ suốt 18 năm, cò nhạn quý hiếm mới kéo về trú ngụ, "đàn con cưng" của lão nông Hai Chìa (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) lại bị kẻ gian tiêu diệt.

Được thả về rừng xanh, rái cá vật chứng trong vụ án đã nhanh nhẹn đi kiếm ăn

NGỌC KHẢI 04/04/2025 16:58 GMT+7

Vừa thả về rừng phòng hộ Cần Giờ (TP.HCM), một con rái cá vuốt bé là vật chứng trong một vụ án mau chóng hòa nhập tốt với tự nhiên, nhanh nhẹn bơi lội đi tìm kiếm thức ăn.

rái cá - Ảnh 1.

Con rái cá (trong lồng) được các đơn vị phối hợp thả về rừng phòng hộ Cần Giờ - Ảnh: NGỌC KHẢI

Ngày 4-4, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ và các đơn vị liên quan thả một con rái cá vuốt bé (nặng khoảng 3,6kg, tên khoa học là Aonyx cinereus) về rừng phòng hộ Cần Giờ.

Rái cá vuốt bé trên thuộc nhóm IB, trong danh mục động vật rừng nguy cấp quý hiếm.

Con rái cá trên là một trong hai con rái cá vuốt bé vật chứng trong vụ án hình sự vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm, được cơ quan công an giao cho Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn tạm thời nuôi, chăm sóc.

Vào tháng 3-2025, một trong hai con rái cá bị bệnh, dù các nhân viên Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn nỗ lực chăm sóc nhưng rái cá trên đã chết.

Ngày 3-4, Chi cục Thi hành án dân sự quận 4 đã có biên bản giao Chi cục Kiểm lâm TP.HCM con rái cá vuốt bé có sức khỏe bình thường để thả về tự nhiên tại rừng phòng hộ Cần Giờ.

Ngày 4-4, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, Hạt kiểm lâm Cần Giờ, Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn thả con rái cá trên về rừng phòng hộ Cần Giờ.

Theo một kiểm lâm viên, rừng phòng hộ Cần Giờ có môi trường tự nhiên phù hợp với sinh cảnh và phân bố tự nhiên của rái cá vuốt bé. 

Khi vừa mở cửa lồng, con rái cá trên nấn ná chỉ trong chốc lát rồi mau chóng hòa nhập tốt với môi trường tự nhiên tại rừng phòng hộ Cần Giờ, nhanh nhẹn bơi lội đi kiếm thức ăn.

rái cá - Ảnh 2.

Rái cá vuốt bé lúc được thả ra khỏi lồng - Ảnh: NGỌC KHẢI

rái cá - Ảnh 3.

Rái cá vuốt bé nhanh nhẹn đi tìm vũng nước để bơi lội - Ảnh: NGỌC KHẢI

Cùng ngày 4-4, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM đã tiếp nhận một con khỉ đuôi lợn do ông Phạm Anh Huy (ở quận Tân Bình) tự nguyện giao.

Ông Huy cho biết con khỉ trên do một người quen cho, ông nuôi đến nay được vài năm. Do muốn khỉ được thả về tự nhiên nên ông giao cho Chi cục Kiểm lâm TP.HCM.

Vừa thả về rừng xanh, rái cá vật chứng nhanh nhẹn bơi lội kiếm ăn - Ảnh 4.

Kiểm lâm viên tiếp nhận khỉ đuôi lợn từ ông Phạm Anh Huy - Ảnh: NGỌC KHẢI

Vừa thả về rừng xanh, rái cá vật chứng nhanh nhẹn bơi lội kiếm ăn - Ảnh 5.Tê tê Java quý hiếm lạc vào Trường THCS Nguyễn An Ninh, hiệu trưởng giao lại kiểm lâm

Chiều 21-10, ông Trần Minh Triết - hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn An Ninh ở phường Trung Mỹ Tây (quận 12) - đã tự nguyện giao một con tê tê Java cho Chi cục Kiểm lâm TP.HCM.

Phát hiện rái cá vuốt bé ở Vườn quốc gia Phú Quốc

CHÍ CÔNG 02/04/2025 09:39 GMT+7

Rái cá vuốt bé là loài vật quý hiếm, cần được bảo vệ và nằm trong sách đỏ Việt Nam. Chúng hiện còn sinh sống trong tự nhiên ở Vườn quốc gia Phú Quốc.

Phát hiện rái cá vuốt bé ở Vườn quốc gia Phú Quốc - Ảnh 1.

Rái cá vuốt bé, loài nằm trong sách đỏ Việt Nam, còn sinh sống trong tự nhiên ở Vườn quốc gia Phú Quốc - Ảnh: Vườn quốc gia Phú Quốc cung cấp

Ngày 2-4, thông tin từ Vườn quốc gia Phú Quốc cho biết thời gian qua đơn vị ghi nhận rái cá vuốt bé (loài nằm trong sách đỏ Việt Nam) vẫn còn phân bố và sinh sống ở sông Rạch Tràm (xã Bãi Thơm, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang).

Rái cá vuốt bé có thân hình ngắn, chắc hơn các loài rái cá khác, màng bơi không phủ hết ngón chân và có phủ lông, tai có nắp che lỗ tai, bộ lông màu nâu nhạt hoặc xám nâu. Chúng có đặc điểm nổi bật là chân nhỏ, không thò ra khỏi ngón, sống ở các vùng thủy vực, dọc nơi có rừng ngập mặn, nước lợ, suối.

Để tìm loài rái cá này, anh Nguyễn Hồng Quân và anh em ở Vườn quốc gia Phú Quốc đi sơ thám qua các sinh cảnh rừng, đặc biệt là dọc theo sông Rạch Tràm (xã Bãi Thơm) để tìm dấu vết hoạt động của loài như: phân, dấu chân hoặc thức ăn của loài rái cá.

Phú Quốc - Ảnh 3.

Anh Quân đặt bẫy ảnh để ghi nhận hình ảnh rái cá vuốt bé ở Phú Quốc - Ảnh: CHÍ CÔNG

"Đơn vị thời gian qua đặt bẫy ảnh thu giữ được một số hình ảnh của một số loài quý hiếm như kỳ đà, diều hoa... và đặc biệt có loài rái cá vuốt bé còn sinh sống dọc sông Rạch Tràm", anh Nguyễn Hồng Quân - nhân viên Vườn quốc gia Phú Quốc - cho biết.

Ở nước ta, rái cá vuốt bé phân bố ở Quảng Ninh, Quảng Trị, Bình Phước, Lâm Đồng, Kiên Giang, Cà Mau... Số lượng rái cá vuốt bé hiện nay đã bị giảm nhiều do săn bắt và mất nơi sống. Do đó loài rái cá này còn sinh sống ở Phú Quốc là tín hiệu vui.

Đơn vị luôn tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức bảo tồn, không săn bắt, mua bán, sử dụng động vật hoang dã trong tự nhiên và đơn vị tuần tra, phát hiện xử lý kịp thời hành vi vi phạm, góp phần bảo vệ động vật hoang dã còn sinh sống ở Phú Quốc.

Phú Quốc - Ảnh 4.

Bẫy ảnh ghi lại khoảnh khắc con rái cá vuốt bé ở sông Rạch Tràm (xã Bãi Thơm, TP Phú Quốc) - Ảnh: Vườn quốc gia Phú Quốc cung cấp

Phú Quốc - Ảnh 5.

Sông Rạch Tràm (xã Bãi Thơm, TP Phú Quốc) với hệ sinh thái ngập nước, có nhiều cây tràm, cây đước và là nơi rái cá vuốt bé còn sinh sống - Ảnh: CHÍ CÔNG

Rái cá vuốt bé còn sinh sống ở Vườn quốc gia Phú Quốc - Ảnh 5.Cà Mau phát động chống mua bán động vật hoang dã trái phép

Tỉnh Cà Mau vừa phối hợp các đơn vị liên quan khởi động chuỗi hoạt động nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép.

Huế tiếp nhận 3,1 tỉ đồng từ WWF để theo dấu ‘kỳ lân châu Á’

NHẬT LINH 01/04/2025 10:19 GMT+7

TP Huế nhận hơn 3,1 tỉ đồng từ WWF để theo dấu, bảo tồn sao la, loài quý hiếm mệnh danh 'kỳ lân châu Á'.

sao la - Ảnh 1.

Sao la - loài vật quý hiếm được mệnh danh “kỳ lân châu Á” hay “linh hồn Trường Sơn” từng được ghi nhận tại Việt Nam - Ảnh: DAViD HULSE, WWF

Ngày 1-4, UBND TP Huế cho biết Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Phương vừa có quyết định tiếp nhận viện trợ không hoàn lại từ dự án "Cùng lên tiếng bảo vệ loài sao la và các hệ sinh thái vì thiên nhiên và con người" do Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tài trợ.

Tổng giá trị đợt viện trợ này hơn 3,1 tỉ đồng.

Dự án nhằm tăng cường năng lực và sự tham gia của các tổ chức xã hội trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ loài sao la, nâng cao nhận thức cộng đồng và các bên liên quan nhằm đóng góp vào việc hoàn thiện chính sách về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã.

Đồng thời, dự án góp phần chấm dứt tình trạng buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật tại TP Huế, hỗ trợ thực hiện Chiến lược quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Theo kế hoạch, đến tháng 6-2025, dự án sẽ tăng cường năng lực cho các tổ chức xã hội, cộng đồng địa phương trong công tác quản lý và bảo vệ động vật hoang dã. Đến tháng 9-2025, các hoạt động truyền thông, tuyên truyền sẽ giúp lan tỏa thông điệp bảo tồn đa dạng sinh học và động vật hoang dã.

Tới tháng 6-2026, hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng tại Khu dự trữ thiên nhiên sao la ở Huế sẽ được tăng cường. Những người bảo vệ rừng sẽ được trang bị các vật dụng hỗ trợ cần thiết và thường xuyên được chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn từ các chuyên gia, đồng nghiệp ở các khu bảo tồn khác.

Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Huế là đơn vị tiếp nhận, triển khai nguồn viện trợ này theo chức năng, nhiệm vụ.

Sao la - 'kỳ lân châu Á, linh hồn của dãy Trường Sơn'

Sao la (Pseudoryx nghetinhensis) là một trong những loài thú hiếm và bí ẩn nhất thế giới, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1992 tại dãy Trường Sơn, khu vực biên giới Việt Nam - Lào. Do mức độ hiếm gặp và sự bí ẩn của nó, sao la còn được gọi là "kỳ lân châu Á".

Lần gần nhất sao la ghi nhận tại Việt Nam là vào năm 2013, khi bẫy ảnh chụp lại được một cá thể trong một cánh rừng ở Quảng Nam. Đây là một phát hiện chấn động giới khoa học vào thời điểm đó về loài động vật đang đứng bên bờ tuyệt chủng này.

Từ đó đến nay, 'kỳ lân châu Á' gần như mất dấu trên các cánh rừng Việt Nam.

Dù các nhà khoa học chưa có phát hiện mới về loài sao la, nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền và sự chung tay của thế giới trong việc bảo tồn loài động vật quý hiếm này, nhiều cánh rừng ở Việt Nam đã dần phục hồi.

Những loài thú rừng quý hiếm khác như mang Trường Sơn, thỏ vằn Trường Sơn, gấu ngựa… đã xuất hiện nhiều hơn ở những cánh rừng tự nhiên thuộc các khu bảo tồn sao la dọc dài trên dãy Trường Sơn.

Huế tiếp nhận hơn 3,1 tỉ đồng không hoàn lại từ Thụy Sĩ nhằm tìm dấu ‘kỳ lân châu Á’ - Ảnh 3.Giải cứu sao la khỏi tuyệt chủng, phát hiện nhiều loài quý hiếm khác

Sau 18 tháng đặt bẫy ảnh và phân tích mẫu DNA môi trường, dự án "Giải cứu sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng" ở rừng Trường Sơn chưa phát hiện sự xuất hiện của loài này, nhưng lại phát hiện 17 loài quý hiếm khác.

Bạn đang đọc trong chuyên đề "BẢO TỒN ĐỘNG, THỰC VẬT"