Bảo tồn động vật

Tuổi Trẻ Cuối Tuần

Tình trạng mất rừng, suy thoái rừng đang diễn ra nhanh chóng và thu hẹp dần sinh cảnh sống của các loài động vật, trong đó có nhiều động vật quý hiếm. Đã có nhiều động vật quý hiếm chết đi nhưng nguồn gene không được giữ lại, khiến chúng đang bên bờ vực bị tuyệt chủng. Do vậy, việc bảo tồn nguồn gene quý là vô cùng quan trọng nhằm tái tạo và phát triển các loài động vật này.

Người dân ở TP.HCM bắt được chim quý thuộc họ hồng hoàng

NGỌC KHẢI 13/05/2024 20:10 GMT+7

Thấy con chim lạ đậu trên giàn mướp, người dân bắt giao cho kiểm lâm cứu hộ. Kiểm lâm viên ghi nhận đây là niệc mỏ vằn quý hiếm, thuộc họ hồng hoàng.

Kiểm lâm viên tiếp nhận niệc mỏ vằn để đưa về chăm sóc cứu hộ theo quy định - Ảnh: NGỌC KHẢI

Kiểm lâm viên tiếp nhận niệc mỏ vằn để đưa về chăm sóc cứu hộ theo quy định - Ảnh: NGỌC KHẢI

Tối 13-5, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM vừa tiếp nhận một con niệc mỏ vằn do một người dân ở huyện Hóc Môn tự nguyện giao.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, anh Trịnh Đức Hùng (ở xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn) cho biết sáng 12-5, người thân của anh lên sân thượng chăm sóc vườn rau thì thấy một con chim đậu trên giàn mướp nên bắt lại.

Người dân ở TP.HCM bắt được niệc mỏ vằn quý hiếm đậu trên giàn mướp

Anh Hùng qua tìm hiểu thì biết con chim trên là động vật quý hiếm. "Tôi nhìn thấy con chim lạ nghi là động vật quý hiếm, tôi xem trên mạng thì thấy giống niệc mỏ vằn" - anh Hùng nói.

Với mong muốn con chim trên được chăm sóc, nuôi dưỡng và thả về tự nhiên, người thân của anh Hùng đã liên hệ giao con chim trên cho Chi cục Kiểm lâm TP.HCM.

Tiếp nhận con chim trên để đưa về chăm sóc cứu hộ theo quy định, kiểm lâm viên thuộc Chi cục Kiểm lâm TP.HCM ghi nhận đây là niệc mỏ vằn thuộc họ hồng hoàng, giới tính cái, nặng khoảng 1kg. Niệc mỏ vằn trên có tên khoa học là Rhyticeros undulatus, thuộc nhóm IB trong danh mục động vật rừng nguy cấp quý hiếm.

Kiểm lâm viên bước đầu xác định niệc mỏ vằn trên có sức khỏe yếu, bị rụng lông ở phần ngực và chân, bay yếu. "Niệc mỏ vằn trên sức khỏe yếu, bay yếu nên đậu trên giàn mướp nhà người dân" - kiểm lâm viên nhận định.

Giàn mướp trên sân thượng - nơi người thân của anh Trịnh Đức Hùng bắt được niệc mỏ vằn - Ảnh: NGỌC KHẢI

Giàn mướp trên sân thượng - nơi người thân của anh Trịnh Đức Hùng bắt được niệc mỏ vằn - Ảnh: NGỌC KHẢI

Thả con trăn từng nuốt dê của dân về môi trường tự nhiênThả con trăn từng nuốt dê của dân về môi trường tự nhiên

Con trăn lớn 25kg, dài 4m từng nuốt dê của dân tại Cam Lộ (Quảng Trị) đã được thả về môi trường tự nhiên.

NASA lập bản đồ môi trường sống bảo vệ loài nguy cấp

PHƯỚC AN 10/05/2024 11:36 GMT+7

Qua vệ tinh quan sát từ không gian, NASA hỗ trợ các nhà bảo tồn mở rộng môi trường sống an toàn cho các loài động vật hoang dã nguy cấp như hổ, báo đốm, voi...

Vệ tinh NASA đang hỗ trợ theo dõi môi trường sống của hổ để giúp bảo tồn loài động vật hoang dã này - Ảnh: Wildlife Conservation Society/Dale Miquelle

Vệ tinh NASA đang hỗ trợ theo dõi môi trường sống của hổ để giúp bảo tồn loài động vật hoang dã này - Ảnh: Wildlife Conservation Society/Dale Miquelle

Khi dân số con người tăng lên, môi trường sống nhiều loài bị thu hẹp lại. Không có nơi ăn chốn ở, không có mồi để săn, nhiều loài đối mặt với nguy cơ biến mất mãi mãi, trong đó có hổ, báo đốm, voi.

Tìm rừng cho hổ, báo đốm

Hổ đã mất ít nhất 93% phạm vi phân bố lịch sử của chúng, vốn từng trải dài khắp Á - Âu. Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học phát hiện diện tích sống của hổ đã giảm 11%, từ khoảng 1,025 triệu km2 năm 2001 xuống còn khoảng 912.000 km2 vào năm 2020.

Được Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) hỗ trợ, các nhà khoa học đã phát triển một công cụ sử dụng các quan sát của Google Earth Engine và NASA Earth để theo dõi những thay đổi trong môi trường sống của hổ.

Trên cơ sở đó, họ đã lập bản đồ những khu vực rừng rộng lớn không có sự hiện diện của hổ gần đây. "Nếu hổ có thể đến những khu vực đó, thông qua sự phân tán tự nhiên hoặc hoạt động tái hòa nhập, diện tích sinh sống của hổ có thể được tăng lên 50%", các nhà khoa học báo cáo trên tạp chí Frontiers in Protection Science.

Báo đốm từng lang thang từ tây nam nước Mỹ đến Argentina. Nhưng trong thế kỷ qua, chúng đã mất khoảng 50% phạm vi phân bố, theo Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).

Các nhà nghiên cứu đã lập bản đồ khu vực bảo tồn ưu tiên cho báo đốm và các động vật quan trọng khác - Ảnh: FransLanting

Các nhà nghiên cứu đã lập bản đồ khu vực bảo tồn ưu tiên cho báo đốm và các động vật quan trọng khác - Ảnh: FransLanting

Giống như hổ, báo đốm phải đối mặt với nạn săn trộm và mất nguồn thức ăn. Số lượng báo đốm hoang dã dao động từ 64.000 đến 173.000 con và IUCN xếp chúng vào loại sắp bị đe dọa.

Sử dụng máy đo quang phổ hình ảnh có độ phân giải vừa phải (MODIS) và vệ tinh Landsat dùng quan sát Trái đất, các nhà nghiên cứu đã thiết lập khu vực bảo tồn báo đốm tại Gran Chaco, vùng rừng lớn thứ hai ở Nam Mỹ, trải dài từ phía bắc Argentina đến Bolivia, Paraguay, Brazil.

Cứu lấy voi

Voi thích những khu rừng có tán rậm rạp, đặc biệt là dọc theo suối - Ảnh: Derek Keats

Voi thích những khu rừng có tán rậm rạp, đặc biệt là dọc theo suối - Ảnh: Derek Keats

Môi trường sống của voi châu Phi savana (tên khoa học là Loxodonta africana) hiện đang bị thu hẹp dần, chỉ còn chiếm khoảng 15% so với phạm vi phân bố của chúng trước kia. Cùng với đó, số lượng của chúng cũng đã suy giảm.

Một nghiên cứu khảo sát voi châu Phi savana từ năm 2007 đến năm 2014 ước tính số lượng của chúng đã giảm 144.000 con, chỉ còn lại khoảng 352.000 con. Vào năm 2021, IUCN đã đưa voi vào danh sách loài nguy cấp.

Một nghiên cứu gần đây đã sử dụng các chỉ số thực vật thu được từ vệ tinh của NASA và nhiều dữ liệu khác để nghiên cứu loài voi ở Khu bảo tồn quốc gia Maasai Mara của Kenya và voi ở những nơi không được bảo vệ gần đó.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy ở những nơi không được bảo vệ, voi thích những khu rừng có tán rậm rạp, dọc theo suối và tránh những nơi rộng mở như đồng cỏ. Tuy nhiên các nhà nghỉ du lịch lại thường được xây trong những khu rừng như vậy.

Từ đó, các nhà nghiên cứu đề xuất ưu tiên cho voi tiếp cận rừng ở những khu vực không được bảo vệ, còn đồng cỏ thì dùng để phát triển chăn nuôi. Điều này giúp cân bằng giữa nhu cầu phát triển kinh tế và môi trường sống của voi.

Trong khi đó voi châu Á cũng được IUCN xếp vào nhóm có nguy cơ tuyệt chủng. Ở miền nam Bhutan, nạn phá hoại mùa màng và động vật hoang dã tiếp cận các khu định cư của con người đang làm leo thang xung đột giữa người và voi.

Năm 2020 - 2021, nhóm nghiên cứu thuộc Chương trình Nâng cao năng lực của NASA đã hợp tác với các nhóm bảo tồn ở Bhutan lập bản đồ đường đi của voi, qua đó hỗ trợ nhà chức trách vạch chiến lược giúp giảm nguy cơ xung đột giữa người và voi.

Danh lục xanh: Giải pháp bảo tồn bền vững cho Vườn quốc gia Cát TiênDanh lục xanh: Giải pháp bảo tồn bền vững cho Vườn quốc gia Cát Tiên

Việc Vườn quốc gia Cát Tiên tham gia Danh lục xanh sẽ là cơ hội để nâng cao năng lực quản lý rừng, từ đó giúp bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững, cũng như tạo ra những giá trị khác.

Bốn quả trứng vích ‘đổi’ hai năm tù và hơn một tỉ đồng

ĐÔNG HÀ 04/05/2024 12:54 GMT+7

Bốn người mua bán, tàng trữ, vận chuyển bốn quả trứng vích đã phải ‘đổi’ hai năm tù và hơn một tỉ đồng.

Các cơ quan chức năng niêm phong năm quả trứng trong đó bốn quả xác định là trứng vích khi xảy ra vụ án -  Ảnh: CQCN

Các cơ quan chức năng niêm phong năm quả trứng trong đó bốn quả xác định là trứng vích khi xảy ra vụ án - Ảnh: CQCN

TAND huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa xét xử vụ án mua bán, tàng trữ và vận chuyển bốn quả trứng vích.

Theo đó hai bị cáo cùng trú tại Côn Đảo là Lương Kiều Tính (sinh 1980) lãnh 1 năm tù và Phạm Anh Tuấn (sinh 1997, tài xế taxi) lãnh 1 năm tù nhưng được hưởng án treo.

Còn hai nữ du khách là Đỗ Thị Lệ Hoa (sinh 1975, trú thị trấn Lim, huyện Tiên Du, Bắc Ninh) bị phạt 500 triệu đồng và Lê Thị Chi (sinh 1992, trú Q.Hoàng Mai, Hà Nội) bị phạt 550 triệu đồng. 

Bị cáo Hoa là mẹ chồng của bị cáo Chi.

Trước đó sáng 12-6-2023, an ninh sân bay Côn Đảo phát hiện trong valy cá nhân của bà Đỗ Thị Lệ Hoa có năm vật hình tròn nghi là trứng vich. 

Kết quả giám định của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm và Khoa học công nghệ Việt Nam) xác định bốn vật hình tròn trong valy của bà Hoa là trứng vích, vật còn lại không xác định được loài vì không có kết quả trình tự ADN.

Năm vật hình tròn trong đó có bốn vật là trứng vích do bà Đỗ Thị Lệ Hoa vận chuyển - Ảnh: CQCN

Năm vật hình tròn trong đó có bốn vật là trứng vích do bà Đỗ Thị Lệ Hoa vận chuyển - Ảnh: CQCN

Hồ sơ vụ án thể hiện sáng 11-6-2023, bà Đỗ Thị Lệ Hoa cùng gia đình, trong đó có con dâu là Lê Thị Chi, đến Côn Đảo du lịch. Quá trình ở Côn Đảo, Chi có đi taxi do Phạm Anh Tuấn làm tài xế và hỏi Tuấn mua trứng vích.

Tuấn gọi cho Lương Kiều Tính để hỏi mua năm quả trứng vích và được báo giá 250.000 đồng/quả. Tuấn báo lại giá với Chi và bà này đồng ý mua. Trong khi chờ gia đình bà Hoa, Chi ăn tối, Tuấn đến nhà Tính lấy năm quả trứng vích đã luộc mà Tính treo sẵn ở tủ trước nhà chứ không giao trực tiếp.

Khi quay lại đón gia đình bà Hoa về đến khách sạn, Tuấn đưa túi bóng bên trong có năm quả trứng vích cho Chi. Sau đó Chi đưa lại cho bố chồng để ông này mang lên phòng.

Sáng sớm 12-6, bà Đỗ Thị Lệ Hoa cất năm quả trứng vích vào va ly cá nhân của vợ chồng mình để ra sân bay rời Côn Đảo. Nhưng an ninh sân bay phát hiện năm vật hình tròn nghi là trứng vích nên báo với các cơ quan chức năng để xử lý.

Vích mẹ đẻ trứng ở Côn Đảo - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Vích mẹ đẻ trứng ở Côn Đảo - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Đã xử hình sự nhiều vụ liên quan đến tàng trữ, vận chuyển, mua bán trứng vích, thịt vích

Vích hay còn gọi rùa biển là động vật hoang dã quý hiếm, nguy cấp, được pháp luật bảo vệ. Trong những năm qua, các ngành chức năng ở Côn Đảo đã phát hiện và xử lý hình sự nhiều vụ liên quan đến tàng trữ, vận chuyển trứng vích và bộ phận của vích.

Cụ thể năm 2017, TAND Côn Đảo tuyên phạt 10 tháng 17 ngày tù đối với một người vận chuyển 116 trứng vích. Ngoài ra hai người khác cũng phạt cải tạo không giam giữ và một người khác bị phạt 50 triệu đồng vì buôn bán, vận chuyển 30 quả trứng vích.

Năm 2019, hai người khác bị phạt tù hai năm và ba năm sáu tháng tù cũng vì hành vi tàng trữ trứng vích, thịt vích.

Tháng 1-2024, TAND Côn Đảo cũng tuyên phạt một người 30 tháng tù vì tàng trữ 29 quả trứng vích bằng cách ngâm rượu.

Kháng nghị tăng án vụ trộm 116 quả trứng víchKháng nghị tăng án vụ trộm 116 quả trứng vích

TTO - Theo Viện kiểm sát, mức án hơn 10 tháng tù với bị cáo Phạm Văn Tân là quá nhẹ, đề nghị cấp phúc thẩm xử tăng án với Tân.

Cắt sừng tê giác chống được săn trộm, nhưng khiến chúng rơi vào 'bẫy sinh thái'?

TTXVN 30/04/2024 14:11 GMT+7

Nghiên cứu phát hiện tê giác bị mất sừng có khuynh hướng giảm phạm vi sống và ít tương tác hơn với những con tê giác khác.

Hai mẹ con tê giác trong một khu bảo tồn ở Nam Phi - Ảnh tư liệu: Reuters

Hai mẹ con tê giác trong một khu bảo tồn ở Nam Phi - Ảnh tư liệu: Reuters

Trước tình trạng nạn săn trộm tê giác gia tăng, chính quyền tỉnh duyên hải KwaZulu-Natal, Nam Phi đã quyết định cắt bỏ sừng tê giác để cứu mạng sống chúng.

Hoạt động này bắt đầu từ đầu tháng 4 nhưng phải đến ngày 16-4 vừa qua mới được công bố với giới truyền thông.

Sừng tê giác được cắt thế nào?

Hiện có khoảng 27.000 con tê giác thuộc 5 loài khác nhau còn sót lại trên thế giới và Nam Phi là một trong những khu bảo tồn cuối cùng của tê giác. Hàng ngàn khách du lịch đến các khu bảo tồn thiên nhiên của đất nước này mỗi năm để chiêm ngưỡng loài động vật to lớn này.

Tuy nhiên sinh tồn của tê giác đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi những kẻ săn trộm giết chúng để lấy sừng. Theo Bộ Môi trường Nam Phi, số lượng tê giác bị giết tăng từ 448 con vào năm 2022 lên 499 con vào năm 2023. Chỉ riêng trong năm ngoái, 325 con tê giác bị sát hại ở tỉnh KwaZulu-Natal, chiếm 2/3 tổng số tê giác bị giết.

Việc cắt sừng tê giác không phải là biện pháp mới mà đã bắt đầu được áp dụng ở Zimbabwe và Namibia vào cuối những năm 1980. Đến năm 2014, hoạt động này lan rộng sang một số khu vực của Nam Phi với những kết quả tích cực.

Thủ tục cắt sừng tê giác cũng rất phức tạp. Đầu tiên con vật phải được gây mê (thường là phi tiêu được bắn từ trực thăng). Sau đó người ta phải che mắt và tai để con vật ít cảm thấy nhất có thể. Sau đó sừng được cắt bằng cưa máy, để lại khoảng 10 - 15cm ở phần gốc.

Sừng được tạo thành từ hỗn hợp canxi, melanin và keratin và có cấu trúc tương tự như móng ngựa. Quy trình này không gây đau đớn cho tê giác và kết thúc sau khoảng 15 phút.

Vấn đề là vì chiếc sừng phát triển tới 12cm mỗi năm nên cần phải cắt lại sau khoảng 18 - 24 tháng nếu muốn cứu con vật khỏi những kẻ săn trộm. Vườn quốc gia Kruger lớn nhất Nam Phi ước tính mỗi hoạt động tốn khoảng 430 USD.

Cả chương trình cắt sừng tê giác tại Vườn quốc gia Kruger và tại khu bảo tồn Hluhluwe-iMfolozi ở tỉnh KwaZulu-Natal đều được Quỹ Bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF) hỗ trợ. Chương trình này cũng được đa số các nhà bảo tồn ủng hộ, coi đây là một biện pháp đáng tiếc nhưng cần thiết trước tình trạng săn trộm gia tăng.

Tê giác ít tương tác hơn sau khi mất sừng

Mặc dù chính quyền Zimbabwe trước đây tuyên bố rằng việc cắt sừng tê giác không có tác động tiêu cực đến loài vật này, nhưng nghiên cứu gần đây lại chỉ ra điều ngược lại.

Một nghiên cứu được công bố vào năm 2023 trên tạp chí khoa học Kỷ Yếu của Viện hàn lâm Khoa học quốc gia (PNAS), do giáo sư Vanessa Duthé từ Đại học Neuchatel (Thụy Sĩ) điều phối, cho thấy quá trình này làm thay đổi hành vi của tê giác.

Những con tê giác bị mất sừng thường có khuynh hướng giảm phạm vi sống và ít tương tác hơn với những con tê giác khác.

Sau khi theo dõi kỹ lưỡng 368 con tê giác đen trong 15 năm tại 10 khu bảo tồn Nam Phi, Tiến sĩ Duthé và các đồng nghiệp đã kết luận rằng việc cắt sừng có tác dụng bảo vệ chúng khỏi nạn săn trộm và không làm tăng tỉ lệ tử vong tự nhiên.

Tuy nhiên họ cũng quan sát thấy những con vật bị mất sừng đã giảm tới 45% phạm vi sống của chúng và ít có khả năng gặp những con tê giác khác hơn.

Đối với những con tê giác đực có ưu thế to lớn, chúng thường tích cực tuần tra quanh khu vực sinh sống. Nhưng sau khi bị mất sừng, chúng đã giảm số lần tuần tra.

Theo ý kiến của chuyên gia, việc cắt sừng có thể khiến tê giác rơi vào cái gọi là “bẫy sinh thái”. Nói cách khác, tê giác giảm phạm vi sinh sống và có ít khả năng tiếp cận tài nguyên hơn so với khi chúng còn sừng.

Nhưng tiến sĩ Duthé cũng cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy sự tăng trưởng của dân số tê giác nói chung sẽ bị ảnh hưởng và những tác động lâu dài vẫn chưa được xác định, vì vậy các nghiên cứu về di truyền là cần thiết.

Không bằng chứng khoa học nhưng vẫn Không bằng chứng khoa học nhưng vẫn 'mê' mua sừng tê giác

Sau đại dịch COVID-19, trên thị trường xuất hiện sản phẩm mới là cao sừng tê giác được quảng cáo tăng cường sức khỏe, đặc biệt là nâng cao hệ miễn dịch. Nhiều người tin rằng các sản phẩm này có tác dụng, thậm chí có thể chữa bách bệnh.

Nhân viên bảo tồn, kiểm lâm 'tiếp nước' và khoáng chất cho thú rừng mùa khô

TTXVN 14/04/2024 14:28 GMT+7

Đều đặn cứ 2 tuần một lần, lực lượng kiểm lâm vào rừng thực hiện một đợt tiếp nước và muối khoáng cho thú rừng.

Lực lượng kiểm lâm và cán bộ của Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai kiểm tra một bánh muối khoáng dạng “đá liếm” để cung cấp thêm khoáng chất cho động vật hoang dã tại rừng Mã Đà - Ảnh: TTXVN

Lực lượng kiểm lâm và cán bộ của Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai kiểm tra một bánh muối khoáng dạng “đá liếm” để cung cấp thêm khoáng chất cho động vật hoang dã tại rừng Mã Đà - Ảnh: TTXVN

Ông Võ Quang Trung - phó trưởng phòng bảo tồn thiên nhiên và hợp tác, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai - cho biết rừng miền Đông Nam Bộ mùa khô thường kéo dài 6 tháng.

Thời điểm này hầu hết các suối trong rừng đều đã cạn. Do đó việc triển khai các bể tiếp nước giúp thú rừng, đặc biệt là thú móng guốc và các loại động vật nhỏ, có điều kiện tiếp cận với nguồn nước và muối khoáng.

Phương án cải tạo sinh cảnh, cấp nước và muối khoáng cho thú rừng hoang dã, đặc biệt đối với thú móng guốc, đã được Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai triển khai 5 năm nay.

Đơn vị đã xây dựng 68 bể chứa và cống bi tiếp nước, trong đó có 43 bể chứa với dung tích mỗi bể nửa khối, và 25 bể dung tích mỗi bể một khối.

"Tại mỗi điểm tiếp nước, ngoài các bể lộ thiên đặt ngang mặt đất, chúng tôi còn treo các tấm đá liếm để bổ sung muối khoáng cho thú rừng. Các bánh đá liếm chứa khoáng chất được treo vào gốc cây.

Thành phần của đá liếm gồm các khoáng chất như magie, canxi, photpho. Những bánh đá liếm này đã được nhà sản xuất làm sẵn, lực lượng chuyên trách của khu bảo tồn chỉ mua về và treo trên gốc cây tại các điểm tiếp nước, nơi thú rừng có thể dễ dàng tiếp cận", ông Võ Quang Trung cho biết.

Một “chảo tiếp nước” cho voi và động vật lớn được triển khai tại khu rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai 

Một “chảo tiếp nước” cho voi và động vật lớn được triển khai tại khu rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai

Ông Hà Chí Lực, bộ phận quản lý bảo vệ rừng thuộc Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, cho biết ngoài dự án tiếp nước cho động vật móng guốc và các loài thú nhỏ, hiện khu bảo tồn đã xây dựng được 2 chảo voi tiếp nước cho loài voi châu Á.

Các chảo voi này có diện tích hàng trăm mét vuông. Tại các chảo voi, lực lượng kiểm lâm thường xuyên ghi nhận voi đến uống nước.

Lực lượng kiểm lâm và cán bộ của Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai kiểm tra một điểm tiếp nước cho động vật hoang dã tại rừng Mã Đà

Lực lượng kiểm lâm và cán bộ của Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai kiểm tra một điểm tiếp nước cho động vật hoang dã tại rừng Mã Đà

Khoáng chất được tạo thành dạng bánh có chứa magie, canxi, photpho treo vào cây giúp thú rừng đến liếm, bổ sung khoáng chất cần thiết 

Khoáng chất được tạo thành dạng bánh có chứa magie, canxi, photpho treo vào cây giúp thú rừng đến liếm, bổ sung khoáng chất cần thiết

Hai con bò tót đến uống nước tại một điểm tiếp trong rừng được Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai ghi nhận bằng công nghệ “bẫy ảnh” - Ảnh: TTXVN phát

Hai con bò tót đến uống nước tại một điểm tiếp trong rừng được Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai ghi nhận bằng công nghệ “bẫy ảnh” - Ảnh: TTXVN phát

Cánh rừng Mã Đà, nơi đặt các điểm tiếp nước cho động vật được Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai triển khai để cung cấp nước và muối khoáng cho động vật rừng trong mùa khô hạn 

Cánh rừng Mã Đà, nơi đặt các điểm tiếp nước cho động vật được Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai triển khai để cung cấp nước và muối khoáng cho động vật rừng trong mùa khô hạn

Khoảnh khắc Tết của tôi: Chuyến du xuân đặc biệt, đến Bù Gia Mập lì xì cho tê tê, cầy mực, cu li...Khoảnh khắc Tết của tôi: Chuyến du xuân đặc biệt, đến Bù Gia Mập lì xì cho tê tê, cầy mực, cu li...

Rời xa những ồn ã náo động của phố xá, tôi tìm về Vườn quốc gia Bù Gia Mập để du xuân và được lì xì cho tê tê, cu li, cầy mực...

Chỉ còn 2 tê giác trắng phương Bắc, cứu chúng cách nào?

PHƯỚC AN 10/04/2024 14:15 GMT+7

Cả thế giới chỉ còn lại hai con tê giác trắng phương Bắc, và các nhà khoa học đang nỗ lực cứu loài này khỏi tuyệt chủng.

Hai con tê giác trắng phương Bắc cuối cùng còn sống trên Trái đất đang được bảo vệ tại một khu bảo tồn ở Kenya - Ảnh: Ol Pejeta/DPA/TNS/Alamy Live News

Hai con tê giác trắng phương Bắc cuối cùng còn sống trên Trái đất đang được bảo vệ tại một khu bảo tồn ở Kenya - Ảnh: Ol Pejeta/DPA/TNS/Alamy Live News

Theo tạp chí New Scientist, phần lớn hy vọng về tương lai của loài tê giác trắng phương Bắc (Ceratherium simum cottoni) đang được đặt vào những thành viên cuối cùng còn sống sót: Fatu và Najin, một cặp mẹ con tê giác bị vô sinh. Nhưng vì cả hai đều không thể mang thai nên các chuyên gia đang chuyển sang đổi mới về di truyền và sinh sản.

Các nhà nghiên cứu tại Liên minh Động vật hoang dã Vườn thú San Diego ở California đã xem xét tế bào da lấy từ 12 con tê giác trắng phương Bắc khác nhau được lưu trữ trong Vườn thú đông lạnh (Frozen Zoo), một kho lưu trữ vật liệu di truyền từ hơn một nghìn loài khác nhau.

Họ đã sử dụng mô hình máy tính để xem sẽ như thế nào nếu vật liệu di truyền của những con tê giác này được dùng để tạo ra tế bào tinh trùng và trứng, sau đó chuyển thành phôi và cho loài tê giác trắng phương Nam có quan hệ gần gũi (Ceratherium simum simum) "mang thai hộ".

Nhóm phát hiện ra rằng có thể khôi phục quần thể tê giác trắng phương Bắc qua nhiều thế hệ mà không cần Fatu và Najin. 

"Cái hay của việc có nguồn gene nhất quán này trong Vườn thú đông lạnh là chúng tôi có thể liên tục tạo được các cá thể mới ra ngoài và đưa chúng trở lại quần thể", nhà nghiên cứu Aryn Wilder tại Liên minh Động vật hoang dã Vườn thú San Diego cho biết.

Mô hình của họ tiết lộ rằng sau 10 thế hệ, những con tê giác trắng phương Bắc trong các mô phỏng này không phải là loài cận huyết. Thay vào đó, chúng là một nhóm khỏe mạnh, đa dạng về mặt di truyền. Đó là tin tốt cho tương lai của phân loài vì động vật cận huyết có xu hướng dễ mắc bệnh hơn và ít có khả năng sống sót hơn.

Wilder sau đó so sánh gene của những con tê giác mô phỏng với gene của loài tê giác trắng phương Nam, vốn đã phục hồi từ khoảng 100 con vào đầu những năm 1900 lên 20.000 con ngày nay.

"So với tê giác trắng phương Nam, bộ gene của tê giác trắng phương Bắc thực sự có sự đa dạng di truyền cao hơn", cô nói.

Dù vậy, vẫn còn nhiều thách thức. Các nhà nghiên cứu vẫn cần phải kích thích hóa học các dòng tế bào da đông lạnh này thành tế bào gốc trứng và tinh trùng có khả năng sống sót.

Ngoài ra, cũng không có gì đảm bảo rằng những con tê giác trắng phương Nam có thể mang phôi của tê giác trắng phương Bắc thành công.

Có một cách khác để phục hồi tê giác trắng là nhân bản: Các dòng tế bào được lưu trữ có thể được sử dụng để tạo ra bản sao di truyền của động vật đã chết.

Không bằng chứng khoa học nhưng vẫn Không bằng chứng khoa học nhưng vẫn 'mê' mua sừng tê giác

Sau đại dịch COVID-19, trên thị trường xuất hiện sản phẩm mới là cao sừng tê giác được quảng cáo tăng cường sức khỏe, đặc biệt là nâng cao hệ miễn dịch. Nhiều người tin rằng các sản phẩm này có tác dụng, thậm chí có thể chữa bách bệnh.

Thả rùa răng 8kg nhặt trên đường ở Thủ Đức về tự nhiên

NGỌC KHẢI 09/04/2024 15:31 GMT+7

Một con rùa răng 8kg cùng 48 động vật hoang dã do người dân tự nguyện giao cho Chi cục Kiểm lâm TP.HCM vừa được thả về tự nhiên.

Con rái cá vuốt bé được thả về Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) - Ảnh do lực lượng chức năng cung cấp

Con rái cá vuốt bé được thả về Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) - Ảnh do lực lượng chức năng cung cấp

Ngày 9-4, thông tin từ Chi cục Kiểm lâm TP.HCM cho biết đơn vị này vừa phối hợp Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai thả 49 động vật hoang dã về môi trường tự nhiên. 

Số động vật trên chủ yếu do người dân tự nguyện giao nộp cho Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, gồm tê tê Java, rái cá vuốt bé, kỳ đà vân, trăn đất, trăn gấm, khỉ đuôi lợn, khỉ đuôi dài, rùa núi vàng, rùa răng, rùa đất lớn, rùa ba gờ.

Sau thời gian được chăm sóc sức khỏe, cứu hộ tại trạm cứu hộ động vật hoang dã ở Củ Chi, chúng được lực lượng chức năng thả về Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai).

"Khi được về tự nhiên, con rái cá vuốt bé không chạy đi ngay mà quay lại, tỏ vẻ lưu luyến" - một cán bộ kiểm lâm cho biết.

Trong số động vật hoang dã thả đợt này có con rùa răng nặng khoảng 8kg, thuộc nhóm IIB trong danh mục động vật rừng nguy cấp quý hiếm mà Chi cục Kiểm lâm TP.HCM tiếp nhận vào tháng 9-2023.

Con rùa trên do chị Phan Hồ Phương Thảo phát hiện trên đường ở TP Thủ Đức. Chị Thảo đã cùng bạn đem con rùa về nhà, sau đó liên hệ kiểm lâm để giao lại, với mong muốn rùa được thả về tự nhiên.

Khu vực chị Phan Hồ Phương Thảo phát hiện con rùa răng ở trên đường. Chị Thảo sau đó đã giao con rùa cho Chi cục Kiểm lâm TP.HCM - Ảnh: Chị Phan Hồ Phương Thảo cung cấp

Khu vực chị Phan Hồ Phương Thảo phát hiện con rùa răng ở trên đường. Chị Thảo sau đó đã giao con rùa cho Chi cục Kiểm lâm TP.HCM - Ảnh: Chị Phan Hồ Phương Thảo cung cấp

Một số con rùa được thả về tự nhiên - Ảnh do lực lượng chức năng cung cấp

Một số con rùa được thả về tự nhiên - Ảnh do lực lượng chức năng cung cấp

Thả con trăn từng nuốt dê của dân về môi trường tự nhiênThả con trăn từng nuốt dê của dân về môi trường tự nhiên

Con trăn lớn 25kg, dài 4m từng nuốt dê của dân tại Cam Lộ (Quảng Trị) đã được thả về môi trường tự nhiên.

Nhiều loài thú quý hiếm xuất hiện trở lại ở rừng Bạch Mã

NHẬT LINH 20/03/2024 20:22 GMT+7

Nhiều loài thú quý hiếm như mang Trường Sơn, lửng lợn, gà lôi trắng… bất ngờ xuất hiện trở lại ở rừng Bạch Mã, Thừa Thiên Huế.

Loài lửng lợn quý hiếm mới đây được bắt gặp trở lại ở rừng Bạch Mã - Ảnh: VŨ LINH

Loài lửng lợn quý hiếm mới đây được bắt gặp trở lại ở rừng Bạch Mã - Ảnh: VŨ LINH

Ngày 20-3, ông Nguyễn Vũ Linh, giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã, cho biết cán bộ của rừng vừa qua đã may mắn bắt gặp một con lửng lợn tại khu vực rừng do vườn quản lý.

Theo đó chú lửng lợn mà nhân viên của rừng bắt gặp khá lớn, đang đi thong dong trên một tuyến đường tuần tra của kiểm lâm để kiếm ăn. Nó không hoảng sợ mà còn lững thững tiến lại khá gần nhân viên của Vườn quốc gia Bạch Mã.

Nhân viên này đã dùng điện thoại quay lại con lửng lợn và báo cho anh em của vườn.

Ông Linh cho biết sau khi xem clip, mọi người ở Vườn quốc gia Bạch Mã đều mừng rỡ.

"Mấy chục năm làm việc ở vườn, đây là lần đầu tiên tôi tận mắt thấy được loài lửng lợn quý hiếm ngoài đời thật. Khỏi phải nói chúng tôi vui cỡ nào khi tưởng chừng không còn con nào ở rừng", ông Linh nói.

Theo ông Linh, việc lửng lợn xuất hiện ở rừng Bạch Mã chứng minh độ đa dạng sinh học của rừng nơi đây đang dần phục hồi.

Không chỉ lửng lợn, tần suất các loài thú quý hiếm xuất hiện trước bẫy ảnh, ống kính của du khách đã nhiều hơn. Điều thú vị là những loài thú này phần lớn đều tỏ vẻ thân thiện, không bỏ chạy khi thấy người như trước.

Loài mang Trường Sơn quý hiếm được bẫy ảnh ở rừng Bạch Mã chụp lại vào cuối năm 2023 - Ảnh: VƯỜN BẠCH MÃ

Loài mang Trường Sơn quý hiếm được bẫy ảnh ở rừng Bạch Mã chụp lại vào cuối năm 2023 - Ảnh: VƯỜN BẠCH MÃ

Mới đây, một đoàn khách du lịch đã chụp được bức ảnh một đàn gà lôi trắng đi kiếm ăn ở rừng Bạch Mã. Một nhóm khách khác chụp được ảnh của loài mang Trường Sơn - loài cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ. 

"Việc du khách tình cờ gặp những loài thú quý hiếm khi đang tham quan ở rừng Bạch Mã và may mắn chụp được ảnh chúng là kỷ niệm rất khó quên với họ", ông Linh kể.

Theo ông Linh, trong thời gian tới, lực lượng của Vườn quốc gia Bạch Mã sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra, ngăn chặn nạn săn bắt thú rừng.

Lửng lợn là loài thú duy nhất còn tồn tại trong chi Arctonyx thuộc họ chồn, sống trên cạn, tập trung tại Trung và Đông Nam Á. Chúng có bộ lông màu nâu dài trung bình, cơ thể chắc, họng màu trắng, hai sọc màu đen trên một khuôn mặt trắng kéo dài và một cái mõm màu hồng như mõm lợn.

Loài này chủ yếu ăn trái cây, động vật nhỏ và có đặc tính khá hiền lành. Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế đã xếp loài này vào loài sắp bị đe dọa tuyệt chủng trong Sách đỏ IUCN năm 2008 do nạn săn bắt quá mức.

Một số loài vật quý hiếm mới đây được nhìn thấy trở lại ở rừng Bạch Mã:

Một du khách khi tham quan rừng Bạch Mã đã may mắn chụp lại cảnh hai chú mang Trường Sơn quý hiếm đi kiếm ăn - Ảnh: V.LINH

Một du khách khi tham quan rừng Bạch Mã đã may mắn chụp lại cảnh hai chú mang Trường Sơn quý hiếm đi kiếm ăn - Ảnh: V.LINH

Một chú gà lôi trắng quý hiếm đi kiếm ăn trên đỉnh Bạch Mã - Ảnh: V.LINH

Một chú gà lôi trắng quý hiếm đi kiếm ăn trên đỉnh Bạch Mã - Ảnh: V.LINH

Đàn voọc chà vá chân nâu quý hiếm được du khách chụp lại - Ảnh: V.LINH

Đàn voọc chà vá chân nâu quý hiếm được du khách chụp lại - Ảnh: V.LINH

Tết về Bạch Mã, thưởng ngoạn hết miền Tết về Bạch Mã, thưởng ngoạn hết miền 'đại ngàn ngựa trắng'

Du xuân chốn 'đại ngàn ngựa trắng' Bạch Mã, chúng tôi xuyên qua cánh rừng hoang sơ, bát ngát rộng hàng ngàn héc ta, leo Vọng Hải Đài, ngắm toàn bộ thung lũng Bạch Mã sống động, lộng lẫy như một bức tranh.

Đã bắt được khỉ đuôi lợn cắn nữ nhân viên quán cà phê ở quận 12

NGỌC KHẢI 31/01/2024 12:36 GMT+7

Ngày 31-1, lực lượng chức năng đã phối hợp người dân bắt được con khỉ đuôi lợn cắn bị thương nữ nhân viên quán cà phê ở quận 12, TP.HCM.

Con khỉ đuôi lợn bị lực lượng chức năng phối hợp với người dân bắt lại - Ảnh do lực lượng chức năng cung cấp

Con khỉ đuôi lợn bị lực lượng chức năng phối hợp với người dân bắt lại - Ảnh do lực lượng chức năng cung cấp

Cụ thể, sáng 31-1, kiểm lâm viên thuộc Chi cục Kiểm lâm TP.HCM đã phối hợp với chính quyền địa phương và người dân tìm kiếm khỉ tại khu vực xung quanh một quán cà phê trên đường Vườn Lài (phường An Phú Đông, quận 12).

Khi phát hiện con khỉ, kiểm lâm viên đã phối hợp người dân dùng chuối nhử nó vào chuồng và bắt lại.

Khỉ đuôi lợn cắn nữ nhân viên quán cà phê ở TP.HCM

Kiểm lâm viên xác định đây là khỉ đuôi lợn cái, nặng khoảng 3,5kg, tên khoa học là Macaca leonina, thuộc nhóm IIB trong danh mục động vật rừng nguy cấp quý hiếm.

Bước đầu ghi nhận con khỉ đang bị thương rách mu bàn tay bên phải. Con khỉ sau đó được đưa về cứu hộ, chăm sóc sức khỏe theo quy định.

Thông tin từ lãnh đạo UBND phường An Phú Đông, con khỉ này của một nhà dân nuôi. Sáng 29-1, con khỉ sổng ra ngoài và cắn bị thương chị T.T.A.T. (20 tuổi, nhân viên một quán cà phê trên đường Vườn Lài, phường An Phú Đông, quận 12).

Sau khi bị khỉ cắn, chị T. phải đi tiêm ngừa, còn UBND phường An Phú Đông liên hệ Chi cục Kiểm lâm TP.HCM nhờ hỗ trợ bắt con khỉ.

Khỉ đuôi lợn nhà nuôi ở quận 12 sổng ra cắn nữ nhân viên quán cà phêKhỉ đuôi lợn nhà nuôi ở quận 12 sổng ra cắn nữ nhân viên quán cà phê

Nữ nhân viên đang bưng cà phê cho khách tại một quán ở quận 12 (TP.HCM) thì bị một con khỉ đuôi lợn chạy đến cắn vào chân, tay. Lực lượng chức năng đang phối hợp bắt con khỉ trên.

Gấu trúc đỏ 'siêu khó sinh' đẻ con trong vườn thú

MINH ANH 20/01/2024 09:48 GMT+7

Gấu trúc đỏ là loài nổi tiếng khó sinh sản và đang có nguy cơ tuyệt chủng. Hai năm qua, ở Úc chưa có cặp gấu trúc nào sinh con thành công.

Hai mẹ con gấu trúc đỏ - Ảnh: Rebecca Surian

Hai mẹ con gấu trúc đỏ - Ảnh: Rebecca Surian

Theo ABC News, một chú gấu trúc đỏ sơ sinh vừa chào đời tại công viên động vật hoang dã Altina, phía tây thành phố Wagga Wagga, bang NSW. Các nhân viên vườn thú cho biết đây là gấu trúc đỏ con đầu tiên chào đời ở Úc trong 2 năm qua.

Cô Rebecca Surian - người quản lý động vật và điều hành tại công viên Altina - cho biết gấu trúc đỏ thường nhạy cảm trong quá trình giao phối và dễ bị tác động bởi nhiều yếu tố bên ngoài khiến loài này khó sinh sản. Do vậy, sự ra đời của gấu trúc con là điều đặc biệt bất ngờ.

Cô cho biết đây là lần đầu tiên gấu trúc mẹ, tên là Rani, sinh gấu trúc con khi 9 tuổi và là một tin mừng cho một loài đang có nguy cơ tuyệt chủng.

"Chúng tôi vô cùng phấn khích với bé gấu con mới này... Chúng tôi chưa từng nhân giống gấu trúc đỏ, và mới chỉ nuôi loài này được 1 năm", cô chia sẻ.

Cô miêu tả gấu trúc con, hiện chưa được đặt tên, gần như ngủ suốt ngày và khi tỉnh thường "rít nhẹ" như một con mèo con.

Vào giữa tháng 12 năm ngoái, công viên động vật hoang dã Altina cũng chào đón sự ra đời của 3 con vượn cáo lông xù màu đen - trắng, cũng là loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Nói về nỗ lực bảo tồn các loài của vườn thú, cô Surian nói họ chỉ đơn giản để mọi thứ thuận theo tự nhiên.

"Chúng tôi không can thiệp trừ khi thực sự cần thiết… Chúng tôi để mọi thứ diễn ra tự nhiên", cô nói với ABC News.

Chú gấu trúc đỏ mới sinh - Ảnh: Rebecca Surian

Chú gấu trúc đỏ mới sinh - Ảnh: Rebecca Surian

Gấu trúc đỏ có thể sống 23 năm - Ảnh: Rebecca Surian

Gấu trúc đỏ có thể sống 23 năm - Ảnh: Rebecca Surian

Gấu trúc đỏ nguy cơ tuyệt chủng

Gấu trúc đỏ có tên trong danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng của Tổ chức Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).

Chúng được coi là đã trưởng thành hoàn toàn trong khoảng từ 18-24 tháng tuổi và sống trung bình khoảng 10 năm tuổi trong môi trường tự nhiên, hoặc thậm chí có thể sống tới 23 năm. Theo TTXVN, nỗ lực bảo tồn gấu trúc đỏ thực sự gặp khó khăn khi các vườn thú đều chứng kiến loài này gặp khó trong việc sinh sản.

Là loài động vật có vú nhỏ có nguồn gốc từ phía đông dãy Himalaya và tây nam Trung Quốc, gấu trúc đỏ hiện đang bị suy giảm số lượng do hoạt động buôn bán bất hợp pháp, mất môi trường sống, săn trộm và phá rừng. Hiện tại, trên thế giới chỉ còn chưa tới 10.000 con.

Bò tót lai ở Phước Bình sinh bò tót con F3Bò tót lai ở Phước Bình sinh bò tót con F3

TTO - Vườn quốc gia Phước Bình (tỉnh Ninh Thuận) thông tin bò tót lai thuộc thế hệ thứ 2 (F2) đã sinh bò tót con F3 (thế hệ thứ 3).

Bạn đang đọc trong chuyên đề "BẢO TỒN ĐỘNG VẬT"