TTCT - Khi bạn hái quả hồng đúng mùa, nó là nguyên liệu tuyệt vời cho cả những câu chuyện dân gian và những món mứt, bánh ngọt ngào đằm thắm.
Năm 1923, Artemas Ward, tác giả cuốn bách khoa toàn thư về thực phẩm và đồ uống (The Grocer's Encyclopedia), viết rằng một quả hồng đỉnh cao là “một cục nhăn nheo kỳ lạ của đường đậm đặc treo lơ lửng giữa những chiếc lá đỏ rực của mùa thu”.
Không gì đẹp bằng hình ảnh một cây hồng trong khung cảnh mùa đông, với vẻ đẹp nổi bật như một tia nắng bất chợt trong sương mù sâu thẳm. Những quả hồng cam rực đỏ như những chiếc đèn lồng treo lơ lửng trên không trung, bám vào những cành khô trụi lá.
Trên mặt đất đầy những lá hồng nâu sẫm quăn queo, những quả hồng quá chín như bùng nổ và rớt xuống, phô lớp thịt quả màu đỏ đậm trong veo, như thể ráng đẹp một lần cuối trong đời.
Ảnh: Mai Vinh |
Tôi đã học bài học đầu tiên về chuyện không biết chờ đợi, khi trèo lên cây hồng và quả quyết hái một quả màu cam rực đỏ, đinh ninh màu sắc ấy là bảo chứng cho vị ngọt ngào. Không hề, quả hồng chưa chín, miệng tôi như bị nhét một trái banh nỉ xù lông gớm ghiếc. Vị chát của quả hồng - hay là sự trừng phạt của chất tannin đậm đặc trong đó đối với kẻ vội ăn - khó quên đối với bất kỳ ai.
Nhưng phần thưởng cho người biết đợi đến đúng lúc cũng vô cùng đáng giá, một quả hồng chín là suối nguồn của mê mẩn, vị ngọt tươm ra theo thớ thịt hồng mềm mại, để lại trong vòm miệng mùi thơm như phảng phất chút vị quế, mát lạnh và mượt mà.
Còn trái hồng đã được ngâm để khử tannin sẽ mang đến một miếng cắn giòn tan, phần thịt sát hạt tựa miếng thạch dẻo ngọt. Quả hồng không thể để bất cứ ai thất vọng khi thưởng thức nó.
Những truyền thuyết thú vị
Người Nhật có câu chuyện cổ tích về con khỉ, con cua và quả hồng. Một con khỉ đưa cho một con cua một hạt hồng để đổi lấy một nắm cơm và nghĩ thế là đổi chác rất hời, nhưng khi hạt hồng của con cua nảy mầm và lớn thành một cái cây to đẹp đầy những quả hồng chín mọng đáng yêu, con khỉ vặt trộm sạch đám quả hồng, con cua cố gắng ngăn cản nhưng bị con khỉ ném đám quả hồng xanh vào đến chết.
Những đứa con của con cua đã kêu gọi sự giúp đỡ của một quả trứng, một miếng tảo bẹ, một con ong và một bộ cối - chày dùng làm bánh mochi để dạy cho con khỉ một bài học. Con khỉ bị quả trứng phát nổ, bị ong đốt, trượt ngã trên tảo bẹ trơn và chết do bộ chày cối rơi xuống.
Dẫu đạo lý của câu chuyện này khá là phức tạp, người ta vẫn nhớ được rằng quả hồng rất ngon và luôn được ao ước. Và hình như là đừng nên gây sự với những hậu duệ của một con cua.
Trích đoạn bức tranh Hái hồng của họa sĩ Nhật Bản Kitagawa Utamaro (1753-1806) |
Ở Hàn Quốc, quả hồng được cho là thứ có thể bảo vệ bạn khỏi loài hổ. Truyện kể là có con hổ đêm đêm mò xuống làng bắt người, một lần nó nghe thấy tiếng một đứa trẻ khóc và mò tới định bắt đứa bé. Tới sát nhà, nó nghe thấy người mẹ nói: “Nín đi, quả hồng chín rồi!” và đứa trẻ im bặt. Con hổ nghĩ một quả hồng mà có thể khiến một đứa trẻ nín ngay lập tức thì hẳn là thứ quả dữ dằn và nó bỏ chạy khỏi ngôi làng.
Minh họa truyện cổ Con hổ và trái hồng của Hàn Quốc (Nguồn: The Kraze) |
Ở vùng núi Ozarks (Mỹ), người già nói rằng cắt dọc một hạt hồng ra thì có thể dựa vào hình dáng nhân quả để đoán về sự khắc nghiệt của mùa đông tới.
Nếu phần nhân bên trong hạt có hình chiếc thìa, mùa đông tới sẽ dữ dội và ngập tuyết, nếu hình dạng giống một cái nĩa, sẽ là một mùa đông dễ chịu, còn nếu nó có hình dạng giống một con dao, mùa đông sẽ mang đến những cơn gió lạnh cắt.
Cắt hạt hồng ra để dự báo thời tiết mùa đông. (Nguồn: farmcarolina.com) |
Một lịch sử chu du
Là thứ quả bản địa của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc và vùng đất thuộc dãy Himalaya ở bắc Ấn, quả hồng đã đi một đường dài sang các xứ nhiệt đới và cận nhiệt đới khác. Nó được người Hi Lạp cổ cung kính gọi là “quả của các vị thần” (fruit of the gods), được xưng tụng bằng những cái tên trang trọng: “quả táo của phương Đông”, “ngọn lửa của thần Jupiter”...
Đầu thế kỷ 14, trong những ghi chép của mình, Marco Polo đã kể về hoạt động buôn bán quả hồng của Trung Quốc theo con đường tơ lụa. 5 thế kỷ sau, khoảng năm 1885, quả hồng tìm đường đến Queensland (Úc) và chưa đầy một thế kỷ sau đó, cây hồng được trồng ở vùng này trong định hướng xuất khẩu.
Cây hồng từ Nhật tới Mỹ năm 1865 theo chân Matthew Calbraith Perry, phó đề đốc hải quân Hoa Kỳ, tới Palestine và Israel quãng năm 1912, rồi đi xa hơn nữa, theo chân người Nhật tới Brazil và những năm 1960 biến những bang Ceará, Pernambuco và Piaui thành những vùng trồng hồng bạt ngàn.
Vào đầu những năm 1960, chỉ có 5 quốc gia là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ý và Brazil có hơn 100ha, sản xuất trên 1.000 tấn mỗi năm. Ngày nay, Trung Quốc chiếm tới 72% tổng sản lượng hồng toàn cầu (khoảng 5,75 triệu tấn) nhưng chỉ xuất khẩu khoảng 10% trong số đó.
Đứng đầu bảng về xuất khẩu quả hồng hóa ra lại là Tây Ban Nha - nơi năm ngoái sản xuất tới 88% tổng sản lượng hồng 456.000 tấn của toàn châu Âu - và là nhà xuất khẩu hồng hàng đầu thế giới. Tây Ban Nha mở rộng vùng trồng hồng nhanh và lớn nhất với hai giống Rojo Brillante (đỏ tươi) có mùi thơm, hương vị đặc biệt và giống Triumph. Những quả hồng Tây Ban Nha thậm chí còn đi xa tới châu Á, Trung Đông và qua Bắc Mỹ.
Năm ngoái, nước Nga trở thành nhà nhập khẩu quả hồng lớn nhất thế giới, với phần lớn nguồn cung đến từ nhà xuất khẩu số hai Azerbaijan và nhà xuất khẩu số bốn là Uzbekistan.
Những vườn hồng năng suất cao ở Tây Ban Nha (Ảnh: Linkedln) |
Tình yêu quả hồng của người Nhật
Sự tỉ mẩn và tinh tế của người Nhật khiến những quả hồng không chỉ là một món thượng hạng về độ ngon mà còn vì vẻ đẹp. Người Nhật làm cho quả hồng trở nên bội phần quý giá bằng một cách thức đơn giản: giảm số lượng quả và chăm sóc cây hồng tận tụy suốt năm.
Vào mùa xuân, những cành hồng khô lạnh mùa đông được tỉa cắt, lớp vỏ nhám như da rắn của thân cây được làm sạch, chỉ những nhánh cây lớn được giữ lại.
Tháng 5, hồng bắt đầu ra hoa và kết trái, mỗi cành chỉ được giữ lại 3-4 quả, rồi sau cùng giữ lại quả duy nhất trên mỗi cành. Đấy là loại hồng có giá 450 USD cho 12 quả tươi.
Làm hồng khô ở Nhật Bản. Ảnh: Flickr |
Quả hồng được hái bằng tay, gọt vỏ và treo phơi trong nắng gió tự nhiên. Người ta dùng những chiếc chổi tre mềm chải nhẹ quanh quả để làm nổi lên những hạt đường trắng mịn lấm tấm.
Nara - thủ đô chính thức đầu tiên của Nhật Bản được xây dựng cách đây hơn 1.300 năm - được thiên nhiên đặc biệt ưu ái, có những di sản lịch sử kỳ diệu như ngôi đền Todai-ji và Horyu-ji. Tại vùng đất là trung tâm lịch sử và tâm linh của Nhật Bản này, những ngôi làng đẹp như tranh vẽ và nhịp sống thuận hòa theo mùa.
Những vườn hồng ở đây được cả nước Nhật yêu mê đắm, không chỉ vì giống hồng Fuyu quả hình vuông lớn, vỏ mỏng, có hàm lượng tannin thấp, thường để ăn tươi và rất giòn mà còn vì nó cung cấp lá hồng cho món sushi lá hồng nổi tiếng, được gọi là “kaki no ha sushi”.
Sushi lá hồng |
Hãy mua một hộp nhỏ có chứa 7 miếng sushi lá hồng. Từng miếng cơm nhỏ, phủ một miếng cá thu đậm đà, được gói trong lá hồng. Gói từng miếng trong một chiếc lá giúp việc mang thức ăn đi xa dễ dàng hơn, lá hồng cũng giúp sushi không bị khô, chất tannin trong lá hồng giúp ngăn ngừa ôi thiu.
Lá hồng còn làm tăng hương vị đặc trưng của món sushi nên có thể ăn ngay mà không cần thêm nước tương. Khi chưa có tủ lạnh, đó là cách những người dân vùng núi Nara mang thức ăn đi chơi lễ hội.
Đó không chỉ là một món hoàn hảo để ăn ngoài trời, đó còn là một tác phẩm nghệ thuật để chiêm ngưỡng và tôn trọng.■
Ở đất Mỹ, người ta ưa làm những món bánh hồng mềm mại thơm tho từ những trái hồng cuối thu thấm đẫm sương giá. Những phụ nữ da đỏ ở Appalachia Mỹ trộn quả hồng với bột ngô để làm bánh mì, phơi khô đám hạt hồng để ủ làm bia và rượu, đôi khi còn rang hạt lên để làm ra một thức uống hao hao cà phê.
Bếp trưởng Bill Smith của nhà hàng Chapel Hill’s Crook’s Corner (North Carolina, Mỹ) nổi tiếng với món bánh pudding quả hồng, công thức món bánh kỳ diệu ấy đã lan tỏa khắp thế giới trong xêri phim tài liệu A Chef's Life của Đài truyền hình PBS. |