Trong vòng hơn một giờ trưa 4-4, ở khu vực huyện Kon Plông (Kon Tum) xảy ra liên tiếp 6 trận động đất. Hiện Viện Các khoa học Trái đất đang theo dõi các trận động đất này.
Bản đồ chấn tâm trận động đất mạnh 3,4 độ lúc 12h32 ngày 4-4 tại khu vực huyện Kon Plông (Kon Tum) - Ảnh: Viện Các khoa học Trái đất
Chiều 4-4, TS Nguyễn Xuân Anh, giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Các khoa học Trái đất, cho biết trưa nay tại khu vực huyện Kon Plông (Kon Tum) xảy ra liên tiếp 6 trận động đất.
Theo đó, trong khoảng từ 11h31 đến 12h41, tại khu vực Kon Plông xảy ra liên tiếp 6 trận động đất, trong đó có 3 trận động đất mạnh 3,4 độ (độ lớn M), còn lại là các trận động đất mạnh 2,6, 2,7 và 3 độ. Độ sâu chấn tiêu các trận động đất này khoảng 8,1 - 8,2km.
Cấp độ rủi ro thiên tai các trận động đất này cấp 0 (không gây thiệt hại).
Hiện Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Các khoa học Trái đất vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Trước đó ngày 31-3, tại khu vực huyện Kon Plông xảy ra 5 trận động đất mạnh từ 2,6 - 3,1 độ.
Tại Việt Nam các trận động đất mạnh từ 2-3 và 3-4 độ được đánh giá là các trận động đất yếu.
Các trận động đất mạnh từ 2-3 độ thì một số người cảm nhận được rung động rất nhẹ, không gây thiệt hại cho các công trình xây dựng. Tần suất xuất hiện trung bình trên toàn thế giới mỗi năm khoảng trên 1 triệu trận.
Đối với các trận động đất mạnh từ 3-4 độ thì cảm thấy bởi một số người, nhưng hiếm khi gây thiệt hại và có thể nhận thấy các đồ vật trong nhà rung động. Hằng năm trên thế giới xuất hiện khoảng trên 100.000 trận.
Từ tháng 4-2021 đến nay, hàng trăm trận động đất đã xảy ra tại Kon Tum, tập trung ở khu vực huyện Kon Plông, trong đó những trận động đất gây rung chấn diện rộng.
Lớn nhất là trận động đất xảy ra trưa 28-7-2024 có độ lớn 5 độ, trước đó ngày 23-8-2022 là trận động đất mạnh 4,7 độ.
Theo ông Xuân Anh, "động đất kích thích" là nguyên nhân gây ra các trận động đất trong những năm gần đây ở tỉnh Kon Tum.
"Theo các nghiên cứu sơ bộ, dự báo động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới nhưng khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ. Tuy nhiên, vẫn cần triển khai ngay các nghiên cứu chi tiết hơn để đánh giá hoạt động động đất ở khu vực này" - ông Xuân Anh nhận định.
Hơn 30 cơn lốc xoáy kèm theo mưa đá và mưa lớn càn quét qua các bang miền Nam và Trung Tây nước Mỹ, khiến ít nhất 7 người thiệt mạng, san phẳng nhiều ngôi nhà.
Lực lượng cứu hộ ở thành phố Nashville, bang Tennessee, Mỹ ngày 3-4 - Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Theo tờ New York Times, ngày 3-4 giờ địa phương, một loạt cơn lốc xoáy và mưa lớn đã càn quét qua các bang miền Nam và Trung Tây nước Mỹ khiến ít nhất 7 người thiệt mạng và 13 người bị thương tại các bang Tennessee, Missouri và Indiana.
Ít nhất 33 cơn lốc xoáy, kèm theo mưa đá và lượng mưa cực lớn, đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản: nhiều công trình bị san phẳng, mảnh vỡ bay tứ tung, lưới điện bị cắt đứt và nhiều tuyến đường chìm trong nước lũ.
Tại bang Tennessee, ít nhất 5 người thiệt mạng, trong đó có một người cha và con gái 16 tuổi. Ngôi nhà di động của họ ở thành phố Matxcơva (bang Indaho) bị lốc xoáy phá hủy, chỉ có người mẹ mắc kẹt dưới đống đổ nát may mắn được giải cứu nhưng trong tình trạng nguy kịch.
Tại bang Indiana, một người đàn ông 27 tuổi thiệt mạng sau khi xe bán tải của anh va phải đường dây điện bị đổ. Một trưởng phòng cứu hỏa ở bang Missouri cũng được xác nhận đã thiệt mạng gần Cape Girardeau, nguyên nhân cụ thể vẫn chưa được công bố.
Cơ quan Thời tiết quốc gia (NWS) cảnh báo nguy cơ xảy ra "lũ lụt thế hệ" (generational flooding) khi lượng mưa có thể vượt quá 30cm trong những ngày tới.
Các con sông lớn, đặc biệt là sông Black ở Missouri và sông Mississippi, đang có nguy cơ tràn vào bờ. Tại một số nơi như thành phố Nashville, nước lũ dâng cao buộc lực lượng cứu hộ phải triển khai ngay trong đêm.
"Lũ lụt thế hệ" là một thuật ngữ khí tượng sử dụng để mô tả một sự kiện lũ lụt kinh hoàng và bất thường, nhấn mạnh khả năng mực nước kỷ lục và những tác động nghiêm trọng vượt qua những trận lũ trong quá khứ.
Lực lượng chức năng tại nhiều bang đã được huy động khẩn cấp. Thống đốc bang Indiana đã điều động Vệ binh Quốc gia Mỹ hỗ trợ, trong khi Quân đoàn Công binh Lục quân Mỹ cũng chuẩn bị 1.500 bao cát để gia cố đê điều tại bang Missouri. Các trường học ở khu vực Tennessee và Kentucky cũng đóng cửa từ ngày 4-4 để đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, tình trạng mất điện và gián đoạn thông tin xảy ra trên diện rộng. Còi báo động ở Nashville ngừng hoạt động do mất điện khiến người dân phải dựa vào radio và ứng dụng thời tiết để cập nhật thông tin. Tại quận McNairy (bang Tennessee), nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, các phương tiện liên lạc gần như bị tê liệt.
Trận thiên tai này xảy ra trong bối cảnh Cơ quan NWS đang đối mặt với việc cắt giảm nhân sự nghiêm trọng theo lệnh của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, làm gián đoạn công tác dự báo.
Thống đốc Andy Beshear của bang Kentucky cho biết cơn bão này là minh chứng cho thấy không nên cắt giảm cơ quan này, kêu gọi bảo vệ và tăng cường nguồn lực cho NWS. Ông gọi đây là "phao cứu sinh" cho người dân trong bối cảnh thời tiết ngày càng khắc nghiệt.
Cây cối đổ rạp và các công trình bị hư hại sau khi lốc xoáy càn quét thành phố Selmer, bang Tennessee, Mỹ - Ảnh: AFP
Một nhà thờ ở thành phố Paducah, bang Kentucky bị tàn phá nặng nề - Ảnh: AFP
Ông Dylon Davies ôm Skylar, chú chó của bạn mình, sau trận lốc xoáy ở thành phố Lake City, bang Arkansas - Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Dự báo năm 2025 Biển Đông có thể đón 11-13 cơn bão, trong đó 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, nguy cơ xuất hiện bão mạnh cấp 12 trở lên vẫn cao.
Các chuyên gia Malaysia cảnh báo chính quyền và người dân nước này cần cảnh giác và tăng cường chuẩn bị cho nguy cơ xảy ra động đất.
Dù không nằm trong vành đai lửa Thái Bình Dương, Malaysia vẫn có nguy cơ động đất - Ảnh: IPROPERTY
Theo trang tin The Star ngày 31-3, các chuyên gia Malaysia cảnh báo Malaysia vẫn có nguy cơ chịu ảnh hưởng của động đất dù không nằm trong vành đai lửa Thái Bình Dương, kêu gọi chính quyền và người dân nâng cao cảnh giác.
Luôn cảnh giác động đất
Ông Abd Rasid Jaapar, chủ tịch Viện Địa chất Malaysia, cho biết tuy quốc gia này không nằm trên vùng va chạm của các mảng kiến tạo lớn, nhưng các rung chấn nhỏ đã được ghi nhận trong nhiều thập kỷ qua. Do đó điều quan trọng là phải luôn cảnh giác khi động đất xảy ra ở các nước láng giềng như trận động đất vừa qua ở Myanmar.
Đặc biệt, nguy cơ động đất cao hơn tại bang Sabah do khu vực này gần với các vùng địa chấn hoạt động mạnh, nơi thường xuyên xảy ra va chạm của hai mảng kiến tạo nằm dưới đáy Thái Bình Dương, cũng như các chuyển động dọc theo các đứt gãy đang hoạt động.
Lịch sử cho thấy Malaysia đã từng trải qua các trận động đất mạnh, đặc biệt là ở Sabah với cường độ từ 6,0 - 6,3 độ vào các năm 1923, 1958, 1976 và 2015. Một số trận động đất cũng đã xảy ra ở bán đảo Malaysia, với cường độ từ 1,6 - 4,6 độ trong giai đoạn 1984 - 2013.
Trước cảnh báo này, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Bumiputera Malaysia, ông Datuk Azman Yusoff, cho biết hầu hết các tòa nhà cao tầng mới tại Malaysia trong thập kỷ qua đều được xây dựng theo tiêu chuẩn chống động đất, trong đó có Eurocode 8.
Điểm đáng chú ý của Eurocode 8 là việc sử dụng hệ thống lò xo giảm chấn, cho phép các tòa nhà "cách ly" móng khỏi các chuyển động của mặt đất. Tính linh hoạt này giúp hấp thụ năng lượng địa chấn và làm giảm nguy cơ sụp đổ kết cấu khi động đất xảy ra.
Bên cạnh đó, Tổng giám đốc Cơ quan quản lý thảm họa quốc gia Datuk Khairul Shahril Idrus cho biết Đội cứu trợ và hỗ trợ thảm họa đặc biệt Malaysia (SMART) luôn trong trạng thái sẵn sàng và thường xuyên tổ chức diễn tập ứng phó thảm họa tại các khu vực có nguy cơ cao như núi Kinabalu (ngọn núi cao nhất Malaysia) tại bang Sabah.
Bản đồ nguy cơ động đất và hệ thống cảnh báo sóng thần
Cục Khí tượng Malaysia hiện đang vận hành 80 cảm biến địa chấn để theo dõi và phát hiện động đất. Ngoài ra 83 hệ thống còi báo động sóng thần (SAATNM) đã được triển khai tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng, có khả năng chuyển tiếp cảnh báo động đất trong vòng 8 phút sau khi phát hiện dấu hiệu.
Tiến sĩ Khamarrul Azahari Razak, giám đốc Trung tâm Chuẩn bị và phòng chống thảm họa thuộc Đại học Công nghệ Malaysia (UTM), nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao năng lực phối hợp giữa các cơ quan cứu hộ và đội phản ứng khẩn cấp.
Theo ông, Chính phủ Malaysia cần cân nhắc các chiến lược sơ tán hiệu quả, phối hợp ứng phó nhanh chóng và biện pháp bảo vệ người dân, đặc biệt trong việc di dời lượng lớn dân số đến các khu vực an toàn hơn khi xảy ra thảm họa.
Trước đó vào năm 2015, trận động đất ở Sabah với cường độ 6,0 độ, là trận động đất mạnh nhất từng được ghi nhận tại khu vực này, khiến 18 người thiệt mạng.
Năm 2019, Bộ Khoáng sản và Khoa học trái đất (JMG) đã giới thiệu bản đồ nguy cơ động đất của Malaysia bán đảo, các bang Sabah và Sarawak (đông Malaysia) nhằm giảm thiểu rủi ro liên quan đến động đất.
Bản đồ là tài liệu tham khảo cho các thiết kế tòa nhà chống động đất bằng cách phân loại vùng nguy hiểm dựa trên phương pháp gia tốc nền cực đại (PGA), qua đó đảm bảo an toàn hơn cho các công trình xây dựng ở Malaysia.
Trận động đất mạnh tại Myanmar vừa qua không chỉ gây thiệt hại trong khu vực tâm chấn mà còn có tác động đáng kể đến các nước láng giềng, đặc biệt tại Thái Lan.
Sau trận động đất kinh hoàng tại Myanmar, mới đây Nhật Bản thông báo ước tính 298.000 người dân nước này có thể tử vong nếu siêu động đất xảy ra ở rãnh Nankai.
Các sĩ quan cảnh sát tham gia vào hoạt động tìm kiếm hài cốt của những người mất tích sau thảm họa động đất và sóng thần tại Namie, tỉnh Fukushima, Nhật Bản ngày 11-3-2011- Ảnh: REUTERS
Hãng thông tấn Kyodo dẫn báo cáo ngày 31-3 của lực lượng đặc trách ứng phó động đất của Nhật Bản ước tính 298.000 người dân thiệt mạng và nền kinh tế Nhật Bản có thể mất tới 1.810 tỉ USD trong trường hợp xảy ra trận động đất đã được dự đoán từ lâu tại rãnh Nankai.
Rãnh Nankai nằm ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương, phía tây nam của Nhật Bản và kéo dài khoảng 900km, nơi mảng biển Philippines chìm xuống dưới mảng Á - Âu. Các biến dạng kiến tạo tích tụ có thể dẫn đến một trận động đất lớn khoảng 100 - 150 năm một lần.
Số người buộc phải sơ tán nếu siêu động đất xảy ra là 12,3 triệu người, tương đương 10% dân số Nhật Bản.
Bên cạnh đó, 31 tỉnh của Nhật Bản sẽ phải chịu rung lắc độ lớn tối thiểu 6 trong thang đo cường độ địa chấn 7 cấp của Nhật Bản hoặc sóng thần hơn 3m.
Theo báo cáo, 215.000 trong số 298.000 ca tử vong dự kiến là do sóng thần, dựa trên giả định rằng chỉ có 20% người dân sẽ sơ tán ngay lập tức. Việc tăng tỉ lệ sơ tán lên 70% có thể giảm số người chết vì sóng thần xuống còn 94.000 trường hợp. Thông tin này cho thấy tầm quan trọng của việc sơ tán nhanh chóng.
Thiệt hại kinh tế dự kiến lên tới 1.800 tỉ USD (270.000 tỉ yen), tương đương gần một nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước, tăng so với ước tính trước đó là 214.000 tỉ yen.
Trong khi đó, khu vực dự kiến sẽ chịu ngập lụt tối thiểu 30cm đã tăng 30% so với ước tính trước đó. Tổng số người thiệt mạng dự kiến sẽ không giảm đáng kể, dù đã trang bị kè chắn sóng và các cơ sở sơ tán sóng thần.
Chính phủ Nhật Bản cũng dự kiến sửa đổi kế hoạch phòng chống thiên tai để chỉ định các khu vực ưu tiên bổ sung dựa trên vùng nguy cơ lũ lụt mở rộng, đồng thời xây dựng một kế hoạch phục hồi quốc gia mới để đẩy nhanh quá trình phát triển cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, một cơ quan mới về phòng chống thiên tai cũng sẽ được thành lập vào tài khóa 2026.
Cục Khí tượng Nhật Bản vào năm 2019 đã ra mắt hệ thống cảnh báo động đất rãnh Nankai, báo động người dân sống ven bờ dọc khu vực này về nguy cơ xảy ra động đất trong 5 - 30 phút sau khi phát hiện tiền chấn, theo TTXVN.
Ngày 11-3-2011, Nhật Bản từng hứng chịu trận động đất mạnh 9 độ, một trong những trận động đất mạnh nhất lịch sử loài người và gây sóng thần cao đến 40m.
Sóng thần ập vào đất liền đã phá hủy mọi thứ trên đường đi của nó. Theo thống kê chính thức, 15.899 người đã thiệt mạng, 2.572 người vẫn mất tích và được cho là đã chết, trên 6.000 người bị thương. Nhiều thị trấn bị xóa sổ khỏi bản đồ.
Mỹ cam kết viện trợ 2 triệu USD "thông qua các tổ chức hỗ trợ nhân đạo có trụ sở tại Myanmar", và cho biết một đội ứng phó khẩn cấp của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đang được triển khai tới Myanmar.
Ngày 30-3 (giờ Việt Nam), một trận động đất mạnh 7 độ đã xảy ra tại đảo Tonga, dấy lên nguy cơ xuất hiện các đợt sóng thần nguy hiểm trong phạm vi 300km từ tâm chấn.
Ảnh vệ tinh cho thấy vị trí động đất (chấm đỏ) xảy ra ở phía đông bắc đảo chính Tonga - Ảnh: GEOSCIENCE AUSTRALIA
Trước đó, Trung tâm Nghiên cứu khoa học trái đất Đức ước tính trận động đất này có cường độ 6,6 độ, theo Hãng tin Reuters.
Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ, trận động đất xảy ra cách đảo chính của Tonga khoảng 100km về phía đông bắc vào khoảng 1h18 sáng 30-3 (giờ địa phương). Chấn tiêu của trận động đất ở độ sâu 55km.
Hệ thống cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương đã đưa ra cảnh báo về “mối đe dọa sóng thần”. Theo đó, các đợt sóng thần nguy hiểm từ trận động đất có khả năng xuất hiện ở các vùng biển trong phạm vi 300km từ tâm chấn dọc theo bờ biển Tonga.
Tuy nhiên hệ thống này đã phát đi thông báo an toàn vào khoảng một giờ sau đó, theo báo New York Times.
Hiện cơ quan chức năng chưa công bố số liệu về thiệt hại ban đầu. Ngoài ra, các nhà địa chấn học cũng đang phân tích thêm về cường độ và dữ liệu động đất.
Tonga là một quốc gia ở Polynesia, gồm 171 hòn đảo với dân số hơn 100.000 người. Hầu hết người dân sinh sống trên đảo chính Tongatapu. Tonga nằm cách bờ đông nước Úc hơn 3.500km.
Chiều 28-3, nhiều người làm việc tại các tòa nhà cao tầng ở TP.HCM, đặc biệt là khu vực trung tâm, hoảng hốt chạy xuống đất và túa ra đường khi cảm nhận tòa nhà rung lắc.
Người dân trong một chung cư ở quận 4 (TP.HCM) chạy xuống sảnh ngồi chờ tin tức sau khi chung cư bị rung lắc vào chiều 28-3 - Ảnh: T.T.D.
Một số nhân viên văn phòng ở quận 1 thậm chí mang luôn máy tính xuống sảnh ngồi làm việc mà chưa dám quay lại văn phòng sau rung lắc. Tuy nhiên theo chuyên gia, đây chưa phải là cách phòng tránh rủi ro từ động đất an toàn nhất.
Trang bị kỹ năng ứng phó động đất
Theo ông Xuân Anh - giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện các khoa học Trái đất (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cơ quan chức năng đã ban hành những hướng dẫn ứng phó động đất để người dân nắm dù nước ta ít xảy ra loại thiên tai này.
* Trước động đất: Người dân cần lập kế hoạch phòng tránh an toàn, lập kế hoạch cho cả gia đình, quy định nơi gặp nhau sau động đất, danh sách số điện thoại quan trọng...; học cách bật tắt gas, điện, nước.
- Nếu động đất xảy ra khi đang ngủ, nên bảo vệ đầu bằng gối và nằm úp mặt xuống. Nếu động đất xảy ra khi đang ở trong nhà, nếu không kịp thoát ra ngoài thì ngay lập tức chui xuống gầm bàn, gầm giường chắc chắn để tránh các vật rơi trúng người và nếu trần nhà sập vẫn có không khí để thở. Ở đó ít nhất cho đến khi hết đợt rung chấn thứ nhất.
Ra khỏi chỗ ẩn nấp sau khi hết cơn rung chấn và khi chỗ trú thực sự có nguy cơ sập đổ. Luôn giữ trẻ em, người lớn tuổi theo bên mình. Mang giày, dép để tránh giẫm phải mảnh kính vỡ, đồ vật sắc nhọn.
- Đặc biệt không sử dụng thang máy, nên đi cầu thang bộ nếu cần thiết. Nếu lỡ đang ở trong thang máy thì cần nằm xuống sàn, bảo vệ đầu bằng tay, đợi cho đến khi thang máy bắt đầu làm việc trở lại, ra khỏi thang máy ở tầng tiếp theo và dùng cầu thang bộ.
- Nếu đang ở ngoài đường, cần tránh xa các tòa nhà cao tầng, đường dây điện, đường hầm, các cây cầu. Nếu đang lái xe, cần dừng xe bên lề đường, không ra khỏi xe cho đến khi động đất dừng lại. Với những người dân ở vùng đồi núi, cần tránh xa chỗ dốc đứng, quả đồi nghiêng vì chỗ đó có thể bị lở đất.
* Sau động đất: Người dân cần tránh xa các bức tường bằng gạch vì chúng có thể bị suy yếu và có thể lật đổ trong các đợt dư chấn. Không bao giờ chạm vào đường dây điện bị rơi hoặc bất kỳ vật thể nào tiếp xúc với chúng. Nếu bị kẹt trong đống đổ nát, cần gõ vào vật cứng để báo vị trí của mình cho cứu hộ.
Trong khi đó, Phòng cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (Công an TP.HCM) cũng đưa ra một số khuyến nghị cần làm khi có động đất, dư chấn mạnh xảy ra. Cụ thể, cần cố định những vật dụng trong nhà như tivi, gương, máy tính, kệ sách, tủ... và đặt xa giường ngủ. Dự phòng đèn pin, pin, radio, băng, thuốc... tại những vị trí thuận tiện, dễ lấy.
Định hình các vị trí trong nhà và lối thoát hiểm khi ở nhà cao tầng; theo dõi thông báo và chỉ dẫn của cơ quan phòng chống thiên tai và cứu nạn cứu hộ. Lưu số điện thoại khẩn của cấp cứu, phòng cháy chữa cháy để gọi yêu cầu giúp đỡ.
Nhóm công nhân làm việc trong tòa nhà cao tầng đang thi công ở Thái Lan kịp thoát ra ngoài khi động đất, nhưng nhiều đồng nghiệp của họ bị kẹt lại - Ảnh: REUTERS
Trường hợp nếu xảy ra động đất, nếu ở trong nhà có thể chui xuống gầm bàn/gầm giường, ngồi vào góc phòng và tránh xa các cửa kính, tránh di chuyển khi vẫn đang có chấn động. Chú ý bảo vệ vùng đầu bằng những vật dụng sẵn có như chăn, gối hay lấy tay che đầu...
Còn nếu ở ngoài đường: Cần dừng xe ở lề đường, lánh nạn ở những bãi đất trống. Tránh xa khu vực đông đúc, các tòa nhà cao tầng, tường cao, gầm cầu, pa nô quảng cáo, đường dây điện, cột điện. Nếu đang ở bờ biển thì cần phải di chuyển xa bờ biển bởi động đất có thể gây ra sóng thần.
Tiêu chuẩn nhà cao tầng ở TP.HCM chịu được động đất
Theo kỹ sư xây dựng Nguyễn Hoàng Sang, khi thiết kế các công trình, nhất là các công trình cao tầng và chung cư, thì phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn trước rủi ro về động đất, gió bão... tùy theo các cấp độ công trình và khu vực tương ứng tại Việt Nam.
Trong tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 9386:2012 về thiết kế công trình chịu động đất có quy định về gia tốc nền cho từng khu vực địa lý của Việt Nam để tính toán cho công trình chịu động đất. Hiện nay tiêu chuẩn vẫn đang được tiếp tục hoàn thiện từ thống kê các trận động đất.
Theo đó, với công trình từ 10 - 15 tầng (phân loại cấp 2) ở TP.HCM theo tiêu chuẩn thì có thể chịu cường độ động đất từ 5 - 6 độ. Với công trình trên 15 tầng (phân loại cấp 1) có thể chịu cường độ động đất từ 6 độ.
Bổ sung thêm, theo kiến trúc sư Trần Đình Dũng, đến nay tại Việt Nam chưa ghi nhận trận động đất nào quá lớn đến 6 độ do nền địa chất khá ổn định. Trong khi đóvới đặc thù khí hậu, hằng năm Việt Nam thường hứng chịu gió bão hơn.
Vì vậy khi thiết kế nhà cao tầng tại Việt Nam thì chú trọng nhiều hơn đến rủi ro từ gió bão cũng như tính toán các thông số chịu đựng tác động từ gió bão, bên cạnh thông số chịu đựng động đất. Khi các công trình cao tầng bảo đảm tiêu chuẩn thiết kế thì đương nhiên sẽ chịu đựng được các chấn động tương ứng từ động đất, gió bão..., ông Dũng nói.
Rất cần có thông tin, cảnh báo
Sau rung chấn động đất ngày 28-3, nhiều người bày tỏ mong muốn có một hệ thống cảnh báo động đất sớm để họ có thể chủ động ứng phó khi cần thiết.
Anh Trần Trọng Quang (36 tuổi, làm việc tại quận 1) chia sẻ: "Tôi thấy ở Nhật Bản, khi có động đất thì điện thoại của mọi người sẽ nhận được tin nhắn cảnh báo ngay. Nếu chưa đến mức cảnh báo thì ngay sau đó cũng phải thông tin thêm cho người dân đỡ hoang mang. Tiếc là ở mình chưa có hệ thống cảnh báo này, chúng tôi chỉ biết thông tin qua báo đài".
Nhiều người cũng đề xuất các tòa nhà cao tầng nên có quy trình hướng dẫn ứng phó với động đất rõ ràng hơn. Chị Thanh Ngân (nhân viên văn phòng) cho biết: "Khi xảy ra lung lắc vào chiều 28-3, người thì chạy ngay xuống tầng trệt, người tìm chỗ núp, người thì đứng yên chờ xem có nguy hiểm không. Nếu có quy trình hướng dẫn cụ thể, như khi nào cần sơ tán, đi theo lối nào an toàn thì sẽ tốt hơn".
Nhân viên cao ốc văn phòng ở quận 1 (TP.HCM) chạy ra khỏi tòa nhà sau vụ động đất (ảnh chụp lúc 14h chiều 28-3) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Vì sao các tòa nhà ở Hà Nội và TP.HCM rung lắc?
Do ảnh hưởng của trận động đất tại Myanmar, tại Hà Nội - cách tâm chấn hơn 1.000km, người dân sống, làm việc ở nhiều tòa nhà cao tầng cũng cảm nhận rõ rung chấn của trận động đất này. Tại TP.HCM, ước lượng cách tâm chấn 1.700km, nhiều người cũng cảm nhận được rung lắc tại các tòa nhà cao tầng.
Lý giải về việc động đất ở Myanmar nhưng TP.HCM hay Hà Nội có rung lắc, ông Nguyễn Xuân Anh, giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện các khoa học Trái đất (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho hay đây là trận động đất lớn và về cơ bản các trận động đất lớn sẽ có vùng ảnh hưởng rất rộng, lan truyền đến các thành phố lớn và thông thường các thành phố lớn có nhiều công trình nhà cao tầng nên rất nhạy cảm với các rung lắc.
"Ảnh hưởng của động đất phụ thuộc vào khoảng cách, nền đất và công trình. Với trận động đất ở Myanmar thì khoảng cách xa nên ảnh hưởng tới Việt Nam là yếu" - ông Xuân Anh nói.
Theo ông Xuân Anh, nguyên nhân động đất ở Myanmar là do đứt gãy và tích lũy năng lượng gây ra động đất. "Trận động đất này không bất thường, bởi trong lịch sử ở Myanmar đã có những trận động đất rất mạnh. Chính vì vậy, sau một thời gian tích lũy năng lượng đủ lớn nó sẽ giải phóng thành những trận động đất như vậy và ảnh hưởng đến các khu vực xung quanh" - ông Xuân Anh giải thích.
Khó dự báo thời điểm xảy ra động đất
Ông Nguyễn Xuân Anh cũng cho biết hiện chỉ cảnh báo động đất có thể xảy ra ở một vùng nào đó chứ khó dự báo thời gian xảy ra động đất. "Ngay như ở Nhật Bản, có những trận động đất xảy ra gây thiệt hại rất lớn, nhưng thời gian xảy ra động đất gần như không thể dự báo sớm được" - ông Xuân Anh chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Anh, tại Việt Nam, tuy động đất không quá lớn và thường xuyên như một số quốc gia khác, nhưng theo các tài liệu lịch sử cũng như các nghiên cứu cho thấy mối hiểm họa này không phải là hiếm. Theo ghi nhận từ mạng lưới đài trạm địa chấn quốc gia đã ghi nhận trên 400 trận động đất mạnh trên 2,5 độ và rất nhiều trận động đất nhỏ xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam.
"Cho đến nay trên thế giới chưa có nước nào có thể dự báo được chính xác khi nào động đất xảy ra, cũng như làm cách nào để chống lại động đất, nhưng có thể giảm thiểu được những thiệt hại do động đất gây ra khi hiểu đúng, có kỹ năng phòng tránh đúng.
Để đảm bảo giảm thiểu thiệt hại do động đất, trước tiên phải đảm bảo tính bền vững của các công trình xây dựng, tiếp theo là giáo dục các biện pháp phòng tránh rủi ro động đất. Người dân cũng phải được trang bị những kỹ năng cơ bản trong phòng tránh do động đất gây ra" - ông Xuân Anh nói.
Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, có 5 trường hợp cần lưu ý khi xảy ra động đất và có một số kỹ năng cơ bản dưới đây giúp giảm thiểu thiệt hại, thương tích đối với con người.
Lãnh đạo Việt Nam đã có điện thăm hỏi Thái Lan và Myanmar sau trận động đất mạnh gây ra thiệt hại nặng nề cho hai quốc gia ngày 28-3.
Người dân tại Mandalay, Myanmar tràn ra đường phố sau trận động đất mạnh ngày 28-3 - Ảnh: REUTERS
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, được tin vụ động đất nghiêm trọng xảy ra tại Thái Lan và Myanmar, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, ngày 28-3, Chủ tịch nước Lương Cường đã gửi điện thăm hỏi tới Nhà vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi điện thăm hỏi tới Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gửi điện thăm hỏi tới Chủ tịch Hạ viện Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha.
Cùng ngày, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gửi điện thăm hỏi tới Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Maris Sangiampongsa và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar U Than Swe.
Trước đó vào chiều 28-3, trận động đất với cường độ 7,7 và một dư chấn 6,4 độ đã làm rung chuyển Myanmar, gây thiệt hại nặng nề cho đất nước này. Thông tin cho biết đến nay đã có 144 người ở Myanmar thiệt mạng và hơn 730 người bị thương.
Chương trình Nguy cơ động đất của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) dự báo số người thiệt mạng có thể dao động từ 10.000 đến 100.000 người, và tác động kinh tế có thể lên tới 70% GDP của Myanmar.
Trận động đất tại Myanmar đã làm rung lắc tới tận Thái Lan, khiến nhiều tòa nhà tại thủ đô Bangkok sụp đổ. Chính quyền nước này đang huy động nguồn lực giải cứu 81 người được cho là mắc kẹt dưới đống đổ nát của một tòa nhà cao 30 tầng đang thi công và bị sập sau động đất ở Bangkok.
Theo Hãng tin Reuters, Phó thống đốc Bangkok Tavida Kamolvej thông báo có ít nhất 9 người đã thiệt mạng tại thủ đô của Thái Lan sau trận động đất ngày 28-3.
Ít nhất 144 người ở Myanmar đã thiệt mạng và 732 người bị thương sau trận động đất mạnh 7,7 độ ngày 28-3.
Người dân Myanmar bị thương do động đất phải nằm điều trị bên ngoài sân bệnh viện - Ảnh: AFP
Cập nhật của Hãng tin Reuters vào khoảng 21h30 tối 28-3, Đài MRTV của Myanmar thông báo trên Telegram cho biết số người thiệt mạng trong trận động đất mạnh đã lên đến 144 người, trong khi số người bị thương là 732.
Số thương vong lớn, Myanmar sẵn sàng nhận hỗ trợ sau động đất
Người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar, tướng Min Aung Hlaing, cũng cảnh báo thương vong còn có thể tiếp tục gia tăng. Ông bày tỏ hoan nghênh bất kỳ quốc gia nào cung cấp giúp đỡ và quyên góp sau trận động đất này.
Ông cũng thông báo đã mở các tuyến đường viện trợ quốc tế và chấp nhận đề nghị hỗ trợ từ Ấn Độ và khối ASEAN.
Cận cảnh giải cứu 12 người mắc kẹt dưới tòa nhà đổ sập ở Thái Lan do ảnh hưởng động đất - Nguồn: KHAOSOD - Fire & Rescue Thailand
Ngày 28-3, Chương trình Nguy cơ động đất của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) dự báo số người thiệt mạng có thể dao động từ 10.000 đến 100.000 người, và tác động kinh tế có thể lên tới 70% GDP của Myanmar. Các khu vực Sagaing và Meiktila được dự báo là các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tại Myanmar.
"Nhìn chung, dân cư ở khu vực này sinh sống trong các công trình dễ bị ảnh hưởng bởi rung chấn động đất, mặc dù vẫn có các công trình chịu lực tốt. Có khả năng xảy ra thương vong cao và thiệt hại nghiêm trọng. Và thảm họa có thể lan rộng", báo cáo của USGS cho biết.
Theo truyền thông Myanmar, một bệnh viện 1.000 giường tại thủ đô Nyapyitaw nằm trong số các tòa nhà bị hư hại
Theo tờ New York Times, Ủy ban Cứu hộ quốc tế ước tính tác động của trận động đất ở Myanmar có thể vô cùng nghiêm trọng, với hàng nghìn người di dời cần nơi trú ẩn khẩn cấp, thực phẩm và viện trợ y tế.
"Chúng tôi lo ngại rằng có thể mất nhiều tuần nữa chúng ta mới hiểu được mức độ tàn phá đầy đủ do trận động đất này gây ra, vì mạng lưới thông tin liên lạc và giao thông đã bị gián đoạn", nhóm này nhận định.
Liên hợp quốc huy động tổng lực để hỗ trợ người dân Myanmar sau động đất
Các công trình đổ sập tại Mandalay, Myanmar sau trận động đất ngày 28-3 - Ảnh: REUTERS
Theo Reuters, Tổng thư ký Antonio Guterres cho biết Liên hợp quốc đang huy động lực lượng ở Đông Nam Á để hỗ trợ những người gặp nạn sau trận động đất ở Myanmar.
"Chính quyền Myanmar đã yêu cầu sự hỗ trợ từ quốc tế và đội ngũ của chúng tôi tại Myanmar đã liên lạc để huy động toàn bộ nguồn lực trong khu vực hỗ trợ người dân Myanmar. Tất nhiên có những quốc gia khác cũng bị ảnh hưởng. Tâm chấn nằm ở Myanmar và đây là quốc gia yếu nhất trong tình hình hiện tại", ông nói.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 28-3 đã kích hoạt hệ thống quản lý khẩn cấp và đang huy động trung tâm hậu cần ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE) để chuẩn bị vật tư y tế cứu thương cho khu vực xảy ra thảm họa động đất tại Myanmar.
WHO đang tập trung vào việc cung cấp vật tư y tế cứu thương, thuốc men thiết yếu và các thiết bị cố định bên ngoài, trong bối cảnh ước tính sẽ có rất nhiều người bị thương cần được điều trị.
Cơ quan này cũng lo ngại cơ sở hạ tầng y tế ở Myanmar có thể bị hư hại nghiêm trọng.
Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), vào ngày 28-3, Myanmar đã hứng chịu trận động đất mạnh có cường độ 7,7. Tâm chấn nằm ở độ sâu 10km, khu vực gần thành phố Sagaing. 12 phút sau đó, Myanmar tiếp tục rung chuyển vì một dư chấn mạnh tới 6,4 độ.
Động đất tại Myanmar cũng khiến Thái Lan và Việt Nam rung lắc.
Theo Khaosod English, Thủ tướng Thái Lan, bà Paetongtarn Shinawatra đã thông báo tất cả các công viên công cộng ở Bangkok sẽ mở cửa xuyên đêm cho những người muốn trú ẩn.
Bà cũng khẳng định với công chúng rằng các tòa nhà ở Bangkok là an toàn và tình hình đang được cải thiện.
Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, có 5 trường hợp cần lưu ý khi xảy ra động đất và có một số kỹ năng cơ bản dưới đây giúp giảm thiểu thiệt hại, thương tích đối với con người.
Khoảng 13h30 ngày 28-3, người dân ở tòa nhà số 68 Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cảm thấy rung lắc nên chạy ra ngoài - Ảnh: CHÂU TUẤN
Theo Viện Vật lý địa cầu, lúc 13h20 hôm nay 28-3 (giờ Việt Nam) xảy ra động đất mạnh ở Myanmar gây rung lắc tới Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương...
Tại TP.HCM, chiều cùng ngày nhiều người dân trong các tòa nhà cao tầng ở quận 1, Phú Nhuận, quận 11... cho biết họ cảm nhận nhà cửa rung lắc, phải chạy ra ngoài.
Ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, nhiều người bên trong các cao ốc cũng cảm giác có rung lắc nhẹ nên đã di chuyển khỏi tòa nhà.
Tại Hà Nội, nhiều tòa nhà ở Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Hà Đông... cũng ghi nhận rung lắc mạnh.
Một số người dân cho biết "ở trên tầng cao bỗng nhiên thấy đồ đạc trong nhà rung lắc mạnh trong 5 phút, thực sự quá đáng sợ".
Theo khuyến cáo từ Trường đại học Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an), có 5 trường hợp cần lưu ý khi xảy ra động đất và một số kỹ năng cơ bản sau sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại, thương tích đối với con người:
- Thứ nhất, khi đang ở trong nhà, người dân được khuyến cáo tìm chỗ an toàn như bên dưới những chiếc bàn chắc chắn và bên trong các khung cửa vững vàng.
Nếu không có gì để bảo vệ, hãy nằm trên sàn cạnh một bức tường trong nhà, đồng thời bảo vệ đầu và cổ, chờ đến khi mặt đất ngừng rung chuyển.
Luôn lấy tay ôm lấy mặt, đầu, tránh những nơi nguy hiểm như: Cửa sổ bằng kính, dưới bóng đèn, quạt trần hay những đồ vật có chiều cao lớn như tủ sách, gương, tủ quần áo.
Đồng thời ở nguyên vị trí, không chạy giữa các phòng, chờ đến khi mặt đất ngừng rung. Tuyệt đối không sử dụng thang máy vì thang máy có thể mất điện, gây bị kẹt.
- Khi đang ở ngoài trời, cần tránh xa các tòa nhà và đường dây dẫn điện.
Người dân được khuyến cáo nên tìm chỗ trống để đứng an toàn, không nên chạy vào nhà, tránh xa tòa nhà cao tầng, đường dây điện.
- Khi đang ở trong xe ô tô di chuyển, cần ngừng xe ngay lập tức ở vị trí cho phép và ở lại trong xe.
Khuyến cáo được đưa ra là tránh đỗ xe ở dưới hoặc gần các tòa nhà, cây cối, các cây cầu bắc qua đường, đường dây điện. Sau khi mặt đất ngừng rung chuyển, cần di chuyển cẩn trọng, tránh các con đường, cầu, dốc bị động đất gây hư hại.
- Khi bị mắc kẹt trong đống đổ nát, cần cố gắng giữ bình tĩnh; không di chuyển hoặc làm bụi bay lên.
Lúc này người mắc kẹt có thể dùng khăn tay hoặc quần áo che miệng lại, sau đó kêu cứu và dùng các biện pháp gây sự chú ý để lực lượng cứu nạn có thể nhận thấy.
"Không cố gắng di chuyển nếu không cảm thấy an toàn, vì rất dễ khiến vật nặng đè chặt hơn, gây nguy hiểm cho bản thân.
Đồng thời đừng quá cố sức la hét, vì làm như vậy không những hít phải khói bụi nguy hiểm mà còn khiến người bị nạn mau chóng kiệt sức", khuyến cáo từ Trường đại học Phòng cháy chữa cháy nêu.
- Trường hợp đang ở gần biển, người dân được khuyến cáo cần chạy đến nơi vùng đất cao, an toàn. Đồng thời tránh xa bờ biển đề phòng sóng thần có thể xảy ra.
Khi có yêu cầu trợ giúp, cần gọi ngay tới số máy 114.
Chuyên gia nhận định các đợt rung chấn do động đất khả năng vẫn tiếp tục xảy ra, cơ quan chức năng đang theo dõi sát, tuy nhiên ảnh hưởng mạnh đến TP.HCM như chiều nay thì khó.
Trận động đất mạnh 7,7 độ Richter đã làm rung chuyển Myanmar, khiến tháp kiểm soát không lưu bị sập, bệnh viện quá tải với hàng trăm người bị thương.
Ảnh chụp từ video quay cảnh tượng hỗn loạn tại sân bay Mandalay, Myanmar - Ảnh: MYANMAR NOW
Chiều 28-3, một trận động đất mạnh 7,7 độ Richter xảy ra tại Myanmar, gây thiệt hại diện rộng. Tháp kiểm soát không lưu tại thủ đô Naypyidaw đã bị sập, bệnh viện tại khu vực này cũng rơi vào tình trạng quá tải khi hàng trăm nạn nhân bị thương được đưa đến.
Tháp kiểm soát không lưu bị sập, toàn bộ nhân viên có thể đã thiệt mạng
Trận động đất xảy ra ở thành phố Sagaing, cách thủ đô Naypyidaw khoảng 250km. Những rung chấn mạnh khiến các sân bay chính, bao gồm sân bay quốc tế Mandalay và sân bay Naypyidaw, bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tháp kiểm soát không lưu ở Myanmar bị sập do động đất, toàn bộ nhân viên có thể đã thiệt mạng
Báo cáo ban đầu cho biết tháp kiểm soát không lưu tại Naypyidaw đã bị sập, khiến toàn bộ nhân viên bên trong có thể đã thiệt mạng.
Một số video quay tại sân bay Mandalay cho thấy người dân hoảng loạn bỏ chạy giữa sự hỗn loạn và tiếng ồn.
Bên cạnh đó nhiều tòa nhà lớn cũng gặp tình trạng tương tự, bao gồm chung cư, bệnh viện, khách sạn, trường mẫu giáo bị sập và nhiều tuyến đường, cây cầu bị phá hủy.
Chính quyền quân sự Myanmar cảnh báo người dân về khả năng xảy ra dư chấn trong vài giờ tới. Tình trạng khẩn cấp đã được ban bố tại các khu vực Sagaing, Mandalay, Magway, phía đông bắc bang Shan, Bago và thủ đô Naypyidaw.
Nạn nhân nằm la liệt ngoài bệnh viện
Nạn nhân nằm la liệt bên ngoài phòng cấp cứu bệnh viện vì quá tải, và phòng cấp cứu không đủ điều kiện cơ sở vật chất sau trận động đất kinh hoàng - Ảnh: AFP
Bệnh viện lớn nhất tại thủ đô Naypyidaw rơi vào tình trạng quá tải, khi hàng trăm người bị thương được đưa đến. Do cơ sở vật chất bị hư hại, nhiều bệnh nhân phải nằm la liệt ngoài sân bệnh viện, trên cáng hoặc dưới đất, trong khi các bác sĩ và y tá nỗ lực cứu chữa trong điều kiện thiếu thốn.
"Nhiều người bị thương liên tục đến. Tôi chưa từng chứng kiến điều gì như thế này. Chúng tôi không có đủ giường bệnh, không có đủ thuốc men. Khoa cấp cứu cũng bị ảnh hưởng nặng. Lối vào chính bị sập, đè nát một chiếc ô tô", một bác sĩ tại bệnh viện nói.
Nhiều nạn nhân bị chấn thương nghiêm trọng, máu phủ đầy mặt và tay chân, gãy xương và chấn động não. Một số người đau đớn rên rỉ, trong khi người thân hoảng loạn tìm cách an ủi và cầu cứu sự giúp đỡ.
Một bác sĩ cho biết đến hiện tại, bệnh viện đã ghi nhận ít nhất 20 người đã tử vong và đội ngũ y bác sĩ vẫn đang cố gắng hết sức kiểm soát tình hình.
Trong khi đó, trên đường đến bệnh viện, giao thông cũng bị tắc nghẽn, xe cứu thương khó khăn len lỏi giữa dòng xe. Nhiều người dân hoảng loạn, vội vã gọi điện cho người thân để kiểm tra tình hình.
Tổng tư lệnh quân đội Myanmar, ông Min Aung Hlaing, đã đến bệnh viện kiểm tra tình hình và chỉ đạo công tác cứu trợ.
Hiện tại Myanmar đang đối mặt với một trong những thảm họa tự nhiên nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua, với hàng loạt thiệt hại và hệ thống cứu trợ đang hoạt động hết công suất để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng.