Các bạn sẽ đưa doanh nghiệp startup vào đâu trong nền kinh tế ?

QUỲNH TRUNG THỰC HIỆN 03/03/2017 22:03 GMT+7

TTCT- Xu hướng bảo hộ đang lan rộng khắp toàn cầu, TTCT trò chuyện cùng đại sứ EU tại Việt Nam Bruno Angelet về tầm quan trọng của tự do thương mại đối với EU, trong đó có Hiệp định thương mại tự do VN - EU.

Đại sứ EU tại Việt Nam Bruno Angelet -VIỆT DŨNG
Đại sứ EU tại Việt Nam Bruno Angelet -VIỆT DŨNG


Chủ nghĩa dân túy đang đẩy châu Âu ra khỏi tự do thương mại, trong khi châu Á lại có xu hướng đẩy mạnh toàn cầu hóa. Sự chuyển động của châu Á có phải là sự nhắc nhở đối với châu Âu về lợi ích của sự cởi mở kinh tế?

- Đúng là hiện nay ở châu Âu, giống như Mỹ và Anh, chủ nghĩa dân túy đang trên đà trỗi dậy và có khả năng cũng sẽ xuất hiện trong các cuộc bầu cử sắp tới ở Hà Lan và Pháp, khiến các kết quả bầu cử phần nào khó dự đoán.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta đang gặp phải những vấn đề mới hay mọi chuyện đang trở nên phức tạp hơn. Người dân có thể nêu lên lo ngại của mình, nhưng cuối cùng việc tìm ra các giải pháp phụ thuộc vào vai trò của các vị lãnh đạo.

Khủng hoảng tài chính, nhập cư, Brexit (người dân Anh bỏ phiếu rời EU) đang đặt ra những thách thức lớn cho các lãnh đạo EU và lãnh đạo các nước thành viên EU. Tuy vậy, chúng ta có thể thấy rằng chính điều này đang củng cố thêm quyết tâm của họ nhằm vượt qua thách thức và trấn an người dân.

Tôi không cho rằng EU đang chống lại xu hướng toàn cầu hóa. Những lo ngại chủ yếu của người dân trong khối liên quan tới hai vấn đề chính: một là ổn định tài chính, kinh tế và hai là vấn đề nhập cư.

Những quan ngại này không có nghĩa là người dân EU cự tuyệt toàn cầu hóa. Về ổn định tài chính, đồng euro tuy còn non trẻ (thành lập năm 2002) nhưng hiện đang là ngoại tệ lớn thứ hai thế giới. Năm 2007, đồng euro bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính. Lúc đó, người dân cho rằng đồng euro đã “chết”, nhưng tới ngày nay nó vẫn duy trì là đồng tiền mạnh mẽ và ổn định.

Khủng hoảng nhập cư trong những năm gần đây đã làm dấy lên nhiều lo ngại trong khối, với việc người dân châu Âu cảm thấy rằng biên giới của các nước thành viên trong khối chưa được bảo vệ tốt.

Nhưng các vị lãnh đạo của chúng tôi đang tập trung giải quyết những quan ngại này. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Malta vừa rồi, các lãnh đạo EU đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm khắc phục những vấn đề này.

Nếu nhìn vào hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa EU và Canada vừa được Nghị viện châu Âu thông qua mới đây, bạn có thể thấy châu Âu vẫn duy trì cam kết như một nền kinh tế rất cởi mở đối với thương mại quốc tế và chúng tôi đang tiến bước trong nhiều lĩnh vực.

Chúng tôi đang đàm phán FTA với Nhật Bản và sẽ thông qua FTA với VN sớm. Vì vậy chúng tôi không chống lại tự do thương mại hay toàn cầu hóa, mà cần khắc phục những vấn đề lớn như nhập cư và khủng hoảng tài chính với sự đảm bảo rằng mọi việc đều phải được kiểm soát.

Tôi lạc quan rằng các thành viên EU sẽ tiếp tục thúc đẩy thương mại tự do, bởi thương mại tự do tốt cho châu Âu.

Trong bối cảnh Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương đối diện nguy cơ tan vỡ từ quyết định rời bỏ của Mỹ, ông nhận định FTA với EU sẽ đóng vai trò như thế nào đối với VN?

- FTA VN - EU là một hiệp định thương mại vô cùng quan trọng. EU là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tiếp cận thị trường EU nghĩa là tiếp cận thị trường 500 triệu dân.

Tuy nhiên, lợi ích còn nhiều hơn thế. Ví dụ, thông qua hiệp định, VN và EU cùng cam kết đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan tới thương mại.

Trong chương về “Phát triển bền vững”, hai bên cùng cam kết cải thiện quản trị công và phát triển bền vững trong nhiều vấn đề như chống buôn người, bảo vệ quyền trẻ em, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, chống buôn lậu động vật hoang dã. Cả EU và VN cùng chia sẻ các mục tiêu tham vọng này vì chúng sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho cả hai phía.

EU cũng còn là nhà nhập khẩu hàng nông nghiệp lớn nhất thế giới. Trên 40% lượng hàng nhập khẩu của châu Âu đến từ các quốc gia đang phát triển. Điều này có nghĩa là châu Âu tích cực hỗ trợ nền kinh tế của các nước này và giúp các nước cải thiện đời sống người dân của mình. VN cũng không phải là một trường hợp ngoại lệ.

Ngay khi FTA VN - EU có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế. Sau 7 năm, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99% số dòng thuế. Chúng tôi kỳ vọng thương mại với VN sẽ có một sự tăng trưởng mạnh mẽ thông qua FTA này.

Tôi hoàn toàn chắc chắn rằng VN có thể trở thành một nền kinh tế mạnh. Trong ASEAN, VN hiện là quốc gia xuất khẩu hàng hóa lớn nhất sang EU. VN chú trọng vào thương mại nước ngoài là một điểm mạnh, nhưng cũng là một thách thức lớn: 70% xuất khẩu của VN đến từ các doanh nghiệp FDI.

Tôi nghĩ điều này cần được cải thiện để có nhiều công ty của VN hơn có thể đóng góp vào ngoại thương của VN. Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng để tận dụng tốt nhất FTA VN - EU, VN cần tập trung ngay vào quá trình chuẩn bị thay vì chờ đợi đến khi hiệp định có hiệu lực.

Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng mặt hàng nông sản VN đối với thị trường EU?

- EU mang lại những tiềm năng lớn cho ngành nông nghiệp VN. Hiện nay, hàng xuất khẩu của VN sang châu Âu đã bao gồm cả lượng hàng hóa quan trọng là các mặt hàng nông sản - thực phẩm. Tuy nhiên để mở rộng và đạt tới tiềm năng tối đa, VN cần phải tuân thủ những quy chuẩn rất nghiêm ngặt của EU.

Hiện nông sản VN chưa thể vào thị trường EU nhiều hơn là do chất lượng và an toàn thực phẩm vẫn còn thấp. Một khi lĩnh vực nông sản - thực phẩm thích ứng được với các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường EU, nông sản VN sẽ trở nên cạnh tranh hơn khi tiếp cận với tất cả thị trường khác trên thế giới, trong đó có những thị trường lớn như Mỹ và Canada.

Tôi nghĩ VN hoàn toàn đủ khả năng.

Chúng tôi đang thảo luận những vấn đề đó với Bộ NN&PTNT của VN. VN phải cải thiện hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm và quá trình đưa ra quyết định. EU từng đối mặt với những bất cập tương tự cách đây 20-30 năm. Do vậy chúng tôi có thể chia sẻ kinh nghiệm và giúp VN vượt qua vấn đề này.

Vấn đề thứ hai của VN là tạo thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp. Việc này chỉ có tác dụng khi chất lượng thực phẩm thượng nguồn được đảm bảo lâu dài. Kể cả khi có thương hiệu tốt nhất, nếu một kiện hàng của VN đến EU bị từ chối vì chúng không an toàn thì thương hiệu, danh tiếng của sản phẩm này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và kết quả của tất cả nỗ lực này sẽ tiêu tan.

Tôi thường lấy ví dụ về quả kiwi của New Zealand, từ đó VN có thể học được rất nhiều: 30 năm trước, từng có nhiều cuộc tranh cãi dữ dội trong số những nông dân tại New Zealand, những người tự cạnh tranh với nhau, kéo giá cả và chất lượng xuống.

Nhưng cuối cùng họ đã đồng ý áp đặt các tiêu chuẩn chung, cải thiện chất lượng và thông qua một thương hiệu. Họ cùng nhau tổ chức hậu cần xuất khẩu, xác định một điểm xuất tại New Zealand, một điểm nhập tại châu Âu và một quy trình cực kỳ hiệu quả. Ngày nay, kiwi Zespri có mặt trên toàn thế giới. VN có thể học được rất nhiều từ mô hình như vậy.

Một vấn đề nữa của nông sản VN là chúng có quá ít giá trị gia tăng. Để tăng giá trị gia tăng, VN có thể nhập khẩu các công nghệ châu Âu, đầu tư và công nghiệp hóa các sản phẩm nông nghiệp, cải thiện các dịch vụ hậu cần xuất khẩu và tạo lập các kênh phân phối ở châu Âu.

Có một danh sách dài sản phẩm tuyệt vời của VN như cà phê robusta, hạt tiêu, cao su... nhưng có giá trị gia tăng thấp, không có dịch vụ hậu cần tốt và hệ thống quản lý chất lượng chưa được tốt.

Để chuẩn bị thực thi hiệu quả FTA với VN, chúng tôi có một nhóm chuyên gia EU chú trọng vào các biện pháp kỹ thuật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm để giúp VN cải thiện vấn đề này nhanh chóng.

Hai Trưởng đoàn đàm phán của hiệp định thương mại tự do EU- Việt Nam: Mauro Petriccione, Phó Tổng vụ trưởng Tổng Vụ Thương mại Ủy ban châu Âu (thứ hai từ trái sang) và ông Nguyễn Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Thương mại (thứ hai từ phải sang), tại lễ ra mắt Ấn phẩm hướng dẫn Hiệp định thương mại tự do EU-VN - Nguồn: Phái đoàn EU tại Việt Nam
Hai Trưởng đoàn đàm phán của hiệp định thương mại tự do EU- Việt Nam: Mauro Petriccione, Phó Tổng vụ trưởng Tổng Vụ Thương mại Ủy ban châu Âu (thứ hai từ trái sang) và ông Nguyễn Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Thương mại (thứ hai từ phải sang), tại lễ ra mắt Ấn phẩm hướng dẫn Hiệp định thương mại tự do EU-VN - Nguồn: Phái đoàn EU tại Việt Nam

 

Ông Phil Hogan, cao ủy EU phụ trách nông nghiệp, khẳng định FTA EU - VN sẽ mang lại những cơ hội to lớn cho nhà sản xuất của cả hai bên. Đâu là những lĩnh vực hợp tác tiềm năng? Liệu sự cạnh tranh từ châu Âu sẽ khiến một số nông dân VN mất công ăn việc làm?

- Có nhiều dự án chúng tôi đang phát triển ở VN. Ví dụ, Hà Lan đang thực hiện một số dự án quản lý nguồn nước ĐBSCL. Ngoài ra, các nước châu Âu đang thực hiện một số dự án về áp dụng công nghệ cao trong nông lâm nghiệp.

Liên quan đến cạnh tranh mặt hàng nông sản giữa VN và EU, tôi nghĩ các sản phẩm của cả VN và EU mang tính bổ sung cho nhau. VN có những sản phẩm mà EU không có, ví dụ như quả vải, chuối nhỏ, dừa, cà phê robusta và các sản phẩm nông nghiệp khác. Chỉ một số rất ít sản phẩm cạnh tranh nhau như gạo và đường.

Về lĩnh vực chăn nuôi, VN đang lo lắng sự cạnh tranh từ châu Âu như thịt bò, thịt gà, thịt heo về giá cả cũng như chất lượng. Nhưng đối với những sản phẩm này, chúng tôi biết VN hiện chưa có khả năng sản xuất đủ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước và sẽ tiếp tục nhập khẩu.

Nhưng VN cũng có thể xây dựng một chiến lược để thu hút đầu tư và thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ châu Âu. Các nhà đầu tư tại châu Âu có thể coi VN là một trung tâm sản xuất hấp dẫn để xuất khẩu sang các nước ASEAN.

Khi còn là đại sứ Bỉ, tôi rất chú trọng lĩnh vực cà phê. Chúng tôi mua cà phê ở VN và mang về châu Âu qua cảng Antwerp. Tuy nhiên, sau khi thấy lượng tiêu thụ cà phê ở khắp Đông Nam Á gia tăng, chúng tôi thấy không cần thiết phải mang về châu Âu nữa để tái xuất khẩu sang châu Á, mà sử dụng VN như là một trung tâm sản xuất.

Do vậy, tôi nghĩ EU có thể sử dụng VN như một trung tâm (hub) sản xuất để đưa sản phẩm đi khắp ASEAN. VN là một thị trường vô cùng tiềm năng với hơn 90 triệu dân, chỉ sau Indonesia và Philippines. VN cũng không có hạn chế ăn thịt về mặt tôn giáo và có một nền kinh tế mở. VN có FTA với EU nên hai bên có thể có nhiều hoạt động làm ăn với nhau.

Ông nghĩ như thế nào về hệ sinh thái khởi nghiệp dấy lên gần đây ở VN. VN có thể học được gì từ EU trong lĩnh vực này?

- Năm ngoái, khi nhận nhiệm vụ đại sứ EU tại VN, tôi có tiếp xúc với một số doanh nghiệp khởi nghiệp ở TP.HCM. Người Việt rất giỏi toán và có nhiều tiềm năng sáng tạo. Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos vừa qua cũng đưa Hà Nội và TP.HCM vào danh sách 10 thành phố phát triển năng động nhất trên thế giới.

Nhưng vấn đề là ở VN, khi một doanh nghiệp khởi nghiệp ra đời thì bạn đưa họ vào đâu trong nền kinh tế? Trong số các nước EU, Phần Lan đã xây dựng cùng với Bộ KH&CN và các bên liên quan khác một chương trình rất hiệu quả, tôi được đồng nghiệp Phần Lan cho biết là kết quả rất hứa hẹn cho tương lai.

Do vậy, rõ ràng là có một quy trình tốt đã được khởi động. Tất nhiên chúng ta cũng phải nhận thức tốt các điều kiện để đảm bảo thành công về lâu dài. Hiện tại, những điều kiện đó không phải luôn sẵn có: ví dụ như chiến lược tiếp thị, thương hiệu, các mô hình kinh doanh tốt, tiếp cận với vốn và tín dụng, sự tham gia của các nhà đầu tư.

Một khi doanh nghiệp khởi nghiệp có nền tảng tốt cùng với các yếu tố như chính sách vĩ mô, môi trường kinh doanh tốt, các mô hình khởi nghiệp có thể phát triển. Và một lần nữa, FTA VN - EU sẽ giúp quảng bá VN như một điểm đến lý tưởng của khởi nghiệp và sáng tạo.

Cảm ơn ông.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận