Hành trình thuốc cho covid

Tuổi Trẻ Cuối Tuần

Sau 6 tháng, những thành tựu đầu tiên về thuốc chữa Covid...

COVID-19: Bể khổ chưa thấy bờ

DANH ĐỨC 22/06/2020 16:06 GMT+7

TTCT - Thế giới đang ráng “mở cửa” sau cách ly, phong tỏa. Có nước muốn tuyên bố “thoát nạn!” song chưa dám, có nước thì quyết tâm “mở” bất chấp thực tế, thậm chí có nước cố “mở” cho bằng được, kệ mọi tổn thất. Trong cơn đại dịch sinh tử, xã hội nào hiện có thể bắt đầu một cuộc sống “bình thường mới” quả thật là phước lớn.

Tối chủ nhật 14-6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên truyền hình phát biểu với người dân, loan báo “từ ngày 15-6, một giai đoạn mới bắt đầu cho sự trở lại cuộc sống bình thường”.

Điều “bình thường mới” đầu tiên mà ông nêu là một điều hết sức nhỏ bé, nhưng to lớn với người Pháp (và nhiều dân tộc khác): mở lại tất cả các quán cà phê và nhà hàng trong khu vực Île-de-France, khu vực Paris và 7 tỉnh xung quanh, diện tích 12.000km2, dân số khoảng 12 triệu người.

Các quán cafe đang dần được mở cửa trở lại ở Pháp (Ảnh: AFP)

“Mộng bình thường” không đơn giản

Thực tế dịch COVID-19 hiện vẫn chưa cho phép Pháp mở cửa cả nước. Theo ngành y tế công cộng nước này, hôm 15-6, ngày đầu tiên mở cửa lại, đã đếm được 29 trường hợp tử vong vì COVID-19 trong các bệnh viện, và 152 ca nhiễm mới.

Nếu so sánh với tình hình ở Hàn Quốc, nước hiện đang tiếp tục báo động dịch tễ giai đoạn 2, số ca nhiễm mới ở Pháp vẫn nhiều hơn gấp 4 lần (152 so với 37). Nếu tính tổng số ca nhiễm từ đầu đại dịch, Pháp nhiều hơn gần 13 lần - hơn 157.000 ca so với hơn 12.000 ca.

Càng “toát mồ hôi” khi so sánh số tử vong: trong khi ở Hàn Quốc có 277 ca tử vong (tỉ lệ tử vong 2,29%) thì tại Pháp, tổng số người chết đã là 29.436 người, gấp 106 lần. Việt Nam đương nhiên lại càng là một ngoại lệ đặc biệt.

Dù Hàn Quốc “đỡ khổ” hơn với đại dịch và cũng được coi là một nước chống dịch thành công, hiện giờ cả chính quyền lẫn người dân vẫn phải hết sức thận trọng, không dám lơ là dù chỉ một chút.

Tương tự, tình hình ở Trung Quốc, nơi được coi là khởi phát dịch bệnh, vẫn chưa thể khiến người dân lẫn chính quyền yên tâm. Ngày 15-6, 11 khu vực ở thủ đô Bắc Kinh đã phải phong tỏa một phần, trong khi Tân Hoa xã cho biết đã có thêm 27 ca nhiễm mới trong cộng đồng và ba ca nhiễm không triệu chứng.

Vấn đề ở hầu hết các nước hiện là chưa phá vỡ được chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng.

Đây chính là khác biệt quyết định so với tình hình Việt Nam. Cũng hôm 15-6, Việt Nam đã tròn 2 tháng không có ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng (theo trang web của Bộ Y tế theo dõi dịch ncov.moh.gov.vn). Việt Nam cũng đã rất thận trọng: Mãi đến ngày 9-6, Thủ tướng mới cho phép mở lại vũ trường và karaoke, những nơi tập trung đông người cuối cùng được phép hoạt động trở lại. Từ đó, cần nhận ra rằng những điều nay hết sức là bình thường, “được phép” ở Việt Nam vẫn chưa “được phép”, vẫn còn là khác thường ở rất nhiều nước khác.

Trở lại với quyết định mở cửa đầu tiên của tổng thống Pháp từ ngày 15-6, có thể thấy thiệt ra Chính phủ Pháp đã bắt đầu cân nhắc điều này từ hạ tuần tháng 4 khi nhà hàng và quán cà phê đã là một trong những thói quen tạo thành tính cách Pháp.

Nếu như có những xã hội thích “ăn nhanh”, thì ngược lại cũng có vài xã hội thích ăn uống dông dài với những bữa ăn vài ba tiếng là chuyện thường. Quán xá vốn là một thói quen rộng rãi của người Pháp trước đại dịch, nhất là tại những thành phố nhỏ không có chỗ tiêu khiển công cộng. Từ đó, mở lại quán xá là nguyện vọng của cả người dân lẫn giới chủ kinh doanh. Ngành này cũng tối quan trọng với nền kinh tế Pháp, với 240.000 tiệm cà phê và tiệm ăn lớn nhỏ trên toàn quốc, theo thống kê của tờ 20 Minutes.

Tờ báo khổ nhỏ phát miễn phí này cũng cho biết thêm rằng giới chủ ngành nhà hàng mong mỏi cho mở cửa lại, cho chỉ một phần, trước ngày 1-7 để “cứu” mùa du lịch. Họ đề nghị với Bộ trưởng Kinh tế tài chính Bruno Le Maire một kế hoạch “chia ba”, theo đó ít nhất cũng là để cứu 40% số nhà hàng đã phải “quỳ một gối” trước đại dịch và e rằng không chịu đựng nổi thêm hai hay ba tháng đóng cửa nữa. Gói “chia ba” nghĩa là nhà nước hỗ trợ 1/3 số doanh thu bị mất, bảo hiểm gánh 1/3, chủ nhân chịu 1/3.

Một quyết định mở cửa quan trọng nữa mà Tổng thống Macron loan báo tối 14-6 là cho phép đi lại trở lại trong khối EU từ 15-6, và đến các nước bên ngoài khối Schengen đã khống chế được dịch từ 1-7. Nước Pháp xem ra đã hết sức đắn đo, và còn lâu mới là thực sự bình thường.

Dù đã mở cửa một phần, Paris vẫn còn thưa thớt người ra đường. Ảnh: ft.com
Dù đã mở cửa một phần, Paris vẫn còn thưa thớt người ra đường. Ảnh: ft.com

khẩu trangThận trọng là điều kiện tiên quyết

Tối 14-6, Tổng thống Pháp Macron tuyên bố: “Ngay từ ngày mai, việc đi lại giữa các nước châu Âu sẽ lại được phép. Và từ ngày 1-7, chúng ta sẽ lại được tới các nước bên ngoài châu Âu nào mà dịch được chế ngự”.

Trước đó một ngày, Phó thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam tuyên bố: “Chúng ta như trong cánh đồng trũng, nước ở ngoài sông lại cao hơn rất nhiều và vẫn tiếp tục mưa nên buộc phải giữ thật chặt. Nhưng chúng ta cũng không thể đóng cửa cực đoan mà phải thực hiện “mục tiêu kép”, song cần đảm bảo an toàn trước hết”.

Có thể thấy, ở đâu cũng đang có sự thôi thúc mở cửa lại. Song, mỗi nước lại có những khả năng tinh thần và vật chất khác nhau cũng như điểm xuất phát khác nhau. Nếu như ở hai nước Pháp và Ý, điểm xuất phát gần như là ô khởi đầu, lại cộng thêm những tập quán xã hội, thói quen cá nhân (không thích bị ràng buộc, dù chuyện đeo khẩu trang nay mới được xem là cần thiết) đặc thù, thì ở Việt Nam, bản năng sinh tồn chung của xã hội, cá nhân đã là bàn đạp cho ngành y tế.

Ngành này, từ tháng 12-2019, tham vấn các tổ chức quốc tế, lên kế hoạch để chống dịch căn cơ, bài bản, đúng nguyên lý đã được đúc kết từ kinh nghiệm bằng xương máu thật sự của các đợt chống dịch trước đây.

Bản năng ấy đã góp phần thúc đẩy Chính phủ đưa ra các giải pháp sớm hơn một bước và cao hơn một bước so với khuyến nghị của các tổ chức quốc tế. Ví dụ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố bệnh là lây nhiễm hạn chế, thì chính quyền đã nâng lên mức lây nhiễm.

Từ đó, Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng khai báo y tế bắt buộc với tất cả người nhập cảnh từ vùng dịch. Việc truy tìm các cấp độ tiếp xúc với người nhiễm và nghi nhiễm bệnh cũng là điều nhiều nước khác không làm được, hoặc không được làm.

Tất cả những điều đó đã dẫn tới khác biệt tối thượng: đất nước đã vượt qua mùa dịch tương đối an toàn, các thầy thuốc và cả xã hội không bị đẩy vào bi kịch là ưu tiên chữa cho ai và phải để ai chết. Bây giờ thì sự bình an ít ra là cũng đã trở lại.

Đó chính là điều khác biệt giữa Việt Nam với các nước. Ở Việt Nam nay ra đường không còn mấy lo sợ “lỡ lây bệnh thì sao?”, bởi hai tháng qua không còn lây nhiễm trong cộng đồng nữa. Trong khi đó, như ở Pháp, có ra quán xá cũng thấp thỏm “vẫn còn người chết vì COVID”, “vẫn có người mới nhiễm”. Và trên tất cả, không ai phải ghi trong bộ nhớ của mình một ám ảnh mất mát vì COVID với những người thân yêu.■

Nhiều chính phủ nay đang bị điều tra vì “phản thành tích” trong chống dịch. Như Chính phủ Ý và Pháp, hai nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh ở châu Âu. Giới lãnh đạo và các cơ quan y tế hai nước này đã bắt đầu bị công tố viện “soi” vì những xử lý không thỏa đáng với cuộc khủng hoảng. Các thủ tướng, bộ trưởng và các quan chức y tế công cộng cấp cao đều bị công tố viện điều tra.

Được biết, thủ tướng, bộ trưởng y tế và nội vụ của Ý đã bị thẩm vấn nhiều giờ ở Rome hôm 12-6 khi các công tố viên mở điều tra về khả năng quản lý sai sót của chính phủ với cuộc khủng hoảng COVID-19. Các nhà điều tra muốn biết lý do tại sao các thị trấn Alzano Lombardo và Nembro ở khu vực công nghiệp phía bắc Bologna đã không bị cô lập và tuyên bố là “vùng đỏ” ngay khi các trường hợp đầu tiên được xác định vào hôm 23-2, mà mãi đến ngày 3-3 các quan chức y tế mới đề nghị cách ly hai thị trấn này, và đến ngày 8-3 toàn tỉnh Lombardy mới bị “đóng cửa”. Cho đến nay, không ai bị buộc tội, song giờ đây ngay cả thủ tướng cũng đang bị điều tra.

Tại Pháp, theo thông tấn xã AA ngày 9-6, tòa đại hình Paris đã bắt đầu điều tra tư pháp trên toàn quốc, chiếu theo 80 đơn kiện chính phủ của Thủ tướng Edouard Philippe cùng một số thành viên nội các khác vì “cách quản lý cuộc khủng hoảng COVID-19”. Các cáo buộc xoay quanh các tội danh “ngộ sát” và “gây nguy hiểm cho tính mạng người khác”, theo công tố trưởng tòa Paris Rémy Heitz. Dù vô tình hay do tắc trách, phải có ai đó chịu trách nhiệm cho cái chết của 29.436 người dân Pháp và 34.371 người dân Ý.

Đừng vội tin mọi nghiên cứu

NGUYỄN VŨ 14/05/2020 20:05 GMT+7

TTCT - Người theo dõi thông tin khoa học về dịch bệnh COVID-19 ắt hoang mang không ngớt vì các kết quả nghiên cứu cứ chỏi nhau dù công bố chỉ cách nhau vài ngày.

Ảnh: Vox.com
Ảnh: Vox.com

Trước đây, nhiều nhà dịch tễ học khẳng định ai nghiện thuốc lá sẽ có nguy cơ bị bệnh COVID-19 nặng hơn nhiều lần. Lý do họ đưa ra là phổi người hút thuốc tích lũy nhiều thụ thể mà con virus corona lợi dụng bám vào để xâm nhập. 

Ví dụ, một nghiên cứu đăng trên tờ New England Journal of Medicine khảo sát 1.000 bệnh nhân ở Trung Quốc cho thấy người nghiện thuốc lá nhiễm bệnh thì cần can thiệp y tế nhiều hơn người nhiễm không nghiện. Họ còn có con số cụ thể: trong số những người bệnh phải vào phòng chăm sóc đặc biệt, 12,3% người có hút thuốc tử vong so với 4,7% người không hút tử vong.

“Đá” nhau loạn xạ

Nay lại có nghiên cứu cho rằng hút thuốc lá có thể… giảm nguy cơ mắc bệnh COVID-19! Nghiên cứu này cho rằng chất nicotine trong thuốc lá có thể ngăn ngừa nCoV xâm nhập tế bào nên giảm thiểu nguy cơ lây lan.

Tờ The Guardian trích dẫn nghiên cứu này, được thực hiện ở một bệnh viện của Pháp, cho biết trong 350 bệnh nhân COVID-19 nặng phải nhập viện, chỉ có 4,4% là người hút thuốc lá thường xuyên, tức tỉ lệ người hút thuốc lá nhiễm bệnh thấp hơn nhiều so với người không hút.

Người thận trọng có thể chỉ ra sự khác biệt, nghiên cứu ở dưới nói chất nicotine, còn nghiên cứu ở trên nói về tình trạng phổi của người hút thuốc, nên có thể hai kết luận này không chỏi nhau. Nhưng với người bình thường đọc hai tin này mà không hoang mang mới là chuyện lạ.

Loại nghiên cứu chỏi nhau như thế rất nhiều. Trước, các nhà khoa học nói ai uống thuốc huyết áp dễ bị lây nhiễm COVID-19 hơn; sau, các nhà khoa học khác lại khẳng định không hề có chuyện thuốc huyết áp làm tăng rủi ro lây nhiễm.

Một nghiên cứu ở Đức nói trẻ em bị COVID-19 cũng lây nhiễm cho người khác y như người lớn. Một nghiên cứu ở Thụy Điển lại nói trẻ dưới 10 tuổi ít bị mắc bệnh, nếu có mắc thì cũng không lây nhiễm cho người khác nên cứ cho ông bà ôm cháu. Vậy là ông bà ở hai nước sẽ có hai cách chơi với cháu rất khác nhau.

Sau khi có một số ý kiến cho rằng virus corona sẽ bớt hoành hành vào mùa hè vì thời tiết nóng sẽ trói tay nó, nhiều nghiên cứu lại nói “chưa có bằng chứng gì” cho thấy virus giảm hoạt động khi trời nắng nóng. Thậm chí có hẳn nghiên cứu nói ở nhiệt độ 37oC, virus corona sống khỏe trong vòng ít nhất là 2 giờ, ở 67oC thì phải 1 giờ sau mới “bất hoạt”! Thế mà nghiên cứu mới nhất của Mỹ lại nói ở nhiệt độ 21-24oC thì virus chỉ tồn tại được trong vòng 2 phút.

Chính nghiên cứu này mới khiến Tổng thống Donald Trump hỏi chuyên gia vì sao không nghĩ đến chuyện “chiếu sáng” hay “đưa chất tẩy rửa” vào trong cơ thể bệnh nhân, một gợi ý dẫn tới tranh cãi ầm ĩ trên báo chí Mỹ.

Đương nhiên làm nghiên cứu khoa học thì phải luôn đón nhận cái mới, dù cái mới chỏi cái cũ; chứ nếu một nghiên cứu ra đời mà ai cũng tin ngay vào nó, không ai tìm hiểu thêm thì còn gì là khoa học.

Chính vì thế mà các nhà nghiên cứu Pháp đã thử dán miếng dán nicotine cho bệnh nhân COVID-19 và các nhân viên y tế để xem chất nicotine có trong thuốc lá có giúp tạo rào chắn chống lại virus corona không. Các nghiên cứu khi đưa ra một kết luận mới thường rất thận trọng rào trước đón sau kỹ lưỡng.

Cái làm nên sự hoang mang bối rối chủ yếu là do người bình thường hay báo chí khai thác những nghiên cứu này. Văn phong báo chí khác với lối viết chặt chẽ của nghiên cứu khoa học, báo chí cố gắng tìm chi tiết đập vào mắt người đọc, gây tò mò và chú ý để tô đậm ngay từ đầu bản tin. Thế mới sinh chuyện.

Chẳng hạn, ngay sau khi báo chí đưa tin về nghiên cứu của Thụy Điển nói trẻ em dưới 10 tuổi không lây bệnh cho người khác, nhóm tác giả hoảng hồn lên tiếng đính chính, nói mọi người hiểu nhầm kết luận. Họ chỉ nói: “Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy trẻ em ít bị lây nhiễm, lây nhiễm thì bệnh nhẹ, và hiếm khi chịu trách nhiệm cho việc lây lan bệnh trong gia đình”.

Các nhà khoa học Anh cũng phải "nói lại cho rõ", nhấn mạnh rằng họ trích dẫn một khảo sát của Trung Quốc làm chung với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong đó tất cả những người được khảo sát nói chưa thấy ca nào bệnh nhân dưới 10 tuổi lây cho người lớn. "Chưa thấy" chứ không phải là "không có", nên rút tít như báo chí là gây hiểu nhầm rất tai hại.

Chuyện thường tình trong khoa học?

Tờ The New York Times nhận định mâu thuẫn dường như là điều bất biến duy nhất trong cơn đại dịch này. Như một loại thuốc được cho là có nhiều triển vọng cứu người hóa ra làm bệnh nặng thêm; xét nghiệm nhanh tưởng sẽ giúp chấm dứt giãn cách xã hội nhưng kết quả xét nghiệm nhanh còn quá nhiều sai sót; một nơi có thể được xem là mẫu mực chống dịch thì chỉ vài tuần sau lại bùng phát rất nhiều ca bệnh mới…

Thế nhưng, cũng The New York Times nói rằng chu kỳ tin tức trái ngược nhau như thế lại là điều hay. Bởi càng nhiều nghiên cứu kiểm tra cho nhau như thế, người ta càng dễ tiến gần đến sự thật hơn.

Lịch sử y học cho thấy nghịch lý càng cấp bách càng phải kiên nhẫn, một thành công thường để lại đằng sau nó biết bao sai sót. Ví dụ phải mất ba năm sau khi phát hiện bệnh AIDS thì mới có một xét nghiệm có độ chính xác cao để tìm ra HIV.

Phải mất một thập kỷ trải qua nhiều xét nghiệm không chính xác mới đạt được một xét nghiệm chuẩn cho bệnh viêm gan siêu vi C. Cho đến nay vẫn chưa có thuốc trị bệnh cảm cúm thông thường mà chỉ trị triệu chứng. Và còn rất nhiều điều tương tự trong y khoa, vốn là một khoa học cực kỳ phức tạp.

Làm sao để các nghiên cứu sơ khởi, loại nghiên cứu chưa dẫn tới thành công mang tính khẳng định, không tác động xấu đến tâm lý người dân, gây ra sự hoang mang, bối rối không cần thiết? Rất khó yêu cầu người viết báo không khai thác các nghiên cứu khi chưa hiểu hết về nó. Có chăng là các nghiên cứu nên nhấn mạnh những điều cần cảnh báo ngay từ đầu để bất kỳ ai khai thác nó đều phải dè chừng.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là những nhà nghiên cứu phải lường trước sự đón nhận của công chúng để dùng cách diễn đạt thật sự khách quan, không bị suy diễn. Ở khía cạnh này, cách nói của WHO - “không có bằng chứng cho thấy…” - là cách nói có thể đúng vào lúc phát biểu nhưng dễ gây hiểu nhầm, bị diễn dịch sai, và rơi vào thế “việt vị”.

Vào đầu trận dịch COVID-19, WHO nói “không có bằng chứng gì cho thấy virus corona lây từ người sang người”. Có thể lúc đó họ nói đúng vì chưa thấy ca lây nhiễm nào như thế, nhưng việc cứ khẳng định một điều chưa biết đã làm nhiều người, nhiều nước chủ quan, lơ là và coi thường dịch bệnh. Chỉ một tháng sau, WHO đã nhận ra họ sai như thế nào.

Gần đây nhất, WHO lại đưa ra một tuyên bố có vẻ… chắc nịch: “Hiện chưa có bằng chứng cho thấy người hồi phục sau khi nhiễm COVID-19 và có kháng thể là được bảo vệ khỏi tái nhiễm”. WHO có thể lập luận, tuyên bố như vậy để mọi người khỏi chủ quan, đòi cấp “hộ chiếu COVID-19” cho những ai đã dương tính nhưng rồi khỏi bệnh để mở cửa lại mọi hoạt động kinh tế, cho người đã nhiễm nay lành bệnh đi làm lại…

Thế nhưng, WHO không thấy một tuyên bố như vậy cũng dập tắt mọi hi vọng vào vaccine, bởi tiêm vaccine mà cũng nhiễm bệnh lần thứ nhì thì tiêm làm gì! Nó cũng dập tắt mọi nỗ lực xét nghiệm nhanh trong cộng đồng để tìm ra tỉ lệ lây nhiễm thật sự. Nó làm đảo lộn nhiều tính toán của chính phủ các nước khi cân nhắc thời gian mở cửa lại nền kinh tế.

Chẳng thà WHO cứ nói thẳng, hiện nhiều xét nghiệm kháng thể là không chính xác nên dương tính chưa chắc đồng nghĩa với việc cơ thể có kháng thể; hoặc nói rõ, những trường hợp dương tính lại là chưa rõ nguyên nhân, có thể do xác virus còn tồn tại hay do xét nghiệm không chính xác, hay do virus hoạt động trở lại.

Tức với một tình huống chưa rõ, cần tìm hiểu thêm từ nhiều góc cạnh, không nên khẳng định theo kiểu “chưa có bằng chứng” vì kiểu nói đó đã sai trong một số trường hợp. Sau đó bác sĩ Anthony Fauci, người đứng đầu nỗ lực chống dịch của Mỹ, đã phải nói bệnh nhân đã lành thì hi hữu lắm mới không có kháng thể và cũng hi hữu lắm kháng thể mới không giúp tạo ra sự miễn dịch trong một thời gian nhất định. ■

Ở mức khái quát hơn, người ta đặt vấn đề với vai trò của các tạp chí nghiên cứu khoa học. Liệu các bài báo trên đó có nên là nơi phân định đúng sai của dữ kiện hay chỉ là nơi khơi gợi các ý tưởng mới? Liệu đấy là nơi lưu trữ mọi sự kiện lịch sử hay chỉ là nơi tiên đoán tương lai qua phân tích? Các tạp chí chuyên ngành có nên là kênh trao đổi thông tin của riêng giới khoa học, hay còn là loa phóng thanh để giới khoa học tiếp cận công chúng?

Richard Horton, tổng biên tập tạp chí The Lancet nổi tiếng của Anh, nói việc xuất bản hằng ngày các nghiên cứu về đại dịch là rất căng thẳng và đầy trách nhiệm, vì nếu quyết định sai nội dung được xuất bản có thể sẽ gây ra tác động nguy hiểm lên lộ trình của đại dịch.

Người bình thường như chúng ta thì biết nói gì về vai trò của các tạp chí nghiên cứu. Chỉ biết tự nhủ: à, họ đang băn khoăn như thế, biết vậy nên chúng ta đừng vội tin sái cổ các kết quả được công bố liên tục thì sẽ tốt hơn.

Công nghiệp dược lao đao vì COVID-19

TTCT - Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (dịch COVID-19) đang bùng nổ ở nhiều nơi trên thế giới, để lại tác động chưa từng thấy trong 3-4 thập niên gần đây về y tế, trong đó có công nghiệp dược và trang thiết bị y tế.

Bộ trưởng y tế Úc Greg Hunt tại kho dự trữ y tế quốc gia của Úc vào tháng 1-2020. Ảnh: Twitter
Bộ trưởng y tế Úc Greg Hunt tại kho dự trữ y tế quốc gia của Úc vào tháng 1-2020. Ảnh: Twitter

Mặc dù tổng giám đốc và các chuyên gia hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang còn rất dè dặt về việc công bố đây là một đại dịch, nhưng trên phương tiện truyền thông thế giới, các nhà phân tích chính sách và chuyên gia y học không ngần ngại sử dụng từ “pandemic” (đại dịch).

VĂcxin mới không theo kịp sự biến chủng của các vi khuẩn

Có thể thấy, khả năng nghiên cứu - phát triển các thuốc mới và văcxin mới không theo kịp sự biến chủng của các vi khuẩn, sự kháng lại các thuốc đã có (trường hợp kháng kháng sinh của các chủng vi khuẩn) và sự biến chủng của virus mà trường hợp COVID-19 là một ví dụ điển hình.

Peter Marks, giám đốc Trung tâm đánh giá và nghiên cứu thuốc sinh học của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (US FDA), tại một hội nghị quốc tế gần đây đã phát biểu trong bài khai mạc: “Việc nghiên cứu phát triển một văcxin không thể ngăn chặn được một đại dịch”.

Marks cũng đề cập một nguy cơ khác liên quan đến dịch COVID-19 là “chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu bị phá vỡ vì lý do các hóa chất cơ bản (basic chemicals) dùng để tổng hợp các dược chất (active pharmaceutical ingredient: API) đều do Trung Quốc sản xuất”.

Ngày 25-2-2020, thanh tra Stephen Hahn (US FDA) cảnh báo: “Việc bùng phát dịch COVID-19 sẽ tác động đến chuỗi cung ứng dược phẩm, kể cả việc sẽ thiếu hụt các thuốc thiết yếu ở Hoa Kỳ”, tại cuộc họp của Bộ Y tế Hoa Kỳ về chủ đề bùng phát dịch COVID-19.

Thượng nghị sĩ Josh Hawley đã gửi cho FDA một bức thư bày tỏ lo ngại bùng phát dịch COVID-19 sẽ đe dọa gây ra sự thiếu hụt khoảng 150 thuốc kê đơn, trong đó có các thuốc kháng sinh, thuốc generic và biệt dược không thể tìm thấy sản phẩm thay thế trên thị trường.

Josh Hawley cũng yêu cầu FDA Hoa Kỳ có biện pháp cấp bách để đảm bảo thuốc và trang thiết bị y tế chất lượng cao cho nhân dân trong trường hợp xảy ra các khủng hoảng y tế.

Một cửa hàng ở Anh bán giá 2,5 bảng, hơn 74.000 đồng một cái khẩu trang y tế thật bình thường. Ảnh: Twitter
Một cửa hàng ở Anh bán giá 2,5 bảng, hơn 74.000 đồng một cái khẩu trang y tế thật bình thường. Ảnh: Twitter

Lo gián đoạn nguồn cung nguyên liệu cho công nghiệp dược

Vấn đề cung ứng thuốc còn có khả năng sẽ trầm trọng hơn khi một số quốc gia có khả năng nghiên cứu - phát triển và cung cấp dược phẩm bắt đầu có động thái hạn chế xuất khẩu. Mặc dù chưa phải là quốc gia có nhiều người nhiễm COVID-19, Chính phủ Anh đang chuẩn bị để đối phó với sự bùng phát dịch thông qua một loạt các biện pháp, trong đó có việc Cơ quan Kiểm soát dược phẩm và các sản phẩm y tế (MHRA: Medicines and Healthcare Products Regulatory Agency) đã ban hành một danh mục các dược phẩm bị cấm xuất khẩu song song (parallel export).

Trong danh mục này có hai dược phẩm bổ sung đáng chú ý: dược phẩm liều kết hợp cố định lopinavir + ritonavir và chloroquine phosphate, hai dược phẩm đang được Bộ Khoa học - công nghệ Trung Quốc và WHO coi là những dược phẩm tiềm năng có khả năng chống lại virus corona. Việc cấm xuất khẩu song song hai dược phẩm nói trên bắt đầu có hiệu lực từ ngày 26-2-2020.

Ấn Độ, quốc gia được coi là có nền công nghiệp dược phẩm, đặc biệt là nền công nghiệp sản xuất các thuốc generic hàng đầu thế giới, đang cảm nhận ngày càng rõ các rủi ro gây ra bởi dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc.

Nguy cơ trước mắt của công nghiệp dược Ấn Độ là sự gián đoạn nguồn cung nguyên liệu dược từ Trung Quốc do dịch đã làm ngừng trệ các ngành sản xuất của quốc gia từng được coi là “công xưởng của thế giới”, trong đó có nền công nghiệp dược.

Các nhà máy dược phẩm của Ấn Độ, do nhiều lý do, trong đó có lý do dự trữ nguồn nguyên vật liệu sản xuất thấp để giảm chi phí, hạ giá thành, chỉ có dự trữ tồn kho cho sản xuất khoảng 3-4 tháng. Nếu dịch COVID-19 ở Trung Quốc không được khống chế và nền sản xuất không sớm được khôi phục trở lại thì thiếu nguyên liệu cho sản xuất dược phẩm của Ấn Độ là nguy cơ hiển hiện.

Mặt khác, việc đứt nguồn cung nguyên liệu sẽ làm cho giá đầu vào tăng, chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm tăng. Trong điều kiện chính phủ quản lý giá thuốc chặt chẽ, lợi nhuận của công nghiệp dược sẽ giảm sút và có tác động lâu dài đến tái đầu tư phát triển.

Hội đồng xúc tiến xuất khẩu thuốc (Pharmexil) của Ấn Độ cho biết: “Giá nguyên liệu paracetamol đã tăng từ 250-300 rupee/kg lên 400-450 rupee/kg, tương tự giá montelukast natri cũng tăng đến 52.000-58.000 rupee/kg so với 33.000-38.000 rupee/kg vài tháng trước.

Theo số liệu của Cơ quan Quản lý dược Ấn Độ, 57 nguyên liệu gồm các kháng sinh thiết yếu, vitamin, hormone steroid sẽ cạn kiệt nếu dịch COVID-19 ở Trung Quốc kéo dài. Danh mục này bao gồm: azithromycin, amoxicillin, ofloxacin, metronidazole, các vitamin B12, B1, B6, E, hormone progesterone, atorvastatin và các thuốc tim mạch…

Một số nguyên liệu dược, đặc biệt là các kháng sinh, Ấn Độ phụ thuộc vào Trung Quốc đến 90%. Niti Aayog, cố vấn cao cấp Chính phủ Ấn Độ, đề nghị cần có một cuộc họp cấp cao giữa chính phủ với các công ty dược phẩm hàng đầu ở Ấn Độ như Dr. Reddy, Lupin, Glenmark, Mylan, Zydus, Pfizer và Biocons… để thảo luận các phương án giảm phụ thuộc vào công nghiệp nguyên liệu dược Trung Quốc.

Trong bối cảnh công nghiệp dược Ấn Độ đang phụ thuộc nguồn nguyên liệu Trung Quốc hiện nay, Sudarshan - tổng thư ký Liên đoàn Dược phẩm Ấn Độ - cho biết: “Năm 1991, nguyên liệu dược Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 3% nguồn nguyên liệu dược nhập khẩu của Ấn Độ.

Nhưng do công nghiệp dược Ấn Độ chuyển hướng sang sản xuất thành phẩm, Ấn Độ bắt đầu mua nguyên liệu dược Trung Quốc với giá rẻ. Việc phụ thuộc vào nguyên liệu dược Trung Quốc đã trở thành một vấn đề về an ninh y tế. Năm 2018, Chính phủ Ấn Độ đã thành lập một ủy ban chuyên trách (taskforce) để nghiên cứu phục hồi nền sản xuất nguyên liệu dược của Ấn Độ”.■

Lỗ hổng an ninh quốc gia

Theo kênh ABC.net.au của Úc, Úc có kho dự trữ y tế quốc gia (NMS) chứa số lượng thiết bị y tế trị giá khoảng 100 triệu USD bao gồm 20 triệu cái khẩu trang, kháng sinh, văcxin và các vật tư cơ bản khác như dung dịch rửa tay…

Kho dự trữ này nằm ở những vị trí bí mật, được bảo vệ cẩn mật về an ninh và sẵn sàng cung ứng cho người dân trong trường hợp có khủng bố sinh học, tình huống y tế khẩn cấp hoặc đại dịch.

Trong dịch COVID-19, lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ, Úc sử dụng một lượng vật tư lớn trong kho dự trữ này. Hơn 1,4 triệu khẩu trang đã được gửi đến các cán bộ y tế, cơ quan chính phủ, những người có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao khi tham gia phòng chống dịch bệnh ở tuyến đầu.

Năm 2009, lần mở kho dự trữ y tế lớn nhất gần đây nhất, là để đối phó với dịch cúm gia cầm. Hạn chế của biện pháp này là nhiều loại thuốc, văcxin có thời hạn sử dụng. Để trữ đầy kho rồi sau đó lại vứt bỏ thuốc, thay lô hàng khác là một bài toán tài chính căng thẳng cho các nước khi xây dựng kế hoạch ứng phó với tình huống dịch bệnh hàng loạt.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay, có thể sẽ đến lúc các nhà lãnh đạo ở Trung Quốc (TQ) phải đối mặt với các quyết định về việc cấm xuất khẩu dược phẩm, thiết bị y tế và các dược liệu quan trọng khác để ưu tiên bảo vệ người dân trong nước.

Điều này tùy vào tình hình cụ thể nhưng hoàn toàn có thể xảy ra. Chẳng hạn, trong dịch cúm năm 2009, dù đã có sẵn hợp đồng với một nhà sản xuất văcxin lớn ở một quốc gia khác, đơn hàng văcxin của Mỹ vẫn bị đẩy lùi ngày giao hàng.

Giống như với nguyên liệu dược, phần còn lại của thế giới cũng phụ thuộc vào TQ về thiết bị y tế, từ máy chụp cộng hưởng từ MRI, áo khoác phẫu thuật, máy đo nồng độ oxy trong máu. Việc cung cấp các sản phẩm thiết yếu này vẫn chưa bị gián đoạn nghiêm trọng bởi dịch bệnh COVID-19, nhưng nếu TQ không còn hoặc không thể cung cấp chúng, một cuộc khủng hoảng nguồn cung thiết bị y tế lại bắt đầu.

Chuyên gia các nước đều thuộc lòng nguyên tắc chống rủi ro là không bỏ trứng vào một giỏ và không lệ thuộc vào một nhà cung ứng, nhưng lựa chọn thay thế nào cho thế giới lại không nhiều như chúng ta tưởng.

Dịch COVID-19 rất không may nhưng là một ví dụ hoàn hảo để cả thế giới sáng mắt về tình cảnh toàn cầu thiếu những phương án thay thế một khi nhà cung ứng từ nguyên liệu đến thành phẩm là TQ bỗng nhiên đứng hình.

Trên trang The Conversation, bốn chuyên gia của Viện quan hệ quốc tế Scowcroft của Trường đại học Chính phủ và dịch vụ công Bush Texas A&M nhận định: mất nhiều năm để phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết để tái lập năng lực sản xuất của Mỹ và với sự cấp phép đầy đủ của US FDA để không còn lệ thuộc vào nguồn cung từ TQ.

COVID-19 đã chỉ ra sự phụ thuộc vào TQ của các nước, kể cả Mỹ, là một vấn đề an ninh quốc gia. Các chuyên gia nhắn nhủ với nhà chức trách Mỹ, nhưng các quốc gia khác cũng có thể ngẫm nghĩ: “Như với tất cả các đại dịch, sự phức tạp của đợt bùng phát COVID-19 đòi hỏi sự hợp tác và minh bạch quốc tế.

Đồng thời, các chuyên gia y tế của Mỹ cần thừa nhận tính dễ tổn thương của đất nước chúng ta do phụ thuộc vào việc sản xuất thuốc men và thiết bị y tế với TQ. Mỹ phải xây dựng một kế hoạch đối phó với những tình huống thiếu hụt không thể tránh khỏi trong ngắn hạn và có những hành động cần thiết để nắm lại quyền kiểm soát chuỗi cung ứng y tế của chúng ta. Tiếp tục bỏ qua yếu điểm được biết đến từ lâu này sẽ chỉ dẫn đến thảm họa”.

HỒNG VÂN

Bạn đang đọc trong chuyên đề "HÀNH TRÌNH THUỐC CHO COVID"