Bị rắn cắn phải làm sao?

TTCT - Bệnh viện Nhi Đồng 2 vừa tiếp nhận một trường hợp bé bị rắn độc cắn có biến chứng do xử trí trễ khá điển hình.

Bé Đ.V.V., 8 tuổi (Đồng Nai), bị rắn cắn đến ngày thứ ba, chuyển từ bệnh viện tỉnh lên với tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân và hoại tử da mu chân trái.

Phóng to
Rắn chàm quạp

Trường hợp điển hình

Theo lời người nhà, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại nghĩ là rắn lành cắn nên người nhà chỉ đắp thuốc cho bé rồi thôi. Không ngờ ngày hôm sau bàn chân bị rắn cắn bắt đầu sưng to, đau và bé sốt liên tục, thở mệt. Bé được đưa vào bệnh viện tỉnh điều trị nhưng bệnh tình ngày càng nặng và được chuyển lên tuyến trên.

Rắn độc thường được chia làm hai nhóm chính: Nhóm gây rối loạn đông máu và xuất huyết gồm rắn chàm quạp (sống nhiều ở vùng cao su miền Đông Nam bộ), rắn lục xanh, rắn lục đuôi đỏ. Nhóm ảnh hưởng đến thần kinh trung ương gây liệt, suy hô hấp, ngưng thở gồm rắn hổ mang chúa, hổ đất, cạp nong, cạp nia, hổ mèo... Ở miền Nam thường gặp rắn chàm quạp, rắn lục, rắn hổ đất, rắn hổ mèo.

Tại khoa cấp cứu, tình trạng của bé rất nặng, bàn chân trái sưng to, da mu chân thâm đen và suy hô hấp, sốc nhiễm trùng nhiễm độc và rơi vào hôn mê. Bé nhanh chóng được đặt nội khí quản, thở máy, chống sốc, kháng sinh điều trị, cắt lọc toàn bộ vùng da mu chân bị hoại tử và lọc máu liên tục.

Sau sáu ngày điều trị tích cực, hiện bé đã hồi tỉnh, uống sữa được, tình trạng nhiễm trùng được khống chế. Tuy nhiên, do ngón 1 và ngón 4 bàn chân tiếp tục thâm đen, hoại tử nên phải cắt bỏ hai ngón này. Sau đó bé phải tiếp tục lên phòng mổ một lần nữa để ghép da bẹn vào vùng da mu chân đã bị mất.

Đây là trường hợp điển hình về các biến chứng nặng nề do rắn độc cắn. Dù kiến thức về rắn độc và cách xử lý đã được đề cập nhiều, nhưng thực tế không phải ai cũng xử lý tốt trong từng tình huống cụ thể.

Độc tố trong nọc rắn sẽ ảnh hưởng lên hệ thần kinh gây liệt cơ và suy hô hấp. Ngoài ra độc tố này cũng gây rối loạn quá trình đông máu làm xuất huyết toàn thân. Bên cạnh đó còn làm tán huyết và tiêu sợi cơ. Tất cả quá trình này đưa đến kết cục là nạn nhân bị suy đa cơ quan và tử vong.

Phóng to
Rắn cạp nong

Dấu hiệu rắn lành cắn

Rắn lành cắn thì trong vòng 12 tiếng chỗ bị cắn chỉ đau, phù tại chỗ ít và không lan rộng, không có dấu hiệu hoại tử hay xuất huyết. Toàn thân ổn định, không khó thở, không bầm máu lan rộng.

Sơ cứu khi bị rắn cắn

Người thân và nạn nhân phải bình tĩnh dùng cây hay gậy lấy rắn ra, nếu bắt được hay mang xác rắn theo thì rất tốt cho việc định danh rắn, góp phần nhanh chóng cho việc dùng kháng nọc rắn.

Giữ bất động và đặt chi bị cắn thấp hơn tim để làm chậm hấp thu độc tố. Rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước (tốt nhất là dưới vòi nước chảy nhẹ), sát trùng bằng dung dịch Betadine hay Povidine nếu có.

Băng chặt chi bị cắn với băng vải và băng ép từ trên vết thương xuống để hạn chế hấp thu nọc độc theo đường bạch huyết (ví dụ như bị rắn cắn ở mắt cá thì băng ép từ cẳng chân xuống).

Phóng to
Rắn hổ đất

Chuyển bệnh nhân đến bệnh viện lớn và có huyết thanh kháng nọc rắn.

Tuyệt đối không rạch da thoát máu độc, hút nọc bằng miệng hay giác hút, garô chỗ bị cắn vì các biện pháp này đã được khuyến cáo chẳng những không hiệu quả mà còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và tăng sự hấp thu nọc rắn vào cơ thể nạn nhân.

Huyết thanh kháng nọc rắn có tác dụng tốt nhất trong vòng bốn giờ đầu, sau 24 giờ thì hiệu quả giảm thấp. Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành đều cần xử trí và theo dõi sát tại bệnh viện như là một trường hợp rắn độc cắn ít nhất trong 12 giờ đầu.

Các triệu chứng thường gặp do rắn độc cắn gây ra:

Loại rắn

Dấu hiệu tại chỗ

Dấu hiệu toàn thân

Nhận biết rắn

Hổ đất

Ðau, phù và hoại tử
chỗ bị cắn

Tê, khó nuốt, khó thở sau 30 phút - vài giờ

Ở mặt lưng lộ rõ một vòng tròn màu trắng

Cạp nong

Ðau tại chỗ bị cắn ít, không hoại tử chỗ bị cắn

Khó thở thường sau 1 giờ - 4 giờ

Thân có khoanh đen và khoanh vàng xen kẽ; khoanh đen, khoanh vàng xấp xỉ nhau; dài khoảng 1m

Chàm quạp

- Ðau và hoại tử lan rộng chỗ bị cắn

- Nổi bóng nước chỗ bị cắn

- Chảy máu không cầm

Bầm và xuất huyết toàn thân

Hoa văn trên thân gồm 19-31 dấu hình tam giác sẫm màu trên nền nâu đỏ tía hoặc hung đỏ đậm nhạt, dài khoảng 1m

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận