40 năm việt nam dự olympic toán học: vinh quang, bóng tối và ưu tư

Tuổi Trẻ Cuối Tuần

TTCT - Năm 2014 đánh dấu chặng đường 40 năm Việt Nam tham dự Olympic toán học quốc tế (IMO). Đó là một hành trình dài có đủ cả men say chiến thắng và những bóng mờ buồn bã.

40 năm VN dự Olympic Toán học: Nhìn về một bước đệm thiết yếu

TTCT - Sau thành công của Việt Nam tại IMO 2014, bên cạnh rất nhiều lời ca ngợi dành cho đội tuyển, các cá nhân cùng sự tự hào, phấn khích của các “cổ động viên”, xuất hiện một số quan điểm trái ngược.


Đội tuyển thi Olympic toán lần thứ 55 - năm 2014 - Ảnh: Trịnh Liêm - TTXVN

Có người đặt câu hỏi về tầm quan trọng của một kỳ thi quốc tế, cho rằng IMO chỉ là một cuộc thi mang tính giao lưu giữa những học sinh giỏi toán và chưa có gì đáng tự hào khi có huy chương vàng (HCV) ở những kỳ thi như vậy. 

Có người nghi vấn về ý nghĩa của những chiếc HCV ấy đối với nền toán học nước nhà, đặt câu hỏi tại sao dù đã có nhiều HCV Olympic toán quốc tế nhưng nền toán học Việt Nam sau bao nhiêu năm vẫn rất nghèo nàn so với thế giới.

Từ đây, có ý kiến cho rằng mô hình trường chuyên lớp chọn nặng về “luyện gà nòi” đi thi để lấy thành tích mà không đem lại một ý nghĩa thực tế nào đối với nền khoa học cơ bản và đề xuất xóa bỏ mô hình trường chuyên vốn tồn tại từ rất lâu.

Huy chương để làm gì?

Những ý kiến khác nhau là cần thiết để từ đó có được cái nhìn đa chiều, khách quan và công bằng về sự việc. Nhưng khi cho rằng các kỳ thi Olympic quốc tế toán học hay vật lý thuần túy là các cuộc giao lưu giữa học sinh giỏi của các quốc gia, thi giải những bài toán đã có đáp số mà không giải quyết được các vấn đề nóng bỏng của khoa học hiện nay vốn cần dành cả đời tâm huyết nghiên cứu tận tụy chứ không phải chỉ một cuộc thi là xong, cách nhìn nhận này lại tự dành cho mình một câu trả lời.

Rõ ràng Olympic quốc tế sẽ chỉ ra những bài tập có đáp số thay vì ra đề về những vấn đề nóng bỏng của khoa học để rồi các thí sinh dự thi phải dành cả đời tận tụy để giải thay vì một buổi mấy tiếng đồng hồ như thường lệ. Không rõ tác giả của quan điểm trên kỳ vọng điều gì cao xa hơn vào các học sinh phổ thông?

Quan điểm này cũng cho rằng Fields hay Nobel mới là những giải thưởng danh giá và là mục đích tối thượng của toán học hay vật lý, còn Olympic quốc tế không có vai trò gì. Đáng tiếc, cả Fields hay Nobel đều không phải là mục đích tối thượng của toán học hay vật lý.

Khoa học không tiến lên nhờ các giải thưởng. Khoa học tiến lên vì con người khao khát chinh phục nó. Nobel hay Fields được sinh ra để ghi nhớ, để đánh dấu sự đóng góp của các nhà khoa học, nhờ đó các thế hệ kế cận và toàn nhân loại có thể biết tới.

Nhưng Olympic quốc tế thì khác. HCV Olympic quốc tế chính là một mục đích đối với những người tham dự. Trong điều kiện và khả năng cho phép, không gì tốt hơn cho “sự nghiệp” học tập, sự nghiệp khoa học của một học sinh trung học bằng một HCV Olympic quốc tế. Nhà khoa học nào cũng từng là những học sinh trung học.

Vậy sẽ tốt hơn hay dở đi đối với nền toán học, vật lý học nếu các cô cậu học trò có tình yêu với bộ môn ấy có được một động lực tuyệt vời để phấn đấu và hoàn thiện chuyên môn của bản thân như vậy?

Những suy đoán “ở nước ngoài, họ không đặt mục tiêu đi thi quốc tế lấy giải thưởng, không có luyện thi quốc tế...” hay “học sinh sinh viên ở nước ngoài giải toán rất kém nhưng tư duy khoa học vượt xa học sinh sinh viên của Việt Nam” là không chính xác. Thử nhìn vào danh mục các quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật, Hàn, Singapore, Úc (luôn trong tốp đầu về thành tích trong các kỳ thi Olympic quốc tế), ai có thể khẳng định họ không luyện thi nhưng vẫn có HCV?

Việc Việt Nam từ trước đến nay đã có nhiều học sinh đoạt HCV Olympic toán quốc tế mà sau bao nhiêu năm nền toán học của nước ta vẫn còn nghèo nàn so với thế giới là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau, cho thấy sự mất cân xứng giữa công tác GD-ĐT thế hệ trẻ và công tác phát triển khoa học quốc gia.

Thực tế đó cho thấy nguồn lực được tạo ra đang bị lãng phí, bởi điều kiện làm khoa học ở nước ta vẫn còn nghèo nàn và sự khó khăn từ môi trường làm việc đến đảm bảo điều kiện sống… đã dẫn đến việc một số cá nhân xuất sắc phải bỏ ngành hoặc theo đuổi một cách vất vả, vì thế không đạt được hiệu quả mong muốn.

Đó là những con người có tố chất được rèn giũa một cách thật sự, vấn đề đang gặp phải là chúng ta chưa có đủ điều kiện để phát huy hết khả năng của họ phục vụ khoa học cơ bản của nước nhà.

Cần nói thêm rằng điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam rất khác so với các quốc gia có nền khoa học lâu đời. Khi các công trình khoa học vĩ đại được công bố ở Tây Âu từ các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ nhất và lần thứ hai từ hàng thế kỷ trước, nước ta vẫn đang trong vòng đô hộ của thực dân Pháp, dân không được đi học, cơm còn không đủ ăn.

Trí thức trong nước chỉ có mối bận tâm tìm đường giải phóng cho dân tộc, thoát ách đô hộ. Trải qua các cuộc chiến tranh liên miên, mãi đến nửa cuối thế kỷ 20 chúng ta mới thật sự bắt đầu gây dựng nền khoa học. Đến nay, ta có GS Ngô Bảo Châu, GS Đàm Thanh Sơn - những người minh chứng cho trí tuệ khoa học Việt Nam và đều là sản phẩm của giáo dục phổ thông ở Việt Nam.

Đặc biệt là nhà toán học trong nước được cả thế giới kính trọng - GS Hoàng Tụy, người đã khẳng định tên tuổi của Việt Nam trong làng toán học thế giới thông qua những công trình nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng như Lý thuyết tối ưu toàn cục, Lý thuyết các bài toán cực trị, Quy hoạch lõm…

Đó đều là những niềm tự hào về trí tuệ khoa học của người Việt và là cơ sở vững chắc để chúng ta tin tưởng vào tương lai của nền khoa học nước nhà.

Tìm thế hệ vàng

Trong thành công của bất cứ lĩnh vực nào, dù là khoa học, thể thao, chính trị, quân sự..., nhân tố quan trọng nhất vẫn là con người, tức nguồn nhân lực. Người Brazil sau thất bại ở World Cup vừa qua đã nhìn lại đội tuyển của mình để nhận thấy họ có một lứa cầu thủ kế cận không tốt và tự đặt câu hỏi “bao giờ thế hệ vàng Brazil mới trở lại?”.

Khoa học cũng gần như vậy, luôn cần những thế hệ kế cận chất lượng để tiếp tục tiến lên. Có điều trong thời đại này, con người ngày càng ưa cuộc sống hưởng thụ thì nguồn nhân lực trẻ dành cho khoa học càng bị cạnh tranh dữ dội bởi những ngành nghề dễ kiếm ra tiền khác.

HCV Olympic quốc tế là đỉnh cao nhất mà một học sinh phổ thông yêu khoa học có thể mơ ước tới. Sự danh giá của những huy chương này tạo ra vòng xoáy lan tỏa cạnh tranh ở những kỳ thi cấp thấp hơn như kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố.

Không có các kỳ thi ấy, học sinh nào thiết tha với những bộ môn toán, lý, hóa vốn rất khó, số phận của bộ môn này và các môn khoa học cơ bản khác sẽ ra sao? Môi trường nào cho toán học, vật lý học đỉnh cao?

Và như vậy có thể hình dung tiếp về tương lai nền khoa học cơ bản của nước ta vốn đã yếu mà không chú trọng đào tạo, thu hút nhân lực cho ngành. Trên thực tế, Việt Nam chưa tạo ra được sức hút đủ lớn đối với học sinh vào các ngành khoa học cơ bản. Khâu đào tạo đang có vấn đề và các em đang không được truyền cảm hứng. Điều đó dẫn đến nhiều học sinh giỏi quốc gia đã bỏ dở và lựa chọn ngành nghề khác có tương lai rõ ràng và ổn định hơn.

Trong bối cảnh ấy, hãy nhìn nhận các HCV Olympic của Trần Hồng Quân hay “cú đúp” của Phạm Tuấn Huy vừa qua như một làn gió mát thổi vào toàn bộ hệ thống đang nóng ran, hi vọng sẽ có nhiều học sinh nhìn vào để ngưỡng mộ, để khát khao mà có thêm hi vọng, thêm động lực phấn đấu và thêm niềm tin vào lựa chọn của mình.

Được HCV Olympic rồi, sau này sẽ làm được gì cho nền toán học của nước nhà tùy thuộc vào sự lựa chọn của chính chủ nhân tấm HCV, giai đoạn phổ thông là một bước đệm vượt trội và chúng ta sẽ may mắn nếu học sinh đó tiếp tục lựa chọn phát triển sự nghiệp toán học của mình.

Câu chuyện tiếp theo là làm gì cho một nền khoa học cơ bản trỗi dậy xứng với tiềm năng đó lại là một câu chuyện dài và phức tạp khác.

40 năm VN dự Olympic Toán học: Ra đi và trở về

LÊ ANH HOA 28/07/2014 22:07 GMT+7

TTCT - Suốt thời gian dài, nhiều người từng gắn cho những chủ nhân IMO “những vầng hào quang tưởng tượng” để rồi sốt ruột và thất vọng khi mãi vẫn chưa thấy bóng dáng nhân tài tiếp tục tỏa sáng, trừ một vài trường hợp đặc biệt.

40 năm VN dự Olympic Toán học: Vinh quang, bóng tối và ưu tư

Cuộc thi IMO năm 2011 ở Hà Lan - Ảnh: Mathemazier

Song những năm gần đây, nhiều gương mặt trưởng thành từ “phong trào” IMO đã khẳng định được năng lực và uy tín ở nhiều trường ĐH danh tiếng thế giới, đặc biệt là số học sinh đoạt huy chương IMO theo đuổi con đường toán học ngày một đông hơn.

Tròn 40 năm với 39 lần tham dự IMO, Việt Nam đã cử 232 lượt thí sinh đi tranh tài với học sinh quốc tế, hầu hết đều mang huy chương trở về, trong đó có 52 huy chương vàng.

Những cánh chim cô đơn

Tuy nhiên, số người trưởng thành từ “phong trào” IMO giờ tiếp tục theo đuổi nghiệp toán không nhiều. Nhiều người trong số họ phải chịu cảnh trôi dạt một cách không chủ ý theo guồng quay của thời cuộc và của từng số phận.

Trong một lần tâm sự với các thế hệ đàn em từng đoạt giải IMO, TS Vũ Đình Hòa, giảng viên khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, tâm sự: “Có một điều thấy rõ nhất là sau khi tham dự kỳ thi IMO, hầu hết chúng ta (những thành viên tham gia kỳ thi) đều bị sốc là dường như chúng ta lập tức bị bỏ quên và bị bỏ mặc tự phát triển cá nhân...”.

Những thế hệ chủ nhân giải thưởng IMO đầu tiên sau khi được giải thưởng đều được Nhà nước gửi đi đào tạo ở nước ngoài về ngành toán, chủ yếu ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Tuy nhiên, phần lớn khi vào đời họ đã không ở lại với toán mà chuyển sang lĩnh vực khác, thậm chí như cách nói dân dã của các cựu du học sinh là bỏ “đi buôn”. Một số trụ lại được với toán thì không ngừng vật lộn mưu sinh trong sự cô độc.

PGS.TSKH Vũ Đình Hòa là một trong năm học sinh của đội tuyển tham dự IMO đầu tiên của Việt Nam (năm 1974 tại CHDC Đức). Năm đó, Vũ Đình Hòa đoạt huy chương bạc. Một năm sau anh được Nhà nước cử sang Đức học ngành toán tại Trường ĐH Greifswald. Năm 1984, anh về nước làm việc tại Phân viện Tính toán và điều khiển.

Sự nghiệp của anh khá lận đận, thậm chí có thời gian anh còn bị “bật” ra khỏi biên chế nhà nước. Nhưng số phận lại dẫn dắt khiến anh vẫn gắn bó với nghề dạy toán, với phong trào IMO, mà Ngô Bảo Châu chính là một trong số những học trò đầu tiên. Một số năm anh còn là lãnh đạo đoàn dẫn học sinh Việt Nam tham dự IMO, được gọi là người dẫn đoàn mát tay bởi thời gian đó IMO Việt Nam có nhiều thành tích vượt trội.

GS Nguyễn Tiến Dũng (ĐH Toulous, Pháp) cũng là một điển hình cho sự “bị bỏ quên” sau hào quang IMO. Cho đến nay, Nguyễn Tiến Dũng là người ít tuổi nhất trong số các thành viên IMO Việt Nam đoạt HCV (năm 1985 khi chưa đầy 15 tuổi). Sau đó, dù đang là học sinh lớp 11 nhưng anh được đặc cách tốt nghiệp và được gửi sang Nga học toán ở ĐH Lomonosov danh tiếng.

Trong một bài viết tự thuật (và tự nhận mình là “con cừu đen” của làng toán Việt), anh nhớ lại: “Trong tình hình lộn xộn ở Nga, ít người yên tâm đi theo con đường học thuật. Thế hệ chúng tôi như một thế hệ “bỏ đi”. Ai thức thời biết đường buôn bán làm ăn thì về sau thành đại gia này nọ, tuy cũng có những người vì làm ăn mà mất cả mạng sống ở Nga. Tôi cũng bị sao nhãng nhiều.

Nếu không buôn bán gì thì đói ăn, vì học bổng những năm cuối không còn đủ tiền để mua đồ ăn nữa... Bởi vậy tôi cũng đi làm thêm ở nhà máy, rồi cũng đi buôn”. Nhưng rồi số phận vẫn gắn chặt anh với nghề làm toán. Khi đi dự một hội nghị toán học ở Trieste (Ý), anh được nhận ở lại làm việc.

Chưa tròn 24 tuổi, anh bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ toán học tại ĐH Strasbourg (Pháp) rồi được nhận vào làm ở những trung tâm nghiên cứu, những trường ĐH lớn của Pháp. Hiện anh vẫn là một giáo sư có tiếng trong cộng đồng toán học người Việt trong và ngoài nước.

Năm 1990, Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ, con đường du học của các thành viên đội tuyển IMO rơi vào bế tắc. Nhiều người ở lại học ĐH trong nước, chỉ một số ít người may mắn tìm được đường “ra đi” như Hà Huy Tài - huy chương bạc IMO 32 (1991) - được sang Úc học mà thời gian học ngoại ngữ chỉ vẻn vẹn hai tháng. Hà Huy Tài đã trải qua một thời gian chới với nơi xứ người khi khả năng ngôn ngữ chưa đủ để giao tiếp ở mức tối thiểu.

Những tháng đầu, anh ngồi “nghe và ngủ gật là chính” trong lớp học. Nhờ ý chí và nghị lực của một cựu thành viên đội tuyển IMO, Hà Huy Tài đã kết thúc được quãng thời gian học ĐH ở Úc một cách suôn sẻ. Sau đó, anh xin được học bổng làm nghiên cứu sinh tại ĐH Queen (Canada). Hoàn thành tiến sĩ năm 2000, anh về nước và công tác tại Viện Toán học Việt Nam. Từ năm 2001-2004, anh sang Mỹ làm luận án sau tiến sĩ ở ĐH Missouri - Columbia và hiện là GS giảng dạy ở ĐH Tulane (Mỹ).

Nhiều chủ nhân huy chương IMO khác cũng gặp không ít lận đận. Gần đây, khi đề án đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước (đề án 322) vốn cho phép học sinh đoạt giải quốc tế tham gia đột ngột chấm dứt, việc tìm học bổng du học phải do từng cá nhân tự thân vận động.

Đậu Hải Đăng, huy chương vàng IMO 53 (2012) do mải mê ôn luyện đội tuyển để đi thi quốc tế đã không có thời gian học tiếng Anh nên lỡ nhịp với mùa xin học bổng. Em hiện vẫn học lớp cử nhân tài năng khoa toán Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội).

Những người “sống sót” cùng toán

Theo GS Lê Tuấn Hoa - viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, cả năm thành viên đội tuyển đầu tiên tham dự IMO Việt Nam khi học ĐH đều theo ngành toán, nhưng nay thì ba trong số đó đã rời bỏ đội hình.

“Một anh đã mất (trước đó cũng không còn làm toán), anh Tạ Hồng Quảng sau khi làm xong tiến sĩ về toán thì chuyển sang ngành dầu khí, anh Hoàng Lê Minh cũng làm tiến sĩ toán nhưng sau đó chuyển sang ngành công nghệ thông tin, hiện là viện trưởng Viện Công nghệ phần mềm và nội dung số (Bộ Thông tin và truyền thông). Người duy nhất không được huy chương IMO hồi đó là anh Nguyễn Quốc Thắng thì nay là người duy nhất được phong giáo sư và hiện ở Viện Toán học Việt Nam. Anh Vũ Đình Hòa vẫn có duyên với phong trào IMO” - GS Lê Tuấn Hoa nói.

Có một thời gian dài dư luận bàn tán khá nhiều quanh đề tài học sinh giỏi toán nhưng không đi làm toán, điển hình là những chủ nhân huy chương IMO - tinh hoa của một thế hệ, và từ đó đặt vấn đề nên hay không tồn tại các lớp chuyên toán.

GS Phùng Hồ Hải nhận xét: “Thi toán quốc tế chỉ là một diện rất nhỏ, diện rộng hơn - những học sinh chuyên toán - cũng không quan tâm việc tiếp tục học toán. Toán chỉ là con đường để họ tiếp cận tương lai tốt hơn. Dĩ nhiên việc đó không xấu, nhưng tất cả học sinh chuyên toán đều không đi học toán tiếp thì đó là một mất mát”.

Theo GS Phùng Hồ Hải, đến nay chỉ khoảng 10% trong tổng số thí sinh từng dự thi IMO của Việt Nam còn theo đuổi nghề toán.

“Theo một bạn học người Đức hiện giờ vẫn dẫn đội tuyển IMO Đức đi thi toán quốc tế, hầu hết thí sinh IMO của họ đều gắn bó đời mình với nghiệp toán. Tuy nhiên, tôi không định so sánh bởi cách thức tổ chức tham gia thi IMO của Đức thật sự quy tụ được những học sinh đam mê toán. Nếu Việt Nam cũng như vậy, tôi hi vọng số người trưởng thành từ phong trào IMO theo nghề toán sẽ lớn hơn” - GS Phùng Hồ Hải nói.

GS Ngô Bảo Châu cho rằng cái “được” không thể phủ nhận của phong trào IMO chính là tạo ra một thế hệ người làm toán có chất lượng.

“Kỳ thi IMO không phải là thước đo đánh giá về đẳng cấp toán học của một quốc gia, nhưng những người làm toán tích cực thế hệ tôi trở về sau hầu hết là thành viên đội tuyển IMO và những người thuộc lớp trước, từ anh Nguyễn Tiến Dũng, Phùng Hồ Hải đến Hà Dương, Hà Huy Tài, Nguyễn Chu Gia Vượng... Sau này có Ngô Đắc Tuấn, Đào Hải Long, Bùi Mạnh Hùng... Lê Hùng Việt Bảo, nghiên cứu sinh tại khoa toán ĐH Harvard hiện nay cũng từng là thành viên đội tuyển IMO” - GS Ngô Bảo Châu nói.

Theo GS Lê Tuấn Hoa, nghiên cứu toán học là một nghề thầm lặng nên dư luận không biết vẫn có một thế hệ trẻ tuổi miệt mài làm toán tích cực, dù số này không nhiều. Hầu hết họ đều làm việc ở nước ngoài. Mấy năm gần đây, đặc biệt kể từ khi Viện nghiên cứu cao cấp về toán được thành lập, sự trở về đã tấp nập. Nhiều người đã thực hiện kế hoạch về Việt Nam làm việc với cộng đồng toán học trong nước mấy tháng hè.

“Một người làm toán muốn đạt tới sự thành công để xã hội biết tới phải có ít nhất 15 năm, kể từ ngày họ rời sân chơi IMO. Chúng ta đã biết anh Ngô Bảo Châu. Nhưng kể từ thế hệ anh Ngô Bảo Châu trở về sau sẽ tiếp tục có nhiều người khác khẳng định được mình, dẫu khó có được giải Fields danh giá nhưng họ vẫn thật sự là những tài năng quý giá của cộng đồng toán học người Việt” - GS Lê Tuấn Hoa chia sẻ.

Theo giới chuyên môn, tín hiệu tích cực cho nhân lực ngành toán mà xuất phát điểm từ phong trào IMO không chỉ ở những nhà toán học đang nổi mà còn thể hiện ở xu hướng chọn đường lập nghiệp của các thế hệ IMO sau này. Ngày càng có nhiều bạn trẻ từng đoạt huy chương IMO chọn theo ngành toán khi học ĐH.

Đỗ Kim Tuấn, huy chương đồng IMO 52 (2011) đã đăng ký học Trường ĐH Ngoại thương. Nhưng trước khi nhập học, em cùng mẹ tìm đến GS Hà Huy Khoái (nguyên viện trưởng Viện Toán học Việt Nam) trò chuyện và sau đó quyết định sang học lớp cử nhân tài năng của khoa toán ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội).

Có những học sinh đã vào trường khác học, nhưng vì nhớ toán quá mà lại quay về với toán. GS Phùng Hồ Hải kể về trường hợp em Võ Văn Huy, huy chương đồng IMO 52 (2011): “Bố mẹ Huy đều là nông dân ở Phú Yên, một người em lại bị bệnh nên Huy rất muốn theo học ngành y dược để sau này có điều kiện giúp gia đình. Nhưng vừa rồi khi tôi gặp lại Huy thì được biết em đã quay về học toán ứng dụng ở ĐH Bách khoa TP.HCM và chuẩn bị sang Mỹ du học”.

Ông nói: “Việc những em xuất sắc nhất trong phong trào IMO tiếp tục đi theo ngành toán chủ yếu nhờ môi trường xã hội đang thay đổi, điều kiện kinh tế - xã hội đã thuận lợi hơn, cho phép các em được tự do theo đuổi đam mê của mình. Ngày xưa vì nhu cầu mưu sinh nặng nề, nhiều người thích mấy cũng phải bỏ. Nay các em đã dám mạo hiểm theo đuổi đam mê, kể cả khi xã hội cho rằng điều đó thật điên rồ, đó là một điểm thật đáng mừng”.

40 năm VN dự Olympic Toán học: Vinh quang, bóng tối và ưu tư

THƯ HIÊN 27/07/2014 08:07 GMT+7

TTCT - Năm 2014 đánh dấu chặng đường 40 năm Việt Nam tham dự Olympic toán học quốc tế (IMO). Đó là một hành trình dài có đủ cả men say chiến thắng và những bóng mờ buồn bã.


Đoàn học sinh thi Olympic toán quốc tế lần thứ 30 tại Đức năm 1989. Người đứng là Ngô Bảo Châu - Ảnh: Trịnh Liêm - TTXVN


Bên cạnh những tâm huyết, những nhìn nhận lại và cả những cảnh báo xác đáng, IMO Việt Nam liệu sẽ tìm được một tinh thần mới?

Khởi đầu trong ngất ngây chiến thắng

Việt Nam bắt đầu tham gia IMO năm 1974, khi IMO thật sự trở thành một kỳ thi quốc tế về toán dành cho học sinh. Theo GS Lê Tuấn Hoa - viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, người từng trượt trong kỳ tuyển chọn đội tuyển quốc gia đầu tiên ấy, kỳ vọng lúc đó ở mức “đi thi để học hỏi”.

Trước kỳ thi 3-4 tháng, học sinh ba lớp chuyên toán của Bộ Giáo dục và một số tỉnh được triệu tập để thi chọn đội tuyển. Sau hai vòng thi, chín học sinh được lựa chọn, trong đó có cậu học trò Lê Tuấn Hoa. Đội tuyển được ôn luyện đặc biệt trong ba tháng dưới sự dẫn dắt của sáu thầy giáo giỏi nhất miền Bắc.

Trước khi đi thi, năm trong số chín học sinh có kết quả học tập cao nhất được chọn, dự kỳ thi IMO lần thứ 16 tại CHDC Đức. Kết quả đạt được là một chiến thắng ngoài mong đợi: 4/5 học sinh dự thi đoạt giải (một HCV của Hoàng Lê Minh, 1 HCB của Vũ Đình Hòa, 2 HCĐ của Tạ Hồng Quảng và Đặng Hoàng Trung). Theo danh sách xếp hạng không chính thức, đoàn Việt Nam xếp thứ 13 trên tổng số 18 đoàn dự thi.

Từ đó về sau, chiến thắng tại IMO của đoàn Việt Nam như đã được mặc định, năm nào đoàn Việt Nam cũng có huy chương. Thậm chí từ năm 1978 trở đi, đã đi thi thì hầu hết đều có huy chương, và không thiếu HCV. Kỳ thi năm 1979, truyền thông cả nước ngất ngây bởi thành tích mà Lê Bá Khánh Trình mang về từ nước Anh. Không chỉ đoạt HCV với số điểm tuyệt đối (40/40), Lê Bá Khánh Trình còn được giải đặc biệt do có lời giải độc đáo.

Dù cho đến nay chưa có thêm thí sinh nào lặp lại điều kỳ diệu mà Lê Bá Khánh Trình đạt được, nhưng một số thành tích sáng láng tiếp tục được ghi lên bảng vàng IMO Việt Nam: chín thí sinh đạt điểm tuyệt đối, sáu thí sinh từng hai lần đoạt HCV liên tiếp. Suốt hàng chục năm, vị trí của đoàn Việt Nam luôn ổn định trong top 15, thậm chí top 10 (hai lần đạt vị trí cao nhất đều ở thứ 3: năm 1999 thi tại Romania, năm 2007 tại Việt Nam).

Chín thí sinh đạt điểm tuyệt đối tại các kỳ thi IMO ngoài Lê Bá Khánh Trình còn có Lê Tự Quốc Thắng (1982), Đàm Thanh Sơn (1984), Ngô Bảo Châu (1988), Đinh Tiến Cường (1989), Ngô Đắc Tuấn (1995), Đỗ Quốc Anh (1997), Lê Hùng Việt Bảo (2003), Nguyễn Trọng Cảnh (2003). 

Sáu thí sinh từng hai lần đoạt HCV liên tiếp: Ngô Bảo Châu (1988, 1989), Đào Hải Long (1994, 1995), Ngô Đắc Tuấn (1995, 1996), Vũ Ngọc Minh (2001, 2002), Lê Hùng Việt Bảo (2003, 2004) và Phạm Tuấn Huy (2013, 2014). 

Những điểm tối

IMO là một “sân chơi” tụ hội những học sinh THPT xuất sắc nhất thế giới về môn toán, nhưng cũng là một cuộc thi - nơi tranh tài ai là người giỏi toán nhất trong số những người giỏi toán. 

Như mọi cuộc đua tài, quá trình chạy nước rút để về đích là thời gian lý tưởng cho những rắc rối nảy sinh, khi mà sức hút từ vầng hào quang các chủ nhân giải thưởng IMO quá lớn. Là nơi tập trung cao độ tinh hoa của một thế hệ học sinh nên cho đến nay, các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và chọn đội tuyển quốc gia đi thi IMO vẫn là những kỳ thi có uy tín. 

Nhưng như thường lệ, chuyện gì cũng có bóng tối của nó.

Trong một bài viết gần đây của TS Lê Quang Tiến, cựu thành viên đội tuyển quốc gia Việt Nam dự IMO 17 (năm 1975), anh nhắc đến một số chi tiết có tính chất hậu trường trong việc chọn “gà” đi thi.

TS Tiến viết: “Mặc dù thuần túy chuyên môn nhưng ngay từ năm 1975 đã có vô số yếu tố phi chuyên môn len vào quá trình lựa chọn: phải có đủ thành phần nam, nữ; phải cân đối số lượng giữa các trung tâm “gà” (hồi đó là ĐH Tổng hợp và ĐH Sư phạm). Các thầy từ lò Sư phạm rỉ tai cho “gà” của trung tâm mình đáp án trước các vòng kiểm tra. 

Thêm cả yếu tố đạo đức, lý lịch, thành phần nữa. Trong đội tuyển năm 1975 có một bạn rất giỏi bị loại vì đã tố cáo các thầy Sư phạm “gà” bài cho học sinh trường mình. Lý do: “Thiếu ý thức kỷ luật, có vấn đề về đạo đức”. Có lẽ cũng là vụ “Đồi Ngô” đầu tiên của ngành giáo dục Việt Nam”.

Trong 40 năm qua, thỉnh thoảng dư luận vẫn bàn tán về những tiêu cực xoay quanh chuyện chọn người đi thi IMO. Chẳng hạn, trong số sáu người đi thi thì già nửa thật sự thắng cuộc trong các kỳ tuyển chọn, non nửa còn lại là thành phần “cài cắm” - kết quả của các kênh vận động hành lang.

Nhưng đó vẫn chỉ là những đồn đại thiếu căn cứ. Chỉ đến năm 1999, lần đầu tiên một “nghi án” tiêu cực trong thi học sinh giỏi quốc gia được đưa lên mặt báo. Tác giả bài báo đầu tiên - một giáo viên dạy toán của khối chuyên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - đặt vấn đề: Liệu có rò rỉ đề thi toán trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia?

Nội dung bài viết cho biết có thí sinh phản ảnh một bài toán trong đề thi chọn học sinh giỏi quốc gia giống bài toán của thầy Nguyễn Vũ Lương (nay là hiệu trưởng Trường THPT chuyên ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội) ra cho học sinh chuyên toán đội tuyển tổng hợp. Sau bài viết này, dư luận giáo viên toán và các nhà khoa học gây áp lực đòi Bộ GD-ĐT phải làm rõ.

Theo giải thích của thầy Lương, bài toán thầy ra cho học sinh dựa trên cơ sở một bài toán trong tài liệu tham khảo của Nam Phi, được đưa vào một tài liệu bồi dưỡng học sinh giỏi mà hầu như giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi toán nào cũng biết.

Chung cuộc, sai sót này được cho là do lỗi thuần túy chuyên môn của Bộ GD-ĐT. Sau vụ việc, một số ý kiến cho rằng xìcăngđan này là hệ quả của sự đối đầu giữa hai “ông lớn” Sư phạm và Tổng hợp để giành ngôi vị thống soái trong phong trào thi IMO.

“Lỗi chuyên môn” tiếp tục được lặp lại và được đưa ra công luận ở kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi IMO năm 2005 với mức độ ồn ào hơn. Sự kiện 2005 được TS Trần Nam Dũng - người từng đoạt HCB ở IMO 1983, hiện dạy ở khoa toán ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - viết khá kỹ trong cuốn Kỷ yếu trại hè toán học 2009.

Theo TS Trần Nam Dũng, thoạt tiên báo chí đăng thông tin về sự trùng lặp của bài toán số 3 - một trong hai bài toán khó của kỳ thi - với đề thi học sinh giỏi cấp thành phố mà Sở GD-ĐT Hà Nội vừa tổ chức trước đó không lâu. Sau khi phân tích kỹ đề thi, giới chuyên môn còn phát hiện bài toán số 5 của đề thi gần giống bài 4 của kỳ thi chọn đội tuyển Hàn Quốc năm 2000, còn bài 2 là một trường hợp riêng của bài 6 trong đề thi chọn đội tuyển năm 1997 của… Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong hồi đó, TS Trần Nam Dũng nhận xét: “Trong quy chế đề thi học sinh giỏi quốc gia, chọn đội tuyển quốc tế phải dùng đề chưa được công bố ở đâu vì đề thi thường được các thầy trò đem ra luyện. Tính mới không có trong đề thi như trên làm ảnh hưởng đến việc học hành thi cử rất lớn, gây ra tâm lý học tủ”. Về sau, Bộ GD-ĐT buộc phải tổ chức thi chọn lại.

Gần đây nhất, năm 2013 cũng xảy ra một khúc mắc. Sau một thời gian tập huấn, chín em dự tuyển phải trải qua một cuộc xét tuyển mới được vào danh sách đội tuyển quốc gia dự IMO gồm sáu em. Chủ tịch hội đồng xét chọn đội tuyển quốc gia chính thức là lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Một số đơn thư được gửi đến cơ quan báo chí cho rằng Bộ GD-ĐT làm như thế là vi phạm quy chế, để Trường ĐH Sư phạm Hà Nội “vừa đá bóng vừa thổi còi” do đơn vị này cũng có học sinh tham dự đội tuyển.


Lê Bá Khánh Trình (giữa), HCV IMO 1979, nay là người thầy dẫn dắt các thế hệ IMO sau - Ảnh: citinews.net

Nhọc nhằn đường vinh quang

Thật ra điểm tối được giới chuyên gia tập trung phân tích, rồi buông nhiều lời cảm thán nhất là sự tụt hạng gần như theo chiều thẳng đứng về thành tích tại IMO của đội tuyển Việt Nam mà đáy là năm 2011, kèm theo đó là những báo động về tình trạng thoái trào của phong trào thi học sinh giỏi.

Sau khi đội tuyển IMO Việt Nam từ IMO 52 ở Hà Lan trở về với sáu HCĐ và toàn đội xếp thứ 31 chung cuộc, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ: “Đối với những người làm toán, sự kiện này không chỉ buồn mà còn rất đáng lo ngại”.

Theo GS Ngô Bảo Châu, vấn đề không phải ở thành tích, huy chương mà ở sự thay đổi trong nhận thức của phụ huynh, xã hội trong các kỳ thi Olympic quốc gia và quốc tế.

“Trước đây, có thể chúng ta có một số ảo tưởng cho rằng thành tích các kỳ thi Olympic phản ánh trình độ khoa học của quốc gia, của trí tuệ dân tộc và rồi đặt lên đầu đội tuyển IMO những vầng hào quang tưởng tượng. Những ảo tưởng đó nay về cơ bản không còn nữa. Nhưng tôi hơi lo rằng chúng ta đang đánh đổi một ảo tưởng cũ lấy một ảo tưởng mới về giá trị tuyệt đối của ngoại ngữ, của kỹ năng giao tiếp xã hội, của nghiệp vụ thương mại…” - GS Ngô Bảo Châu nói.

Theo các chuyên gia, dấu hiệu thoái trào của phong trào học toán xuất hiện từ trước đó hàng chục năm, khi mà ngay cả những “đỉnh cao” của phong trào toán học phổ thông cũng không thèm đi học toán khi vào ĐH.

“Thời kỳ khó khăn nhất là thập niên 1990, khi mà toán trở thành vô giá trị nhất với kinh tế thị trường. Thi toán quốc tế là một cơ hội để chúng ta bước vào đời, nhưng không phải bước vào đời cùng với toán mà với cái khác” - GS Phùng Hồ Hải, tổng thư ký Hội Toán học Việt Nam, HCĐ IMO 27 (1986), nhận xét.

Mười năm đầu thế kỷ 21 vẫn tiếp tục là thời gian khó khăn của phong trào học toán, dấu hiệu của nó không chỉ thể hiện trong bảng thành tích của các kỳ thi mà ở thái độ công khai kỳ thị toán. Tháng 11-2005, doanh nhân thành đạt Nguyễn Trung Hà, HCĐ IMO 20 (1978), thẳng thắn tuyên bố: “Người giỏi làm toán là rất lãng phí! Toán học là một thứ vô nghĩa, vô ích với xã hội”.

Để đáp lại lời kết tội này, GS Ngô Việt Trung (lúc đó là viện trưởng Viện Toán học Việt Nam) đăng đàn bằng một bài phỏng vấn dài kỳ nói về thành tựu của nền toán học Việt Nam non trẻ, về những lợi ích không thể chối bỏ mà toán học mang đến cho một nền kinh tế, cho nhân loại…

Nhưng thực tế phong trào học toán phổ thông vẫn không ủng hộ GS Ngô Việt Trung khi mà nhiều năm liên tiếp đội tuyển IMO Việt Nam vẫn bật ra khỏi danh sách top 10. Trong khi đó, những nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore… trước đây không có “cửa” so với Việt Nam thì giờ luôn dẫn trước nhiều bậc!

Tuy nhiên ba năm nay, phong trào thi học sinh giỏi toán nói chung và kết quả của đội tuyển IMO Việt Nam nói riêng đã có những khởi sắc. IMO 53 (2012), đoàn Việt Nam trở về với danh sách top 10 (vị trí thứ 9), IMO 54 (2013) và IMO 55 (2014) đều đứng trong top 10. Một gương mặt mới xuất hiện một cách thuyết phục: Phạm Tuấn Huy (Trường phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM) với thành tích hai năm liên tiếp đoạt HCV.

Dẫu chưa có những bài thi đạt điểm tuyệt đối như thế hệ các chủ nhân IMO Việt Nam trước đây đã xác lập, nhưng với những điều chỉnh đúng hướng trong chính sách dành cho học sinh giỏi, IMO đã đi vào đúng quỹ đạo của nó, là cuộc chơi xứng đáng dành cho những học sinh thật sự đam mê toán. Và người ta bắt đầu nói đến một triển vọng mới, tinh thần mới cho IMO Việt Nam.

Bạn đang đọc trong chuyên đề "40 NĂM VIỆT NAM DỰ OLYMPIC TOÁN HỌC: VINH QUANG, BÓNG TỐI VÀ ƯU TƯ"