Sống chung với virus corona: con đường phía trước

Tuổi Trẻ Cuối Tuần

TTCT - Với đại dịch COVID-19, dưới góc độ khoa học, chúng ta đã tiến được rất dài trong việc hiểu biết nhiều hơn về virus corona và những gì cần thiết, hữu ích để khống chế sự lây lan chết chóc của nó, thông qua hàng loạt giải pháp mà quan trọng nhất là có đủ vaccine. Với tư cách là các cộng đồng và quốc gia, chúng ta cũng đã và đang thấy một sự thống nhất ngày càng lớn về nhận thức: sẽ không có cách loại bỏ hoàn toàn loại virus này và chuẩn bị chung sống với nó sẽ là con đường mà ai cũng phải đ

Vì sao ở Việt Nam cần nuôi cấy vi rút SARS-CoV-2?

THU HIẾN - DƯƠNG LIỄU 03/02/2023 06:09 GMT+7

Hiện Việt Nam có hai đơn vị đã phân lập và nuôi cấy thành công vi rút SARS-CoV-2. Việc nuôi cấy thành công đã mang đến hàng loạt hiệu quả để ứng phó với dịch COVID-19.

Hiện tại đã có 2 đơn vị nghiên cứu tại Việt Nam nuôi cấy được vi rút SARS-CoV-2 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Hiện tại đã có 2 đơn vị nghiên cứu tại Việt Nam nuôi cấy được vi rút SARS-CoV-2 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Nhưng mới nhất, TP.HCM có thêm một đơn vị đề nghị. Vì sao phải nuôi cấy vi rút SARS-CoV-2? Việc nuôi cấy có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn của cộng đồng?

Hàng loạt xét nghiệm sẽ chuẩn xác

Tại buổi làm việc ngày 31-1 với Bộ Y tế về phòng chống dịch, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - kiến nghị với Bộ Y tế cho phép thành phố được nuôi cấy vi rút SARS-CoV-2.

Theo ông Châu, khi nuôi cấy vi rút SARS-CoV-2 việc đánh giá miễn dịch cộng đồng sẽ tốt hơn. Ví dụ mới đây, nghiên cứu đánh giá miễn dịch cộng đồng chủ yếu dựa vào nồng độ kháng thể, sử dụng một số kỹ thuật thay thế phản ứng trung hòa.

Nhưng phản ứng trung hòa là phản ứng chính xác nhất để đánh giá kháng thể bảo vệ. Để đảm bảo phản ứng trung hòa phải có vi rút sống trộn với huyết thanh. Nếu như kháng thể trong huyết thanh đủ bảo vệ thì sẽ ức chế vi rút.

TS Phạm Hùng Vân - chủ tịch Liên chi hội Vi sinh lâm sàng TP.HCM - cho rằng kiến nghị của Sở Y tế TP.HCM là hợp lý và không có gì nguy hiểm. Để đánh giá hiệu quả bảo vệ, bắt buộc tìm ra kháng thể chứa trong máu xem khả năng trung hòa vi rút có xâm nhiễm trong tế bào hay không. 

Điều này chỉ có thể làm được khi nuôi cấy được vi rút đó, nếu không chúng ta chỉ làm được kháng thể giả trung hòa.

Người chích ngừa hay nhiễm bệnh ai cũng có kháng thể, tuy nhiên vi rút tiến hóa liên tục nên phải nuôi cấy để xem xét kháng thể có khả năng trung hòa với vi rút đang lưu hành không.

"Việc nuôi cấy này là cần thiết vì chúng ta có hệ thống phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III. Có dịch hay không thì việc nuôi cấy vi rút vẫn rất cần thiết, nên mở rộng thêm nhiều nơi để nuôi cấy", TS Hùng Vân cho hay.

Mức độ an toàn ra sao?

PGS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng, Trường đại học Y Dược TP.HCM - cho biết việc nuôi cấy vi rút SARS-CoV-2 không gây nguy hiểm cộng đồng. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã có phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III, tiêu chuẩn của các phòng này rất cao và nghiêm ngặt.

"Bên cạnh việc nuôi cấy vi rút SARS-CoV-2, chúng ta nên phát triển thêm các kỹ thuật khác (Pseudovirus hoặc phân tích In-silico) có hiệu quả tương tự, ít tốn kém để đánh giá xem biến chủng mới có đề kháng với kháng thể hiện diện không", PGS Dũng cho hay.

Ông Đặng Đức Anh - viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - cho biết việc nuôi cấy vi rút SARS-CoV-2 thành công sẽ giúp trả lời chính xác về nguồn gốc của vi rút, độc lực, cơ chế gây bệnh, tính sinh miễn dịch của vi rút.

Điều này là cần thiết để lựa chọn các phương pháp điều trị thích hợp, ngoài ra sẽ cung cấp các nguyên liệu để phát triển các sinh phẩm chẩn đoán đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh.

Việc nuôi cấy vi rút SARS-CoV-2 cung cấp các nguyên liệu để phát triển các sinh phẩm chẩn đoán đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh -  Ảnh: DUYÊN PHAN

Việc nuôi cấy vi rút SARS-CoV-2 cung cấp các nguyên liệu để phát triển các sinh phẩm chẩn đoán đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cần tính toán kỹ

Theo TS Trần Minh Châu - phụ trách phòng lab vi sinh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - việc nuôi cấy, phân lập vi rút SARS-CoV-2 đòi hỏi phòng xét nghiệm an toàn, nhân lực chuyên môn cao. 

Hiện nay hai cơ sở đầu ngành về nuôi cấy, phân lập vi rút là Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và Viện Pasteur TP.HCM, những phòng xét nghiệm bình thường không đủ tiêu chuẩn để nuôi cấy, phân lập vi rút SARS-CoV-2.

TS Minh Châu cho rằng nếu phòng xét nghiệm của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã có đủ điều kiện về cơ sở, đảm bảo an toàn và nhân lực thì có thể thực hiện nuôi cấy, phân lập vi rút SARS-CoV-2 để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19.

"Tuy nhiên cần tính toán kỹ lưỡng về chi phí, nhân lực để không gây lãng phí. Việc có thêm đơn vị nuôi cấy, phân lập vi rút SARS-CoV-2 sẽ giúp bệnh viện có thể tự xét nghiệm, nghiên cứu mà không cần gửi sang các đơn vị khác để xét nghiệm", TS Châu nói.

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam đã "tạm lắng", số mắc mới liên tục giảm, việc có thêm một đơn vị nuôi cấy, phân lập vi rút SARS-CoV-2 có cần thiết không?

TS Châu cho rằng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn cảnh báo đại dịch COVID-19 chưa kết thúc. Vì vậy, việc có thêm một đơn vị nuôi cấy, phân lập vi rút SARS-CoV-2 sẽ giúp Việt Nam có thêm những nghiên cứu, dữ liệu phục vụ công tác phòng chống dịch.

Bộ Y tế nói về đề xuất của TP.HCM

Ông Phan Trọng Lân - cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho hay đã nhận được công văn của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, kèm hồ sơ đề nghị cấp lại giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp III tại bệnh viện.

Tại báo cáo năm 2022 Bệnh viện Bệnh nhiệt đới không thực hiện xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2, chưa có quy trình thực hành liên quan đến hoạt động nuôi cấy, phân lập, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế TP.HCM cung cấp nội dung đề xuất cụ thể, tài liệu liên quan về nuôi cấy vi rút SARS-CoV-2 trong phòng xét nghiệm.

Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế TP chỉ đạo cung cấp, báo cáo việc thực hiện kiểm tra, thanh tra phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới theo quy định, phối hợp chặt chẽ với Viện Pasteur TP.HCM để thống nhất thực hiện theo quy định. (T.HIẾN - D.LIỄU)

Dưới 50 ca COVID-19/ngày chỉ là số thống kê

Thống kê từ 15-1 đến nay cho thấy ca mắc COVID-19 luôn dưới 50 (chỉ duy nhất ngày 30-1 có 53 ca), nhưng số này không chính xác so với thực tế.

Theo ông Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng - hiện nhiều người xét nghiệm dương tính nhưng không thông báo, hoặc dương tính nhưng tình trạng bệnh nhẹ không vào viện, vì thế số mắc thực tế có thể cao hơn thống kê.

Ông Phu cũng đánh giá dịp Tết đi lại, giao lưu nhiều nhưng đến nay chưa thấy có nguy cơ bùng phát dịch như cùng kỳ năm trước.

"Chúng ta vẫn kiểm soát được dịch do chủng hiện tại gây bệnh cảnh nhẹ, số người đã mắc và có miễn dịch đã nhiều" - ông Phu nhận xét. (HỒNG HÀ)

Thái Lan mua siêu máy tính hiệu quả nhất Đông Nam Á, có thể phân tích biến thể SARS-CoV-2Thái Lan mua siêu máy tính hiệu quả nhất Đông Nam Á, có thể phân tích biến thể SARS-CoV-2

TTO - Siêu máy tính mà Thái Lan chi tới 17,8 triệu USD để mua sẽ hữu ích cho cả việc dự báo các thảm họa thiên nhiên và phân tích các biến thể của SARS-CoV-2, virus gây bệnh COVID-19.

Ném đá dò đường sống chung với COVID-19

HIẾU THẢO - Y.L. 18/09/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Hơn một năm rưỡi từ sau khi COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện, các chính phủ ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ đang khuyến khích mọi người quay trở lại nhịp sống hằng ngày và học cách thích nghi với những điều kiện sống mới nhằm chung sống với virus SARS-CoV-2.

 
 Thông báo nhắc đeo khẩu trang ở Sydney (Úc). Ảnh: Reuters

Với sự xuất hiện của biến thể Delta, kéo theo các đợt bùng phát mới, đại dịch vẫn đang là một nỗi ám ảnh với người dân. Tuy nhiên, các chính phủ đã thừa nhận một thực tế rằng họ không thể ngăn sông cấm chợ với bên ngoài lâu hơn nữa; thay vào đó, tiến hành phong tỏa theo đợt và vạch ra những quy định cụ thể về giãn cách xã hội sẽ là một phương án phục hồi khả thi hơn. Một số quốc gia theo đuổi tham vọng sạch bóng COVID cũng đang nỗ lực hòa vào dòng xu hướng này.

Chuyện những láng giềng Đông Nam Á

“Chúng ta cần nói với người dân: Sẽ có rất nhiều ca lây nhiễm mới, và đó là một phần của kế hoạch; chúng ta phải để mọi thứ diễn ra như vậy” - Dale Fisher, giáo sư ĐH Quốc gia Singapore (NUS) và là chủ tịch Hội đồng Kiểm soát và phòng chống lây nhiễm quốc gia thuộc Bộ Y tế nước này, từng chia sẻ như thế với báo The New York Times hồi tháng 7. Trước đó một tháng, một nhóm bộ trưởng của Singapore đã viết trên nhật báo Straits Times rằng: “Người dân của chúng ta đang chiến đấu đầy mệt mỏi. Tất cả đều chung một thắc mắc: đến khi nào và bằng cách nào trận đại dịch này sẽ kết thúc?”.

Điều này cho thấy ý định chung sống cùng COVID-19, thông qua việc giảm dần các biện pháp giới hạn, của đảo quốc này đã được ấp ủ và tính toán cẩn trọng trước khi chính thức thực thi. Các kế hoạch bao gồm chuyển sang theo dõi số người bệnh nặng, bao nhiêu người cần chăm sóc đặc biệt và bao nhiêu người cần đặt nội khí quản, thay vì đuổi theo số ca nhiễm.

Những kế hoạch này đều dựa trên kinh nghiệm và hiệu quả của những động thái chính phủ từng thực hiện từ đầu mùa dịch. Singapore đã đẩy mạnh tiêm phòng đầy đủ cho công dân của mình noi theo hình mẫu là Israel - nơi 78% dân số trên 12 tuổi đã được tiêm đủ vaccine ngừa COVID-19.

Kết quả: Singapore gặt hái được nhiều thành công so với các nước trong khu vực, với 80% dân số (khoảng 5,7 triệu người) đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine. Từ ngày 6-8, người Singapore tiêm phòng đầy đủ đã có thể dùng bữa tại các nhà hàng theo nhóm 5 người, các hộ gia đình cũng được phép tiếp 5 khách đến thăm. Từ ngày 19-8, các sở làm việc được phép đón 50% nhân viên trở lại văn phòng.

Các buổi biểu diễn trực tiếp, rạp chiếu phim, sự kiện thể thao, triển lãm, hội nghị và đám cưới được đón tối đa 1.000 người tham dự đã được tiêm chủng, kèm tối đa 50 người chưa được tiêm chủng. Du lịch cũng dần trở lại, khi từ tháng 9 này, những người đã tiêm vaccine đến từ Đức và Brunei cũng sẽ được phép nhập cảnh vào Singapore mà không phải cách ly.

Trong khi đó, tại Campuchia, ngay cả khi số ca nhiễm tăng lên 94.000, với khoảng 2.000 ca (hầu hết là người đã tiêm vaccine) ghi nhận trong đợt bùng phát của biến thể Delta, người dân vẫn được thông báo rằng họ phải học cách sống chung với COVID-19 bởi nền kinh tế cần được khôi phục sớm nhất có thể.

Tờ Khmer Times ngày 3-9 dẫn lời người phát ngôn Or Vandine cho biết Bộ Y tế đang soạn thảo một chiến lược để giảm bớt các hạn chế liên quan đến COVID-19 để người dân có thể có một cuộc sống bình thường hơn. Bà cho biết chiến lược bao gồm cả việc chấp nhận thực tế rằng dịch bệnh đang và sẽ còn tiếp diễn lâu dài, mọi người sẽ cần tuân theo các hướng dẫn của chính phủ và suy nghĩ tích cực.

Các bộ ban ngành khá lạc quan về những viễn cảnh để đạt được “trạng thái bình thường mới”. Bộ trưởng Kinh tế Aun Pornmoniroth đã đệ trình “Lộ trình khôi phục du lịch Campuchia trong và sau cuộc khủng hoảng COVID-19” từ nay đến năm 2025 lên Thủ tướng Hun Sen.

Trên chặng đường gập ghềnh đối phó với virus corona, Campuchia cần đạt được miễn dịch cộng đồng đủ để tạo kháng thể, giảm thiểu tối đa số ca nhập viện và tử vong. “Nền kinh tế toàn cầu đang học cách chung sống với COVID-19. Một yếu tố then chốt để nền kinh tế có thể phát triển mạnh trong thế giới COVID-19 là tiêm chủng. Campuchia đang đi đúng hướng, với gần 70% dân số trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ” - nhà kinh tế cao cấp Katrina Ell của Moody’s Analytics nói với Khmer Times.

Chính phủ Campuchia cho rằng bình thường mới là tuân thủ “3 có” và “3 không”: đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách 1,5m; không đến không gian kín, tránh xa đám đông và không chạm vào người khác.

Còn tại Thái Lan, từ ngày 1-9 nhà chức trách nới lỏng nhiều hạn chế được áp dụng tại thủ đô (đã đóng cửa từ tháng 7) và các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề khác để giảm tác động đến các doanh nghiệp.

“Thật không thể tin được chúng ta có thể trở lại bình thường. Tôi không nghĩ điều này có thể xảy ra vì chúng ta đã sống với COVID-19 quá lâu và chỉ ở trong nhà chứ không đi đâu cả. Thật là thoải mái khi được trở lại đây mua sắm” - bà Pornthip Thiensanthiranon, 69 tuổi, nói với ABC News khi đang mua sắm tại trung tâm thương mại Iconsiam sang trọng ở Bangkok.

Tại đây, khách hàng được nhân viên chào đón và tặng gel sát khuẩn tay. Người mua hàng được hướng dẫn đăng ký thông qua một ứng dụng, trong khi nhân viên phải thực hiện xét nghiệm nhanh COVID-19 một cách thường xuyên. Pairoj Fuangbangruang, một người bán thực phẩm tại Iconsiam, cho biết anh “rất vui vì có thể trở lại làm việc. Cuối cùng, tôi đã có thể kiếm sống lại”.

Thái Lan bắt đầu từng bước mở cửa trở lại, sau khi số ca nhiễm giảm trong các tuần gần đây. Hiện khoảng 90,4% trong số 7,69 triệu người ở Bangkok đã được tiêm ít nhất một liều vaccine và 22,4% được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi. Trên toàn quốc, khoảng 32,6 triệu liều đã được tiêm; khoảng 34,5% dân số được tiêm ít nhất một liều và 11,9% được tiêm chủng đầy đủ.

Các quốc gia Đông Nam Á khác vẫn còn một chặng đường dài trước khi thực sự có thể chung sống với virus, nếu xét đến yếu tố quan trọng kể trên: tỉ lệ phủ vaccine. Chẳng hạn, Indonesia mới đạt 13,4% dân số được tiêm đầy đủ, trong khi Myanmar mới 3,4% và Việt Nam là 2,9%, theo số liệu tổng hợp của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS).

 
 Ảnh: Reuters

Phủ vaccine là chìa khóa

Ở những nơi mà vaccine đã được phổ biến rộng rãi trong nhiều tháng như Mỹ và châu Âu, các quốc gia đã đặt cược lớn vào các chương trình tiêm chủng của họ như một tấm vé thoát khỏi đại dịch và là chìa khóa để giữ tỉ lệ nhập viện và tử vong ở mức thấp.

Từ ngày 23-8, toàn bộ 16 bang ở Đức áp dụng quy tắc 3G - geimpft (tiêm ngừa), genesen (khỏi bệnh) và getestet (xét nghiệm); những ai thỏa 1 trong 3 điều kiện này có thể vào các không gian trong nhà như tiệm ăn, phòng gym, dự sự kiện. Theo Đài DW, quy tắc áp dụng toàn quốc này nhằm tránh việc phải áp đặt các lệnh hạn chế mạnh hơn như phong tỏa trong tương lai và khuyến khích người dân tiêm vắc xin.

Vương quốc Anh đã tiêm phòng cho gần như tất cả những cư dân dễ bị tổn thương nhất, đã thực hiện cách tiếp cận quyết liệt nhất: loại bỏ gần như tất cả các hạn chế xã hội liên quan đến COVID-19, bất chấp sự gia tăng của các ca nhiễm biến thể Delta, đặc biệt là ở những người trẻ. Các quán rượu, nhà hàng và câu lạc bộ đêm mở rộng cửa; những giới hạn về tụ tập và khẩu trang cũng được dỡ bỏ.

Trong bối cảnh không có quy tắc nào được áp dụng, chính phủ kêu gọi người dân nâng cao trách nhiệm cá nhân để duy trì sự an toàn chung trong cộng đồng. Sajid Javid, Bộ trưởng Y tế của Anh, phát biểu vào tháng 6-2021 rằng quốc gia này cần phải “học cách chung sống” với virus. Mặc dù các cuộc thăm dò cho thấy công chúng Anh mong đợi một cách tiếp cận từ tốn hơn đối với việc mở cửa trở lại.

Mới đây nhất, từ ngày 6-9, Cộng hòa Ireland tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế như cho phép các hoạt động ngoài trời và tụ tập đông người diễn ra với 75% công suất, tất cả những người tham dự phải được tiêm chủng đầy đủ hoặc đã khỏi bệnh; rạp phim, nhà hát được đón 60% công suất chứa, tất cả khách phải miễn dịch với COVID-19; đám cưới được tổ chức ca hát và nhảy múa... cùng với kế hoạch để người dân dần trở lại sở làm.

Từ ngày 20-9, Chính phủ Ireland tiếp tục nới lỏng các hạn chế đối với các hoạt động thể thao, nghệ thuật, văn hóa trong nhà và ngoài trời. Phần lớn các biện pháp giới hạn sẽ được dỡ bỏ từ ngày 22-10, trong đó quan trọng nhất là người dân không cần phải chứng minh đã “3G” như ở Đức để có thể tiếp cận, tham gia bất kỳ hoạt động hoặc sự kiện nào, ngoại trừ du lịch quốc tế, theo BBC. Chính phủ Ireland đã thống nhất mốc thời gian 22-10, trên cơ sở 90% dân số trưởng thành đã được tiêm ngừa và số ca nhiễm đang được kiểm soát.

Phó thủ tướng Ireland Leo Varadkar hôm 6-9 tuyên bố các kế hoạch trên hoàn toàn khả thi nhờ vào “chương trình tiêm chủng đẳng cấp thế giới” của nước này, theo kênh RTÉ News.

Từ “sống chung” đến “chống chịu”

undefined

 

Theo Lawrence Wong, đồng chủ tịch lực lượng tác chiến COVID-19 của Singapore, tỉ lệ tiêm chủng cao cho phép nước này chuyển sang giai đoạn mới, không hẳn là “sống chung” với virus mà là “có khả năng chống chịu” (resilient) với nó. Wong giải thích rằng bản chất của giai đoạn mới này là ngay cả khi các số ca nhiễm tăng nhẹ, chính phủ sẽ không đưa ra các lệnh hạn chế mới. “Chúng tôi sẽ chỉ quay lại các giải pháp mạnh như lựa chọn cuối cùng để ngăn hệ thống bệnh viện không bị quá tải” - Wong nói với Channel News Asia.

 

Tranh cãi và cẩn trọng

Khác với các nước, tại Úc, những tranh luận căng thẳng quanh việc phải học cách sống chung với dịch hay tiếp tục gia hạn những lệnh cấm dai dẳng đã trở thành một đề tài sôi nổi trên chính trường. Hồi tháng 7, một số nhà lập pháp cấp bang đề xuất Úc nên theo xu hướng chung của thế giới và cần từ bỏ hướng tiếp cận quốc gia “Zero COVID” của mình.

Đề xuất được đưa ra khi chỉ có khoảng 11% người Úc trên 16 tuổi được tiêm chủng đầy đủ chống lại COVID-19. Tính đến cuối tháng 8-2021, con số này đã tăng lên khoảng 34%. Gladys Berejiklian, thủ hiến bang New South Wales, đã bác bỏ đề xuất trên và cho rằng “Không có tiểu bang hay quốc gia nào trên hành tinh có thể sống với biến thể Delta khi tỉ lệ tiêm chủng quá thấp”.

Riêng với bang mình đang lãnh đạo, bà Berejiklian tuyên bố New South Wales chỉ sẽ mở cửa trở lại khi 70% dân số trên 16 tuổi tiêm đủ 2 liều vaccine. “[Chuyện mở cửa] chỉ dành cho người đã tiêm chủng” - bà tuyên bố ngày 7-9, khi tỉ lệ tiêm 2 mũi chỉ mới trên 41%.

Trước đó, hôm 1-9 Thủ tướng Scott Morrison tuyên bố trước Quốc hội rằng Úc cuối cùng cũng cần phải được giải thoát khỏi phong tỏa. “Úc có thể sống với virus” - ông nói.

Chính phủ liên bang đang thúc ép các bang và vùng lãnh thổ tuân theo kế hoạch mở cửa trở lại quốc gia, sau khi tỉ lệ tiêm chủng đạt 70 - 80%. Bộ trưởng Tài chính Josh Frydenberg kêu gọi lãnh đạo các bang tuân theo các kế hoạch mở cửa trở lại quốc gia.

“[Đó là] kế hoạch cho phép các doanh nghiệp mở cửa trở lại và lập kế hoạch cho tương lai của chính họ... Một kế hoạch đưa nước Úc tiến về phía trước để sống an toàn với virus” - ông Frydenberg nói.■

Về những hoài nghi xung quanh chuyện sống chung với virus, New York Times hồi tháng 7 từng dẫn lời Michael Baker, một nhà dịch tễ học tại Đại học Otago ở New Zealand, cho rằng các quốc gia “đi tắt trên con đường mở cửa trở lại” đang khiến những người chưa được tiêm phòng gặp rủi ro và đánh cược tính mạng của họ.

“Tại thời điểm này, tôi thực sự thấy ngạc nhiên khi các chính phủ cho rằng họ biết đủ nhiều về việc loại virus này sẽ phản ứng như thế nào lên các quần thể dân cư để đưa ra quyết định “Chúng ta sẽ cùng chung sống với nó”” - ông nói.

Có thể nói khoa học vẫn chưa hiểu đầy đủ về “COVID kéo dài” - các triệu chứng kéo dài mà hàng trăm nghìn bệnh nhân bị nhiễm bệnh trước đây vẫn đang phải vật lộn hằng ngày. Các nhà nghiên cứu cho rằng COVID-19 không nên được điều trị như bệnh cúm vì nó nguy hiểm hơn nhiều, không ai có thể chắc chắn về thời gian miễn dịch của vaccine cũng như mức độ bảo vệ chống lại các biến thể.

Người dân cần thêm “vaccine tinh thần”

CẨM NƯƠNG 17/09/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Lo âu, căng thẳng, trầm cảm... Những khủng hoảng tinh thần này ngày càng nhiều trong đại dịch COVID-19. Để chống dịch lâu dài, ai cũng cần được tăng cường sức đề kháng từ những liều vaccine tinh thần.

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan. Ảnh: NVCC

 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) vừa triển khai chương trình “Vaccine tinh thần” - chương trình hỗ trợ sức khỏe tinh thần miễn phí cho người dân tại TP.HCM. Trưởng ban tổ chức, PGS.TS NGÔ THỊ PHƯƠNG LAN, chia sẻ với TTCT về chương trình này.

Bà có thể chia sẻ lý do chọn chủ đề “Vaccine tinh thần” làm tên của chương trình? 

- Hiện người dân TP.HCM đứng trước hai nỗi sợ lớn: sợ chết/mất mát vì COVID-19 và sợ về điều kiện an sinh xã hội. Do đó, ngoài tiêm vaccine phòng bệnh, vaccine tinh thần là liệu pháp tâm lý hữu hiệu có thể hỗ trợ giải quyết các nỗi lo và ổn định tinh thần của người dân. 

Chúng tôi chọn tên “Vaccine tinh thần” bởi sức đề kháng tinh thần hiện tại vô cùng quan trọng. Đó vừa là khả năng phòng vệ, thành trì của con người về mặt tinh thần trước sự xâm nhập, tràn lan của những yếu tố tiêu cực (tin tức về dịch bệnh, tin giả,...), vừa là khả năng kích hoạt sức bật tinh thần của con người để ứng phó với những nỗi sợ đó. 

“Vaccine tinh thần” mang ý nghĩa cộng đồng và nhân văn, đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong nhân dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương do đại dịch như bệnh nhân, thân nhân người bệnh, nhân viên y tế, người lao động và học sinh, sinh viên. 

Đâu là điểm khác biệt của “Vaccine tinh thần” so với các chương trình tư vấn tâm lý khác?

- Điểm khác biệt đầu tiên là “Vaccine tinh thần” ra đời từ sự thấu cảm với những đau khổ mà người dân VN phải đối mặt với dịch bệnh kéo dài. Đồng thời là nhu cầu cần hỗ trợ sức khỏe tinh thần của người dân và đóng góp chuyên môn của đội ngũ chuyên gia tâm lý cho cộng đồng.

 Thứ hai, chương trình hướng đến nhiều nhóm đối tượng dễ chịu tổn thương. 

Thứ ba, đây là chương trình tư vấn tâm lý hoàn toàn miễn phí cho người thụ hưởng nhưng đảm bảo tính khoa học và chuyên môn. Chương trình mang tính chất tích hợp liên ngành trong tư vấn tâm lý: y học, tâm lý học, tôn giáo học, xã hội học, công tác xã hội...

 
 Trẻ em không được đến trường gặp bạn bè cần được cha mẹ hỏi han, động viên. Ảnh: uichildrens.org

 Từ ngày 5-9, chương trình chính thức triển khai, dự kiến kéo dài đến cuối năm 2022. Với thời gian dài như vậy, đơn vị có những phương án về nguồn nhân lực và tài chính thế nào?

- Nguồn nhân lực chính và túc trực bao gồm đội ngũ chuyên gia tâm lý, giảng viên, sinh viên và học viên sau đại học của trường. Chúng tôi cũng đồng thời kết nối nguồn lực từ hệ thống các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM, các trung tâm thực hành tâm lý, công tác xã hội tại TP, các chuyên gia tâm lý, y bác sĩ, nhà thực hành tôn giáo, người nổi tiếng... 

Chương trình còn có sự kết nối với các chương trình tư vấn tâm lý khác đã và đang triển khai tại TP. Chúng tôi tin tưởng với nguồn lực chuyên môn vững và sự kết nối tất cả các nguồn lực một cách toàn diện, chương trình có thể triển khai một cách thuận lợi và đạt được mục tiêu đề ra.

Hầu hết các đơn vị, chuyên gia tham gia hỗ trợ trên tinh thần tự nguyện. Chương trình cũng được một số doanh nghiệp và nhà tài trợ giúp nguồn tài chính.

“Bác ơi, em chết mất!”

Đó là lời chia sẻ trong hoảng loạn của chị T. (An Giang) khi gọi điện cho đội ngũ tham vấn và trị liệu. Gia đình có 6 người: vợ chồng chị T., 2 đứa con và ba mẹ chồng. Khi xét nghiệm COVID-19, chị T., chồng và con gái bị dương tính, phải cách ly tập trung. Lo sợ khiến khủng hoảng tâm lý của chị ngày càng trầm trọng. 

Trực tiếp tham vấn cho chị T., TS Ngô Xuân Điệp - trưởng khoa tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết bệnh nhân gọi đến chương trình với tâm thế “cuộc gọi cuối cùng trong đời”. Ông đã tham vấn, chia sẻ để bệnh nhân hiểu rõ hơn về dịch bệnh, hướng dẫn phương pháp trị liệu trấn an tinh thần. Sau thời gian trị liệu, tinh thần chị T. đã ổn định hơn và bắt đầu biết cách cân bằng cảm xúc.

Trong 3 nhóm nội dung hoạt động (phòng ngừa phổ quát nâng cao sức khỏe tinh thần, tham vấn và trị liệu tâm lý, hỗ trợ tái hòa nhập hậu COVID-19), đâu là nội dung cần tập trung nhất?

- Chương trình được xây dựng dựa trên tình hình thực tế và các nghiên cứu về tình hình dịch bệnh COVID-19 thời gian qua. Mỗi nội dung đáp ứng nhu cầu của mỗi đối tượng tương ứng. Với quan điểm “không bỏ sót một ai”, chúng tôi nhận thấy mỗi nội dung hoạt động đề ra đều quan trọng. 

Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn ra, hai nội dung phòng ngừa phổ quát nâng cao sức khỏe tinh thần và tham vấn - trị liệu tâm lý đang cần tập trung nhất.

Chương trình đã phối hợp với Bệnh viện Bình Dân và Bệnh viện dã chiến số 12 (TP Thủ Đức) để tư vấn tâm lý cho bệnh nhân đang chữa trị tại đây. Bà có thể chia sẻ về hiệu quả bước đầu của sự phối hợp này?

Hiện các chuyên viên tham gia chương trình đã và đang tư vấn tại các bệnh viện dã chiến. Bước đầu tại Bệnh viện dã chiến số 12 đang cho kết quả tốt khi hỗ trợ được nhiều bệnh nhân trong tình trạng hoảng sợ, chống đối trị liệu, không chịu hợp tác ăn uống. 

Các chuyên viên đã hỗ trợ tâm lý cho nhiều bệnh nhân mất người thân hoặc lo lắng cho bố mẹ, con cái, vợ chồng nhiễm bệnh. Hỗ trợ tâm lý cho các nhân viên y tế gặp áp lực công việc, phải chứng kiến những bệnh nhân nguy kịch.

Chuyên viên tâm lý được phân công đến trực tiếp gặp gỡ bệnh nhân, hỏi thăm và lắng nghe các câu chuyện của bệnh nhân, kết nối điện thoại giữa bệnh nhân và người nhà của họ. Việc này đòi hỏi chuyên môn cao, sự kiên trì, cái tâm và sự phối hợp chặt chẽ với các nhân viên y tế.

Ba nhóm nội dung hỗ trợ của chương trình “Vaccine tinh thần”

1. Phòng ngừa phổ quát nâng cao sức khỏe tinh thần: tư vấn khẩn cấp cho người có nguy cơ thấp, chưa đạt mức bệnh lý thông qua fanpage chương trình https://www.facebook.com/vacxintinhthan và tư vấn trực tiếp thông qua cổng thông tin 1022 của TP và các kênh khác.

2. Tham vấn và trị liệu tâm lý: dự kiến đáp ứng cho khoảng 15 - 20% người dân có nguy cơ mắc các hội chứng tâm lý từ mức độ trung bình đến cao ở một số bệnh viện dã chiến; tham vấn tâm lý cho cá nhân qua tổng đài 0987 111 801.

3. Hỗ trợ tái hòa nhập hậu COVID-19: kết nối các thông tin về lao động, việc làm, học bổng; kết nối với các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, các tổ chức phi chính phủ...

Khắp thế giới bất ổn do COVID-19

Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, căng thẳng biểu hiện qua cảm xúc sợ hãi, tức giận, buồn bã, lo lắng, trơ lì, thất vọng. Căng thẳng làm thay đổi cảm giác thèm ăn, mong muốn và sở thích. Người bị căng thẳng có thể gặp khó khăn khi cần tập trung và ra quyết định, gặp ác mộng, bị đau đầu, đau nhức cơ thể, các vấn đề về dạ dày, phát ban trên da... 

Tại Úc, nước điển hình của việc phong tỏa kéo dài, trang The Conversation khảo sát tâm trạng của người dân bị ảnh hưởng xấu do đại dịch và các biện pháp giãn cách. Kết quả khảo sát vào tháng 8-2020 với 13.000 người ở Úc cho thấy: cứ 4 người thì hơn 1 người có các biểu hiện trầm cảm và cứ 5 người thì hơn 1 người có các biểu hiện lo lắng trong tháng đầu tiên thực hiện giãn cách. Tỉ lệ này cao gấp đôi so với khi chưa có dịch. 

Khảo sát thứ hai với 9.000 người cho thấy những người sống trong các khu vực được nới lỏng hạn chế cũng không cảm thấy tích cực đáng kể.

Nhiều thanh niên và phụ nữ trẻ tham gia khảo sát cho biết được gặp trực tiếp tư vấn viên về tâm lý và bác sĩ hỏi thăm về sức khỏe tinh thần, được hỗ trợ tài chính để trang trải chi phí cuộc sống là những chính sách “rất hữu ích”. 

Phát hiện từ khảo sát cho các nhà hoạch định chính sách một kênh tham khảo để điều chỉnh chính sách phù hợp thực tế. Học cách đối phó với căng thẳng một cách lành mạnh giúp chúng ta trở nên kiên cường hơn trước thử thách.

Một số lời khuyên hữu ích từ Cơ quan dịch vụ y tế Anh gồm: sắp xếp các nhu cầu thực tế cuộc sống như thực phẩm, mua thuốc dự trữ; kết nối với những người khác bằng điện thoại, nhắn tin hay mạng xã hội; nếu việc đọc tin tức khiến bạn lo lắng hơn, hãy tránh xa những nguồn cảm xúc xấu này và đọc tin từ các kênh thông tin chính thống, đáng tin cậy; nói ra cảm giác lo lắng của mình, với người mình tin tưởng hoặc với các số điện thoại hỗ trợ; ăn uống lành mạnh, nấu những bữa ăn cân bằng, uống đủ nước và tập thể dục đều đặn trong nhà; tập trung vào những thứ mình có thể kiểm soát: hơi thở, cách mình hành động, người mình nói chuyện; làm những điều mình thích, đọc, viết, chơi giải ô chữ, nấu ăn, vẽ; nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc...

HỒNG VÂN

Nếu virus không biến mất, chúng ta cần chuẩn bị những gì?

NGHĨA DŨNG 14/09/2021 21:05 GMT+7

TTCT - “Để không rơi vào tình trạng rối bời, điều chúng ta cùng nhìn lại không chỉ là sức tải của nền y tế mà còn cả năng lực ra quyết định chính sách, cơ sở dữ liệu một cách khoa học” - TS NGUYỄN THU ANH, viện trưởng Viện Y khoa Woolcock (ĐH Sydney, Úc), trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

 
 Ảnh: stimg.co

Số ca COVID-19 đã vượt nửa triệu. Chị nhận định thế nào về tình hình hiện nay? Đáng lo ngại ở mức nào? 

Nhìn chung dịch bệnh đã âm thầm lây đi khắp cả nước. Điều đáng mừng là chính các tỉnh phản ứng nhanh - có ca nhiễm là giãn cách, cách ly y tế hoặc phong tỏa - tất nhiên là có những biện pháp quá mức nhưng cơ bản giúp kiểm soát dịch bệnh. Tuy vậy, dù có làm gì đi chăng nữa, chúng ta cũng chỉ ngăn được dịch lây ở thời điểm đấy, bởi khi đã có rất nhiều nguồn lây âm thầm chứ không chỉ là 2 - 3 nguồn lây thì rất khó truy vết như ngày xưa. Việc phong tỏa giãn cách làm chậm lại quá trình lây lan, để khi nới dần giãn cách thì vẫn kiểm soát được.

Chúng ta cũng không thể quay về “Zero COVID” được nữa, kể cả tiêm đủ vaccine thì virus này vẫn còn, chỉ có thể loại trừ nó đến mức độ tối thiểu để không làm ảnh hưởng tới cuộc sống. Trong quá khứ, chúng ta đều làm như vậy. Ví dụ với virus sởi, chúng ta đã giảm nó xuống thấp tới khi bùng ra một vụ dịch thì lại dập. 

Sau này COVID-19 cũng phải như thế. Nhưng ngược lại, quan điểm sống chung theo kiểu thả lỏng mặc kệ là quá nguy hiểm. Bởi vì quá nhiều người mắc sẽ làm tăng số ca nặng nhanh chóng, năng lực hệ thống y tế không thể xử lý được; mặt khác, nhiều người lây sẽ có thể làm sinh ra biến thể nguy hiểm hơn. 

Như th​ế thì khi nào mới có thể nới giãn cách? 

Chống dịch bệnh phải tích hợp giữa xét nghiệm, vaccine, điều trị; và giãn cách xã hội để giảm áp lực công việc để làm ba việc còn lại. Vì thế, để nới dần giãn cách, chúng ta sẽ phải đưa ra các tiêu chí:

+ Nhóm 1 gồm: số ca bệnh mới, tử vong, bệnh nặng, thở oxy, số giường cần chăm sóc đặc biệt, số ca dương tính trên tổng số xét nghiệm (WHO có hướng dẫn).

+ Nhóm 2 là năng lực đáp ứng của hệ thống, gồm: năng lực xét nghiệm (không chỉ máy xét nghiệm mà còn con người, quy trình, kit xét nghiệm và năng lực truy vết) khi dịch vẫn còn trong khả năng kiểm soát, hoặc sau này tiêm vaccine bao phủ thì vẫn truy vết được; năng lực điều trị cả ở bệnh viện và cộng đồng; cuối cùng là năng lực vaccine đủ bao phủ tối thiểu cho tuyến đầu chống dịch, nhóm người trên 50 tuổi và có bệnh nền.

Chiếu theo đó, nhìn vào bài toán nửa triệu người nhiễm thấy rất khó, chưa thể giải ngay được thì chúng ta chia nhỏ, làm từng phần một, từ từ sẽ giải được. Trong cả nước, nhiều tỉnh vẫn có rất ít ca mắc, cần tiếp tục duy trì kiểm soát nhanh, tiêm vaccine, nâng cao năng lực điều trị. Các tỉnh nhiều ca bệnh không được hoảng hốt, mà tiếp tục chia nhỏ theo từng quận/huyện, ở từng quận lại chia nhỏ theo phường, quản lý các block này, nới từng bước ở từng block kiểm soát được.

 
 Người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Năng lực điều trị COVID đang quá tải, nhiều bệnh khác cũng không được chữa trị kịp thời. Chúng ta có phải chuẩn bị tinh thần “bật - tắt” trong điều kiện năng lực y tế còn hạn chế?

Chính vì thế phải nâng cao cả năng lực hệ thống điều trị và chuẩn bị cả ở cộng đồng, để giảm tử vong trước, sau đó đến giai đoạn kiểm soát ca nhiễm, rồi mới đến loại trừ dần COVID-19 (xin lưu ý là loại trừ, tức là khiến cho tỉ lệ nhiễm ở ngưỡng thấp chứ không phải xóa bỏ bằng được).

Để giảm tử vong, đã có nhiều biện pháp gồm tiêm vaccine, hệ thống các tầng điều trị. Tuy vậy ở cộng đồng, đa số mọi người (80%) có biểu hiện nhẹ nhưng không ai biết mình rơi vào nhóm nhẹ hay nặng nên thường rối không biết xử trí. Trước đây chúng ta được trang bị kiến thức sởi hay tả rất tốt, với COVID cũng phải như vậy.

Để giảm tải cho năng lực hệ thống của những nơi đã quá tải, cũng như chuẩn bị trước để không quá tải hệ thống ở những nơi khác, thì cần có các gói điều trị cơ bản, dễ thực hiện. Các tổ dân phố có thể tự trang bị máy đo oxy, nhóm có triệu chứng và tăng nặng (thường là 20%, phát hiện nhờ đo độ bão hòa oxy trong máu) có thể uống thuốc tại cộng đồng theo chỉ dẫn, tăng nặng nữa thì đưa đi viện.

Thứ hai, về lâu dài phải để các bệnh viện đều có khoa điều trị COVID-19. COVID-19 vẫn lây, các bệnh viện “thủng lưới’ liên tục vì COVID-19 lây từ khi không có triệu chứng, có khi xét nghiệm âm tính vẫn lây. Vì thế cần tính đến các viện có khu vực điều trị COVID-19, có quy trình cho bệnh viện. Các bệnh viện cần hệ thống thông khí, làm sạch để không khí được đối lưu liên tục. Đó là giải pháp đắt tiền nhưng phải làm.

Thứ ba là có phương pháp điều trị mới, điều trị sớm sẽ giảm được tử vong. Sau này, cả khi có những ca mắc mà chưa được tiêm vaccine nhưng nhờ có thuốc, phác đồ điều trị thì đâu sợ COVID-19 nữa. Khi đó phải kiểm soát, không để cho virus lưu hành phổ biến.

Nếu chúng ta không chuẩn bị đồng bộ, giống như xây bệnh viện chỉ đếm giường điều trị mà không kịp chuẩn bị cả các phương án chi tiết đến từng ổ cắm điện, ống dẫn oxy và van điều áp, nhà vệ sinh, thông gió thoáng khí, cơm ăn cho cả bệnh nhân và bác sĩ, thì bệnh nhân sẽ tử vong nhiều. Giường như vậy thì nằm ở nhà tốt hơn.

Nói vậy nhưng có sự lúng túng, không kịp chuẩn bị trong chỉ đạo chống dịch nói chung, ở mọi nơi.

Thực ra đối diện với dịch bệnh là khó, ở nước nào cũng tranh luận, ai cũng lúng túng. Nhưng trong bối cảnh đó, điều cần thiết nhất ở cấp chiến lược là vạch được con đường rõ ràng, khi nhìn vào đó cả nhà quản lý ở địa phương và người dân thường đều biết là phải đi đâu, nếu chưa đạt được hoặc sai thì sửa từ đâu. Có lẽ đã có chiến lược như vậy, nhưng cá nhân tôi chưa được thấy.

Năm đầu tiên Việt Nam làm tốt vì “tiên hạ thủ vi cường”, có thông tin sớm về Vũ Hán, vài ca đã phong tỏa, cách ly là hết, và chủng ban đầu không lây nhanh. Giai đoạn đó người dân, doanh nghiệp còn sức chịu đựng cả về kinh tế và tâm lý. Kinh nghiệm trên thế giới là phong tỏa lần đầu, lần hai ổn, nhưng về sau người ta sẽ chán nản. Các mô hình tính toán trên thế giới cũng cho thấy vụ dịch đầu tiên nhỏ, càng các vụ sau càng to hơn, Việt Nam cũng vậy.

Tiếc là chúng ta không tận dụng thời gian vàng một năm đó để chuẩn bị tích cực cho vụ dịch mới càng về sau sẽ càng to. Ta có thời gian để nâng cao năng lực ứng phó. Nói thẳng thắn là cuối năm ngoái chỉ có một đơn vị tư nhân đặt mua vaccine, chứ Chính phủ đã đặt niềm tin quá lớn vào COVAX. Vaccine là vũ khí chính mà mình lại đi xin, trong khi các nước giàu họ phải “thu vén” cho họ trước. 

Từ tháng 10 năm ngoái chúng tôi đã làm báo cáo đánh giá hệ thống tiêm chủng, khả năng sản xuất vaccine trong nước và đề nghị là chuyển giao công nghệ sản xuất AstraZeneca ở trong nước, giống như Thái Lan đã làm. Không phải là chúng ta không thể phát triển vaccine nội địa mà vì năng lực còn hạn chế nên việc tự chế tạo sẽ lâu hơn chuyển giao. Phát triển nâng cao năng lực là cần, buộc phải làm, nhưng cũng phải nhận chuyển giao công nghệ để có vaccine nhanh và tự chủ. Đó mới là điều khả thi trong điều kiện Việt Nam.

Vừa rồi Thủ tướng đứng ra chịu trách nhiệm chính, mọi thứ quy về một mối rồi. Giờ người dân mong đợi một chiến lược có tầm nhìn, mục tiêu, mục đích rõ ràng, từ đó đưa ra hành động tương ứng. Từ chiến lược đó, các tỉnh sẽ biết mình phải đi đâu, có hành động phù hợp với định hướng chiến lược. Và chiến lược phải được đánh giá và chỉnh sửa liên tục.

Còn trong lúc này, cứ chia nhỏ từng vấn đề ra để xử trí thôi. Rất buồn là trong đợt dịch này, người chết hầu hết là người cao tuổi - nhóm người mà việc ưu tiên tiêm vaccine chưa được quan tâm đúng mức. Tuy vậy, tôi nghĩ kịch bản của chúng ta không đến nỗi quá xấu vì đang có vaccine, vấn đề là tiêm cho ai mà thôi.

Có lẽ điều “tích cực” mà COVID-19 mang lại là các chính sách đều có hệ quả ngay, người dân phản ảnh ngay, người làm quản lý buộc phải điều chỉnh luôn? Điều đó cũng đòi hỏi quá trình ra quyết định phải có cơ sở khoa học, thực tiễn, dựa trên dữ liệu để tránh hệ quả không mong muốn? 

Một điểm khó chính là dữ liệu manh mún, phân tán, thiếu hoặc không sử dụng được. Ví dụ, từ nguồn báo cáo của Bộ Y tế, các sở y tế các tỉnh và các báo chính thống về dữ liệu các ca nhiễm COVID-19 hiện nay, chúng tôi chỉ nắm được nhóm tuổi, tử vong cho một giai đoạn ngắn mà không có dữ liệu về đặc điểm xã hội của các ca nhiễm nên không thể phân tích sâu hơn. Nhưng sửa lại thì hoàn toàn trong tầm tay. Bây giờ các cơ quan cứ minh bạch, công khai, thiết lập cơ sở dữ liệu tốt, kết nối tất cả các nơi, cả nhà khoa học và cơ quan quản lý đều có thể phân tích rồi đưa ra các chỉ số đánh giá. Khi đó, chúng ta sẽ biết hệ thống đang yếu ở đâu nâng ở đó, và đưa ra quyết định dựa trên số liệu xác tín. Người dân có thể ủng hộ hoặc không, nhưng họ sẽ thấy rằng mọi quyết định đưa ra đều có căn cứ.

Ví dụ, việc Hà Nội đang phân vùng xanh - đỏ - vàng có thể vẫn khiến người dân phản đối, nhưng khi minh bạch cơ sở xác định tiêu chí màu dựa trên số ca nhiễm thì người dân sẽ biết rằng đó là một quyết định có căn cứ chứ không ai bịa ra. Tới đây, khi cập nhật thêm dữ liệu tiêm chủng ở từng vùng thì người dân thấy rõ hơn và sẽ tin tưởng các quyết định chính sách đó.

 
 Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh

Nếu chúng ta không bao giờ còn quay lại “Zero COVID” được nữa thì sao? 

Từ tháng 2-2020, tôi đã viết một báo cáo gửi lên các cơ quan chức năng với nhận định rằng COVID-19 sẽ không biến mất trong vài năm nữa và ta phải chuẩn bị cho điều đó. Chúng ta đang câu giờ để chờ vaccine. Nhưng kể cả tiêm phủ vaccine rồi thì virus vẫn lưu hành hoặc có biến thể thoát vaccine, có những ca vẫn tăng nặng nên vẫn phải nâng cao năng lực điều trị. Phải có hệ thống cảnh báo, có các chỉ số ở mức nào thì phải giãn cách để không bị quá năng lực điều trị.

Và trong cuộc sống của chúng ta sẽ có rất nhiều điều phải làm. Một trong những điều cơ bản là thiết kế lại các hoạt động sống đảm bảo giãn cách và thông khí. Trong các công trình xây dựng, nhà máy, trường học, bệnh viện, tòa nhà, văn phòng... phải có tiêu chuẩn về thông khí. Tất cả đều phải thay đổi, không chỉ để khống chế COVID-19 mà còn giảm bệnh lây truyền khác. Nhiều nước đã ban hành hướng dẫn về từng hạng mục cụ thể (kinh nghiệm của Úc chẳng hạn), còn mình chưa nghĩ tới kịch bản đời sống hậu đại dịch sống chung với virus.

Riêng việc thông khí đã có rất nhiều thứ phải nghiên cứu. Không chỉ là mở cửa sổ, bật quạt... mà cần các nhà khí động học đưa giải pháp xây dựng, bố trí nơi ở, làm việc để thoáng mát về mùa hè, ấm vào mùa đông, lọc không khí, xếp đặt các vị trí ngồi làm việc hoặc học hành của trẻ ra sao, những nơi đông người thì sắp xếp như thế nào để giãn cách, thông khí. Khi đó, nồng độ virus loãng đi, và có vaccine thì chưa chắc đã bị lây. 

Về lâu dài, các chỉ tiêu đánh giá về mức độ phát triển sẽ phải thay đổi. Không chỉ coi phát triển kinh tế là tiêu chí hàng đầu nữa mà phải có chỉ tiêu về sức khỏe, tuổi thọ, chỉ số về hạnh phúc. Sống ngắn mà hạnh phúc và khỏe mạnh còn hơn sống dài mà khổ đau. Nhưng có lẽ còn lâu VN mới làm được điều đó. 

Hiện nay, chị thấy điểm sáng nào trong mô hình chống dịch ở các địa phương? 

Tôi thấy mô hình quận 7 của TP.HCM. Quận 7 có điều kiện kinh tế, nhưng vấn đề không phải là tiền mà là nhà quản lý ở đó có lắng nghe người dân để tìm các giải pháp phù hợp hay không. Tôi làm việc trực tiếp với một vị phó chủ tịch quận thì nhận thấy có sự lắng nghe, cân nhắc đưa ra quyết định, vướng mắc tới đâu là nhìn lại quy trình để gỡ. 

Ví dụ người dân phản ảnh không đi được bệnh viện thì cho người xuống đưa đi ngay, chỉ một lần như vậy thì hệ thống, quy trình buộc phải được sửa để chạy. Quận chia từng phường thành các nhóm vài chục hộ, nắm thông tin, điều phối hỗ trợ nên không có sự rối loạn khi các nhà tài trợ đi ủng hộ mà không biết là ai cần ai không, đi lại nhiều làm tăng tỉ lệ di chuyển. Lúc đầu họ cũng bối rối nhưng điều chỉnh, vừa làm vừa gỡ. Cái chính là phải có niềm tin rằng mình sẽ kiểm soát được, đừng có buông. Và phải làm thực chất, có cái nhìn tổng quát để xử lý, không chỉ là việc lớn mà cả việc nhỏ, điều phối sao cho hiệu quả.

Thay vì đặt mục tiêu tiêm phủ cho 50% dân số đến hết năm 2021, nên đặt mục tiêu tiêm phủ cho 100% người từ 65 tuổi trở lên và người có bệnh nền như khuyến cáo của WHO. Bởi theo tính toán của nhóm chuyên gia 5F do TS Nguyễn Thu Anh đứng đầu, tổng hợp từ dữ liệu 74.652 ca nhiễm COVID-19, cứ 2 người từ 75 tuổi trở lên nhiễm thì 1 người tử vong; 3 người 65 - 74 tuổi nhiễm thì 1 tử vong; 10 người 50 - 64 nhiễm thì 1 tử vong. Trong khi các nhóm thanh niên nhiễm virus thì tỉ lệ tử vong là rất nhỏ: nhóm 18 - 29 chỉ khoảng 0,1% ở nữ và nam 0,2%, nhóm 30 - 39 chỉ tương ứng là 0,6% và 0,9%. 

Khi chưa có vaccine, Hoa Kỳ cũng phải gánh chịu điều tương tự: so với nhóm 18 - 29 tuổi thì nhóm từ 85 tuổi có nguy cơ tử vong cao gấp 600 lần, 75 - 84 cao gấp 230 lần, 65 - 74 cao gấp 95 lần, 50 - 65 cao cấp 35 lần.

Phân tích SWOT cho mở cửa trở lại

TRUNG TRẦN 13/09/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Việc mở cửa nền kinh tế trong khi dịch bệnh phần nào được kiểm soát là điều bắt buộc mà bất cứ quốc gia nào cũng phải tiến hành. Bắt buộc từ nhu cầu tự thân lẫn từ yêu cầu của đối tác quan trọng nhất của mỗi cá nhân, tổ chức và cả quốc gia: khách hàng.

Chỉ khác nhau là nhanh hay chậm, các lựa chọn ưu tiên phù hợp đến mức nào với hoàn cảnh thực tế của mỗi nước.

Trên góc nhìn SWOT (phân tích thế mạnh, điểm yếu, cơ hội và đe dọa), có thể xem xét việc thực hiện bình thường mới để nền kinh tế được bắt đầu hoạt động trở lại trên cơ sở tham khảo một số cách mà các nước láng giềng đang thực hiện cho một số ngành nghề, khu vực.

 
 Ảnh: Economic Times

 Áp dụng chiếu khán vaccine

Một ví dụ là Thái Lan hiện giờ. Nước này quy định ai có chứng nhận tiêm đủ hai liều vaccine thì được phép đến một số địa điểm du lịch tách biệt, như đảo KohLarn ở Pattaya hay khu du lịch “trong hộp cát” (sandbox) Phuket.

Chúng ta hoàn toàn có thể xem xét áp dụng giải pháp này cho các khu du lịch có vị trí địa lý tách biệt, như đảo Phú Quốc. 

Việc tiến hành tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 130.000 người của hòn đảo này, tương đương 70% dân số, không phải là quá khó, nếu chính quyền kết hợp với các doanh nghiệp có lợi ích lớn ở địa phương như sở hữu các khu nghỉ dưỡng, đầu tư bất động sản, đánh bắt thủy sản... 

Nếu làm tốt, có thể biến Phú Quốc thành một điểm mạnh trong bài toán phân tích SWOT nhờ vị trí địa lý đón được cả khách nội địa lẫn quốc tế đã đủ yêu cầu với “hộ chiếu vaccine”. 

Những quy định kiểm soát như thế nào là hợp lý nhất thì chính quyền có thể ngồi lại với doanh nghiệp sở tại. Nếu cùng một ý chí thì tin rằng các bên có thể nhanh chóng thống nhất về một khung quy tắc mở cửa trở lại. 

Quan trọng hơn, một động thái như thế sẽ phát đi tín hiệu thị trường du lịch có thể mở cửa từng bước và sẵn sàng cho thời kỳ bùng nổ hậu COVID-19, là một cơ hội cho nền kinh tế du lịch.

Còn các rủi ro về lây nhiễm, thiết nghĩ, không nên đặt nặng khi khách hàng là những người đã chấp nhận trước. 

Với một khu vực địa lý cách biệt đất liền như Phú Quốc, nếu tất cả dân chúng đã được tiêm vaccine thì yêu cầu của tư duy phải tuyệt đối tiêu diệt hết virus corona mới được làm bất cứ điều gì e là không phù hợp. Điều đó đồng nghĩa đe dọa ở đây là không lớn.

Ưu tiên mở cửa các doanh nghiệp trụ cột

Trụ cột ở đây hiểu theo nghĩa là mang lại tiền và đóng vai trò đảm bảo năng lực cạnh tranh quốc gia. Hiểu nôm na, nếu doanh nghiệp đấy không hoạt động lại sớm thì đơn hàng sẽ rơi vào tay nước khác, ví dụ ở các ngành thiết bị điện tử, dệt may, thủy sản...

Yêu cầu kỹ thuật để các nhà máy này hoạt động trở lại phải dựa trên quan điểm phí tổn - lợi ích. Đồng nghĩa nêu ra câu hỏi việc giãn cách và mở cửa - ở thời điểm nào - sẽ có khả năng gây thiệt hại hay đem lại lợi ích định lượng được ra sao.

Sự ưu tiên này, ngoài những kế hoạch và mục tiêu hợp lý của doanh nghiệp, cần có một cam kết mạnh mẽ của chính quyền thành phố. 

Một bộ phận chuyên trách hay cá nhân lãnh đạo là đầu mối đường dây nóng để giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp. 

Nếu lãnh đạo thành phố không có thời gian động viên và trấn an các doanh nghiệp trụ cột thì cũng cần phát đi một thông điệp giống như chính quyền từng chào đón họ khi kêu gọi đầu tư: “Hãy sắp xếp để nhanh chóng có thể sản xuất. Nếu có vấn đề gì, hãy gọi cho tôi!”.

Việc này có thể xem là một điểm yếu của Việt Nam, khi cho đến giờ chưa có một giải pháp nào rõ ràng để doanh nghiệp mở cửa song song với việc phòng chống dịch.

Tái cấu trúc thị trường lao động và kinh tế số

Phải tính đến khả năng Sài Gòn và các tỉnh Đông Nam Bộ rơi vào tình trạng đình trệ lao động trong trung và dài hạn sau những cuộc hồi hương tự phát và bất đắc dĩ vừa qua. 

Vì dịch bệnh, bản đồ nhân lực lao động đã có sự biến động không nhỏ. Nếu như có được dữ liệu về số lượng và chất lượng của số nhân công biến động này, Chính phủ có thể tái cấu trúc thị trường lao động theo hướng giảm nhẹ áp lực nhân công dồn về miền Nam và dàn trải về các tỉnh.

Ở đây ta có bài toán cân đối giữa tăng nhân lực cho việc đẩy nhanh các dự án đầu tư công ở các tỉnh và giãn nhu cầu lao động trong các khu công nghiệp ở miền Nam, vốn đã và sẽ giảm từ 30 - 70% trong vòng ít nhất một năm, theo một kịch bản mở cửa lại tương đối lạc quan. 

Về lý thuyết, đây là một cơ hội mà trong điều kiện bình thường không dịch bệnh không thể có được.

Tuy nhiên trên thực tế, việc có ai nhận ra và tận dụng được nó không là một vấn đề khác. 

Ở Thái Lan có những cơ quan chuyên môn và chuyên gia hoạch định điều này, thông qua một dự án của Phòng Thương mại quốc gia (Thai Chamber of Commerce, TCC), với mục tiêu định vị và quản lý nhân lực cho khoảng 500.000 nhân công trên toàn quốc.

Việc tái cấu trúc nguồn nhân lực đi kèm với cơ hội thúc đẩy kinh tế số nhân đại dịch. Thật vậy, thời gian vừa qua là cơ hội khó tin để ngành y tế có thể xây dựng được hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu y tế toàn dân. 

Những dữ liệu thu thập được khi triển khai tiêm chủng, đi kèm là các phần mềm, app quản lý, “sổ tay sức khỏe điện tử”... cần được lưu trữ, tăng tính kết nối và sử dụng một cách lâu dài, hướng tới xây dựng một nền dịch vụ y tế công cũng thuận tiện và hiệu quả như Grab, Zalo trên điện thoại vậy.

Cứ phỏng đoán 70% dân số tiêm chủng có khoảng 70% người sử dụng các loại phần mềm, app khác nhau để cung cấp dữ liệu y tế, chưa kể khai báo trực tiếp, ngành y tế đã có trong tay cơ sở dữ liệu của 50% dân số Việt Nam. 

Con số đó nếu ở điều kiện bình thường, thời gian, chi phí và công sức bỏ ra để có được là nhiều không thể tưởng tượng. Cơ hội ở đây là mười mươi. 

Lý thuyết lạc quan là thế, nhưng thực tế có thể bi quan hơn. Bằng chứng là rất nhiều người, sau khi tiêm mũi thứ nhất, cả tháng sau, thông báo trên sổ sức khỏe điện tử vẫn là: “Chưa có thông tin xét nghiệm!”. Điểm yếu này là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi...” ở Việt Nam.

Một cơ hội rõ ràng nữa là ở ngành giáo dục đại học. Con số xấp xỉ 20.000 sinh viên mỗi năm với chất lượng đầu vào có lẽ cao hơn mức trung bình sẽ phải lựa chọn học trong nước thay vì du học, ít ra là cho năm học này và 2022, với ngành giáo dục đại học phải được coi là một mỏ vàng thực sự. 

Việc nó là động lực để các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng một cách thực chất hay không, tức là có thấy được đấy là cơ hội hay chỉ là một thuận lợi cho công tác tuyển sinh, còn tùy thuộc quan niệm của hội đồng quản trị của trường.

Sống chung với virus corona: những lớp phòng ngự bắt buộc

HỒNG VÂN 07/09/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Tỉ lệ tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 ngày càng tăng nhưng số ca nhiễm cũng tăng cao trở lại ở nhiều nước. Những tiếng nói về sống chung với virus corona bắt đầu nhiều hơn, nhưng cuộc sống phía trước sẽ là một bình thường mới với ít nhất năm lớp bảo vệ.

Càng không được bảo vệ khỏi COVID-19, càng phải đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp y tế công cộng như giữ khoảng cách an toàn. Ảnh: Wall Street Journal

 Lớp phòng ngự đầu tiên 

Cơ quan thống kê quốc gia của England, Vương quốc Anh vừa công bố số liệu: số ca nhiễm COVID-19 tại đây trong 7 ngày (tính đến ngày 20-8) cao gấp 26 lần số ca nhiễm vào cùng thời điểm năm ngoái. Từ ngày 14 đến 20-8, Anh có 756.900 người nhiễm COVID-19, cứ 70 người thì có 1 người nhiễm. 

Cùng thời điểm này năm trước khoảng 28.200 người nhiễm, tức chỉ 1/1.900 người mắc bệnh. Tuy nhiên, tin mừng là các trường hợp tử vong và nhập viện do COVID-19 hiện chỉ chiếm phần nhỏ so với cùng thời điểm năm ngoái.

Điều này cho thấy hiệu quả của vắc xin COVID-19 trong bối cảnh hơn 60% dân số ở Anh quốc đã tiêm đủ hai mũi và 80% đã tiêm ít nhất một mũi. 

Lần gần nhất Anh có số ca nhiễm cao tương đương số ca hiện nay là cuối tháng 1-2021. Khi đó, do chưa phủ vắc xin rộng rãi, số ca nhập viện và tử vong hằng ngày lần lượt là 2.300 người và 1.100 người. Sau hơn nửa năm, vắc xin đã thay đổi thảm trạng. Hiện nay mỗi ngày Anh ghi nhận khoảng 770 ca nhập viện (giảm 2,9 lần) và 80 ca tử vong (giảm 13,75 lần).

Vắc xin càng cần thiết trong bối cảnh biến thể Delta khiến dịch COVID-19 có thể dễ dàng mất kiểm soát. Tại bang California, Mỹ, một giáo viên nhiễm biến thể Delta chưa tiêm vắc xin đã lây virus cho 22 học sinh. 

Theo báo The Sacramento Bee, mặc dù có triệu chứng bị nghẹt mũi và mệt mỏi, giáo viên này nghĩ là mình bị dị ứng và vẫn đi dạy. Nhà trường yêu cầu đeo khẩu trang trong lớp nhưng giáo viên không thực hiện. Do công việc, thỉnh thoảng người này còn phải đọc to cho học sinh.

Theo nghiên cứu được Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố ngày 26-8 (để tìm hiểu cách mở cửa lại trường học an toàn) có 26 người bị nhiễm bệnh gồm 12 học sinh (một nửa lớp học), 6 học sinh lớp khác, 4 phụ huynh và 4 anh chị em của các học sinh bị nhiễm bệnh theo. 

Học sinh có thể là đối tượng nhiễm bệnh sắp tới do chưa đủ tuổi để được tiêm vắc xin Pfizer, tên thương mại là Comirnaty tại Mỹ, hiện được dùng cho người từ 12 tuổi trở lên. Sơ đồ lớp học cho thấy học sinh ngồi gần nhất với giáo viên có khả năng lây virus cao hơn.

Tiến sĩ Rochelle Walensky, giám đốc CDC, khuyến cáo: “Các chiến lược phòng bệnh đa lớp - gồm tiêm vắc xin, kể cả cho tất cả trẻ em và người lớn đủ điều kiện; đeo khẩu trang; thông gió đầy đủ; không tụ tập đông người hoặc ngồi cách xa ít nhất 2m và xét nghiệm sàng lọc - giúp ngăn chặn sự lây lan của virus trong các môi trường đông người như trường học”.

Phòng ngự đa lớp

Chiếc khẩu trang đã là chủ đề tranh luận kéo dài từ năm ngoái đến năm nay ở Mỹ và các nước phương Tây. Năm ngoái là chuyện đeo hay không đeo khẩu trang, năm nay là chuyện bỏ hay không bỏ. Từ tháng 1-2021 đến nay, CDC Mỹ đã thay đổi khuyến cáo về khẩu trang nhiều lần.

Tháng 1-2021, CDC yêu cầu mọi người phải đeo khẩu trang khi dùng phương tiện giao thông công cộng, ở các bến bãi như sân bay, bến phà, bến xe buýt, ga tàu hỏa, ga tàu điện ngầm, cảng biển và những nơi có người lên xuống phương tiện giao thông công cộng, cả trong nhà và ngoài trời. 

Tháng 4-2021, CDC khuyến cáo tiếp tục đeo khẩu trang để bảo vệ người khác cũng như bảo vệ chính mình và duy trì khoảng cách ít nhất 2m, đặc biệt là khi ở trong không gian trong nhà gần những người lạ.

Tháng 5-2021, CDC sửa hướng dẫn, cho phép người đã tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ (hai tuần sau mũi tiêm thứ hai) không cần đeo khẩu trang ở trong nhà hoặc ngoài trời, không cần giữ khoảng cách 2m. 

Tháng 7-2021, CDC lại khuyến cáo người đã tiêm vắc xin đầy đủ nên đeo khẩu trang ở nơi công cộng trong không gian trong nhà, ở nơi có khả năng lây virus cao hoặc nghiêm trọng. Người chưa tiêm vắc xin đầy đủ, từ 2 tuổi trở lên, nên đeo khẩu trang ở môi trường công cộng trong nhà.

Tháng 8-2021, CDC khuyến cáo không cần đeo khẩu trang ở ngoài trời, trừ khi ở những khu vực có số ca nhiễm COVID-19 cao và khi tham gia các hoạt động tiếp xúc gần với người chưa được tiêm vắc xin đầy đủ. 

Tuy nhiên, do biến thể Delta, người đã tiêm đầy đủ cũng nên đeo khẩu trang khi ở môi trường trong nhà tại các nơi công cộng có nguy cơ lây bệnh cao. Người đã tiêm đầy đủ mà có bệnh lý nền tiếp tục thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa được khuyến cáo.

Các hướng dẫn sửa đổi liên tục cho thấy theo dữ liệu và tình hình thực tế (do biến thể Delta), việc duy trì khẩu trang là cần thiết. Đeo khẩu trang là một sự lựa chọn cá nhân, đơn giản, dễ thực hiện và hầu như không tốn kém nhưng có hiệu quả như một lớp bảo vệ thứ hai.

 
 Nhiều nước tiêm bổ sung cho người lớn tuổi, có hệ miễn dịch yếu, trẻ em để gia tăng sự bảo vệ và số người được bảo vệ bằng vắc xin trước virus. Ảnh: Reuters

Sống chung với virus

Mới đây, trong cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh COVID-19, ông Takeshi Kasai, giám đốc phụ trách khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), xác nhận: mặc dù các nước trên thế giới đã áp dụng các biện pháp mạnh từ đầu như phong tỏa kết hợp các biện pháp khác để hạn chế sự lây lan và giảm áp lực cho dịch vụ y tế nhưng ngay cả với những nỗ lực tốt nhất, giờ đây, điều ngày càng rõ ràng là virus sẽ không biến mất, ít nhất là trong tương lai gần.

Hơn thế, biến thể Delta với khả năng lây lan nhanh đang khiến những đốm lửa nhỏ nhanh chóng lan thành những đám cháy rừng, một cụm dịch bé trở thành ổ dịch lớn, đặc biệt là khi gặp điều kiện thuận lợi như không gian kín, tập trung đông người và tiếp xúc gần. Một khi đã phát sinh, rất khó để ngăn chặn biến thể Delta.

WHO Tây Thái Bình Dương đề xuất kịch bản hành động để sống chung với virus với trọng tâm là giảm các rủi ro bằng vắc xin và các biện pháp phòng ngừa khác, phản ứng nhanh với những ổ dịch nhỏ tại nguồn với các biện pháp kiểm soát có trọng tâm trong thời gian ngắn. 

Ông Kasai nêu rõ, sống chung với virus không phải là từ bỏ kiểm soát virus mà giống cách chúng ta kiểm soát bệnh cúm mùa và các bệnh vắc xin có thể phòng ngừa được bằng cách tập trung hạn chế lây lan, bảo vệ những người dễ tổn thương để giảm những tác động đến sức khỏe và xã hội của các đợt bùng phát.

Theo ông Kasai, chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để hạn chế lây nhiễm vì đặc tính của virus là tiến hóa, càng nhiều người bị nhiễm, virus càng tiến hóa dẫn đến khả năng xuất hiện của biến thể mới nguy hiểm hơn, lây dễ hơn, gây bệnh nặng hơn hoặc kháng các vắc xin hiện có. 

Rất may, tránh các biến thể mới nguy hiểm hơn của virus xuất hiện phụ thuộc vào từng cá nhân và hành động tập thể của chúng ta. 

Vắc xin là công cụ quan trọng nhưng cần duy trì các thói quen bảo vệ sức khỏe bằng các biện pháp y tế cộng đồng có thể hạn chế sự lây lan của virus như đeo khẩu trang, tránh nơi đông người, tránh tiếp xúc gần, thực hiện các quy trình sản xuất, lao động an toàn và sẵn sàng ứng phó với các đợt bùng phát cũng như cứu người.

Ông Kasai cũng kêu gọi chính phủ các nước dựa vào dữ liệu, bằng chứng để ra quyết định tốt nhất phù hợp với tình hình thực tế, thường xuyên phân tích trình tự gene của virus để biết diễn tiến của biến thể virus, truy vết và chặn các ổ dịch nhỏ sớm bằng chiến lược can thiệp có trọng tâm.

Ý kiến của ông Kansai đưa ra trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới, từ Anh đến Úc, Singapore thừa nhận phong tỏa (hay các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ) kéo dài là không bền vững. Ngày 23-8, Thủ tướng Úc Scott Morrison khẳng định Úc sẽ bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng ngừa COVID-19 một khi tỉ lệ tiêm vắc xin tăng lên.

“Phong tỏa không thể kéo dài mãi mãi. Đây không phải là cách bền vững để sống ở Úc. Nếu không [mở cửa] ở mốc 70 - 80% [người đủ điều kiện tiêm vắc xin] thì khi nào? Chúng ta phải [mở cửa] và phải chuẩn bị để thực hiện nó”, ông Morrison nhấn mạnh.

Theo sách lược mới mà Thủ tướng Úc Morrison đề ra, Úc sẽ lo điều trị các ca bệnh nặng, nhập viện, nằm phòng điều trị tích cực, tăng năng lực và khả năng phản ứng trong các tình huống bùng phát dịch và sẽ sống với virus SARS-CoV-2 như đã sống với các bệnh truyền nhiễm khác.

Trong chiến lược lấy lại cuộc sống bình thường cũ, vắc xin là trọng tâm và các lớp phòng ngự vẫn phải nghiêm ngặt. ■

Bạn đang đọc trong chuyên đề "SỐNG CHUNG VỚI VIRUS CORONA: CON ĐƯỜNG PHÍA TRƯỚC"