Nghị định 168

Tuổi Trẻ Cuối Tuần

Nghị định 168

Không nên tăng phạt giao thông lên 200 triệu đồng, chỉ mong phạt đúng và đủ

TIẾN LONG 18/05/2025 16:18 GMT+7

Đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông đến 200 triệu đồng là vấn đề mà rất nhiều người dân quan tâm.

mức phạt - Ảnh 1.

Theo bạn đọc Tuổi Trẻ Online, mức xử phạt giao thông hiện đã khá cao không cần tăng nặng thêm. Các đơn vị cần thực hiện giám sát, xử phạt nghiêm lỗi vi phạm kết hợp nâng cấp hạ tầng giao thông - Ảnh: MINH HÒA

Nêu ý kiến thảo luận tại tổ về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại Quốc hội chiều 16-5, thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân - phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy lên tới 200 triệu đồng.

Mức phạt vi phạm giao thông cần phù hợp với thu nhập?

Trước đề xuất trên, bạn đọc Huy cho rằng tăng mức phạt vi phạm giao thông là cần thiết để răn đe, nâng cao ý thức người dân, đảm bảo an toàn giao thông, giảm ùn tắc hiệu quả.

Nước ta đang áp dụng mức xử phạt hành vi vi phạm giao thông theo nghị định 168 đã hợp lý. Nếu tăng mức phạt lên đến 200 triệu đồng trong khi thu nhập của một số người dân chưa thực sự cao, nên mức phạt này chưa phù hợp với thu nhập.

Việc cần làm trước tiên là phải đầu tư mạnh hơn nữa cho cơ sở hạ tầng giao thông, đưa việc an toàn giao thông vào trong giáo dục tại tất cả các trường học, cấp học.

Đồng tình, bạn đọc Hà Đăng góp ý trường hợp muốn nâng mức xử phạt, các cơ quan chức năng cần dựa trên số liệu thống kê cụ thể để tăng tính thuyết phục.

Trong đó, cần thiết tính toán tăng nặng với những vi phạm mà mức phạt hiện nay chưa đủ răn đe như lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, đậu xe gây tắc đường...

Bạn đọc Alek dẫn chứng những nước có mức phạt vi phạm giao thông rất nặng như Singapore, Thụy Điển, Na Uy... Khi phạt nặng như vậy, các nước này người dân có thu nhập rất cao, các điều luật nhất quán, hạ tầng đồng bộ với hệ thống biển báo hiệu đầy đủ.

Bên cạnh đó, họ kiểm soát giao thông thông minh, hầu hết áp dụng phạt nguội rõ ràng, chính xác. Nhờ đó có những nước như Đức, Hà Lan, Nhật Bản tới nay không cần phạt quá cao mà hiệu quả rất tốt nhờ vào xây dựng hạ tầng, khung pháp lý linh hoạt.

Phạt vi phạm giao thông cần đúng và nghiêm

Bạn đọc Hiệp nhận định: "Luật hiện hành đã đủ răn đe nhưng quan trọng là phải siết thực hiện nghiêm giám sát, xử lý đúng luật, công khai, minh bạch. Luật là do không xử lý triệt để chứ không phải mức phạt không đủ mạnh".

"Đề nghị các đơn vị chức năng hãy tập trung vào cải thiện hạ tầng, biển báo, tuyên truyền giáo dục hành vi hơn là chỉ tăng mức xử phạt bằng tiền", một bạn đọc đề nghị.

Một số bạn đọc khác đồng ý quy định mức xử phạt theo nghị định 168 đã phù hợp. Vấn đề là  cần siết chặt hơn nữa quá trình thực hiện quy định, công tác tuần tra, xử phạt đúng và đủ, đảm bảo tính rõ ràng.

Điều này giúp cải thiện dần ý thức người dân, không để xảy ra tình trạng lờn luật, lơ là chấp hành vì nghĩ "đi sai lỗi nhỏ không bị phạt" hoặc "né cảnh sát giao thông thì không bị phạt". 

Đối với trường hợp cố tình vi phạm gây đe dọa đến an toàn giao thông thì cần kiên quyết xử lý hình sự.

Đặc biệt công tác tuyên truyền nâng cao ý thức từ ghế nhà trường đến xã hội rất quan trọng. Một số hành vi vi phạm giao thông có thể nghiên cứu phạt thêm lao động công ích để nhớ, tránh tái phạm.

Thí điểm dùng công nghệ ghi nhận, phạt tất cả vi phạm giao thông

TS Thái Thị Tuyết Dung cho rằng mức phạt giao thông hiện nay đã rất cao so với thu nhập người dân. Việc chấp hành của người dân vừa qua là tốt.

Tuy nhiên một số trường hợp, việc tuân thủ luật giao thông vẫn chưa cao. Vì vậy cần xem lại các yếu tố khác như cơ chế bảo đảm tuân thủ (xử phạt nghiêm, công bằng…), hạ tầng giao thông hơn là tăng chế tài.

Rõ ràng vi phạm giao thông là vi phạm phổ biến và công khai nên chúng ta dễ nhìn thấy, còn các vi phạm ẩn khác như an toàn thực phẩm, thuế, môi trường… khả năng vi phạm càng cao nữa, nhưng đôi khi không được các đại biểu kiến nghị.

Do vậy mức cao nhất của chế tài giao thông cần tính toán cho phù hợp với các vi phạm trong lĩnh vực khác, phù hợp với đời sống người dân, bởi lẽ đại đa số người dân đều tham gia giao thông.

Thay vì tăng mức phạt, cơ quan thẩm quyền cần ứng dụng công nghệ để ghi nhận và xử phạt các hành vi vi phạm giao thông ở những tuyến đường có hạ tầng, biển báo giao thông chuẩn chỉnh, ví dụ như cao tốc, đường vành đai hay những tuyến đường trục lớn, mật độ giao thông đông đúc như đường Phạm Văn Đồng, Mai Chí Thọ, Nguyễn Văn Linh...

Người tham gia giao thông ở tâm thế sợ phạt hoặc bị phạt liên tục sẽ thay đổi ý thức và hình thành văn hóa chấp hành nghiêm quy định pháp luật. Việc thí điểm sau đó cần mở rộng dần qua các tuyến đường khác.

Mặt khác chế tài hành chính phải đặt trong mối quan hệ với chế tài hình sự. Hiện nay hình phạt tiền trong luật hình sự áp dụng với nhiều hành vi mức phạt khá thấp.

Trong trường hợp nếu nhìn nhận một số hành vi vi phạm an toàn giao thông có thể gây hại, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tính mạng, an toàn xã hội, thì có thể nghiên cứu để chuyển các hành vi đó sang chế tài hình sự.

Mức phạt vi phạm giao thông hiện đã khá cao, việc cần làm là xử phạt đúng và đủ - Ảnh 1.Đại biểu đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông lên 200 triệu đồng

Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy lên tới 200 triệu đồng.

3 tháng thực thi nghị định 168: Vi phạm giảm gần 1/3, cảnh báo tình trạng nhờn luật

HỒNG QUANG 01/04/2025 15:11 GMT+7

Sau 3 tháng thực thi nghị định 168, số vi phạm giảm 31,9% so với cùng kỳ. Ý thức người dân tăng, nhưng Cục Cảnh sát giao thông cảnh báo thời gian gầy đây đã xuất hiện tình trạng nhờn luật.

nghị định 168 - Ảnh 1.

Cảnh sát kiểm tra nồng độ cồn một tài xế ở Hà Nội - Ảnh: HỒNG QUANG

Chiều 1-4, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) thông tin về kết quả sau 3 tháng thực hiện nghị định 168/2024 (từ ngày 1-1 đến 31-3).

Theo đó trong quý đầu năm 2025, cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện, xử lý 728.818 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. So với cùng kỳ, số vi phạm xử phạt giảm 341.519 trường hợp (-31,9%).

Qua đó, đơn vị chức năng đã tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 50.973 trường hợp; 75.202 giấy phép lái xe bị trừ điểm; tạm giữ 203.341 xe cộ các loại.

Một số vi phạm phổ biến trong 3 tháng qua là: vi phạm nồng độ cồn 149.931 trường hợp (giảm 130.340 trường hợp (-46,5%); vi phạm tốc độ 168.598 trường hợp (-35,4%); chở quá số người quy định 5.444 trường hợp (-63,1%); không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông 9.131 trường hợp (-36,6%)…

Cùng thời điểm trên, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí.

Cụ thể, toàn quốc xảy ra 4.440 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 2.446 người, bị thương 3.026 người.

So với cùng kỳ năm 2024, số vụ tai nạn giảm 1.821 (-29,09%), giảm 245 người chết (-3,91%), giảm 1.864 người bị thương (-29,77%).

Đánh giá tình hình chấp hành của người dân thời gian qua đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên Cục Cảnh sát giao thông cho hay thời gian gầy đây đã xuất hiện tình trạng "nhờn luật".

"Một bộ phận nhỏ người tham gia giao thông có dấu hiệu không chấp hành quy định, dù đã biết các chế tài xử phạt đã được tăng nặng theo nghị định 168", đại diện đơn vị này cho hay.

Để chấn chỉnh, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi là nguyên nhân chính gây tai nạn. Việc xử lý vi phạm theo tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", từ đó tạo lập và hình thành văn hóa tham gia giao thông.

3 tháng thực thi nghị định 168: Vi phạm giảm gần 1/3, cảnh báo tình trạng 'nhờn luật' - Ảnh 3.Khai với cảnh sát 'em chỉ uống 2 cốc bia' nhưng nồng độ cồn đo kịch trần

Vi phạm nồng độ cồn mức 0,459mg/l khí thở, nam tài xế cho biết sau trận chơi pickleball, anh được bạn mời 2 cốc bia, dù không uống được nhưng 'khó từ chối'.

Cục Cảnh sát giao thông: Đề xuất mở rộng hệ thống đồng hồ đếm ngược đèn tín hiệu

HỒNG QUANG 14/03/2025 18:29 GMT+7

Cảnh sát giao thông sẽ tập trung tham mưu, đề xuất với UBND cấp tỉnh chỉ đạo đơn vị chức năng hoàn thiện hạ tầng giao thông. Trong đó sẽ khôi phục, mở rộng hệ thống đồng hồ đếm ngược tín hiệu đèn giao thông.

Cục CSGT: Đề xuất mở rộng hệ thống đồng hồ đếm ngược đèn tín hiệu - Ảnh 1.

Người Hà Nội dừng chờ đèn tín hiệu giao thông - Ảnh: HỒNG QUANG

Ngày 14-3, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) thông tin về kết quả sau 2,5 tháng thực hiện nghị định 168.

Cơ quan chức năng đánh giá tình hình trật tự an toàn giao thông có chuyển biến rõ rệt, tai nạn giảm sâu cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ và thời gian trước liền kề.

"Việc thực thi Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và nghị định 168 đã tác động mạnh tới ý thức chấp hành của người tham gia giao thông; bước đầu xây dựng, hình thành văn hóa giao thông, nhất là tại các đô thị lớn" đại diện Cục Cảnh sát giao thông nói.

Thời gian tới lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tập trung tham mưu, báo cáo đề xuất với UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo đơn vị chức năng rà soát, hoàn thiện hạ tầng giao thông theo thẩm quyền.

Trong đó tập trung rà soát, khắc phục, tổ chức hệ thống báo hiệu đường bộ hợp lý; sửa chữa, khắc phục hệ thống đèn tín hiệu; khôi phục hoặc mở rộng hệ thống đồng hồ đếm ngược tín hiệu đèn; bổ sung biển báo hướng dẫn, kẻ vạch phân chia làn đường, phần đường.

Đồng thời cơ quan chức năng sẽ xử lý trật tự đô thị, lấn chiếm lòng, lề đường, trông giữ xe trái phép gây cản trở, ùn tắc giao thông; tăng cường ứng dụng công nghệ trong công tác, nhất là ứng dụng hệ thống camera giám sát vào phát hiện, xử phạt vi phạm.

Theo thống kê, từ ngày 1-1 đến 14-3 cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý 587.075 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Qua đó tước bằng lái 43.195 trường hợp; 58.578 giấy phép lái xe bị trừ điểm; tạm giữ 166.773 xe cộ các loại.

So với cùng kỳ, số vi phạm bị xử phạt giảm 299.111 trường hợp (-38,8%).

Một số lỗi đáng chú ý là: vi phạm nồng độ cồn 121.861 trường hợp (giảm 48,7%); tốc độ 138.725 trường hợp (giảm 35,1%); chở quá tải, quá khổ, cơi nới thành thùng 7.810 trường hợp (giảm 53,7%); chở quá số người quy định 4.527 trường hợp (giảm 62,6%); không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông 7.746 trường hợp (giảm 29%)…

Cụ thể trong thời gian trên, toàn quốc đã xảy ra 3.535 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 1.933 người, bị thương 2.436 người.

So với thời gian trước liền kề, số tai nạn giảm 1.288 vụ (-26,71%), giảm 451 người chết (-18,92%) và giảm 950 nạn nhân bị thương (-28,06%).

Trong khi đó nếu so với cùng kỳ năm 2024, số tai nạn giảm 1.635 vụ (-31,62%), giảm 290 người chết (-13,05%) và giảm 1.621 người bị thương (-39,96%).

Cục CSGT: Đề xuất mở rộng hệ thống đồng hồ đếm ngược đèn tín hiệu - Ảnh 3.Hà Nội công bố 492 ô tô bị phạt nguội trong tháng 2

Các xe vi phạm được hệ thống camera phạt nguội phát hiện ở tất cả khung giờ trong ngày, bao gồm cả lúc nửa đêm, rạng sáng.

TP.HCM tổng rà soát biển báo, đèn tín hiệu, điểm giữ xe gây xung đột giao thông

ĐỨC PHÚ 10/03/2025 19:21 GMT+7

Sở Giao thông công chánh TP.HCM đề nghị các đơn vị liên quan báo cáo kết quả rà soát các bất cập về tổ chức giao thông trước ngày 12-3.

TP.HCM tổng rà soát biển báo, đèn tín hiệu, điểm giữ xe gây xung đột giao thông - Ảnh 1.

Biển cấm rẽ trái trên đường số 9, gần đoạn giao với đường Võ Văn Kiệt (quận 5) bị che khuất tầm nhìn bởi cây xanh - Ảnh: NGỌC KHẢI

Sở Giao thông công chánh TP.HCM vừa có văn bản gửi các trung tâm trực thuộc và các quận, huyện, TP Thủ Đức về rà soát, xử lý tồn tại, bất cập về tổ chức giao thông đường bộ theo yêu cầu của Bộ Xây dựng và Cục Đường bộ Việt Nam.

Theo đó, sở đề nghị các đơn vị, địa phương tiến hành tổng rà soát, kiểm tra hiện trường để kịp thời phát hiện, xử lý các bất cập của hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông, cấp phép và bố trí các điểm dừng đậu, trông giữ xe... gây xung đột giao thông. 

Kết quả rà soát gửi về Sở Giao thông công chánh TP.HCM trước ngày 12-3 để tổng hợp báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam.

Trước đó, Bộ Xây dựng đã có công điện gửi các địa phương, đơn vị liên quan về rà soát biển báo để tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ và triển khai đồng bộ các quy định của pháp luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.

Đối với các tuyến đường bộ đang khai thác, Cục Đường bộ Việt Nam và sở giao thông vận tải các tỉnh thành tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung báo hiệu đường bộ, bảo dưỡng thường xuyên báo hiệu đường bộ trên các tuyến đường đang khai thác. 

Đồng thời bảo đảm báo hiệu đường bộ phải được bố trí hợp lý, khoa học, dễ nhận biết và phù hợp với phương án tổ chức giao thông.

Bộ cũng yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện thay thế báo hiệu trên các tuyến đường bộ đang khai thác theo lộ trình chuyển tiếp được quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về biển báo hiệu đường bộ (QCVN 41:2024).

Đối với các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, sửa chữa đường bộ, các chủ đầu tư dự án tổ chức rà soát thiết kế để điều chỉnh, bổ sung báo hiệu đường bộ cho phù hợp với quy định.

Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường bộ Việt Nam và các sở giao thông vận tải trong phạm vi được giao quản lý hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư triển khai thực hiện việc thi công lắp đặt báo hiệu đường bộ theo đúng quy định…

TP.HCM tổng rà soát biển báo, đèn tín hiệu, điểm giữ xe gây xung đột giao thông - Ảnh 2.Biển báo bị che khuất tầm nhìn, đơn vị quản lý cho biết sẽ kiểm tra

Phản ánh đến Tuổi Trẻ Online, người dân cho biết biển báo tại một số tuyến đường TP.HCM bị che khuất tầm nhìn bởi cây xanh.

Gắn đèn rẽ phải khi đèn đỏ: Không phải giao lộ nào cũng được

CHÂU TUẤN 03/03/2025 16:11 GMT+7

Một số ý kiến cho rằng các giao lộ ở TP.HCM đều có thể gắn đèn rẽ phải khi đèn đỏ.

Gắn đèn rẽ phải khi đèn đỏ: Không phải giao lộ nào cũng được - Ảnh 1.

Đèn đỏ tại giao lộ Lê Duẩn - Tôn Đức Thắng (quận 1, TP.HCM) - Ảnh: CHÂU TUẤN

Liên quan vấn đề này, đại diện Sở Giao thông công chánh TP.HCM cho biết chỉ những giao lộ có ùn tắc kéo dài hoặc đặc thù tổ chức giao thông phức tạp mới được xem xét gắn đèn rẽ phải khi đèn đỏ.

Đồng thời ở những khu vực được lắp, nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng sẽ gây xung đột với người đi bộ, làm gia tăng nguy cơ tai nạn.

"Việc lắp đặt đèn rẽ phải phải dựa trên khảo sát thực tế, có sự phối hợp giữa Sở Giao thông công chánh TP.HCM và lực lượng cảnh sát giao thông. Không thể cứ muốn là lắp ngay được, mà phải có đánh giá tác động giao thông rõ ràng", vị đại diện cho hay.

Do đó khi đi đường, người dân cần quan sát kỹ hệ thống biển báo và đèn tín hiệu tại từng giao lộ, thay vì mặc định rằng luôn có đèn rẽ phải khi đèn đỏ.

Bên cạnh việc điều chỉnh đèn tín hiệu, TP.HCM cũng đang nỗ lực cải thiện hệ thống biển báo giao thông. Vì thời gian qua nhiều người phản ánh tình trạng biển báo bị che khuất bởi cây xanh, mái che của hàng quán hoặc quá nhiều biển báo dày đặc gây rối mắt.

Theo Sở Giao thông công chánh TP.HCM, có nhiều kênh để tiếp nhận phản ánh từ người dân, đơn cử như thông qua đường dây nóng 1022 hoặc fanpge Facebook, đường dây nóng… Sở Giao thông công chánh sẽ điều chỉnh ngay với vụ che khuất biển báo.

Đặc biệt thời gian qua, sở đã hạn chế tối đa biển báo bằng chữ, thay vào đó là sử dụng hệ thống ký hiệu và đèn tín hiệu để tránh gây khó hiểu.

Dù vậy, một số trường hợp che khuất biển báo vẫn khó kiểm soát hoàn toàn, như khi cây xanh bị gãy đổ sau mưa bão hoặc người dân tự ý quay mái che ra vỉa hè. Do đó, Sở Giao thông công chánh khuyến khích người dân chủ động báo cáo các trường hợp này để có cách xử lý kịp thời.

Đồng thời TP.HCM cũng đang từng bước giảm số lượng biển báo không cần thiết để tránh tình trạng rối mắt. Chẳng hạn, một số biển báo như "giao lộ phía trước" và "người đi bộ sang đường" đã được đề xuất loại bỏ ở khu vực nội thành.

Bên cạnh đó, sở đã và đang phối hợp cùng các đơn vị liên quan đẩy mạnh lắp đặt biển chỉ dẫn từ xa để hỗ trợ tài xế tốt hơn, đơn cử tại những nút giao lớn như hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ.

Lắp hàng loạt đèn rẽ phải khi đèn đỏ để giảm kẹt

Trước đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết thành phố đã lên kế hoạch lắp đặt 1.900 bộ đèn tín hiệu giao thông cho xe rẽ phải tại 524 giao lộ để giảm kẹt xe và được chia làm hai đợt.

Đợt 1 (đến cuối tháng 1-2025) lắp ít nhất 500 bộ đèn. Việc lắp đèn rẽ phải đã cho thấy hiệu quả ban đầu, giảm tình trạng kẹt xe tại nhiều giao lộ. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn và hoạt động tốt nhất, việc điều chỉnh thời gian đèn sẽ được theo dõi chặt chẽ.

  Gắn đèn rẽ phải khi đèn đỏ: Không phải giao lộ này cũng được - Ảnh 3.Lắp biển cấm tại nơi không cho rẽ phải, còn lại là 'mặc định' rẽ, được không?

TP.HCM đang lắp nhiều đèn cho rẽ phải để giảm kẹt xe ở các giao lộ. Nhiều ý kiến cho rằng để tiết kiệm, chỉ lắp biển cấm rẽ phải tại nơi không cho rẽ, còn lại là 'mặc định' được rẽ.

Cả nước có đến 20% tai nạn giao thông do lỗi nồng độ cồn, TP.HCM tiếp tục 'siết' xử lý

THU DUNG 28/02/2025 14:16 GMT+7

Đó là thông tin được nêu tại hội nghị triển khai kế hoạch và phổ biến quy định nồng độ cồn với người lái xe tại TP.HCM sáng 28-2.

Cả nước có đến 20% tai nạn giao thông do lỗi nồng độ cồn,  TP.HCM tiếp tục 'siết' xử lý - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thành Lợi - phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM - phát biểu tại hội nghị sáng 28-2 - Ảnh: THU DUNG

Hội nghị do Ban An toàn giao thông TP.HCM tổ chức với thông điệp "Đã uống rượu bia - Không lái xe" thu hút các đơn vị, chuyên gia tham dự, thảo luận.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Lợi - phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM - cho biết thời gian qua các đơn vị phối hợp thực hiện chiến dịch truyền thông kết hợp công tác xử lý các trường hợp vi phạm.

Đến nay công tác này đạt được nhiều kết quả tích cực, kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn TP.HCM.

Cục Cảnh sát giao thông thống kê từ năm 2022 - 2024, cả nước có đến 20% số vụ tai nạn giao thông xảy ra liên quan đến việc người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia. Theo đó, cứ có 5 người chết hoặc bị thương trong các vụ tai nạn giao thông thì có 1 người chết hoặc bị thương do lái xe có sử dụng rượu, bia.

Cả nước có đến 20% tai nạn giao thông do lỗi nồng độ cồn,  TP.HCM tiếp tục 'siết' xử lý - Ảnh 2.

TP.HCM tăng cường xử lý nồng độ cồn kết hợp các biện pháp tuyên truyền góp phần giảm tai nạn giao thông, nhất là các vụ liên quan nồng độ cồn - Ảnh: MINH HÒA

Riêng TP.HCM, năm 2024 xảy ra 1.459 vụ tai nạn giao thông làm chết 472 người và 863 người bị thương. Trong đó có 352 vụ (24,12%) tai nạn giao thông có liên quan nồng độ cồn, làm 132 người chết và 265 người bị thương. Lực lượng cảnh sát giao thông cũng ghi nhận đã xử lý 169.957 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

"Tuyên truyền, siết xử lý đã góp phần lớn cho mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông tại TP.HCM nói riêng. Nhất là sau triển khai nghị định 168, số vụ tai nạn giao thông được ghi nhận đã giảm sâu cả 3 mặt. So với cùng kỳ 2024, 2 tháng đầu năm 2025 (từ 15-12-2024 đến 15-2-2025) giảm 48% số vụ; giảm 20% số người chết; giảm 61% số người bị thương", ông Lợi thông tin.

Dù vậy, từ đầu năm 2025 đến nay TP.HCM tiếp tục kiểm tra xuyên suốt, phát hiện, xử phạt 29.958 trường hợp người lái xe vi phạm nồng độ cồn. 

Do đó ông Lợi nhận định các đơn vị cần phải tiếp tục kiên trì tuyên truyền để kéo giảm các hành vi vi phạm một cách bền vững. Song song đó là công tác tuần tra, xử lý nghiêm đúng quy định. Bởi vì công tác cưỡng chế nghiêm cũng là một cách tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức hiệu quả.

Ban An toàn giao thông TP.HCM cũng đề nghị sở ngành, hiệp hội vận tải, bến xe, bệnh viện... phổ biến, tuyên truyền cho đội ngũ tài xế, người dân. Đồng thời chỉ đạo công an địa phương phối hợp chủ doanh nghiệp, chủ nhà hàng, cơ sở kinh doanh đồ uống có cồn cùng tham gia tuyên truyền đã uống rượu bia thì không lái xe.

"TP.HCM đặt niềm tin, hy vọng rằng người dân tham gia giao thông sẽ nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, dần hình thành nếp sống văn minh, văn hóa cao khi tham gia giao thông.

Chúng tôi mong nhận được sự đồng hành, góp sức từ các sở ngành, đơn vị và người dân để giảm sâu hơn tai nạn giao thông liên quan nồng độ cồn", ông Lợi nhấn mạnh.

Cả nước có đến 20% tai nạn giao thông do lỗi nồng độ cồn,  TP.HCM tiếp tục 'siết' xử lý - Ảnh 1.Áp dụng nghị định 168: Các lỗi vi phạm phổ biến đã giảm rõ rệt

Ngày 21-2, thượng tá Lê Văn Hải, phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP.HCM, đã có những phân tích, đánh giá trật tự an toàn giao thông sau thời gian triển khai nghị định 168, đồng thời tiến tới xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn minh.

Giảm xe máy leo lề, người dân thong thả đi bộ trên vỉa hè

TRẦN HÂN 26/02/2025 14:49 GMT+7

Tình trạng xe máy chạy trên vỉa hè các tuyến đường Nguyễn Tất Thành, Cộng Hòa (TP.HCM)... giảm đáng kể từ khi thực hiện nghị định 168.

Giảm xe máy leo lề, người dân thong thả đi bộ trên vỉa hè - Ảnh 1.

Giờ cao điểm, trên đường Nguyễn Tất Thành xe cộ tấp nập, có thời điểm ùn ứ nhưng xe máy vẫn tuân thủ luật giao thông, không chạy trên vỉa hè

Gần 2 tháng kể từ khi triển khai nghị định 168, theo nhận định của nhiều cơ quan, đơn vị quản lý, tình hình trật tự an toàn giao thông tại TP.HCM có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là các hành vi vi phạm có mức phạt tăng gấp nhiều lần so với trước đây như chạy xe máy trên vỉa hè.

Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online vào giờ cao điểm tại một số tuyến đường trước đây xe máy thường xuyên leo lề như Cộng Hòa (quận Tân Bình), Nguyễn Tất Thành (quận 4), Điện Biên Phủ (quận 3), 3 Tháng 2 (quận 10)... tình trạng này đã giảm đáng kể.

Đơn cử như trên đường Nguyễn Tất Thành, dù dưới đường xe cộ đông đúc nhưng không còn cảnh xe máy chạy trên vỉa hè để đi nhanh như trước. Người đi bộ nay đã có thể thong thả đi trên vỉa hè.

Chị Ngọc - một người dân sống trên đường Nguyễn Tất Thành - chia sẻ 2 tháng qua phần vỉa hè tan nát trước nhà chị đã được "nghỉ ngơi", không phải chịu áp lực từ dòng xe máy tấp nập mỗi ngày. Chị mong phần vỉa hè này sớm được cải tạo, chỉnh trang lại để đảm bảo mỹ quan và an toàn cho người đi bộ.

Giảm xe máy leo lề, người dân thong thả đi bộ trên vỉa hè - Ảnh 2.

Vỉa hè đường Nguyễn Tất Thành nhiều đoạn tan nát sau khoảng thời gian "gánh" dòng xe máy. Người dân mong vỉa hè sớm được cải tạo, chỉnh trang lại

Giảm xe máy leo lề, người dân thong thả đi bộ trên vỉa hè - Ảnh 3.

Người đi bộ thong thả đi trên vỉa hè, không còn phải né tránh xe máy hay thấp thỏm lo sợ va chạm với xe máy chạy từ phía sau lên

Giảm xe máy leo lề, người dân thong thả đi bộ trên vỉa hè - Ảnh 4.

Vỉa hè trên đường 3 Tháng 2 thông thoáng trong giờ cao điểm sáng 25-2. Người dân khu vực cho biết trước đó xe máy thưởng xuyên leo lề để thoát kẹt xe nhưng nay đã giảm đáng kể

Giảm xe máy leo lề, người dân thong thả đi bộ trên vỉa hè - Ảnh 5.

Trên đường Cộng Hòa vỉa hè cũng thông thoáng vào giờ cao điểm

Giảm hẳn cảnh xe máy leo lề ở TP.HCM, người dân thong thả đi bộ trên vỉa hè - Ảnh 9.Đường Nguyễn Tất Thành mỗi chiều ô tô chiếm 2 hàng, xe máy leo vỉa hè

Bạn đọc phản ánh nhiều năm nay, đường Nguyễn Tất Thành, quận 4, TP.HCM trở thành nỗi ám ảnh của người dân do thường xuyên ùn ứ vào giờ cao điểm.

Áp dụng nghị định 168: Các lỗi vi phạm phổ biến đã giảm rõ rệt

MINH HÒA 21/02/2025 08:55 GMT+7

Ngày 21-2, thượng tá Lê Văn Hải, phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP.HCM, đã có những phân tích, đánh giá trật tự an toàn giao thông sau thời gian triển khai nghị định 168, đồng thời tiến tới xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn minh.

Áp dụng nghị định 168: Các lỗi vi phạm phổ biến đã giảm rõ rệt - Ảnh 1.

Lực lượng cảnh sát giao thông TP.HCM xử lý người dân vi phạm - Ảnh: MINH HÒA

Mức phạt tăng nhắm vào lỗi cố ý

Ngày 21-2, thượng tá Lê Văn Hải, phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) Công an TP.HCM, cho biết từ khi nghị định 168/2024 có hiệu lực đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong việc nâng cao chất lượng quản lý giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông.

Minh chứng cho điều này là từ ngày 1-1 đến nay, trên địa bàn TP.HCM chỉ xảy ra 100 vụ tai nạn giao thông, làm 44 người chết, 51 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2024 giảm 123 vụ, giảm 15 người chết, giảm 105 người bị thương.

Theo ông Hải, nghị định 168 có một số điểm mới đáng chú ý, đặc biệt là việc áp dụng trừ điểm giấy phép lái xe và tăng mức phạt đối với một số nhóm hành vi vi phạm thuộc về lỗi cố ý của người cầm lái là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông.

Lý do của việc tăng mức xử phạt xuất phát từ thực tế cho thấy mặc dù công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông được thực hiện thường xuyên nhưng mức phạt trước đây chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng vi phạm vẫn ở mức cao. 

Tình hình tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông còn diễn biến phức tạp.

Vì vậy, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong tình hình mới, việc điều chỉnh mức phạt là cần thiết để xử lý những vi phạm nghiêm trọng và hạn chế tái phạm đối với những trường hợp cố tình vi phạm, coi thường pháp luật. Đồng thời tác động mạnh mẽ đến ý thức, thói quen của người dân, giúp hình thành văn hóa giao thông an toàn, văn minh.

Ý thức được nâng lên sau khi có nghị định 168 

Nghị định 168 cũng có điểm mới, với những vi phạm ít nghiêm trọng, hiện nay người vi phạm không bị tước giấy phép lái xe ngay mà chỉ bị phạt tiền và trừ điểm. Điều này giúp cho người dân có thể sửa đổi hành vi mà không gặp phải những tác động quá nặng nề ngay lập tức.

Mặt khác, đối với một số nhóm hành vi thuộc về lỗi cố ý, là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông thì việc áp dụng mức phạt tăng lên, thậm chí tịch thu xe hoặc tái phạm nghiêm trọng giúp răn đe và làm giảm tỉ lệ vi phạm.

Với các biện pháp xử phạt mạnh mẽ, trừ điểm và phục hồi điểm giấy phép lái xe, nghị định bước đầu đã chứng minh tính hiệu quả trong việc giảm thiểu tai nạn, nâng cao ý thức chấp hành giao thông của người dân, giúp tình hình giao thông trên địa bàn thành phố được cải thiện đáng kể.

Ngoài ra, các vi phạm vốn khá phổ biến như: vi phạm nồng độ cồn, đi trên vỉa hè, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều… cũng giảm đi rõ rệt. 

Người dân đã chủ động trong việc tìm hiểu các quy định của pháp luật cũng như các quy tắc tham gia giao thông an toàn và tự giác chấp hành kể cả khi không có lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra, kiểm soát cho thấy sự thay đổi về mặt nhận thức và ý thức trách nhiệm của từng người dân.

Trong thời gian đầu nghị định 168 được triển khai sẽ có những thay đổi và tác động đáng kể đến đời sống hằng ngày của người dân, kéo theo đó là nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, mọi vi phạm sẽ được xem xét và đối chiếu các yếu tố liên quan để đảm bảo xử lý công bằng, xử lý đúng, không để xảy ra oan sai vì các lý do khách quan.

Các trường hợp xử phạt qua hình ảnh, người vi phạm sẽ được cảnh sát giao thông cung cấp đầy đủ hình ảnh vi phạm để đảm bảo tính chính xác và minh bạch.

Nghị định 168 với việc tăng mức phạt vi phạm giao thông là một bước đi cần thiết nhằm xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn minh. Mỗi công dân cần hiểu đúng để tránh bị các đối tượng phản động, chống đối lợi dụng lôi kéo, dẫn dắt bằng những luận điệu xuyên tạc, lan truyền thông tin sai lệch, bóp méo sự thật gây ảnh hưởng đến việc lập lại trật tự an toàn giao thông.

Hơn 2 tháng, xử lý 21.727 trường hợp vi phạm nồng độ cồn

Đại diện Phòng PC08 cho biết từ ngày 1-1 đến ngày 17-2, cảnh sát giao thông TP.HCM xử lý 64.681 trường hợp vi phạm giao thông. Tạm giữ 57 ô tô, 23.760 xe máy, 1.026 phương tiện khác, tước 8.760 giấy phép lái xe, trừ điểm giấy phép lái xe 2.693 trường hợp.

Trong đó, xử lý 21.727 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 256 trường hợp ma túy; 7.497 trường hợp quá tốc độ; 81 trường hợp quá tải trọng, quá khổ giới hạn; 1.823 trường hợp xe cơ giới không đảm bảo an toàn kỹ thuật, xe tự chế, xe 3-4 bánh; 1.715 trường hợp xe kinh doanh vận tải hành khách...

Hiệu quả của nghị định 168 sau thời gian đầu triển khai - Ảnh 3.Ba tuần thực thi nghị định 168: Số vi phạm bị xử lý giảm, ý thức chấp hành tăng

Trong 3 tuần thực thi nghị định 168/2024, số vi phạm giao thông bị xử phạt giảm hơn 18.100 trường hợp. Người dân đã tự giác chấp hành các quy định ngay cả khi không có lực lượng chức năng, theo đánh giá của Cục CSGT.

Chủ tịch TP.HCM yêu cầu xử lý trách nhiệm nếu thờ ơ về tin báo giao thông từ người dân

THẢO LÊ 17/02/2025 16:58 GMT+7

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi các sở ngành, yêu cầu tăng cường hiệu quả thực hiện nghị định 168 của Chính phủ.

Chủ tịch TP.HCM yêu cầu xử lý trách nhiệm nếu thờ ơ về tin báo giao thông từ người dân - Ảnh 1.

Cảnh sát giao thông điều khiển giao thông trên quốc lộ 1 - Ảnh: P.Q.

Sau hơn một tháng triển khai nghị định 168, trật tự an toàn giao thông đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, xử phạt đã giảm so với tháng liền kề. Người dân nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành nghiêm luật lệ giao thông.

Tuy nhiên thời gian đầu, việc tăng cao mức phạt trong khi chưa kịp thời nâng cấp hạ tầng giao thông đã gây ra những ý kiến trái chiều trên mạng xã hội. Tình trạng không chấp hành hiệu lệnh, chống người thi hành công vụ còn xảy ra. Có trường hợp cán bộ cảnh sát giao thông có hành vi thiếu chuẩn mực, vi phạm các quy định về tư thế, tác phong, văn hóa giao tiếp, ứng xử trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Lợi dụng tình hình trên, các tổ chức phản động nước ngoài, trang cá nhân của một số trường hợp chống đối chính trị đã xuyên tạc, bóp méo sự thật, lan truyền thông tin sai lệch, đã tạo ra những luồng thông tin, dư luận xấu, ảnh hưởng đến việc thực thi nghị định 168.

Để tiếp tục triển khai và tăng cường hiệu quả thực hiện nghị định 168 và Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, chủ tịch UBND TP.HCM giao Công an TP chỉ đạo các đơn vị chấn chỉnh tư thế, tác phong, văn hóa giao tiếp, ứng xử khi thi hành công vụ. Chấp hành nghiêm các quy định, quy trình công tác và điều lệnh Công an nhân dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc lợi dụng nhiệm vụ được giao để trục lợi, nhũng nhiễu, bỏ qua lỗi vi phạm. Việc phát hiện, xử lý các vi phạm phải khách quan, công tâm, đúng vụ việc, đúng hành vi vi phạm và tăng cường xử lý đối với các hành vi là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu Công an TP phối hợp phát hiện, ngăn chặn, xóa bỏ các nội dung, trang web, đường dẫn, hội, nhóm, tài khoản cá nhân trên không gian mạng xuyên tạc, bóp méo sự thật, lan truyền thông tin sai lệch, ảnh hưởng đến việc thực thi nghị định 168. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để răn đe chung.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục phân công cán bộ tiếp nhận phản ánh của người dân trên ứng dụng CSGT, VNeID, VNeTraffic, 1022, Công dân số TP.HCM, TTGT, Help 114...

Xử lý trách nhiệm đối với các cán bộ và lãnh đạo, chỉ huy thờ ơ, thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc tiếp nhận và giải quyết tin báo, phản ánh của người dân về tình hình giao thông trên địa bàn đảm trách.

Hướng dẫn người dân phản ánh các vấn đề giao thông

Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM có trách nhiệm chủ trì, chỉ đạo các cơ quan báo đài đăng tải thông tin chính xác, tích cực về tình hình trật tự, an toàn giao thông. Hướng dẫn người dân phản ánh các vấn đề liên quan trên các ứng dụng hoặc các trang fanpage do Công an TP quản lý. Tránh đăng các thông tin, hình ảnh chưa rõ nguyên nhân, nội dung vụ việc trên các trang mạng xã hội để các đối tượng xấu lợi dụng xuyên tạc.

Tiếp tục tăng cường tuyên truyền về hiệu quả của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ cũng như nghị định 168; những chuyển biến tích cực của tình hình trật tự an toàn giao thông, ý thức của mọi người dân, doanh nghiệp khi tham gia giao thông…

TP.HCM yêu cầu cảnh sát giao thông chấn chỉnh ứng xử khi làm nhiệm vụ  - Ảnh 3.Chuyển biến sau nghị định 168, người dân chấp hành nghiêm ngay cả khi không có cảnh sát giao thông

Người phát ngôn Bộ Công an đánh giá sau hơn một tháng thực hiện nghị định 168, ý thức và hành vi của người tham gia giao thông đã chuyển biến tích cực, người dân chấp hành nghiêm túc hơn các quy định ngay cả khi không có cảnh sát giao thông.

Đi xe máy đeo tai nghe gây tai nạn có thể bị phạt đến 14 triệu

THÀNH CHUNG 16/02/2025 12:11 GMT+7

Trường hợp tài xế đeo tai nghe khi lái xe máy mà gây tai nạn giao thông có thể bị phạt đến 14 triệu đồng, trừ 10 điểm bằng lái xe.

Tài xế xe máy đeo tai nghe tham gia giao thông có thể bị phạt đến 14 triệu - Ảnh 1.

Một shipper bị tổ công tác Đội CSGT Tân Sơn Nhất thuộc Phòng CSGT Công an TP.HCM thổi phạt - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều bạn đọc phản ánh việc thấy nhiều tài xế xe máy, xe công nghệ, shipper... thường xuyên mang theo tai nghe khi đi đường. Hành vi này gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Từ đó, đề nghị cho biết với hành vi này sẽ bị xử phạt như thế nào?

Một số bạn đọc cũng hỏi với tài xế ô tô có được sử dụng tai nghe khi lái xe không?

Mức phạt với tài xế đeo tai nghe khi lái xe máy

Trao đổi về nội dung này với Tuổi Trẻ Online, TS. luật sư Đặng Văn Cường (Hà Nội) cho hay tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định tài xế xe máy không được thực hiện một số hành vi.

Trong đó có sử dụng ô, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính. Như vậy người lái xe máy không được sử dụng "thiết bị âm thanh", trừ thiết bị trợ thính khi lái xe.

Thiết bị âm thanh ở đây được hiểu là tai nghe không dây hoặc tai nghe có dây. Thiết bị này có thể dẫn đến việc mất tập trung khi lái xe, trong khi pháp luật quy định người điều khiển phương tiện tập trung và chú ý quan sát.

Sử dụng thiết bị âm thanh khi lái xe nguy cơ gây tai nạn giao thông rất lớn, bởi vậy hành vi này vi phạm điều cấm của pháp luật.

Người thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, trong trường hợp dẫn đến thiếu chú ý quan sát gây tai nạn giao thông hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Còn tại nghị định 168/2024 quy định xử phạt hành chính từ 800.000 - 1 triệu đồng với tài xế sử dụng ô (dù), thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính), dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác.

Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm còn bị trừ 4 điểm giấy phép lái xe.

Trường hợp sử dụng thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính), dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác khi đang chạy xe máy mà gây tai nạn giao thông thì bị phạt tiền 10 - 14 triệu đồng, và bị trừ 10 điểm giấy phép lái xe.

Tài xế ô tô dùng điện thoại khi lái xe bị phạt ra sao?

Đối với tài xế xe ô tô, theo luật sư Cường, nghị định 168 không có quy định cụ thể về xử phạt với hành vi tài xế sử dụng thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính) khi điều khiển xe.

Tuy nhiên nghị định quy định tài xế sẽ bị phạt 4-6 triệu đồng khi thực hiện hành vi dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang di chuyển trên đường bộ. Cùng với đó sẽ bị trừ 4 điểm bằng lái xe.

Trường hợp sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử mà gây tai nạn giao thông chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự cũng sẽ bị phạt 20 - 22 triệu đồng. Đồng thời, bị trừ 10 điểm bằng lái xe.

Bên cạnh đó trong trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng điện thoại, các thiết bị âm thanh mà thiếu chú ý quan sát dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng thì người điều khiển phương tiện trong tình huống này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Việc này thực hiện theo quy định tại Bộ luật Hình sự với mức hình phạt thấp nhất 1 năm tù, mức cao nhất 15 năm tù.

Tài xế xe máy đeo tai nghe tham gia giao thông có thể bị phạt đến 14 triệu - Ảnh 3.Chạy xe máy đeo tai nghe chỉ đường, nghe nhạc, tông vô người khác

Sau lần bị giật mất điện thoại khi tấp xe máy vào lề xem chỉ đường từ Google Maps, Bảo Ngọc quyết định mua tai nghe không dây để dùng khi chạy xe.

Bạn đang đọc trong chuyên đề "NGHỊ ĐỊNH 168"