Thương hội hoa kiều nam kỳ nửa đầu thế kỷ 20

Tuổi Trẻ Cuối Tuần

TTCT - Nửa đầu thế kỷ 20 là giai đoạn đầy biến động với xã hội Việt Nam, cùng những chuyển mình dữ dội và đôi khi đầy đau đớn trên cả đất nước. Là một quốc gia ở ngã ba đường của các nền văn minh Trung Hoa, Ấn Độ và Đông Nam Á, khi đối mặt với người Pháp khi cuộc thực dân hóa lên tới cao trào, sẽ chỉ có thể hiểu được lịch sử đất nước như một toàn thể nếu hiểu được từng thành tố của nó. Vai trò của người Hoa và các thương nhân Hoa kiều ở Nam Kỳ là một mảnh ghép lớn trong bức tranh chung đó. TTCT

Nửa thế kỷ Thương hội Hoa kiều ở Sài Gòn: Phát triển và suy tàn

PHẠM HOÀNG QUÂN 10/04/2019 17:04 GMT+7

TTCT - Từ năm 1959, Thương hội hoạt động suy yếu hẳn, các hội viên ngưng nộp hội phí, Trần Đôn Thăng và ban Lý giám sự phải tự lo trang trải các khoản kinh phí, cố duy trì trên hình thức một cơ quan hội đoàn giàu có và quyền lực bậc nhất của thương nhân Hoa kiều với lịch sử hơn 50 năm

Một hiệu buôn của Hoa Kiều trên đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi), ảnh của Hội Địa lý Lille, đăng tháng 1-1883. Ảnh: pinterest.com
Một hiệu buôn của Hoa Kiều trên đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi), ảnh của Hội Địa lý Lille, đăng tháng 1-1883. Ảnh: pinterest.com

Thương hội ban đầu lấy tên “Nam Việt Trung Hoa Tổng thương hội”, cơ quan ngôn luận của Tổng thương hội tự định danh bằng tiếng Pháp là “Le Chambre de Commerce Chinoise de Sud-Vietnam”. Cũng có cách gọi do người Pháp chuyển ngữ là “Chambre de Commerce Chinoise de Cochinchine”.

Hội doanh nghiệp sơ kỳ

Cách dịch Việt ngữ và cách sử dụng phổ biến trong nghiên cứu từ trước đến nay là “Phòng thương mại Hoa kiều”, nhưng đây là tổ chức hiệp hội tư nhân Hoa kiều gồm doanh nghiệp các giới công, thương, dịch vụ, nên khi gọi “Phòng thương mại Hoa kiều” dễ dẫn đến hiểu lầm đây là một tổ chức công, một bộ phận chuyên trách của sứ quán Trung Hoa hoặc một cơ quan chuyên trách của chính phủ sở tại. Đúng thực chất, Tổng thương hội gần giống một câu lạc bộ doanh nhân, một hội doanh nghiệp ngày nay.

Thời gian mấy năm mới hình thành (từ 1903-1910), theo tài liệu của những tác giả Hoa kiều thu thập trong những năm 1950, thì thấy rằng phương thức hoạt động của Thương hội chưa mấy bài bản, quy mô cũng chưa đáng kể, chỉ với khoảng 100 thương hiệu thành viên. Hội chương (điều lệ sinh hoạt) của Thương hội ngày mới thành lập có lẽ là cơ sở tốt nhất để chúng ta hiểu rõ hơn về các hoạt động thương mại của thời kỳ này, đáng tiếc là hiện nay vẫn chưa tìm được.

Thương hội là tổ chức chung của các thương gia, không phân biệt bang nào, với vai trò đầu não về hoạt động kinh tế, ban đổng sự được bầu chọn toàn là bậc cự phú và thường là đầu tàu trong lĩnh vực/ngành nghề kinh doanh của họ.

Năm 1910, Thương hội tổ chức tu đính hội chương, trình lên chính quyền thuộc địa, được phê chuẩn vào ngày 15-7-1910, cũng là mốc thời gian Thương hội chính thức được chính quyền thừa nhận.

Hội chương quy định phàm là Hoa kiều hoạt động mua bán, ngân hàng, công nghiệp, đồn điền... đều được gia nhập Thương hội, làm thành viên. Ban quản trị sẽ căn cứ theo thuế môn bài của các thành viên mà thu hội phí, số tiền thành viên phải nộp mỗi năm nhiều nhất là 50 nguyên, ít nhất là 6 nguyên. 

Điều lệ cũng quy định các thể thức về cơ cấu nhân sự lãnh đạo. Theo đó, hội viên có quyền tuyển chọn 20 người lo việc hội vụ, gọi là Đổng sự hội. Đổng sự hội chọn bầu 1 hội trưởng, 2 phó hội trưởng, 2 bí thư và 1 tài vụ.

Về thành phần 20 người trong ban đổng sự (hội đồng quản trị), quy định 3 bang Quảng Triệu, Triều Châu, Phước Kiến mỗi bang 5 người, bang Hải Nam 3 người, bang Khách Gia 2 người. Về chức danh hội trưởng, chỉ cử người thuộc 3 bang Quảng, Triều, Phước.

Thương hội phát triển và suy tàn

Sau Thế chiến thứ nhất, trong vòng mấy năm việc xuất khẩu gạo đạt lợi nhuận đáng kể, kéo theo sự phát đạt của nhiều ngành kinh doanh khác, nguồn quỹ của Thương hội thu được hơn 70.000 đồng, ban đổng sự Thương hội quyết định xây dựng trụ sở tại khu đất mới mua trên đường Paris (sau năm 1955 đổi tên là đường Phùng Hưng, địa điểm nay là tòa soạn báo Sài Gòn Giải Phóng). Mùa đông năm 1923, khánh thành trụ sở mới và đổi tên gọi là Việt Nam Nam Kỳ Trung Hoa Tổng thương hội.

Một bi văn kỷ niệm việc này được hội trưởng đời thứ 7 là Thái Bác Cửu soạn vào năm 1929, kể lại công lao khó nhọc của hội trưởng đời thứ tư Phùng Dần Sơ (Phùng Nhựt), người đã đứng ra thương lượng với Chính phủ Pháp, tạo điều kiện để Hoa kiều khuếch trương, xúc tiến việc xuất khẩu lúa gạo, thu lợi nhuận rất lớn, tạo bước ngoặt mới mẻ cho hoạt động của Thương hội.

Sau khi có trụ sở bề thế, việc mở rộng địa bàn và hội viên cũng được tiến hành. Nguyên trước đây, mặc dù mang danh Tổng thương hội Nam Kỳ nhưng trên thực tế chỉ mới quy tụ được các doanh nghiệp ở quanh vùng Sài Gòn - Chợ Lớn, lần cải tổ này thực hiện bước kiện toàn là vận động các hiệp hội Hoa kiều khắp các tỉnh Nam Kỳ mỗi tỉnh cử một người vào ban đổng sự, các nghiệp chủ đứng đầu hội đồng nghiệp ở Sài Gòn và Chợ Lớn cũng tham dự.

Như vậy, mạng lưới Thương hội thời kỳ này hầu như đã bao trùm khắp các cơ sở kinh doanh của Hoa kiều trên toàn cõi Nam Kỳ. Việc mở rộng thành phần tham dự Thương hội cùng với đà phát triển của nền kinh tế nói chung đã dẫn đến việc nhận ra sự lạc hậu của bản hội chương 1910.

Khoảng năm 1932, có một vài dự án cải cách hội chương, nhưng vì nhiều lý do khách quan nên không đạt được kết quả. Năm 1937, hội chương bỏ quy định bất bình đẳng “Hội trưởng luân phiên chỉ chọn người của 3 bang Quảng, Triều, Phước”, tức về sau người của bang Hải Nam và Khách Gia cũng được ứng cử chức danh hội trưởng.

Ngày 2-1-1949, Thương hội mở Hội nghị Đại biểu hội viên lần thứ nhất, thông qua hội chương cải tổ. Hội chương gồm 12 chương, 30 điều. Điểm thay đổi lớn trong hội chương lần này là chuyển dịch cơ chế tuyển cử ban quản trị từ 2 cấp lên 3 cấp, thay vì trước đây các đơn vị thành viên trực tiếp bầu chọn ban quản trị Thương hội, từ nay có thêm tổ chức Hội đồng nghiệp (quy vào 5 hiệp hội) đứng trung gian, các thành viên của từng hiệp hội bầu ban quản trị hiệp hội và ban quản trị các hiệp hội công cử ban điều hành Thương hội.

Các hiệp hội chia 5 nhóm gồm: (1) ngân hàng, bảo hiểm và vận tải, (2) thương nghiệp xuất khẩu, (3) thương nghiệp nhập khẩu, (4) thương nghiệp bản địa và (5) công xưởng. Từ nhiệm kỳ này, ban đổng sự được đổi tên gọi là Lý giám sự, hội trưởng gọi là lý sự trưởng, trưởng bộ phận giám sát gọi là giám sự trưởng, từ đây bắt đầu kể lại là nhiệm kỳ 1. Hồng Thanh Lương (người Phước Kiến) - hội trưởng của hai nhiệm kỳ trước - được đại hội cử làm lý sự trưởng, Thái Mậu Chi được cử làm giám sự trưởng.

Các hội thành viên của Tổng thương hội bao gồm những hội đồng nghiệp gồm cả công, thương, dịch vụ. Thành viên của hội đồng nghiệp là các nhà buôn cùng mặt hàng, các nhà kinh doanh xuất/nhập khẩu, tiền tệ, bảo hiểm, hiệp hội các chủ xưởng sản xuất, các nhà chế tác gia công, hiệp hội thương mại, dịch vụ ở hai thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn và các tỉnh Nam Kỳ.

Nhìn chung, có thể nói mức độ và phạm vi điều phối hoạt động kinh tế của Thương hội đã được kiện toàn, nâng tầm ảnh hưởng đến hầu khắp các nghiệp chủ Hoa kiều toàn Nam Kỳ. Theo thống kê năm 1949 trong Tây Đề Niên Giám, chỉ riêng khu Sài Gòn - Chợ Lớn có khoảng 80 hội đồng nghiệp. Niên giám 1953 của Tổng thương hội ghi nhận có 5 hiệp hội, 19 thương hội các tỉnh Nam Kỳ, 86 hội đồng nghiệp và công hội.

Theo những bảng kê của Trần Cực Tinh trong Việt Nam Cao Miên Hoa kiều sự nghiệp thì vào năm 1955, tính ra khu Sài Gòn - Chợ Lớn có 92 hội đồng nghiệp với tổng số hơn 3.600 đơn vị thành viên là các thương hiệu, công ty, hãng/xưởng. Nếu so với giai đoạn đầu (1904-1910) với 100 thương hiệu gia nhập Thương hội, đến năm 1955 số đơn vị thành viên đã tăng lên 36 lần.

Sau năm 1955, do ảnh hưởng bởi chính sách của chính phủ sở tại, giới thương gia Hoa kiều gặp nhiều bất lợi, thu nhập sa sút đáng kể. Thương hội vẫn hoạt động nhưng không tổ chức bầu cử hội trưởng nữa, người được đề cử hội trưởng nhiệm kỳ cuối cùng (1955-1957) là Trần Đôn Thăng (người Phước Kiến).

Về sau này, từ năm 1957 đến khoảng năm 1963, tuy không tổ chức công cử nhưng Thương hội vẫn mặc nhiên xem Trần Đôn Thăng là người đại diện tối cao trong những vấn đề liên quan đến chính phủ cũng như nội bộ Thương hội.

Từ năm 1959, Thương hội hoạt động suy yếu hẳn, các hội viên ngưng nộp hội phí, Trần Đôn Thăng và ban Lý giám sự phải tự lo trang trải các khoản kinh phí, cố duy trì trên hình thức một cơ quan hội đoàn giàu có và quyền lực bậc nhất của thương nhân Hoa kiều với lịch sử hơn 50 năm.■

Trong 17 đời hội trưởng của 25 nhiệm kỳ (1904-1957) có 8 người thuộc bang Phước Kiến, còn 9 người kia gồm: 3 người bang Triều Châu, 4 người bang Quảng Triệu, 1 người bang Khách Gia và 1 người bang Hải Nam.

Tổng thương hội tập hợp được ước khoảng 1/2 tổng số Hoa kiều làm nghề mua bán và kinh doanh hãng/xưởng, bộ phận không tham gia Thương hội phần đông là hộ kinh doanh vừa và nhỏ, nhưng vì một số lý do mà nhiều doanh nghiệp lớn cũng không tham gia. Thống kê năm 1956 trong Hoa kiều kinh tế - vấn đề tham khảo tư liệu cho thấy trong ngành mua bán lúa gạo, số doanh nghiệp đăng ký tham gia Thương hội là 64, không tham gia là 76; ngành xay lúa là 35/15; ngành kinh doanh vải sợi là 101/39.

Như vậy, Tổng thương hội tuy không phản ánh toàn bộ tình hình kinh thương của toàn thể Hoa kiều ở Nam Kỳ, nhưng nó là nơi tập hợp đại bộ phận thương nhân thành đạt, những nhà tư bản lớn. Qua lịch trình phát triển Thương hội, những sự kiện và số liệu mà nó lưu giữ được sẽ góp phần lớn và khá quan trọng trong việc nghiên cứu kinh tế Hoa kiều ở Sài Gòn - Chợ Lớn trong giai đoạn 1900-1955.

Kỳ 3: Góc khuất trong sự kiện sáng lập Thương hội Hoa kiều

PHẠM HOÀNG QUÂN 29/03/2019 21:03 GMT+7

TTCT- Trong quá trình tạo lập của Thương hội Hoa kiều, triều đình Mãn Thanh đã ít nhất ba lần tìm cách can thiệp trực tiếp vào nhân sự cấp cao và việc tổ chức Thương hội ở Sài Gòn, nhưng các thương nhân Hoa kiều bản xứ đã rất nỗ lực để thực sự xây dựng cho họ một tổ chức độc lập với quyền lực chính trị Bắc Kinh.

Chùa Ông Bổn, tức Nhị Phủ miếu, từng là nơi đặt Phước Kiến công sở, trụ sở điều hành của nhóm Hoa thương gốc Phúc Kiến. Địa chỉ 264 Hải Thượng Lãn Ông, P.14, Q.5, TP.HCM.-Ảnh: NGUYỆT NHI
Chùa Ông Bổn, tức Nhị Phủ miếu, từng là nơi đặt Phước Kiến công sở, trụ sở điều hành của nhóm Hoa thương gốc Phúc Kiến. Địa chỉ 264 Hải Thượng Lãn Ông, P.14, Q.5, TP.HCM.-Ảnh: NGUYỆT NHI

 Nguồn tư liệu về lịch sử Thương hội không nhiều, ngày nay có thể căn cứ là Tây Đề niên giám 1949 và Việt Nam Hoa kiều thương nghiệp niên giám do Phòng thương mại Trung Hoa ở Nam Việt xuất bản năm 1953.

3 lần can thiệp

Niên giám 1953 viết là vào năm Quang Tự thứ 26 (1900), triều đình nhà Thanh cử Vương Đại Trinh đảm nhiệm chức vụ Nam Dương Hoa kiều tuyên úy sứ, đi tìm hiểu thực trạng kinh thương của Hoa kiều trong vùng Đông Nam Á.

Theo đường biển, Vương ghé Sài Gòn và được nhiều thương gia tiếp đón nhiệt tình, hai bên bàn bạc phương án thành lập Hoa kiều thương hội, tuy nhiên do các thương gia không thống nhất quan điểm nên sự việc không thành.

Đến năm 1903, Hồ Duy Đức nhậm Trú Pháp công sứ (Đại sứ Trung Hoa tại Pháp) trên đường đến nhiệm sở đã ghé Sài Gòn, lại xướng khởi việc thành lập thương hội, nhưng vẫn vấp phải nhiều điểm bất đồng nên không xúc tiến ngay được. 

Khi sang Pháp, Hồ Duy Đức lại đánh điện về Sài Gòn chỉ định hai thương gia Lý Trường (cha Lý Lập) và Lưu Lục (Lưu Ái Xuân, cha Lưu Tăng) đảm nhiệm chánh, phó hội trưởng thương hội, lo việc khai mở hội nghị để bố cáo thành lập.

Lý và Lưu thừa lệnh triệu tập hội nghị thương gia tại Quảng Triệu công sở (trụ sở của bang Quảng Đông), nhưng cuối cùng vẫn còn nhiều ý kiến bất đồng nên việc lập hội phải tạm gác lại. Đến tháng giêng năm 1904 thì chính thức thành lập, Trịnh Chiêu Minh nhậm hội trưởng đầu tiên.

Vai trò quan trọng của Trịnh Chiêu Minh đối với việc thành lập thương hội càng đáng phải nói đến như một sự kiện nổi bật khi chúng được liên kết với hai sự kiện tổ chức thiết lập thương hội nhưng bất thành vào năm 1900 và 1903.

Về sự kiện 1903, Tsai Maw Kuey (Thái Mao Quý) trong Les Chinois Au Sud-Vietnam 1968 đã ghi nhận khác với Hoa kiều chí 1956, Tsai viết rằng Lý Trường và Lưu Lục triệu tập hội nghị vào tháng giêng năm 1904 với khoảng 100 thương gia tham dự, bầu Trịnh Chiêu Minh vào ghế chủ tịch thứ nhất.

Hoa kiều chí thì viết rằng năm 1903, Lý Trường và Lưu Lục triệu tập hội nghị nhưng việc lập thương hội bất thành, đến năm 1904, Trịnh vận động thành công.

Mặc dù vào năm 1900 và 1903, được sự dàn xếp và hậu thuẫn của các quan chức cấp cao Thanh triều như Vương Đại Trinh và Hồ Duy Đức, thương hội rốt cuộc đã không lập được, vài chi tiết về thời kỳ chuẩn bị thành lập thương hội và lý do thất bại, trong nhiều nguyên nhân, có thể nghĩ, hoặc là phần đông các thương gia Hoa kiều thành đạt không muốn có sự can thiệp của thế lực chính trị nơi xứ sở họ - triều đình Mãn Thanh; hoặc là có sự tranh chấp giữa các bang trong vai trò lãnh đạo tổ chức thương hội.

Một năm sau khi thương hội thành lập, lại có sự kiện cho thấy các mối quan hệ lấn cấn khác. Theo Việt Nam du lịch ký của Nghiêm Cừ viết năm 1905, kể lại việc Nghiêm theo viên quan tham tán sứ quán Pháp (họ Tôn) được nhà Thanh cử đến Việt Nam để ngầm vận động các thương gia Hoa kiều ở Hà Nội, Hải Phòng và Sài Gòn - Chợ Lớn lập thương hội và mở học hiệu. Việc ở Hà Nội và Hải Phòng thất bại.

Ở Sài Gòn - Chợ Lớn, khi đến, người đầu tiên Tôn gặp là Lý Lập (Trọng Trác), chủ hiệu An Xương, người bang Quảng Triệu, và sau đó ưu tiên gặp những thương gia bang Quảng Triệu.

Trong nhật ký của Nghiêm Cừ, Trịnh Chiêu Minh được gọi là “Tổng bang trưởng” thay vì phải gọi “Tổng lý thương hội”, đây là hai chức danh của hai tổ chức khác nhau, và “Tổng lý thương hội” với địa vị bao trùm thương giới của 5 bang dĩ nhiên là quan trọng hơn “Tổng bang trưởng”. Vào thời điểm ấy, Trịnh Chiêu Minh vừa là bang trưởng Phước Kiến vừa là tổng lý thương hội.

Tuy nhiên, qua các ghi chép liên quan thì thấy hầu như Nghiêm không đề cập đến vai trò tổng lý thương hội của Trịnh.

Ngày 3-11-1905 - một ngày trước khi xuống tàu rời Sài Gòn - tham tán họ Tôn dự cuộc họp của 3 bang Quảng Triệu, Quỳnh Châu và Gia Ứng (Khách Gia/Hakka/Hẹ) để công cử tổng đổng sự thương hội, và Lý Hựu Tông (chủ hiệu Phú Nhuận) đắc cử tổng đổng sự, Lý Diễn Đình (cổ đông và đương là tổng lý nhà máy xay lúa Di Xương) cùng Lưu Ái Xuân (tức Lưu Lục, cổ đông và đương là tổng lý nhà máy xay lúa Nam Long) làm phó đổng sự thương hội. Ngày hôm sau, Lưu Ái Xuân cùng đi Hương Cảng với tham tán Tôn.

Những khúc mắc còn lại

Sự kiện này đáng phải đặt nhiều vấn đề, nhất là việc bầu lại một ban quản trị thương hội mà không triệu tập đủ thương gia của 5 bang (thiếu bang Phước Kiến và Triều Châu), và càng khó hiểu hơn về sự vắng mặt của thủ lãnh đương nhiệm Trịnh Chiêu Minh. Lý Hựu Tông tức Lý Trường, là người cùng với Lưu Lục (Lau Luk, tức Lau Tse Tsun/Lưu Ái Xuân) từng được đại sứ Hồ Duy Đức chỉ định làm chánh và phó hội trưởng hồi năm 1903 mà bất thành.

Tham tán Tôn lại là cấp dưới của Hồ Duy Đức, tình tiết trên đây cho thấy có sự chủ ý dựng lập thương hội theo cơ cấu do nhà Thanh chọn lựa, và các thương gia Quảng Triệu có thể cùng nhóm lợi ích với nhóm đại sứ Trung Hoa tại Pháp.

Theo ghi chép của Trần Đạt - ký giả Trung Hoa từng đến nhiều nước Đông Nam Á - trong dịp ghé Chợ Lớn:

“Ngày 28-2-1935, các ông Lưu Cảnh, Hứa Diệc Tiên, Lý Đào Dân kể: Hồi năm 1904, nhân sĩ quan hải quân Huỳnh Đại Trân đến Sài Gòn, người Hoa nhân đó bàn kế hoạch thành lập Thương hội Trung Hoa. Đến năm Dân Quốc thứ 12 (1923) xây cất hội sở” (Lãng tích thập niên, Thương Vụ ấn thư quán, 1946).

Lời kể trên cách sự kiện chỉ mới 30 năm, tính ra thì quá sơ lược và chỉ khớp với những tư liệu khác ở thời điểm xây dựng trụ sở mới vào năm 1923.

Trần Đạt không ghi chức danh những người kể, nhưng theo bảng danh sách các đời hội trưởng tổng thương hội chép trong niên giám 1953 thì thấy Lưu Cảnh là hội trưởng đời thứ 9 (nhiệm kỳ 15: 1935-1937). Khi tiếp xúc với Trần Đạt thì Lưu Cảnh là đương kim hội trưởng, nhưng khi kể về lịch sử thương hội chỉ nhắc đến vai trò xúc tiến của Huỳnh Đại Trân mà không nhắc đến Hồ Duy Đức hay tham tán Tôn.

Lưu Cảnh là người bang Triều Châu, nếu kết nối với sự kiện hồi năm 1905 tham tán Tôn chủ trì buổi công cử tổng đổng sự thương hội, lúc ấy 2 bang Phước Kiến và Triều Châu không có đại diện tham dự, đây là điểm đáng lưu ý.

Trước giờ người ta thường hay nhắc đến đặc tính tạo thế mạnh cho thương giới Hoa kiều là sự liên kết chặt chẽ trên thương trường, qua các thủ đoạn tạo sự khan hiếm giả, sự ấn định giá thị trường, sự phân chia địa bàn thu mua... nhằm đối phó với những cộng đồng thương nhân khác người Hoa. Còn trong nội bộ thương nhân người Hoa thì sao, qua số tư liệu ít ỏi nói trên, với một vài chỗ lấn cấn từ các nguồn, đã phần nào để lộ tình trạng chia rẽ bất đồng giữa thương gia các bang. ■

Các đời hội trưởng tổng thương hội (từ mới thành lập 1904 đến 1957)

1/ Trịnh Chiêu Minh, bang Phước Kiến, liên nhiệm 2 kỳ đầu (1904-1907)

2/ Nguyễn Lục, bang Khách Gia, nhiệm kỳ 3 (1907-1909)

3/ Châu Minh, bang Quảng Triệu, nhiệm kỳ 4 (1909-1910)

4/ Phùng Dần Sơ, bang Quảng Triệu, liên nhiệm 3 kỳ 5, 6, 7 (1910-1919)

5/ Diệp Bá Hành, bang Quảng Triệu, liên nhiệm 3 kỳ 8, 9, 10 (1919-1925), và tái nhiệm kỳ 13 (1930-1932)

6/ Tào Duẫn Trạch, bang Phước Kiến, nhiệm kỳ 11 (1925-1927)

7/ Thái Bác Cửu, bang Triều Châu, nhiệm kỳ 12 (1927-1930)

8/ Hồng Đường Vân, bang Phước Kiến, nhiệm kỳ 14 (1932-1935)

9/ Lưu Cảnh, bang Triều Châu, nhiệm kỳ 15 (1935-1937)

10/ Trần Lập Củ, bang Quảng Triệu, nhiệm kỳ 16 (1937-1939)

11/ Trương Chấn Phàm, bang Phước Kiến, nhiệm kỳ 17 (1939-1941)

12/ Châu Kế Hưng, bang Triều Châu, nhiệm kỳ 18 (1941-1943)

13/ Hà Lương La, bang Phước Kiến, nhiệm kỳ 19 (1943-1946)

14/ Lâm Ngạn Tráo, bang Phước Kiến, nhiệm kỳ 20 (1946-1947)

15/ Hồng Thanh Lương, bang Phước Kiến, nhiệm kỳ 21 (1947-1949), và nhiệm kỳ 1 cải tổ (1949-1951)

16/ Phù Lâm Anh, bang Hải Nam, nhiệm kỳ 2 cải tổ (1951-1953)

17/ Trần Đôn Thăng, bang Phước Kiến, liên nhiệm 2 kỳ 3, 4 cải tổ (1953-1957).

Kỳ 2: Thương hội Trung Hoa đầu tiên ở Sài Gòn - Chợ Lớn

PHẠM HOÀNG QUÂN 23/03/2019 02:03 GMT+7

TTCT - Hội thương mại của người Hoa ở Chợ Lớn được đề cập trong thư tịch cổ Việt Nam sớm nhất có lẽ là Hoàng Việt nhất thống dư địa chí 1806 của Lê Quang Định.

Trịnh Chiêu Minh (trên cùng, chụp lại trong Việt Nam Hoa kiều thương nghiệp niên giám 1953). Tư liệu của Phạm Hoàng Quân
Trịnh Chiêu Minh (trên cùng, chụp lại trong Việt Nam Hoa kiều thương nghiệp niên giám 1953). Tư liệu của Phạm Hoàng Quân

 Sách này chép “Miếu Quan Đế do Hội thương mại phố Sài Gòn lập, thờ thần Quan Vũ đời Hán”, phố Sài Gòn thời ấy chỉ vùng Chợ Lớn, còn miếu Quan Đế tức Thất Phủ Võ Miếu, là nơi làm trụ sở chung cho 7 bang người Hoa. Miếu này nay không còn, nền cũ ở góc đường Nguyễn Trãi - Triệu Quang Phục (nối góc sau với Tam Sơn Hội Quán).

Sau khi Pháp chiếm 3 tỉnh Đông Nam Kỳ, Sài Gòn - Chợ Lớn bắt đầu mở rộng doanh thương với tác động trực tiếp từ việc người Pháp mở bến cảng Sài Gòn, bên cạnh đó là sự thông đồng giữa các nhà buôn Pháp và nhà buôn Trung Hoa.

Việc mua bán, vận chuyển lúa gạo bằng đường biển từ trước đến nay của Hoa thương từ Nam Kỳ đi các nơi vốn bị hạn chế do chính sách của nhà Nguyễn. Người Pháp đến, đặt ra thuế xuất khẩu và áp dụng trước tiên cho việc xuất khẩu lúa gạo, việc phân chia lợi ích rõ ràng giữa chính quyền thuộc địa và Hoa thương đã kích động nền thương mãi, nhiều thương gia phất lên nhanh chóng.

Đầu thế kỷ 20, các thương gia Lưu Lục (tức Lưu Ái Xuân), Huỳnh Văn Hoa (chú Hỏa), Từ Nhuận Đức, Lý Trường (hiệu Hựu Tông, chủ hiệu Phú Nhuận), Lý Lập (hiệu Trọng Trác, chủ hiệu An Xương, con của Lý Trường), Phùng Dần Sơ (tức Phùng Nhựt), Quách Diệm (Quách Đàm), Tạ Ma Diên (thường gọi má Chín Dảnh), Lưu Lễ Đình, Tào Duẫn Trạch, Lương Thọ Đường... là những tên tuổi kinh thương phát đạt trên nhiều lãnh vực, danh tiếng vang dội.

Những thành công của số đông Hoa kiều trên thương trường cùng với thực tế cạnh tranh càng lúc càng gay gắt với các lực lượng tư bản phương Tây khiến một số đông thương gia nghĩ đến việc xúc tiến thành lập thương hội.

Hội trưởng sáng lập Trịnh Chiêu Minh

Năm 1904, Trịnh Chiêu Minh (Tay Chow Ben, 1860-1911) đứng ra triệu tập hội nghị thành lập thương hội, được tán thành và Trịnh được cử làm tổng lý (hội trưởng) liên tiếp hai nhiệm kỳ đầu (1904-1907).

Tính ra thương hội của người Hoa ở Sài Gòn lập sớm hơn ở Singapore 2 năm. Khi thành lập lấy tên Nam Việt Trung Hoa Thương vụ tổng hội. Hội sở đặt tại Thất Phủ công sở (Thất Phủ Võ Miếu) trên đường Quảng Đông (nay là đường Triệu Quang Phục), địa chỉ này tức là nơi mà Lê Quang Định đã nói đến hồi năm 1806.

Những nghiên cứu về lịch sử Hoa kiều có đề cập đến Thương hội Nam Kỳ như Hoa kiều chí - Tổng chí (Đài Bắc, 1956), Việt Nam Hoa kiều chí (Trần Dĩ Lệnh, Đài Bắc, 1958), Les Chinois Au Sud-Vietnam (Tsai Maw Kuey/Thái Mao Quý, Paris, 1968), Việt Nam Hoa kiều sử thoại (Trương Văn Hòa, Đài Bắc, 1975) hầu như đều dựa vào những tư liệu trong Tây Đề niên giám 1949Việt Nam Hoa kiều thương nghiệp niên giám 1953 (Niên giám 1953) vốn là những công trình do Tổ chức Tổng thương hội chủ trì thực hiện, xuất bản ở Chợ Lớn, cùng ghi nhận năm thành lập là 1904.

Nhưng cũng có vài nguồn khác chép năm thành lập thương hội là 1903, như trong Lãng tích thập niên (Trần Đạt, Thượng Hải, 1946) hay Việt Nam - Cao Miên Hoa kiều sự nghiệp (Trần Cực Tinh, Chợ Lớn, 1955). Về sau này, thấy đa số nghiên cứu lấy năm 1904 là năm thành lập thương hội.

Tiểu sử Trịnh Chiêu Minh được chép sớm nhất có lẽ trong Niên giám 1953 (sách do các tác giả Ô Tăng Hậu, Vương Vĩnh Kiện, Trương Văn Hòa và Đỗ Thiết Dân biên soạn, trong đó dành một thiên viết về lịch sử Tổng thương hội).

Niên giám 1953 viết rằng Trịnh thời trẻ đến Singapore làm ăn một thời gian, rồi sau sang Việt Nam. Ở Chợ Lớn, ban đầu Trịnh đầu tư lập xưởng xay lúa nhưng không thành công, quay sang lập cơ sở kiến trúc xây dựng cũng không thành, cuối cùng mở xưởng rượu và kinh doanh chuyên về rượu.

Trịnh lập xưởng rượu Vạn Liên không bao lâu thì người Pháp lập Nhà máy rượu Bình Tây (của Tập đoàn Société Francaise des Distilleries de Indochine - SFDIC), hai bên cạnh tranh gay gắt. Một mặt, Trịnh vận động các xưởng rượu ở các tỉnh thành lập “Nam Kỳ lục tỉnh Hòa Hợp tửu hướng công ty” để điều độ thị trường, mặt khác là cải tiến hệ thống lò chưng cất để tăng sản lượng.

Trịnh được tả là người hào hiệp trượng nghĩa, thường dùng lý lẽ để dàn xếp những tranh chấp trong cộng đồng. Trước Cách mạng Tân Hợi, khi Tôn Trung Sơn sang Chợ Lớn vận động tài chánh, Trịnh quyên góp một số tiền lớn và gia nhập Đồng Minh Hội.

Trịnh có người con là Học Tài cũng là nghiệp chủ có tiếng (thiên 18, chương 3 - Lược truyện các hội trưởng).

Thất Phủ Võ Miếu còn gọi Thất Phủ Công Sở hay Quan Đế Miếu - hội sở đầu tiên (ảnh Ngô Thanh Phủ, in trong sách ảnh Tây Đề đại quan, Chợ Lớn, 1950). Tư liệu của Phạm Hoàng Quân
Thất Phủ Võ Miếu còn gọi Thất Phủ Công Sở hay Quan Đế Miếu - hội sở đầu tiên (ảnh Ngô Thanh Phủ, in trong sách ảnh Tây Đề đại quan, Chợ Lớn, 1950). Tư liệu của Phạm Hoàng Quân

 Thương nhân Nam Kỳ - thất phẩm Trung Nghị đại phu nhà Thanh

Một vài chi tiết đáng lưu ý trong tiểu sử nói trên có lẽ là việc vận động liên kết các chủ hãng rượu Hoa kiều hợp thành một tổ chức để đối đầu với một đối thủ mạnh.

Những thành công trong việc vận động các nghiệp chủ đồng hương đoàn kết nhất trí tuân thủ theo giá ấn định của nhóm và mặt khác, những thành công trong việc thương thảo với Chính phủ Pháp đã khiến Trịnh đủ uy tín và kinh nghiệm nắm giữ địa vị khai mở thương hội.

Vài chi tiết từ những du ký đương thời không thấy Niên giám 1953 đề cập, có thể kể thêm ghi chép của Nghiêm Cừ trong Việt Nam du lịch ký (1905). Sách này nói lúc ấy Trịnh đương nhiệm bang trưởng bang Phước Kiến và nói “Trịnh Chiêu Minh người châu Vĩnh Xuân, tỉnh Phước Kiến, sinh ở Tân Gia Ba, thông thạo Anh ngữ, Pháp ngữ.

Mở xưởng rượu Vạn Liên ở Chợ Lớn và xưởng rượu Vạn Hòa Thành ở Phú Xuân (Huế), xưởng Vạn Liên do người cháu là Trịnh Vũ Trụ quản lý”.

Trần Cung Tam (Tan Keong Sum) trong Vãng An Nam nhật ký (1890) chép rằng vào năm 1886, Trịnh làm mãi biện cho một vựa gạo ở Chợ Lớn và lúc này cùng Ngô Hiền Khánh (Goh Yen Keng, phó tổng giám đốc Công ty hải vận W. Hale and Company ở Sài Gòn), Tăng Vĩnh Mộc (Chan Eng Bok, đang làm nhân viên cho Th. Speidel) và một số người khác (như Chan Cheng Tee, Tan Toan Khat) lập Câu lạc bộ “Những người Trung Hoa quốc tịch Anh/cercle de Chinois sujets anglais”, điểm họp tại nhà số 105 Rue des Marins (Thủy Binh/Đồng Khánh/Trần Hưng Đạo B).

Tiểu sử Trịnh Chiêu Minh do Niên giám 1953 viết còn có vài chi tiết đáng lưu ý, như việc Thanh triều phong Trịnh Chiêu Minh hàm thất phẩm và tặng hiệu “Trung nghị đại phu” sau hai kỳ liên nhậm tổng lý thương hội.

Về việc các thương nhân Hoa kiều mua quan hàm của Thanh triều, theo một thống kê của tác giả Nhan Thanh Hoàng cho thấy ở Mã Lai và Singapore, trong khoảng từ năm 1877 đến 1911 có 47 thương nhân nộp tiền cho nhà Thanh để mua phẩm hàm và hơn trăm thương gia mua các chức quan (Người Hoa hải ngoại với truyền thống và hiện đại hóa, Singapore, 2010).

Những phẩm/chức này tuy là hư vị nhưng phần nào khẳng định vị trí xã hội của một số thương nhân, ở Việt Nam, ngoài Trịnh, còn có vài người mua hàm như Huỳnh Văn Hoa, Tạ Ma Diên, Quách Diệm (Đàm).

Sự thành công để đạt đến mức độ giàu có và uy tín bao trùm thương giới qua nghề nấu rượu và bán rượu của hội trưởng Trịnh Chiêu Minh không khỏi khiến người ta liên tưởng đến nghề kinh doanh độc quyền thuốc phiện của Ban Hạp trước đây.

Tuy nhiên, trong những trang sử Hoa kiều ở Nam Kỳ do chính những tác giả Hoa kiều như Ô Tăng Hậu, Thi Đạt Chí biên soạn, nhân vật Ban Hạp không được nhắc đến, còn Trịnh Chiêu Minh thì được ghi nhận rất trân trọng.

Trong Việt Nam Hoa kiều chí, ở chương 10 với đề mục “Hoa kiều tiên hiền sáng nghiệp sử lược”, nhóm biên soạn chọn chép về 9 nhân vật có sự nghiệp và ảnh hưởng lớn trong lịch sử Hoa kiều gồm Mạc Cửu, Trịnh Hoài Đức, Phan Thanh Giản, Trịnh Chiêu Minh, Nguyễn Lục, Phùng Nhựt, Quách Diệm, Diệp Bá Hành, Hồng Đường Vân. 

Trong 9 người ấy, ngoài Trịnh Chiêu Minh thì Nguyễn Lục, Phùng Nhựt, Diệp Bá Hành, Hồng Đường Vân đều là tổng lý Tổng thương hội ở các nhiệm kỳ sau.■

BAN HẠP - ĐẠI GIA NGƯỜI HOA ĐẦU TIÊN?

PHẠM HOÀNG QUÂN 20/03/2019 04:03 GMT+7

TTCT - Tuy rằng Hoa kiều là một bộ phận quan trọng trong lịch sử hình thành và sự phát triển Sài Gòn, nhưng trong tình trạng nghiên cứu không mấy thấu đáo trước giờ đã dẫn đến những sự đề cao quá mức hoặc chưa bóc tách được mặt tích cực với tiêu cực của cộng đồng này, nhất là đối với những tên tuổi thuộc hàng đại cự phú. Khác với số đông người Hoa giàu có do cần kiệm thủ tín, những bậc đại cự phú lưu danh nếu không thuộc diện cánh hẩu (nay gọi cho nhã là nhóm lợi ích) thì cũng thuộc hàng làm giàu bất chấp tác hại xã hội như buôn á phiện hay buôn rượu.

Hội quán Hà Chương đường Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI
Hội quán Hà Chương đường Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM. Ảnh: Nguyệt Nhi)

Người Việt, người Khmer, người Hoa đã chung lưng đấu cật trong suốt hơn 300 năm sinh sống làm ăn ở đất phương Nam, tuy cùng là động lực thúc đẩy xã hội tiến triển nhưng mỗi dân tộc đều có thế mạnh và điểm yếu riêng.

Người Hoa mạnh về kinh thương, đã góp phần không nhỏ trong việc đem đến sự giàu có cho họ và cho cả vùng đất mới, nhưng trong vài thời đoạn lịch sử cho thấy sự phất lên bất thường của một số đại phú gia ẩn tàng tác hại đến số đông dân chúng.

Qua tiến trình hoạt động của Thương hội Hoa kiều ở Nam Kỳ và với những nhân vật nổi bật, khảo cứu này nhằm góp một góc nhìn, góp ít sử liệu vào việc nghiên cứu rộng hơn cũng như có sự nhận định khách quan hơn về vai trò của thương nhân người Hoa trong lịch sử.

Trước lúc Huỳnh Văn Hoa (Chú Hỏa) và Quách Diệm (bị gọi sai là Quách Đàm) danh vang khắp cõi, đất Sài Gòn - Chợ Lớn vốn từng có vài đại gia lừng lẫy. 

Có một nhân vật có thể thương lượng việc làm ăn với vua Nguyễn hay vua Cao Miên và cả với chính quyền thuộc địa, câu kết với xã hội đen để bá chiếm thương trường, kinh thương theo lối “mặt chánh lưng tà”, bất chấp thủ đoạn. Nhưng rồi cũng trở thành bậc đại phú gia lưu tên trong sử!

Người ấy là Ban Hạp, vốn từng được một số tác giả người Việt nhắc đến, khi thì thoáng qua với một vài sự kiện thương trường trong lời kể lan man của Vương Hồng Sển hoặc Sơn Nam trước kia, hoặc như với hẳn một tiểu sử khá đầy đặn do Nguyễn Đức Hiệp gần đây. Nhưng vì tư liệu và từ khóa tên nhân vật này chưa được kết nối nên hành trạng do vậy cũng chưa đủ rõ.

Giàu từ thời vua Nguyễn

Nhan Hựu (顏侑), là chủ hiệu Vạn Hợp, nên còn gọi Nhan Vạn Hợp (顏萬合), người phủ Chương Châu (Phước Kiến), chưa rõ năm sinh tử. Người Việt thường gọi với tên Ban Hạp, do nói trại theo ngữ âm Mân Nam (nam Phước Kiến) tên bảng hiệu Bang Hap (萬合, âm Hán Việt là Vạn Hợp), mà chữ Ban qua truyền miệng đã bị viết sai. 

Đại Nam thực lục chép với tên Nhan Vạn Hợp; tài liệu chữ Pháp thì ghi nhận với tên Ban Hap hoặc Gan Tin Wee; giới nghiên cứu Hoa kiều ở Trung Quốc viết là “帮合” (Bang Hợp), chữ Bang này lại với nghĩa bang hội, có thể do sự suy luận từ việc Ban Hạp từng làm đổng sự trưởng hội quán Hà Chương, nhưng cách ghi này chỉ giúp nhận diện mà không đúng nguyên tắc gọi tên riêng.

Ông Vương Hồng Sển nói rằng người cố cựu ở Chợ Lớn gọi Hà Chương hội quán là “chùa Ông Hược”, và kể vào mùng 6-6-1960, ông Vương đến viếng hội quán, hỏi người quản lý về nguồn gốc chữ “Hược”, được trả lời rằng đó là cách phát âm chữ “Hạp” của người Phúc Kiến (Sài Gòn năm xưa). Tuy nhiên, cả ông Vương và người quản lý đều không giải thích được lý do vì sao nơi này lại được gọi là “chùa Ông Hược”.

Ngày nay có thể xác định tên “chùa Ông Hược” do đọc trại âm từ tên “Hạp” hoặc “Hựu” (Ban Hạp tên Nhan Hựu). Bi văn về việc trùng tu Hội quán Hà Chương năm 1871 ghi Nhan Vạn Hợp với chức vụ đổng sự trưởng, và hiệu Vạn Hợp góp số tiền 4.086 viên (đồng), là số tiền nhiều nhất, đứng thứ 2 là hiệu Trường Thành với 1.330 viên, và người góp ít nhất là 1 viên; lần trùng tu năm 1885, Nhan Vạn Hợp vẫn đứng đầu bảng với số tiền góp 370 đại viên.

Dựa vào các nguồn tài liệu lưu trữ, nhiều nghiên cứu của người phương Tây và Việt Nam cho thấy Ban Hạp giàu lớn nhờ kinh doanh thuốc phiện. Ban Hạp cùng 3 anh em thương gia Singapore gốc Phước Kiến là Trần Khánh Hòa, Trần Khánh Tinh, Trần Khánh Vân và người gốc Quảng Đông là Trương Bái Lâm (Cheung Ah Lum, chủ hiệu Wang Tai/Hoằng Thái) là những người có thế lực rất mạnh, họ có nguồn vốn từ các ngân hàng Anh ở Hong Kong và Singapore, có mối quan hệ chặt chẽ và mật thiết với chính quyền thực dân Pháp nên luôn trúng những vụ làm ăn béo bở.

Không nêu nguồn nhưng Sơn Nam có viết: “Họ trúng thầu á phiện nhiều năm liên tiếp cho toàn cõi Nam Kỳ. Vạn Hiệp (Hợp) làm chủ non phân nửa nhà phố ở Chợ Lớn và khai thác gần như độc quyền hầu hết các tiệm cầm đồ ở Chợ Lớn” (Bến Nghé xưa).

Địa bàn hoạt động của Ban Hạp không chỉ ở khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn mà khắp Nam Kỳ và Cao Miên. Trước khi Pháp lấy ba tỉnh miền Tây, Ban Hạp đã hợp đồng với chính quyền nhà Nguyễn lãnh trưng (bao thầu mua bán) thuốc phiện ở 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên liên tiếp mấy năm.

Để bồi thường chiến phí cho Pháp, triều đình nhà Nguyễn có lần đã phải thúc giục Ban Hạp sớm nộp thuế, Đại Nam thực lục chép việc tháng 10 năm Tự Đức thứ 18 (1865): “Sai tỉnh thần Vĩnh Long, sức cho người buôn nước Thanh là Nhan Vạn Hợp chóng đem nộp thuế bạc là 300.000 quan, để đưa thư cho chủ soái Pháp thu nhận, khấu trừ vào số bạc bồi thường” (Đệ tứ kỷ, quyển 33).

Số tiền nêu trên chỉ là thuế của 3 tỉnh trong một năm, nên thấy rằng con số 300.000 quan trong thời điểm này rất lớn, năm 1865 nhà Nguyễn thu thuế lãnh trưng thuốc phiện 18 tỉnh từ Bình Thuận đến Cao Bằng chỉ được 382.000 quan, còn chính quyền Pháp thu ở 3 tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa được 450.000 quan (lúc này 1 đôla = 5 quan). 

Thực lục còn chép vào năm sau (1866) vẫn để cho Nhan Vạn Hợp lãnh trưng 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.


Bên trong Hội quán Hà Chương. (Ảnh: Nguyệt Nhi)

Phất lên nhờ thuốc phiện cùng chính quyền thực dân

Đối với chính quyền thuộc địa Pháp, từ năm 1861 vẫn cho người Hoa lãnh trưng thuốc phiện cho đến tháng 5-1881 (thiết lập Ty trực quản thuốc phiện ở Nam Kỳ).

Năm 1867, khi nguồn lợi thu thuế ba tỉnh Tây Nam Kỳ đã vào tay Pháp, với trường hợp điển hình là tỉnh Vĩnh Long qua báo cáo của Thanh tra sự vụ bản xứ Luro vào năm 1869 cho thấy trong tỉnh này có đến 50 đại lý thuốc phiện, và: “Người ta nói rằng ở những vùng hẻo lánh, việc buôn bán được tiến hành bằng bạo lực. Các tàu thuyền và các đồn canh của nhà lĩnh trưng đã tiến hành khám xét tàu thuyền của người Việt Nam, thu giữ giấy thông hành và chỉ trả lại giấy tờ cho họ khi đã thu được thù lao bằng tiền hay bằng hiện vật. Quả thật, những người Hoa lĩnh trưng này rất mạnh và đông, được trang bị tốt đến mức người Việt Nam tưởng rằng họ là (người) của chính quyền Pháp” (Thuốc phiện và chính quyền thuộc địa ở châu Á - Từ độc quyền đến cấm đoán, 1897-1940, NXB Văn Hóa Thông Tin - Viện Viễn Đông Bác Cổ, 2000).

Ở Sài Gòn - Chợ Lớn, ngoài chế biến phân phối thuốc phiện, Ban Hạp còn kinh doanh lúa gạo, mua bán nhà đất, mở hệ thống tiệm cầm đồ.

Ở Cao Miên, Ban Hạp hợp đồng với quốc vương nước này nhận thầu độc quyền mở các tiệm cầm đồ, mua bán lương thực thực phẩm và lập sòng bạc.

Một nghiên cứu của Nola Cooke cho thấy để việc kinh doanh những ngành nghề phức tạp trên địa bàn rộng lớn từ Nam Kỳ đến Cao Miên của mình được thuận lợi, Ban Hạp đã câu kết với các tổ chức xã hội đen với danh nghĩa Thiên Địa Hội ở từng vùng miền (The Heaven and Earth Society Upsurge in Early 1880s French Cochinchina, 2010).

Trong bài viết “Hoa kiều đối với sự khai phát Chợ Lớn” của Đặng Thủy Chính đăng trên tập san Hoa kiều Hoa nhân lịch sử luận tùng (thuộc Sở nghiên cứu Đông Nam Á - Đại học Trung Sơn, tập 1), nhân vật Bang Hạp được nói đến với nghề nghiệp “nhà thầu thu thuế” mà không nêu nghề chính là thầu á phiện, và không rõ dựa vào đâu mà tác giả này cho rằng Bang Hạp cùng với Hoằng Thái được đặt tên đường ở Chợ Lớn. 

Thực tế thì có vài đại phú gia người Hoa được đặt tên đường, cụ thể là đường Wang Tai (nay là đường Phan Huy Chú), đường Huỳnh Thoại Yên (nay là đường Nguyễn Hữu Thận), đường Lý Thành Nguyên (nay là đường Đỗ Ngọc Thạnh), đường Hui Bon Hoa (nay là đường Lý Thái Tổ), nhưng không có đường Ban Hap hay đường Gan Tin Wee.

Trong những tên đường kể trên, Wang Tai là tên ký âm thương hiệu Hoằng Thái, tức tên gọi thông dụng của Trương Bái Lâm (Cheung Ah Lum), một cự phú ngang ngửa với Ban Hạp; Huỳnh Thoại Yên thấy có tên trong bi ký góp tiền trùng tu Ôn Lăng hội quán năm 1869, cũng từng là ủy viên hội đồng thành phố Chợ Lớn; Lý Thành Nguyên là người trong gia tộc Lý Tường Quang (bá hộ Xường); còn Hui Bon Hoa là tên Tây của Chú Hỏa (Huỳnh Văn Hoa).

Tuy rằng Hoa kiều là một bộ phận quan trọng trong lịch sử hình thành và sự phát triển Sài Gòn, nhưng trong tình trạng nghiên cứu không mấy thấu đáo trước giờ đã dẫn đến những sự đề cao quá mức hoặc chưa bóc tách được mặt tích cực với tiêu cực của cộng đồng này, nhất là đối với những tên tuổi thuộc hàng đại cự phú. 

Khác với số đông người Hoa giàu có do cần kiệm thủ tín, những bậc đại cự phú lưu danh nếu không thuộc diện cánh hẩu (nay gọi cho nhã là nhóm lợi ích) thì cũng thuộc hàng làm giàu bất chấp tác hại xã hội như buôn á phiện hay buôn rượu. ■

Bạn đang đọc trong chuyên đề "THƯƠNG HỘI HOA KIỀU NAM KỲ NỬA ĐẦU THẾ KỶ 20"