Cổ vật - bị cướp, bị mất và hành trình đòi lại

Tuổi Trẻ Cuối Tuần

TTCT - Vô số các cổ vật quý giá của Việt Nam đang lưu lạc ở những bảo tàng và bộ sưu tập tư nhân khắp thế giới, đã tới lúc cần có một sách lược tổng thể để "hồi hương" những di vật đó.

Bénin đã đi đòi cổ vật như thế nào?

MAI MAI HƯƠNG 14/01/2022 19:00 GMT+7

TTCT - 26 cổ vật từng bị thực dân Pháp cướp khỏi vương quốc Dahomey - nay là Cộng hòa Bénin - đã được hồi hương vào tháng 11-2021. Một Bénin quyết tâm đòi, và một nước Pháp thật tâm để trả...

 
 Đám đông chờ đón đoàn xe chở cổ vật ở thành phố Cotonou của Cộng hòa Bénin vào ngày 10-11-2021. Ảnh: Reuters

 Ngày 10-11-2021 đã trở thành một ngày hội ở thành phố Cotonou của Cộng hòa Bénin, khi cả ngàn người dân ở các vùng xung quanh đổ về trung tâm để đón mừng các báu vật lưu lạc được đưa về nước trên một chuyến bay từ Paris.

Hòa trong đám đông đứng suốt hai bên đường từ sân bay đến phủ tổng thống chờ đón đoàn xe chở cổ vật, ông Ousmane Agbegbindin nói với Đài France 24: “Cho dù không thấy các hiện vật nhưng việc biết rằng vương miện của tổ tiên chúng tôi, những đôi giày, những rương hòm và các đồ đạc khác của họ đang được chở trong những chiếc xe tải kia cũng khiến tôi xúc động khôn tả”.

Martine Vignon Agoli-Agbo, cùng con gái vượt 500km đường để đến Cotonou, nói với Hãng thông tấn AFP rằng bà đi để được tận mắt chứng kiến sự kiện này: “Tôi không muốn người khác kể lại cho nghe”. Đây là lần đầu tiên nước Pháp hoàn trả cổ vật quy mô lớn cho cựu thuộc địa. Và được kỳ vọng không phải là lần cuối cùng…

 
 Các cổ vật của vương quốc Dahomey được trưng bày tại Bảo tàng Quai Branly ở Paris. -Ảnh: AFP/Christophe Archambault

 Tuyên bố gây sốc

Ngay khi độc lập vào năm 1960, Cộng hòa Bénin đã cùng các quốc gia trong khu vực lên tiếng mạnh mẽ trên trường quốc tế về việc cần phải hoàn trả các tài sản văn hóa của châu Phi từng bị thực dân phương Tây cướp đi trong giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Tại Pháp, vấn đề này xuất hiện trong các nghị trình từ năm 2013, khi Hội đồng Đại diện các hiệp hội da đen (CRAN) tổ chức các chiến dịch vận động nâng cao nhận thức của thanh niên các vùng quanh Paris và Seine-Saint-Denis về nguồn gốc cổ vật châu Phi trong các bảo tàng châu Âu. 

Nhưng vào năm 2016, đề nghị hoàn trả cổ vật của bộ trưởng bộ ngoại giao Bénin Aurélien Agbenonci vẫn bị Pháp từ chối. Tháng 8 năm đó, ông Agbenonci gửi công hàm đề nghị Pháp hoàn trả các tượng hình nhân mang dấu ấn hoàng gia từng bị tướng Pháp Alfred Doods lấy khỏi cung điện Abomey vào năm 1892. 

Tới tháng 12-2016, Chính phủ Pháp mới hồi âm, thừa nhận tầm quan trọng về lịch sử và văn hóa của những vật phẩm trên đối với Bénin, song thoái thác việc hồi trả bằng cách viện dẫn rằng Công ước UNESCO 1970 (về hành vi xuất khẩu tài sản văn hóa bất hợp pháp) mà Pháp đã phê chuẩn vào năm 1997 không có hiệu lực cho những sự việc xảy ra trước đó, rằng các luật hiện hành của Pháp không thể áp dụng cho việc hoàn trả cổ vật Abomey.

Nhưng mọi việc đã hoàn toàn thay đổi vào ngày 28-11-2017, khi tổng thống Pháp Emmanuel Macron, khi đó vừa đắc cử, trong buổi nói chuyện với hàng trăm sinh viên Đại học Ouaga 1 ở Burkina Faso, đã tuyên bố: “Bắt đầu từ hôm nay và trong vòng 5 năm tới, tôi muốn thấy các tiến triển mới cho phép hồi hương tạm thời hay vĩnh viễn các di sản văn hóa châu Phi về với châu Phi”. Tiếng reo hò vang dội khắp hội trường đại học.

Mặc dù được bình luận chỉ là động thái nhằm tái lập quan hệ tốt đẹp hơn với châu Phi và mở lối cho các hợp tác kinh tế, tuyên bố của ông Macron vẫn tạo điều kiện cho những diễn biến quan trọng khác xảy ra.

 Di sản của châu Phi không thể bị giam cầm trong các bảo tàng châu Âu thêm nữa.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macronviết trên Twitter ngày 28-11-2017 

Bản báo cáo chấn động

Các “tiến triển mới” bắt đầu xuất hiện vào tháng 3-2018 khi Tổng thống Macron giao nhà lịch sử nghệ thuật Pháp Bénédicte Savoy và nhà kinh tế học người Senegal là Felwine Sarr khảo sát các cổ vật châu Phi đang được lưu giữ trong các bảo tàng Pháp.

Công bố 8 tháng sau đó, công trình của hai nhà nghiên cứu, nay thường được gọi là báo cáo Savoy-Sarr, gây chấn động không chỉ trong nước Pháp mà trên khắp châu Âu, khi chỉ ra rằng 90-95% cổ vật châu Phi đã bị đưa ra khỏi châu lục một cách bất hợp pháp trong giai đoạn thuộc địa và đang bị giữ chủ yếu là ở châu Âu.

Cũng theo báo cáo này, có khoảng 90.000 cổ vật của vùng Hạ Sahara đang nằm trong các bộ sưu tập nghệ thuật công ở Pháp và 70.000 trong số này thuộc Bảo tàng Quai Branly ở Paris. Nhiều cổ vật đã bị quân nhân, viên chức và các nhà khoa học của chế độ thực dân đem ra khỏi thuộc địa trong giai đoạn 1885-1960. 

Số khác bị chiếm đoạt trong các cuộc xung đột và có những món được mua với giá rẻ mạt, chẳng hạn một mặt nạ của vùng Ségou (nay thuộc Mali) hiện trưng bày tại Bảo tàng Quai Branly đã được mua vào năm 1932 với giá chỉ 7 franc, “tương đương một chục trứng”, rồi được bán lại ở Pháp với giá 200 franc. 

Có 24 nhóm tài sản văn hóa được báo cáo đề xuất trao trả cho các nước châu Phi như Mali, Bénin, Nigeria, Senegal, Ethiopia và Cameroon.

Các bảo tàng trên khắp châu Âu đã theo dõi sát sao những gì xảy ra tiếp theo, vì báo cáo trên cũng nhắc đến họ, rằng hàng trăm ngàn cổ vật châu Phi đang nằm trong các bộ sưu tập ở Bỉ, Anh, Áo và Đức.

Trong khi các bảo tàng ở châu Phi chỉ có các bộ sưu tập hiếm khi vượt quá 3.000 cổ vật với giá trị kém hơn, thì ngược lại, Bảo tàng Anh ở London, theo báo cáo Savoy-Sarr, có một bộ sưu tập đến 69.000 món cổ vật châu Phi.

Trả lời kênh truyền hình France 24, người phát ngôn của Bảo tàng Anh nhận xét: “Báo cáo của Macron tạo ra một cuộc tranh luận đầy thách thức”. Giờ đây bất cứ việc hoàn trả nào của Pháp cũng sẽ làm tăng áp lực lên các nước khác trong việc hoàn trả cổ vật về cố quốc.

 lNigeria căng thẳng ngoại giao với Anh sau khi Bảo tàng Anh từ chối cho mượn chiếc mặt nạ Benin cổ bằng ngà voi để dùng trong festival FESTAC 1977

 Chỉnh luật để hoàn trả

Chỉ vài tiếng sau khi xem báo cáo vào ngày 19-11-2018 và có cuộc trao đổi dài 90 phút với tác giả, Tổng thống Macron tuyên bố sẽ hoàn trả “không trì hoãn” 26 cổ vật cho Cộng hòa Bénin và một cổ vật cho Senegal. 

Sự việc lập tức làm dấy lên các tranh luận về vấn đề pháp lý của việc hồi trả cổ vật. Nhà sử học Pascal Blanchard khi đó đã nói: “Các hiện vật này được đưa đến (Pháp) hợp pháp theo hoàn cảnh chính trị đương thời. Và một khi những hiện vật này là một phần của các bộ sưu tập công, chúng không thể được hoàn trả cho những người gọi là “chủ sở hữu”, vì những chủ sở hữu này không tồn tại do các quốc gia nọ cũng không còn tồn tại”. 

Nhiều chỉ trích khác thì nhắm vào việc các nước châu Phi không có hạ tầng bảo tồn phù hợp.

Nhưng các giải pháp hoàn trả đều đã được tính đến trong báo cáo Savoy-Sarr. “Chúng tôi đề xuất một chương trình khung có tính đến các giới hạn về thời gian cho các quốc gia đang đòi hồi trả, sao cho chúng tôi không hồi trả cùng lúc một lượng cổ vật quá lớn mà đảm bảo rằng họ thực sự muốn cổ vật hồi hương và đã sẵn sàng quản lý được chúng", nhà sử học Bénédicte Savoy nói với tờ The New York Times.

Trên hết, nhà kinh tế Felwine Sarr đã đề xuất việc thay đổi luật di sản của Pháp để tạo điều kiện cho tất cả các dạng cổ vật được hoàn trả cho châu Phi, mà đến năm 2020 Chính phủ Pháp đã ráo riết xúc tiến. Dự luật hoàn trả các cổ vật cho Cộng hòa Bénin và Senegal được giới thiệu và thông qua ở Hạ viện vào tháng 10 trước khi được trình lên Thượng viện. 

Đến ngày 3-11-2020, các thượng nghị sĩ Pháp cuối cùng bỏ phiếu thông qua. Thậm chí, khi một ủy ban Thượng viên lưu ý về các điều khoản của luật mới đáp ứng rất hạn chế các đề xuất của báo cáo Sarr-Savoy, Thượng viện đã chủ động kêu gọi việc thành lập một hội đồng quốc gia "có trách nhiệm phản ánh việc lưu hành và hoàn trả các vật thể văn hóa phi châu Âu". 

Pháp cũng đã hỗ trợ Bénin và Senegal xây dựng các bảo tàng để sẵn sàng đón khoảng 3.000 cổ vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quai Branly.

Các cổ vật Dahomey đã được phía Pháp chủ động điều chỉnh pháp lý sở tại để hoàn trả cho Cộng hòa Bénin, trong khi việc hồi hương các cổ vật Benin cho Nigeria ngược lại đang phải dựa vào thiện tâm của các bảo tàng vì nước Anh chưa sẵn sàng thay đổi pháp lý của họ để trao trả cổ vật cho cựu thuộc địa.

Hành trình 60 năm đi đòi cổ vật của Nigeria

 TK13-TK19:  Kinh thành Edo của vương quốc Benin (nay là thành phố Benin-City thuộc Nigeria) là đô thị phồn vinh với một cung điện lớn trang trí nhiều tượng và phù điêu đồng. 

Tháng 2-1897:  Kinh thành của Benin bị quân viễn chinh Anh tấn công, đốt phá. Các báu vật của Benin vài tháng sau xuất hiện trong Bảo tàng Anh (British Museum ở London). 

Thập niên 1930:  Các báu vật Benin, được gọi là đồ đồng Benin hay cổ vật Benin, bị người Anh rao bán trên thị trường cổ vật thế giới. 

1960: Nigeria giành độc lập từ Anh, bắt đầu tìm cách hồi hương cổ vật Benin.  

1968:   Nigeria đệ trình một dự án hồi hương cổ vật lên ICOM - Hội đồng Quốc tế về Bảo tàng, yêu cầu các bảo tàng Châu Âu trả lại những cổ vật Benin quan trọng (nỗ lực này không nhận được phản hồi nào từ các bên). 

24-01-1972: Nigeria tham gia Công ước Unesco 1970 về ngăn chặn nhập khẩu, xuất khẩu và chuyển giao bất hợp pháp quyền sở hữu tài sản văn hóa. 

1976-1977: Nigeria căng thẳng ngoại giao với Anh sau khi Bảo tàng Anh từ chối cho mượn chiếc mặt nạ Benin cổ bằng ngà voi để dùng trong festival FESTAC 1977. 

1981:  Bảo tàng Anh tuyên bố các cổ vật Benin được đưa về Anh hợp pháp, vì khi đó người Anh cầm quyền chính danh ở Vùng bảo hộ Duyên hải Niger (nay là Nigeria). 

2006:  Nigeria là một trong hai nước châu Phi đầu tiên tham gia Công ước UNIDROIT 1995 về hoàn trả tài sản văn hóa bị đánh cắp. 

2007:  Nhóm đối thoại Benin (Benin Dialogue Group) được thành lập giúp kết nối chính phủ Nigeria và các bảo tàng phương Tây nhằm đưa cổ vật hồi hương.  

2016:  Một số cổ vật Benin thế kỷ 16 được bán cho một nhà sưu tập tư nhân với giá 10 triệu USD/món gây tranh cãi trong dư luận. Một tổ chức sinh viên ở trường Jesus College thuộc Đại học Cambridge kêu gọi hoàn trả một tượng đồng Benin trưng bày trong trường cho Nigeria. 

Tháng 11-2019: Jesus College tuyên bố sẽ hoàn trả tượng đồng Benin mà trường sỡ hữu, sau khi xác định được đó đúng là cổ vật bị cướp trong cuộc tấn công thành Edo. 

Tháng 4-2020: Dự án Digital Benin - do quỹ nghệ thuật Ernst von Siemens tài trợ - mở văn phòng ở Hamburg (Đức) và Benin (Nigeria) để lập danh sách thống kê cổ vật Benin trong các bảo tàng khắp thế giới.

Tháng 10-2020: Dan Hicks, nhà quản lý cổ vật Benin của Bảo tàng Pitt Rivers (Anh), xuất bản quyển The Brutish Museums (Bảo tàng Tàn bạo) phơi bày sự thật về việc quân viễn chinh Anh đã cướp các cổ vật Benin.Tháng 5-2021: Barnaby Phillips, cựu phóng viên Anh hoạt động ở Châu Phi và rất am tường về Nigeria, xuất bản quyển Loot (Cướp bóc), chứng minh rằng hầu hết cổ vật Benin đã bị quân viễn chinh Anh thu giữ và chia chác như các chiến lợi phẩm. 

24-3-2021: Đại học Aberdeen ở Scotland tuyên bố sẽ hoàn trả một cổ vật Benin cho Nigeria. 

Hồi hương cổ vật: Làm gì để những báu vật quay về?

TRẦN ĐỨC ANH SƠN 13/01/2022 18:00 GMT+7

TTCT - Vô số các cổ vật quý giá của Việt Nam đang lưu lạc ở những bảo tàng và bộ sưu tập tư nhân khắp thế giới, đã tới lúc cần có một sách lược tổng thể để "hồi hương" những di vật đó.

Pho tượng Thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm của Việt Nam hiện là "tài sản" của bảo tàng Guimet (Pháp) 

 Ngày 11-12-2021 báo Ngày Nay đăng bài “Tượng Quan Âm độc nhất vô nhị Việt Nam sắp ‘hồi hương’ nhờ công nghệ số”, phản ánh việc pho tượng Thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm, được tạo tác từ thế kỷ 19 và xuất xứ từ chùa Báo Ân ở Hà Nội, nhưng nay là tài sản của Bảo tàng Guimet ở Paris (Pháp), sắp được “hồi hương” bằng phiên bản in 3D.

Vì bản gốc tượng không thể hồi hương, nên bài báo coi việc hồi hương bản sao là một thành công. Trong khi đồng ý với nhận định đó, tôi vẫn lấy làm tiếc và buồn trước câu hỏi không thể không đặt ra: Tại sao chúng ta không tìm cách hồi hương bản gốc các cổ vật Việt Nam đang lưu lạc ở nước ngoài?

Đường đi của cổ vật

Trong khoảng thời gian 1997 - 2016, tôi đã nhiều lần đi du học, công tác và du lịch ở nước ngoài, nên có cơ hội viếng thăm nhiều bảo tàng và bộ sưu tập cổ vật ở xứ người. Qua tìm hiểu, tôi được biết cổ vật Việt Nam đi ra nước ngoài theo những con đường sau:

(1) Các đạo quân viễn chinh của các nước thực dân, đế quốc từng xâm lược Việt Nam trong các thế kỷ 19 và 20 đã cướp đoạt nhiều cổ vật, trong đó có nhiều bảo vật của các triều đại phong kiến Việt Nam.

(2) Sau khi chiến tranh kết thúc, những người lính từng tham chiến ở nước ta đã “nhặt nhạnh” nhiều cổ vật mang về nước, coi đó là vật kỷ niệm một thời của họ ở Việt Nam.

(3) Sau năm 1954, đặc biệt là sau năm 1975, nhiều người Việt Nam đi định cư ở nước ngoài mang theo cổ vật gia truyền, rồi những món gia bảo ấy được rao bán trong các cuộc đấu giá đồ cổ ở Paris, London, Frankfurt, Berlin, New York… Những cổ vật này được các bảo tàng hoặc nhà sưu tập ở nước ngoài mua lại.

(4) Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam sưu tầm tác phẩm mỹ thuật, cổ vật Việt để thỏa mãn đam mê nghệ thuật của họ.

(5) Nạn buôn bán cổ vật trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài, đặc biệt là trong các thập niên 1980 - 2000 và đến nay vẫn chưa chấm dứt.

Hệ quả của tình trạng chảy máu cổ vật là các bảo tàng công lập hay nhà sưu tập ở Việt Nam hiếm có cơ hội lưu giữ và trưng bày các bảo vật quý hiếm của nền văn hóa, mỹ thuật Việt Nam cho công chúng Việt Nam thưởng lãm, học hỏi, tìm hiểu. 

Trong khi đó, nhiều quốc bảo của Việt Nam lại đang được mua bán trong các phiên đấu giá cổ vật lẫn trên các trang web thương mại.

 Lọ gốm hoa nâu thời Trần, thế kỷ XIII. Bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật Hoàng gia ở Brussels.

 Những năm 1990, tôi đã được xem nhiều đồ gốm sứ Việt Nam ở các bảo tàng Nhật Bản, gồm Bảo tàng Machida ở ngoại ô Tokyo, Bảo tàng mỹ thuật Fukuoka, Bảo tàng gốm sứ Kyushu… 

Ví dụ, năm 1992 diễn ra triển lãm Betonamu no Toki (Gốm Việt Nam) ở Bảo tàng mỹ thuật Fukuoka, giới thiệu 133 món đồ gốm Việt Nam có niên đại thế kỷ 12 - 18 thuộc sở hữu của 13 bảo tàng khắp Nhật Bản. Đây là cuộc triển lãm quy mô nhất về gốm cổ Việt Nam từ trước đến nay ở Nhật Bản.

 Tháng 2-1998, tôi đến thăm Bảo tàng Machida ở ngoại ô Tokyo và gặp tiến sĩ Yajima, quản thủ kho gốm sứ, người vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài “Gốm Việt Nam thời Lê” ở Đại học Tokyo. Tôi được tiến sĩ Yajima hướng dẫn đi xem tất cả đồ gốm Việt Nam đang trưng bày và bảo quản ở đây. 

Theo lời ông, phần lớn đồ gốm Việt Nam trong bảo tàng này là quà tặng của ông Yamada Yoshio, thương gia kiêm sưu tập gia, người từng kinh doanh ở các nước Trung Hoa, Triều Tiên và Việt Nam từ trước Thế chiến II.

 Cổ vật Việt Nam ở châu Âu

Từ năm 2001 đến nay, tôi đã sang Bỉ nhiều lần và được xem rất nhiều cổ vật Việt Nam đang trưng bày, lưu giữ trong các bảo tàng ở đây. Trong đó, Bảo tàng Lịch sử và nghệ thuật hoàng gia ở Brussels và Bảo tàng hoàng gia Mariemont ở Morlanwelz là những nơi có nhiều cổ vật Việt Nam nhất.

Bảo tàng Lịch sử và nghệ thuật hoàng gia sở hữu gần 3.000 cổ vật Việt Nam, có phòng nghệ thuật Việt Nam riêng. Sưu tập cổ vật Việt Nam quan trọng nhất ở bảo tàng này 15 chiếc trống đồng Đông Sơn, được đánh giá là sưu tập trống đồng Việt Nam lớn nhất ở hải ngoại. 

Phần lớn cổ vật Việt Nam ở bảo tàng này xuất xứ từ sưu tập của Clément Huet, một nhân vật lừng danh trong giới sưu tập, khảo cổ và bảo tàng ở châu Âu những năm 1910 - 1940.

Ngoài sưu tập trống đồng, bảo tàng còn có 12 tủ cổ vật Việt Nam, gồm cổ vật thời tiền sơ sử, đồ đồng Đông Sơn và Sa Huỳnh, cổ vật trong các mộ Hán khai quật ở Thanh Hóa và Hải Phòng, gốm men ngọc và gốm hoa nâu thời Lý - Trần, gốm hoa lam thời Lê, sưu tập chân đèn và lư hương thời Mạc, đồ gốm và đồ đồng Champa, tượng đá Champa, đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn…

Ngoài ra, còn có pho tượng Phật bằng đồng niên đại vào thế kỷ 9, do Huet sưu tập ở Thanh Hóa, là trân bảo của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam trước thời tự chủ. 

 Tượng Phật bằng đồng, thế kỷ IX, do Clément Huet sưu tầm ở Thanh Hóa. Bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật Hoàng gia ở Brussels.

 Trong nhóm cổ vật Champa, ngoài những tượng Vinus, Apsara, vũ nữ… bằng đá có nguồn gốc từ Trà Kiệu và Mỹ Sơn, còn có chiếc bình tế bằng đồng, cũng được giới khảo cứu và sưu tầm cổ vật Champa tôn xưng là báu vật.

Địa chỉ thứ hai ở Bỉ có nhiều cổ vật Việt Nam là Bảo tàng hoàng gia Mariemont. Sưu tập cổ vật Việt Nam ở đây có khoảng 150 hiện vật, gồm nhiều cổ vật đặc sắc và giá trị. Bảo tàng Mariemont cũng mua được vài chục món từ sưu tập của Huet vào năm 1952. 

Trong những năm 1990, các quản thủ của bảo tàng này thường xuyên có mặt trong các cuộc bán đấu giá cổ vật Việt Nam thuộc các sưu tập Hồ Đình, Bảo Đại, Bảo Long… do Binoche-Ventes và Loudemer-Ventes tổ chức ở Paris.

Tháng 7-2004, tôi được Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) cấp học bổng sang Đức “học nghề” bảo tàng và triển khai nghiên cứu cổ vật Việt Nam ở Đức trong 3 tháng. Nhờ vậy mà tôi có dịp tiếp cận nhiều cổ vật Việt Nam ở Đức. 

Trong số đó có những món là trân bảo của nghệ thuật chế tác gốm sứ Việt Nam ở Bảo tàng nghệ thuật Dresden: 1 chiếc đĩa lớn và 1 cái ang, đều thuộc dòng gốm hoa lam thời Lê. Tôi cho rằng hai cổ vật này xứng đáng được xếp vào “chiếu trên”, thuộc nhóm hàng “độc” của dòng đồ gốm hoa lam thời Lê.

 Đĩa gốm hoa lam, thế kỷ XV-XVI. Bảo tàng Zwinger.

 Bảo tàng Dân tộc học München, Bảo tàng Nghệ thuật Đông Á ở Berlin và Bảo tàng Dân tộc học Linden Stuttgart là những nơi khác sở hữu nhiều đồ gốm Việt Nam, với nhiều chiếc mai bình (meiping) men trắng và đĩa gốm men ngọc thời Lý; thố hoa nâu thời Trần; nhiều thạp, hũ hoa lam thời Lê; chân đèn thời Mạc… 

Trong số đó có lẽ phải kể chiếc hũ gốm hoa lam, cao 40cm, trang trí đồ án chim phượng và mây; các cổ vật Champa rất đặc biệt: một kosa-linga bằng vàng và một bức tượng Siva bằng đồng; các tượng đá, đồng cùng hàng chục món đồ gốm Champa…

Gallery đồ cổ Asiatica Georg L. Hartle ở trung tâm thành phố München mà tôi có dịp ghé qua cũng bày bán hàng chục chiếc đĩa gốm Chu Đậu trục vớt từ con tàu đắm Cù lao Chàm, với giá rao từ dăm bảy trăm đến cả chục ngàn euro. 

Nơi đây còn bày bán một sưu tập đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn khoảng mươi món, rất hoàn hảo; một trống đồng Đông Sơn được đề giá 6.400 euro; một cặp độc bình pháp lam Huế giá 7.900 euro… 

Tôi hỏi Mathias Spanaus, người phụ trách gallery: “Tất cả những cổ vật được bày bán trong gallery này đều có nguồn gốc hợp pháp?”. Ông đáp: “Các cổ vật này có thể có nguồn gốc bất hợp pháp trước khi chúng đến châu Âu. Tuy nhiên, khi đã được rao bán trong các gallery, hay trong các cuộc đấu giá ở châu Âu thì chúng đều trở thành hợp pháp”.

Tôi sang Pháp vào tháng 10-2004, tìm đến Bảo tàng Guimet ở Paris để viếng thăm sưu tập cổ vật Champa lừng danh ở đây. Bảo tàng này hiện có hơn 100 cổ vật Champa, trong đó có 3 hiện vật xứng đáng liệt hạng quốc bảo:

- Tượng thần Siva ngự trên tòa sen làm bằng sa thạch (thế kỷ 11 - 12), nguyên thủy được thờ trong tháp Bánh Ít ở Bình Định; 

- Tượng thần Visnu cưỡi chim thần Garuda (thế kỷ 8 - 9) làm bằng sa thạch, có lớp tô màu đỏ phủ bên ngoài, là pho tượng Champa duy nhất có tô màu được biết đến từ trước đến nay;

- Linga bằng bạc có gắn kosa bằng vàng (thế kỷ 8). Hiện nay, chỉ có 7 kosa được nhận diện trong các bảo tàng và sưu tập trên khắp thế giới, trong đó Bảo tàng Guimet đang sở hữu 2 kosa.

 Tượng thần Visnu cưỡi chim thần Garuda, thế kỷ VIII- IX. Bảo tàng Guimet.

 Bảo tàng Quân đội (Musée de l’Armée) thuộc Điện Phế binh quốc gia (Hôtel National des Invalides) ở Paris đang trưng bày thanh Thái A kiếm. Theo nhà nghiên cứu Dominique Rolland, đây là bảo kiếm của vua Gia Long, vốn được trưng bày trong Đại Nội Huế nhưng đã bị người Pháp cướp đi sau vụ “thất thủ kinh đô” vào tháng 7-1885.

 Thái A kiếm của vua Gia Long đang trưng bày tại Bảo tàng Quân đội thuộc Điện Phế binh quốc gia ở Paris. Ảnh: Dominique Rolland

 Bảo tàng Mỹ thuật Rennes (vùng Bretagne) cũng là nơi có nhiều cổ vật Việt Nam, bao gồm sưu tập pháp lam của hai triều Minh Mạng (1820 - 1841) và Thiệu Trị (1841 - 1847). 

Đó là những quả hộp, chậu kiểng và các bộ đồ uống trà trong hoàng cung Huế. Trên những món pháp lam này còn dán những chiếc tem nhỏ ghi rõ xuất xứ từ Annam (Trung Kỳ). 

Hiện tại, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế đang sở hữu hơn 100 món pháp lam, nhưng không có bộ đồ uống trà nào, trong khi Bảo tàng Mỹ thuật Rennes lại sở đắc đến 3 bộ đồ trà bằng pháp lam Huế. 

Tiến sĩ Françoise Coulon, quản thủ bảo tàng, cho biết: “Cách đây hơn 15 năm, bảo tàng chúng tôi nhận được một nhóm cổ vật do những người lính lê dương quê ở vùng Bretagne, từng tham chiến ở Đông Dương, hiến tặng, trong đó có những món đồ này”.

Ngoài những cổ vật Việt Nam mà tôi thấy tận mắt ở những nơi nêu trên, tôi còn thu thập thông tin về cổ vật Việt Nam đang thuộc sở hữu các bảo tàng và sưu tập tư nhân ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm những bảo vật từng được rao bán trong các phiên đấu giá ở Pháp, Anh, Hà Lan, Hoa Kỳ…

 Đĩa gốm hoa lam, thế kỷ XV-XVI. Bảo tàng Zwinger.

 Những tia hy vọng

Trước sự đấu tranh kiên trì của các nước có di sản văn hóa bị cướp bóc trong thời thuộc địa, bị thất thoát do chiến tranh và nạn buôn bán cổ vật trái phép, các quốc gia từng là thực dân ở châu Âu đã dần thay đổi quan điểm với di sản văn hóa của nước khác đang “lưu lạc” ở nước họ. 

Nhiều chính khách có quan điểm tiến bộ ở các nước phát triển đã vận động thay đổi luật lệ, tạo hành lang pháp lý để hoàn trả cổ vật cho “các nước bị đánh cắp di sản văn hóa”.

Áp lực toàn cầu tăng lên với các bảo tàng và phòng trưng bày ở châu Âu, đòi họ phải trả lại cổ vật về cội nguồn suốt nhiều thập kỷ đã tác động đến thái độ và chính sách của các nước thực dân cũ.

Từ năm 1977, đã có những vụ dàn xếp để hoàn trả cổ vật về bổn quán giữa Bỉ và Zaire (nay là Cộng hòa dân chủ Congo) và giữa Hà Lan và Indonesia. 

Gần đây hơn, những vụ việc như vậy diễn ra liên tục: Năm 2005, Ý trả lại cho Ethiopia hiện vật 1.700 năm tuổi bị quân đội của Benito Mussolini lấy đi năm 1937; năm 2018, Na Uy trao lại các vật phẩm lấy từ đảo Phục sinh của Chile; năm 2018, Chính phủ Pháp trả lại cho Benin 26 tác phẩm nghệ thuật thuộc vương quốc Dahomey (Benin ngày nay); năm 2020, Thượng viện Pháp bỏ phiếu nhất trí thông qua đạo luật trả lại những hiện vật thời thuộc địa cho Benin và Senegal; năm 2021, Mỹ đã trả lại hàng loạt cổ vật cho Campuchia…

Những sự kiện trên là tín hiệu tốt với các quốc gia có cổ vật bị đánh cắp cho thấy họ hoàn toàn có thể khởi động những chiến dịch hồi hương cổ vật, trong đó có Việt Nam.

 Kosa bằng vàng, thế kỷ VIII. Hãng đấu giá Spink rao bán năm 2004.

 Làm gì để hồi hương cổ vật?

Theo tôi, Bộ VH-TT&DL Việt Nam nên nhanh chóng thành lập các tổ công tác gồm những nhà sử học, chuyên gia bảo tàng, nhà nghiên cứu cổ vật tiếng tăm… tiến hành rà soát tàng thư của các bảo tàng danh tiếng ở Việt Nam, các kho lưu trữ tài liệu thời Pháp thuộc, các cơ sở tôn giáo - tín ngưỡng có cổ vật bị mất cắp trước đây, để lập danh sách di sản văn hóa Việt Nam bị mất cắp, thất thoát.

Sau đó cử chuyên gia đến các bảo tàng ở nước ngoài, nơi đang trưng bày, lưu giữ cổ vật Việt Nam để xác minh, lập hồ sơ cổ vật. Đó là chứng cứ trình lên Chính phủ Việt Nam để liên hệ với chính phủ các nước liên quan kêu gọi, vận động họ ban hành chính sách nhằm hồi hương cổ vật Việt Nam.

Đối với các cổ vật đang được rao bán trên thị trường, Nhà nước Việt Nam cần ban hành chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho các bảo tàng công lập mua lại những cổ vật này chuyển về nước.

Theo tìm hiểu của tôi, trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, chưa có văn bản pháp lý cụ thể nào cho phép tổ chức và cá nhân trong nước được tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài hoặc thành lập thị trường đấu giá cổ vật chuyên nghiệp ở Việt Nam. 

Vì thế khi có thông tin về cổ vật Việt Nam đang rao bán, các bảo tàng, nhất là bảo tàng công lập, không biết dựa vào cơ sở pháp lý nào để đề xuất tham gia.

 Kosa bằng vàng gắn trên linga bằng bạc, thế kỷ VIII. Bảo tàng Guimet.

 Mặt khác, các bảo tàng và các nhà sưu tầm cổ vật ở Việt Nam rất hạn chế trong việc nắm bắt thông tin. Các bảo tàng ở châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… thường tiếp nhận thông tin đấu giá cổ vật do các hãng đấu giá cung cấp từ 3 - 6 tháng trước khi diễn ra. Họ còn cử chuyên gia thường xuyên đi “săn lùng” cổ vật Việt Nam ở các cửa hiệu đồ cổ và sưu tập tư nhân.

 Chiếc bàn trà bằng sứ của vua Tự Đức được trả lại cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế sau phiên đấu giá cổ vật của “Monsieur X.” ở Paris (Pháp) năm 1988. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

 

Nguồn lực là một vấn đề khác. Ngoài số tiền phải trả để mua cổ vật, thường là không hề nhỏ, còn phải tính tới chi phí đóng gói và vận chuyển, hoặc bảo quản đặc biệt. Việc chỉ trông cậy vào nguồn ngân sách nhà nước, do đó, sẽ rất khó khăn. 

Thất bại trong việc mua đấu giá bức tranh Déclin du jour (Chiều tà) do vua Hàm Nghi vẽ năm 1915 của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế vào năm 2010 là một ví dụ. Sự tham gia của các nhà hảo tâm, những người có nguồn lực và tâm huyết với văn hóa nước nhà, khối tư nhân và các tổ chức xã hội ở đây sẽ là rất cần thiết.

Ngoài ra, thủ tục, quy định mà một bảo tàng công lập phải tuân thủ khi mua cổ vật cũng là một trở ngại đáng kể. Một bảo tàng công lập tại Việt Nam muốn mua cổ vật, sau khi được cấp có thẩm quyền cho phép thì phải thành lập hội đồng xét duyệt, thẩm định giá trị, niên đại, lai lịch của hiện vật (và cả lai lịch của bên bán), đàm phán về mức giá… Nhiều thành viên hội đồng không thực sự am hiểu giá trị khoa học, lịch sử, văn hóa, kinh tế của cổ vật, nhưng lại có quyền can thiệp quá sâu và không cần thiết vào việc mua cổ vật.

Tóm lại, để không “chậm chân” khi mua cổ vật Việt Nam, chúng ta cần:

 (1) ban hành văn bản pháp lý cho phép các tổ chức và cá nhân ở Việt Nam tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài; 

(2) hình thành một thị trường mua bán cổ vật hợp pháp trong nước, được Nhà nước thừa nhận và bảo trợ; 

(3) các bảo tàng công lập nên có những chuyên gia về thông tin mua bán và đấu giá cổ vật Việt Nam; 

(4) khuyến khích sự tham gia của lĩnh vực tư nhân; 

và (5) Nhà nước cần có chính sách thích hợp để khuyến khích hồi hương cổ vật, mà cách làm của các nước Hàn Quốc và Nhật Bản có thể là ví dụ.■

Hàn Quốc và Nhật Bản đã thực hiện thành công việc hồi hương cổ vật bằng nhiều chính sách rất linh hoạt và hữu dụng

- Áp dụng thuế suất nhập khẩu 0% và đơn giản thủ tục nhập khẩu với tất cả vật phẩm văn hóa, lịch sử, mỹ thuật… có niên đại hơn 100 năm. Nhờ vậy, họ không chỉ hồi hương được các cổ vật đã mất, mà còn thu hút được di sản văn hóa của các quốc gia khác nữa.

- Cử chuyên gia đi khắp thế giới để nghiên cứu, thống kê, lập hồ sơ khoa học cho cổ vật của đất nước, đặc biệt là bảo vật quốc gia, đang lưu lạc ở nước ngoài và in thành vựng tập. Sau đó mời các nhà sưu tập, bảo tàng nước ngoài đang sở hữu cổ vật đưa chúng về nước trưng bày, triển lãm với quan điểm “chưa thể đưa về hẳn thì tạm thời đưa về để công chúng trong nước được tận mắt chiêm ngưỡng”.

- Thương lượng để trao đổi hoặc mua lại cổ vật. Nhà nước vận động những người giàu có bỏ tiền mua cổ vật để đưa về nước, nếu được thì tặng cho bảo tàng công lập. Những người này sẽ được chính phủ miễn, giảm thuế thu nhập nhờ vào các hoạt động hiến tặng cổ vật.

“Tự do” cho cổ vật thuộc địa

MAI MAI HƯƠNG 24/05/2021 02:10 GMT+7

TTCT - Gần một thế kỷ sau phong trào trao trả chủ quyền cho các dân tộc từng bị thực dân đô hộ, châu Âu chứng kiến sự lan rộng của phong trào đòi trao trả tài sản văn hóa cho các dân tộc này.

 
 Tượng báo đốm bằng đồng từng thuộc về kinh thành Edo, niên đại 1550 - 1680, kích thước 39,4 x 12,7 x 39,9cm, đang trưng bày tại Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan (Mỹ)

Kinh thành Edo của vương quốc Benin, vào thời hoàng kim đầu thế kỷ 17, là một đô thị đầy kiêu hãnh với cung điện từng được một người Hà Lan vào năm 1600 mô tả là “lớn đến mức như bất tận” với những bức tường lộng lẫy trang trí bằng phù điêu đồng tả cảnh triều chính, chơi nhạc, săn bắn và muông thú...

Cướp phá tàn khốc ở Edo

Là trung tâm của một cường quốc vùng Tây Phi, Edo cũng là trung tâm của một hệ thống tín ngưỡng phức tạp. Các Oba - người đứng đầu vương triều - khi lên ngôi luôn cho làm những bức tượng bằng đồng và ngà voi tưởng nhớ vị vua và hoàng hậu tiền nhiệm để đặt vào các đền thờ tiên đế trong cung. 

Những tượng vua có má phính và mắt sáng, những tượng hoàng hậu đeo vòng cổ tinh xảo và búi tóc cao. Việc xây dựng Edo tiêu tốn vật liệu nhiều hơn 100 lần so khu đại kim tự tháp Giza của Ai Cập.

Nhưng vào tháng 2-1897, thành Edo hóa thành tro bụi. Khoảng 5.000 quân viễn chinh Anh đã trút đạn pháo xuống kinh thành này, trong khi một đội tàu chiến 10 chiếc tham gia tấn công từ các tuyến đường thủy gần đó. 

Những người bảo vệ vương quốc Benin, chiến đấu bằng dao và súng hỏa mai, nhanh chóng bị tàn sát. Quân Anh xông vào các đền thờ và cung điện, cướp đoạt hàng ngàn cổ vật quý giá. Kinh thành xây dựng trong hàng thế kỷ bị san phẳng trong vài ngày.

Những báu vật của Benin vài tháng sau đó đã xuất hiện trong Bảo tàng Anh (British Museum) ở London. Những năm 1930, thị trường cổ vật thế giới sôi động lên, khi người Anh bắt đầu công khai bán chiến lợi phẩm cướp được từ Edo.

Ngày nay, hàng ngàn cổ vật Benin nằm rải rác trong 160 bảo tàng và hàng trăm bộ sưu tập tư nhân khắp thế giới. Một số phù điêu và tượng đồng Benin thế kỷ 16 được đánh giá là đẹp nhất và giá trị nhất trong nghệ thuật châu Phi được bán kín đáo vào năm 2016 cho một tay sưu tập tư nhân với giá đến 10 triệu USD/món.

Kinh thành Edo, nay là thành phố Benin, những bức tường đất bao quanh cơ ngơi xưa của các Oba giờ đổ nát, đầy rác, và nồng nặc xú uế, theo mô tả của CNN.

Của Benin phải trả lại cho Benin

Ngay khi giành độc lập từ Anh vào năm 1960, Nigeria đã tìm cách thu hồi cổ vật Benin và từng căng thẳng ngoại giao với Anh vào năm 1977 khi bị Bảo tàng Anh từ chối cho mượn lại một chiếc mặt nạ Benin để làm triển lãm.

Nhưng sự thật về cuộc xâm lược tàn ác và số phận trôi dạt của các tác phẩm đồng Benin chỉ mới được kể chi tiết trong quyển sách xuất bản cuối năm 2020 có tên The Brutish Museums (Bảo tàng Tàn bạo), một công trình nghiên cứu có các bằng chứng khai thác từ hồ sơ quân sự và thương mại của Anh, do Dan Hicks, nhà quản lý cổ vật Benin của Bảo tàng Pitt Rivers, thực hiện.

Nhiều thông tin mới về cuộc xâm lược Benin 1897 cũng được Barnaby Phillips, cựu phóng viên Anh hoạt động ở châu Phi và rất am tường về Nigeria, đưa vào quyển Loot (Cướp bóc) phát hành tháng 5-2021 này.

Sách được xem là bản án kết tội quân viễn chinh Anh, đưa ra các tài liệu chứng minh rằng hầu hết phù điêu và tượng đồng Benin đã bị thu giữ và chia chác như các chiến lợi phẩm, trong những điều kiện mà ngày nay Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mô tả là “sự phá hủy bất hợp pháp về di sản văn hóa”. Các tư liệu mới này tiếp tục đặt ra vấn đề đạo đức xung quanh việc sở hữu cổ vật Benin.

Từng tuyên bố vào năm 1981 rằng các phù điêu và tượng đồng Benin được đưa về Anh hợp pháp, vì khi đó người Anh là nhà cầm quyền chính danh ở vùng bảo hộ Duyên hải Niger (nay là Nigeria), Bảo tàng Anh, nơi giữ đến 950 phù điêu Benin, giờ đuối lý trước quá nhiều bằng chứng lịch sử. Nhưng cơ quan chức năng Anh vẫn viện dẫn nhiều lý do, trong đó có các điều luật cấm hoàn trả hiện vật nằm trong bộ sưu tập.

 
 Chiếc mặt nạ Benin bằng ngà voi, được xem là một trong những tác phẩm nghệ thuật châu Phi cổ đẹp nhất, từng là nguyên nhân của cuộc căng thẳng ngoại giao giữa Nigeria và Anh năm 1977

Phóng thích di sản bị giam cầm

Mặc dù vậy, tín hiệu tốt lành đã xuất hiện từ Đại học Aberdeen ở Scotland, nơi tuyên bố hôm 24-3 rằng sẽ đưa một cổ vật bằng đồng về Benin. Bảo tàng Quốc gia của Ireland mới đây cũng cam kết sẽ cho các tượng đồng Benin hồi hương. Làn sóng hoàn trả cổ vật bắt đầu lan từ Benin!

Ngày 29-4-2021, Bộ Văn hóa Đức và các bảo tàng ở nước này ra tuyên bố chung cam kết hoàn trả hàng trăm cổ vật Benin bằng đồng và ngà voi. “Chúng tôi muốn đóng góp vào sự hiểu biết và sự hòa giải với hậu duệ của dân tộc có những kho báu văn hóa từng bị cướp trong thời thuộc địa” - Bộ trưởng Bộ Văn hóa Đức Monika Grütters nêu trong tuyên bố. Đức dự kiến bàn giao cho Nigeria những cổ vật đầu tiên vào năm 2022 - hầu hết được mua từ các tay buôn đồ cổ người Anh.

Không chỉ Benin, trong giai đoạn thịnh hành chủ nghĩa thực dân, từ thế kỷ 19 đến trước Chiến tranh thế giới thứ II, rất nhiều vương quốc ở châu Phi và châu Á bị các nước châu Âu bóc lột. Vào những năm 1890, 10% diện tích châu Phi bị thực dân châu Âu kiểm soát, nhưng đến 1914 con số này là 90%. Số tài sản văn hóa của châu lục này bị cướp đi, vì vậy, cũng rất lớn.

Một báo cáo do chính phủ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tài trợ thực hiện năm 2018 cho thấy 90% tài sản văn hóa châu Phi đang nằm trong các bảo tàng châu Âu và có 90.000 món đang bị giữ ở Pháp - quốc gia từng có tám thuộc địa ở châu Phi.

Năm 2017, trong khi công du ở Burkina Faso, ông Macron viết trên Twitter: “Di sản của châu Phi không thể bị giam cầm trong các bảo tàng châu Âu thêm nữa”. Dù thực thi còn chậm, Pháp đang cố gắng hoàn trả 27 cổ vật quan trọng đầu tiên cho Benin và Senegal trước cuối năm 2021.

Nhiều nước châu Âu cũng đã trao trả không chỉ cho các thuộc địa cũ và không chỉ cho châu Phi. Năm 2005, Ý đưa về Ethiopia tháp bia lăng mộ Axum 1.700 năm tuổi, bằng đá cao 27m, từng bị quân đội thời Benito Mussolini trưng thu năm 1937. Na Uy năm 2018 trả lại hàng ngàn cổ vật từng bị một nhà thám hiểm lấy từ đảo Rapa Nui của Chile năm 1956. Tháng 1-2020, Hà Lan hồi hương 1.500 cổ vật cho Indonesia, một thuộc địa của nước này hồi thế kỷ 19.

Ai Cập nhiều chục năm qua đã chủ động đi đòi di sản và thành công mới nhất của họ là được Bảo tàng Holy Bible ở Washington D.C. đầu năm nay trả lại 5.000 món đồ, gồm tượng đá, mặt nạ che xác ướp, và những trang sách cổ ngàn tuổi từng được mua từ buôn lái châu Âu.

Nhà sáng lập nhóm Berlin Postkolonial vận động hoàn trả cổ vật ở Đức, ông Christian Kopp khẳng định với tạp chí nghệ thuật Art Net: “Chúng tôi tin chắc rằng các phong trào đấu tranh cho sự phi thực dân hóa cổ vật toàn cầu đang lan như cỏ kia không thể nào ngăn được nữa”.

Trong khi Berlin Postkolonial cùng nhiều tổ chức ở Đức nhiều năm qua ráo riết chống lại việc xây dựng Bảo tàng Humboldt Forum ở Berlin, nơi sẽ trưng bày cổ vật sưu tầm từ khắp thế giới, một quốc gia chưa từng có thuộc địa nào như Thụy Sĩ hai năm nay cũng nhanh chóng tiến theo phong trào, thành lập nhiều nhóm vận động hoàn trả cổ vật và các website cung cấp danh sách những bộ sưu tập có cổ vật bị cướp. “Mọi bảo tàng có bộ sưu tập thời thực dân đều thấy bị tác động và bị thách thức” - Thomas Laely, nguyên phó giám đốc bảo tàng dân tộc học của Đại học Zurich, nói với Art Net.

Trên báo Süddeutsche Zeitung của Đức, nhà sử học Bénédicte Savoy, một chuyên gia về cổ vật bị đánh cắp, phát biểu: “Tôi muốn biết bao nhiêu máu đã chảy từ một món cổ vật. Nếu không có việc tìm hiểu (xuất xứ), không Bảo tàng Humboldt Forum nào và không bảo tàng dân tộc học nào đáng được mở cửa ngày hôm nay”.

Khi nhân loại tiến bộ xem những cuộc viễn chinh của các đội quân thực dân là điều đáng hổ thẹn, những bảo tàng trưng bày cổ vật cướp từ thuộc địa đang bị xem là những nơi trưng bày và tán dương tội ác, do vậy, cần phải bị dẹp bỏ.■

 
 Bức tượng bán thân nữ hoàng Nefertiti của Ai Cập trưng bày tại Nei Museum, Berlin (Đức)

Không chỉ thất thoát trong thời thuộc địa, cổ vật Ai Cập còn bị nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài chiếm đoạt. Nổi tiếng nhất là bức tượng nữ hoàng Nefertiti được nhà khảo cổ Ludwig Borchardt tìm thấy ở di chỉ Amarna năm 1912 và đưa lậu về Đức. Năm 1924, khi bức tượng ra mắt ở Berlin, Ai Cập lập tức đòi trả, nhưng yêu cầu đó đến nay vẫn chưa được đáp ứng.

Tuy vậy, vấn đề có lẽ chỉ còn là thời gian để có thể đưa nữ hoàng Ai Cập hồi hương, bởi phong trào phi thực dân hóa cổ vật đang lan rộng khắp châu Âu, nơi nhiều nhà sử học, khảo cổ học, và công chúng tiến bộ kêu gọi chính phủ và các bảo tàng của họ công khai xuất xứ và hoàn trả cổ vật từng bị cướp từ thuộc địa.

Cổ vật Việt Nam không lẫn vào đâu được

TTCT - Những ngày đầu tháng 7 này, ông Jean François Hubert, chuyên gia cao cấp của hai hãng đấu giá Christie’s và Sotheby’s, lại đến Huế trong những chuyến đi tới VN đều đặn suốt 20 năm qua. Tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử VN, cổ vật VN, mỹ thuật VN, văn hóa Champa... đã dành cho TTCT một cuộc trao đổi về cổ vật VN.

Ông Hubert cho rằng những cổ vật Việt Nam như thế này là duy nhất trên thế giới, không lẫn vào đâu được - Ảnh: Thái Lộc

 Tôi vô cùng ấn tượng về đồ gốm VN. Những chiếc ấm, thạp thời Lý - Trần hay bình vôi, chum, hũ thời Lê… cả hình dạng, phong cách, họa tiết trang trí thì không lẫn vào đâu được. Tôi thường nói đùa những đồ vật này là 300%, thậm chí 500% là đồ cổ VN, với nhiều đặc trưng mà đồ gốm các nước khác, kể cả Trung Quốc không hề có. Những dấu hiệu trên những cổ vật ấy mang dấu ấn của hội họa trừu tượng. Cách đây 10 thế kỷ mà người Việt đã nghĩ ra những họa tiết như vậy thì rất ngạc nhiên. Đối với tôi, những đồ gốm thời Lý - Trần là tuyệt tác!".

Jean François Hubert


Xu hướng nhân văn

* Thưa ông, cổ vật ở VN hiện đang thật giả lẫn lộn, không chỉ đồ giả mà còn làm giả trên chính đồ thật. Là một chuyên gia, ông làm thế nào để phát hiện sự thật - giả này? Có cách nào để phòng tránh?


- Ở VN, một số thợ gốm ở Bát Tràng, thợ điêu khắc đá ở Đà Nẵng hay thợ đúc đồng ở Thanh Hóa... làm đồ giả cổ rất giỏi. Họ phỏng theo đồ thật và làm đồ giả giống như thật. Có trường hợp ở Thanh Hóa, người ta làm đồ giả cổ, phết thêm một lớp "ten" đồng của đồ thật ở bên ngoài rồi hô hoán đào được trong lòng đất, rồi có người đứng ra làm chứng hẳn hoi… Thật ra ở Quảng Tây (Trung Quốc) cũng có chuyện làm giả như vậy chứ không riêng gì ở VN. 

Muốn phân biệt thật - giả trước tiên phải xem xét dấu vết thời gian đọng lại trên hiện vật. Công việc này chúng tôi làm hằng ngày và trong nhiều năm nên đã đúc rút thành kinh nghiệm để nhận diện. Muốn giám định đúng hiện vật phải thường xuyên tiếp cận, cọ xát từ ngày này sang ngày nọ, rất cần mẫn, công phu và mất nhiều thời gian. Với nghề này, càng tiếp cận nhiều với hiện vật càng dễ đi đúng hướng.

Thật ra trên thế giới chỉ có khoảng năm hay sáu người thật chuyên, thật giỏi, có thể hiểu được tường tận một số đồ vật. Nhưng trên thế giới cũng có những kẻ lừa đảo rất giỏi, có thể tồn tại trong nghề giả cổ này đến 20 năm.

Tôi học được rất nhiều từ những nhà sưu tập VN. Họ khá lạ, có người trong 20 năm ròng chỉ mân mê đồ vật mà tích lũy kinh nghiệm chứ không học từ sách vở hay trường lớp nào như các nhà giám định ở phương Tây. Lâu ngày tự nhiên có kiến thức, phân biệt rất già dặn. Họ kinh nghiệm đồ đồng Đông Sơn thật sẽ rất nhẹ. Còn tượng Champa thật nếu búng vào thì có tiếng "lanh canh, long cong". Chỉ cần nhấc một tượng Phật gỗ Phù Nam lên, người giỏi biết ngay thật - giả.

Đừng nghĩ rằng chỉ ở VN mới có nhiều đồ giả mà ngược lại phương Tây còn nhiều hơn. Thực trạng cổ vật ở VN cho thấy đó là một gia tài đồ sộ, và nghiên cứu của chúng ta về gia tài này thì chưa tới đâu.

 “Văn hóa Đông Sơn độc đáo và duy nhất trên thế giới, xứng đáng để chúng ta tiếp tục đào sâu nghiên cứu nhiều hơn nữa. Trong khi đó, người Trung Quốc khi viết về văn hóa Đông Sơn thì thường xem nền văn hóa này như một bộ phận của văn hóa Quảng Tây. Phía Trung Quốc vẫn có những cuộc triển lãm về đồ Đông Sơn của Việt Nam và ghi chú giải thích bên dưới đó là thuộc văn hóa Trung Quốc. Theo tôi, nền văn hóa này là của Việt Nam 100%”... 

Jean François Hubert

 * Ông có lời khuyên nào đối với người chơi cổ vật VN? 

- Nếu lao vào cuộc chơi này trước tiên nên tin tưởng ở mình và tự học, nên trực tiếp, thường xuyên tiếp xúc với hiện vật. Nên đến các phòng triển lãm hoặc viện bảo tàng để xem và sau đó là tìm sách để đọc. Ở VN có nhiều cuốn sách viết về cổ vật rất tốt, nhiều công trình biên khảo về đồ gốm rất có giá trị.

Người chơi cũng nên chọn thái độ lương thiện, liêm sỉ trong cuộc chơi, vừa nhũn nhặn để học tập, nuôi cho mình sự đam mê mới đi được xa. Theo tôi, phải mất ít nhất 15 năm mới biết mình có trụ vững trong nghề hay không. Tất nhiên, khi đạt đến trình độ bình phẩm về cổ vật mới được coi là người có nghề. Điều này đòi hỏi phải nghiên cứu sâu trong một thời gian dài.

Ngày xưa Henri Parmentier khởi đầu bằng việc khai quật ở Mỹ Sơn. Xem lại những cuộc khai quật tương tự, so với thế giới thì đúng là nước Pháp đi trước các nước khác cả 30 năm nhưng sau đó thì chững lại. Những viện bảo tàng Pháp sau những bước đi đầu rất đẹp, chỉ ôm khư khư những hiện vật cổ, cho đến nay chậm hơn không dưới 30 năm so với nhiều bảo tàng trên thế giới.

Từng có những sự kiện chấn động ở Pháp khi một chuyên gia về Champa công bố những khám phá mới và được giới nghiên cứu lắng nghe. Nhưng sau đó mới lòi ra đó là những món đồ sao chép khiến người ta rất hoang mang. Vì thế, nếu chỉ nghiên cứu lý thuyết trong một thời gian dài mà không sờ đến hiện vật sẽ không phân biệt được thật - giả và sẽ có nhiều lỗ hổng trong giám định…


* Người VN đang có xu hướng giảm chơi đồ gốm Trung Quốc mà chuyển sang chơi đồ gốm VN. Ông đánh giá điều này như thế nào?


- Trước tiên phải thừa nhận đồ gốm Trung Quốc số lượng rất lớn và có lẽ mang một "thiên chức vương giả". Đồ càng đẹp, càng uy nghi thì người Trung Quốc càng trọng. Trong khi đó người VN và Nhật Bản khi xem xét hiện vật thường có khuynh hướng nhân văn hơn, thường đặt trong một bối cảnh có nhiều mối tương quan với đất đai. Gặp những món đồ có vết rạn, người Trung Quốc thường vứt bỏ.

Người VN và Nhật Bản thì giữ lại. Họ thấy trong đó có hình ảnh, tiếng nói của đất. Tôi cảm thấy người Pháp chúng tôi cũng có tương quan về đất đai như thế nhưng ở tầm mức ít sâu sắc hơn. Điều này không hiểu sao ở người Việt lại mãnh liệt đến mức kỳ lạ. Theo tôi, trong 30 năm tới đây xu hướng này sẽ rõ nét hơn, và giới sưu tầm trên thế giới sẽ nghiêng hẳn về xu hướng này.

Chiếc ấm gốm thời Lê, thế kỷ 15, mà ông Hubert đánh giá “tuyệt tác”, do Sotheby’s đưa ra đấu giá năm 1988, khởi điểm 10.000 USD, qua đấu giá bán được 250.000 USD - Ảnh: Thái Lộc (chụp lại)


Phải nghĩ cách chinh phục văn hóa nước mình

* Ở VN mới chỉ có các cuộc đấu giá cổ vật nghiệp dư và tự phát. Theo ông, vì sao VN chưa có sàn đấu giá cổ vật? Phải chăng do luật pháp không đầy đủ, do người Việt không có kinh nghiệm hay do sức hút của thị trường kém?


- Không riêng gì VN mà nhiều nước khác như Campuchia, Thái Lan, Philippines… cũng không có sàn đấu giá. Đấu giá cổ vật là một sự bảo đảm tính thật - giả rất tốt cho hiện vật. Nhưng chính vì tính phức tạp và cơ chế đấu giá cổ vật ở VN chưa rõ ràng cho nên người ta chưa tổ chức được. Trong cuộc bán đấu giá không thể phỉnh gạt, làm mờ mắt ai được. Đem một cái thố ra bán phải kèm theo bảo hiểm, rồi phê bình, miêu tả rất đầy đủ, từ xuất xứ, niên đại, tính chất, đặc điểm, rồi định giá…

Điều tôi thích ở các cuộc đấu giá là mọi chuyện xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật, từ kẻ bán người mua cho đến giá cả, sự thật - giả… Chính vì vậy mà cuộc đấu giá có nhiều thủ tục phức tạp khiến nó chưa thể thực hiện ở VN. Các hãng đấu giá lớn trên thế giới cũng từng gặp những phiền toái như thế.

Có trường hợp khách hàng đưa 10 hiện vật đến hai hãng Christie’s và Sotheby’s để đấu giá. Qua thẩm tra, khảo cứu, các hãng đấu giá chỉ chọn được hai món để đưa ra đấu giá và cất đi tám món. Sau đó, hãng đấu giá trả lời rất khéo rằng họ chỉ bán được hai món. Vì thế, đôi khi những người có cổ vật bị từ chối thì sinh lòng trách giận hãng đấu giá.


* Dự đoán của ông về thị trường đấu giá cổ vật của VN?


- Tôi chưa nhìn ra được thị trường này, kể cả trong nhiều năm nữa. Hai hãng đấu giá lớn là Christie’s và Sotheby’s đã suy nghĩ về việc này hơn 10 năm nay nhưng chỉ mới khởi đầu trong một vài năm gần đây. Muốn làm được điều này sẽ phải vượt qua nhiều quy định rất phiền phức của chính quyền sở tại. Rồi hiện tượng dối trá, lọc lừa.

Người ta ít khi nghĩ đến những khoản lợi nhuận vô cùng lớn mang lại cho quốc gia nếu làm được điều này mà cứ nghĩ đây là trò tiêu khiển của một nhóm người, do đó chưa đặt sự việc đúng tầm mức.

VN các bạn tương tự Pháp và Ý, là những xứ sở có nền văn hóa rất cao. Những giá trị của nền văn hóa như thế này là độc nhất vô nhị. Nhiều khi tôi cũng tự hỏi không biết người VN có nhận ra được điều đó không. Tôi nghĩ người VN bây giờ phải nghĩ cách tái chinh phục văn hóa của nước mình. Có thể nói văn hóa VN như khoáng sản, chẳng khác dầu mỏ mà chưa ai biết cách khai thác để làm giàu.


* Theo ông, vị trí và giá trị của cổ vật VN đang ở đâu trên thế giới?


- Trên thị trường thế giới, cổ vật VN không được quan tâm như hội họa, vốn có vị trí cao và đang tiếp tục vươn lên. Cổ vật VN, những đồ Đông Sơn có tiếng tăm cũng chưa nhiều, đó là chưa kể những cổ vật đích thị của VN nhưng lại bị Trung Quốc nhìn nhận của họ. Từ những năm 1995-1996 tôi có tổ chức một số triển lãm và đấu giá cổ vật VN, nhưng giá cả nhìn chung không cao lắm. Trong khi đó, vị trí và giá cả của hội họa VN đã tăng lên cao trong tổng thể hội họa châu Á.

Ảnh: Thái Lộc (chụp lại)
Ảnh: Thái Lộc (chụp lại)
Ảnh: Thái Lộc (chụp lại)



Nhiều cổ vật quý của Việt Nam đang bị rao bán ở nước ngoài

TRẦN ĐỨC ANH SƠN 14/05/2011 22:05 GMT+7

TTCT - Sau khi bài viết Một bộ tranh quý về triều Nguyễn được chào bán tại Mỹ đăng trên TTCT (số 17, ra ngày 1-5-2011), Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã liên lạc ngay với đại diện của Eric Kline Books để hỏi mua bộ tranh. Đáng tiếc, Eric Kline Books vừa bán bộ tranh tại Hội chợ sách New York.

Debra Lemonds, người đại diện của Eric Kline Books, thông báo người mua bộ tranh về lễ tế Nam Giao này tại Hội chợ sách New York lại tiếp tục bán cho một người khác. Vì bộ tranh đã được bán nên Eric Kline Books đã xóa đường link http://www.klinebooks.com/cgi-bin/kline/11638.html giới thiệu bộ tranh này trên website của họ.

Chậm chân mua tranh quý

Phóng to
Quán tẩy bằng vàng có nguồn gốc từ Đại nội Huế - Ảnh tư liệu của Philippe Truong

Như vậy, mong muốn hồi hương một cổ vật quý đã không thành hiện thực. Hiện tại, tôi đang nhờ một số đồng nghiệp trong ngành bảo tàng ở Mỹ và ở châu Âu “truy tìm” tông tích người mua (thứ hai) để xin chuyển nhượng hay có thể khai thác (có trả tiền) nội dung 54 bức tranh quý này. Hi vọng điều này sẽ trở thành sự thật.

Tuy nhiên, một đồng nghiệp của tôi là Philippe Truong ở Paris (Pháp) vừa thông báo: “Vẫn còn một số cổ vật quý của VN đang được rao bán ở Mỹ và ở châu Âu”. Theo ông Philippe Truong, những cổ vật VN đang được chào bán ở nước ngoài gồm:

1. Chậu pháp lam chưng một bộ cành vàng lá ngọc của triều Nguyễn đang được một nhà sưu tập tư nhân ở Mỹ rao bán 30.000 USD. Theo Philippe Truong, đây là bộ cành vàng lá ngọc thật sự, được gia đình nhà sưu tập này lưu giữ trong hơn 50 năm qua. Tại các di tích triều Nguyễn ở Huế và tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế hiện đang trưng bày và lưu giữ khoảng 20 bộ “cành vàng lá ngọc”, nhưng tất cả đều là bản phục chế dưới triều Đồng Khánh (1885-1889), đều làm bằng gỗ thếp vàng, không có bộ nào bằng vàng thật sự.

2. Một sách phong bằng vàng (thuộc bộ sưu tập của ông Ralph Marty ở Anh) do nhà đấu giá Sotheby’s ở Paris rao bán. Sách phong này do vua Gia Long cho làm vào năm 1807 để tôn phong bà Đoàn Thị (khuyết danh), chánh phi của chúa thượng Nguyễn Phúc Lan (1601-1648).

Ngày 16-12-2010, nhà đấu giá Sotheby’s đã đấu giá thành công một sách phong khác làm bằng bạc mạ vàng, do vua Thiệu Trị tấn phong cho vợ là bà Vũ Thị Viên, từ hạng Lương tần lên hạng Lương phi vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846). Sách phong này gồm 5 tờ 10 trang, kích thước 23cmx14cm, đã bán với giá 72.750 EUR.

Phóng to
Chậu pháp lam chưng bộ cành vàng lá ngọc của triều Nguyễn - Ảnh tư liệu của Philippe Truong

3. Một quán tẩy (chậu để vua rửa tay trước khi cử hành những đại lễ trong tông miếu triều Nguyễn) làm bằng vàng, cũng thuộc sưu tập của ông Ralph Marty, đường kính 31,7cm. Vành trên miệng chậu có khắc dòng lạc khoản “Bát ngũ tuế kim, tam thập ngũ lượng lục chỉ bát phân, tượng tác tượng tứ phụng tạo” (vàng 8,5 tuổi, nặng 35 lượng 6 chỉ 8 phân, do thợ ở đội 4 trong tượng cục vâng mệnh làm).

Quán tẩy này đã được trưng bày trong triển lãm của nhà buôn đồ cổ Roger Keverne (London) năm 2008, thông tin trong catalogue triển lãm cho thấy quán tẩy có nguồn gốc từ Đại nội Huế vào năm 1887, trước khi được bán cho ông Ralph Marty vào năm 1926. Tuy nhiên, theo những ghi chép của linh mục Siefert mà tôi có được thì quán tẩy này có thể đã bị người Pháp lấy đi từ miếu thờ các vua nhà Nguyễn ở trong Đại nội Huế khi họ tràn vào đây cướp bóc của cải sau sự kiện “Kinh đô thất thủ” (5-7-1885).

Nhà đấu giá Sotheby’s cũng đang rao bán một số nghiên mực quý hiếm có niên đại Thiệu Trị và Tự Đức. Ngày 16-4 vừa qua, nhà đấu giá Sophie Himbaut ở Aubagne (Pháp) đã bán một mô hình bi đình lăng Khải Định làm bằng đá cẩm thạch đỏ, kích thước 190x180x170 cm. Theo khảo cứu của Philippe Truong thì đây là hiện vật do triều Nguyễn chế tác và đưa sang Pháp dự cuộc triển lãm Expo coloniale năm 1931.

Cổ vật VN hiện đang được rao bán khá nhiều ở nước ngoài, có thể tìm thông tin dễ dàng thông qua website của các nhà đấu giá cổ vật danh tiếng như Sotheby’s, Christie’s, Butterfield, Nagel, Spink... Có được thông tin thì cần phải nhanh nhạy và tất nhiên cũng phải có nhiều tiền mới có thể theo đuổi việc đấu giá.

Nhưng không phải có tiền là mua được, bởi người mua cần am hiểu luật lệ về đấu giá cổ vật, thuế, thủ tục vận chuyển, luật pháp liên quan đến việc mua bán cổ vật của nước sở tại và Luật di sản văn hóa VN mới có thể “hồi hương” những cổ vật VN đang lưu lạc.

Bạn đang đọc trong chuyên đề "CỔ VẬT - BỊ CƯỚP, BỊ MẤT VÀ HÀNH TRÌNH ĐÒI LẠI"