Bảo tồn động, thực vật

Tuổi Trẻ Cuối Tuần

Vua Càn Long và bảo tồn cá heo

HẢI MINH 19/05/2025 07:08 GMT+7

TTCT - Chuyên san Current Biology (Sinh học đương đại) số ngày 5-5 vừa đăng một bài viết về tình trạng suy giảm nghiêm trọng loài cá heo nước ngọt không vây đặc hữu của sông Trường Giang, Trung Quốc.

Chuyên san Current Biology (Sinh học đương đại) số ngày 5-5 vừa đăng một bài viết về tình trạng suy giảm nghiêm trọng loài cá heo nước ngọt không vây đặc hữu của sông Trường Giang, Trung Quốc.

Điểm khác thường của bài viết này là thước đo của các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu: hơn 700 bài cổ thi Trung Quốc bắt đầu từ mốc năm 618, tức khi triều đại nhà Đường thành lập.

Vua Càn Long và bảo tồn cá heo - Ảnh 1.

Ảnh: China Daily

Nhóm nghiên cứu của Đại học Phúc Đán (Thượng Hải) đã chuyển hướng sang các bài thơ cổ do quá ít tư liệu chính thức nhắc đến loài cá heo này trong quá khứ. "Khi làm công tác bảo tồn, chúng tôi cần biết phân bố trong quá khứ và quy mô quần thể loài trong lịch sử", giáo sư sinh thái học Lưu Giai Giai của Đại học Phúc Đán nói. 

Theo ông, những thước đo này sẽ là cơ sở giúp nhà nghiên cứu xác định mục tiêu bảo tồn. Nhưng dữ liệu về quần thể cá heo Trường Giang, tên khoa học là Neophocaena asiaeorientalis asiaeorientalis, chủ yếu chỉ có từ vài chục năm qua. Để có thêm tư liệu, theo lời giáo sư Lưu, "chúng tôi đành dựa vào các dạng dữ liệu khác, như thi ca".

Lưu và các cộng sự đã lùng sục kho thơ cổ đại đồ sộ của Trung Quốc để tìm những bài có nhắc tới loài cá này, trong tiếng Hán là "giang đồn", nghĩa là "lợn sông", và xác định được 724 bài thơ chắc chắn có nhắc đến nó, sau khi đã loại trừ những trường hợp có thể nhầm lẫn hoặc mơ hồ. 

"Tiếp cận được dữ liệu quá khứ giúp chúng tôi hiểu khi nào thì quá trình suy giảm bắt đầu và quá trình đó tương ứng với những thay đổi gì trong các mối đe dọa tiềm tàng với loài như môi trường sống bị phá hủy, biến đổi khí hậu, bị săn bắt thái quá, dịch bệnh hay sự xuất hiện của các loài xâm lấn", theo nhà nghiên cứu Trương Diêu Diêu của Viện Nghiên cứu sinh vật thủy sinh Trung Quốc.

Bối cảnh bài thơ và tư liệu lịch sử liên quan giúp các nhà nghiên cứu xác định địa điểm của mỗi tác giả khi làm thơ nhắc đến cá heo Trường Giang. 

Hầu hết nhà thơ trong danh sách đều có vị trí chính thức trong triều đình, gồm cả các vị hoàng đế như Càn Long (trị vì 1735-1796). Nhờ vậy, nhiều chi tiết về đời sống và hoạt động của họ được ghi chép tỉ mỉ, theo lời nhà động vật học Mai Chí Cương ở Học viện Khoa học Vũ Hán, một trong các tác giả nghiên cứu. 

Ví dụ, Càn Long đã làm bài thơ Du Tiêu sơn (Đi chơi núi Tiêu) với hai câu: "Đồn nhập tức phong ngân nguyệt trừng, long xuất thính giảng hắc vân khởi" (Cá bơi thổi gió ánh trăng bạc, rồng ra nghe pháp cuộn mây đen).

Ông Mai nói dù mô tả về loài cá này sớm nhất có thể đã xuất hiện trong cuốn Thuyết văn giải tự thời Đông Hán, nhưng các tài liệu chính thức hầu như không nhắc gì tới chúng. Những người tiếp xúc với cá heo chủ yếu là ngư dân, thường không biết chữ và khuất lấp trong lịch sử thành văn.

Thi ca khi đó trở thành lựa chọn thay thế. "Nhiều bài thơ cũng ghi lại thông tin về môi trường vào thời điểm đó, quy mô của các đàn cá heo và cả hành vi của chúng", Mai nói với trang essr.org.cn. 

Ví dụ, nhiều bài thơ đề cập đến hành vi "cá heo thổi sóng" hoặc "cá heo lạy gió". Như Hứa Hồn (thời Đường) viết trong bài Kim Lăng hoài cổ: "Thạch yến phất vân tình diệc vũ, giang đồn xuy lãng dạ hoàn phong" (Én đá chạm mây nắng vẫn mưa, cá heo thổi sóng đêm trở gió". 

Lương Hội (thời Minh) có hai câu trong bài Dữu lâu: "Thu kinh dã hạc hàn tầm mộng, lãng ủng giang đồn hạ bái phong" (Hạc thu giật mình tìm mộng lạnh, cá quẫy sóng ôm hơi gió khuya). Những bài thơ này miêu tả cảnh tượng cá heo Trường Giang nổi lên mặt nước để thở. 

Khi gió và sóng mạnh trên mặt nước, phần thân của cá heo nhô khỏi mặt nước sẽ lớn ra, khiến các thi nhân cổ đại tin rằng cá đang tỏ lòng tôn kính ("bái": lạy, "xuy": thổi) với gió và sóng. Đến thời hiện đại, ngư dân trên sông Trường Giang vẫn dùng hành vi của loài cá này để dự báo thời tiết: họ tin rằng nếu cá heo hoạt động nhiều thì thời tiết sắp tới sẽ xấu.

Kết hợp dữ liệu từ các bài thơ và khảo sát hiện trường, nghiên cứu rút ra kết luận là môi trường sống của cá heo Trường Giang đã bị thu hẹp tới 65% so với thời Đường, và mức suy giảm mạnh nhất là từ thời Thanh tới nay. 

Ở các chi lưu và hồ của sông Trường Giang thay vì dòng chính, mức suy giảm này lên tới 90%. Giáo sư Lưu nói hoạt động của con người là nguyên nhân chính, bao gồm xây đập thủy lợi, san lấp đất để phát triển khu dân cư và khai thác thủy sản quá mức.

Cá heo không vây là loại động vật có vú sống dưới nước duy nhất của sông Trường Giang. Theo các khảo sát trước đây, quần thể cá heo đầu những năm 1990 còn khoảng 3.600 con, nhưng năm 2013 chỉ còn 1.040 con. 

Nhờ các chính sách bảo tồn quyết liệt và lệnh cấm đánh bắt cá trong 10 năm ở sông Trường Giang, đến năm 2022, quần thể cá heo đã tăng lên lại thành 1.249 con, nhưng các nỗ lực bảo tồn vẫn phải tiếp tục, và các nhà thơ cổ đại đã góp phần vào đó.■

Rớt nước mắt voi con bị xe tải tông chết, voi mẹ hoảng loạn tìm cách cứu không chịu rời đi

CÔNG KHẢI 12/05/2025 14:16 GMT+7

Vào Ngày của Mẹ, một sự việc thương tâm xảy ra trên tuyến đường cao tốc Đông - Tây của Malaysia, khi voi mẹ đau đớn bên xác voi con bị xe tải tông chết.

Rớt nước mắt voi con bị xe tải tông chết, voi mẹ hoảng loạn tìm cách cứu không chịu rời đi - Ảnh 1.

Hình ảnh voi mẹ tìm cách cứu con dưới gầm xe tải khiến người xem rớt nước mắt - Ảnh: Chụp màn hình

Rạng sáng Ngày của Mẹ 11-5, một vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên tuyến cao tốc Đông - Tây ở bang Perak, Malaysia khi một con voi con bị xe tải chở gia súc tông chết. Vụ việc khiến dư luận xúc động sau khi đoạn video ghi lại cảnh voi mẹ đau buồn bên xác voi con được lan truyền trên mạng xã hội.

Theo báo The Star, vụ việc xảy ra vào 2h50 sáng 11-5 (giờ địa phương), voi con bị một xe tải tông trúng khi đang băng qua con đường thiếu ánh sáng.

Sau cú va chạm, voi con bị mắc kẹt dưới gầm xe và chết tại chỗ. Chỉ ít phút sau, voi mẹ lao  từ trong rừng ra trong trạng thái hoảng loạn, cố gắng đẩy chiếc xe tải như thể đang tìm cách cứu con.

Xúc động cảnh voi con bị xe tải tông chết, voi mẹ không chịu rời hiện trường

Trưởng đồn cảnh sát huyện Gerik, ông Zulkifli Mahmood, cho biết tài xế xe tải (28 tuổi) đã nhìn thấy một con voi lớn bên phải đường và nghĩ là an toàn để đi tiếp.

Tuy nhiên voi con bất ngờ lao ra từ bên trái khiến tài xế không kịp phanh và dẫn đến tai nạn. Tài xế không bị thương nhưng phần đầu chiếc xe đã bị voi mẹ kích động làm hư hại.

Những đoạn video do người dân và tài xế ghi lại cho thấy voi mẹ kiên quyết không rời khỏi hiện trường, đứng cạnh xác con trong trạng thái đau buồn rõ rệt, thậm chí còn dùng thân mình thúc vào xe tải để cứu con.

Cảnh tượng đầy xúc động khiến giao thông tê liệt hàng giờ liền khi người dân địa phương và các tài xế tụ tập lại, không kìm được nước mắt trước nỗi đau của voi mẹ. Nhiều người bày tỏ xót xa khi chứng kiến một con vật hoang dã lại thể hiện nỗi đau và tình mẫu tử rõ rệt đến như vậy, đặc biệt khi vụ việc xảy ra đúng vào Ngày của Mẹ.

Voi - Ảnh 2.

Voi mẹ đau đớn, nhất quyết không rời xác voi con sau vụ tai nạn - Ảnh: THE STAR

“Thật đau lòng khi voi mẹ chờ đợi con dậy mà không biết rằng nó sẽ không bao giờ tỉnh lại”, một người bình luận trên mạng xã hội.

Một người khác chia sẻ: “Cứ như thể voi mẹ vẫn hy vọng con mình còn sống… và chuyện này lại xảy ra đúng vào Ngày của Mẹ”.

Tuyến cao tốc Đông - Tây đi qua nhiều khu rừng ở phía bắc bán đảo Malaysia, vốn là khu vực thường xảy ra tai nạn liên quan đến động vật hoang dã. Các nhà bảo tồn từ lâu đã cảnh báo về việc môi trường sống bị thu hẹp khiến voi châu Á ngày càng tiếp xúc gần với con người.

Chính quyền địa phương khuyến cáo người dân chỉ nên đi tuyến đường này từ 11-16h khi voi ít di chuyển hơn. Một khu bảo tồn voi cũng đang được xây dựng gần tuyến đường nhằm giảm thiểu xung đột người và voi, dự kiến hoàn thành vào năm 2029.

Voi con bị xe tải đâm chết, voi mẹ đau đớn không chịu rời xác con - Ảnh 3.Đàn voi tạo vòng tròn bảo vệ voi con trong động đất 5,2 độ tại California

Khi mặt đất rung chuyển bởi trận động đất 5,2 độ ở bang California (Mỹ), một đàn voi tại Sở thú San Diego lập tức có hành động cảm động bảo vệ con non trong đàn.

2 hổ con Bình và Dương ở Thảo cầm viên tròn 2 tuổi: Vẫn ôm nhau ngủ, mê tắm mưa

CHÂU TUẤN 11/05/2025 15:50 GMT+7

Sáng 11-5, khu chuồng hổ Bengal tại Thảo cầm viên Sài Gòn rộn ràng với buổi sinh nhật độc lạ: Bình và Dương vừa tròn 2 tuổi.

2 hổ con Bình và Dương ở Thảo cầm viên tròn 2 tuổi: Vẫn ôm nhau ngủ, mê tắm mưa - Ảnh 1.

Hổ Bình (đứng sau đang "múa ba lê") và Dương tinh nghịch tại buổi sinh nhật ở Thảo cầm viên sáng 11-5 - Ảnh: CHÂU TUẤN

Công ty TNHH Thảo cầm viên Sài Gòn cho hay Bình và Dương không chỉ là những con hổ Bengal khỏe mạnh mà còn là hai "cậu nhóc" cực kỳ có cá tính.

Dương có bộ lông sậm, dáng đi cảnh giác và luôn chủ động "tuần tra" quanh chuồng. Còn Bình lại nổi bật với bộ lông vàng nhạt và tính cách hoạt bát, thân thiện.

Bình hay thích đứng bằng hai chân sau, xoay người, vung vẩy chân trước như đang... biểu diễn múa, đến nỗi các nhân viên ở đây đặt cho cậu biệt danh "diễn viên múa ba lê".

Cả hai đều rất mê nước, mê mưa. Trời càng đổ mưa to, hai anh em lại càng hưng phấn. Không chạy trốn, không trốn vào chuồng mà chạy vòng quanh sân chơi, vồ nước, nhảy vồ lên kính chắn như hai đứa trẻ vỡ òa khi được tắm mưa lần đầu.

Dù đang trong thời gian từ hổ con sang hổ trưởng thành, với cơ bắp phát triển, hành động bắt đầu hình thành bản năng mạnh mẽ, nhưng Bình và Dương vẫn tinh nghịch, háu ăn và gắn bó đặc biệt, có lúc ôm nhau ngủ.

Thảo cầm viên - Ảnh 2.

Hổ Tây, ông ngoại "hai đứa" Bình - Dương ở chuồng bên cạnh. Dịp này hổ Tây sẽ chuyển về "nghỉ hưu" ở huyện Củ Chi

Có mặt tại buổi tiệc sinh nhật này, "Tây" là hổ Bengal đực có mã số 6170 (ông ngoại của Bình và Dương). Không sinh ra ở Thảo cầm viên, mà Tây được cứu hộ từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương rồi chuyển đến đây.

Lúc mới về, sức khỏe Tây còn yếu vì thời gian sống trong điều kiện không lý tưởng. Nhưng nhờ chăm sóc kỹ lưỡng, Tây nhanh chóng phục hồi và trở thành một chú hổ mạnh mẽ, trầm tĩnh, kỷ luật.

Mỗi buổi chiều, Tây thích ngâm mình trong hồ nước. Và tuy không quá thân thiện với hàng xóm chuồng bên nhưng Tây lại đặc biệt dịu dàng với Bình và Dương, thường nằm ngay trước cửa chuồng của hai đứa, canh giấc ngủ cho chúng như một ông ngoại đầy bao dung.

Ông Nguyễn Văn Hùng, "ba nuôi" của hổ Tây và 2 chú hổ Bình - Dương, cho biết sau khi dự sinh nhật của Bình - Dương, Tây cũng chuẩn bị "về hưu", vì nay Tây đã 15 tuổi.

Tây sẽ được chuyến tới một khu chuồng mới đang được hoàn thiện không khác gì resort 5 sao, ở huyện Củ Chi. Ở đó yên tĩnh và mát mẻ hơn, có sân chơi riêng và bóng cây phủ khắp. Và Tây sẽ được tận hưởng tuổi già một cách xứng đáng.

Thảo cầm viên - Ảnh 3.

Các bạn nhỏ được gia đình dắt đến dự tiệc sinh nhật hổ Bình và Dương ở Thảo cầm viên

Thảo cầm viên - Ảnh 4.

Một số câu hỏi giao lưu của người tham quan, cùng quà tặng tại tiệc sinh nhật

Thảo cầm viên - Ảnh 5.

Bạn trẻ check-in với hình ảnh hai chú hổ Bình và Dương - Ảnh: CHÂU TUẤN

Thảo cầm viên - Ảnh 6.

Buổi tiệc có nhiều người đến dự từ sáng 11-5

Thảo cầm viên - Ảnh 7.

Hổ ông Tây ngồi lặng lẽ bên cạnh chuồng Bình - Dương

Thảo cầm viên - Ảnh 8.

Các phần quà là đồ ăn dành cho thú tại Thảo cầm viên liên tục được các nhân viên tặng cho du khách

Thảo cầm viên - Ảnh 9.
Thảo cầm viên - Ảnh 10.

Ngày 13-5-2023, Bình và Dương, được sinh ra tại Thảo cầm viên Sài Gòn đã mở đầu cuộc sống bằng một hành trình ngập tràn tình yêu thương. Được "cha nuôi" chăm sóc chu đáo, hai anh em lớn lên khỏe mạnh, gắn bó như hình với bóng, trở thành niềm tự hào của cả đội ngũ chăm sóc thú quý hiếm 

"Hổ cháu - hổ ông" ở Thảo cầm viên, thế hệ tiếp nối đầy tự hào

Bà Huỳnh Thu Thảo - chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thảo cầm viên Sài Gòn - cho biết buổi giao lưu đặc biệt mang tên "Hổ không chỉ gầm, Hổ còn truyền cảm hứng" sáng nay không chỉ là tiệc sinh nhật cho Bình và Dương, mà còn là lời chào trân trọng dành cho Tây - một chú hổ đặc biệt đã góp phần tạo nên những thế hệ tiếp nối đầy tự hào.

Trong thế giới tự nhiên ngày càng bị thu hẹp bởi đô thị hóa, việc bảo tồn và chăm sóc các loài thú quý hiếm như hổ Bengal ngay giữa lòng TP.HCM không chỉ là một thành tựu khoa học, mà còn là một câu chuyện truyền cảm hứng, về tình yêu động vật, về sự kiên nhẫn, và về những sợi dây gắn kết đầy bản năng giữa các thế hệ hổ.

Chúc mừng sinh nhật Bình, Dương! Và cảm ơn ông Tây - chú hổ già trầm mặc đã truyền cảm hứng theo cách riêng biệt nhất.

Sinh nhật 2 'cọp con' Bình Dương ở Thảo cầm viên: Vẫn ôm nhau ngủ, vẫn mê tắm mưa - Ảnh 12.Thảo cầm viên Sài Gòn mở tour tham quan ban đêm, có ảnh hưởng động vật không?

Ngoài tham quan, vui chơi tại Thảo cầm viên Sài Gòn vào ban ngày, người dân sắp được trải nghiệm tìm hiểu thế giới động vật hoang dã của những loài chuyên hoạt động về đêm.

Giải mã thành công gene loài sao la quý hiếm ở Việt Nam

MINH HẢI 09/05/2025 15:20 GMT+7

Một bước đột phá trong bảo tồn đã được ghi nhận khi các nhà khoa học lần đầu tiên giải mã thành công bộ gene của loài sao la. Đây là một trong những loài thú hiếm nhất thế giới, sống tại rừng núi Việt Nam và Lào.

sao la - Ảnh 1.

Sao la, còn được gọi là "kỳ lân châu Á", đã lần đầu được giải mã bộ gene, mở ra hy vọng bảo tồn - Ảnh: William Robichaud

Sao la (Pseudoryx nghetinhensis) là một loài thú móng guốc có họ hàng với bò và linh dương, từng được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1992 tại vùng rừng núi dọc biên giới Việt - Lào. 

Với hai chiếc sừng dài, thẳng, và khuôn mặt có các vệt trắng đặc trưng, loài thú này được coi là "kỳ lân châu Á". Chúng là loài vật bí ẩn và chưa từng được các nhà khoa học quan sát trực tiếp trong tự nhiên.

Bí ẩn về loài thú quý hiếm bậc nhất thế giới

Theo Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), sao la được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp. Số lượng loài hiện tại ước tính chỉ còn vài chục đến vài trăm con. Lần cuối cùng có hình ảnh xác thực của sao la là từ camera bẫy năm 2013 tại Lào, khiến nhiều người lo ngại chúng có thể đã tuyệt chủng.

Trong nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Cell, các nhà khoa học từ Đại học Copenhagene (Đan Mạch) cùng các cộng sự quốc tế đã tái tạo thành công bộ gene đầy đủ của loài sao la, sử dụng các mẫu da, lông và xương thu thập từ 26 con sao la.

Thông qua đó, nhóm nghiên cứu phát hiện sao la được chia thành hai quần thể di truyền rõ rệt: một ở phía bắc và một ở phía nam dãy Trường Sơn, có thể đã tách biệt từ 5.000 - 20.000 năm trước.

"Mỗi quần thể đã mất đi một phần khác nhau của mã di truyền. Nhưng nếu chúng ta kết hợp lại, chúng có thể bổ sung cho nhau, tăng cơ hội sống sót cho loài này", tiến sĩ geneís Garcia Erill, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.

Mặc dù đa dạng di truyền của loài này giảm đáng kể từ Kỷ Băng hà cuối cùng, chưa bao giờ vượt quá 5.000 con, thì việc tồn tại hai quần thể riêng biệt là cơ sở tốt để xây dựng một chương trình nhân giống hiệu quả.

Cơ hội nhân giống sao la trong điều kiện nuôi nhốt

sao la - Ảnh 2.

Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp sao la vào nhóm cực kỳ nguy cấp - Ảnh: IUCN

Hiện tại các chuyên gia bảo tồn đang xây dựng kế hoạch tìm kiếm và nhân giống sao la trong điều kiện nuôi nhốt. Mô phỏng di truyền cho thấy nếu tìm được ít nhất 12 con đại diện cho cả hai quần thể, việc xây dựng một quần thể mới có tính đa dạng di truyền cao là hoàn toàn khả thi.

"Chúng tôi tin rằng nếu tìm được đủ cá thể từ cả hai quần thể, loài sao la vẫn còn cơ hội tồn tại lâu dài", tiến sĩ Rasmus Heller, đồng trưởng nhóm nghiên cứu, chia sẻ.

Tuy nhiên thách thức lớn nhất là việc tìm thấy sao la ngoài tự nhiên, điều chưa ai làm được kể từ năm 2013. Nỗ lực trước đây, bao gồm phân tích ADN môi trường (eDNA) từ nước suối và thậm chí từ… máu trong đỉa rừng, đều không đem lại kết quả.

Nhưng với bộ gene hoàn chỉnh hiện nay, các nhà khoa học có thể phát triển các công cụ phát hiện ADN chính xác hơn, mở ra hy vọng xác định vị trí loài vật bí ẩn này.

"Giờ đây chúng tôi có một bản đồ toàn bộ bộ gene của sao la, giúp phát triển các kỹ thuật xét nghiệm tiên tiến hơn để truy tìm dấu vết di truyền trong môi trường", nhà nghiên cứu Lê Minh Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết.

Giải mã bộ gene là một bước tiến lớn, nhưng công cuộc bảo tồn loài "kỳ lân châu Á" vẫn còn gian nan. Tuy nhiên nghiên cứu này là minh chứng rõ ràng cho giá trị của khoa học trong việc cứu lấy các loài đang trên bờ vực tuyệt chủng, và một lần nữa đặt hy vọng vào khả năng kỳ diệu của thiên nhiên.

Giải mã thành công gene loài sao la quý hiếm ở Việt Nam - Ảnh 3.Giải cứu sao la khỏi tuyệt chủng, phát hiện nhiều loài quý hiếm khác

Sau 18 tháng đặt bẫy ảnh và phân tích mẫu DNA môi trường, dự án "Giải cứu sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng" ở rừng Trường Sơn chưa phát hiện sự xuất hiện của loài này, nhưng lại phát hiện 17 loài quý hiếm khác.

'Quái kiệt' hơn 60 năm chân trần giữ rừng quý

HOÀNG TÁO 09/05/2025 14:02 GMT+7

Ẩn mình giữa rừng già Trường Sơn, người đàn ông 66 tuổi với đôi chân trần rắn rỏi đã trải qua những năm tháng cuộc đời đầy thăng trầm gắn liền với núi rừng. Đôi chân chưa từng mang dép nhưng vẫn vượt gai rừng, đá nhọn bảo vệ rừng quý.

'Quái kiệt' hơn 60 năm chân trần giữ rừng quý - Ảnh 1.

Hằng tuần, ông Trụ vẫn gặp gỡ và trao đổi với kiểm lâm địa bàn về tình hình núi rừng - Ảnh: HOÀNG TÁO

Ông là Hồ Văn Trụ, 66 tuổi, ở thôn Cuôi, xã Hướng Lập, Hướng Hóa, Quảng Trị. Sinh ra và lớn lên ở vùng rừng núi phía tây bắc Quảng Trị đầy khó khăn, ông Trụ thấu hiểu từng con suối, vạt rừng nơi đây.

Chân trần bắt ong, tay không hái lộc rừng

Từ năm 20 tuổi, ông Trụ đã cùng dân bản vào rừng săn ong và nhanh chóng trở thành trụ cột trong mỗi chuyến đi. Với đôi chân trần dẻo dai, bám thoăn thoắt vào thân cây, ông đảm nhận việc trèo cao để tiếp cận tổ ong trên ngọn cây.

Những sợi mây rừng được họ bện lại, quấn quanh thân cây thành một vòng được gọi là "đày". Các vòng dây cách nhau khoảng 50cm theo suốt chiều dài của cây, tạo thành một chiếc thang dây.

Ông kể về những chuyến đi đầy may rủi: "Cây cao nhất đến hơn 50 đày, làm 5 - 7 ngày liền mới xong. Khi nào ông trời thương thì cho 3 - 5 chai mật, cũng có khi chỉ được 1 chén". Nhiều hay ít, ông đều chia đều cho mọi người, dù công việc của ông là nguy hiểm nhất.

Tôn trọng thiên nhiên, khi cắt mật, ông luôn để lại một phần để ong tái tạo đàn cho lần sau.

Khoảng 20 năm trước, dầu de - một loại tinh dầu quý chiết xuất từ cây de - có giá trị kinh tế. Các đầu nậu từ Quảng Bình tìm đến vùng rừng này khai thác. Với sức khỏe và kinh nghiệm đi rừng phong phú, ông Trụ được thuê gùi thực phẩm lên cho nhóm khai thác và gùi dầu de về đồng bằng. Mỗi chuyến đi kéo dài 2 - 3 ngày đến tận huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Ông gùi 32kg thực phẩm lên và 52kg dầu de về, với tiền công 6.000 đồng/kg.

Ban đầu thu nhập từ việc gùi dầu de giúp cuộc sống bớt khó khăn, đặc biệt khi 4 người con của ông cần nhiều chi phí. Tuy nhiên, chứng kiến cảnh rừng núi bị tàn phá nặng nề, những cây de quý hiếm bị chặt hạ ngày đêm để chiết xuất dầu, ông Trụ không khỏi xót xa. Những nồi chiết dầu trái phép luôn đỏ lửa trong rừng làm ông trăn trở.

Sau 2 năm làm công việc này, lương tâm thôi thúc ông phải dừng lại. Ông nhận ra không thể tiếp tay cho việc phá hoại "rừng thiêng" của cha ông để lại. Ông dứt khoát từ bỏ và vận động những thanh niên cùng đi gùi thuê nghỉ việc. Thiếu người dẫn đường thông thạo địa hình, các nhóm khai thác dần rút lui.

'Quái kiệt' hơn 60 năm chân trần giữ rừng quý - Ảnh 3.

Đôi chân nứt nẻ, chai sần của ông Trụ vì chưa từng một lần mang dép - Ảnh: HOÀNG TÁO

Giữ rừng để trả nghĩa

Những năm sau đó, ông Trụ vẫn gắn bó với rừng nhưng với một tình cảm khác - xem rừng như người mẹ nuôi sống và che chở. Năm 2014 - 2015, khi kiểm lâm huyện Hướng Hóa vào khu vực rừng Khe Cồ lập lán bảo vệ rừng, ông Trụ là người đầu tiên được tìm đến. Ông thông thuộc cánh rừng như lòng bàn tay, biết rõ từng con suối, vạt rừng quý giá. Dù khi ấy chưa có kinh phí hỗ trợ cho người bảo vệ rừng như ông, lực lượng kiểm lâm đã thuyết phục ông bằng tình yêu với rừng.

Ông Trụ tham gia cùng kiểm lâm tuần tra, dựng lán trại. Ông dẫn đường, chia sẻ kinh nghiệm về các loại cây, khu vực dễ bị khai thác trái phép. Ông còn đảm nhận việc giữ lán, nấu ăn cho đoàn công tác.

Anh Trần Anh Đức - bấy giờ là kiểm lâm viên Trạm kiểm lâm Hướng Lập, Hạt kiểm lâm Hướng Hóa - cho biết: "Nhờ kinh nghiệm của ông Trụ, công việc tuần tra của anh em thuận lợi hơn rất nhiều. Ông biết rõ khu vực, đường đi lối lại nên dẫn đường cho anh em tuần tra. Ông cũng đưa ra ý tưởng dựa trên vốn sống hòa quyện với rừng nên những khu vực có nguy cơ bị xâm hại cao nhất được tuần tra, bảo vệ đầu tiên".

Anh Đức cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ: "Điều đặc biệt là tôi chưa một lần thấy ông Trụ mang dép, dù lúc đi lấy mây giữa rừng nhiều gai nhọn, hay lội suối, đạp đá tai mèo. Đôi chân trần thoăn thoắt giữa rừng, nơi con người ông thuộc về".

Ông Trụ tâm sự: "Rừng là nơi tôi sinh ra, nuôi sống gia đình. Có những lúc tôi đã có những hành động không phải với rừng. Tôi bảo vệ rừng là để trả nghĩa với cánh rừng thiêng".

Hiện tại vợ và con ông đã chuyển ra khu tái định cư mới ở trung tâm xã, nhưng ông Trụ vẫn chọn ở lại căn nhà sàn cũ tại thôn Cuôi. "Đôi chân trần" ấy vẫn ngày ngày vượt sông Sê Băng Hiêng để đến với cánh rừng thiêng liêng, như một cột mốc sống kiên cường trụ lại gìn giữ màu xanh cho đại ngàn.

'Quái kiệt' hơn 60 năm chân trần giữ rừng quý - Ảnh 4.

Ông Trụ vẫn ở lại giữa rừng, hằng ngày ra sông Sê Băng Hiêng ngắm nhìn cánh rừng quý - Ảnh: HOÀNG TÁO

'Quái kiệt' hơn 60 năm chân trần giữ rừng quý - Ảnh 5.Lội bộ hàng trăm cây số, trèo đèo lội suối giữ rừng Chư Mom Ray

Nằm giáp giới giữa Việt Nam, Lào và Campuchia là Vườn quốc gia Chư Mom Ray (tỉnh Kon Tum) được xem là Vườn di sản ASEAN.

Rùa biển trong sách đỏ dính 'lưới ma', chi trước bị siết chặt may mắn được cứu

TRẦN MAI 05/05/2025 15:21 GMT+7

Con rùa biển bị dính 'lưới ma' trôi dạt trên biển được ngư dân Lý Sơn cứu. Thời điểm cứu, chú rùa xanh quý hiếm dính lưới bị thương, hai chi trước bị lưới siết chặt gây lõm thịt.

Rùa biển trong sách đỏ dính 'lưới ma', chi trước bị siết chặt may mắn được cứu - Ảnh 1.

Chú rùa biển xanh quý hiếm dính "lưới ma" may mắn được cứu - Ảnh: NGỌC DŨNG

Ngày 5-5, ông Huỳnh Ngọc Dũng - giám đốc Khu bảo tồn biển Lý Sơn, Quảng Ngãi - cho biết cá thể rùa biển mắc “lưới ma” bị thương đã được cứu, băng bó vết thương. Hiện được khu bảo tồn theo dõi sức khỏe.

Anh ngư dân tốt bụng, cứu chú rùa biển dính “lưới ma”

Khoảng 5h30 sáng 5-5, ngư dân Ngô Văn Minh (trú thôn Tây An Vĩnh, huyện Lý Sơn) sau khi kết thúc buổi đi biển trên đường chạy vào đảo bán cá, khi cách đảo Lý Sơn khoảng 1 hải lý về phía tây, ngư dân Minh phát hiện vật thể trôi nổi.

Cố nhìn, ngư dân Minh nghi ngờ điều bất thường khi vật thể liên tục động đậy đã cho tàu tiến đến và phát hiện một cá thể rùa biển đang bị “lưới ma” quấn chặt.

Người ngư dân tốt bụng đã vớt chú rùa lên tàu và dùng dao cắt tấm lưới đang quấn chặt cơ thể. Sau khi cứu chú rùa thoát khỏi tấm “lưới ma”, ngư dân Minh tính thả trở lại biển.

Nhưng nhìn hai chi trước bị lưới siết chặt lõm thịt, vết thương nặng, còn hai chi sau của chú rùa bị trầy xước vì vùng vẫy thoát khỏi tấm lưới, ngư dân Minh lập tức báo cho ban quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn để tiếp nhận, điều trị vết thương cho chú rùa.

Ông Huỳnh Ngọc Dũng - giám đốc ban quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn - nhìn vết thương nặng mà chú rùa xanh gặp phải đã dự đoán chú rùa này mắc lưới ít nhất 7 ngày.

Sau khi chữa trị vết thương, đơn vị bảo tồn cân trọng lượng chú rùa xanh nặng 12kg. Hiện ban quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn đang theo dõi sức khỏe, khi ổn sẽ thả về đại dương.

Rùa biển xanh (Chelonia mydas) khi trưởng thành có trọng lượng trung bình từ 68 - 190kg. Tuy nhiên một số cá thể lớn hơn có thể nặng tới 230kg. Chiều dài mai của rùa trưởng thành thường dao động từ 1 - 1,2m.

Đặc biệt cá thể rùa biển xanh lớn nhất từng được ghi nhận có chiều dài mai lên tới 1,53m và nặng khoảng 395kg.

Rùa biển xanh là loài rùa biển lớn thứ hai thế giới, chỉ sau rùa da (Dermochelys coriacea). Chúng thường sinh sống ở các vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới, bao gồm cả vùng biển Việt Nam.

Rùa biển trong sách đỏ dính 'lưới ma', chi trước bị siết chặt may mắn được cứu - Ảnh 3.

Hai chi trước của chú rùa biển xanh bị "lưới ma" siết chặt lõm thịt đã được cứu chữa vết thương - Ảnh: NGỌC DŨNG

Rùa biển xanh được bảo vệ thế nào?

Rùa biển xanh (Chelonia mydas) hiện đang được bảo vệ nghiêm ngặt ở cả cấp quốc gia và quốc tế do nguy cơ tuyệt chủng cao.

Tại Việt Nam, rùa biển xanh thuộc nhóm IB theo nghị định 84/2021 là loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, cấm hoàn toàn việc săn bắt, giết hại, nuôi nhốt, buôn bán, vận chuyển trái phép vì mục đích thương mại…

Người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính lên đến 1 tỉ đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự lên đến 7 năm tù nếu vi phạm nghiêm trọng.

Trên thế giới, theo công ước CITES, rùa biển xanh được liệt kê vào phụ lục I, nghiêm cấm mọi hoạt động buôn bán quốc tế vì mục đích thương mại.

Trong sách đỏ IUCN, rùa biển xanh được xếp vào nhóm nguy cấp (Endangered), có nguy cơ tuyệt chủng rất cao nếu không được bảo vệ hiệu quả.

Nhiều tổ chức quốc tế như WWF, IUCN, IAC… thực hiện các chương trình nghiên cứu, phục hồi quần thể và giáo dục bảo tồn.

Lưới ma là gì?

“Lưới ma” là thuật ngữ dùng để gọi những tấm lưới thải bị vứt xuống biển, không chỉ làm gia tăng rác thải mà còn là sát thủ hủy diệt sinh vật biển. “Lưới ma” gây ô nhiễm môi trường và đe dọa các sinh vật biển.

Trong một báo cáo của Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới, mỗi năm không dưới 640.000 tấn ngư cụ bị bỏ lại trong các đại dương, trở thành “lưới ma” gây ra cái chết của hàng ngàn sinh vật biển.

Rùa biển trong sách đỏ dính 'lưới ma', chi trước bị siết chặt may mắn được cứu - Ảnh 4.Rùa biển xuất hiện trở lại trên vịnh Nha Trang

Rùa biển xuất hiện tại vùng biển Hòn Mun (vịnh Nha Trang) cho thấy chất lượng môi trường biển khu vực này đang có chuyển biến tích cực.


Loài hổ có nguy cơ tuyệt chủng tái xuất hiện ở miền nam Thái Lan

TTXVN 05/05/2025 10:02 GMT+7

Truyền thông Thái Lan ngày 4-5 đưa tin các cơ quan quản lý động vật hoang dã của nước này đã phát hiện hổ Mã Lai, loài có nguy cơ tuyệt chủng, tại Công viên quốc gia Bang Lang ở tỉnh cực Nam Yala.

hổ - Ảnh 1.

Giống hổ hiếm Mã Lai xuất hiện tại miền nam Thái Lan - Ảnh: Bangkok Post

Hình ảnh về con hổ Mã Lai (Panthera tigris jacksoni) nêu trên được ghi lại bằng bẫy ảnh do các kiểm lâm viên lắp đặt tại Công viên quốc gia Bang Lang như một phần của chương trình giám sát động vật hoang dã dài hạn. 

Ông Chalerm Phoommai, giám đốc Văn phòng Bảo tồn động vật hoang dã, cho biết đây là lần thứ hai ghi nhận hình ảnh của hổ Mã Lai tại khu vực này, sau lần đầu năm 2023. Con hổ Mã Lai đầu tiên được nhìn thấy cách đây 2 năm có biệt danh "Bang Lang 01".

Hổ Mã Lai là phân loài chỉ được tìm thấy ở các khu rừng phía Nam của Thái Lan và trên bán đảo Malaysia. 

Chúng khác với loài hổ Đông Dương (Panthera tigris corbetti) thường được biết đến nhiều hơn, sinh sống ở các vùng rừng miền Trung và miền Tây của Thái Lan như khu phức hợp rừng Kaeng Krachan, khu bảo tồn động vật hoang dã Huai Kha Khaeng và Công viên quốc gia Khao Yai.

Ông Chalerm nhấn mạnh phát hiện trên làm nổi bật sự phong phú về sinh thái của Công viên quốc gia Bang Lang và khu bảo tồn động vật hoang dã Hala Bala ở Yala, vốn là các hành lang môi trường sống quan trọng nối liền các khu rừng được bảo vệ qua biên giới Thái Lan - Malaysia.

Việc phát hiện loài hổ hiếm nói trên là kết quả của dự án Tuần tra thông minh đang được tiến hành, kết hợp giữa tuần tra kiểm lâm với thu thập dữ liệu chất lượng để theo dõi các mối đe dọa và hỗ trợ bảo vệ hệ sinh thái. 

Ngoài chụp được ảnh hổ Mã Lai, bẫy ảnh của các kiểm lâm viên cũng đã ghi lại được hình ảnh của một số loài động vật quý hiếm khác như voi, bò tót và lợn vòi.

Các viên chức Văn phòng Bảo tồn động vật hoang dã và Văn phòng Bảo tồn rừng số 6 (chi nhánh Pattani) đang tiếp tục theo dõi quần thể hổ Mã Lai và sử dụng dữ liệu để định hình các chiến lược bảo tồn dài hạn, với sự hợp tác của các đối tác quốc gia và khu vực.

Loài hổ có nguy cơ tuyệt chủng tái xuất hiện ở miền nam Thái Lan - Ảnh 3.Người Malaysia đi bộ 235km để kêu gọi bảo vệ loài hổ Mã Lai sắp tuyệt chủng

TTO - Cô Sharifah Sofia Syed Hussein (36 tuổi) và bạn đồng hành Rafizah Mat Zin (46 tuổi) đi bộ hơn 235km từ Vườn quốc gia Taman Negara (bang Pahang) đến khu phức hợp tòa án ở Kuala Lumpur, Malaysia trong chuyến hành trình có tên "Đi vì hổ".

Xót xa voi con lọt giếng chết ở khu bảo tồn Đồng Nai, voi mẹ đạp đất tìm cách cứu con

HÀ MI 04/05/2025 13:51 GMT+7

Voi con đi theo voi mẹ kiếm ăn ở Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, không may bị lọt giếng chết.

Xót xa voi con lọt giếng chết ở khu bảo tồn Đồng Nai, voi mẹ đạp đất tìm cách cứu con - Ảnh 1.

Voi rừng ở Đồng Nai vẫn di chuyển vào rẫy, khu dân cư để kiếm ăn. Nhiều năm trước, voi rừng bị chết vẫn xảy ra ở Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai - Ảnh: Cắt từ clip

Trưa 4-5, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho hay các cơ quan chức năng vừa phát hiện con voi con bị chết ở Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.

Bước đầu cơ quan chức năng xác định sáng cùng ngày có một đàn voi rừng sáu con xuất hiện tại lô 17 khoảnh 5, tiểu khu 160 (thuộc ấp 3, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) là đất giao khoán của người dân do khu bảo tồn quản lý.

Người dân báo cho kiểm lâm có một voi con bị lọt xuống giếng. Kiểm lâm có mặt ở hiện trường để tổ chức cứu hộ nhưng khó tiếp cận khu vực voi rơi xuống giếng. 

Lý do sau khi voi con rơi xuống giếng, voi mẹ cùng bốn con voi lớn khác vẫn đi lại quanh khu vực giếng, đạp đất xuống giếng để tìm cách cứu voi con.

Sau nhiều giờ, đàn voi mẹ đi khỏi hiện trường, tổ cứu hộ mới tiếp cận được khu vực giếng thì voi con đã chết.

Bước đầu cơ quan chức năng xác định giếng nước có voi con bị rơi xuống là giếng nhỏ rộng gần 2m, sâu 3,5m. Voi con vẫn nằm dưới giếng với hiện trường đất đổ xuống, được nhận định do đàn voi mẹ đạp đất để cứu voi con.

Hiện các cơ quan chức năng tổ chức khám nghiệm hiện trường nhằm xác định nguyên nhân, trọng lượng, kích thước và giới tính voi con.

Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai xác định voi con bị chết là động vật thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Đồng thời đề xuất tỉnh Đồng Nai giữ lại xác voi con để làm tiêu bản.

Phát hiện một voi con ở Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai bị chết do lọt giếng - Ảnh 2.Cả đàn voi rừng béo tốt ra bìa rừng kiếm ăn ở Đồng Nai

Đàn voi rừng khoảng 10 - 12 con ra bìa rừng kiếm ăn được người dân quay clip lại nhận được sự quan tâm của nhiều người.

Lạ lùng nuôi cheo cheo quý hiếm dễ như nuôi heo

TẤN LỰC 04/05/2025 05:45 GMT+7

Cheo cheo, loài thú rừng quý hiếm đang được một hộ dân tỉnh Kon Tum nhân nuôi sinh sản thành đàn, mở ra cơ hội duy trì và nhân rộng nguồn gene quý.

cheo cheo - Ảnh 1.

Chị Lan và một con cheo cheo sắp sinh con

Không chỉ giúp bảo tồn loài thú đặc biệt này, mô hình nuôi cheo cheo đang hái ra tiền bởi thị trường có nhu cầu rất cao, không đáp ứng đủ.

Loài thú nhỏ xíu vừa giống hươu vừa giống chuột

Trang trại nhỏ chừng 300m2 nằm nép mình bên lô cao su cạnh quốc lộ 14 qua phường Ngô Mây, TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) ẩn chứa một bí mật thú vị.

Bên trong bức tường gạch xây cao và tấm cửa sắt quây kín, 20 chiếc chuồng gạch nhỏ là nơi sinh sống hàng chục con cheo cheo nhỏ xíu. Loài thú rừng quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam đang có nhiều hy vọng vào tương lai dù số lượng ngoài tự nhiên liên tục sụt giảm từng năm.

Nhác thấy bóng người, những chú cheo cheo nhỏ dễ thương như con mèo mở to đôi mắt cảnh giác rồi bẽn lẽn nép mình vào "ngôi nhà" được dựng bằng hai tấm gạch men.

Loài này thật khác lạ bởi dù là thú móng guốc như hươu nai nhưng kích thước rất nhỏ, mỗi con trưởng thành chỉ dài khoảng 20 - 30cm và cân nặng loanh quanh 2kg. Do trọng lượng nhỏ, bốn chân cheo cheo trông như que sậy, khá dễ tổn thương.

Bởi vóc dáng nhỏ bé, cheo cheo trông rất ngộ nghĩnh, nhìn vừa giống hươu vừa giống chuột và đang nắm giữ danh hiệu là loài thú móng guốc nhỏ nhất thế giới. Từng là loài thú sinh sống phổ biến trong các khu rừng từ Bắc tới Nam, cheo cheo ngày càng hiếm dần bởi bị săn bắt quá mức và môi trường sống thu hẹp.

Quét dọn chuồng trại xong xuôi, bà chủ trang trại Lê Thị Lan (38 tuổi) thả vào mỗi chuồng một nắm rau lang cho bầy cheo cheo thư thả nhấm nháp.

Người phụ nữ ôm một con cheo cheo lên ngang ngực, vạch bụng ra xem rồi khoe rằng con cái này sắp đẻ lứa mới.

Khách tham quan khen bà chủ khéo tay, nuôi thú rừng quý hiếm mà nhàn hơn nuôi heo, chị Lan nhẹ nhàng bảo: "Nhìn vậy nhưng không phải vậy đâu mấy chú! Để xây dựng được mô hình chăn nuôi thành công như hôm nay, tôi đã mất hơn 5 năm mày mò và nhiều lần trả giá bằng những bài học kinh nghiệm hàng trăm triệu đồng khi cheo cheo chết".

Người phụ nữ mặt hoa da phấn nhưng có đam mê khá đặc biệt với các loại thú rừng. Trước khi nuôi cheo cheo, chị từng thử sức với việc nuôi chồn, nuôi dúi.

Nhưng sớm nhận ra những loài vật này đang được nhiều người nuôi, thị trường sớm muộn cũng bão hòa, chị nhanh trí nghĩ tới nghề nuôi độc đáo là con cheo cheo.

Chị Lan bảo cheo cheo có nhiều đặc tính để giữ được giá trị ổn định qua thời gian. Đó là không như một số loài có thể đẻ vài con non mỗi lứa, giống cheo cheo sinh đẻ mỗi lứa chỉ một con, họa hoằn lắm mới có lứa đẻ hai con.

Chính đặc tính này khiến nuôi cheo cheo khó phát triển nhanh bầy đàn. Nguồn cung ra thị trường vì vậy sẽ được giới hạn, đảm bảo duy trì giá tốt.

cheo cheo - Ảnh 2.

Đàn cheo cheo quý hiếm được chị Lê Thị Lan nuôi nhiều như heo con ở Kon Tum - Ảnh: TẤN LỰC

Cheo cheo giống 10 triệu đồng/cặp, nuôi không đủ bán

Trong 5 năm mày mò tìm hướng nuôi, chị Lan đã vô số lần thất bại khi cheo cheo không hợp môi trường, dịch bệnh hoặc cắn xé lẫn nhau chết dần, thiệt hại cả trăm triệu đồng. Nhưng từ những kinh nghiệm quý giá đó, chị đã hiểu được tập tính sinh sống của loài vật đặc biệt này.

"Con cheo cheo đực có tập tính lãnh thổ rất cao, nếu thả chung nhiều con đực vào cùng chuồng con cái sẽ dẫn tới tranh giành và cắn nhau đến chết.

Ngoài ra, giống này có tập tính bầy đàn, không thể thả những con khác bầy vào sống cùng nhau vì sẽ xảy ra đánh nhau. Giống cheo cheo ít bệnh nhưng hay gặp tình trạng tiêu chảy, viêm da, nếu không phát hiện chữa trị kịp thời cũng rất dễ chết", chị Lan nói.

Theo chị, con cheo cheo trọng lượng khá nhỏ nên ăn uống rất ít, nuôi không tốn mấy. Tiền thức ăn cho mỗi con một ngày tính ra chỉ khoảng 2.000 đồng, bao gồm cám viên, rau xanh.

Là loài mới được nhân nuôi, chị Lan cho biết nhu cầu thị trường rất lớn. Do tổng đàn còn hạn chế, chị ưu tiên nuôi sinh sản để nhân rộng, rất ít khi bán ra bên ngoài. Thỉnh thoảng mới bán vài cặp làm giống cho những hộ có nhu cầu tìm hiểu để nuôi. Chỉ những con cheo cheo gặp khuyết tật, không đảm bảo điều kiện nhân giống mới bán vào các nhà hàng.

Chị Lan bảo dù giá bán giống lên tới 10 triệu đồng/cặp bố mẹ nhưng vẫn có rất nhiều người liên hệ muốn nhập giống. Với cheo cheo thịt, mỗi ký được bán với giá 1,2 - 1,5 triệu đồng, giá rất cao so với các loại vật nuôi khác.

Để được đàng hoàng nuôi cheo cheo, chị đã xin giấy phép chăn nuôi động vật rừng nguy cấp, quý hiếm từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum. Cùng với đó, lập sổ theo dõi biến động tổng đàn để phục vụ báo cáo cơ quan chức năng khi đến kiểm tra, giám sát.

Chủ trang trại cho hay đang hướng tới mục tiêu nhân nuôi 100 cặp bố mẹ để mở rộng quy mô đàn.

Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, chủ tịch Hội Nông dân phường Ngô Mây, cho hay đây là mô hình chăn nuôi độc đáo trong phường và cả trong tỉnh vì ngoài chị Lan chưa thấy nơi nào nuôi cheo cheo. Nghề nuôi cheo cheo mang lại giá trị kinh tế rất cao, lại góp phần bảo vệ và nhân rộng nguồn gene quý hiếm.

Theo chị Tuyền, chủ trang trại là người phụ nữ khá đặc biệt khi có sự đam mê với các loài động vật rừng. Việc bỏ thời gian nhiều năm để tìm tòi, học cách nuôi cheo cheo của chị Lan không phải ai cũng làm được nếu không đủ sự đam mê.

Đây là mô hình kiểu mẫu thành công mà hội nông dân phường rất tự hào giới thiệu cho các nơi tham quan, tìm hiểu.

cheo cheo - Ảnh 3.

Cheo cheo, loài thú móng guốc nhỏ bé, dễ thương

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho hay cơ sở nuôi cheo cheo của chị Lan đã được cấp mã số cơ sở nuôi.

Việc nuôi thành công loài cheo cheo tạo ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế của người dân, được khuyến khích nhân rộng. Việc phát triển mô hình nuôi động vật hoang dã như cheo cheo góp phần giảm tình trạng săn bắt trái phép trong môi trường tự nhiên.

Qua đó đóng góp vào công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã trong tự nhiên trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Tại địa phương này, qua khảo sát ghi nhận loài cheo cheo có tồn tại ở các khu rừng các huyện Đăk Tô, Ia H'Drai, Kon Plông, Đăk Hà và Sa Thầy.

Cheo cheo rừng đang suy giảm trong tự nhiên

Ông Đào Xuân Thủy, giám đốc Vườn quốc gia Chư Mom Ray (Kon Tum), cho hay cheo cheo là loài được xếp vào danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ.

Trước đây, cheo cheo xuất hiện phổ biến tại nhiều vùng rừng núi của Việt Nam, có phạm vi phân bố rộng từ Bắc tới Nam. Nhưng nhiều năm gần đây loài này đã khó bắt gặp hơn trong tự nhiên do suy giảm số lượng bởi nguyên nhân bị bẫy bắt nhiều.

Theo ông Thủy, do đặc tính hiền lành, chậm chạp, cheo cheo dễ trở thành nạn nhân của người săn bắt thú rừng.

"Trong nghiên cứu đa dạng sinh học, cheo cheo được coi như vật chỉ thị tính đa dạng của vùng rừng. Nơi nào còn nhiều cheo cheo chứng tỏ vùng rừng đó còn đa dạng giống loài khác, ngược lại những nơi không thấy cheo cheo cũng có thể hiểu rằng vùng rừng đang suy kiệt", ông Thủy nói.

Lạ lùng nuôi cheo cheo quý hiếm dễ như heo - Ảnh 7.Loài mới đặc hữu cực kỳ nguy cấp tại núi đá vôi Quảng Trị

Các nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia vừa công bố một loài mới đặc hữu, cũng là một chi thực vật mới, ở núi đá vôi tỉnh Quảng Trị.

Đàn cò nhạn quý hiếm bay về Gia Lai, địa phương kêu gọi bảo vệ

TẤN LỰC 21/04/2025 18:00 GMT+7

Một đàn cò nhạn (cò ốc) hàng trăm con có tên trong Sách đỏ Việt Nam bất ngờ bay về cư trú trên cánh đồng xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa (Gia Lai), thu hút sự chú ý của dư luận những ngày qua.

Đàn cò nhạn quý hiếm bay về Gia Lai, địa phương kêu gọi bảo vệ - Ảnh 1.

Cận cảnh loài cò nhạn (cò ốc) đang bay về cánh đồng xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa (Gia Lai) - Ảnh: H.T.

Ngày 21-4, ông Võ Tấn Công - bí thư Đảng ủy xã Ia Mrơn (huyện Ia Pa, Gia Lai) - đã ký công văn gửi UBND xã và các ngành, đoàn thể địa phương đề nghị bảo vệ đàn cò nhạn quý hiếm đang di cư về địa phương.

Trước đó theo phản ánh của người dân và ghi nhận thực tế, chính quyền xã Ia Mrơn phát hiện đàn cò ốc (còn gọi cò nhạn) hàng trăm con đang di cư về cánh đồng trên địa bàn xã.

Đây là loài quý hiếm, có tên trong Sách đỏ Việt Nam.

Trước tình hình trên, Đảng ủy xã Ia Mrơn đề nghị UBND xã và các ngành, đoàn thể xã, các chi bộ trực thuộc triển khai lực lượng tuần tra, bảo vệ đàn cò.

Thông báo cho người dân cấm săn bắt động vật quý hiếm, tránh hành vi vi phạm pháp luật.

Đồng thời giao Mặt trận, đoàn thể xã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ đàn cò; tuyên truyền các chính sách pháp luật về bảo vệ động vật quý hiếm có trong sách đỏ.

Đảng ủy xã Ia Mrơn yêu cầu các chi bộ trực thuộc quán triệt đảng viên chấp hành nghiêm chính sách pháp luật về bảo vệ động vật quý hiếm có trong sách đỏ.

Tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt việc bảo vệ động vật quý hiếm. Không săn bắt dưới mọi hình thức và việc săn bắt vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hình sự.

Đàn cò nhạn quý hiếm bay về Gia Lai, địa phương kêu gọi bảo vệ - Ảnh 2.

Đàn cò nhạn hàng trăm con bay trên bầu trời huyện Ia Pa, Gia Lai - Ảnh: H.T.

Cò nhạn hay cò ốc (danh pháp khoa học: Anastomus oscitans) là một loài chim thuộc họ hạc. Cò nhạn thường sống ở các nước trên khu vực Nam Á và Đông Nam Á.

Tại Việt Nam, loài cò nhạn chỉ xuất hiện ở một vài nơi như miền Tây Nam Bộ và Tây Ninh với số lượng không nhiều. Cò nhạn thường gặp ở Cà Mau (Cái Nước, Đầm Dơi và rừng tràm U Minh).

Tại miền Bắc, cò nhạn xuất hiện tại vùng cửa biển Hải Phòng. Loài này sống ở các sinh cảnh khác nhau của các vùng đất ngập nước ngọt như là hồ ao, kênh mương, sông, bãi bùn ngập nước, ruộng lúa...

Thức ăn chủ yếu là các loại ốc, các động vật thủy sinh như ếch, nhái, cua và côn trùng lớn. Mỗi con trưởng thành có trọng lượng 1 - 1,2kg.

Đàn cò nhạn quý hiếm bay về Gia Lai, chính quyền địa phương kêu gọi bảo vệ - Ảnh 5.Huế lên kế hoạch bảo vệ đàn cò nhạn quý hiếm

Gần 100 con cò nhạn quý hiếm được phát hiện ở TP Huế. Kiểm lâm địa phương này đã lập tức lên kế hoạch bảo vệ.

Bạn đang đọc trong chuyên đề "BẢO TỒN ĐỘNG, THỰC VẬT"