Cuộc chơi với màu sắc

Tuổi Trẻ Cuối Tuần

TTCT - Màu sắc, sự giao thoa văn hóa, những khám phá sáng tạo và những người tiên phong, cùng những câu chuyện đầy tương phản trong lịch sử nghệ thuật.

Màu vẽ: ngắm tranh giờ mới hết rùng mình

T.L 28/08/2020 18:08 GMT+7

TTCT - Để vươn tới cái đẹp, người ta đôi khi đã tạo ra một số màu chết chóc.

Màu đỏ hùng hoàng là một chất khoáng độc.
Màu đỏ hùng hoàng là một chất khoáng độc.

Trong tất cả các loài động vật, chỉ có người mới chủ động tạo được màu. Ta có thể nói con người là giống ưa màu mè, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Từ người cổ tới người hiện đại đều đã dùng các phương pháp độc đáo khác nhau để tạo màu nhuộm quần áo, vẽ tranh, sơn nhà, trang trí và trang điểm. Để vươn tới cái đẹp, người ta đôi khi đã tạo ra một số màu chết chóc.

TRẮNG CHÌ

Là màu được dùng nhiều nhất nhưng rất độc, trắng chì có từ 2.500 năm trước, có thể coi là một trong vài màu đầu tiên do con người “tự chế” bằng cách trộn bột chì với giấm cực chua, phơi qua phơi lại trong nắng hè. Từ thế kỷ thứ 4 đến thứ 3 trước Công nguyên, triết gia Theophrastus thành Eresos đã nói đến nó.

Trắng chì được các họa sĩ châu Âu thời xưa yêu thích, nhưng kinh khủng hơn, người Ai Cập, Hi Lạp và La Mã cổ đại còn dùng nó để pha dầu bôi da và cả mỹ phẩm. Hậu quả dĩ nhiên là tai hại. Với công thức hóa học của chất nòng cốt là 2PbCO3.Pb(OH)2, trắng chì có thể đi vào cơ thể bằng đường thở, ngấm qua da và nuốt. Thời xưa, triệu chứng ngộ độc chất trắng chì có tên là “cơn đau quặn bụng của họa sĩ”, gồm đau bụng, đau khớp, huyết áp cao; trẻ con mà nhiễm độc có thể chậm phát triển thể chất lẫn tâm thần.

Phải đến thế kỷ 20 mới có màu trắng khác thay thế cho trắng chì; tuy không mềm mại và ấm áp bằng nhưng không độc, có tên là trắng titanium dioxide.

VÀNG NAPLES

Một màu nữa cũng độc là vàng Naples, với công thức Pb3(SbO4)2 chứa tới hai kim loại rất độc là chì và antimony. Màu này đầu tiên được dùng ở Ai Cập cổ đại và Mesopotamia để sơn lên kính cho đẹp. Có lẽ vì độc quá nên chất vàng chì antimonite này hết bị vứt đi lại được moi ra dùng lại trong suốt lịch sử, cuối cùng được ưa chuộng nhất tại châu Âu vào khoảng 100 năm, từ 1750 - 1850. Trong thời gian này, đó là màu vàng duy nhất được các họa sĩ vẽ phong cảnh dùng. Thế rồi dần dần, may thay, ta có màu vàng chrome và vàng cadmium thay thế.

Bức tranh The Haller Madonna của Albrecht Dürer với màu xanh lam từ chất Azurite có chứa arsenic cực độc.
Bức tranh The Haller Madonna của Albrecht Dürer với màu xanh lam từ chất Azurite có chứa arsenic cực độc.

ĐỎ HÙNG HOÀNG, CAM THƯ HOÀNG

Hùng hoàng (realgar) là một chất khoáng độc, chứa arsenic (thạch tín), nhưng lại là màu cam tự nhiên duy nhất. Đi kèm một cặp với nó là thư hoàng (orpiment), gọi là đôi uyên ương. 

Họa sĩ thời xưa đã dùng hai chất này tạo màu đỏ và cam cho tranh. Thời nào cũng thế, tranh có màu đỏ thường hút người mua. Biết chất này chứa thạch tín rất độc nhưng không ai cưỡng được cái đẹp của nó.

Đỏ hùng hoàng 

Đôi hùng hoàng-thư hoàng này có ở các vùng núi lửa. Vì nghiền ra được thành dạng bột nên người ta mang nó đi bán khắp nơi, từ châu Á, Ấn Độ, Trung Đông, Ai Cập cổ, châu Âu... tranh pháo nào có màu đỏ màu cam là gần như phải có hùng hoàng-thư hoàng trong đó làm màu. 

Chúng còn được các nhà giả kim Ả Rập ưa chuộng, gọi đó là “hai vua”. Do rất độc, nhiều mỏ hùng hoàng-thư hoàng ngày xưa chỉ dùng tù nhân khai mỏ, biết chắc thế nào cũng chết.

May thay, chúng là những chất dễ phai màu. Tranh vẽ bằng màu đỏ hùng hoàng để lâu thành màu cam thư hoàng; còn tranh vẽ bằng màu cam thư hoàng để lâu ra mà vàng nhạt hơn nữa... Vừa không bền lại vừa độc, vì sao phải giữ?

Và khoa học đã thay thế chúng bằng những tuýp màu tổng hợp, vừa bền lại vừa lành.

Chân dung hoàng đế Maximilian (Tranh của Albrecht Durer) với màu xanh lá chết chóc.
Chân dung hoàng đế Maximilian (Tranh của Albrecht Durer) với màu xanh lá chết chóc.

XANH LÁ ARSENIC

Đây là màu mới được làm ra hồi thế kỷ 18, có tên là xanh Scheele, là tên của Carl Wilhelm Scheele, nhà hóa học Thụy Điển khi ấy đang nghiên cứu về arsenic và nhân tiện làm ra màu xanh ấy, năm 1775.

Đầu tiên Scheele thêm arsenious oxide As2O3 vào muối sodium carbonate Na2CO3 nung nóng. Hỗn hợp được khuấy lên cho đến khi hòa tan hết, tạo sodium arsenite NaAsO2. Cuối cùng, thêm copper sulfate [CuSO4(H2O)x] vào, và thế là ra một màu xanh lá rực rỡ, với công thức AsCuHO3 rất độc, rất rẻ, rất đẹp, vẽ lộc biếc thì ôi thôi tuyệt.

Nhưng rồi xanh rồi lại có thứ xanh hơn, năm 1808, xanh Paris ra đời và tuy cũng có arsenic nhưng được dùng làm màu tới tận 1960 ở châu Âu và Mỹ; sau đó được dùng trong thuốc... diệt côn trùng tới đầu những năm 1980.

Cái chết của người làm hoa giả Matilda Scheurer vào thế kỷ 19 đã làm người ta “tỉnh mộng” trước màu xanh nhân tạo chứa arsenic. Thời đó hoa giả rất “mốt”, lá giả được nhuộm bột màu xanh để trông cho tự nhiên. Khi mổ xác Scheurer, người ta thấy cô đã hít arsenic vào tận nội tạng, như dạ dày, gan, phổi; cả cơ thể bị hủy hoại từ trong ra ngoài.

Ngoài ra, tương truyền một nạn nhân nữa của xanh lá là Napoleon Bonaparte. Sau khi thua trận Waterloo, hoàng đế Pháp bị đày ra đảo Saint Helena và ở trong một căn phòng sơn xanh, không rõ bằng màu xanh Scheele hay xanh Paris. Người ta cho rằng chính chất arsenic trên màu tường đã giết ông. Khi mổ xác Napoleon, các phân tích hiện đại cho thấy chẳng cần nghĩ tới thất bại và nhân tình thế thái, lượng arsenic có trong cơ thể cũng đủ để khiến ông đau ốm và chết dần mòn.■

(*) tổng hợp và dịch

Những sai lầm /kinh điển về sắc màu 

CHỦNG HẠNH 19/06/2020 16:06 GMT+7

TTCT - Điểm chung giữa đền Parthenon (thế kỷ 5 TCN) ở Hi Lạp hay tượng “Augustus of Prima Porta” (thế kỷ 1) khắc họa vị hoàng đế La Mã đầu tiên là cùng có màu trắng cẩm thạch? Một sai lầm kinh điển!

Nghệ thuật, bao gồm kiến trúc và điêu khắc, của phương Tây cổ đại thật sự đầy sắc màu. Với họ, tô màu giúp các pho tượng đá cẩm thạch trông “người” hơn hoặc “thần” hơn. Họ tô điểm nơi ở và đường sá bằng các bức bích họa tinh xảo và những bức tượng màu sắc sống động.

Nhưng vì sao khi nhắc đến thế giới cổ đại châu Âu, không ít người sẽ nghĩ ngay đến những công trình kiến trúc nguy nga trắng toát, được trang trí bởi những bức tượng cũng toàn màu trắng?

Theo trang Vox, nếu có lầm tưởng thì cũng đừng tự trách mình, bởi chúng ta không có lỗi. Sách giáo khoa, phim ảnh và bảo tàng quả thực đã đóng góp không nhỏ cho “lời nói dối trắng… trơn” này. Nhưng nguyên nhân lớn nhất bắt rễ từ thời kỳ Phục hưng tại châu Âu.

Chối bỏ màu sắc

Sau sự sụp đổ của đế chế La Mã, những bức tượng, cũng như nền văn minh đã tạo ra chúng, hoặc ngủ yên trong lòng đất, hoặc bị bỏ lại dưới trời mưa trời gió hàng trăm năm liền. Vì thế, lớp sơn ban đầu phai nhạt theo năm tháng, thậm chí biến mất hoàn toàn, chỉ còn lại màu trắng của đá.

Khoảng thế kỷ 14, những nghệ sĩ Phục hưng đào chúng lên, nghiên cứu và học hỏi, chẳng hề biết các pho tượng từng đầy màu sắc đến dường nào. Khi bắt chước phong cách điêu khắc thời cổ đại, họ đã giữ màu trắng trơn cho tác phẩm của mình. Kiệt tác David của Michelangelo - biểu tượng tiêu biểu cho thời kỳ Phục hưng ở Ý - được cho là lấy cảm hứng từ tượng “Augustus of Prima Porta” với lầm tưởng tác phẩm gốc cũng không có màu.

Tượng David của Michenlangelo

Và đây là bức tượng Augustus of Prima Porta, phiên bản không màu:

Tượng Augustus of Prima Porta.
Tượng Augustus of Prima Porta phiên bản không màu.

Phiên bản có màu của Augustus of Prima Porta:

Augustus of Prima Porta phiên bản có màu tại Bảo tàng Vatican.
Augustus of Prima Porta phiên bản có màu tại Bảo tàng Vatican.

Các nghệ sĩ Phục hưng tin rằng điêu khắc thế giới cổ đại trọng hình khối hơn màu sắc, vì thế màu trắng trở thành cảm hứng và chuẩn mực trong hàng thế kỷ. Khắp châu Âu hưởng ứng phương trình: màu trắng = cái đẹp.

Tại Đức, Goethe tuyên bố “những quốc gia man rợ, người không được giáo dục và trẻ con rất thích những màu rực rỡ”. Nhà văn vĩ đại của nước Đức còn nói thêm: “Người tinh hoa tránh sự sặc sỡ trong trang phục và đồ vật xung quanh họ”.

Nhưng sự “khinh thị” màu sắc sẽ không thể trở thành quan niệm thẩm mỹ nếu không có sự cố tình phớt lờ của một vài nhân vật lịch sử. Mặc dù đã có các bằng chứng cho thấy màu sơn trên các tác phẩm điêu khắc cổ đại, giới nghệ sĩ, sử gia và công chúng đã chọn cách “không nhìn thấy chúng”.

Vào thế kỷ 18, Johann Joachim Winckelmann, đôi khi được biết đến với danh hiệu “cha đẻ của ngành lịch sử nghệ thuật”, lập luận trong một cuốn sách của mình rằng “cơ thể càng trắng thì càng đẹp” và “màu sắc góp phần làm đẹp nhưng nó không phải là cái đẹp”. Chính ông đã bỏ qua những bằng chứng màu sơn rõ ràng trên các bức tượng cẩm thạch.

Khi khai quật thành phố cổ Pompeii của La Mã vào những năm 1700, người ta tìm thấy những bức bích họa mô tả các loại tượng nhiều màu sắc, thậm chí hình ảnh một nghệ nhân đang sơn tượng. Winckelmann đã phủ nhận nguồn gốc của chúng.

Các bằng chứng không chỉ bị phớt lờ, một số có thể đã bị phá hủy. Những tác phẩm bị chôn vùi dưới đất có thể giữ lại được nhiều màu sắc hơn. Nhưng vì chúng bám đầy bụi và đất, tất cả thường được…lau cọ sạch sẽ. Nhiều thế kỷ qua, các nhà khảo cổ và người ở các bảo tàng đã làm sạch những dấu vết có màu trước khi trình bày các tác phẩm trước công chúng. Nhiều nhà phục chế và người buôn đồ cổ mặc định phải chà rửa “nhiệt tình” những thứ khai quật được, khiến chúng càng sáng bóng và vì thế càng thu hút nhiều nhà sưu tầm.

Từ những năm 1990, Vinzenz Brinkmann và vợ đã bắt đầu tái tạo màu sắc các tác phẩm điêu khắc Hi Lạp và La Mã bằng thạch cao. Kết quả của nỗ lực này là triển lãm “Gods in color” lưu diễn vòng quanh thế giới từ năm 2003, giúp “đánh bay” định kiến của người xem bằng cách đặt phiên bản có màu cạnh bản gốc.

Nhà Brinkmann cũng đầu tư lớn khi làm một vài bản sao bằng đá cẩm thạch, vốn “lên màu” tốt hơn các mẫu bằng thạch cao. Song cách làm này dễ khiến khách tham quan lúng túng, tưởng rằng đó là những bản sao giống thật 100%. 

Quay ngược thời gian

Khi các nhà khảo cổ khai quật tượng “Augustus of Prima Porta” vào những năm 1860, họ nói rằng đã trông thấy chiếc áo của Augustus có màu đỏ thẫm, áo giáp thì màu vàng... Và giờ đây, tại Bảo tàng Vatican, những gì khách tham quan nhìn thấy là một pho tượng đơn sắc. Không rõ là Augustus bị mất màu do được vệ sinh quá mức hay bị cố tình “tẩy trắng” nữa.

Nhà khảo cổ người Đức, Vinzenz Brinkmann, sau một lần tình cờ nhìn thấy những điểm màu còn sót lại đã vô cùng sững sờ. Sau đó, ông ngộ ra rằng: nếu bạn đến đủ gần và quan sát một tác phẩm điêu khắc Hi Lạp hoặc La Mã cổ đại, một số màu sắc có thể dễ dàng nhìn thấy, ngay cả bằng mắt thường. “Hóa ra những gì chúng ta nhìn thấy rất chủ quan” - Brinkmann nói trên tạp chí The New Yorker.

Ngày nay, các nhà lịch sử nghệ thuật quan tâm đến sự thật hơn là cái đẹp. Các nhóm nghiên cứu đã và đang kết hợp nghệ thuật và khoa học để tái tạo các bức tượng cổ xưa, tìm kiếm màu sắc thực sự của chúng trong quá khứ. Người ta bắt đầu từ những miêu tả còn sót lại từ thời cổ đại, thường là về những tác phẩm nổi tiếng. Nhờ đó ta biết rằng đền Parthenon từng có một bức tượng nữ thần Athena bằng ngà voi và vàng, đeo một chiếc mũ trụ được tô điểm như nhân sư.

Bên ngoài đền Parthenon ngày nay. Ảnh: athen.liebieghaus.de
Bên ngoài đền Parthenon ngày nay. Ảnh: athen.liebieghaus.de

Và phiên bản ngôi đền này được phục dựng 3D:

Bên ngoài đền Parthenon, phiên bản 3D tái hiện màu sắc của John Goodinson
Bên ngoài đền Parthenon, phiên bản 3D tái hiện màu sắc của John Goodinson

Nếu may mắn, các chuyên gia có thể nhìn thấy những dấu vết màu sắc rõ ràng bằng mắt thường. Hiện nay, các nhà khoa học có thể lấy một mẩu rất nhỏ và đem đi kiểm tra để xác định các màu sơn nào đã được sử dụng.

Nhưng khi không còn bất kỳ dấu vết nào có thể nhìn thấy được, chúng ta có một công cụ khác: tia cực tím (UV). Một vài màu sắc sẽ phát sáng dưới ánh sáng UV, khi đó những dấu vết không còn vô hình. Nhóm nghiên cứu sẽ đối chiếu chúng với những gì quan sát được trên một bức tượng tương tự để có thể xác định màu sắc bị mất. Nhờ những công nghệ này, các viện bảo tàng đang ngắm nghía lại những vật thể tưởng như trắng trơn bấy lâu nay.

Các nhà nghiên cứu không bao giờ thêm màu trực tiếp vào bản gốc, vì thế họ sử dụng máy quét 3D để tạo ra bản sao từ thạch cao. Kế đến, họ bắt tay vào sơn tượng tỉ mỉ. Những chuyên gia khác thì ưu ái phương pháp tái tạo kỹ thuật số vì chúng linh hoạt hơn những bức tượng thạch cao, và có thể dễ dàng cập nhật khi có thêm thông tin, hay cùng một lúc tung ra tất cả những “kịch bản sắc màu” mà một bức tượng trắng có thể từng khoác lên.

Đẹp - xấu, đúng-sai

Nhiều ý kiến cho rằng tông màu trên các phiên bản làm lại quá lòe loẹt. Bản sao có màu của hoàng đế Augustus tại Bảo tàng Vatican từng bị Fabio Barry, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, phàn nàn là “trông như một người đàn ông mặc đồ phụ nữ và cố gắng gọi một chiếc taxi”. Barry bức xúc cho rằng chiếc “áo mới” của các pho tượng toàn màu sắc lố lăng như thể muốn “tô đậm” sự thật là chúng vốn không hề trắng trơn vậy.

Bảo tàng Ny Carlsberg Glyptotek (Đan Mạch) đã hai lần tổ chức triển lãm phiên bản màu của các pho tượng, song nhiều người tham quan cho rằng các tác phẩm làm lại “trông như thiếu mắt thẩm mỹ”. “Nhưng đã quá muộn! Thách thức đặt ra là chúng ta cố gắng và thấu hiểu (cách nhìn của) người Hi Lạp và La Mã cổ đại, chứ không phải để nhận xét đúng hay sai” - Jan Stubbe Østergaard, cựu giám tuyển của bảo tàng, nói với The New Yorker.

Tượng Phrasikleia Kore (Hy Lạp, thế kỷ 6 TCN). Ảnh: Liebieghaus Skulpturensammlung
Tượng Phrasikleia Kore (Hy Lạp, thế kỷ 6 TCN). Ảnh: Liebieghaus Skulpturensammlung

Và phiên bản phục dựng màu:

Tượng Phrasikleia Kore, phiên bản màu, hoàn thành năm 2010. Ảnh: Liebieghaus Skulpturensammlung
Tượng Phrasikleia Kore, phiên bản màu, hoàn thành năm 2010. Ảnh: Liebieghaus Skulpturensammlung

Theo Mark Abbe - giáo sư nghệ thuật cổ đại Đại học Georgia (Mỹ), những bức tượng được tô màu đã thiếu mất chiều sâu do thạch cao hấp thụ màu sơn khác với các loại đá cẩm thạch, vì vậy không tái hiện được chính xác vẻ đẹp của các pho tượng.

Mặc dù những bức tượng làm lại của hậu duệ chẳng hoàn hảo, thậm chí còn bị nhận xét là “lố đến xấu” bởi những người cùng thời, nhưng những công trình này giúp chúng ta hình dung thế giới cổ đại có thể trông như thế nào.

Bản gốc và bản màu của tượng “Cuirassed Torso” khai quật năm 1886. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật San Francisco
Bản gốc và bản màu của tượng “Cuirassed Torso” khai quật năm 1886. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật San Francisco

Sự thật về những bức tượng cổ đại từng-có-màu cũng đòi hỏi các nhà khảo cổ học cần quan sát kỹ trước khi cọ sạch các cổ vật. Chúng ta vẫn còn nhiều di sản cổ đại chờ được khám phá.■

Chuyện màu sắc của tượng cổ đại gần đây bất ngờ “gánh vác” thêm vấn đề phân biệt sắc tộc. Sarah Bond, giáo sư tại Đại học Iowa (Mỹ), cho rằng đã đến lúc chúng ta chấp nhận các bức tượng cổ đại vốn không phải toàn màu trắng và người cổ đại cũng vậy. 

Đế chế La Mã trải dài từ Bắc Phi đến Scotland đã rất đa dạng về mặt sắc tộc. Những mô tả về màu da sẫm hơn có thể được tìm thấy trên những chiếc bình cổ, những bức tượng nhỏ bằng đất nung và những bức vẽ chân dung Fayum, chứng tỏ sự đan xen phức tạp của người Hi Lạp, La Mã và Ai Cập…

Tranh luận về việc “tô màu” cho lịch sử

LÊ MY 03/06/2020 02:06 GMT+7

TTCT - Có nhiều tranh luận về việc có nên tô màu cho những bức ảnh đen trắng. Nhưng những người làm công việc tô màu ảnh có lý lẽ xác đáng của họ. Với họ, giá trị nghệ thuật của những phiên bản màu chính là việc kết nối quá khứ và hiện tại.

Có nhất thiết phải ảnh màu?

Vào năm 2015, NASA đã công bố một kho ảnh xưa đắt giá về “cuộc đua bay vào không gian” giữa Mỹ và Liên Xô hồi thế kỷ 20.

Phi hành gia John Glenn trong Chương trình Mercury (Mỹ) năm 1962. Ảnh: NASA
Phi hành gia John Glenn trong Chương trình Mercury (Mỹ) năm 1962. Ảnh: NASA

Giống như bao người, Matt Loughrey lướt xem hàng ngàn bức ảnh đen trắng và nhớ lại: “Tôi nhớ những ngày nhỏ được nghe cha kể về cuộc đua vũ trụ. Chúng tôi còn có những quyển bách khoa toàn thư, và mọi thứ đều đơn sắc. Tôi cảm thấy chúng thật xa cách”. Khi đó, anh đang làm nhiếp ảnh gia tại một ngôi làng vắng lặng ở Westport (Ireland).

Đến lượt mình trò chuyện cùng cậu con trai 7 tuổi, Matt xúc động trước câu hỏi: “Có phải thế giới ngày xưa luôn có hai màu đen và trắng không bố?”. Thế là, Matt quyết định bắt đầu chuyến du hành thời gian để “biến đổi những ký ức đen trắng thành những cửa sổ rực rỡ mở ra quá khứ” - anh kể trên tạp chí National Geographic.

Và ảnh do Matt Loughrey tô màu.
Và ảnh do Matt Loughrey tô màu.

Cùng năm đó, Matt Loughrey khởi động dự án “My Colorful Past” (tạm dịch: Quá khứ đầy màu sắc của tôi) như một cầu nối giữa lịch sử và nghệ thuật thông qua việc “tô màu”. Ý tưởng nhanh chóng trở thành một lựa chọn của các bảo tàng và thư viện nhằm nâng cao trải nghiệm của khách tham quan và giáo dục.

Các chuyên gia “tô màu” tin rằng màu sắc giúp rút ngắn khoảng cách thời đại. Với bộ quần áo và cảnh vật không còn đen trắng, Charles Darwin, Mark Twain hay Charlie Chaplin sẽ trông thật gần gũi như thể bạn có thể tình cờ bắt gặp trên đường, chứ không phải thuộc về một thời đại khác.

Với Dương Minh Trí, ảnh lịch sử đen trắng vẫn còn thiếu nhiều thông tin, ví dụ như phần lớn chúng ta nghĩ rằng quân phục của bộ đội Việt Nam khi xưa đồng nhất một màu, nhưng thực tế không phải như vậy.

Chẳng phải bằng chứng lịch sử, dù trắng đen, cần được giữ nguyên hay sao?

“Có rất nhiều lời buộc tội, không chỉ với tôi mà với bất kỳ ai làm việc này… cái việc như là phá hoại nghệ thuật hay lịch sử đấy - Jordan Lloyd kể lại - Những bức ảnh màu không nhằm thay thế các tài liệu gốc. Chúng tồn tại cùng với bản gốc. Chúng không để thay thế, mà nhằm bổ sung”.

Wolfgang Wild, giám tuyển nghệ thuật ở Oxford (Anh), tin rằng các nhà phục chế “không thêm màu vào thực tế đen trắng, họ đang loại bỏ bộ lọc đen trắng khỏi nhận thức của chúng ta về quá khứ”, theo báo Chicago Tribune.

Chẳng phải làm thế là tô vẽ ý tưởng của mình lên tác phẩm của người khác ư? 

Nhiếp ảnh đen trắng là một sự lựa chọn thẩm mỹ. Những bức ảnh đơn sắc là một góc nhìn về thế giới cần được “thông dịch”.

Với Matt Loughrey, khoảng 70% bức ảnh anh chụp là đen trắng. Thế nhưng, quan điểm đó không mâu thuẫn với dự án “My Colorful Past” nói riêng và công việc phục chế nói chung. Anh tin rằng giá trị nghệ thuật của những phiên bản màu chính là việc kết nối quá khứ và hiện tại.■

TTCT- Tác phẩm Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa của Hokusai tới nay vẫn được coi là kiệt tác lâu đời của nền nghệ thuật Nhật Bản. Bức vẽ chủ yếu dùng màu xanh. Câu chuyện về sắc xanh này làm nổi bật vai trò giao thoa văn hóa trong việc khám phá sáng tạo và được xếp vào hàng những câu chuyện đầy tương phản trong lịch sử nghệ thuật. Sắc màu rực rỡ, đã từ lâu được coi là tinh hoa của Nhật Bản, thực sự là một sự đổi mới của châu Âu.

Cận cảnh tranh “Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa” (Kanagawa oki namiura) (1830-1834) của Katsushika Hokusai, thuộc bộ tranh “Ba mươi sáu cảnh sắc Phú Sĩ” (Fugaku-sanjū-rokkei).
Cận cảnh tranh “Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa” (Kanagawa oki namiura) (1830-1834) của Katsushika Hokusai, thuộc bộ tranh “Ba mươi sáu cảnh sắc Phú Sĩ” (Fugaku-sanjū-rokkei).

Bức tranh mô tả một cơn sóng khổng lồ với những đỉnh sóng ngầu bọt đặc trưng như sắp nghiền vỡ con thuyền nhỏ bên dưới. Những người trên thuyền vẫn miệt mài làm việc, không màng đến hoặc không nhận thấy cơn hồng thủy đang lơ lửng phía trên - mạn thuyền song song với những đợt sóng đang cuồn cuộn vây quanh họ.

Trong khung cảnh dữ dội trước mắt, hình ảnh trung tâm của tác phẩm - đỉnh Phú Sĩ trắng tuyết - dễ dàng bị bỏ qua, hoặc bị nhầm thành một chỏm sóng. Dù kích thước khá khiêm tốn, song tầm quan trọng của bức Sóng lừng không hề bị phóng đại.

Tác phẩm có tác động sâu sắc tới trường phái ấn tượng của Pháp, đây là trường phái đã định hình chủ nghĩa hiện đại châu Âu - một phong trào nghệ thuật và triết học được cho là đã định nghĩa trào lưu đầu thế kỷ 20.

Vì vậy, bức tranh nhỏ được trưng bày tại nhà trưng bày quốc gia Victoria từ tháng 7 (đến ngày 15-10-2017) dễ làm người ta liên tưởng đến triển lãm các tác phẩm của Van Gogh gần đây.

Yếu tố trực tiếp và hấp dẫn nhất về hình ảnh con sóng mà Hokusai khắc họa là màu sắc. Ở tuổi 70, Hokusai là bậc thầy sáng tạo tranh bằng việc sử dụng bốn bản khắc. Sức mạnh đáng kinh ngạc của tác phẩm dễ che lấp sự hạn chế màu sắc - bức vẽ chủ yếu thiên về màu xanh.

Các nhân vật đầy màu sắc

Trên thực tế, sắc xanh này đã được nửa phần còn lại của thế giới tìm ra 130 năm trước khi xảy ra đợt sóng lừng trong tranh của Hokusai, qua một sự cố có liên quan đến một trong những nhân vật sống động bậc nhất châu Âu: Johann Conrad Dippel.

Sinh ra tại “Lâu đài Frankenstein” có thật tại Đức vào năm 1673, nhà thần học bí ẩn và đam mê mổ xẻ này tin rằng linh hồn người chết có nhập vào người khác, điều này trở thành nguồn cảm hứng được đồn đại cho cuốn Frankenstein, kiệt tác của Mary Shelley.

Vào độ tuổi ba mươi, Dippel bị mê hoặc bởi khoa học giả kim thuật, nhưng cũng giống như nhiều người trong nghề, ông thất bại trong việc biến các kim loại thường thành vàng.

Thay vào đó, ông tập trung sáng chế ra thuốc trường sinh bất tử. Kết quả của sáng chế này là “dầu Dippel”, một hợp chất độc hại đến mức hai thế kỷ sau, nó được sử dụng như một thứ vũ khí hóa học trong Thế chiến II.

Để giảm bớt chi phí cho phòng thí nghiệm ở Berlin, Dippel đã chia sẻ nó với nhà pha chế màu người Thụy Sĩ Johann Jacob Diesbach - nhà khoa học đồng nghiệp tham gia kinh doanh kiếm lời từ việc tạo màu.

Vào một buổi tối định mệnh năm 1705, trong lúc đang chuẩn bị công thức đáng tin cậy để tạo ra màu đỏ sẫm bao gồm một loạt côn trùng bị nghiền nát, sắt sulfat và kali carbonat, ông vô tình sử dụng một dụng cụ của Dippel có dính loại dầu độc hại trên.

Sáng hôm sau, hai người không thấy màu đỏ như trông đợi, thay vào đó là màu xanh lam đậm. Họ lập tức nhận ra giá trị lớn của chất này.

Công thức chế màu xanh Ai Cập được người La Mã sử dụng đã bị thất truyền từ thời Trung cổ. Chất thay thế nó, ngọc lưu ly lapis lazuli, có chứa bột đá quý Afghanistan, được bán với giá cắt cổ.

Bởi vậy, việc phát minh ra màu xanh có tính ổn định cao còn quý hơn vàng. Giá trị lớn hơn nằm ở chỗ màu này có thể được pha trộn để tạo ra những màu sắc hoàn toàn mới, một quá trình mà kể cả có sử dụng ngọc lapis lazuli đắt đỏ cũng không làm được.

Phát minh này đã tạo ra “cơn sốt màu xanh” tại châu Âu. Dippel đột ngột buộc phải né tránh các vụ kiện pháp lý ở Berlin vì những quan điểm thần học gây tranh cãi, do đó không thể thương mại hóa phát minh mới mang tên “xanh Phổ” này, nhưng sáng chế diệu kỳ này của ông là một bí mật lớn khó lòng giữ kín.

Chỉ trong vòng vài năm, công thức “xanh Phổ” đã được đưa vào nhà máy sản xuất. Nó được sử dụng rộng rãi trong tranh vẽ, giấy dán tường, quốc kỳ, tem bưu chính và trở thành màu chính thức của đồng phục quân đội Phổ.

Mọi người dường như say đắm sắc màu này. Và trên thực tế họ còn dùng màu này để uống. Vào giữa thế kỷ, Công ty Đông Ấn của Anh đã nhuộm trà Trung Quốc bằng màu xanh Phổ để tăng sức hấp dẫn kỳ lạ của nó ở châu Âu.

“Đêm đầy sao” của Van Gogh
“Đêm đầy sao” của Van Gogh

Sắc xanh lan tỏa sang châu Á

Vào đầu những năm 1800, một doanh nhân Quảng Châu đã giải mã công thức trên và bắt đầu sản xuất màu xanh này ở Trung Quốc với chi phí thấp hơn nhiều.

Và mặc dù Nhật Bản nghiêm cấm tất cả các mặt hàng xuất nhập khẩu, sắc màu này vẫn du nhập vào ngành công nghiệp in ở Osaka - nơi nó bị buôn bán lậu dưới tên “bero”, có nguồn gốc từ tiếng Hà Lan “Berlyns blaauw” (“Berlin blue” - xanh Berlin).

Màu sắc tươi sáng, phạm vi sắc độ và yếu tố ngoại lai đã khiến sắc xanh này phổ biến vang dội tương tự ở châu Âu.

Hokusai là một trong những nghệ sĩ tranh khắc Nhật Bản đầu tiên mạnh dạn nắm bắt màu sắc này, một quyết định có ảnh hưởng lớn đến thế giới nghệ thuật.

Sắc xanh được sử dụng rộng rãi trong bộ Ba mươi sáu cảnh sắc Phú Sĩ (1830), trong đó Sóng lừng là bức đầu tiên, sắc xanh đặc biệt cho phép thể hiện độ sâu của nước cũng như khoảng cách, chất lượng cảnh quan cốt yếu để tạo nên khung cảnh biển cả và đất liền.

Hokusai và Hiroshige, họa sĩ cùng thời ông, trở nên nổi tiếng vì sự mô tả cảnh quan tinh tế của họ. Mặc dù rất phổ biến trong xã hội, những bản tranh khắc gỗ này vẫn bị các nhà trí thức Nhật coi là thô tục và không xứng đáng được ca ngợi là tác phẩm nghệ thuật.

Khi những chính sách biệt lập của Nhật Bản cuối cùng cũng chấm dứt bởi sự đe dọa chiến tranh từ Hải quân Hoa Kỳ năm 1853, các bản tranh khắc này được dùng làm giấy bọc đồ trang sức có giá trị hơn.

Sau Triển lãm quốc tế Paris năm 1867, giá trị của các tác phẩm này có sự thay đổi thực sự. Buổi khai mạc trưng bày tại khu triển lãm Nhật Bản đã nâng cao vị thế nghệ thuật của tranh khắc gỗ và nhanh chóng kéo theo một cơn sốt sưu tập.

Nổi bật trong số những bức có giá cao nhất là những cảnh quan xanh đầy ấn tượng, đặc biệt là của Hokusai và Hiroshige. Điều này đã khiến các nghệ sĩ châu Âu lầm tưởng sắc xanh này có nguồn gốc từ Nhật Bản.

Không chỉ màu sắc, phong cách và cách thực hiện các bản vẽ của Hokusai, chủ đề cũng là yếu tố khiến màu xanh này có ảnh hưởng toàn diện.

Bộ sưu tập các bản phác thảo “manga” của ông đã nâng cuộc sống đường phố thường nhật thành nghệ thuật, những ý tưởng đó còn soi đường cho Edgar Degas và Henri de Toulouse-Lautrec.

Cả hai đều học hỏi rất nhiều thuật vẽ của Hokusai về xã hội lân cận và nét buông lơi của cơ thể phụ nữ.

Claude Monet bị quyến rũ bởi nền mỹ học theo “chủ nghĩa Nhật Bản” đến nỗi ông đã mua 250 bản tranh khắc gỗ của Nhật, trong đó có 23 tác phẩm của Hokusai.

Nghệ thuật và cuộc đời của Monet đều bị ảnh hưởng rất nhiều bởi điều này và họa sĩ đã thiết kế khu vườn của mình giống một bức tranh của Nhật, trong khi vợ ông mặc một bộ kimono đi dạo xung quanh.

Có lẽ ảnh hưởng rõ rệt nhất đến các họa sĩ châu Âu sáng lập nên chủ nghĩa hiện đại là bức tranh nổi tiếng Đêm đầy sao của Van Gogh, lấy cảm hứng từ cơn sóng xanh của Hokusai, từ màu sắc đến hình dáng bầu trời.

Trong thư gửi anh trai, Van Gogh nhấn mạnh việc bậc thầy người Nhật Bản đã gây ảnh hưởng sâu sắc tới ông.

“Thác Amida từ trên đường Kisokaidō xa xôi” (Kiso no oku Amida-ga-taki) (1834-1835) của Katsushika Hokusai thuộc bộ “Chuyến tham quan các thác nước ở nhiều tỉnh” (Shokoku taki meguri).
“Thác Amida từ trên đường Kisokaidō xa xôi” (Kiso no oku Amida-ga-taki) (1834-1835) của Katsushika Hokusai thuộc bộ “Chuyến tham quan các thác nước ở nhiều tỉnh” (Shokoku taki meguri).

 Ảnh hưởng của Hokusai tới châu Âu

Tầm quan trọng của Hokusai đối với chủ nghĩa hiện đại châu Âu thời kỳ đầu vừa rộng lớn, vừa được định hình rõ nét. Ít ai biết được rằng Hokusai đã tự vay mượn từ văn hóa hình ảnh của châu Âu.

Mặc dù trong cuộc đời họa sĩ, Nhật Bản bị cai trị bởi Sakoku, một chính sách kéo dài 250 năm ngăn cấm trao đổi với thế giới bên ngoài hoặc đối mặt với án tử, một nhóm nghệ sĩ và nhà khoa học Nhật Bản đã bí mật tìm hiểu về những bí ẩn kỳ lạ trong cách thể hiện của phương Tây.

Hokusai lấy ảnh hưởng từ một họa sĩ “Rangakusha” (từ chỉ các học giả Nhật chuyên nghiên cứu khoa học ngoại quốc, chủ yếu từ Hà Lan) có tên Shiba Kokan, người đã thử nghiệm với các nguyên tắc sáng tác của châu Âu.

Trong Sóng lừng, Hokusai đã bỏ qua cách nhìn truyền thống đồng kích thước của Nhật Bản, nơi những môtip luôn được đánh giá quy mô theo tầm quan trọng, thay vào đó là phong cách năng động của phương Tây với những cách nhìn đan xen.

Điều này khiến người xem tác phẩm có cảm giác ấn tượng cơn sóng như sắp đổ ập xuống đầu. Sự đam mê những tác phẩm cuối cùng của Hokusai của người châu Âu một phần là bởi Hokusai sử dụng một phong cách sáng tác quen thuộc.

Tuy nhiên, sự thật lịch sử này ngủ yên trong nhiều thập kỷ vì trái ngược hoàn toàn với cách nhìn của châu Âu về Nhật Bản.

Trong trí tưởng tượng của phương Tây, Nhật Bản là một vùng đất được bao bọc bởi hổ phách, với những con người thuần khiết, gần gũi với thiên nhiên, sự tách biệt đó đã giúp họ tránh khỏi những nỗi kinh hoàng mà công nghiệp hóa đã gây ra cho châu Âu.

Trên thực tế, Hokusai đã pha trộn khéo léo màu sắc và cấu trúc của châu Âu với các môtip và phương cách Nhật Bản thành một tác phẩm quốc tế hấp dẫn. Có lẽ nếu không có bản tranh khắc đặc sắc của Hokusai, làn sóng lớn của chủ nghĩa hiện đại châu Âu đã chẳng bao giờ xảy ra.■

(Zac Herman chuyển ngữ từ trang The Conversation)

Bạn đang đọc trong chuyên đề "CUỘC CHƠI VỚI MÀU SẮC"