Thú cưng và người trẻ

Tuổi Trẻ Cuối Tuần

Những người trẻ, cả ở Việt Nam lẫn trên thế giới, đang cưng thú cưng theo cách rất khác với thế hệ cha anh. Với họ, thú cưng là những người bạn thân xứng đáng được hưởng những dịch vụ tốt nhất cho mọi nhu cầu, từ chuyện ăn uống đến chăm sóc sức khỏe và giải trí. Tất cả làm nên một thị trường phục vụ thú cưng trị giá hàng trăm tỉ USD.

Nhức mắt cảnh dẫn chó ra công viên ị bậy

PHƯƠNG QUYÊN 21/02/2023 13:32 GMT+7

Hằng ngày vẫn có rất nhiều người nuôi chó cưng sáng chiều dẫn chó ra công viên ị gây bức xúc cho người dân. Nhiều chó lớn không được chủ rọ mõm...

Nhức mắt cảnh dẫn chó ra công viên ị bậy - Ảnh 1.

Anh thanh niên dẫn chó đi ị dọc theo tuyến đường Trường Sa, quận Phú Nhuận - Ảnh: TỰ TRUNG

Tuyến đường song hành Hoàng Sa và Trường Sa nằm dọc theo dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM) chạy qua địa bàn 5 quận (quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận, và Bình Thạnh) với những bãi cỏ công viên, được trang trí tiểu đảo hàng cây xanh mượt, rợp bóng mát.

Sáng 18-2, một thanh niên dẫn chó đi bằng xe, đi tới đâu chú chó ị đến đó, tè vào các gốc cây một cách thản nhiên dọc theo tuyến đường Trường Sa (quận Phú Nhuận). Tại khu vực cầu Công Lý, đường Hoàng Sa (quận 3) một bầy chó 4 con được chủ nhân dẫn đi ị thản nhiên.

Chiều 20-2 ở khu vực cầu Nguyễn Văn Trỗi (quận 3), một người đàn ông tấp xe vào lề, hai chú chó rất thuần thục phóng xuống xe và ị khắp công viên rợp bóng cây xanh.

Cũng tại đây, một thanh niên vừa hóng mát vừa cho chó ị rồi ôm cả hai chú chó nhỏ mang về.

Nhức mắt cảnh dẫn chó ra công viên ị bậy - Ảnh 2.

Khu vực chó chạy trên cỏ, phóng uế bừa bãi trên đường Trường Sa (quận Bình Thạnh) là khu vực tập trung nhiều người dân qua lại đi dạo, tập thể dục mỗi ngày - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Anh Châu Thanh Sơn, công nhân Công ty Dịch vụ công ích quận Phú Nhuận, chia sẻ: "Rất nhiều người nuôi thú cưng nhưng lại vô trách nhiệm, đem chó ra ị tràn lan bãi cỏ công viên, mùi hôi nồng nặc. Nuôi thú cưng là ý thích của mỗi người nhưng phải có trách nhiệm giữ vệ sinh chung".

Còn anh Thanh Hùng (quận 1) hằng ngày chạy tập thể dục dọc tuyến đường Hoàng Sa (quận 1 và quận 3) cũng rất lo lắng:

"Mỗi ngày đều chứng kiến cảnh nhức mắt trước sự phóng uế chó thải ra. Rất nhiều người nuôi chó nhưng thiếu ý thức khi mang chó ra công viên ị từ trên vỉa hè đến bãi cỏ. Thậm chí nhiều chó dữ không rọ mõm sẵn sàng cắn người. Đã có rất nhiều người đi bộ tập thể dục ở đây từng bị cắn".

Tình trạng mang chó ra ị xong mang chó về đã trở nên phổ biến, nhiều người ngang nhiên dẫn chó đi phóng uế thoải mái. Thậm chí khi nhiều công nhân vệ sinh cũng như người dân dọc hai tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa nhắc nhở thì các chủ chó còn hăm dọa hành hung.

Nhức mắt cảnh dẫn chó ra công viên ị bậy - Ảnh 3.

Những chú chó này đa phần không được rọ mõm, tiềm ẩn nguy cơ cắn người - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Nhức mắt cảnh dẫn chó ra công viên ị bậy - Ảnh 4.

Người dân hóng mát bên bờ kênh tuyệt đẹp thì bị các chủ chó cho chó đi phóng uế - Ảnh: TỰ TRUNG

Nhức mắt cảnh dẫn chó ra công viên ị bậy - Ảnh 5.

Dẫn chó đi dạo công viên tiện đâu phóng uế đó - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Nhức mắt cảnh dẫn chó ra công viên ị bậy - Ảnh 6.

Thú cưng thoải mái ị khắp nơi tùy thích - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Nhức mắt cảnh dẫn chó ra công viên ị bậy - Ảnh 7.

Chó thả rông không rọ mõm rất nguy hiểm cho người dân đi dạo - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Nhức mắt cảnh dẫn chó ra công viên ị bậy - Ảnh 8.

Nuôi thú cưng mang đến công viên đường Trường Sa, quận 3, TP.HCM phóng uế xong lại mang chó về - Ảnh: TỰ TRUNG

Nhức mắt cảnh dẫn chó ra công viên ị bậy - Ảnh 9.

Dẫn chó đi dạo công viên thoải mái phóng uế - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Nhức mắt cảnh dẫn chó ra công viên ị bậy - Ảnh 10.

Dẫn chó đi phóng uế - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Nhức mắt cảnh dẫn chó ra công viên ị bậy - Ảnh 11.

Sáng chiều đều đặn ngày 2 buổi dẫn chó đi công viên phóng uế - Ảnh: TỰ TRUNG

Nhức mắt cảnh dẫn chó ra công viên ị bậy - Ảnh 12.

Dẫn chó đi công viên đường Hoàng Sa phóng uế như một thói quen - Ảnh: TỰ TRUNG

Chó tấn công người: Xử lý hình sự chủ nuôi được không?Chó tấn công người: Xử lý hình sự chủ nuôi được không?

Nhiều vụ chó nuôi tấn công người đi đường, gây hậu quả nghiêm trọng. Vì sao mức xử phạt hiện nay còn quá nhẹ?

Thú cưng không phải con người

PHAN BẢO - YÊN LAM 14/05/2021 21:10 GMT+7

TTCT - Người trẻ ngày càng xem thú cưng như con cái của mình, đến mức từ “fur baby” - chỉ những thú cưng có lông như chó, mèo được cưng nựng như em bé - được thêm vào Từ điển Oxford năm 2015. Nhưng không phải ai cũng đồng tình với việc xem thú cưng như con; thậm chí điều đó còn gây tác dụng ngược cho chính các con vật.

 
 Minh họa: The Economist

Theo Corinne Sweet, nhà trị liệu tâm lý và là tác giả của những cuốn sách về chứng lo âu, một chú chó có thể là “chất keo” gắn kết mọi thứ lại với nhau trong gia đình và là nguồn động viên tinh thần vô cùng to lớn cho mọi người giữa những lúc phong tỏa trong tình hình dịch bệnh như hiện nay. Nhưng vấn đề là nhiều người quên rằng phải đối xử với con chó như một con chó, quên đối xử với mèo như một con mèo.

Những người nuôi thú cưng cho rằng chúng có thể hiểu được suy nghĩ và lời nói của họ, nhưng trên thực tế, Sweet nhấn mạnh, chúng không làm được điều đó. “Chúng không có ăngten thu nhận mọi suy nghĩ. Và chúng cũng không phải bạn đời của bạn” - cô nói.

Theo Anna Webb, một nhà nghiên cứu hành vi chó, những người sở hữu thú cưng hiện nay đa số còn trẻ và đang trong độ tuổi đi làm, trong khi trước đây, chủ nhân thú cưng thường là những người về hưu - một sự thay đổi đáng kể về nhân khẩu học. 

“Tôi sợ rằng chúng ta đã quên chó là gì và rất nhiều người trẻ lần đầu nuôi thú cưng thực sự nghĩ rằng việc thuê người dắt chó đi dạo (và) thuê người chải lông cho chó là điều hoàn toàn bình thường; và lo lắng cả về sự tồn tại của những “nhà trẻ” dành cho chó” - Webb bày tỏ.

Trish Harris, một người huấn luyện chó với hàng chục năm kinh nghiệm ở Úc, cũng bày tỏ lo lắng trước sự khác biệt trong cách đối xử với vật nuôi giữa các thế hệ. “Hơn 20 năm trước tâm lý chủ nuôi rất khác. Khi tôi mới vào nghề, chó là chó. Chúng phải nghe lời. Chúng sống cùng gia đình chủ nhưng [quan hệ chủ - tớ] cân bằng hơn. Rồi dần dần chó lại trở thành con cái trong nhà” - Harris nói với báo The Sydney Morning Herald.

Nhưng thay đổi tâm lý khách hàng không dễ. Khi Harris nói với những người chủ thú cưng trẻ tuổi rằng cần phải dạy chó biết nghe lời và đặt ra giới hạn chủ - tớ, họ sẽ nói “Làm thế chúng có bớt yêu tôi không?”.

Theo Harris, thực tế chó không cần tình thương của chúng ta - hay đúng hơn là thương theo cách mà ta cho là đúng. Một con chó được huấn luyện kỹ càng, sống có nề nếp và kỷ luật, sẽ thấy an toàn và hạnh phúc. Vì yêu thương quá mức và sai cách, để thú ít vận động trong khi lại ăn quá nhiều, con người đang khiến thú cưng mắc bệnh tương tự chủ của chúng.

Daniella Dos Santos, phó chủ tịch cấp cao của Hiệp hội Thú y Anh, cho rằng thú cưng sẽ bị béo phì nếu cho ăn quá nhiều đồ ăn vặt hoặc thức ăn của người vì mất cân bằng dinh dưỡng. 

“Việc chăm chút thú cưng cho thật thời trang, mặc quần áo cho thú vật cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng thể hiện hành vi tự nhiên của chúng” - Dos Santos quan ngại. Cô cũng cảnh báo không nên dùng các liệu pháp dành cho người thay thế cho việc điều trị thú y.■

Vì sao thích chi tiền?

Sự chịu chi của chủ nuôi với thú cưng có thể khiến người ngoài cuộc ngạc nhiên. Một trong những nguyên nhân có thể là làm thế khiến người ta thấy hạnh phúc, theo kết quả nghiên cứu đăng trên tập san The Journal of Positive Psychology vào tháng 3-2021.

Nhóm nghiên cứu làm thí nghiệm trên một nhóm tình nguyện viên và nhận thấy những người nuôi thú cưng sẽ hạnh phúc hơn khi mua quà cho các con vật, so với mua cho chính họ hoặc cho người khác.

Nghiên cứu cũng nhận thấy người ta sẵn sàng vui vẻ chi tiền hào phóng cho thú cưng ngay cả khi kinh tế khó khăn, chẳng hạn trong đại dịch COVID-19. Theo trưởng nhóm nghiên cứu Michael W. White (Trường Kinh doanh Đại học Columbia), số tiền này không lãng phí, bởi người chủ đổi lại niềm vui có thú cưng bầu bạn và cả cảm giác hài lòng với cuộc sống khi so với những người không có thú cưng.

Cuối cùng, việc chi tiền cho thú cưng giúp mang lại cảm xúc tích cực cho người chủ, vì họ tin rằng chăm lo cho các con vật bằng lời ngon ngọt và cả bằng ví tiền sẽ đổi được tình yêu, sự biết ơn của chúng - những thứ mang lại cảm giác hài lòng, thỏa mãn.

Chi bộn cho thú cưng: Từ yoga cho chó đến trị liệu cho mèo

PHAN BẢO - BÌNH MINH 14/05/2021 20:10 GMT+7

TTCT - Sản phẩm, dịch vụ dành riêng cho thú cưng là một thị trường màu mỡ và lợi nhuận khủng, vì con người ngày càng mạnh tay móc hầu bao cho thú cưng, khiến những thứ kỳ lạ như tập yoga hay điều trị tâm lý cho chó mèo cũng đều không thiếu khách hàng.

 
 Thú cưng giờ mặc quần áo thiết kế riêng và ăn toàn bữa thịnh soạn. Ảnh: Getty Images

Theo Hãng nghiên cứu Global Market Insights, quy mô thị trường chăm sóc thú cưng toàn cầu được định giá trên 232,3 tỉ USD vào năm 2020. Thị trường này được dự báo sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng hằng năm kép (CAGR) ở mức 6,1% từ năm 2021 đến năm 2027.

Tại Mỹ, ngành chăm sóc vật nuôi đạt tổng doanh thu 103,6 tỉ đôla năm 2020, một mức cao lịch sử, theo báo cáo của Hiệp hội Sản phẩm vật nuôi Hoa Kỳ (APPA) do trang Supermarket News đăng lại tháng 3-2021. Con số này đánh dấu mức tăng 6,7% so với doanh thu bán lẻ 97,1 tỉ đôla năm 2019.

Đối với năm 2021, APPA ước tính tổng doanh thu đạt 109,6 tỉ đôla, với sự gia tăng ở tất cả các hạng mục (thức ăn, dịch vụ thú y, làm đẹp…).

Những dịch vụ lạ

Nhiều dịch vụ cho thú cưng đã ra đời, phục vụ từ nhu cầu ăn uống, chăm sóc, làm đẹp, vận chuyển, nghỉ ngơi của thú cưng, đến hành trình cuối của chúng - khi chúng già đi và qua đời, như dịch vụ giảm nhẹ cho vật nuôi bị bệnh nan y, nghĩa trang, hỏa táng, hay tư vấn để giảm đau buồn cho người chủ.

Ở Anh, một khách hàng thông thường chi khoảng 2,3 bảng Anh mỗi ngày để mua các bữa ăn tươi ngon dành cho chó, được chế biến từ nguồn gia cầm chăn nuôi thả vườn, do những công ty như Butternut Box sản xuất. Khoản tiền này rẻ hơn một ly cà phê mang đi.

Nếu thú cưng không thích những bữa ăn từ nhà cung cấp thì đã có thức ăn nấu tại nhà. Chloe Samwell-Smith, một công dân London 43 tuổi, có một chế độ ăn riêng cho Teddy, chú chó giống Cavapoo của mình. “Thịt gà, cơm và rau mỗi ngày. Cứ mỗi 5 giờ chiều, nó lại nhìn tôi như muốn nói: Chloe ơi, tới giờ nướng thịt gà cho Teddy rồi” - cô chia sẻ.

Đến thức uống cho cún cũng đa dạng hơn, có cả nước giải khát và bia dành cho cún. Công ty Woof & Brew sản xuất một loạt loại thức uống giải khát chuyên biệt cho chó, với nhiều công dụng từ trị lo âu đến đầy hơi. Công ty này còn tạo ra loại bia cho chó có tên Bottom Sniffer làm từ bồ công anh và cây ngưu bàng (giá 42 bảng Anh một hộp 12 chai) và rượu Posh Pooch cho chó từ hoa cơm cháy, cây tầm ma và nhân sâm.

Hết ăn uống thì đến chuyện giải trí. DOGTV là hệ thống truyền hình với các chương trình thiết kế riêng cho chó. Chủ nuôi khi phải để thú cưng ở nhà một mình thường mở tivi hay radio cho chúng “đỡ buồn”, song chương trình sản xuất cho người thì đâu phù hợp với chó. DOGTV khẳng định toàn bộ nội dung, cách thể hiện và hình ảnh trong các chương trình của hãng đều được điều chỉnh để phù hợp với sự hiểu biết của loài chó.

Đối với những người yêu mèo, hằng tháng, khách hàng đăng ký dịch vụ KitNipBox sẽ nhận được một hộp gồm đồ chơi chất lượng cao, đồ ăn hoàn toàn tự nhiên và các sản phẩm giải trí lành mạnh cho mèo. Chủ nuôi chó có thể tìm thấy dịch vụ tương tự với Pupjoy; các hộp sản phẩm được công ty sử dụng công nghệ và dữ liệu cá nhân hóa cho từng chú chó, từ đồ chơi đến thức ăn vặt và phụ kiện.

Nhiều khóa học cung cấp kiến thức về dinh dưỡng, chăm sóc thú cưng cũng được xuất hiện, với giá lên đến 2.000 USD/khóa, bao gồm các tài liệu, sách, bài giảng về công thức cân bằng dinh dưỡng cho chó, chế độ ăn giảm cân, loại bỏ độc tố, nhu cầu năng lượng của chó...

Sang chảnh như thú cưng

Những dịch vụ kể trên thi nhau sinh sôi và phát triển, đáp ứng nhu cầu của một lớp khách hàng mới - những người sẵn sàng chi bộn tiền để thú cưng của họ được sống như những ông hoàng, bà chúa.

Thú nuôi giờ đây được cho ăn ức vịt, uống bia dành riêng cho chúng, và “hưởng dịch vụ cắt tỉa lông còn sang chảnh hơn cả chủ của chúng đi cắt tóc”, tác giả Damian Whitworth viết trên báo The Times (Anh) hôm 19-4.

Whitworth minh họa bằng câu chuyện của Amelia Liana, một influencer (người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội) có hơn nửa triệu người theo dõi trên Instagram, chuyên sản xuất những nội dung xoay quanh chủ đề thời trang và làm đẹp cùng với bạn diễn là hai chú chó phốc sóc nhỏ nhắn, xinh xắn có tên Duke và Leo.

Hai diễn viên 4 chân này sở hữu vô số trang phục riêng, được cho đi chải lông ở spa mỗi tháng với mức giá dịch vụ từ 50 - 100 bảng Anh. Leo thậm chí còn được diện áo khoác đôi hiệu Moncler cùng Liana mỗi khi ra ngoài.

Từ trường hợp của Liana, một câu hỏi được đặt ra: Không biết tự khi nào, những chú chó, vốn được nuôi trong cũi hoặc ngoài sân, lại được ưu ái cho ngủ trên giường của chủ nhân, ăn cùng một món, mặc cùng một kiểu với chủ nhân và được chăm chút, chải chuốt hơn cả chủ nhân của chúng? “Khoan xét đến câu trả lời, trước mắt, phải nói rằng những người yêu cún như Liana đóng góp không nhỏ vào thị trường chăm sóc thú cưng” - Whitworth viết.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường Mintel, thị trường chăm sóc thú cưng ở Anh dự kiến sẽ đạt 2,1 tỉ bảng Anh vào năm 2023, tức tăng 25% so với năm 2018. Thị trường này vốn vô cùng phong phú với vô vàn sản phẩm, dịch vụ: từ sữa tắm cún giá 27 bảng Anh được thiết kế riêng bởi Hãng Aesop, dầu gội đầu cho cún hiệu Kiehl’s giá 20 bảng Anh, cho đến lớp học yoga cho cún và những bữa ăn nóng hổi vừa thổi vừa ăn được giao đến tận nhà.

Mahny Djahanguiri, người dạy yoga cho cún, tác giả một cuốn sách viết về phương pháp tập luyện này, khẳng định những lớp học yoga có lợi cho cả chủ lẫn thú cưng. “Tôi không nghĩ đó là điều điên rồ vì thú cưng thật sự nhận được lợi ích từ việc tập yoga. Và thư giãn cùng con vật cũng giúp ích cho chủ nhân” - Djahanguiri nói. Giá cả là 25 bảng cho một buổi học ngoài trời và 13 bảng cho một buổi học trực tuyến.

Bên cạnh yoga, phương pháp trị liệu Reiki vốn dành cho người cũng được áp dụng cho thú cưng, đặc biệt là những con vật tăng động. “Phương pháp này thực sự hiệu quả với những chú cún, đơn giản là vì nó hấp thụ bớt năng lượng của chúng” - Stuart Simons, nhà tư vấn chăm sóc lông cho loạt phim Pooch Perfect của Đài BBC1, chia sẻ.

Simons là chủ dịch vụ chải lông thú cưng Groom Dog City (đông London), nơi không chỉ cắt, tỉa lông gọn gàng mà còn làm các con thú trở nên sành điệu. Simons từng nhuộm hồng một chú chó giống Bichon Frisé để nó sánh bước với diễn viên Emma Watson trong một cuộc đi bộ nhằm nâng cao nhận thức về bệnh ung thư vú. “Không chỉ đơn giản là đối xử với thú cưng như con người, mà đó còn là trách nhiệm của chúng ta” - Simons tuyên bố. ■

Giữa chó và người

CHIÊU VĂN 14/05/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Số phận của hàng trăm triệu chó, mèo từng là thú cưng hoặc con cái của thú cưng trên toàn thế giới đang hết sức bi đát, khi không phải ai nuôi thú cưng cũng sẵn sàng cho một "cam kết trọn đời".

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính riêng số lượng chó hoang trên thế giới hiện vào khoảng 200 triệu con và có thể còn nhiều hơn do đại dịch COVID-19. Đó cũng chỉ là một ước tính hết sức đại khái, phản ánh sự “bất bình đẳng”, nếu có thể nói như vậy về chó, giữa một số ít “ăn sung mặc sướng” và một số đông đúc những con chó bị “ruồng rẫy”.

 Chó mang thức ăn về cho chủ, tranh của Joseph Stevens, họa sĩ người Bỉ, 1846. Ảnh: Wikipedia Commons

 

Thực tế, bảo vệ phúc lợi động vật là chuyện tiêu tốn tiền bạc, đồng nghĩa lợi ích của chúng chỉ được bảo vệ khi có lợi ích kinh tế kèm theo. 

Đúng là những hoạt động cứu vớt thú nuôi bị bỏ hoang, nhất là chó, đã trở nên phổ biến hơn với ngày càng nhiều tổ chức và cá nhân tham gia, nhưng một thực tế rộng lớn khác khiến tất cả những nỗ lực đó chỉ là lớp màng mỏng phủ lên một thực tế đáng buồn quá dày.

Với con người, động vật hiện đang được sử dụng nhiều nhất, tính theo số lượng, làm thực phẩm. Chúng ta tàn sát khoảng 60 tỉ con vật mỗi năm để ăn thịt - và đó là chưa tính động vật biển (mà một ước tính còn dè dặt cho rằng lên tới 1.000 tỉ). 

Ngay cả với thú cưng, số lượng những con “hạnh phúc” - theo tiêu chuẩn của con người - vẫn cực kỳ ít ỏi. Thực tế ở mọi nơi, hầu hết chó mèo nuôi trong nhà hiếm khi được chết yên lành vì tuổi già trong một ngôi nhà yêu thương. Chúng có nhà một thời gian ngắn, có thể bị đổi chủ, rồi bị bỏ hoang hay bị giết.

Dễ hiểu là chuyện phúc lợi động vật còn xa vời ở các nước nghèo, nơi chính con người cũng còn đang phải vật lộn. 

Nhưng ngay cả ở Hoa Kỳ, quốc gia giàu nhất thế giới, Hiệp hội Chống sự tàn ác với động vật ước tính vẫn có khoảng 3,3 triệu con chó phải vào các trung tâm nuôi chó hoang mỗi năm. Riêng ở Houston, Texas đã có hơn 1 triệu con chó hoang và số lượng chó mèo được “xử lý êm ái” ở Mỹ vào khoảng 3 triệu con mỗi năm.

Ở một nơi khác gần với Việt Nam hơn, Thái Lan, dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng lớn với ngành du lịch và nền kinh tế, đồng thời khiến cuộc sống thêm phần khổ sở với gần 2 triệu chó mèo bị bỏ mặc ngoài đường phố, tăng mạnh so với khoảng 800.000 con năm 2018, số liệu của Cục Gia súc gia cầm Thái Lan.

Nhiều hàng quán phục vụ du lịch mà chúng dựa vào cơm thừa canh cặn để sống sót qua ngày nay đã đóng cửa. 

Những trung tâm cứu trợ động vật - chủ yếu sống vào nguồn quyên góp từ thiện - cũng gặp rất nhiều khó khăn khi lượng người thất nghiệp ở Thái Lan dự kiến sẽ lên khoảng 4 triệu trong năm 2021, theo một ước tính của Ngân hàng Siam, với khoảng 60% các hộ gia đình không đủ nguồn tài chính trang trải 3 tháng chi tiêu.

Không ít người hẳn từng thấy rất muốn nuôi một con chó “dễ thương đến chết được” tình cờ gặp trên đường, nhất là khi đang cao hứng, nhưng giới chuyên môn hiện khuyến cáo cần thận trọng cân nhắc và mọi quyết định liên quan đến thú cưng nên là “cam kết trọn đời”, như lời tiến sĩ Siobhan O’Sullivan, chuyên gia về phúc lợi động vật ở Đại học New South Wales (UNSW), Úc.

Tiến sĩ O’Sullivan cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục cho người nuôi thú cưng: “Sống chung với động vật mang tới nhiều lợi ích cho con người. Chúng là người bạn, người trợ giúp chúng ta, chúng dễ thương, đáng yêu và biết yêu thương". 

"Nhưng nếu con người muốn tận hưởng tình bạn của loài vật, chúng ta cần sẵn sàng cam kết cả đời. Luật pháp lẽ ra không được cho phép người ta “xử lý êm ái” thú nuôi một khi tình hình bắt đầu trở nên khó khăn cho chủ”.

Giống như với nhiều thứ khác, O’Sullivan khuyên những người quyết định nuôi thú cưng cần nhìn xa, có kế hoạch đầy đủ và chỉnh tề cho những tình huống khẩn cấp, những khó khăn trong dài hạn và cả những bất trắc. 

“Những việc này bao gồm, nói ví dụ, phải tính toán sao với thú nuôi khi xảy ra hỏa hoạn, khi người chủ gặp tai nạn hay phải nằm viện dài ngày”.■

Hà Lan và chương trình không chó hoang

Hà Lan hiện được ghi nhận là quốc gia duy nhất trên thế giới đạt tới cảnh giới không có chó hoang ngoài đường, tất nhiên, không phải bằng những biện pháp “xử lý êm thấm”. 

Nhưng ngay cả vậy, chương trình CNVR (Collect: Gom bắt, Neuter: Hoạn, thiến, Vaccinate: Chích vaccine, và Return: Trả lại) ở nước này cũng không hẳn là hoàn toàn nhân đạo và thực ra khá tốn kém, do nhà nước tài trợ toàn bộ. 

Hà Lan có nguyên một lực lượng cảnh sát động vật riêng để giám sát việc đối xử với động vật. 

Trong Quốc hội thì có hẳn Đảng Vì động vật (tiếng Hà Lan: Partij voor de Dieren) có đại diện ở cả Hạ viện (6/150 ghế), Thượng viện (3/75 ghế) và Nghị viện châu Âu (1/29 ghế). 

Người sáng lập đảng này (thành lập năm 2002), Marianne Thieme, tuyên bố cách xã hội đối xử với động vật phản ánh cách nó đối xử với những công dân của mình, và “bạo lực với động vật có liên hệ trực tiếp với bạo lực với con người”. 

Dân Hà Lan cũng nổi tiếng yêu động vật: ước tính 5 người Hà Lan thì có 1 người nuôi chó.

Thú cưng là “idol”

BÌNH MINH - VŨ THỦY 12/05/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Trên Facebook, Instagram, Tiktok hay YouTube xuất hiện ngày càng nhiều kênh của những con chó hoặc mèo với hàng chục ngàn, có khi cả triệu lượt người theo dõi.

- Bơ chụp quảng cáo cho một nhãn hàng quần áo, phụ kiện của thú cưng. Ảnh: Nhật Hạ

 

Các trang này do chủ nuôi lập nhằm chia sẻ hình ảnh, video và hoạt động hằng ngày của thú cưng, dần dần thu hút được lượng lớn người theo dõi vì sự đáng yêu, ngộ nghĩnh của các con vật. 

Nhiều bạn trẻ ban đầu chỉ đăng những clip dễ thương của các con vật cưng, bỗng nhiên một ngày chúng trở nên nổi tiếng và có thể mang lại thu nhập cho chủ nhân.

Đi làm để “trang trải cuộc sống”

Thỉnh thoảng, con chó Bơ của Hoàng Nhật Hạ được một số thương hiệu mời đóng cho các video quảng cáo. “Quảng cáo đầu tiên của Bơ là cho một trung tâm dạy toán cho trẻ em. Bơ vào vai một thành viên trong gia đình, cùng trải qua những buồn vui của cậu chủ nhỏ" - Hạ kể.

Đến nay, Bơ đã chụp và quay quảng cáo cho khoảng 9 nhãn hàng, với thù lao dao động từ 2,5 - 4,5 triệu/buổi 6 tiếng tùy thuộc kịch bản và mức giá do Nhật Hạ đề xuất. “Tôi cho Bơ đi làm để tự trang trải cuộc sống” - Hạ cười.

Trang TikTok mang tên “Candy the Corgi” hiện có hơn 610.000 lượt theo dõi và 8,2 triệu lượt thích. Tài khoản Instagram của chú chó này có hơn 27.000 lượt theo dõi, trang Facebook của Candy cũng thu về gần 100.000 lượt thích.

 Đây là tài khoản chung của các chú chó mà anh Đinh Trí Quảng (quận Gò Vấp) đang nuôi, trong đó có hai “gương mặt” nổi bật là Kẹo (Candy) và Gody Thanh Long. Tháng 3-2020, người dùng mạng xã hội chia sẻ rộng rãi hình ảnh một chú chó Corgi khoảng 2 tháng tuổi nằm trên sàn nhà, lông và nền đất dính đầy các vệt màu đỏ lem luốc.

Hình ảnh Gody ăn thanh long được cộng đồng thích thú chia sẻ vào tháng 3-2020. Ảnh: Đinh Trí Quảng

 

 Đó là Gody, sau khi ăn thanh long ruột đỏ đã vô tư nằm ngủ và khiến chủ nhà một phen hoảng hốt. Những hình ảnh này của Gody sau đó được các trang web và cộng đồng yêu thú cưng tại nhiều quốc gia chia sẻ. 

Cái tên Gody Thanh Long cũng ra đời từ đó. “Mỗi lượt post tiếp cận khoảng 100.000 người và đạt khoảng 5.000 lượt thích. Sắp tới, tôi sẽ lập một fanpage riêng cho Gody”, anh Quảng cho biết. 

Nếu như Candy và Gody thu hút người hâm mộ vì những hình ảnh, câu chuyện vui nhộn thì chú chó giống Pembroke Welsh Corgi mang tên Ver (Vơ) của chị Huỳnh Thị Thảo Hiền (Đồng Nai) lại khiến nhiều người yêu quý vì hành trình đi tìm hạnh phúc và bình yên của mình. 

Vơ được chị Hiền nhận nuôi từ một trại nhân giống chó sinh sản. Khi ấy, chú chó Corgi này bị viêm da, viêm và sỏi bàng quang nặng. Hành trình chữa trị và hồi phục của Vơ nhận được nhiều sự quan tâm và thương yêu từ cộng đồng những người yêu chó.

Đến nay, cùng với Đét, cũng là một chú chó thuộc giống Pembroke Welsh Corgi được chị Hiền nuôi, Vơ đã dần quen với cuộc sống mới. Hai chú chó được nhiều người yêu mến gửi quà tặng như đồ chơi, thức ăn, đồ ăn vặt, quần áo và cả trang sức.

Trong những clip làm ảo thuật, Moca thường đội một cái khăn với đôi mắt được nhận xét là “ngáo ngơ”. Ảnh: NGÂN HÀ

 

Lượng fan hùng hậu

Moca (mocachodien) là kênh Tiktok có gần 6 triệu lượt người theo dõi của một chú cún có tên Moca ở TP.HCM. Mỗi clip của Moca có tới hàng trăm ngàn đến vài triệu lượt xem. Moca được yêu thích vì “mặt ngáo”, có đôi mắt khá lạ lùng và đáng yêu, nổi tiếng với những clip “màn ảo thuật biến mất” diễn chung với chủ. 

Lượng fan hùng hậu của chú chó Husky này không chỉ ở Việt Nam mà còn có nhiều người nước ngoài, nên clip luôn có phụ đề tiếng Anh.

Chủ của Moca là Nguyễn Quang Đạt (29 tuổi) ở huyện Củ Chi (TP.HCM), người đang có bầy cún 7 con. Nuôi Moca từ năm 2017, đến năm 2019 anh Đạt mới đăng clip đầu tiên về Moca trên Tiktok.

Đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 xảy ra, Đạt phải ở nhà thường xuyên và bắt đầu quay nhiều clip hơn, kênh của Moca từ vài trăm người theo dõi ban đầu đã tăng lên hàng trăm ngàn, hàng triệu.

“Khi kênh có nhiều người theo dõi hơn, tôi bắt đầu nhận được lời mời quảng cáo từ các shop thú cưng, ứng dụng điện thoại về thú cưng…” - Đạt cho biết. Anh đang thử làm thêm nội dung cho kênh YouTube Mocachodien để có thể kiếm tiền từ YouTube. ■

26-8: Ngày quốc tế của chó

Hằng năm, ngày 26-8 được xem là Ngày quốc tế của chó (International Dog Day) nhằm tri ân tất cả những chú chó, dù thuộc bất kỳ giống nào, đã làm việc quên mình để mang lại sự thoải mái cho con người, đảm bảo sự an toàn và thậm chí đã cứu mạng nhiều người như phát hiện ma túy, cứu nạn nhân khỏi các đống đổ nát và thiên tai. 

Bên cạnh đó, những chú chó hỗ trợ người tàn tật, người mù và làm việc tại các cơ quan thực thi pháp luật, hoặc đơn giản là được nuôi trong các hộ gia đình cũng được tôn vinh trong ngày này. 

Trong Ngày quốc tế của chó, cộng đồng cũng được nâng cao nhận thức về số lượng chó được giải cứu hằng năm, những người làm công việc giải cứu chúng và các trung tâm tiếp nhận cún hoang, cũng như được khuyến khích nhận nuôi các chú chó thay vì mua chó cảnh.

Ở TP.HCM, lễ hội cún cưng diễn ra trong hai ngày 27 và 28-10-2018 tại công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11) đã thu hút nhiều người mang các con vật cưng nhiều chủng loại tới dự. 

Đây là sự kiện giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm nuôi và chăm sóc cún cưng, đồng thời cũng là dịp để những người yêu chó vui chơi, ngắm nhìn các chú cún vô cùng đáng yêu.

Trên thế giới, đặc biệt là tại Mỹ, có nhiều ngày dành riêng cho thú cưng, như Ngày hội dắt chó đi dạo (Walking the Dog Day) 22-2, Ngày của cún con (National Puppy Day) 23-1, Ngày mang chó đến nơi làm việc (Take Your Dog to Work Day).

Ngày sinh nhật cho chó được cưu mang toàn cầu (Universal Birthday for Shelter Dogs) 1-8, Ngày quốc tế triệt sản (World Spay Day) vào thứ ba cuối cùng của tháng 2, Ngày quốc tế động vật lang thang (World Stray Animals Day) 4-4.

 Ngày quốc tế tưởng nhớ thú cưng (World Pet Memorial Day) vào chủ nhật thứ hai của tháng 6, Ngày quốc tế động vật vô gia cư (International Homeless Animals’ Day) vào thứ bảy thứ ba của tháng 8, Ngày quốc tế của mèo (International Cat Day) 8-8, Ngày ôm mèo (Hug Your Cat Day) 4-6...

B.MINH

Thú cưng và người trẻ

BÌNH MINH - VŨ THỦY 10/05/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Những người trẻ, cả ở Việt Nam lẫn trên thế giới, đang cưng thú cưng theo cách rất khác với thế hệ cha anh. Với họ, thú cưng là những người bạn thân xứng đáng được hưởng những dịch vụ tốt nhất cho mọi nhu cầu, từ chuyện ăn uống đến chăm sóc sức khỏe và giải trí. Tất cả làm nên một thị trường phục vụ thú cưng trị giá hàng trăm tỉ USD.

Hoàng Nhật Hạ và chú chó corgi tên Bơ. Ảnh: nhân vật cung cấp

 

Mỗi tháng bé Bơ "xài" 2-3 triệu đồng

“Bé Bơ” là tên gọi đầy trìu mến mà Hoàng Nhật Hạ (30 tuổi) dành cho chú chó Corgi 3 tuổi của mình. Bơ bước vào cuộc sống của Hạ trong những ngày cô đối diện với chứng trầm cảm và khủng hoảng, rồi dần dần cùng Hạ bước qua khoảng thời gian khó khăn ấy.

“Cuộc sống của tôi bắt đầu thay đổi từ khi có Bơ. Thay vì đi làm về chỉ trốn trong phòng và nghĩ quẩn, tôi dành hầu hết thời gian rảnh để chăm sóc Bơ, đọc thêm tài liệu về các giống chó, về cách nuôi dưỡng, chữa bệnh và sơ cứu đúng cách cho một chú chó”, Hạ kể.

“Lúc đó, Bơ kén ăn, viêm da, rối loạn đường ruột, mắc đủ thứ bệnh. Trong suốt thời gian điều trị, Bơ phải trải qua nhiều đau đớn, vừa uống thuốc, vừa chích nhưng vẫn cười tươi tắn. Sự lạc quan của Bơ tác động trực tiếp đến tinh thần của tôi, mang cho tôi nhiều động lực.

Những ngày tôi buồn, Bơ luôn ở cạnh lắng nghe, dụi đầu vào lòng tôi. Những việc làm nhỏ bé tưởng chừng như rất bình thường ấy, đối với một người đang tổn thương tinh thần như tôi, là sự an ủi và dỗ dành rất lớn”, Hạ nhớ lại.

Mỗi tháng, Nhật Hạ dành trung bình từ 2-3 triệu đồng để chi trả cho các nhu cầu của Bơ, từ thức ăn, đi spa, các sản phẩm thuốc định kỳ tùy thuộc vào thời tiết. Vào mùa mưa, Bơ được Nhật Hạ dẫn đi spa mỗi tuần một lần để đảm bảo vệ sinh, tránh các bệnh về da.

 Còn mùa hè, Nhật Hạ chủ yếu tự chăm sóc Bơ tại nhà với các bước chải lông hằng ngày, nhỏ mắt, rửa tai, lau chân, lau bụng, mài móng và chỉ đưa Bơ đến spa mỗi tháng một lần.

Dịch vụ chăm sóc thú cưng -tại nhà. -Ảnh: Xuân Lộc

 

Giúp cân bằng cuộc sống

Các sản phẩm sử dụng cho Bơ được Nhật Hạ đầu tư kỹ lưỡng, trong đó có 3 loại lược chải lông, máy mài móng, các sản phẩm khử mùi, rửa chân và bọt tắm khô riêng. 

Ngoài việc vệ sinh, ăn uống, Nhật Hạ cũng ghi lại lịch sổ giun, uống thuốc ngừa ve và các loại ký sinh trùng, chích ngừa dại và các loại bệnh đường ruột theo định kỳ năm. Mỗi 6 tháng, Bơ được đưa đi xét nghiệm máu, kiểm tra sức khỏe và cao răng để có phương pháp vệ sinh mảng bám phù hợp.

Bên cạnh đó, Nhật Hạ cũng tự tay làm các loại bánh ăn vặt cho “người bạn” của mình. Cô tìm hiểu các công thức trên trang web nước ngoài, điều chỉnh cho phù hợp nguyên liệu tìm được ở Việt Nam cũng như sở thích, nhu cầu, cơ địa của Bơ, đi lựa từng khuôn bánh để có thành phẩm bắt mắt. 

Từ đam mê ban đầu này, Hạ mở The Barkery, một cửa hàng trực tuyến bán đồ ăn vặt, bánh sinh nhật cho thú cưng, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc chăm sóc và nuôi dưỡng thú cưng. Đây cũng là nơi Hạ chia sẻ các công thức làm bánh để những người chủ tự tay làm cho vật cưng của mình.

“Có những ngày, đi làm về đã 7 giờ tối, tôi lao vào làm bánh đến tận 1 giờ sáng để kịp trả đơn cho khách”, Hạ chia sẻ. Vào cuối tuần, Nhật Hạ dẫn Bơ đi cà phê sáng, đi công viên chơi cùng các “bạn” thú cưng khác.

“Thú cưng trở thành một thành viên quan trọng trong gia đình, hỗ trợ cân bằng cảm xúc, nâng cao đời sống tinh thần của chủ nuôi một cách tích cực. Với tôi, Bơ là một phần không thể thiếu, và tôi cảm kích sự hiện diện của Bơ trên đời”, Nhật Hạ bộc bạch.

Cộng đồng nuôi thú cưng hiện nay rất lớn và đoàn kết. Đó là những người xa lạ, được kết nối với nhau nhờ thú cưng. “Chúng tôi có chung động lực muốn thay đổi nhìn nhận về vai trò của thú cưng, muốn trở thành tiếng nói của chúng để chia sẻ những cảm xúc như vui, buồn, giận hờn, bởi các con xứng đáng được yêu thương”, Hạ nói thêm.

Bảng giá thực phẩm cho thú cưng tại một cửa hàng. Ảnh: Duyên Phan

 

“Người yêu không có nhưng chó phải có một con”

Đó là câu nói vui về những người độc thân nuôi chó mèo. Trong một căn nhà thuê 4 tầng ở một con hẻm nhỏ trên đường Trần Quang Diệu (quận 3, TP.HCM), Ngọc Diễm (30 tuổi) nuôi tới 7 con mèo và 1 con chó. Cô thuê một tầng hai phòng, trong đó một phòng dành riêng cho bầy chó mèo.

 “Tôi bán đồ ăn low-cab (ít đường, ít tinh bột) cho người ăn kiêng. Hằng ngày tôi nhận đơn, nấu nướng, chế biến rồi ship tới nhà cho khách hàng nên phần lớn thời gian tôi ở trong nhà. Ban đầu tôi cũng chỉ nuôi một chú cún để có bạn cho vui. Rồi nuôi thêm mèo. Mèo lại đẻ thêm mèo nên thành ra giờ là nuôi một bầy”, Diễm kể.

Với cả một “tiểu đội” chó mèo như thế, công việc chăm sóc không hề dễ dàng. “Từ ngày có bọn nó là hầu như không đi du lịch xa, đi đâu cũng phải lo về nhanh để chăm sóc cho bọn nó. Nhưng chơi với các em vui lắm, có thể ngồi cưng nựng bọn nó cả ngày”, Diễm nói.

Không những phải có không gian riêng dành cho thú cưng, việc cho ăn, vệ sinh, chăm sóc sức khỏe cho chúng cũng tốn kém không khác gì nuôi một đứa trẻ.

“Mèo nhà tôi không ăn đồ ăn chế biến sẵn. Ngày ăn hai bữa, ăn thịt tươi không nấu để tốt cho hệ tiêu hóa của chúng. Nuôi nhiều nên tôi thường mua sỉ 50-60kg thịt heo - gà về trữ đông để chúng ăn dần. Mua sỉ nên chi phí cũng giảm bớt”, Diễm cho biết.

Nguyễn Quang Đạt (29 tuổi, ở Củ Chi, TP.HCM) với “biệt đội” 7 chú cún cũng phải chịu thân phận “con sen”, mỗi ngày nấu ăn hai lần để phục vụ chúng. 

Đạt mua thức ăn tươi chế biến sẵn từ một nơi quen biết với khoảng 5 triệu mỗi tháng. Anh tự tay chăm sóc, tắm rửa cho bầy cún bởi đưa 7 con chó đi salon chăm sóc tốn rất nhiều tiền. “Mỗi lần tắm cho 2-3 con thôi, có những ngày bận quá, dồn vào cuối tuần thì phải mất cả ngày mới tắm xong”, Đạt nói.■

TP.HCM: khoảng 500 phòng khám, cửa hàng cho thú cưng

Với gần hai thập niên theo nghề bác sĩ thú y, bác sĩ Ngô Quốc Hưng (bác sĩ trưởng bệnh viện thú y quốc tế New Pet) cho biết ngành chăm sóc thú y hơn một thập niên qua đã có bước nhảy vọt cả về số lượng lẫn chất lượng.

Ông ước tính hiện ở TP.HCM có khoảng 500 phòng khám, bệnh viện, cửa hàng làm đẹp, chăm sóc, khách sạn... dành cho thú cưng. Riêng số lượng bệnh viện cho thú cưng có khoảng 30-40. Dựa trên số liệu chích ngừa của thú y TP.HCM, bác sĩ Hưng ước tính có khoảng nửa triệu thú cưng đang được người dân chăm sóc.

Khác với thời gian trước, bác sĩ Hưng cho biết số lượng chó và mèo tại TP đã có sự “dịch chuyển” khi ngày càng nhiều người dân nuôi mèo thay vì nuôi chó, những giống chó có thân hình to lớn dần chuyển về vùng ven thay vì được nuôi nhiều ở trung tâm TP. 

“Do nhiều chung cư cấm nuôi chó nên các gia đình chọn nuôi mèo, những gia đình sống trong diện tích nhà chật hẹp thì nuôi mèo cũng tiện chăm sóc hơn rất nhiều so với chó”, bác sĩ Hưng nói.

N.Hiển

Bạn đang đọc trong chuyên đề "THÚ CƯNG VÀ NGƯỜI TRẺ"