Chàng trai chào hàng

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG 19/11/2006 19:11 GMT+7

TTCT - Một ngày nọ, tổng giám đốc Khu công nghiệp VN - Singapore (VSIP) gọi Hải lên hỏi: “Anh có dám làm giám đốc tiếp thị đầu tư không?”. Hải gật đầu: “Có!”.

Phóng to
Huỳnh Quang Hải thuyết trình trước các nhà đầu tư
TTCT - Một ngày nọ, tổng giám đốc Khu công nghiệp VN - Singapore (VSIP) gọi Hải lên hỏi: “Anh có dám làm giám đốc tiếp thị đầu tư không?”. Hải gật đầu: “Có!”.

Thế là, từ đó Huỳnh Quang Hải trở thành một trong những người trẻ tuổi nhất là thành viên hội đồng quản trị ở các liên doanh với nước ngoài. Anh giản dị, khiêm nhường và dễ làm cho người ta tin tưởng sau vài câu giao tiếp.

VSIP có diện tích 500ha, đến nay đã thu hút 230 nhà đầu tư từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng số vốn đầu tư khoảng 1,5 tỉ USD. Gồm 52 nhà đầu tư Nhật Bản, 38 nhà đầu tư Singapore, 35 nhà đầu tư Đài Loan, 22 nhà đầu tư châu Âu, 15 nhà đầu tư Mỹ. VSIP cũng tạo ra một lực lượng lao động hơn 40.000 người. Thủ tướng Singapore nhận xét: VSIP đã trở thành khu công nghiệp thành công nhất tại VN.

(Theo trang web Bộ Ngoại giao)

Hải học kinh tế đối ngoại, đi làm marketing từ năm 3 đại học. Khi ấy, anh tiếp thị gạch men cho một công ty Hàn Quốc, lương khoảng 80 USD/tháng. Một ngày nọ, chứng kiến cảnh sếp (người Hàn Quốc) quăng cây bút vào người một đồng nghiệp, Hải nghỉ việc, sang làm marketing cho một công ty Nhật, rồi một công ty Mỹ... Đó là những năm tháng tìm kiếm một cơ hội cho cuộc đời.

Năm 1995, lúc mới 23 tuổi, trong một lần Hải đi tiếp thị, vị tổng giám đốc khách hàng bất ngờ đề nghị: “Cậu có thích làm trợ lý tổng giám đốc không?”. Rồi ông giới thiệu Hải với Khu công nghiệp VN - Singapore chỉ đang “sắp sửa hình thành”. Hải nhận lời sau một tuần suy nghĩ và từ bỏ công ty cũ với một cơ hội đào tạo tại Hoa Kỳ. Công việc bắt đầu từ sáng sớm, 2-3 giờ chiều mới ăn cơm trưa và kết thúc lúc 8-9 giờ tối.

Anh làm trợ lý từ phiên dịch đến các thủ tục pháp lý ban đầu đặt nền móng cho cả khu công nghiệp rộng lớn sau này. Đó là những ngày vừa làm vừa học, vừa tranh thủ “rèn” vốn ngoại ngữ từ những khách hàng đầu tiên, những kiến thức đầu tiên trong lĩnh vực marketing thu hút đầu tư mà ở VN cũng chưa có nơi nào đào tạo. Nó chẳng giống chút nào so với việc đi marketing một sản phẩm cụ thể bởi đối tượng cuối cùng phải thuyết phục là lãnh đạo cấp cao nhất của các tập đoàn, công ty, kể cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các nước có đầu tư vào VN. Sứ mệnh của anh là mời gọi họ đến VN, mở ra nhà máy, tạo ra việc làm, tạo nên lợi nhuận.

Phóng to
Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore
Cuối năm 2000, vừa trở về sau khóa học thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh ở NUS (Singapore), giám đốc marketing người Singapore sắp về nước, hỏi Hải: “Có dám nhận chức của tôi không?”. Lại một thách thức mới, bởi vị trí này toàn do người nước ngoài nắm giữ. Sáu năm sau, từ lời thách thức đó, ở cương vị thường trực hội đồng quản trị kiêm phó tổng giám đốc VSIP, Hải nhớ lại cái “dám” quyết định của mình.

“Trong đầu tôi khi đảm nhận vị trí ấy chỉ có một ý nghĩ duy nhất: phải làm được và làm tốt hơn cả người nước ngoài!”. Và Hải làm tốt đến nỗi đại diện một tập đoàn lớn sau khi tiếp xúc với anh đã gửi lại lời nhắn: “Nếu chúng tôi đến VN và mời anh vào một vị trí rất quan trọng, anh có đồng ý?”. Coi như đã thành công trong việc gây ấn tượng với khách hàng. Từ việc gây “ấn tượng” cho khách hàng, Hải đã dẫn họ đến những hợp đồng đầu tư trị giá hàng trăm triệu USD!

“Hầu hết các nhà đầu tư đều biết người Việt Nam thông minh, cần cù, chịu khó và cầu tiến, nhưng đối với họ, ở đâu thông thoáng, thân thiện, kinh doanh thuận lợi thì nơi đó có sức hút. Chúng ta nên giúp các nhà đầu tư gặt hái được thành quả kinh doanh của họ và hãy để họ là những “đại sứ” giúp chúng ta quảng bá hình ảnh của VN ra nước ngoài. Chuyện đó bao giờ cũng tốt hơn những khẩu hiệu và những lời nói suông!”.

Những nhà đầu tư là những người từng trải, có dư kinh nghiệm và sự lão luyện để thử thách đối tác, cho nên việc mời chào và “dụ dỗ” họ bỏ tiền đầu tư không đơn giản chút nào. Chỉ cần “hở sườn” một tí là... mất ngay một lòng tin. Có những chủ tịch các tập đoàn lớn trên thế giới mỗi năm đến châu Á có vài lần, mỗi lần dẫn theo vài chục doanh nhân rất giỏi, và đó là cơ hội để đón tiếp họ. Phải biết đến cả những thông tin nhỏ như ông chủ tịch đó có chịu được mùi khói thuốc không, ông ta thích và không thích gì.

Hải nói: “Trong nghề này phải có cách hành xử chuẩn mực, bởi chỉ cần một sơ suất, bạn sẽ bị đánh giá “không đủ tư cách nói chuyện” và tự mình đánh mất cơ hội. Nhiều vị lãnh đạo tập đoàn tóc đã muối tiêu rất ngạc nhiên khi thấy một thằng trẻ như tôi ngồi vào bàn đàm phán. Họ hỏi tôi có thể quyết định được tới đâu? Nhiều nhà đàm phán lão luyện thường hay “thử” đối thủ vài câu trước khi nói chuyện. Một quyết định đầu tư căn cứ trên nhiều yếu tố thương mại, nhưng có khi yếu tố con người và lòng tin lại là cái quan trọng nhất. Lòng tin không do giấy ghi ra, lòng tin do con người tạo dựng. Đừng bao giờ hứa những điều không làm được.

Đây là một nghề đòi hỏi sự kiên nhẫn. Có khi bạn phải mất ba bốn năm trời, đi tới đi lui nước ngoài hàng chục lần mỗi năm mà chưa thấy kết quả gì, rồi bất thình lình một cú điện thoại gọi tới, đại loại như: “Bây giờ tôi muốn đầu tư vào khu công nghiệp của anh”. Đó sẽ là một ngày vui nhất”.

Lĩnh vực tiếp thị đầu tư VN vẫn còn thua xa các quốc gia trong vùng. Người làm nghề này hiện ở VN không có bao nhiêu nhưng chắc chắn sẽ nhiều lên. Hải thích nó, bởi ngoài công việc kinh doanh, ý nghĩa cộng đồng của nghề này rất lớn. Ra nước ngoài, việc đầu tiên của Hải là giới thiệu VN, để lại trong đầu nhà đầu tư hai chữ VN là thấy có chút thành công rồi.

Sau đó nữa thì mới nói câu chuyện của VSIP. Hải sẵn sàng tiếp bất cứ một đoàn khách nào đến với VSIP dù biết chắc mục đích của họ chỉ là tham quan, là đi chơi ghé ngang... bởi “một dịp như thế mình cho người ta thêm thiện cảm với VN, rồi họ sẽ quay trở lại”. Nghề này tập cho anh thói quen không bao giờ xét đoán bất cứ ai qua vẻ bề ngoài bởi phía sau một người ăn mặc rất tầm thường là những dự án hàng trăm triệu USD, và không thể dùng một “chuyện Việt Nam” chung chung cho mọi nhà đầu tư trên thế giới.

“Đi qua một nơi trước kia là đất trống đồi trọc, giờ đầy nhà máy với hàng chục ngàn người làm việc, thử hỏi bạn có vui không? Cứ mỗi một dự án hay nhà đầu tư mà ta thuyết phục là có thêm người góp phần vào quá trình phát triển của đất nước, sẽ có thêm công ăn việc làm và sẽ có sự chuyển giao công nghệ cho ta” - Hải nói với tôi một cách chia sẻ khi ngồi lặng lẽ trong một quán cà phê ở Sài Gòn. Đó cũng là tâm huyết của một chàng trai 34 tuổi sau khi viễn du khắp mọi nẻo đường sang trọng của xứ người.

Là một trong những sinh viên Việt Nam đầu tiên tu nghiệp chương trình cao học của Trường Quản trị kinh doanh (NUS Business School) thuộc Trường đại học Quốc gia Singapore (NUS), Quang Hải đã mang về những kiến thức, kinh nghiệm quí báu cùng sự tự tin của một doanh nhân được đào tạo bài bản để góp phần mình vào sự phát triển của Khu công nghiệp VN - Singapore (VSIP).

Mới gặp Quang Hải là tôi đã để ý ngay đến chàng trai trẻ tuổi nói tiếng Anh lưu loát, rất năng động và đầy tự tin này. Đối với những công ty nước ngoài đến VSIP thì Quang Hải không những giúp họ có đầy đủ thông tin cùng những lời khuyên quí giá, mà đồng thời đã tạo cho họ một ấn tượng tốt đẹp về người Việt nói chung. Chính vì thế mà tôi cũng đã giới thiệu nhiều doanh nhân nước ngoài gặp Quang Hải khi họ có nhu cầu tìm hiểu môi trường kinh doanh và đầu tư ở VN, và họ rất ấn tượng với doanh nhân trẻ tuổi này.

Tôi luôn mong rằng trong số những sinh viên du học trở về phụng sự đất nước sẽ có nhiều người như Quang Hải. Trong thời kỳ kinh tế VN bước vào giai đoạn cất cánh, chúng ta thật sự cần có rất nhiều người trẻ năng động, tự tin và đầy nhiệt huyết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận