Biến động giá thịt heo: đi tìm lời giải

Tuổi Trẻ Cuối Tuần

Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam phải nhập khẩu heo sống về để giết thịt nhằm tăng nguồn cung trong nước. Những biến động lớn và đột ngột với giá thịt heo trong thời gian qua chỉ có thể tìm được lời giải thích qua một cái nhìn đa lắng kính, có tính tới những lực cung và cầu không chỉ nội địa, mà cả quốc tế, cụ thể là láng giềng 1,4 tỉ dân Trung Quốc. Dịch bệnh ở đàn heo và tâm lý tiêu dùng chỉ ưa thịt nóng cũng đã góp phần không nhỏ gây cản trở cho những nỗ lực ổn định thị trường của nhà nướ

Chưa tính tăng nhập khẩu heo để ngăn tăng giá

CHÍ TUỆ 23/07/2022 09:44 GMT+7

TTO - Phó thủ tướng đã có chỉ đạo thực hiện ngay các biện pháp bình ổn giá thịt heo. Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Chăn nuôi cho hay đang tăng tái đàn nhưng chưa tính giải pháp tăng nhập khẩu thịt heo.

Chưa tính tăng nhập khẩu heo để ngăn tăng giá - Ảnh 1.

Giá thịt heo tại TP.HCM tăng cao những ngày gần đây - Ảnh: N.TRÍ

Trước diễn biến giá thịt heo và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng tăng cao, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã có văn bản yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tình hình xuất khẩu thịt heo qua biên giới, quyết liệt thực hiện các giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý...

Bộ NN&PTNT được giao chủ trì chỉ đạo khẩn trương tái đàn theo hướng bền vững, bảo đảm tổng đàn heo cả nước đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Phó thủ tướng cũng yêu cầu làm rõ những bất cập, hạn chế, đề xuất giải pháp khắc phục đảm bảo giảm thiểu các khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Dương Tất Thắng - cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) - cho rằng trong 2 ngày gần đây, giá heo hơi đang có xu hướng chững lại và giảm nhẹ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Hiện giá heo hơi trên cả nước bình quân ở mức 70.000 đồng/kg.

Về lý do tăng giá, ông Thắng cho rằng từ cuối năm 2021 đến nay giá đầu vào chăn nuôi tăng rất cao. Bộ NN&PTNT vẫn chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp tập trung sản xuất, duy trì tổng đàn khoảng 27 - 28 triệu con heo để đảm bảo nguồn cung trong nước. 

Tuy nhiên giá heo trong nước có hiện tượng tăng nóng thời gian qua là do cuối năm 2021 và thời gian đầu năm 2022, giá heo hơi xuống thấp, trong khi giá đầu vào tăng cao nên người chăn nuôi thua lỗ. Điều này khiến nhiều người dân chỉ chăn nuôi cầm chừng hoặc không tái đàn khiến nguồn cung heo thời điểm này "sụt giảm một chút", giá heo hơi bắt đầu tăng.

Sau khi nhận ra việc này, Bộ NN&PTNT và Cục Chăn nuôi đã chủ động tham mưu cho các địa phương tập trung, khuyến khích tái đàn.

Với mức giá hiện nay, theo ông Thắng, người chăn nuôi bắt đầu có lãi, thúc đẩy họ tăng đàn, tái đàn. 

Theo ông, giá heo các nước xung quanh đang ngang hoặc hơn giá heo trong nước, như Thái Lan đang ở mức 72.000 - 75.000 đồng/kg, còn giá heo trong nước nhìn chung ở cung độ an toàn nên chưa cân nhắc đến việc tăng nhập khẩu heo để ngăn đà tăng giá.

Về giá heo trong thời gian tới, ông Thắng cho rằng có thể giá heo tăng đột biến ở chừng mực nào đó vì nguồn cung heo trong nước vẫn đảm bảo. Để đảm bảo nguồn cung thực phẩm từ nay đến cuối năm, Cục Chăn nuôi cho hay đang tăng cường chỉ đạo điều hành sản xuất chăn nuôi.

Phó thủ tướng yêu cầu thực hiện ngay các biện pháp bình ổn giá thịt heo Phó thủ tướng yêu cầu thực hiện ngay các biện pháp bình ổn giá thịt heo

TTO - Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và các địa phương thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt heo và bình ổn giá.

Con heo và nỗi dè dặt tái đàn của nông dân

A LỘC - TRẦN MẠNH 08/06/2020 23:06 GMT+7

TTCT - Việc tái đàn heo trong nước sau dịch tả heo châu Phi (ASF) được xem là cốt lõi, giúp hạ nhiệt giá heo trong nước, nhưng người chăn nuôi và các địa phương vẫn dè đặt.

Một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hiếm hoi tại huyện Thống Nhất, Đồng Nai giữ được đàn heo sau đợt dịch tả heo châu Phi. Ảnh: A LỘC
Một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hiếm hoi tại huyện Thống Nhất, Đồng Nai giữ được đàn heo sau đợt dịch tả heo châu Phi. Ảnh: A LỘC

Bộ NN&PTNT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tập trung kiểm soát dịch tả heo châu Phi tái bùng phát, lây lan diện rộng. Theo bộ, từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh dịch tả heo châu Phi đã tái phát tại 155 xã của 20 tỉnh, thành buộc tiêu hủy gần 4.000 con heo.

Chỉ tái đàn ở các trang trại lớn

“Nuôi heo giờ trở nên quá rủi ro. Ai có heo bán thì nhanh giàu, nhưng nuôi con heo đến 100kg giờ không khác nào đánh bạc” - ông Trần Quang Trung, nông dân có thâm niên trên 20 năm nuôi heo ở Đồng Nai, cho biết. 

Bài toán của ông Trung rất rõ: nếu mua heo con bên ngoài, một con heo 8kg giờ đã có giá 3,4 triệu đồng, bằng giá con heo 100kg trước khi dịch bệnh, chuyện như không thể mà lại đang xảy ra.

Trong đợt dịch vừa qua, Đồng Nai đã tiêu hủy khoảng 450.000 con heo, chi gần 670 tỉ đồng hỗ trợ người dân bị thiệt hại. Cuối tháng 3, tỉnh này công bố hết dịch ASF và chưa ghi nhận trường hợp nào tái phát. Đến nay, đã có trên 300 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tái đàn, tăng đàn heo.

Nhưng ông Huỳnh Thành Vinh - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai - lo lắng nguy cơ tái phát dịch rất lớn do hiện vẫn chưa có vắcxin phòng dịch. Do đó, việc tái đàn cần thận trọng.

Theo kế hoạch, Đồng Nai sẽ tăng đàn heo lên 2,5 triệu con. Tuy nhiên theo ông Vinh, quan điểm của tỉnh là không cho tái đàn trong khu dân cư, chỉ những trang trại đảm bảo tốt vấn đề an toàn sinh học mới cho tái đàn. Cơ sở chăn nuôi muốn tái đàn phải đăng ký với cơ quan chức năng để kiểm tra, kiểm soát.

Khan hiếm heo giống

Sau đợt dịch ASF kéo dài trong năm 2019, đàn heo nái và heo hậu bị của các hộ chăn nuôi trên địa bàn Đồng Nai hầu như không còn, chỉ các trang trại lớn, các doanh nghiệp nước ngoài giữ được đàn nái. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, trang trại này thường phân bổ con giống trong các chuỗi của mình, ít “chia sẻ” đến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Do đó, heo giống cũng khan hiếm, giá bán bị đẩy lên rất cao. Nhiều hộ chăn nuôi dù muốn tái đàn, tăng đàn nhưng không thể mua được con giống. “Bầy heo vừa rồi tôi phải đặt cọc từ nhiều tháng trước, chấp nhận chi 100.000 đồng/con cho trung gian mới mua được heo nuôi. Tôi đang đặt cọc thêm một bầy heo giống mới, nhưng phải sau tháng 9 mới có hàng”, ông Cường - chủ trại chăn nuôi tại xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) - cho biết.

Dịch ASF tràn qua, đàn heo hàng trăm con của gia đình ông Sín A Minh - hộ chăn nuôi heo tại xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) - chỉ còn khoảng 10 con. Dù rất muốn tăng đàn nhưng ông Minh không thể mua được heo giống, phải tính toán để lại vài con heo đẹp làm nái nhằm chủ động được nguồn con giống.

Ông Cường cũng cho biết hiện một con heo con từ 6-10kg giá 3,3 triệu đồng, từ 23-25kg giá khoảng 3,8 triệu đồng/con. Cộng thêm các chi phí thức ăn, thuốc, công chăm sóc, hao hụt... giá thành một con heo khi xuất chuồng khoảng 6,6 triệu đồng. Theo ông Cường, với mức giá bán hiện nay, người chăn nuôi lãi 2-3 triệu đồng/con heo thịt. Do đó, nhu cầu tái đàn, tăng đàn rất cao.

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, vì thế, vẫn cho rằng các biện pháp hành chính như ép doanh nghiệp giảm giá bán heo hơi hay cho nhập khẩu heo sống là không hợp lý, chỉ làm giảm tốc độ tái đàn heo trong nước. Phát triển chăn nuôi trong nước và giải quyết vấn đề con giống mới là biện pháp bền vững nhất giúp giảm giá thịt heo và ổn định thị trường trị giá 10 tỉ USD này. ■

Thị trường thịt heo: Dễ đẩy giá lên, khó kéo giá xuống ?

TRẦN MẠNH - A LỘC 07/06/2020 23:06 GMT+7

TTCT - Lần đầu tiên trong lịch sử, VN cho nhập khẩu heo sống về để giết thịt nhằm tăng nguồn cung trong nước, qua đó bình ổn thị trường và kéo giá heo trong nước xuống.

 

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đây chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài vẫn phải tăng nguồn cung thịt heo trong nước về bằng trước khi có dịch bệnh thì mới có thể đưa giá heo về mức ổn định lâu dài.

Ai mới thực sự chi phối ?

Ông Huỳnh Thành Vinh, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai - một trong những địa phương có đàn heo lớn nhất nước, cho biết toàn tỉnh hiện có khoảng 2,1 triệu con heo. Trong đó, chăn nuôi trang trại chiếm hơn 90% (50-60% trong số này của doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài), chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm gần 10% tổng đàn với khoảng 6.150 hộ chăn nuôi.

Còn theo Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai, tổng đàn heo của các DN, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn là khoảng 1,1 triệu con. Trong đó, tổng đàn của 8 DN có vốn đầu tư nước ngoài là 1,03 triệu con (chiếm 94%), tổng đàn của 9 DN trong nước và HTX là 65.000 con (chiếm 4%).

Đứng đầu DN FDI về số lượng là Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam với tổng đàn trên 550.000 con, tiếp đến là Công ty TNHH CJ Vina Agri với tổng đàn trên 180.000 con. Sáu DN còn lại gồm Japfa, Velmar, Sunjin, Cargill, Làng Sen và Menon có số lượng từ 15.000 - 100.000 con.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Nông súc sản Đồng Nai đứng đầu DN trong nước và HTX, với tổng đàn khoảng 30.000 con. Các DN, HTX còn lại chỉ có từ 150 - 10.000 con.

Mỗi ngày, các trang trại, cơ sở chăn nuôi heo trên địa bàn cung ứng khoảng 8.500 - 9.000 con heo thịt ra thị trường. Trong đó, có khoảng 6.000 con heo thịt làm giấy kiểm dịch xuất đi thịt trường TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Còn khoảng 2.500 - 3.000 con được giết mổ tại địa phương, sau đó phân phối thịt heo cho thị trường trong và ngoài tỉnh tiêu thụ.

Dù vậy, ông Phạm Nhất Huy - giám đốc HTX dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) - nhận định khả năng tham gia điều tiết giá của các DN tại Đồng Nai không lớn. Ông Huy phân tích: hiện Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam có tổng đàn lớn nhất toàn tỉnh, trường hợp DN này ngưng xuất ra thị trường, nguồn cung thiếu hụt sẽ đẩy giá heo lên cao.

Ngay cả khi DN này tăng xuất, giá heo cũng chỉ có thể giảm nhẹ. “Họ thường xuất bán heo hơi trọng lượng 120kg/con. Khi muốn tăng xuất, họ sẽ bán heo 110kg/con, dần xuống 100kg/con và 90kg/con. Ba đợt ra thị trường như vậy cũng chỉ kéo giảm giá heo hơi xuống tối đa 5.000 - 6.000 đồng/kg. Nhưng chỉ cần công ty này ngừng cung 3-4 ngày, giá heo lập tức vượt giá ban đầu.

Cũng theo ông Huy, trong đợt dịch tả heo châu Phi vừa qua, Công ty CP Việt Nam cũng bị thiệt hại khá nặng nên lượng heo chỉ đủ cung cấp đều đều giữ giá, khó có thể đưa đồng loạt ra thị trường để kéo giảm giá.

Đàn heo của các DN khác chiếm thị phần không lớn nên không thể tác động đến giá cả trên thị trường. Và các DN, trang trại lớn thường “nhìn” vào Công ty CP Việt Nam để tăng hay giảm số lượng xuất ra.

Các lò mổ gia súc tập trung cũng khó gom đủ nguồn heo do thị trường khan hiếm. Trong ảnh: nhân viên lò mổ gia súc tập trung Thy Thọ chuẩn bị đơn hàng cho một chuỗi siêu thị. Ảnh: A LỘC
Các lò mổ gia súc tập trung cũng khó gom đủ nguồn heo do thị trường khan hiếm. Trong ảnh: nhân viên lò mổ gia súc tập trung Thy Thọ chuẩn bị đơn hàng cho một chuỗi siêu thị. Ảnh: A LỘC

Phải theo quy luật cung - cầu

Rất nhiều cuộc họp, rất nhiều giải pháp đã được Chính phủ đưa ra để điều tiết giá thịt heo. Các DN chăn nuôi lớn thậm chí còn đồng loạt cam kết xuất bán heo hơi với giá 70.000 đồng/kg. Nhưng mức giá trên thị trường chỉ giảm nhẹ rồi tăng trở lại. Người tiêu dùng vẫn phải mua thịt heo với giá đắt đỏ.

Bởi thế, nói về giải pháp bình ổn thị trường thịt heo, đa số chuyên gia, chủ cơ sở chăn nuôi heo có nhiều năm kinh nghiệm đều cho rằng mấu chốt nằm ở quy luật cung - cầu. Khi thịt heo khan hiếm, giá ắt bị đẩy lên cao; khi thịt heo đủ cung cấp cho nhu cầu của người tiêu dùng, giá sẽ tự động hạ nhiệt.

Ông Nguyễn Trí Công - chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - cho rằng cốt lõi của vấn đề là nguồn cung heo bị thiếu hụt nghiêm trọng do dịch tả heo châu Phi. Ngoài 6 triệu con bị tiêu hủy (tính đến tháng 5-2020) theo số liệu thống kê chính thức, còn rất nhiều heo bị bệnh ở các công ty chăn nuôi lớn phải hủy mà không được khai báo.

Không những thế, trong số heo bị tiêu hủy, phần lớn đàn heo nái trong các hộ nuôi nhỏ lẻ đã mất, việc khôi phục tốn nhiều thời gian. Điều này không khác gì tình hình tại Trung Quốc, sau khi dịch bệnh xảy ra một năm thì mức độ thiếu heo trầm trọng nhất. Và dù dịch bệnh tại Trung Quốc diễn ra cách VN nửa năm và không rộng trên toàn quốc, nhưng đến nay giá heo hơi tại nước này cũng vẫn ở mức trên 100.000 đồng/kg.

13 DN chăn nuôi heo quy mô lớn nhất của VN chỉ chiếm 35% thị phần, 65% còn lại là của các DN nhỏ, trang trại, hộ nông dân - nơi khó chủ động được về giống và thức ăn chăn nuôi. Các chương trình bình ổn góp phần rất nhỏ trong việc kiềm giá heo thời gian qua, bởi các công ty phân phối có thương hiệu tại các siêu thị như Vissan, Sagri... cũng phụ thuộc nguồn heo nuôi từ bên ngoài. Giá heo hơi liên tục tăng, giá bình ổn khó mà giữ thấp mãi.

“Cốt lõi vẫn là ở nguồn cung, do đó cần có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi như cho vay vốn tái sản xuất, giảm lãi suất, khuyến khích nhập khẩu heo giống” - đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nói.

Theo các chuyên gia kinh tế, dù giá heo có tỉ trọng đáng kể trong cơ cấu giá tiêu dùng nhưng không thể vì thế mà dùng các biện pháp hành chính để ép giá heo xuống. TS Nguyễn Đức Thành - nguyên giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) - nhấn mạnh đây là quy luật kinh tế rất cơ bản: giá heo tăng thời gian qua là do nguồn cung thiếu hụt do dịch bệnh.

Khi Chính phủ muốn hạ giá thịt heo bằng biện pháp hành chính, giá thịt heo sẽ tăng. Đơn giản là vì các biện pháp ấy sẽ làm tổn thương hệ thống phân phối và do đó làm thu hẹp nguồn cung (vốn đang khan hiếm) nên giá lại càng tăng. Người sản xuất trực tiếp cũng bị ảnh hưởng xấu do giá thu mua giảm xuống (vì tiếp cận kênh phân phối khó hơn).

Tiếp nữa, nếu các cửa hàng vì mệnh lệnh hành chính phải bán theo một giá thấp thì đơn giản là thịt bán ra sẽ có chất lượng thấp. Và chất lượng ấy sẽ thấp hơn chất lượng mà trước đây vẫn bán ở mức giá đó. Đây thực chất chính là sự tăng giá đối với phân khúc thị trường thịt chất lượng thấp.

Trong khi thương lái, trung gian thu lợi lớn thì người tiêu dùng bấm bụng chịu thiệt ăn thịt heo giá cao. Trong ảnh: Một sạp bán thịt heo tại huyện Định Quán, Đồng Nai. Ảnh: A LỘC
Trong khi thương lái, trung gian thu lợi lớn thì người tiêu dùng bấm bụng chịu thiệt ăn thịt heo giá cao. Trong ảnh: Một sạp bán thịt heo tại huyện Định Quán, Đồng Nai. Ảnh: A LỘC

Nhập khẩu heo sống

Khi các biện pháp kéo giá giảm không hiệu quả do thiếu hụt nguồn cung quá lớn, trong khi thịt heo chiếm đến 65-70% trong cơ cấu tiêu thụ thịt của người Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ nhập khẩu thịt heo đông lạnh, tăng nguồn cung thịt heo ra thị trường.

Song biện pháp này cũng không hiệu quả vì tính đến hết tháng 4-2020, Việt Nam mới nhập khẩu được gần 50.000 tấn thịt heo, dù tăng mạnh so với năm 2019 nhưng vẫn không đủ nhiều để giảm giá heo trong nước.

Bởi sự liên đới trong giảm nguồn cung nói chung: dịch tả heo châu Phi diễn ra ở nhiều quốc gia, nguồn cung thế giới cũng giảm, dẫn tới giá bán tăng. Năm 2020, dịch COVID-19 khiến giao thương và vận chuyển hàng hóa khó khăn, muốn nhập khẩu cũng không dễ.

Trước nguy cơ giá heo hơi trong nước vượt ngưỡng 100.000 đồng/kg, ngày 27-5, Bộ NN&PTNT đồng ý cho nhập khẩu heo sống về giết thịt, cung ứng ra thị trường. Nhưng theo lãnh đạo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đây mới chỉ là “đồng ý về chủ trương”.

Để nhập khẩu heo sống, hai nước (Việt Nam và nước xuất khẩu heo) phải tiến hành đàm phán để mở cửa thị trường, đánh giá các rủi ro và các biện pháp phòng trừ cũng như loại trừ rủi ro về an toàn và dịch bệnh.

Các DN nhập khẩu lợn sống phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về kiểm dịch nhập khẩu, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc trong nước. Thực hiện quy định cách ly kiểm dịch lợn sống nhập khẩu 30 ngày.

Ông Trần Văn Quang - chuyên gia thú y - cho rằng việc nhập khẩu heo sống chỉ là giải pháp tình thế khi Việt Nam đang thiếu nguồn cung heo, song điều này ẩn chứa các rủi ro về dịch bệnh. Từ trước đến nay, Việt Nam chỉ nhập khẩu heo giống, chưa từng nhập khẩu heo thịt.

“Đây là đề xuất của Cục Thú y nên cơ quan này phải trình được các kế hoạch phòng chống và kiểm soát dịch bệnh mới được Chính phủ và Bộ NN&PTNT thông qua” - ông Quang nói.

Theo ông Nguyễn Trí Công - chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, trên thế giới hiện chỉ có Thái Lan có thể xuất khẩu heo sống sang Việt Nam. Vì thế, đề xuất của Cục Thú y chính là để nhập khẩu heo Thái, các nước khác ở châu Âu hay Mỹ do khoảng cách quá xa nên không dễ vận chuyển heo sống tới Việt Nam. Mà chính Thái Lan cũng đang có dịch bệnh tả heo châu Phi.

“Việc nhập khẩu heo sống từ Thái Lan, đi kèm nguy cơ rất cao về dịch bệnh từ bên ngoài vào, sẽ đe dọa ngành nuôi heo trong nước mới đang bắt đầu khôi phục trở lại” - ông Công cảnh báo.■

Khâu trung gian lãi lớn

Ông Hùng - chủ một cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện Thống Nhất (Đồng Nai) - cho rằng việc “khống chế” các công ty chăn nuôi có quy mô lớn rất khó, và cách này cũng chỉ làm lợi cho thương lái. “Ví dụ, công ty bán ra giá 80.000 đồng/kg cho lái, lái mang về giết mổ và bán lại với giá thị trường (tương đương gần 100.000 đồng/kg heo hơi), người tiêu dùng vẫn không được ăn thịt heo giá rẻ” - ông Hùng phân tích.

Từ đó, nhiều công ty bắt đầu “biến hình”, thay đổi cách xuất hàng. Thay vì bán heo hơi, các công ty chăn nuôi chuyển sang bán heo mảnh hoặc bán cho trung gian. Các trung gian này sau khi giết mổ đưa thịt heo ra chợ tiêu thụ với giá thị trường.

Ghi nhận tại “thủ phủ” chăn nuôi heo Đồng Nai, heo hơi đang được thương lái thu mua với giá dao động từ 96.000 - 98.000 đồng/kg. Cá biệt, có nơi thương lái đẩy giá thu mua lên đến 100.000 đồng/kg, cao hơn mức giá các công ty chăn nuôi bán ra gần 20.000 đồng/kg. Nguyên nhân được cho là do thị trường khan hiếm, các thương lái đẩy giá tăng liên tục để tranh nhau gom hàng.

Ông Nguyễn Quang Thọ - chủ cơ sở giết mổ gia súc tập trung tại TP Long Khánh, Đồng Nai - cho biết dù đã có hợp đồng bao tiêu với các nông hộ nuôi heo sạch trên địa bàn và đẩy giá thu mua heo hơi lên 95.000 đồng/kg, nhưng vẫn không gom đủ công suất hoạt động. Hiện cơ sở của ông chỉ giết mổ chưa tới 50 con heo thịt/ngày, giảm 2/3 so với trước.

Trong khi đó, dù các công ty chăn nuôi lớn trên địa bàn đưa ra giá bán heo hơi ở mức khoảng trên 80.000 đồng/kg, song “Công ty đưa ra giá bán khoảng 80.000 nhưng đâu có mua trực tiếp được, phải mua qua trung gian, giá chín mấy lận. Tôi muốn đăng ký mua heo của công ty, khi liên hệ chỉ gặp nhân viên, nhận được câu trả lời là không đủ nguồn cung, không có heo” - ông Thọ nói.

Cũng theo ông Thọ, có DN còn tìm cách “lách” cam kết với Chính phủ bằng cách không bán heo hơi mà hợp đồng với các lò mổ giết heo mảnh (heo sau giết mổ bỏ đầu, lòng), bán ra khoảng 115.000 đồng/kg, tương đương giá heo hơi khoảng 91.000 - 92.000 đồng/kg. Mức giá này dù thấp hơn giá thị trường vài giá nhưng vẫn cao hơn giá cam kết rất nhiều.

Tương tự, bà O. - một thương lái tại Đồng Nai - cho biết dù bà có mã code của một công ty chăn nuôi nhưng không thể mua heo hơi từ các DN này theo đúng giá niêm yết. Bà phải mua heo qua “cò” với giá chênh lệch hơn 10.000 đồng/kg và vì thế, giá thịt heo đến tay người tiêu dùng cũng đội lên tương ứng.

Trong khi đó, các “cò” trung gian chỉ cần sang tay từ công ty đến thương lái đã lời tiền triệu. “Công ty thông báo giá một ký heo hơi khoảng 80.000 đồng, thực tế không mua được giá này. Chúng tôi phải mua qua “cò” với giá từ 95.000 - 98.000 đồng/kg. Mua giá cao thì chúng tôi phải bán giá cao thôi, có thiệt thì thiệt cho người tiêu dùng” - bà O. nói.

A Lộc

Giá thịt heo và kinh tế học hành vi

NAM MINH 02/06/2020 22:06 GMT+7

Đáng lẽ trong tình hình đại dịch, nhu cầu tiêu dùng giảm xuống thì giá thịt heo phải giảm. Nhưng bất chấp những xoay xở của giới chức quản lý nhà nước, giá thịt theo vẫn tiếp tục hình thành các mức đỉnh mới, kể cả khi Chính phủ đã cho phép nhập khẩu một lượng lớn thịt từ nước ngoài.

Theo ghi nhận của Bộ NN&PTNT, kể từ tháng 4, giá heo hơi lên đến 93.000 - 95.000 đồng/kg, khiến mặt bằng bán lẻ khi đến tay người tiêu dùng lên đến con số kỷ lục: 140.000 - 190.000 đồng/kg.

Đại gia lãi lớn

Nhờ đó, khá nhiều DN chăn nuôi thu được lợi nhuận cực lớn. Đơn cử như Masan MEAT Life (MML), ghi nhận doanh thu thuần trong quý 1-2020 đạt 3.397 tỉ đồng. Trong đó, ngành hàng thịt là động lực tăng trưởng chính với doanh thu ước tính tăng gấp 13 lần so với cùng kỳ năm ngoái. “Doanh thu MML dù chỉ tăng trưởng nhẹ khoảng 6%, nhưng mảng kinh doanh thịt mát có doanh thu tăng 13 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là động lực tăng trưởng chính của MML trong tương lai” - Công ty chứng khoán Phú Hưng nhận định.

 

 Đồ họa: L. T.


Ở công ty chuyên bán thịt heo Vissan, doanh thu và lợi nhuận ròng quý đầu năm ghi nhận lần lượt hơn 1.453 tỉ đồng và 46,5 tỉ đồng, tăng 21% và 19% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu thịt tươi sống chiếm gần 669 tỉ đồng, tăng 20%, và doanh thu thực phẩm chế biến chiếm gần 742 tỉ đồng, tăng 22%.

Thị trường Việt Nam cũng đang trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho Tập đoàn CP (Thái Lan). Theo đó, doanh thu của tập đoàn chăn nuôi hàng đầu khu vực này lên tới 138 tỉ bath (4,37 tỉ đôla) trong quý 1, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. “Doanh số năm nay có thể là tốt nhất của công ty, được thúc đẩy bởi việc kinh doanh lợn vì sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi dẫn đến sự sụt giảm đáng kể số lượng lợn ở Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia và Lào” - lãnh đạo CP cho hay.

Theo ước tính của CP, dịch tả lợn châu Phi có thể khiến nguồn cung Trung Quốc giảm 200 triệu con, còn Việt Nam sẽ giảm 20 triệu con trong năm nay. Viễn cảnh thiếu hụt nguồn cung trong phần còn lại của năm khiến cho giá thịt heo có thể sẽ còn leo thang nếu thiếu các biện pháp bình ổn hiệu quả hơn.

Hành vi tiêu dùng quyết định giá thịt

Lợi nhuận tăng vọt của nhiều đại gia chăn nuôi cho thấy sức hấp dẫn của ngành hàng có giá trị ước tính lên tới 10 tỉ đôla Mỹ mỗi năm này. Hiện 65% thị phần cung ứng thịt heo là từ các hộ gia đình nhỏ lẻ, nên trong thời gian tới, một số DN đã lên kế hoạch mở rộng quy mô đầu tư chuồng trại, nâng cấp chuỗi sản xuất và phân phối theo hướng hiện đại hòng cải thiện thêm thị phần và ổn định giá.

Trong quý 1, Chính phủ đã yêu cầu các công ty chăn nuôi đưa mặt bằng giá về 60.000 đồng/kg heo hơi, đặc biệt là cho phép nhập về hàng chục nghìn tấn thịt từ các cường quốc chăn nuôi, nhưng một lượng lớn nguồn thịt bổ sung này vẫn chưa dập được cơn sốt giá.

Lý do, theo các chuyên gia, là phần lớn người tiêu dùng Việt Nam cho rằng chỉ dùng thịt lợn vừa giết mổ mới đảm bảo giá trị dinh dưỡng (thịt nóng). Trong khi đó, phần lớn nguồn hàng nhập khẩu từ châu Âu, châu Mỹ mất thời gian vận chuyển lên đến hơn 30 ngày - một khoảng thời gian đủ dài để người tiêu dùng lo ngại chất lượng thịt. Khẩu vị ưa dùng thịt “nóng” của người dân khó lòng thay đổi một sớm một chiều.

Dưới lăng kính của kinh tế học hành vi, thị trường thịt heo có thể đã được vận hành dựa trên các đặc điểm nằm ngoài yếu tố giá và sản lượng mà người làm chính sách hiện đang căn cứ vào để đưa ra các quyết sách bình ổn. Theo kinh tế học hành vi, thói quen và tâm lý của người tiêu dùng phần nào chịu ảnh hưởng bởi quá khứ. Một ví dụ, nhu cầu ăn món mắm kho của bạn sẽ lớn hơn vào thời điểm hiện tại nếu ngay từ nhỏ bạn đã sớm được cha mẹ cho ăn. Trái lại, với những vùng miền không quen thuộc với món đó, nhu cầu gần như không tồn tại. Điều đó đồng nghĩa một số nhu cầu, nhất là liên quan tới thực phẩm, nhìn chung đã được định hình rõ và ít chịu tác động bởi biến động giá cả trên thị trường hơn, kể cả khi sản phẩm ở đây không phải là một mặt hàng được coi là thiết yếu.

Đặc điểm cộng đồng bao quanh cũng ảnh hưởng phần nào đến quyết định tiêu dùng. Ví dụ, nếu định danh của người tiêu dùng gắn liền với văn hóa cộng đồng mà ở đó thịt heo bị cấm (như trong cộng đồng Hồi giáo), nhu cầu của người tiêu dùng đối với thịt heo cũng về không dù giá có giảm đến mức nào đi chăng nữa.

Kinh tế học truyền thống luôn giả định con người là duy lý, có sở thích rõ ràng và ổn định, luôn tối đa hóa lợi ích bản thân khi thực hiện một lựa chọn nào đó. Dựa vào đó, các nhà kinh tế có thể xây dựng các mô hình dự báo cá nhân, công ty và xã hội tương tác và ra quyết định như thế nào. Nhưng nhiều hiện tượng của đời sống muôn màu muôn vẻ cho thấy giả định đó không đúng một cách phổ quát và ngày càng có nhiều biệt lệ. Các nhà kinh tế học hành vi, một trường phái kinh tế đang lớn mạnh những năm gần đây, đã đưa ra bằng chứng khoa học cho thấy con người đầy thiên kiến, nhiều trường hợp không biết mình muốn gì và có quan tâm đến lợi ích của người khác, chứ không chỉ quan tâm tới lợi ích cá nhân. Họ cho rằng các yếu tố tâm lý phải được đưa vào các mô hình dự báo hành vi, và hành vi của con người có thể thay đổi nếu bối cảnh ra quyết định được thiết kế phù hợp với các quy luật tâm lý.

Quay trở lại câu chuyện giá thịt heo cao ngất ngưởng, có vẻ các chính sách bình ổn được áp dụng vừa qua mới chỉ nghiêng về biện pháp hành chính hoặc kinh tế chứ chưa thật sự đánh trúng vào cách ứng xử của người tiêu dùng, tức một vấn đề xã hội học và tâm lý. Công cụ có tính áp đặt như nhập khẩu thịt đông lạnh hay “yêu cầu các doanh nghiệp giảm giá” đã không thể phát huy tác dụng trong một cộng đồng mà thói quen tiêu dùng thịt mới giết mổ trong ngày vẫn còn ngự trị.

Theo thống kê của nhiều DN, trước mùa dịch COVID-19, thị phần thịt “lạnh” của cả nước chiếm không quá 10%, nhưng nay chỉ 2 - 3% là cao nhất, còn lại dân vẫn có thói quen mua thịt “nóng”, nên hàng đông lạnh bán rất chậm. Đó là lý do vì sao thịt heo “nóng” lên 200.000 đồng/kg vẫn có người mua, nhưng thịt đông lạnh nhập về bán 50.000 đồng/kg chưa chắc người dân chọn.

Việc thay đổi phương cách bình ổn giá, bắt đầu cho phép một số DN nhập heo sống nguyên con về Việt Nam giết mổ, theo Bộ NN&PTNT có thể giúp hạ nhiệt giá thịt trong nước, đáp ứng thị hiếu thích ăn thịt nóng của người Việt. Ngoài nhập thịt và sản phẩm từ thịt, bộ cũng cho phép các DN nhập khẩu lượng lớn heo giống, heo giống bố mẹ, cụ kị, ông bà..., khoảng 15.000 con, về để tái đàn. Chính sách hướng tới khôi phục khâu chăn nuôi và sản xuất hứa hẹn sẽ là cách tiếp cận căn cơ hơn để gia tăng một lượng hàng hóa mới, phù hợp với văn hóa tiêu dùng thịt nóng của người dân.■

Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giảm

Theo các đầu mối nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giá các nguyên liệu đầu vào đã giảm đáng kể so với đầu năm và xu hướng này còn tiếp tục trong những tháng tới. Đại diện Công ty thức ăn chăn nuôi Thanh Bình (Đồng Nai) cho biết giá các nguyên liệu chính như đậu nành, bắp đã giảm khoảng 10% so với đầu năm nay. Cụ thể, giá bã đậu nành khoảng 9.000 đồng/kg, giá bắp khoảng 5.000 đồng/kg. Các đơn hàng giao từ nay đến cuối năm, người bán đang chào giá thấp hơn hiện tại.

Dù nguyên liệu chế biến giảm nhưng theo người chăn nuôi, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm lại tăng trong những tháng qua. Một số công ty lớn đã tăng giá hai, ba lần với tổng mức tăng khoảng 1.000 đồng/kg. Các công ty có quy mô nhỏ hơn cũng tăng giá bán theo và tăng chiết khấu cho người mua để giữ khách hàng.

T.Mạnh

Hai bài học từ cơn sốt giá thịt heo

NGUYỄN ĐÌNH BÍCH 17/01/2020 00:01 GMT+7

TTCT - Có thể nói với nỗ lực vượt bậc, VN đã đạt được những kết quả cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến chống dịch tả heo châu Phi, tạo tiền đề quyết định để sớm khôi phục ngành chăn nuôi then chốt này. Thế nhưng, vẫn có khả năng những diễn biến gay cấn nhất trên thị trường thịt heo còn kéo dài, và để phát triển bền vững cần phải rút tỉa những bài học hữu ích từ cuộc náo loạn của thị trường thời gian qua.

Mua bán thịt heo tại chợ đầu mối Hóc Môn, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Ảnh: Quang Định
Mua bán thịt heo tại chợ đầu mối Hóc Môn, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Ảnh: Quang Định

Thành công lớn

Trước hết, các số liệu thống kê cho thấy dịch tả heo châu Phi (ASF) đã quét qua tất cả tỉnh thành cả nước, khiến tổng số lượng heo phải tiêu hủy ước tính khoảng 6 triệu con và tổng đàn cuối năm 2019 giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2018, còn tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng cả năm 2019 ước chỉ đạt 3,29 triệu tấn, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Cho dù những thiệt hại nói trên là rất lớn, cho đến thời điểm này có thể nói VN đã xử lý thành công những thách thức. Để đặt trong bối cảnh so sánh, theo tờ Financial Times, tháng 10-2019 đàn heo của Trung Quốc chỉ còn 191 triệu con, giảm tới 41% so với khi dịch bắt đầu bùng phát; còn tổng sản lượng thịt heo năm 2019, theo một nguồn khác, giảm tới 13,5 triệu tấn và 25%.

Còn xét về thời gian, tính đến thời điểm này, VN mới trải qua 11 tháng chống dịch, trong khi Trung Quốc phải đối mặt trước đó 6 tháng. Rõ ràng, thời gian khống chế được dịch ngắn hơn hẳn và mức độ thiệt hại cũng thấp hơn là những yếu tố quyết định khiến giá thịt heo ở VN tăng thấp hơn nhiều so với Trung Quốc.

Không những vậy, điều cũng rất quan trọng nữa là trong khi tổng đàn heo giảm, thông tin của các nhà quản lý cho biết cả nước vẫn còn 109.000 con giống cụ kỵ, 2,7 triệu con nái thương phẩm, đủ đáp ứng nhu cầu tái đàn trong thời gian tới, trong khi “những cỗ máy cái đẻ ra thịt” này của Trung Quốc vào thời điểm tháng 9-2019 thấp hơn 40% so với cùng kỳ năm trước.

Thấp thỏm chờ đỉnh

Tuy nhiên, dù các nhà quản lý đã quyết liệt vào cuộc nhằm chống tình trạng găm hàng để đẩy giá lên, không thể loại trừ hoàn toàn khả năng giá thịt heo trên thị trường tăng đột biến trong dịp Tết Nguyên đán (dẫu mức tăng, nếu có, khó có thể quá nhiều và không quá cao như ở Trung Quốc).

Có hai lý do để tin điều đó:

Thứ nhất, số liệu thống kê quý 4-2019 và cả năm vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy tổng sản lượng các loại thịt và trứng cả năm 2019 ước đạt hơn 5,8 triệu tấn, chỉ giảm nhẹ 230.000 tấn và 3,8% so với cùng kỳ, cho nên nguồn cung này cùng với khối lượng thịt heo nhập khẩu khoảng 100.000 tấn trong 10 tháng đầu năm và 70.000 tấn/tháng trong hai tháng cuối năm là đủ để bù đắp cho nhu cầu.

Tất nhiên, cũng phải tính tới thực tế quý 4-2019 là mùa tiêu dùng chính và năm vừa qua là năm tăng trưởng kinh tế hết sức ấn tượng của VN, đồng nghĩa nhu cầu hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như các loại thịt và trứng được kỳ vọng sẽ tăng.

Thứ hai, trong điều kiện như vậy, việc nhập khẩu thịt heo để bổ sung nguồn cung bị thiếu hụt đã được xác định rõ là chưa đủ quyết liệt, thậm chí ngay cả thời điểm khởi động chủ trương này cũng đã là muộn.

Những điều đó có nghĩa là nếu các số liệu thống kê đúng thì cơn sốt giá cả bắt nguồn từ tình trạng khan hiếm thịt heo mấy tháng gần đây và sau đó kéo theo giá các loại thịt khác và trứng cùng tăng, cho nên rất có thể mức đỉnh của giá thịt heo sẽ được thiết lập trong những ngày cận tết sắp tới, khi nhu cầu tăng đột biến.

Hai bài học chủ yếu

Từ những thực tế và nhìn nhận nói trên có thể rút ra hai bài học chủ yếu sau đây trong việc điều tiết thị trường.

Một là, định kỳ hằng tháng, giới chức hữu quan cần công bố rộng rãi các số liệu thống kê về sự phát triển của ngành chăn nuôi heo nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung, điều sẽ giúp ích không nhỏ cho các nhà quản lý thông qua phản biện xã hội.

Về phía các nhà quản lý, tập quán lâu nay là chỉ công bố duy nhất một con số cụ thể: “số lượng lợn [heo] tại thời điểm 1-10 hằng năm”, còn những tháng khác thì “nửa kín, nửa hở” bởi đó chỉ là con số tỉ lệ biến động so với cùng kỳ, cho nên xã hội hầu như “mù tịt” về động thái của ngành chăn nuôi quan trọng bậc nhất này.

Trong khi đó, cách nay ít nhất ba tháng, các phương tiện thông tin đại chúng đã cho rằng giá thịt heo bước vào chu kỳ tăng sắp tới là không thể cưỡng lại được, hoặc sau “sốt ảo” sẽ là “sốt thực”..., trong khi giới quan chức nông nghiệp - thị trường vẫn “rung đùi” cho rằng nguồn cung trong dịp cuối năm “chưa đáng lo”.

Rõ ràng, nếu có đủ các số liệu thống kê tin cậy, những phản biện xã hội thay vì mang nặng tính cảm quan, “đoán già, đoán non”, sẽ có cơ sở vững chắc và có tính thuyết phục hơn.

Hai là, cần nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số hoặc chỉ số giá thị trường thịt heo, bởi đây là công cụ hữu hiệu định hướng thị trường loại thực phẩm quan trọng bậc nhất này.

Sở dĩ như vậy là bởi lẽ trong những tháng sốt giá thịt heo vừa qua, thông tin về giá xuất hiện nhan nhản trên mặt báo, nhưng độ tin cậy tới mức nào thì khó có ai biết được một cách chắc chắn.

Trong khi đó, “điệp khúc” được một số nhà quản lý ngành nông nghiệp nhắc đi nhắc lại là giá heo thịt một số nơi tăng cao bất thường không phải do thiếu nguồn cung mà do khâu lưu thông và thông tin có vấn đề, làm tình hình trở nên phức tạp hơn. Có một bộ chỉ số giá thị trường thịt heo chính là để làm cho thông tin “hết vấn đề” và tình hình “bớt phức tạp”.

Thậm chí rất gần đây, sau cuộc kiểm tra tình hình cung ứng thịt heo và tái đàn tại Bắc Giang, một quan chức cấp cao ngành nông nghiệp ghi nhận nhiều nơi giá heo hơi bị đẩy lên 140.000 đồng/kg mà người nuôi chưa bán, hoặc tại Hưng Yên giá thịt heo hơi bị đẩy lên tới 160.000-170.000 đồng/kg song người dân vẫn muốn giữ hàng chờ tết.

Trong khi đó, một số người trong giới chăn nuôi “phản pháo”: “Không biết các bác khảo sát, kiểm tra giá heo hơi hay giá heo thịt xẻ mà bảo giá heo hơi đến 140.000-170.000 đồng/kg, rồi bảo găm hàng...”; hoặc nói thẳng: “Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn không nắm được thị trường sản lượng đầu vào lại đi đổ cho thương lái găm hàng tăng giá...”.

Rõ ràng, để tránh tình trạng “nhiễu thông tin” về giá và để giá trở thành công cụ hữu hiệu định hướng thị trường, các nhà quản lý cần xây dựng cho chính mình các phương tiện để sử dụng công cụ đó và công bố rộng rãi cho người dân dễ dàng tham khảo.

Nói tóm lại, cho dù “cơn bão” ASF ở VN rất có thể đã qua thời đỉnh cao, những “di chứng” của nó vẫn còn kéo dài. Để đoán định triển vọng của thị trường một cách có căn cứ, chúng ta không thể thiếu những công cụ quản lý được xây dựng một cách bài bản xoay quanh ba yếu tố trụ cột: cung, cầu và giá cả. ■

1/4 heo nuôi trên toàn cầu đã bị chết vì dịch

Giống như con người, heo là loài ăn tạp. Chúng ăn cả thịt, rau củ lẫn ngũ cốc. Vì có thể nuôi heo hiệu quả bằng những cơm thừa canh cặn, thịt heo đã trở thành một nguồn lực tối quan trọng với nhiều nước còn nghèo.

Nhưng giờ thì đặc tính ăn tạp đó của heo đang trở thành một vấn đề. Dịch tả heo châu Phi ước tính đã quét sạch 1/4 tổng đàn heo của thế giới, theo The Washington Post, chủ yếu lây nhiễm qua phân heo và thực phẩm cặn mà chúng ăn. Tâm điểm của đại dịch là ở châu Á, nhưng cũng đã xuất hiện các trường hợp heo nhiễm bệnh ở Caribe, châu Âu và Mỹ.

Ca bệnh đầu tiên được phát hiện là đông bắc Trung Quốc vào tháng 8-2018, rồi sau đó lan sang Việt Nam, Philippines và Indonesia. Dù không gây hại gì cho người, gần như mọi con heo nhiễm virút này đều sẽ chết.

Trong đàn heo hơn 400 triệu con của Trung Quốc, bao gồm 40% thuộc sở hữu các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, một nửa có thể chết vì dịch, theo Bloomberg. Thay vì cho heo ăn thức ăn công nghiệp từ bắp hoặc đậu nành như các trang trại khổng lồ ở Mỹ hay châu Âu, nhiều hộ nuôi heo ở Trung Quốc vẫn nuôi bằng cách truyền thống và trong 68 điểm dịch lớn ở Trung Quốc đã được nghiên cứu, hơn một phần ba các ca nhiễm bệnh bắt nguồn từ heo ăn cặn thay vì cám công nghiệp.

Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cũng đã khuyến cáo không nuôi heo bằng cơm thừa canh cặn. Tuy nhiên, chuyên gia Mark Essig cho rằng các chính sách cấm đoán tất yếu sẽ dẫn tới sự triệt tiêu những hộ chăn nuôi nhỏ, tạo ra các nông trại tập trung ở quy mô công nghiệp. Quá trình này từng diễn ra ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha những năm 1960, ở Nga những năm 1990 và giờ đang diễn ra ở Trung Quốc.

                                                                            LOAN PHƯƠNG

Điều tiết giá thịt heo ở Trung Quốc: Một cuộc chiến tổng lực

CHIÊU VĂN 16/01/2020 22:01 GMT+7

TTCT - Trung Quốc đã tiến hành một cuộc chiến tổng lực thực sự để điều tiết giá thịt heo: hạ thuế để tăng nhập khẩu, nỗ lực tái đàn và cả mở kho dự trữ thịt quốc gia.

Thịt heo là yếu tố chính khiến chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc tăng kỷ lục trong tháng 11-2019. Ảnh: Bloomberg
Thịt heo là yếu tố chính khiến chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc tăng kỷ lục trong tháng 11-2019. Ảnh: Bloomberg

Ðầu tuần trước, giá thịt heo ở Trung Quốc bắt đầu tăng trở lại, “mức tăng có ý nghĩa đầu tiên trong hơn một tháng, khi tiêu dùng tăng do thời tiết lạnh hơn trong khi nguồn cung tiếp tục thiếu ở thị trường tiêu thụ loại thịt này lớn nhất thế giới”, theo Reuters.

Giá thịt heo ở Trung Quốc đã biến động rất mạnh thời gian qua, nhưng giới phân tích nói giá đang có xu hướng tăng trở lại khi tiêu dùng dự kiến tăng dịp Tết Nguyên đán. Giá thịt heo ở Trung Quốc vào tháng 10-2019 từng tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước do dịch tả heo châu Phi.

Nhưng sau khi đạt đỉnh ở mức 52 nhân dân tệ/kg (172.000 đồng/kg), giá đã bất ngờ giảm tới 20% trong tháng 12, xuống còn hơn 140.000 đồng/kg khi người tiêu dùng cắt giảm khẩu phần thịt heo và nguồn dự trữ thịt heo đông lạnh được chính quyền ồ ạt tung ra thị trường.

Kho dự trữ chiến lược... thịt heo

Giá thịt heo tăng cao đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc lên 3,8% vào tháng 10-2019. Chính quyền đã can thiệp để điều tiết giá, mở kho dự trữ nhà nước bán đấu giá 40.000 tấn thịt heo đông lạnh để bình ổn thị trường.

Mặc dù con số này chỉ như “muối bỏ biển” với mức thiếu hụt có thể lên tới hàng chục triệu tấn ở cả thị trường Trung Quốc hiện nay, điều quan trọng là nó gây ra hiệu ứng truyền thông và truyền đi một thông điệp rất rõ ràng: chính phủ sẽ can thiệp và không để mặc người dân xoay xở.

Hệ thống dự trữ thịt heo của chính quyền Trung Quốc đã được bắt đầu xây dựng từ cuối những năm 1970, khi kinh tế nước này bước đầu mở cửa. Các kho dự trữ từ thời Mao Trạch Đông, bao gồm: gạo, muối, đường, thịt heo... trở thành một công cụ để kiểm soát biến động giá cả trong bước đầu chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường (ngoài thịt heo, 2.400 tấn thịt bò và 1.900 tấn thịt cừu từ kho dự trữ này cũng đã được đưa ra thị trường vào đầu tháng 9-2019, nhưng ít được chú ý hơn).

Con số chính xác lượng thịt dự trữ là bí mật quốc gia, nhưng nhiều chuyên gia dẫn các nguồn giấu tên từ Bộ Thương mại Trung Quốc ước tính là vào khoảng 200.000 tấn. Với việc dân Trung Quốc tiêu thụ hơn 50 triệu tấn thịt heo mỗi năm, dự trữ đó chỉ có ý nghĩa trấn an tâm lý là chính nhưng ngay cả như thế, việc “mở kho cứu tế” theo truyền thống cả ngàn năm cai trị ở quốc gia đông dân nhất hành tinh vẫn tạo được tác động tốt lên thị trường.

Cũng không khác những thời Tống, Minh hay Thanh, chính quyền trung ương duy trì hơn một chục kho dự trữ quốc gia trên cả nước, mỗi kho có thể trữ khoảng 10.000 tấn thịt heo đông lạnh, chưa kể các công ty tư nhân và nhà nước nhận hợp đồng hỗ trợ Cục Dự trữ quốc gia. Thịt được giữ ở nhiệt độ -18oC, và từ cuối những năm 1990, chính quyền còn dự trữ cả heo sống ở các trang trại nhà nước.

Các phóng viên thăm một trang trại như thế ở tỉnh Sơn Đông viết lại trên tạp chí Caijing (Tài Kinh): “[Trang trại] rợp bóng cây xanh. Những khu chuồng heo cao ráo và rộng rãi, có sưởi vào mùa đông và thông gió vào mùa hè”.

Hay ở tỉnh tây nam Vân Nam, vốn nổi tiếng với món thịt heo muối, chính quyền địa phương cho biết họ vẫn còn nắm trong tay 3.000 tấn thịt heo muối, ngoài 132.000 con heo sống và 400 tấn thịt heo đông lạnh. Tất cả những tin tức đó đều góp phần quan trọng vào việc củng cố tâm lý cho thị trường.

Giảm thuế - tái đàn

“Đảm bảo nguồn cung [thịt heo] là chuyện ảnh hưởng tới đời sống người dân và tình hình chung”, Phó thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa nói vào tháng 9-2019, khẳng định rằng Bắc Kinh sẽ “sử dụng mọi phương tiện trong tay” để đảm bảo nguồn cung, theo Tân Hoa xã.

Một trong những phương tiện đó là các sắc thuế. Từ 1-1-2020, Trung Quốc đã giảm thuế nhập khẩu đánh lên 850 mặt hàng, bao gồm thuế với thịt heo đông lạnh. Bộ Tài chính Trung Quốc giải thích rõ ràng chính sách thuế mới là để “tăng nhập khẩu với các sản phẩm đang đối mặt với thiết hụt tương đối ở trong nước, hay các hàng tiêu dùng đặc sản nước ngoài”.

Trong đó, thuế đánh lên thịt heo đông lạnh sẽ giảm từ 12% xuống còn 8%. “Đây là một phần trong nỗ lực hết sức nghiêm túc của chính quyền Trung Quốc nhằm tăng nguồn cung thịt heo và chắc chắn nó sẽ có ích” - Jim Huang, giám đốc điều hành Công ty tư vấn China-America Commodity Data Analytics, nói với Reuters.

Thuế mới áp dụng cho thịt heo muối đông lạnh, xương heo và thịt heo thường đông lạnh. Trung Quốc đã nhập khẩu gần 230.000 tấn thịt heo vào tháng 11-2019, tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm trước, và lượng nhập khẩu 11 tháng đầu năm 2019 là hơn 1,7 triệu tấn, tăng 58% so với cùng kỳ 2018. Gần như toàn bộ thịt heo nhập khẩu của Trung Quốc là thịt đông lạnh, chủ yếu từ các nước châu Âu, Canada và Mỹ.

Về lâu dài, Nhà nước đẩy mạnh việc hỗ trợ các hộ nông dân nhỏ nối lại chăn nuôi heo, theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc tháng 12-2019. Do đàn heo đã giảm 40% trên cả nước, nhiều trang trại lớn ở quy mô công nghiệp đã mở rộng sản xuất để bù đắp nhu cầu thiếu hụt, nhưng hàng triệu nông hộ nhỏ khắp Trung Quốc đang ngần ngại trong việc tái đàn vì nguy cơ dịch bệnh vẫn còn hiển hiện và tình trạng thiếu vốn kinh niên.

Tỉnh Nam Ninh (Trung Quốc) có lúc đã ban hành chính sách bán tối đa 1 kg thịt lợn/ngày/người với giá chiết khấu 10% để giúp người tiêu dùng đối phó với giá thịt lợn tăng cao.

Dù là nước tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới, Trung Quốc vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các nông trại quy mô nhỏ (với kích thước tương ứng của Trung Quốc, tất nhiên, được định nghĩa là dưới 500 con heo mỗi năm), nơi cung cấp gần 50% lượng thịt heo cho thị trường.

“Tăng cường sản xuất ở các trại chăn nuôi quy mô nhỏ và vừa ảnh hưởng trực tiếp tới mục tiêu đảm bảo nguồn cung và ổn định sản xuất trên cả nước theo đúng tiến độ” - Wang Junxun, một quan chức cấp cao ở Bộ Nông nghiệp, nói với các phóng viên vào giữa tháng 12-2019.

Các kế hoạch bao gồm hợp tác và hỗ trợ sản xuất của chính quyền địa phương và nông trại lớn với các hộ chăn nuôi nhỏ. Nông dân nhỏ là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đợt dịch tả heo châu Phi vừa rồi, nhiều người mắc nợ sau khi đàn heo của họ bị trận dịch quét sạch. Một báo cáo của Rabobank (Hà Lan) vào tháng 11 nói một nửa các trang trại nuôi heo nhỏ của Trung Quốc dự kiến phải đóng cửa vĩnh viễn.

Tuy nhiên, theo giới chức nông nghiệp trong nước, quy mô nhỏ có thể là một lợi thế khi các hộ này sẽ tái đàn dễ dàng hơn, kiếm được đất sản xuất đơn giản hơn so với các nông trại lớn hoạt động ở quy mô sẽ tác động nghiêm trọng tới môi trường.

“Nếu các hộ nhỏ này hợp tác với các trang trại lớn, họ giải quyết được vấn đề của mình và cũng giúp các trang trại lớn giải quyết vấn đề của trang trại lớn” - Wang nói với South China Morning Post (SCMP).

Đây cũng là dịp để ngành chăn nuôi Trung Quốc trở nên tập trung hơn và tăng về quy mô, giảm bớt tình trạng phân mảnh cũng như vấn nạn mỗi khi có dịch, tình hình rất khó kiểm soát và dịch bệnh lan đi như một đám cháy đồng cỏ. Việc tới được từng hộ trong hàng triệu hộ nuôi heo nhỏ, nhiều người ở các vùng rất xa xôi, là một nhiệm vụ bất khả, theo lời các chuyên gia.

“Họ có các lính cứu hỏa”, Pan Chenjun ở Rabobank ví von về đội ngũ nhân viên “dập dịch” của chính quyền. “Họ tới các vùng dịch nhưng không đủ nhân lực. Ở Trung Quốc, tìm cách xử lý tất cả các điểm dịch là điều bất khả”.■

Bất chấp việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào tháng 11-2019 tăng 4,5%, mức cao nhất trong tám năm qua, chính quyền Trung Quốc vẫn giữ mức lạm phát mục tiêu của năm nay là khoảng 3%, mức đã được duy trì từ năm 2015, theo SCMP.

Trong khi giá thực phẩm tăng mạnh, trong đó giá thịt heo góp phần lớn, các lĩnh vực khác trong nền kinh tế chứng kiến CPI giảm hoặc tăng không đáng kể, phản ánh mức cầu chậm lại tương ứng với tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc.

“Hiện giờ CPI tăng chủ yếu do giá thịt heo tăng - tức giá tăng có tính cơ cấu, chứ không phải dàn đều. Giá thịt heo có thể sẽ bắt đầu giảm sau tết”, SCMP dẫn lời một chuyên gia.

Thị trường thịt heo: Giới hạn của tương quan Việt Nam - Trung Quốc

NGUYỄN ĐÌNH BÍCH 23/11/2019 22:11 GMT+7

TTCT - Dù khác nhau về quy mô, thị trường thịt heo (lợn) của Trung Quốc (TQ) và Việt Nam (VN) lại rất giống nhau về cơ cấu, không lạ khi giá thịt heo ở VN cũng đã tăng thời gian vừa qua. Tuy nhiên, câu hỏi liệu mức giá có trải qua một cuộc khủng hoảng như ở TQ hiện tại hay không lại là vấn đề hoàn toàn khác.

Ảnh: scmp.com
Ảnh: scmp.com

“Bản sao” không hoàn chỉnh

Số liệu thống kê năm 2018 cho thấy tổng số trâu bò ở VN là hơn 8,2 triệu con và số lượng heo là 28,1 triệu con. Cộng với gia cầm thì tổng sản lượng các loại thịt chủ yếu này của VN vào khoảng 5,34 triệu tấn, tương đương sản lượng thịt bình quân đầu người 56,4kg. Trong đó, tỉ trọng của thịt heo tăng dần và đạt đỉnh 81,5% vào năm 2006, nhưng từ đó đến nay liên tục giảm và năm 2018 chạm đáy với 71,5%.

Ở TQ, đàn gia súc đa dạng hơn nhiều với số lượng khổng lồ: 1,12 tỉ con vào năm 2018, riêng đàn heo là 428,1 triệu con (chiếm 38,3%). Sản lượng thịt bình quân đầu người đã đạt 76,1kg. Trong đó sản lượng thịt heo từ tỉ trọng áp đảo 94,1% trước đây cũng liên tục giảm, tới năm 2018 còn chiếm 50,9%.

Với hơn 1,4 tỉ người, chiếm 18,71% dân số thế giới, và tập quán tiêu dùng nhiều thịt heo, tỉ trọng của TQ trong “rổ thịt heo thế giới” năm 2014 đạt kỷ lục 52,73%, còn năm 2018 là 49,25% (bình quân 5 năm trở lại đây chiếm 50,14%).

Không chỉ giống nhau ở tỉ trọng, VN còn giống TQ khi phải đối mặt với vô vàn khó khăn do dịch tả heo châu Phi gây ra.

Ở TQ, ngay từ trước khi phát hiện hai ổ dịch đầu tiên cách xa nhau đến gần 2.800km (Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang và Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang) hồi tháng 8-2018, ngành chăn nuôi TQ vốn đã tụt dốc do liên tiếp phải đối mặt bốn khó khăn lớn.

Mùa đông khắc nghiệt hiếm có 2014-2015 dẫn tới sản lượng thịt heo giảm liên tiếp trong hai năm sau đó, từ kỷ lục 58,2 triệu tấn xuống hơn 54 triệu tấn. Tiếp theo, lệnh cấm chăn nuôi heo ở các khu vực đất chật người đông gây ô nhiễm không khí khiến các trang trại lớn ở những tỉnh duyên hải và miền trung TQ phải đóng cửa, mà còn đồng nghĩa với việc đẩy nguồn cung - giờ chuyển sang các tỉnh đông bắc - cách xa nơi tiêu thụ hàng nghìn cây số.

Trong điều kiện như vậy, dịch tả heo châu Phi xuất hiện khiến khoảng 200 triệu con heo bị tiêu hủy kèm theo lệnh cấm vận chuyển gay gắt để hạn chế dịch bệnh lây lan, gây ra mất cân đối cung - cầu lớn. Khó khăn thứ tư là việc TQ đánh thuế đậu nành và ngừng mua nông sản Mỹ để trả đũa trong chiến tranh thương mại khiến giá thức ăn chăn nuôi trong nước tăng, càng làm ngành chăn nuôi heo thêm vất vả.

VN không gặp phải nhiều vấn đề như vậy nhưng trong chưa đầy sáu tháng đối mặt với dịch tả heo châu Phi vừa qua, tổng số heo bị tiêu hủy cũng đã lên tới hơn 4,4 triệu con, bằng 15,7% tổng đàn năm 2018.

Từ “ủ bệnh” tới “sốt giá”

Nguồn: Tác giả tổng hợp
Nguồn: Tác giả tổng hợp

Đối mặt với khó khăn chồng chất, giá thịt heo hơi bình quân ở thị trường TQ đầu tháng 6-2019 đã vượt ngưỡng 16 nhân dân tệ/kg (52.800 đồng/kg), rồi tiếp tục tăng nhanh, đến thượng tuần tháng 9 là 28,4 nhân dân tệ/kg (93.700 đồng/kg), tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2018, và tới tháng 10 lại cán mốc mới, 39,3 nhân dân tệ/kg (129.600 đồng/kg).

Mặc dù Chính phủ TQ đã có nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích, nhưng giới chuyên gia cho rằng ngành chăn nuôi heo TQ phải mất vài năm mới có thể vượt qua nạn dịch. Giới quản lý trong nước cho biết do đàn heo nái đã giảm 27% về số lượng, tình trạng thiếu hụt có thể còn kéo dài trong 2-3 năm nữa.

Điều đó có nghĩa cơn sốt giá thịt heo bùng phát từ đầu tháng 8 vừa qua mới là “khúc dạo đầu”, nhiều khả năng sẽ lên đến đỉnh điểm vào cuối năm nay và còn kéo dài chí ít tới cuối năm sau.

Ngành chăn nuôi heo ở VN trên thực tế không gặp khó về nguồn cung như TQ. Các số liệu thống kê của VN cũng cho thấy dù số lượng heo thiệt hại do bệnh dịch không hề nhỏ, tổng sản lượng thịt trong 9 tháng đầu năm nay chỉ giảm 247.000 tấn, tức khoảng 9%.

Quan trọng hơn, hơn 7 tháng có dịch là khoảng thời gian không ít người tiêu dùng quay lưng với thịt heo, nên nhiều khả năng nguồn cung vẫn đủ đáp ứng, như nhận định của các nhà quản lý.

Xét bối cảnh đó, việc giá heo hơi bị đẩy lên 60.000-65.000 đồng/kg vào tháng 10 vừa qua và 75.000-80.000 đồng/kg mấy tuần gần đây, cao gấp hơn hai lần so với 8-9 tháng trước có thể là chiêu “thổi giá” để “ăn theo” thị trường TQ của những lực lượng có khả năng thao túng thị trường.

Với thực tế đó, có thể tiên đoán tăng giá thịt heo ở VN trong thời gian tới là vẫn có thể xảy ra, nhưng ở mức độ thấp hơn hẳn bởi ba lẽ chủ yếu:

Thứ nhất, thống kê cho thấy trong gần hai thập kỷ qua, tổng xuất khẩu thịt heo của VN chưa bao giờ vượt ngưỡng 50.000 tấn, kim ngạch chưa bao giờ đạt 100 triệu USD, trong đó thị trường TQ là không đáng kể, ở dưới ngưỡng 1.000 tấn và 4 triệu USD.

Thậm chí trong danh mục các thị trường nhập khẩu thịt và phụ phẩm thịt ăn được nói chung của VN 7 tháng đầu năm nay còn không có tên thị trường này, do VN cũng là nước có dịch tả heo châu Phi và TQ đang tăng cường thắt chặt biên mậu, khiến chuyện ồ ạt gom heo để xuất khẩu sang TQ như hai năm 2015 và 2016 là khó xảy ra.

Thứ hai, việc giá thịt heo gần đây tăng mạnh là dễ hiểu, có thể là “khúc dạo đầu” trước khi lên đến đỉnh điểm vào khoảng trước Tết Nguyên đán và còn tiếp tục kéo dài. Giá thịt heo tăng mạnh không hẳn do cán cân cung - cầu, bởi tuy cầu gia tăng nhưng lượng cung vẫn còn tồn lại trong 7 tháng dịch đầu tiên do người tiêu dùng e ngại loại thực phẩm này.

Tuy nhiên, trong điều kiện nhu cầu tiếp tục nhích lên trong những tháng tới, đặc biệt sẽ tăng mạnh dịp Tết Nguyên đán, mà người chăn nuôi vẫn chưa tái đàn mạnh do dịch vẫn còn, nguồn cung sẽ cạn dần và sốt giá chính là hệ quả.

Thứ ba, việc giá gia cầm quá rẻ thời gian qua một mặt do nguồn cung dư thừa, mặt khác còn do nguồn cung thịt heo vẫn dồi dào. Không những vậy, cũng là thịt heo, nhưng thói quen của người tiêu dùng nước ta là thịt heo nóng (thịt tươi), chứ không phải thịt đông lạnh, nên dù giá rất rẻ nhưng nguồn thịt nhập khẩu cũng ít có chỗ đứng trong thị trường VN.

Tóm lại, việc giá thịt heo hiện bắt đầu tăng mạnh trong ngắn hạn ở VN có nhiều khả năng là tác động lan tỏa tâm lý ngày càng mạnh từ thị trường TQ, còn sốt giá thực sự do cung - cầu căng thẳng vì dịch bệnh sẽ là vấn đề của dài hạn, và phải ở mức độ thấp hơn so với thị trường khổng lồ láng giềng.■

Nguy cơ lạm phát

Cuộc khủng hoảng giá thịt heo ở Trung Quốc che giấu một nguy cơ khác còn lớn hơn: gia tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và lạm phát.

Theo số liệu của Cục Thống kê nhà nước TQ, chỉ số lạm phát hàng tiêu dùng của nước này đã đạt mức đỉnh trong gần 8 năm vào tháng trước, khi tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. CPI 3,8% của tháng 10-2019 không chỉ là cao nhất kể từ tháng 1-2012, mà cũng cao hơn hẳn mức lạm phát mục tiêu của chính phủ năm nay là 3%.

Không khó hiểu, lạm phát tăng chủ yếu do giá thịt heo tăng, ở mức 101,3% vào tháng 10 so với cùng kỳ 2018, góp phần vào 23,35% mức tăng giá với gói hàng thực phẩm trong rổ CPI. Bất chấp những nỗ lực tổng lực của chính quyền, việc thiếu một loại văcxin ngừa dịch tả heo châu Phi hữu hiệu khiến không có cách nào dễ dàng và nhanh chóng để tăng nguồn cung thịt heo.

Nhập khẩu thêm cũng không phải là giải pháp, không chỉ vì nhu cầu ngừa dịch, mà còn bởi thực tế TQ hiện là nước nhập khẩu thịt heo lớn nhất thế giới rồi, nơi tiêu thụ hơn một nửa lượng thịt heo xuất khẩu toàn cầu.

Giá cả được dự báo còn tăng hơn nữa trong dịp Tết âm lịch sắp tới. Nomura Global Economics dự báo CPI TQ sẽ tiếp tục tăng ở mức 4,6% vào tháng 11 và đạt đỉnh 6% vào tháng 1-2020, tháng diễn ra Tết âm lịch.

Giá thịt heo leo thang còn gây ra rủi ro “lạm phát tràn”, tạo áp lực tăng giá lên các hàng hóa thay thế như thịt gà, bò hay cừu. Nếu loại trừ lạm phát do giá thịt heo, CPI của TQ thực ra vẫn khá thấp, với mức tăng so với năm ngoái là 1,4% và tăng hằng tháng chỉ khoảng 0,1%. Riêng giá thịt heo tăng, chưa kể hiệu ứng “lạm phát tràn”, đã chiếm 2,4 điểm phần trăm của CPI.

Nếu lạm phát quả thật cao hơn mức mục tiêu 3%, đây sẽ là thời điểm không tốt chút nào với kinh tế TQ. Mức tăng trưởng GDP 6% giai đoạn quý 3-2019 đã là thấp nhất kể từ khi chính quyền công bố số liệu đó vào quý 1-1992. Và mức tăng trưởng 6% còn có ý nghĩa là một rào cản tâm lý - chính trị rất quan trọng với chính quyền Bắc Kinh. Rất rõ ràng là thịt heo ở đây không chỉ là thịt heo nữa.

LOAN PHƯƠNG

Bạn đang đọc trong chuyên đề "BIẾN ĐỘNG GIÁ THỊT HEO: ĐI TÌM LỜI GIẢI"