Chủ nghĩa phải đạo lên ngôi

Tuổi Trẻ Cuối Tuần

TTCT - Sự thống trị của hệ tư tưởng “phải đạo” đã diễn ra trong nhiều năm và hầu như không một ai vùng vẫy thoát khỏi nổi cái vòng kim cô “phải đạo” đó. Thoạt kỳ thủy, đây là những ý tưởng nhân văn, tiến bộ như nam nữ bình đẳng, chống lại kỳ thị chủng tộc, tôn trọng dân nhập cư, không phân biệt tôn giáo… Nhưng những tiếng nói cổ vũ cho tư tưởng cấp tiến như thế dần trở thành tiếng nói độc tôn, như thể đang nắm chân lý trong tay, gạt bỏ tức khắc mọi ý kiến khác biệt, dán cho chúng cái nhãn “không

Sự tai hại của văn hóa “xóa sổ”

NGUYỄN VŨ 27/07/2020 22:14 GMT+7

TTCT - Văn hóa “xóa sổ” là cách dịch tạm thời cụm từ “cancel culture”. Nghĩa bình thường của “cancel” là hủy bỏ (như hủy bỏ đăng ký với Netflix, hủy bỏ một đơn hàng mua qua mạng…), nay “cancel” còn được dùng để “tẩy chay”, “vứt bỏ”, “xóa sổ” một con người. Hiện tượng này đang lan truyền tai hại như một virus và sẽ còn tiếp diễn như một đặc điểm của thế giới nửa thực nửa ảo hiện nay.

Minh họa của Wall Street Journal

 Năm ngoái, năm kia người bị “xóa sổ” thường là các nhân vật nổi tiếng trong ngành giải trí như diễn viên hài hay người có tầm ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội. Năm nay, đặc biệt sau phong trào chống phân biệt chủng tộc dâng cao bắt đầu từ Mỹ và lan sang các lục địa khác, bị “xóa sổ” lại là các nhà báo, nhà văn và nhiều nhất là các giáo sư, nhà nghiên cứu. 

Giới trí thức nói chung đang kháng cự nhưng chưa biết có thành công hay không.

Chuyển hướng đáng lo của văn hóa “xóa sổ”

Văn hóa “xóa sổ” nổi lên từ phong trào #MeToo, là phong trào phụ nữ đứng lên tố cáo, lên án những kẻ từng quấy rối tình dục họ trong quá khứ. Những nhân vật bị tố cáo, thường là nhân vật nổi tiếng, sau đó bị tẩy chay; các nơi từng tuyển dụng, thuê mướn sẽ hủy hợp đồng, gạt bỏ anh ta sang một bên.

Sau chuyện quấy rối tình dục, các hành vi khác cũng dẫn tới chuyện “xóa sổ” như thói trọng nam khinh nữ, phản ứng hôn nhân đồng giới, chê trách những người chuyển giới và mấy tháng gần đây là thái độ phân biệt chủng tộc.

Một người bị tấn công, ném đá trên mạng xã hội, kể cả bị đám đông lăng mạ, hạ nhục cũng chưa gọi là bị “xóa sổ”. Họ chỉ bị “xóa sổ” chừng nào việc tấn công đó dẫn tới chuyện sự nghiệp của họ bị ảnh hưởng, tên tuổi bị xóa nhòa, hợp đồng việc làm bị hủy bỏ. 

Trong hai năm qua, báo chí đưa tin nhiều vụ “xóa sổ” đình đám. Kevin Hart là một diễn viên hài nổi tiếng được mời làm người điều khiển chương trình trao giải Oscar năm 2019. Đùng cái, bỗng liên tiếp xuất hiện các cuộc “đào mộ quá khứ” anh ta, lôi ra chuyện nhiều lần anh này kể chuyện cười chọc quê dân đồng tính từ hồi những năm 2011, 2012. Kevin Hart vì thế mà mất luôn hợp đồng Oscar. 

Hàng loạt nhân vật bị “xóa sổ” kiểu đó, từ ca sĩ Taylor Swift đến đạo diễn Woody Allen; từ nhà văn JK Rowling đến cả những nhân vật đã khuất như Michael Jackson...

Văn hóa “xóa sổ” đang chuyển hướng. Không còn chuyện người hâm mộ hay người theo dõi tẩy chay, quay lưng. Không còn chỉ là những phát ngôn gây tranh cãi nhưng thường là vô thưởng vô phạt. Nay chuyện “xóa sổ” nhắm đến giới trí thức, đặc biệt là các giáo sư đang dạy ở các trường đại học; người kêu gọi “xóa sổ” thường là đồng nghiệp, người cùng ngành, nhiều lúc chính là sinh viên đang học với họ.

Một giáo sư ở California bị điều tra và buộc phải xin lỗi sau khi đọc lá thư của Martin Luther King - “Letter from Birmingham Jail” - chỉ vì trong thư này có dùng từ “Negro”, một từ để gọi người da đen mang tính miệt thị. Nên nhớ đây là nguyên văn bức thư của nhà đấu tranh chống phân biệt chủng tộc nổi tiếng!

Một giáo sư khác ở Michigan bị sa thải vì chia sẻ một nghiên cứu cho rằng không hề có thiên kiến màu da trong các trường hợp cảnh sát Mỹ bắn thường dân. Không thể kể hết các trường hợp tương tự diễn ra từ đầu năm đến giờ. 

Gần đây nhất là vụ giáo sư Steven Pinker, một nhà giáo nổi tiếng của Đại học Harvard, tác giả nhiều cuốn sách bán chạy, cuốn mới nhất (The Better Angels of Our Nature: Why Violence Has Declined) được Bill Gates chọn làm cuốn sách ông ưa thích nhất. Hơn 550 học giả khác cùng ký tên vào một lá thư đòi tước danh hiệu “nhà nghiên cứu xuất sắc” của ông trong Hiệp hội Ngôn ngữ học Mỹ với cáo buộc giáo sư Pinker làm “giảm nhẹ các bất công” do phân biệt chủng tộc gây ra. 

Điều khó hiểu là cáo buộc của các học giả này không dựa vào các công trình của Pinker mà nhắm vào 6 mẩu tweet ông viết từ năm 2014.

Sau giáo sư đại học, nhóm người bị “xóa sổ” nổi bật là các nhà báo. Một số vụ tiêu biểu có thể kể như tổng biên tập Adam Rapoport của tờ Bon Appétit mất chức vì tấm ảnh chụp ông hóa trang bôi mặt màu nâu trong dịp lễ Halloween vào năm 2003. 

Trưởng ban chuyên mục Ý kiến của tờ New York Times cũng mất việc làm sau khi cho đăng bài ý kiến của một thượng nghị sĩ đòi Chính phủ Mỹ đem quân đội vào trấn áp những kẻ hôi của, phá phách nấp sau các cuộc biểu tình phản đối bạo lực của cảnh sát.

Khi văn hóa “cancel” đi quá xa

Tình hình “căng” đến nỗi 153 nhân vật nổi tiếng cùng ký vào một bức thư ngỏ đăng trên tạp chí Harper’s, cảnh báo về một bầu không khí không khoan dung, không còn tranh luận lành mạnh đang ngự trị.

Bức thư không nêu trường hợp cụ thể mà khái quát: “Biên tập viên bị sa thải vì cho đăng các bài gây tranh cãi; sách bị thu hồi vì bị cho là không chân thật; nhà báo bị cấm viết một số đề tài; giáo sư bị điều tra vì trích dẫn tác phẩm văn chương trong lớp; nhà nghiên cứu bị đuổi việc vì lưu truyền một nghiên cứu học thuật đã được bình duyệt; người đứng đầu các tổ chức bị gạt sang bên đôi lúc chỉ vì những sai sót do vụng về”.

Bức thư vẽ nên bức tranh đáng sợ về văn hóa “cancel” đang làm tắc nghẽn dòng chảy thông tin và ý tưởng, không dung thứ các quan điểm trái chiều, cùng trào lưu hùa nhau bêu xấu... 

Đáng ngại hơn cả là các tổ chức, kể cả doanh nghiệp trong nỗ lực kiểm soát tình hình đã đưa ra những hình phạt vội vàng nhằm xoa dịu đám đông cuồng nộ. Các tác giả bức thư mong muốn có một nền văn hóa sẵn sàng chấp nhận mọi thử nghiệm, chịu rủi ro và thậm chí cả sai lầm, miễn sao họ được quyền bất đồng ý kiến mà không phải nhận chịu hậu quả xấu về nghề nghiệp.

Bức thư ngắn, lời lẽ chừng mực nhưng ngay sau đó cũng bị cộng đồng mạng săm soi phê phán. Song các luận điểm phê phán lại nhắm tới các cá nhân ký tên vào bức thư chứ không đề cập đến nội dung thư. Những nhân vật ký tên có thể kể đến Noam Chomsky, Francis Fukuyama, Salman Rushdie. Cũng có những người từng bị “cancel”, từng bị mất việc như tổng biên tập Ian Buruma, luật sư Ronald S. Sullivan Jr. và gần đây nhất là nhà văn nữ J.K. Rowling. 

Nhiều người săm soi đếm xem trong 153 nhân vật này bao nhiêu người có tài sản trên 1 triệu đôla bởi phần lớn trong danh sách là người giàu. Có người khăng khăng cho rằng lá thư là minh họa rõ nhất cho nghịch lý: chỉ những ai không bị “cancel” mới lên tiếng về văn hóa “cancel”, ý nói đây toàn là những tên tuổi lớn có sẵn diễn đàn, khó ai “xóa sổ” cho được! Cũng có người mỉa mai chính một số nhân vật ký tên đã từng đòi “xóa sổ” người khác.

Điều đáng buồn là có ít nhất hai nhân vật đồng ý ký tên vào bức thư ngỏ nay đòi rút. Nhà văn, nhà báo Jennifer Finney Boylan nói bà không biết ai là người đồng ký tên cho đến khi bức thư được xuất bản. Khi biết rồi thì bà tỏ vẻ hối tiếc đã ký cùng với những nhân vật này. Sử gia Kerri Greenidge thẳng thừng đòi Harper’s cải chính rút tên bà ra.

Trong cuộc tranh luận về văn hóa “xóa sổ”, thật khó minh định ai đúng ai sai. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, các ý kiến phản đối những nhân vật từng bị “xóa sổ” có thể là xác đáng; vấn đề nằm ở chỗ cách thức họ đòi “xóa sổ” một con người bất kể các nguyên tắc về quyền tự do ngôn luận. 

Thứ nhất, người đòi “xóa sổ” một nhân vật nào đó thường thể hiện sự “độc quyền chân lý”, cứ nghĩ họ biết ai nên nói điều gì và không được nói điều gì. 

Thứ hai, thay vì tranh luận ngay và chính xác vào nội dung họ nghĩ người đáng bị xóa sổ đang nói sai, họ lại tấn công cá nhân và thường gây sức ép để cơ quan hay công ty người đó đang làm việc phải sa thải, chấm dứt hợp tác hay ít nhất cũng là bịt miệng không cho họ nói nữa.

Lấy ví dụ bức thư ngỏ, những bài viết phản đối bức thư đa phần không đi vào nội dung thư để tranh luận mà lại tấn công các cá nhân ký tên. Đây là điểm mấu chốt. Phản đối hay đồng tình một bức thư ngỏ là phản đối hay đồng ý với ý kiến bức thư nêu lên. Người ký tên thường có một bề dày hoạt động rất đa dạng, có lúc trùng khớp với những người ký tên khác nhưng chắc chắn cũng có lúc ngược lại. Không thể dùng lịch sử của một người ký tên để bác bỏ toàn bộ lá thư. Càng không thể vin vào một hành động cụ thể để “xóa sổ” hoàn toàn một con người có lịch sử cá nhân đa dạng.

Ảnh hưởng của nền văn hóa “xóa sổ” mới này là rất rõ. Môi trường học thuật ở các trường đại học nay bị co hẹp lại; giáo sư ăn nói phải dè chừng vì sợ sinh viên đòi “xóa sổ”. Giới nghệ sĩ lên nhận giải thưởng nay tốt nhất là nói về quyền của động vật cho lành. Giới nhà báo nay có trong đầu danh mục các đề tài cấm kỵ, không nên bàn đến.

Bởi thế nên câu chuyện văn hóa “xóa sổ” vẫn sẽ còn tiếp diễn như một đặc điểm của đời sống nửa thực nửa ảo, nửa ngoài đời nửa trên mạng hiện nay.■

Trong lá thư tuyên bố từ chức gửi cho chủ bút tờ The New York Times, nhà báo Bari Weiss than thở rằng hiện nay ở tờ báo này, việc tò mò tìm hiểu các đề tài nhạy cảm là chuyện cấm kỵ, thay vì viết những điều chỏi tai độc giả, tốt nhất là “cứ viết thêm một bài thứ 4.000 lập luận Donald Trump là mối nguy cho nước Mỹ và cho thế giới”; biên tập viên và phóng viên tránh xa loại bài được xem có nguy cơ bị phản ứng trong nội bộ hay trên mạng xã hội và tự kiểm duyệt đã trở thành chuyện bình thường.

Bari Weiss cũng là người ký tên vào bức thư ngỏ trên tạp chí Harper’s. Sau khi bức thư được công khai, Bari Weiss cũng bị lôi ra cho “ăn đòn” với những người tố cáo chính cô từng là người đòi “xóa sổ” các giáo sư mà cô xem là có quan điểm chống lại Israel lúc cô còn học ở Đại học Columbia.

Khi chủ nghĩa “phải đạo” lên ngôi

NGUYỄN VŨ 21/06/2020 17:06 GMT+7

TTCT - Nước Mỹ đang vào một đợt cao trào “phải đạo” - nghĩa là ăn nói phải biết lựa lời cho khéo, cho hợp tình hợp cảnh, hợp với trào lưu. Bằng không, nhẹ thì bị tấn công trên mạng xã hội, báo chí; nặng có thể mất việc như chơi.

Ảnh: Guardian
Ảnh: Guardian

Hôm 10-6 vừa qua, CNN cho biết bộ phim kinh điển Cuốn theo chiều gió làm từ năm 1939 đã bị Hãng HBO Max lấy ra khỏi kho phim của họ giữa những ngày mà phong trào chống phân biệt chủng tộc đang dâng cao ở Mỹ. 

Động thái này xảy ra sau khi John Ridley, nhà biên kịch từng đoạt giải Oscar của bộ phim 12 năm nô lệ viết một bài ý kiến trên tờ Los Angeles Times yêu cầu HBO Max gỡ bỏ Cuốn theo chiều gió.

“Đó là một bộ phim ca tụng miền nam nước Mỹ thời trước hậu chiến, một bộ phim mà - nếu bỏ qua những kinh hoàng của chế độ nô lệ - chỉ để nhằm lưu truyền những định kiến đau thương nhất về người da màu - Ridley viết - Bộ phim quy tụ những tài năng xuất sắc nhất của Hollywood lúc bấy giờ, hợp tác với nhau để kịch hóa một lịch sử giả mạo”.

Ở TP Boston, một bức tượng Christopher Columbus, nhà thám hiểm được cho là đã khám phá châu Mỹ vào thế kỷ 15, bị đám đông lôi xuống chặt đầu. Tên nhiều tòa nhà ở các trường đại học Mỹ trước đây đặt theo những nhân vật lịch sử cũng bị đổi… Nước Mỹ đang trải qua một cơn tự vấn… rất kỳ lạ và khó hiểu với những người quan sát từ bên ngoài.

Các giáo sư gặp nguy vì tweet

“Nhạy cảm” hơn cả là những gì đang xảy ra trong môi trường giáo dục, các giáo sư chỉ cần nói lên suy nghĩ thật của họ là lập tức gặp rắc rối. Charles Negy, giáo sư môn tâm lý học Trường đại học Central Florida, viết trên Twitter nhiều mẩu, trong đó có một mẩu cho rằng “đặc quyền da đen” là có thật với những chính sách ưu tiên, các học bổng dành riêng cho người da đen và nhiều chính sách ưu đãi khác, rằng việc những người Mỹ gốc Phi không bị chỉ trích cũng là một đặc quyền. 

Ngay lập tức, nhiều người kêu gọi Đại học Central Florida phải sa thải ông Charles Negy ngay và một kiến nghị trực tuyến như thế đã thu hút được 16.000 chữ ký. Nhà trường tuyên bố chính thức là các mẩu tweet của ông Negy “đi ngược hoàn toàn giá trị nhà trường chia sẻ” và ban giám hiệu đang xem xét sự vụ…

Một trường hợp khác là Harald Uhlig, giáo sư kinh tế học tại Đại học Chicago. Ông bị đồng nghiệp viết kiến nghị đòi sa thải khỏi một tờ tạp chí kinh tế vì tội đã viết trên Twitter cho rằng phong trào Black Lives Matter đã đi quá khi cổ xúy cho việc giải tán lực lượng cảnh sát.

Giới trẻ hiện đang dùng câu “OK, boomer” để chọc quê thái độ của những người lớn tuổi sinh ra trong thập niên 1960. Thế nhưng khi một giáo sư ở Đại học Oklahoma nói với sinh viên rằng khi ông nghe họ dùng cách đối đáp này với người lớn, ông cũng cảm thấy xúc phạm y như người da đen bị miệt thị bởi lời lẽ phân biệt chủng tộc. 

Chỉ có thế nhưng ngay lập tức sinh viên phản đối dữ dội, đến nỗi ban giám hiệu phải ra tuyên bố lên án ông giáo sư này dùng lời lẽ sai trái, xúc phạm. Vị giáo sư này sau đó phải xin lỗi.

Sự thống trị của hệ tư tưởng “phải đạo” như thế đã diễn ra trong nhiều năm và hầu như không một ai vùng vẫy thoát khỏi nổi cái vòng kim cô “phải đạo” đó. Thoạt kỳ thủy, đây là những ý tưởng nhân văn, tiến bộ như nam nữ bình đẳng, chống lại kỳ thị chủng tộc, tôn trọng dân nhập cư, không phân biệt tôn giáo… 

Nhưng những tiếng nói cổ vũ cho tư tưởng cấp tiến như thế dần trở thành tiếng nói độc tôn, như thể đang nắm chân lý trong tay, gạt bỏ tức khắc mọi ý kiến khác biệt, dán cho chúng cái nhãn “không đúng đắn về mặt chính trị” (political incorrectness).

Chủ nghĩa phải đạo đang
Chủ nghĩa phải đạo đang "cuốn theo chiều gió" nhiều thứ ở Mỹ, từ các bức tượng cho tới phim ảnh, nghệ thuật... Ảnh: The Week

Bão tố với tác giả Harry Potter

Sự độc tôn về chân lý dễ dẫn tới một thái cực khác: có những lập luận hợp lý nhưng cũng bị lên án là kỳ thị. Chẳng hạn, việc người chuyển giới cần được bảo vệ khỏi mọi sự phân biệt là đúng nhưng để một người nam chuyển giới thành nữ rồi tham gia thi đấu thể thao với nữ là điều khó chấp nhận với nhiều người. 

Gây tranh cãi hơn nữa là những người nam chuyển giới thành nữ, muốn dùng chung phòng vệ sinh với nữ khác: giới cấp tiến có thể xem là chuyện bình thường nhưng những bố mẹ “truyền thống bảo thủ” hơn, họ không yên tâm khi con gái của mình chung phòng vệ sinh với một “cô” chưa phẫu thuật cắt bỏ bộ phận sinh dục nam.

Nhà văn J. K. Rowling, tác giả bộ truyện Harry Potter đình đám, có lẽ hiểu vấn nạn này hơn ai hết. Mới tuần rồi, do bày tỏ chính kiến trước một bài viết, bà bị ăn “gạch đá” khắp nơi trên mạng xã hội. Bài viết trên trang Devex nói về các rủi ro của phụ nữ trong gia đình, nhất là những phụ nữ làm trong ngành chăm sóc sức khỏe phải gánh chịu trong thời đại dịch. 

Tất cả rắc rối bắt đầu từ cái tít “Tạo ra một thế giới hậu Covid-19 bình đẳng hơn cho người có kinh nguyệt”. Bà Rowling đọc được cái tít ấy, bèn lên Twitter, nơi bà có 14,5 triệu người theo dõi, để thắc mắc: ““Người có kinh nguyệt?”. Tôi nghĩ hẳn phải có một từ cho những người này chứ. Có ai giúp tôi nào? Wumben? Wimpund? Woomud?”. Ý của bà, được diễn đạt pha chút hài hước, là sao không dùng từ “women” (phụ nữ) cho ngắn gọn.

Chỉ có thế nhưng mạng xã hội khắp nơi sôi sục lên án bà phân biệt đối xử những người chuyển giới. Một người thậm chí viết những lời đau như dao cắt nhắm vào bà Rowling: “Tôi từng quyết định không tự tử bởi lúc đó tôi muốn biết truyện Harry kết thúc như thế nào. Trong một thời gian dài, đó là điều giúp tôi tiếp tục sống. Cho đến khi tôi gặp chồng tôi bây giờ, người giúp tôi học cách yêu thương bản thân mình và muốn sống. Bà đã lăng mạ chồng tôi ngay mặt tôi”. 

Nhiều người phê phán bà Rowling đánh đồng giới tính nữ với chuyện có kinh nguyệt, trong khi theo họ, nhiều nam chuyển giới vẫn có kinh nguyệt và nhiều nữ giới lại không.

Bà Rowling, dẫu phải lên tiếng, nói lại cho rõ: “Tôi tôn trọng quyền của người chuyển giới được sống theo cách họ thấy chân thực và thoải mái cho họ. Tôi sẽ tuần hành với bạn nếu bạn bị kỳ thị do là người chuyển giới”, song vẫn kiên định bảo vệ quan điểm của mình: “Nhưng đồng thời cuộc đời tôi định hình như hiện nay do giới tính nữ của tôi. Tôi không tin nói thế là gây thù hằn”.

Trong bài viết dài hơn 3.600 từ sau đó trên trang web của mình để giải thích rõ hơn quan điểm này, bà nhắc tới một dự luật đề xuất cấp giấy chứng nhận xác nhận giới tính tại Scotland, cho phép người chuyển giới thay đổi giới tính tùy ý họ tự xác định mà không cần các thẩm tra y tế và sức khỏe tâm thần. 

Bà nói rằng mình “cảm động” trước đề xuất ấy nhưng cũng nói đến một nguy cơ hiển hiện của nó: “Khi bạn mở cửa phòng tắm và phòng thay quần áo cho bất kỳ người đàn ông nào tin rằng hoặc cảm thấy mình là phụ nữ (bởi giấy xác nhận giới tính có thể được cấp tùy ý bạn chọn mà không cần phẫu thuật hoặc qua điều trị hormone), bạn cũng đã mở cánh cửa cho bất kỳ và cho mọi người đàn ông muốn bước vào bên trong”.

Nhà văn J. K. Rowling. Ảnh: Reuters
Nhà văn J. K. Rowling. Ảnh: Reuters

Báo chí sa lầy trong chủ nghĩa phải đạo

Ngay cả báo chí - nơi được trông cậy sẽ đăng nhiều ý kiến khác nhau để tạo ra một cuộc đối thoại thật sự nhằm giải quyết các vấn đề của xã hội - cũng bị trói tay. 

Tuổi Trẻ Cuối Tuần số trong bài “Làm báo thời biểu tình vì màu da” đã kể vụ báo New York Times bị 800 nhân viên phản đối vì cho đăng bài ý kiến của thượng nghị sĩ Mỹ Tom Cotton đòi đưa quân đội vào trấn áp kẻ hôi của, cướp phá nhân các cuộc biểu tình, kết cục trưởng ban phụ trách mục ý kiến của báo phải từ chức, thực chất là bị ép cho thôi việc.

Tổng biên tập tờ báo 191 tuổi Philadelphia Inquirer phải từ chức vì cho đăng một bài báo có tít “Các tòa nhà cũng quan trọng” (Buildings Matter, Too), kêu gọi cần bảo vệ cả các tòa nhà đừng để chúng bị đốt phá. Dẫu cẩn thận viết ngay đầu bài là sinh mệnh con người quan trọng hơn nhiều vì nhà có thể xây lại còn người mất đi là vĩnh viễn, nhưng tác giả và tòa soạn đã bị tấn công không thương tiếc.

Một tổng biên tập khác, ông Adam Rapoport của tờ Bon Appétit, cũng vừa từ chức sau khi một tấm hình ông chụp với vợ từ năm 2004 được xới lên. Tấm hình này được vợ của ông Rapoport đăng hồi lễ Halloween năm 2013, chụp cảnh hai vợ chồng họ tô mặt màu nâu để đóng giả làm người Puerto Rico.

Lý giải thái độ hiện nay của làng báo Mỹ, người đồng sáng lập tờ Vox, nhà báo Ezra Klein nhắc lại ý kiến của nhà sử học truyền thông Daniel Hallin hồi năm 1986, trong đó ông Hallin cho rằng báo chí vẫn thường xử lý các quan điểm theo cách xếp chúng vào ba cái rọ, mỗi rọ có quy tắc đưa tin khác nhau. 

Đầu tiên là quan điểm “đồng thuận” nơi mọi người dễ dàng đồng ý với nhau. Thứ hai là các quan điểm “gây tranh cãi trong chừng mực hợp lý” - báo chí đưa ý kiến nhiều chiều, cho mọi góc nhìn được lên tiếng. Thứ ba là quan điểm “lệch lạc” gồm các ý tưởng ghê gớm, không ai muốn bàn đến.

Ông Klein cho rằng đây là thời điểm báo chí Mỹ đang sắp xếp dán nhãn lại cho các quan điểm, xếp chúng vào các rọ theo cách nhìn nhận mới. Theo cách đó, trước đây việc đăng một bài ý kiến như bài của thượng nghị sĩ Tom Cotton là chuyện bình thường, nay bị xếp vào loại quan điểm “lệch lạc”, không đáng cho lên mặt báo. 

Trước đây, một bài đề xuất bỏ hết lực lượng cảnh sát sẽ nhanh chóng bị bỏ vào sọt rác, biên tập viên thậm chí không thèm đọc; nay đây đang là ý tưởng được chia sẻ rộng rãi. Bari Weiss, một nhà báo của The New York Times, viết: “Châm ngôn của The New York Times là “mọi tin tức đáng để in”. [Nay] một nhóm nhấn mạnh vào từ “mọi”; nhóm kia vào từ “đáng””.

Klein cho rằng mô hình báo chí cạnh tranh thu hút quảng cáo địa phương bị thay thế bởi quảng cáo quốc gia hay quốc tế. Thật vậy, giờ từ Việt Nam truy cập vào đọc các tờ như The Washington Post, The New York Times cũng thấy các quảng cáo cho Tiki hay Lazada. 

Ngày xưa các báo không tranh nhau để hút độc giả vì mỗi tờ có một loại độc giả khác nhau, ở địa bàn khác nhau; nay ai nấy đều phải cạnh tranh gay gắt với nhau trên bình diện toàn cầu, chỉ để thu hút sự chú ý ngắn hạn của độc giả. Và thế là các rọ quy tắc nọ sẽ còn chạy khắp, bao trùm khi thì quan điểm này, lúc thì quan điểm kia, và luôn luôn sẽ có loại “lệch lạc” không báo nào dám đụng đến.

Một khi báo chí đã “bó tay” như thế, còn mạng xã hội như dầu đổ thêm vào lửa, có lẽ phải một thời gian dài nữa người ta mới quên “chủ nghĩa phải đạo” này để chấp nhận các góc nhìn trái chiều nhau. Điều mà Bret Stephens, một nhà báo cũng của The New York Times viết trên chính tờ báo này sau cơn sóng gió đăng - rút - xin lỗi của báo anh: “Có thêm thông tin luôn là nguồn sức mạnh - một niềm tin nằm ở chỗ cốt lõi của nghề báo”. 

Và “Chúng ta có nghĩa vụ không cho các ý tưởng hận thù như phủ nhận tội diệt chủng hay phân biệt chủng tộc xuất hiện trên những trang báo. Nhưng nghề báo nghiêm túc, vốn được hoàn thiện bằng sự trao đổi mạnh mẽ các ý tưởng, không thể sống sót trong một bầu không khí trong đó việc chấp nhận chút ít rủi ro về mặt trí tuệ hay sai lầm nhỏ trong việc đi ngược lại những hệ tư tưởng mới đang được chấp nhận rộng rãi lại là điều có thể đem lại nguy cơ bị hủy diệt về mặt nghề nghiệp”.■

Ngay cả những người da đen nổi tiếng, khi nói năng mà “không phải đạo” cũng bị tấn công dữ dội chẳng kém. Diễn viên da đen Terry Crews viết trên Twitter, có lẽ sau khi đã suy nghĩ nhiều về đề tài này: “Đánh bại chủ nghĩa da trắng thượng đẳng mà không có người da trắng sẽ tạo ra da đen thượng đẳng”. Ý của ông khi viết như thế là nói lên trách nhiệm chung của cả hai bên, da trắng lẫn da đen, để tạo ra một môi trường sống bình đẳng. 

Thế nhưng mạng xã hội bám vào cách dùng từ “da đen thượng đẳng” của Crews để chê trách đủ điều. Báo hại Terry Crews phải thanh minh: “Xin biết rằng mọi điều tôi nói xuất phát từ tinh thần yêu thương và hòa giải, đầu tiên cho cộng đồng da đen rồi sau đó cho cả thế giới, với niềm hi vọng sẽ thấy được một tương lai tốt đẹp hơn cho người da đen”.

Bạn muốn tự suy nghĩ hay muốn được chỉ dẫn nên suy nghĩ ra sao?

NGUYỄN VẠN PHÚ 15/06/2020 16:06 GMT+7

TTCT - Báo chí có nên và có quyền đăng ý kiến đi ngược với ý kiến của số đông hay không? Bạn muốn điều gì hơn: Đọc những gì trái ngược với quan điểm của bạn - điều buộc bạn phải suy nghĩ, hay đọc những hướng dẫn bảo bạn cần suy nghĩ hướng này hướng kia?.

 

Tuần trước, tờ The New York Times (NYT) đối diện một tình huống gay cấn. Trong một truyền thống báo chí tự do và tôn trọng đa dạng quan điểm, ban biên tập NYT nghĩ rằng quyết định cho đăng bài viết của thượng nghị sĩ Tom Cotton vào thứ tư ngày 3-6 là làm phong phú mục ý kiến.

Thượng nghị sĩ Tom Cotton, người mà nhà báo Bret Stephens đánh giá là "nắm được nhịp đập của đảng Cộng hòa, là tai của tổng thống và mắt thì ngắm vào một chức vị cao hơn". (Ảnh: NYT)

Bài viết của Tom Cotton lập luận rằng nên phân biệt đa số người dân biểu tình ôn hòa để phản đối cái chết của một người da đen dưới chân một cảnh sát da trắng với những kẻ bạo loạn, cướp phá, hôi của, những người mà theo Cotton, cần phải bị quân đội trấn áp để bảo vệ cuộc sống của những người dân bình thường.

Đây là một cách làm khá thông dụng của báo chí thế giới xưa nay: đăng các ý kiến khác nhau, có lúc đối chọi nhau chan chát để cung cấp cái nhìn khách quan, đa chiều, để độc giả tự rút ra kết luận. Chỉ có điều NYT phạm phải hai sai lầm, như họ thừa nhận sau đó: một là giật tít “Tim Cotton: Hãy cho quân đội vào cuộc”; hai là không có lời tòa soạn nêu rõ bối cảnh, chủ trương của báo cùng mong muốn đưa ý kiến nhiều chiều.

Bài báo ngay lập tức chịu phản ứng giận dữ của độc giả. Hàng ngàn nhận xét bên dưới bài viết phản bác lập luận của tác giả khiến NYT phải khóa chức năng đăng nhận xét. Tòa soạn nhận hàng trăm cuộc điện thoại đòi cắt không mua báo dài hạn nữa.

Chuyện độc giả phản ứng với một bài báo là chuyện bình thường, đó cũng chính là mục đích của mục ý kiến vì càng tranh cãi càng dễ làm rõ đúng sai, nhất là nhờ đó báo thu hút thêm người đọc. Nhưng tại sao phóng viên, biên tập viên NYT lại phản đối việc đăng loại ý kiến “nhằm mục tiêu đa dạng, nhiều chiều” như thế? Có phải làm vậy chẳng khác nào yêu cầu NYT tự kiểm duyệt, không cho giới bảo thủ lên tiếng trên báo mình?

Nguyên ngày thứ tư 3-6, sau khi bài báo của Tom Cotton xuất hiện, nhiều phóng viên NYT lên Twitter bày tỏ sự bất bình của họ, tiêu biểu là ý kiến cho rằng “cho đăng bài này đã gây nguy hiểm cho người da đen, kể cả nhân viên da đen của NYT”.

Lên mạng xã hội phản ứng như thế, các nhà báo của NYT biết rõ họ vi phạm nội quy của NYT cấm phóng viên mình bày tỏ ý kiến theo phe này hay phe kia, cổ vũ cho quan điểm chính trị này hay quan điểm chính trị khác trên mạng xã hội. Trước đó, tổng biên tập NYT Dean Baquet từng nặng lời phê phán một phóng viên chỉ vì tội “like” một tweet vi phạm nội quy.

Nhưng nhiều nhà báo NYT đã làm đơn xin nghỉ ốm - như một cách phản kháng. Trên mạng thông tin nội bộ của báo, có người viết: “Tôi chưa bao giờ nghĩ mọi bài viết trên NYT sẽ đúng theo thế giới quan của tôi. Nhưng tôi cũng chưa bao giờ nghĩ NYT có ngày sẽ đăng một bài ý kiến kêu gọi bạo lực nhà nước, trong đó sử dụng nhiều thông tin sai lạc, gây hiểu nhầm để lập luận”.

Hoặc một phóng viên NYT tweet như sau “Có lẽ tôi sẽ gặp rắc rối khi viết như thế này, nhưng không nói gì cả là vô đạo đức. Là một phụ nữ da đen, là một nhà báo, là một người Mỹ, tôi rất xấu hổ báo mình đăng bài này”.

Một nhóm nhà báo họp lại, cùng viết một lá thư gởi ban biên tập yêu cầu xử lý bằng cách thêm một lời tòa soạn, một bài khác, tốt nhất là cho phóng viên viết bài điều tra về các điểm sai lệch trong bài viết của Tom Cotton. Đến trưa ngày 4-6, lá thư này đã có hơn 800 chữ ký của nhân viên NYT.

Thoạt tiên, ban biên tập NYT giữ nguyên lập trường, cho rằng quyết định của họ là đúng đắn. Chủ bút NYT là A.G. Sulzberger viết thư cho nhân viên, nói: “Tôi tin vào nguyên tắc cởi mở cho nhiều loại ý kiến, ngay cả của những người chúng ta bất đồng quan điểm. Bài này được xuất bản trên tinh thần đó”.

Trưởng ban phụ trách mục ý kiến James Bennet cũng viết trên Twitter: “Mục Ý kiến của NYT có nghĩa vụ với độc giả trưng bày cho họ thấy các quan điểm trái ngược”. Ông cho rằng dù hiểu rõ nhiều độc giả sẽ thấy lập luận của Cotton là gây đau đớn, thậm chí nguy hiểm, nhưng ông lại tin chính vì thế mà quan điểm của Cotton cần được công chúng biết và tranh luận. Phần nhận xét dưới bài của Cotton bị khóa lại rồi mở ra, rồi lại khóa lại nhiều lần do độc giả phản ứng gay gắt.

Đến chiều tối hôm sau, ngày 5-6, ban biên tập NYT thay đổi quan điểm, đưa ra một tuyên bố nói bài viết của Cotton “không đáp ứng tiêu chuẩn của chúng tôi”. James Bennet xin lỗi, thừa nhận chưa đọc bản thảo, mà chỉ đọc sau khi báo đã đăng.

NYT đã giải quyết vấn đề này sau đó ra sao? Họ vẫn để bài viết của Tom Cotton trên trang nhưng bổ sung một ghi chú của chủ bút, trong đó câu đầu tiên nhấn mạnh: lẽ ra không nên đăng bài này. Phía tòa soạn nhận lỗi là quá trình biên tập bị đẩy nhanh, để lại nhiều sai sót (các sai sót được chỉ ra cụ thể: như lời khẳng định của tác giả về vai trò của các phần tử cực đoan cánh tả như ANTIFA xâm nhập đoàn biểu tình, như về việc cảnh sát gánh chịu làn sóng bạo lực, nhìn nhận tít bài là do tòa soạn đặt chứ không phải của Tom Cotton, lại rất kích động và lẽ ra không được dùng...).

Đầu tuần qua, James Bennet từ chức ra đi. Vị phó của ông, Jim Dao - người trực tiếp tổ chức việc biên tập và đăng bài của Cotton - cũng từ chức, chuyển sang ban tin tức.

Minh họa
 

Dẫu NYT thừa nhận lỗi xử lý bài không kỹ, nhưng câu hỏi cơ bản vẫn còn đó: Báo chí có nên và có được quyền đăng ý kiến đi ngược với ý kiến của số đông hay không?

“Họa vô đơn chí” cho làng báo Mỹ, cũng trong tuần đó, tờ Philadelphia Inquirer gặp trường hợp tương tự khi đăng ý kiến của một người chuyên nhận xét về kiến trúc Inga Saffron với tựa đề “Các tòa nhà cũng quan trọng” (Buildings matter, too) vào ngày 1-6. Đây là tít dựa vào tên phong trào Black Lives Matter (Sinh mệnh người da đen là quan trọng) để nói về thực trạng nhiều đám hôi của nhân biểu tình đã đập phá nhiều tòa nhà.

Phóng viên tờ Philadelphia Inquirer phản ứng với ban biên tập báo mình, cho rằng so sánh sinh mệnh của con người với các tòa nhà là rất khập khiễng, làm mất niềm tin của độc giả vào tờ báo có bề dày 190 năm lịch sử này. Có tới 44 phóng viên gọi điện cáo ốm để ở nhà sau khi cùng viết một lá thư ngỏ phản đối gởi ban biên tập.

Ban Tin của tờ Philadelphia Inquirer (Ảnh: Britanica)

Ngay sau đó, ban biên tập tờ Philadelphia Inquirer cho đăng một lời xin lỗi gởi phóng viên và độc giả, thừa nhận “một nỗ lực biên tập để nắm bắt lập luận tinh tế của một cây bút bình luận cô đọng thành vài chữ đã đi sai đường, rõ ràng nó đã gây ra thương tổn và giận dữ”.

Tít bài báo được sửa lại, thành “Phá hoại các tòa nhà cũng gây tổn hại cho những người mà phong trào biểu tình đang bảo vệ” (Damaging buildings disproportionately hurts the people protesters are trying to uplift) kèm lời tòa soạn cho biết tít cũ “mang tính xúc phạm, không phù hợp và lẽ ra không được sử dụng…”. Tổng biên tập tờ Philadelphia Inquirer là Stan Wischnowski, với 20 năm thâm niên tại tờ báo này, cũng từ chức.

Nếu chỉ nói về nghệ thuật viết tít (thường do tòa soạn đặt), việc rút gọn thành ba từ (Building matters, too) là rất tài vì nó vẫn gợi ở người đọc toàn bộ những gì người viết muốn nói. Chỉ có điều trong bối cảnh cả nước Mỹ sôi sục vì sinh mạng người da đen bị cảnh sát Mỹ cướp đoạt, đặt tít như thế là không tế nhị.

Trong bài viết giải thích vì sao họ quyết định đăng bài của Tom Cotton, trưởng ban mục ý kiến James Bennet viết ông không đồng tình với ý kiến của Cotton, nhưng vẫn tin rằng cần xuất bản các ý kiến trái ngược. “Sẽ có hại cho tính công chính và sự độc lập của NYT nếu chúng tôi chỉ xuất bản các ý kiến mà biên tập viên như tôi đồng tình. Sẽ là bội phản những gì tôi nghĩ là mục đích cơ bản của chúng tôi: không phải nói cho bạn nghe những gì cần suy nghĩ, mà giúp bạn suy nghĩ cho chính mình”.

Điều đáng nói là trên các mạng xã hội, khi báo chí đưa tin hai vụ từ chức do đăng bài “không phải đạo”, đa số nhận xét bên dưới của độc giả là bày tỏ sự ngạc nhiên: “Thế thì đâu còn tự do báo chí?”; “Không lẽ chỉ đăng ý kiến được đa số đồng tình?”. Và ngay dưới tin James Bennet "từ chức", có hơn 2.000 nhận xét của độc giả, hầu hết bày tỏ sự hoang mang, cho rằng việc đăng ý kiến trái ngược thì có gì "phạm húy" đến nỗi phải "từ chức" (thực chất là bị cho nghỉ việc). Xin trích một số nhận xét được nhiều người tán đồng nhất:

"Tôi cực kỳ kinh ngạc và bị sốc khi thấy James Bennet phải "từ chức" vì cho đăng một ý kiến trái ngược. Trình bày ý kiến trái ngược chính là nghĩa vụ của tờ báo. Là độc giả, đây là điều tôi mong muốn và kỳ vọng. Rõ ràng tôi không đồng tình với bài ý kiến của Cotton và tôi ngờ rất ít độc giả NYT đồng tình nhưng việc xuất bản một ý kiến như thế là cần thiết".

"Tôi không hiểu - không phải là chúng ta cần biết người cầm quyền nghĩ gì về tình hình hiện nay hay sao? Nếu họ có quan điểm không chấp nhận được, hãy để chúng trưng ra cho mọi người thấy họ bỏ phiếu cho những chính trị gia như thế đó". 

"Thế từ nay báo chí chỉ đăng ý kiến mà họ đồng tình? Chúng phải đúng đắn về mặt chính trị? Không còn chỗ cho ý kiến trái ngược chăng?"

Bất chấp những biến cố này, hẳn là các tờ báo uy tín hiếm hoi còn sót lại trong thời báo chí gặp nhiều khó khăn như hiện nay như NYT không vì vụ này mà từ bỏ nguyên tắc tôn trọng ý kiến khác biệt, như chủ bút Sulzberger khẳng định trong lá thư gởi nhân viên: “Trang ý kiến tồn tại để cho thấy nhiều quan điểm với những nhãn quan khác nhau, đặc biệt chú ý đến những ý kiến thách thức lập trường của ban biên tập. Chúng ta xem đó là nguồn sức mạnh, cho phép chúng ta cung cấp cho độc giả sự phong phú về góc nhìn rất hiếm hoi trong truyền thông hiện đại”. 

 "Tôi tin vào dân chủ. Tôi tin vào nền báo chí tự do. Tôi tin vào sự tranh luận cởi mở. Tôi thích báo tôi in bài tôi bất đồng ý kiến. Nó buộc tôi phải suy nghĩ".

David Brooks  (nhà báo giữ mục bình luận chính trị và văn hóa cho NYT)

Trong diễn biến sau đó, The New York Times tiếp tục đăng các ý kiến thảo luận về việc đăng các ý kiến khác trên mục Op-ed. Đáng chú ý nhất là bài viết của cây bút bình luận Bret Stephens, đăng trên chính trang của NYT, cho rằng cách hành xử của NYT là sai lầm.

Trong nhiều lập luận sắc bén của mình, Bret Stephens nhấn mạnh: "Quyết định vào tuần trước của tờ báo này chối bỏ bài ý kiến của Thượng nghị sĩ Tom Cotton là một món quà cho kẻ thù của tự do báo chí – tự do theo nghĩa không run sợ và chùn bước khi đứng trước đám đông đang giận dữ. Nó vi phạm những nguyên tắc làm nền tảng cho nghề báo, đặc biệt nghĩa vụ cung cấp cho độc giả bức tranh thật của thế giới. Và khi tờ báo sa thải những nhà báo giỏi, gạt bỏ những ý kiến gây tranh cãi, đây là lời mời cho sự đớn hèn trí tuệ nảy sinh".

Bret Stephens giải thích vì sao việc đăng một quan điểm "có vẻ đáng lên án và ghê tởm" lại vẫn cứ là cần thiết. Ông viết: "Giá trị của bài Cotton không nằm ở chỗ nó hay ho hay đúng đắn. Nó nằm ở chỗ Cotton là người phát ngôn nổi bật của một dòng công luận hiện hành. Cho rằng độc giả của chúng ta không nên có cơ hội tự họ xem xét ý kiến của ông ta là mang tính dạy đời với họ. Nói họ nên tìm đọc ý kiến của ông ta ở nơi khác, chẳng hạn trên trang Twitter của ông ấy, là phản bội trách nhiệm của chúng ta trong vai trò báo chí ghi lại lịch sử. Và cứ cho rằng lập luận của ông ta là quá ghê tởm không thể xuất bản là phủ nhận một nửa nước Mỹ - một sự đảo chiều đáng kể cho một tờ báo mà sau năm 2016 đã từng than rằng mình không tiếp cận được với đất nước đang sống".

Sau cùng, ông chua xót nhưng kiên cường khẳng định những giá trị nghề nghiệp: 

"Dù có gây khó chịu đến đâu: có thêm thông tin luôn là nguồn sức mạnh – một niềm tin nằm ở chỗ cốt lõi của nghề báo.

Có một tinh thần không dung thứ về mặt trí tuệ rất hung dữ đang quét qua đất nước này và hầu hết các cơ sở báo chí trên đó. Ý kiến trái ngược không chỉ là sai mà còn không đáng bàn đến. Phạm vi các quan điểm chính trị được xem là không phù hợp về mặt đạo lý để xuất bản dường như đang ngày càng rộng ra. Arthur Miller từng nói một tờ báo tốt là “một đất nước nói với chính mình”. NYT sẽ là tờ báo như thế nào nếu một nửa đất nước không được, dù chỉ thỉnh thoảng, tham gia vào cuộc đối thoại ấy?

Tất cả những điều này là một bi kịch. Chúng ta có nghĩa vụ là nhà báo thì phải nghiêm ngặt với thông tin và lập luận. Chúng ta cũng có nghĩa vụ không cho các ý tưởng hận thù như phủ nhận tội diệt chủng hay phân biệt chủng tộc xuất hiện trên những trang báo. Nhưng nghề báo nghiêm túc, với sự trao đổi ý tưởng sôi nổi, không thể sống sót trong một bầu không khí trong đó việc chấp nhận một ít rủi ro về mặt trí tuệ hay sai lầm nhỏ trước tính hệ tư tưởng chính thống mới đem lại nguy cơ bị hủy diệt về mặt nghề nghiệp." ./.

 

Bạn đang đọc trong chuyên đề "CHỦ NGHĨA PHẢI ĐẠO LÊN NGÔI"