Cân bằng khi tiếp cận đồng tiền 

NGUYỄN THỤY ANH 13/04/2016 21:04 GMT+7

TTCT - LTS: Loạt Câu chuyện cuộc sống “Ám ảnh giàu sang” (xem TTCT từ số ra ngày 14-2) khép lại với bài viết của tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh, người khuyến cáo không nên đẩy thái độ đối với đồng tiền sang những thái cực khác nhau, khiến con người đánh mất mình khi có "cơ hội".

CCCS
CCCS


Con trai tôi, 12 tuổi, một hôm về kể:

- Mẹ ạ, bạn A. rửa bát được bố mẹ trả tiền. Mẹ thấy có ổn không?

- Thế con thấy thế nào?

- Ổn ạ! Lao động thì được nhận lương là thường mà!

Tôi hỏi lại cậu bé:

- Hằng ngày mẹ nấu ăn, con thì vẫn rửa bát, mà mẹ lại chẳng trả lương con gì cả... Có ổn không nhỉ?

- Vẫn... ổn! Vì con làm việc này không phải để kiếm tiền. Là nhiệm vụ con nhận. Và vì... yêu quý bố mẹ thì muốn giúp... (Nói xong hơi ỏn ẻn vì xấu hổ)...

Cuộc trò chuyện ngắn ngủi trên đây cho tôi hiểu rằng vấn đề tiền bạc không có một khuôn mẫu nào để phán xét. Quan trọng là người trong cuộc nhận thức vấn đề ở nhiều góc độ. Lệch lạc ở hành vi sẽ xảy ra nếu chỉ khăng khăng một hướng tiếp cận, một cách nhìn, một kiểu tư duy.

Tiền có thể là một giá trị không? Có chứ. Rõ ràng nó là một giá trị, và không chỉ là “giá trị kinh tế”. Để quy đổi sức lao động. Để đánh giá sức lao động. Để định lượng một món hàng. Cũng có thể để “định lượng” giá trị một con người ở khía cạnh chất lượng lao động: có trách nhiệm hay không, chuyên môn thế nào, năng suất ra sao...

Tiền có thể là công cụ để con người hướng tới mục đích nào đó, hoặc chính nó cũng có thể là mục đích của mọi hoạt động con người - điều này ai cũng thấy rõ.

Từ xa xưa, các triết gia như Aristotle đã phân biệt: tiền như công cụ trao đổi để có được những điều mình chưa có khiến cuộc sống tốt đẹp hơn - điều này hợp với tự nhiên và có những giới hạn nhất định; tiền nếu được coi là mục đích thì cả quá trình cố gắng kiếm tiền hay làm giàu lại không hề có giới hạn.

Có nghĩa là khái niệm “tiền” với thế giới đồ vật, hàng hóa, thế giới tiêu dùng rất có thể sẽ khác với khái niệm “tiền” trong thế giới con người, nó có thể thay đổi nhân sinh quan của mỗi cá thể.

Vậy con người làm ra tiền hay tiền làm nên con người? “Giá trị” - khái niệm đó đối với con người Việt Nam hiện đại sẽ ra sao? Tiền có “giá trị” như thế nào đối với con người, và ngược lại, có tiền, con người có thể được đánh giá là có “giá trị” hơn không trong xã hội? Đó mới là những câu hỏi khó đằng sau tất cả những câu chuyện mà Tuổi Trẻ Cuối Tuần chia sẻ trong những số gần đây.

Câu chuyện truyền thông của mỗi xã hội và thái độ đối với đồng tiền

Tôi nhớ thời tôi còn bé, đặc biệt là những năm bao cấp khó khăn, thông điệp mà tôi cảm nhận được qua những câu chuyện của bố mẹ, thầy cô, qua cách tuyên truyền của xã hội và những tấm gương “người tốt việc tốt” được nói tới, là thái độ coi nhẹ đồng tiền, thậm chí có phần ghê sợ, ghẻ lạnh nó.

Dường như nó là hiện thân của “vật chất tầm thường”, là ngọn nguồn của những tiêu cực, rắc rối khi mà những giá trị tinh thần được tung hô nhiều hơn, và có thể đó chính là cách để con người vượt qua được những vất vả, thiếu thốn một thời.

Người có chút tiền hơn người khác không dám khoe mình có tiền. Ngay cả trong những câu chuyện tầm phào trẻ con, bọn trẻ rất... sợ nếu “bị” coi là nhà giàu. Một lớp trẻ lớn lên, nhiều người ngại ngùng khi nói đến tiền, thiếu kỹ năng sử dụng và kiểm soát đồng tiền, không dám đầu tư, không biết tính toán... hoặc ngược lại, mất kiểm soát bản thân khi va chạm với đồng tiền!

Còn bây giờ, các cô bé cậu bé mới tí tẹo đã hỏi nhau xem nhà ai giàu hơn, đi xe xịn hơn, học ở trường sang hơn. Qua báo chí, truyền thông, các em nhận được một thông điệp khác: làm giàu thật quan trọng.

Những ngôi sao sống ở đâu, đi xe gì, tiêu tiền thế nào - thông tin được cập nhật hằng ngày, thậm chí hằng giờ. Kể cả những tin tức về việc làm thiện nguyện đôi khi cũng cho các em cảm giác rằng mình phải biết cách kiếm tiền. Có tiền mới sống tốt, mới làm từ thiện, mới “nên người” được.

Những khái niệm “giá trị của lao động”, “trách nhiệm xã hội”, “cống hiến” còn mờ nhạt so với khái niệm “thành đạt - giàu có”. Nhiều em chỉ nhìn thấy cái đích làm giàu của doanh nhân, ngôi sao, các triệu phú, tỉ phú... mà không nhìn ra con đường gắng gỏi của những người giàu có ấy.

Chính vì thế mới có câu chuyện tham lam, muốn làm ít kiếm bộn tiền, “tay không bắt giặc”, mất tỉnh táo, để biết bao người rơi vào cái bẫy của một số công ty bán hàng đa cấp như ta thấy. Chính vì thế mới có những “ám ảnh giàu sang” như tác giả Lan Hương (ĐH Văn Hiến) chia sẻ, có những sinh viên học vươn lên, học thật nhiều chỉ với mục đích tìm được một vị trí làm việc với mức lương cao.

Những khái niệm “hoài bão”, “ước mơ”, “say mê”, “tự hoàn thiện mình”... bỗng trở nên xa xỉ với một bộ phận người trẻ. Cũng chính vì thế mới có phong trào “ném đá”, nói xấu những người nổi tiếng và có tiền, những cạnh tranh không lành mạnh giữa các đối thủ hoặc những chiêu trò muốn nổi tiếng bằng mọi cách.

Cả hai hướng truyền thông đều đẩy thái độ đối với đồng tiền sang những thái cực khác nhau, cực đoan, đều cho cảm giác mất cân bằng như nhau. Hai thái độ đều khiến con người dễ đánh mất mình khi có “cơ hội”.

Bắt đầu từ yêu thương và hiểu biết...

Nói “yêu thương” có vẻ như lạc đề đối với câu chuyện về thái độ với tiền bạc mà chúng ta đang bàn. Trong đầu tôi lóe lên từ này khi bỗng nhớ đến bà mẹ Do Thái dạy con quý trọng đồng tiền, kiếm tiền, kinh doanh từ rất sớm trong cuốn sách Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương (Sara Imas, NXB Dân Trí và Alphabooks, 2014).

Đằng sau câu chuyện rèn con nghiêm khắc, khuyến khích kiếm tiền của bà mẹ Sara, âm hưởng “yêu thương” lại tràn ngập, xóa nhòa mọi sự “tàn nhẫn” được nhắc đến. Ngay cả những đứa trẻ, chúng cũng kiếm tiền bằng sức lao động của mình, nhưng tự nguyện và cũng đầy yêu thương.

“Mê tiền” hay “mê kiếm tiền”, về mặt nguyên tắc, là thái độ sống chẳng có gì đáng lên án, hoàn toàn chính đáng, đều có thể là động lực sống của một người trẻ.

Tuy nhiên, tôi trộm nghĩ “yêu thương” lại chính là chìa khóa để lấy lại cân bằng khi các bạn trẻ chúng ta đang nghiêng ngả như những người đi trên dây trong việc lựa chọn đồng tiền là phương tiện hay là đích đến của cuộc đời.

“Yêu thương”, với nghĩa rộng nhất của khái niệm này, khiến cho con người nhìn thấy giá trị khác bên cạnh giá trị tiền bạc của mọi sự vật, sự việc diễn ra trong đời mình. Yêu những khoảnh khắc gần gũi với gia đình, một người cha bận rộn hoàn toàn có thể tạm dừng lại cuộc mưu sinh cuốn lấy anh như cơn lốc, cho đến khi nó không là cuộc mưu sinh nữa mà là những tranh đấu giành giật để khẳng định giá trị con người trong việc tạo dựng, làm giàu.

Anh có thể sẽ lựa chọn hi sinh một “giá trị kinh tế” để đánh đổi lấy một giá trị khác, bên nụ cười con trẻ. Tình yêu thương đối với con người, cuộc đời sẽ khiến đứa trẻ biết cảm ơn người giúp việc về lao động của họ chứ không chỉ ném tiền ra và sử dụng họ như một thứ dịch vụ mà người có tiền nghiễm nhiên được hưởng.

Tình yêu thương sẽ dạy đứa trẻ biết quan sát và thấu hiểu những vất vả của cha mình hơn là chỉ thấy việc ông mang về nhà những tập tiền để gia đình được sung túc... Cứ như vậy, yêu thương một người, yêu một miền đất, say mê một công việc, theo đuổi một ước mơ, mong muốn được cống hiến... đều khiến cho bộ giá trị của con người được bổ sung nhiều khía cạnh xã hội, không chỉ dừng lại ở những con số, những giá trị vật chất nhìn thấy, đong đếm được...

Đó cũng là từ khóa mà cậu con trai 12 tuổi của tôi nhắc đến trong cuộc trò chuyện ở trên. Có thể lao động, làm việc vì trách nhiệm và cả vì yêu thương.

Tuy vậy, không thể chỉ có yêu thương. Còn cần sự hiểu biết.

Những kiến thức sâu xa về tiền bạc, cách nhận biết, cách đánh giá tiền như là giá trị của lao động, những kỹ năng kiểm soát, quản lý và sử dụng đồng tiền, những sự thật bên cạnh hào quang kỳ ảo của sự giàu có, thói quen tiết kiệm tiền, bản chất của việc gửi tiền tiết kiệm hay đầu tư có lãi, các nguyên tắc vay mượn tiền và trách nhiệm của người vay, những câu chuyện thú vị xung quanh đồng tiền có thể làm bạn say mê, nằm ngoài giá trị kinh tế của tờ bạc, những việc cấm kỵ không được làm với đồng tiền - để tỏ thái độ tôn trọng nó, nghĩa là kính trọng sức lao động của con người; khái niệm từ thiện và thế nào mới được công nhận là “từ thiện” và làm gì để đồng tiền từ thiện của mình thật sự có ích...

Chỉ sau khi hiểu biết những điều đó, đứa trẻ mới tiếp cận các phương án - phương pháp làm giàu đúng nghĩa. Và cũng chỉ sau khi được trang bị các kiến thức như vậy, con người mới không rơi vào cái bẫy của sự “kiếm tiền dễ dàng”, hoặc “kiếm tiền bằng mọi giá”.

Gần đây có rất nhiều thông tin và sách vở hướng dẫn phát triển tư duy tiền tệ kiểu này. Và tôi cho đó là cách tiếp cận đúng đắn, dựa trên sự hiểu biết.

Câu chuyện định hướng nghề nghiệp

Và cuối cùng, điều tôi muốn nói đến là vấn đề định hướng nghề nghiệp mà các học sinh, sinh viên của chúng ta luôn được tiếp cận quá muộn.

Theo nghiên cứu được công bố năm 2012 của TS Trịnh Văn Tùng và TS Phạm Huy Cường - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG Hà Nội: “Có đến 70% sinh viên năm cuối của ĐHQG Hà Nội vẫn chưa thấy được mối liên hệ giữa ngành học và các lĩnh vực nghề nghiệp của xã hội, chưa có một định hướng nào cho ngành nghề sau khi tốt nghiệp”.

Cho đến năm 2016 này, cũng vẫn rất nhiều sinh viên học xong không biết làm gì, hoặc cho rằng mình đã học nhầm nghề.

Câu chuyện “mê tiền”, “ham kiếm tiền” tốt hay xấu sẽ không cần đặt ra nếu ngay từ nhỏ các em đã được hướng nghiệp thật sự qua các bài học về giá trị: thấu hiểu giá trị của lao động, thái độ với lao động, những khái niệm “trách nhiệm”, “khả năng của bản thân”, “hoàn thành nhiệm vụ”, “chăm chỉ, tận tụy với công việc”, “tự hào với bản thân” khi đóng góp được vào việc chung, “niềm say mê, yêu nghề” - là những điều các em cần biết trước khi đến với việc tìm hiểu chỉ số “cung và cầu” của lao động trong xã hội và tiến tới là lao vào cuộc mưu sinh.

Bằng không, các em dễ rơi vào vòng luẩn quẩn của việc sống chỉ để kiếm... sống và đến một lúc nào đó, khó tránh khỏi khủng hoảng giá trị như những bài viết trước trong diễn đàn đề cập tới. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận