Sau khi chiến sự tại châu Âu bùng nổ, lạm phát - vốn đã ngóc đầu lên từ giữa năm ngoái - không còn là mối đe dọa mà đã là một thực tế ở khắp nơi trên thế giới.
TTO - Từ 15h hôm nay, mỗi lít xăng RON95-III giảm thêm 631 đồng, trong khi dầu diesel (DO) cũng tiếp tục giảm mạnh đến 1.644 đồng/lít và dầu hỏa giảm gần 2.000 đồng/lít.
Doanh nghiệp nhập xăng dầu từ tàu vận chuyển quốc tế vào kho xăng dầu tại Nhà Bè (TP.HCM) - Ảnh: NGỌC HIỂN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho biết cả giá xăng lẫn dầu được điều chỉnh giảm kể từ 15h hôm nay (21-9).
Cụ thể, sau điều chỉnh của liên bộ Công Thương - Tài chính, mỗi lít xăng RON 95-III giảm về mức 22.584 đồng (giảm 631 đồng), xăng E5 RON92 có giá mới là 21.781 đồng (giảm 450 đồng).
Đây là lần giảm giá thứ 3 liên tiếp và cũng là mức giá thấp nhất kể từ thời điểm đạt đỉnh với mức giá 32.870 đồng/lít vào ngày 21-6, sau đó xăng liên tục lao dốc.
Với lần giảm giá này, mặt hàng xăng RON95-III đã quay về mức giá tương đương thời điểm cuối năm 2021, tức là giá bán lẻ đã thấp hơn thời điểm giá xăng dầu bắt đầu đà tăng giá do những bất ổn chính trị trên thế giới, khởi nguồn từ xung đột Nga - Ukraine từ đầu năm nay.
Các mặt hàng dầu cũng tiếp tục hạ nhiệt sau quãng thời gian tăng mạnh, hiện dầu diesel giảm 1.644 đồng/lít, về mức giá 22.536 đồng/lít.
Dầu hỏa cũng hạ thêm 1.977 đồng, về còn 22.441 đồng/lít. Riêng dầu mazut giảm 383 đồng, giá bán 14.656 đồng/kg.
Cơ quan điều hành giá cũng trích quỹ bình ổn xăng dầu với xăng E5 RON92 là 451 đồng và RON95-III là 450 đồng mỗi lít; 300 đồng với dầu diesel, 300 đồng với dầu hỏa và dầu mazut là 741 đồng/kg.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho biết do dự báo kinh tế thế giới suy thoái trong khi thông tin Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhóm họp trong tuần này dự kiến tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát đã tác động mạnh đến thị trường, đặc biệt là xăng dầu.
Các chuyên gia đều nhận định tiêu thụ nhiên liệu sẽ giảm, kéo theo dầu thô và xăng dầu thành phẩm rớt giá.
TTO - Trong khi nguồn cung dầu đang "dễ thở" hơn so với trước thời điểm ngày 2-9, các mặt hàng xăng bắt đầu xuất hiện tình trạng khan hàng. Nhiều đại lý, thương nhân kinh doanh xăng dầu cũng than đang bị thua lỗ...
TTO - Nội dung được Văn phòng Chính phủ nêu tại công văn số 4648 về việc nghiên cứu đề xuất giảm các loại thuế, phí liên quan tới xăng dầu.
Giá xăng dầu đã tạm thời hạ nhiệt nhưng Chính phủ vẫn yêu cầu Bộ Tài chính có phương án giảm thuế, phí - Ảnh: NAM TRẦN
Cụ thể, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại văn bản số 240 ngày 18-7, Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu, tiêu dùng, nhất là các loại thuế làm tăng chi phí đầu vào cho sản xuất, kinh doanh...
Việc nghiên cứu giảm thuế, phí liên quan đến xăng dầu là để giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm phục vụ cạnh tranh xuất khẩu và kinh doanh, góp phần kiềm chế lạm phát, hỗ trợ chính sách tiền tệ... cho cả trước mắt và trung hạn. Kết quả việc này báo cáo Thủ tướng trước ngày 30-7.
Đây là lần thứ hai Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính thực hiện rà soát các khoản thuế, phí để báo cáo Chính phủ. Trước đó tại thông báo kết luận cuộc họp điều hành giá của Ban Chỉ đạo điều hành giá quốc gia, ông Khái cũng đề nghị có giải pháp bình ổn giá xăng dầu trong nước liên quan tới thuế, phí.
Yêu cầu được Chính phủ đưa ra dù trong bối cảnh giá xăng dầu đã phần nào hạ nhiệt nhờ giá thế giới giảm và việc áp dụng giảm thuế bảo vệ môi trường từ ngày 11-7 vừa qua. Tuy vậy, việc giá xăng dầu tăng mạnh trong thời gian qua đã tạo gánh nặng rất lớn đến đời sống người dân, doanh nghiệp, cản trở đà phục hồi kinh tế.
Mặc dù giá đã hạ nhiệt khi về ngang mức giá tháng 2 năm nay, nhưng theo dự báo xu hướng tăng trở lại có thể diễn ra từ nay đến cuối năm. Dự báo quý 3-2022, Bộ Công thương cho biết giá bình quân các mặt hàng xăng và dầu thành phẩm trên thị trường thế giới sẽ ở mức 145 - 155 USD/thùng, tăng 73 - 100% so với cùng kỳ năm 2021.
Như vậy cả năm 2022, giá xăng dầu sẽ ở mức 130 - 140 USD/thùng, tăng 66 - 90% so với năm 2021 và năm 2023 ở mức 100 - 105 USD/thùng, giảm khoảng 25% so với ước giá bình quân năm 2022.
Theo đó, bình quân giá bán lẻ xăng dầu trong nước năm 2022 sẽ ước tăng so với bình quân giá bán lẻ xăng dầu năm 2021 từ 34,6 - 39,3% đối với xăng và 51,4% đối với dầu diesel. Tức trong trường hợp giá thành phẩm xăng dầu ở mức 130 USD/thùng, giá cơ sở xăng dầu bình quân năm 2022 ước tính sẽ ở mức 26.900 - 27.100 đồng/lít với xăng và 23.000 đồng/lít với dầu.
Còn nếu giá thế giới lên tới 140 USD/thùng, giá cơ sở bình quân của xăng sẽ lên mức 28.000 - gần 29.000 đồng/lít và dầu diesel trên 24.500 đồng/lít.
Bộ Công thương tiếp tục quan điểm kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp các bộ ngành liên quan để tiếp tục rà soát, đề xuất giảm thêm một số loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng để giảm giá các mặt hàng xăng dầu trong nước, hỗ trợ cho đời sống nhân dân, doanh nghiệp, góp phần bình ổn thị trường.
TTO - Sáng 6-7, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn về mức sàn.
TTO - Ngày 21-7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định tăng lãi suất với mức là 50 điểm cơ bản. Động thái xác nhận lạm phát tăng cao hiện nay đáng lo ngại hơn nhu cầu về tăng trưởng kinh tế.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, bà Christine Lagarde - Ảnh: REUTERS
Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của ngân hàng trung ương khu vực đồng euro trong 11 năm. Mức lãi suất huy động âm (-0,5%) của ECB đã được duy trì kể từ năm 2014. Với mức tăng lãi suất mới, lãi suất tiền gửi hiện là 0%.
Trước đó, ECB cho biết sẽ chỉ nâng lãi suất từ từ và nhiều khả năng nhất chỉ nâng 25 điểm cơ bản vào tháng 7-2022, sau đó nâng mạnh hơn vào tháng 9-2022. Tuy nhiên, trong bài phát biểu gần nhất, chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết "có những điều kiện rõ ràng khiến cách nâng lãi suất dần dần là không hợp lý".
Theo Hãng tin Reuters, có thể ECB sẽ có một đợt tăng lãi suất tiếp theo trong cuộc họp kỳ tới vào ngày 8-9.
Theo Hãng tin Reuters, việc ECB tăng 50 điểm cơ bản vẫn không đủ mạnh tay so với các ngân hàng trung ương khác trên thế giới, đặc biệt Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, cơ quan đã nâng lãi suất lên 75 điểm cơ bản tháng trước và có khả năng sẽ tiếp tục có một đợt nâng lãi suất cơ bản khác trong tháng này.
Khu vực đồng tiền chung euro bị ảnh hưởng nhiều hơn từ chiến sự ở Ukraine và việc Nga đe dọa cắt nguồn cung khí đốt có thể đẩy khối này vào suy thoái. Các nhà hoạch định chính sách ở đây đã rất khó khăn trong việc cân bằng giữa tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.
Giá nguyên vật liệu cao đang làm suy giảm sức mua. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất - tức tăng chi phí đi vay trong thời kỳ suy thoái đang gây tranh cãi vì có thể làm tăng khó khăn cho các doanh nghiệp và hộ gia đình.
TTO - Ngày 7-6, Ngân hàng Trung ương Úc đã quyết định điều chỉnh mức lãi suất cho vay lên 0,85%, tức tăng 0,5 điểm phần trăm so với mức cũ nhằm kiềm chế lạm phát tăng cao hiện nay.
TTO - Lạm phát ở Mỹ lại tăng lên mức cao nhất trong hơn 40 năm qua và điều này có thể sẽ củng cố quyết tâm của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong việc mạnh tay nâng thêm lãi suất trong tháng 7 này.
Người dân mua dâu tây tại chợ địa phương ở thành phố San Francisco, bang California (Mỹ) vào ngày 13-7 - Ảnh: Reuters
Dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 13-7 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 9,1% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 11-1981. Trong khi đó, so với tháng 5, CPI trong tháng 6 đã tăng 1,3% do giá xăng dầu, chi phí nhà ở và thực phẩm tăng cao.
Thêm một cú sốc
Theo Hãng tin Bloomberg, các số liệu lạm phát nói trên một lần nữa cho thấy áp lực giá cả đang lan rộng trong toàn bộ nền kinh tế Mỹ. Dữ liệu lạm phát sẽ khiến các quan chức tại FED phải đưa ra các chính sách mạnh tay. Chúng cũng gây thêm áp lực cho Tổng thống Mỹ Joe Biden và Đảng Dân chủ khi tỉ lệ ủng hộ dành cho họ đã giảm trước cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay.
"Chỉ số CPI đã gây ra một cú sốc khác. Mặc dù CPI tăng đột biến chủ yếu do giá năng lượng và thực phẩm - vốn là những vấn đề toàn cầu, nhưng giá cả nhiều hàng hóa và dịch vụ nội địa cũng tăng, từ nhà ở cho đến ôtô và quần áo", ông Robert Frick, nhà kinh tế tại tổ chức tín dụng toàn cầu Navy Federal Credit Union, nhận định.
Sắp tới một số yếu tố như chi phí nhà ở có thể sẽ khiến áp lực về giá còn kéo dài. Những rủi ro địa chính trị bao gồm lệnh phong tỏa đối phó COVID-19 ở Trung Quốc và cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng đặt ra nhiều thách thức cho chuỗi cung ứng và lạm phát.
"Thay vì hạ nhiệt, lạm phát đang nóng lên", ông Sal Guatieri, nhà kinh tế cao cấp của hãng cung cấp dịch vụ tài chính BMO Capital Markets, nhận định.
Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Công ty Moody's Analytics, cho biết một hộ gia đình Mỹ điển hình hiện nay tốn thêm 493 USD mỗi tháng để mua cùng loại hàng hóa, dịch vụ đã mua vào cùng kỳ năm ngoái.
Theo Đài CNN, giá cả không những tăng nhanh mà còn vượt xa mức tăng lương. Thu nhập thực tế trung bình theo giờ tại Mỹ trong tháng 6 năm nay đã giảm 1% so với tháng trước đó và giảm 3,6% so với tháng 6 năm ngoái.
Ưu tiên giải quyết lạm phát
Chính quyền Tổng thống Joe Biden trấn an người dân, cho biết mức lạm phát trong tháng 6 đã được ghi nhận vào giai đoạn trước khi giá xăng dầu và các hàng hóa khác giảm ở Mỹ.
"Mặc dù dữ liệu lạm phát được công bố ngày 13-7 cao đến mức không thể chấp nhận được, nhưng những con số này đã cũ. Dữ liệu này không phản ánh tác động đầy đủ của gần 30 ngày giảm giá xăng vừa qua vốn đã giúp giá xăng bán lẻ giảm khoảng 0,4 USD kể từ giữa tháng 6", ông Biden nói ngày 13-7, đồng thời nhấn mạnh áp lực giá cả hiện nay là một hiện tượng toàn cầu.
Nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm: "Giải quyết lạm phát là ưu tiên hàng đầu của tôi. Chúng ta cần phải đạt được nhiều tiến bộ hơn và nhanh hơn trong việc kiểm soát vấn đề tăng giá".
Giá dầu thô Brent (được xem là tiêu chuẩn cho giá dầu thế giới) đã tăng lên gần 140 USD/thùng vào đầu tháng 3 năm nay sau khi Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine. Tuy nhiên, tháng này giá dầu Brent đã giảm xuống dưới mức 100 USD/thùng. Giá thực phẩm trên toàn cầu cũng đã điều chỉnh từ các mức cao kỷ lục.
Không chỉ Mỹ, nhiều tháng lạm phát tăng vọt ở các nước đã làm rung chuyển thị trường toàn cầu thời gian qua và ngân hàng trung ương nhiều nơi buộc phải nhanh chóng rút lại các chính sách tiền tệ "cực rẻ" đã được áp dụng từ đầu dịch COVID-19. Nhưng điều đó làm dấy lên lo ngại giới hoạch định chính sách có thể đi quá xa và đẩy các nền kinh tế hàng đầu thế giới rơi vào suy thoái.
FED đã bắn tín hiệu sẽ có một đợt tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm lần hai vào cuối tháng này trong bối cảnh lạm phát dai dẳng. Theo báo Financial Times, nếu FED tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng 7, dự kiến mức lãi suất cơ bản sẽ được nâng lên từ 2,25 - 2,5%.
Tuy nhiên, FED tăng lãi suất càng cao và nhanh thì sẽ càng làm tăng nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái - điều mà một số nhà kinh tế dự báo có thể xảy ra trong 12 tháng tới. Dù vậy, thị trường lao động vẫn đang tỏ ra vững vàng khi tạo thêm gần 400.000 việc làm trong tháng trước.
Cú sốc cho chứng khoán toàn cầu
Theo Hãng tin AP, chứng khoán toàn cầu đã sụt giảm vào ngày 14-7 sau khi mức lạm phát cao ở Mỹ làm dấy lên suy đoán FED sẽ tăng lãi suất cao hơn - điều mà các nhà đầu tư lo ngại sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế.
Vào đầu phiên giao dịch, chỉ số FTSE 100 tại thị trường London (Anh) giảm 0,4% xuống 7.127 điểm, chỉ số DAX ở thị trường Frankfurt (Đức) giảm 0,2% còn 12.737 điểm. Chứng khoán Thượng Hải, Hong Kong (Trung Quốc) và Seoul (Hàn Quốc) cũng giảm điểm. Tại Mỹ, các chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều giảm, nhưng ở mức nhẹ.
TTO - Lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ, đồng euro và USD có tỉ giá gần tương đương. Việc hai đồng tiền giá trị bậc nhất thế giới ngang giá nhau mang lại cả tác động tích cực lẫn tiêu cực.
TTO - Việc mạnh tay trích lập quỹ bình ổn lên tới gần 1.000 đồng/lít khiến giá xăng dầu không thể giảm sâu thêm ở mức trên 4.000 đồng/lít trong kỳ đầu tiên áp dụng việc giảm thuế kịch khung thuế bảo vệ môi trường ngày 11-7.
Từ 0h ngày 11-7, giá xăng giảm 3.090 - 3.110 đồng/lít, giá mặt hàng dầu cũng hạ 800 - 3.020 đồng/lít - Ảnh: NAM TRẦN
Từ 0h ngày 11-7, giá xăng dầu chính thức được điều chỉnh để đồng bộ với việc thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
Cộng hưởng với chu kỳ điều hành giá trong 10 ngày qua khi giá thế giới giảm mạnh, giá xăng dầu trong nước đã ghi nhận mức giảm sâu nhất kể từ đầu năm nay.
Theo đó, với việc giảm trên 3.000 đồng/lít với các loại xăng và dầu diesel, các mặt hàng khác giảm 2.000 đồng/lít, giá xăng dầu đã có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo cơ quan điều hành, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá từ ngày 1-7 đến 11-7 là 128,707 USD/thùng với xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92, giảm 19,070 USD/thùng, với xăng RON95 136,530 USD/thùng, giảm 18,314 USD/thùng.
Với các mặt hàng dầu giảm trên 20 USD/thùng, như dầu hỏa có giá 140,858 USD/thùng; dầu diesel là 146,705 USD/thùng. Dầu mazut 180CST 3,5S có giá 533,750 USD/tấn, giảm 72,645 USD/tấn.
Với mức giảm giá như trên, giá xăng trong nước đã về dưới mức 30.000 đồng/lít, tương đương ngưỡng giá ở thời điểm giữa tháng 3.
Trước bối cảnh giá xăng dầu liên tục tăng cao trong nhiều tháng qua, người tiêu dùng kỳ vọng sẽ có mức giảm giá sâu hơn nhằm hỗ trợ thiết thực người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, ổn định đời sống sau dịch bệnh.
Người dân đổ xăng tại một cửa hàng xăng dầu trên đường Thụy Khuê, Hà Nội trưa 11-7 - Ảnh: NAM TRẦN
Theo tính toán, với mức giá xăng dầu thành phẩm thế giới giảm mạnh như trên, cùng với việc giảm thuế, giá xăng có thể giảm từ 4.500 - 5.000 đồng/lít; trong khi giá dầu có thể giảm từ 4.000 đồng/lít (đã bao gồm trừ thuế tiêu thụ đặc biệt và không thực hiện trích lập quỹ bình ổn).
Với cơ cấu giá xăng dầu hiện nay, tỉ trọng thuế đối với mặt hàng xăng chiếm khoảng 23% đối với xăng E5RON92 và 24% với RON95 và dầu diesel là 12,5%. Theo đó, với mức giá được công bố như trên, hiện các khoản thuế chiếm gần 6.400 đồng/lít với E4RON92, xăng RON95 trên 7.000 đồng/lít và dầu diesel trên 3.000 đồng/lít.
Trong trường hợp thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường kịch khung, áp dụng với xăng (trừ etanol) còn 1.000 đồng/lít, dầu diesel còn 500 đồng/lít, dầu mazut còn 300 đồng/lít, giá xăng dầu sẽ được giảm tương ứng. Khi đó, tỉ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu chỉ còn trên 20% với xăng E5RON92, khoảng 21% so với RON95 và 11% với dầu diesel.
Tuy vậy, trên thực tế việc giảm mạnh giá xăng dầu thành phẩm thế giới cũng áp dụng giảm thuế bảo vệ môi trường từ ngày 11-7 được xem tạo ra dư địa để cơ quan điều hành trích lập vào quỹ bình ổn. Vì vậy, liên bộ Công thương - Tài chính đã quyết định mạnh tay trích lập quỹ bình ổn sau nhiều kỳ dừng trích lập, khiến cho giá xăng dầu không có cơ hội để giảm ở mức dự báo và kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp.
Cụ thể, mức trích lập được xem tương đương với mức giảm thuế bảo vệ môi trường được áp dụng ngày 11-7, bao gồm các loại xăng ở mức 950 đồng/lít và dầu diesel ở mức 550 đồng/lít. Trong khi đó, hai mặt hàng dầu còn lại trích lập ở mức cao hơn, gồm dầu hỏa ở mức 800 đồng/lít, dầu mazut ở mức 950 đồng/kg nên giá xăng ngày 11-7 bị thu hẹp biên độ giảm giá và được điều chỉnh giảm khoảng từ 2.000 - 3.000 đồng/lít các loại.
Theo thông tin của Tuổi Trẻ Online, đến nay số dư Quỹ bình ổn xăng dầu đang ở mức thấp. Tính đến ngày 31-5, số dư quỹ là 580,382 tỉ đồng thì ước đến ngày 30-6, số dư quỹ chỉ còn khoảng 223,505 tỉ đồng.
Cơ quan điều hành cho rằng đây là số dư quá thấp để duy trì quỹ bình ổn, nên ngay khi giá giảm, việc trích lập vào quỹ được thực hiện để tạo nguồn cho quỹ hoạt động sau này khi giá có biến động tăng.
Bộ Công thương cho biết nhờ việc áp dụng linh hoạt quỹ bình ổn đã giúp kìm hãm đà tăng của giá xăng dầu. Dẫn chứng giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới giao dịch trên thị trường Singapore để tính giá cơ sở vào đầu tháng 7 so với đầu năm 2022 biến động tăng từ 34,80 - 84,50%, trong khi giá trong nước chỉ tăng từ 20,54 - 65,44%.
TTO - Liên bộ Công thương - Tài chính vừa công bố điều chỉnh giá xăng dầu được thực hiện từ 0h ngày 11-7, thực hiện đồng bộ với việc áp dụng điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
TTO - Mặc dù lạm phát đã được dự đoán suốt hơn hai năm qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng cuộc chiến Ukraine bất ngờ nổ ra đã khiến tình hình kinh tế đời sống châu Âu xấu đi một cách khó kiểm soát.
Bà Margareta Wolf, 78 tuổi, chia sẻ về cuộc sống hưu trí thời bão giá - Ảnh: PHƯƠNG NGUYÊN
Chỉ chưa đầy 4 tháng qua, nhiều người Đức rơi vào cảnh lao đao khi liên tiếp phải chịu đựng các "cơn bão giá" chưa từng có trong lịch sử suốt 50 năm qua.
Tùy vào chiến sự
Mở màn là cơn "bão" xăng dầu và tiếp đến là "bão" thực phẩm đã khiến hiện nay trung bình cứ 6 người Đức thì có 1 người phải cắt giảm bữa ăn hằng ngày, theo khảo sát của Viện INSA công bố ngày 7-6.
Tuy nhiên điều đáng sợ hơn còn ở phía trước khi "bão" khí đốt có khả năng sẽ tăng cấp trong mùa đông tới. Lúc này cơn bão ấy đang ở cấp độ 2 trên 3, tức "tình hình cung cấp khí đốt bị suy giảm nghiêm trọng" theo cảnh báo của Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Robert Habeck ngày 23-6.
Giá năng lượng đã khiến lạm phát tăng cao khiến mọi thứ đắt đỏ hơn. Theo dữ liệu của Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cho nửa đầu năm 2022 so sánh với năm 2021, mức chênh lệch trả thêm của 3 ba loại hộ gia đình điển hình (gồm cá nhân, cặp đôi và hộ gia đình có hai con) đều tăng mọi mặt, khiến mỗi hộ phải trả thêm một tháng lần lượt là 91 euro, 184 euro và 217 euro.
Trong đó, mức chi thêm nhiều nhất mỗi tháng ở ba khoản là chi phí đi lại (25 euro, 65 euro và 71 euro), thực phẩm (12 euro, 23 euro và 30 euro) và khí đốt (36 euro, 52 euro và 64 euro) với các mức trong ngoặc đơn là lần lượt cho 3 loại hộ gia đình nói trên.
Tuy nhiên mức chênh lệch này có tiếp tục leo thang trong nửa cuối năm nay không thì rất khó đoán vì phụ thuộc rất nhiều vào tình hình chiến sự tại Ukraine.
Giá cả lương thực thực phẩm hoàn toàn phụ thuộc vào chi phí năng lượng, trong khi giá năng lượng tăng do chiến sự ở Ukraine leo thang. Còn với khí đốt, sau cảnh báo cấp độ 2 trên 3 của Chính phủ Liên bang Đức nói trên, nhiều hãng năng lượng như E.on hay RWE nói sẽ xem xét tăng giá bán, và sẽ không thể tránh được mức giá cao hơn trong dài hạn, theo Hãng tin Reuters.
Theo Hãng tin ZDF, sau ngày 21-7, khi đợt bảo trì đường ống dẫn khí Nord Stream 1 kết thúc, nếu số hàng giao sau đó được tăng lên, thị trường khí đốt có thể giảm nhiệt. Nếu số lượng hàng giao vẫn còn 40% hoặc thậm chí giảm thêm nữa, Chính phủ Đức sẽ bắt buộc phải kích hoạt điều khoản thay đổi giá và đồng thời đưa ra các biện pháp cứu trợ tiếp theo.
Đồ họa: N.KH.
Cắt giảm chi tiêu
Tính tới tháng 5-2022 đã có gần 3 triệu người thất nghiệp ở Đức theo dữ liệu chính thức từ thống kê của Cơ quan Việc làm Liên bang.
Thuộc nhóm hộ gia đình trung lưu (chiếm khoảng 64% tại Đức) nhà bà Nadine Krüger, 34 tuổi, có hai vợ chồng và hai đứa con ở Frankfurt. Họ có cuộc sống khá thoải mái với mức thu nhập khoảng 4.500 euro/tháng. Tuy nhiên đó là tình hình cách đây hơn hai năm khi chưa có dịch COVID-19.
Còn kể từ giữa năm 2020 hai vợ chồng bà lần lượt bị cắt giảm giờ làm và chỉ còn hưởng mức lương khoảng 60% so với trước đó.
Bà kể: "Lúc ấy chúng tôi đã vô cùng lo lắng khi vừa mua nhà, nhưng về cơ bản vẫn cầm cự được trong ngắn hạn vì trước mắt chỉ phải trả góp với mức lãi suất khá thấp là 0,95%/năm. Nhưng nay thì tình hình tồi tệ hơn khi chồng tôi bị công ty cho thôi việc hoàn toàn từ 2 tháng trước. Giờ đây với mức thu nhập khoảng trên 1.000 euro, chúng tôi không thể xoay xở nổi".
Cách duy nhất giúp họ giải thoát lúc này là bán nhà trả nợ và tuyên bố phá sản để hưởng trợ cấp từ chính phủ. Tuy nhiên trong lúc bất động sản đang bị đóng băng như hiện nay, việc bán nhà không đơn giản.
Theo một khảo sát vào tháng 6 của Viện INSA với câu hỏi "Bạn có phải cắt giảm bữa ăn hằng ngày do lạm phát cao không?", 16% người Đức nói "có", trong khi 13% đang xem xét. Có tới 41% chọn mua sắm trong các siêu thị rẻ hơn và 42% đang nấu ăn tiết kiệm hơn, như giảm thịt, cá.
Đồng tình với kết quả khảo sát này cùng nhiều người khác trong một hội người Việt tại Đức, chị Nguyễn Thu Thủy từ Hamburg cho biết thêm: "Gia đình mình 2 người lớn và 3 trẻ con, vì lạm phát mỗi tháng phải trả thêm từ 270 - 320 euro cho tiền xăng, tiền đồ ăn và chi phí khác.
Mình chăm đọc báo hơn, chỉ mua những thứ cần, bớt mua linh tinh như trước, chủ yếu mua đồ trong siêu thị Đức và giảm bớt mua đồ ăn nhập khẩu đắt đỏ từ châu Á. Không chỉ người Đức mà cả người Việt, vốn vô cùng lạc quan chịu thương chịu khó cũng cảm thấy rất lo lắng nếu tình trạng này cứ kéo dài 2 - 3 năm tới".
Duy trì, cầm cự
Nếu đại dịch COVID-19 đã khiến ngành nhà hàng thoi thóp thì khủng hoảng năng lượng và lạm phát giá thực phẩm lại giáng thêm một đòn nữa vào ngành này. Trong khi đây lại là ngành kinh doanh của đa số bà con Việt kiều tại Đức.
Chị Trang Nguyễn, 37 tuổi, một Việt kiều sống 25 năm ở thành phố Siegen (thuộc bang NRW, phía Tây Đức), khởi nghiệp thành công với một nhà hàng Việt 10 năm nay cho biết: "60% bà con Việt kiều ở Siegen sống bằng kinh doanh nhà hàng.
Chúng tôi trước đây đều khá hài lòng với công việc kinh doanh, nhưng trải qua hai năm dịch COVID-19 và những tháng đầu năm nay với lạm phát thực phẩm bình quân trên 11% thực sự khiến nhiều người chúng tôi rất nản.
Dù đã cố gắng cầm cự không tăng để giữ chân khách nhưng tới tháng 4 năm nay chúng tôi buộc phải tăng giá thực đơn của mình từ 10 - 20% tùy món".
TTO - Ngày 23-6, Đức kích hoạt "giai đoạn báo động", giai đoạn hai trong kế hoạch khẩn cấp về khí đốt gồm ba giai đoạn, để đối phó với tình trạng sụt giảm nguồn cung từ Nga trong thời gian gần đây.
TTO - Theo tính toán của các doanh nghiệp, giá xăng dầu kỳ điều hành tới ngày 11-7 có khả năng giảm rất mạnh, trên 5.000 đồng/lít, nếu cơ quan điều hành không tăng trích quỹ bình ổn giá.
Nhiều người dân mong chờ được giảm tiền chi cho xăng dầu trong kỳ điều hành tới - Ảnh: Q.ĐỊNH
Ngày 9-7, trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu cho hay liên tiếp những ngày qua thị trường xăng dầu thành phẩm tại Singapore có nhiều phiên rớt giá liên tiếp.
Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 8-7, giá xăng A95-III đã giảm xuống còn 125 USD/thùng, xăng E5 RON92 còn 120 USD/thùng. Nếu tính từ ngày 1 đến 8-7, giá xăng A95 đã lao dốc mạnh khi giảm trên 20 USD/thùng.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, giá xăng thành phẩm bình quân kể từ ngày 1-7 đến nay ở thị trường Singapore đang cao hơn giá bán lẻ trong nước khoảng 4.200 đồng/lít, còn dầu DO cao hơn khoảng 3.900 đồng/lít.
Theo vị này, do ngày 9 và 10-7 là ngày nghỉ, thị trường Singapore không giao dịch, nên mức giảm này đã "chốt" mức chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ trong nước. Do đó, giá xăng dầu trong nước trong kỳ điều hành vào ngày 11-7 buộc phải giảm theo giá xăng dầu thành phẩm.
Nguồn: Bộ Công thương/doanh nghiệp đầu mối - Dữ liệu: NGỌC HIỂN - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng và 500 - 700 đồng với dầu, áp dụng ngay ở kỳ điều hành ngày 11-7, nên mức giảm thuế lẫn giảm giá của thị trường sẽ giúp giá xăng trong nước giảm sâu.
Theo vị lãnh đạo này, nếu không trích quỹ bình ổn thì giá xăng trong nước có thể giảm đến khoảng 5.200 đồng/lít trong khi dầu có thể giảm khoảng 4.500 đồng/lít.
Tuy nhiên, kịch bản này khó xảy ra khi thời gian qua liên bộ Tài chính - Công thương đã chi quỹ bình ổn để kìm mức tăng giá xăng dầu dẫn đến quỹ bình ổn của các doanh nghiệp đang âm, như PVOIL âm trên 1.099 tỉ đồng, Petrolimex âm trên 148 tỉ đồng... Do đó, nhiều khả năng kỳ điều hành này liên bộ sẽ trích quỹ bình ổn ở mức cao để bù vào quỹ bình ổn của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, liên bộ Tài chính - Công thương đã có văn bản gửi các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu yêu cầu bố trí nhân sự để điều chỉnh giá bởi công tác chuẩn bị giá vào đêm 10-7.
Theo văn bản này, liên bộ Tài chính - Công thương cho biết thực hiện nghị quyết 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn có hiệu lực từ ngày 11-7 đến 31-12, liên bộ dự kiến việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường kỳ điều hành ngày 11-7 được thực hiện từ 0h ngày 11-7.
Như vậy, thay vì điều hành giá vào lúc 15h như thường lệ, giá xăng dầu sẽ giảm ngay vào 0h ngày 11-7 để áp dụng đồng thời với mức giảm thuế bảo vệ môi trường.
Hiện nay các doanh nghiệp cũng đang tăng "xả hàng", tăng chiết khấu cho các đại lý, nhiều doanh nghiệp đưa ra mức chiết khấu trên 1.000 đồng/lít.
TTCT - Dân Mỹ nói riêng và dân tình cả thế giới nói chung đều hoang mang trước cơn bão giá đang ập đến. Dù chỉ số giá cả chính thức ở Mỹ tăng 7,9% vào tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái, giá cả thực tế tăng cao hơn thế nhiều lần: giá xăng đã tăng chừng 40%, giá món nào trong siêu thị cũng tăng vài ba chục phần trăm.
Trong bối cảnh đó, Cục Dự trữ liên bang (FED) nước này chỉ nâng lãi suất điều hành thêm 0,25 điểm phần trăm vào tuần trước, làm sao thuyết phục thị trường họ đang sử dụng vũ khí hạng nặng để chống lạm phát?
Lạm phát 14,8%, lãi suất phải trên 20%
Nếu đơn giản hóa mọi yếu tố khác chỉ còn tiền với hàng, sẽ dễ thấy nếu tiền nhiều lên mà hàng giữ nguyên, ắt hẳn giá sẽ tăng. Giá còn tăng mạnh hơn nữa nếu cùng lúc đó hàng giảm xuống.
Trong hai năm đại dịch COVID-19, chính phủ các nước liên tục bơm tiền ra cho cả doanh nghiệp lẫn người dân, một lượng tiền khổng lồ so với thời bình thường. Cùng lúc, đại dịch làm chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa tắc nghẽn, đứt đoạn nhiều hơn, hàng gì cũng thiếu.
Lại nữa, chiến tranh bùng nổ làm giá dầu tăng cao ở mức kỷ lục. Các yếu tố này cộng hưởng, các nước không bị lạm phát mới là chuyện lạ.
Tăng lãi suất làm việc mua nhà, mua xe, mua hàng qua thẻ tín dụng trả dần sẽ đắt đỏ hơn, tức làm giảm tiêu thụ hàng hóa với hy vọng hàng hóa sẽ dần dồi dào trở lại. Tăng lãi suất cũng làm chi phí sử dụng đồng tiền cao hơn, nên cung tiền trong nền kinh tế sẽ giảm xuống.
Đó là nguyên lý đằng sau việc tăng lãi suất nhằm chống lạm phát, nhưng mức tăng phải cao đủ để dập bão giá.
Tuy nhiên, sự đời đâu phải lúc nào cũng đơn giản muốn tăng bao nhiêu thì tăng; tăng lãi suất như một thùng nước lạnh, dù chữa bệnh lạm phát nóng nhưng có khả năng làm nền kinh tế nguội ngắt theo sau, tức là suy thoái.
Chính vì thế nhiều nhà kinh tế đang phê phán FED chống lạm phát không đến nơi đến chốn vì sợ đẩy nền kinh tế Mỹ vào chỗ suy sụp và muốn nương nhẹ do áp lực chính trị. Họ lấy bài học chống lạm phát của thời Paul Volcker làm thống đốc FED để buộc FED thời này noi theo.
Thập niên 1970, Chính phủ Mỹ in tiền ồ ạt để chi cho cuộc chiến ở Việt Nam; giá cả cứ tăng dần, nhất là sau hai cuộc khủng hoảng dầu thô trên thế giới làm giá dầu tăng vọt.
Dân Mỹ thấy giá tăng nên đòi lương tăng theo để bù đắp, doanh nghiệp phải tăng giá bán để khỏi lỗ - cứ thế vòng xoáy lạm phát ngày càng ăn sâu vào nền kinh tế Mỹ.
Lạm phát năm 1980 lên đến 14,8%/năm trong khi chỉ là 1% vào năm 1965. Rổ thức ăn mua với giá 100 đôla vào năm 1970 thì đến năm 1978 phải bỏ ra 170 đôla mới mua được.
Mặc dù dân Mỹ phẫn nộ với giá cả leo thang, giới chính trị gia không dám có biện pháp mạnh vì họ sợ tăng lãi suất sẽ đẩy nền kinh tế vào chỗ suy thoái.
Hai đời tổng thống Nixon và Carter còn tính chuyện kiểm soát giá và lương bằng mệnh lệnh hành chính nhưng thất bại vì càng làm hàng hóa khan hiếm.
Mãi đến năm 1979, khi Paul Volcker được cử làm thống đốc FED; chủ trương của ông này là đẩy lãi suất lên cao, cao hơn mức lạm phát để đạt được “lãi suất thực dương”. Vì thế ngay trong một năm sau khi nhậm chức, ông đã nâng lãi suất lên mức 17,6% và đến tháng 7-1981, lãi suất cao ở mức kỷ lục: 22,36%!
Cứ thử tưởng tượng đồng đôla Mỹ mà có lãi suất trên 20% thì mọi việc sẽ kỳ lạ đến đâu. Giả dụ một người mua căn nhà trị giá 100.000 đôla, trả góp trong vòng 30 năm.
Nếu lãi suất gần như bằng không thì người đó mỗi tháng chỉ phải trả chừng 300 đôla, nhưng nếu lãi suất là 20% thì số tiền phải trả hằng tháng tăng vọt lên 1.700 đôla. Mua xe hay mua bất kỳ thứ gì trả góp cũng vậy.
Thế nên ngay tức khắc nền kinh tế rơi vào suy thoái, mọi hoạt động kinh tế đình trệ, nạn thất nghiệp tràn lan, tỉ lệ thất nghiệp lên gần 11% vào năm 1982. Người dân càng phẫn nộ hơn trước.
Lúc đó cũng có nhiều nhà kinh tế cho rằng nâng lãi suất để chống lạm phát còn tệ hại hơn cứ để lạm phát mà nền kinh tế còn hoạt động, người dân có việc làm.
Suy nghĩ này cho đến nay vẫn được một số nơi chia sẻ, như Tổng thống Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, cứ đòi giảm lãi suất trong tình hình lạm phát cao vì cho rằng cần giảm lãi suất để thúc đẩy phát triển kinh tế, rằng chi phí sử dụng đồng vốn cao chính là nguyên nhân gây ra lạm phát.
Trong hồi ký của mình, Volcker kể tấm thảm trong phòng làm việc của ông mòn vẹt vì ông cứ đi tới đi lui trong nỗi thống khổ vì biết rất rõ cái giá phải trả khi nâng lãi suất.
Nhưng ông không lung lay ý định dùng vũ khí lãi suất bất kể thiệt hại gián tiếp. Liều thuốc đắng của Volcker dẫn tới hai đợt suy thoái trước khi giá cả bắt đầu ổn định trở lại.
Cuối cùng lạm phát đã được khống chế, từ mức 14,6% năm 1980 xuống còn 1% vào năm 1986. Sau đó nền kinh tế Mỹ khởi sắc, kéo dài hơn hai thập niên mãi cho đến cú khủng hoảng tài chính năm 2008.
Dè dặt vì sợ “đình lạm”
Chủ tịch FED hiện nay, Jay Powell, là người ngưỡng mộ Volcker, đi đâu cũng thấy mang theo sách của Paul Volcker. Thậm chí ông còn nói muốn mua 500 cuốn phát cho nhân viên FED, thế nhưng dường như Powell chưa học được sự quyết tâm và dứt khoát của người tiền nhiệm.
Trong lần nâng lãi suất tuần trước, mức nâng 0,25 điểm phần trăm hầu như không tác dụng gì nhiều ngoại trừ tuyên bố của FED rằng sẽ tăng liên tiếp như thế thêm 6 lần nữa trong năm nay.
Mục đích của FED là làm sao để đến cuối năm lãi suất sẽ ở vào mức gần 2%, tức cao hơn một chút so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Dự báo FED sẽ tiếp tục nâng lãi suất đến gần 3% vào cuối năm sau - là mức cao nhất tính từ năm 2008.
Lãi suất mà FED đề cập là lãi suất cho vay qua đêm giữa các ngân hàng, sử dụng nguồn tiền gởi tại ngân hàng trung ương để đảm bảo mức dự trữ bắt buộc.
Dựa vào “lãi suất cơ bản” này sau đó thị trường sẽ quyết định các mức lãi suất thương mại dùng trong vay tiền mua nhà, mua xe, vay nợ doanh nghiệp, thường là cao hơn nhiều và mức tăng cũng rộng hơn nhiều.
Chẳng hạn, lãi vay mua nhà trả góp thời hạn 30 năm tuần trước đã tăng lên mức 4,25%, cao hơn mức cuối năm ngoái đến 1 điểm phần trăm. Tuần sau dự báo mức lãi này còn tăng nữa.
Có lẽ bài học phải nâng lãi suất lên thật nhanh thật mạnh, cao hơn lạm phát để có lãi suất thực dương thời Volcker đã không được áp dụng thời Powell là bởi Chính phủ Mỹ sợ nhất tình trạng “đình lạm”, tức vừa lạm phát cao kinh tế lại đình đốn, suy thoái.
Hiện nay tình hình rất giống một sự lặp lại của thập niên 1970, giá dầu tăng vọt làm dân Mỹ đang bất mãn, nhất là khi túi tiền của họ thêm teo tóp lúc đem mua hàng hóa.
Điểm sáng duy nhất là thị trường lao động đang thu hút nhân lực, người đi làm có khả năng thương lượng mức lương cao hơn. Lãi suất nâng quá cao, quá nhanh sẽ triệt tiêu mức tăng trưởng này, dẫn đến suy thoái lan rộng.
Phát biểu của Powell cho rằng tiền lương đang tăng quá nhanh không tốt cho nền kinh tế đang bị lên án. Cứ thử tưởng tượng lãi suất tăng đến mức doanh nghiệp không có tiền tăng lương, không đủ sức tuyển dụng thêm trong khi giá nhà, kể cả tiền thuê nhà tăng mạnh, thì sự phẫn nộ của dân Mỹ sẽ lên cao như thế nào.
Bài toán của FED là tìm một điểm lãi suất trung dung, không làm kinh tế suy thoái mà cũng không kích thích tăng trưởng nóng, tạo thêm lạm phát.
Đi tìm điểm này không phải là chuyện dễ - vì ngay cả tăng lãi suất lên đến 20% như thời Volcker, cũng phải mất năm sáu năm mới kìm được con ngựa lạm phát bất kham, chứ không phải một sớm một chiều.
Hơn nữa hiện nay lạm phát còn do bóp nghẹt nguồn cung, hàng hóa thiếu thốn, giá cả tăng khắp thế giới chứ không riêng gì nước Mỹ. Vì thế cũng có nhiều nhà kinh tế cho rằng riêng chính sách tiền tệ không đủ kéo giá xuống một khi bóng ma chiến tranh, dịch bệnh vẫn còn đó.
TTCT - Khắp nơi mọi người đều nói đến nguy cơ lạm phát, từ những yếu tố vĩ mô của giá dầu mỏ thế giới đến tác động tiêu cực toàn cục bởi cuộc chiến Nga - Ukraine. Với những bà nội trợ, những người hằng ngày tham gia vào cái rổ CPI của tổng cầu xã hội kia, những người không biết và không cần hiểu đến lý thuyết kinh tế vĩ mô, câu chuyện lạm phát có thể cập nhật rõ ràng vào sự thay đổi giá cả của một sản phẩm, hầu như không thể thiếu trong ngăn mát của tủ lạnh mọi gia đình: quả trứng gà.
Giá một chục - 10 quả trứng gà loại thường - trên kệ siêu thị thời điểm này là vào khoảng 24.000 - 30.000 đồng, tức giá một quả là 2.400 đến 3.000 đồng.
Vào cuối năm 2019, khi từ “corona” chưa phải là từ khóa xuất hiện nhiều trên mọi mặt báo, bảng giá này là khoảng 1.500 đồng.
Trong chưa tới 3 năm, giá trứng gà đã tăng gần gấp đôi! Chuyện gì xảy ra xung quanh con số tăng giá 200% này? Và nó liên quan gì đến khái niệm đang hàng giờ đe dọa hầu bao của các bà nội trợ: lạm phát.
Giá thành một quả trứng gà phụ thuộc vào… con gà. Trong chi phí để một quả trứng được đặt lên kệ bán hàng, con gà chiếm đến gần 70%, đấy là chi phí thức ăn và thuốc thang cho gà đẻ đúng, đẻ sai. Bột bắp, đậu nành là thành phần chính trong thức ăn cho gà.
Cả ngô lẫn đậu nành, chúng ta đều phải nhập khẩu từ châu Mỹ do đây là sản phẩm Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh, bất chấp việc chúng ta thấy ngô luộc, sữa đậu nành và tương chao là những sản phẩm được bày bán rất nhiều ở lề đường.
Sản lượng đậu nành của Việt Nam chỉ đáp ứng chưa đến 10% nhu cầu trong nước, do đấy chỉ cần Mỹ và Mexico, những nhà cung cấp chính, hắt hơi sổ mũi - là giá trứng gà ở siêu thị lại rục rịch tăng.
Giá ngô nhập khẩu năm 2019 là khoảng 6.000 đồng/kg và bây giờ là vào khoảng 9.000 đồng, tăng 50%. Sự tăng giá này, bản thân nền kinh tế Việt Nam không có khả năng can thiệp, nên giá trứng ở siêu thị vì thế phải thay đổi tăng vài mươi phần trăm, bất chấp sự ca thán của các bà nội trợ.
Bởi thế nói rằng trứng gà là một sản phẩm mang tính toàn cầu không sai chút nào.
Giá của quả trứng gà, đến kệ, còn phụ thuộc vào cách nó được vận chuyển từ nơi nó được sinh ra đến nơi nó được bày bán.
Trứng gà được đựng trong các hộp nhựa trong, hộp giấy tái chế theo từng lố 4-6-10-12… quả. Chi phí đóng gói cộng với chi phí vận chuyển là những thứ liên quan đến… dầu mỏ, khí đốt và giá xăng dầu thế giới.
Một lần nữa, nhà sản xuất trứng không có khả năng can thiệp đưa mức giá này về mức năm ngoái, năm kia.
Trong thời gian dịch bệnh năm ngoái, chi phí sản xuất thùng hộp carton trên thế giới tăng vì một nguyên nhân không có trong giáo trình quản trị sản xuất: Vì dịch bệnh nên rác giấy thải ra ít, nguồn nguyên liệu tái chế vì thế sút giảm nghiêm trọng. Trứng gà, vì vậy lại phải tăng giá.
Giá trứng gà tăng còn có nguyên nhân từ con người. Việc hạn chế ra đường và ở nhà sau dịch làm cho cơn cuồng “hand made” của các bà nội trợ trở thành thói quen, điều khiến số lượng quả trứng đập vào chảo nhiều hơn, dù nhu cầu ăn nó vào cơ thể không hề tăng lên.
Cầu của sản phẩm trong trường hợp này tăng lên bởi một mục đích khác, không liên quan lắm đến quả trứng với tư cách là một thực phẩm giàu dinh dưỡng.
Mục tiêu lạm phát của Việt Nam năm 2022 là 4%, mục tiêu này có nguy cơ phá sản ngay trong 6 tháng đầu năm vì những bất định toàn cầu ngoài dự tính.
Hai yếu tố quan trọng nhất của rổ CPI là giá nhiên liệu và giá lương thực thực phẩm bị ảnh hưởng hầu như trực tiếp khi bất ổn toàn cầu bùng nổ từ cuối tháng 2.
Trong khi những người hiểu biết đang bận tâm đến tính chính danh và hợp pháp của cuộc chiến lẫn những thay đổi đến trật tự thế giới thì giá quả trứng gà đã tăng khoảng 20% khi năm 2022 đi chưa được 1/4 chặng đường.
Không cần đến một khóa học về kinh tế vĩ mô hay chính sách tài khóa tiền tệ cơ bản, người nội trợ bằng cách kiểm tra hóa đơn đi chợ hằng ngày cũng có thể cảm nhận được rằng đồng tiền trong tay mình đang mất đi điểm phần trăm ở mức hai con số, trong khi thu nhập của gia đình hằng tháng chưa có nhiều hi vọng tăng, dù chỉ là 5%.
Mà để cuộc sống duy trì bình thường, chúng ta không chỉ cần có trứng.
Chúng ta có thể ăn ít trứng hơn, thay bằng rau và đi làm bằng xe buýt hay xe đạp không?
Giảm tiêu dùng là lời kêu gọi của những cộng đồng sống tích cực, truyền cảm hứng nhưng chưa bao giờ là cách mà xã hội mong muốn để giải quyết tình hình lạm phát, vì điều đấy dẫn đến giảm tốc độ tăng trưởng, thứ mà không một nhà hoạch định chính sách nào dám đánh đổi.
Một nan đề giữa kinh tế tiêu dùng và triết lý sống có trách nhiệm mà một thái độ trung dung lại không đem lại giải pháp. Khi giá trứng so với năm ngoái đang tăng 20% - một chỉ dấu rõ ràng cho thấy lạm phát đã ngấp nghé lằn ranh nguy hiểm, bạn sẽ phải làm việc nhiều hơn hay sống chậm hơn?
Câu trả lời mà toàn xã hội cần chọn, ít ra là trong hoàn cảnh Việt Nam, phải là vế thứ nhất!
Hiểu đơn giản hơn là ăn nhiều hơn trong đó có trứng để đủ sức làm việc nhiều hơn, để khi số lượng bán ra nhiều hơn thì giá trứng sẽ tăng chậm hơn, kéo theo là những gì liên quan đến việc quả trứng được đưa lên kệ, do đấy có thêm cơ hội tăng trưởng.
Lý thuyết gọi là lạm phát tích cực, gây ra do cầu kéo. Còn với các bà nội trợ, đơn giản hơn: ăn nhiều vào để có sức mà làm nha!