Nước sạch cho dân: giữa nhà nước và tư nhân

Tuổi Trẻ Cuối Tuần

Thị trường cung cấp nước sạch ở thủ đô hiện như thế nào? Nhà nước vẫn còn nắm giữ những gì và đã giao những gì cho tư nhân? Năng lực kiểm soát rủi ro của cả nhà nước và tư nhân với loại hàng hóa thiết yếu này như thế nào? Và những trắc trở của công cuộc đầu tư một mạng lưới nước sạch vừa cung ứng tốt, tiết kiệm, lại vừa mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư ra sao? Ý kiến của những chuyên gia kinh tế và môi trường trong lĩnh vực hết sức nhạy cảm này như thế nào? Tất cả những câu hỏi đó không thể khôn

Dân không thể chọn nhà cung cấp nước sạch theo ý mình

HỒNG VÂN ghi 31/10/2019 21:10 GMT+7

TTCT - Sau sự cố đổ dầu thải vào nguồn nước uống vừa xảy ra ở Nhà máy nước mặt Sông Đà, TTCT đã phỏng vấn bà Anke Verheij - quản lý dự án của Tổ chức Vitens Evides International - Vei (Hà Lan) - đơn vị có nhiều kinh nghiệm về nước sạch tại Việt Nam từ năm 2008.

Bà Anke Verheij. Ảnh: NVCC
Bà Anke Verheij. Ảnh: NVCC

Thưa bà, Việt Nam cần làm gì để hướng tới mục tiêu: mọi người dân có thể uống nước trực tiếp từ vòi như ở nhiều nước phát triển khác?

- Để đảm bảo chất lượng nước từ nguồn nước đến vòi ở từng gia đình, chúng ta cần xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn nguồn nước. Tổ chức Y tế thế giới khuyến khích các nước xây dựng kế hoạch này và áp dụng tất cả các khâu trong toàn bộ hệ thống cung cấp nước, từ đầu nguồn tới các hộ gia đình.

Theo đó, nước phải đảm bảo an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn quy định. Kế hoạch phải có phương án đánh giá rủi ro và quản lý rủi ro. Nguồn nước uống lộ thiên luôn tiềm ẩn các yếu tố rủi ro về chất lượng nước, do đó, cần có các bước để giảm thiểu rủi ro này.

Ngoài ra, phải có quy trình ứng phó khẩn cấp trong trường hợp chất lượng nước không đáp ứng tiêu chuẩn. Ví dụ, ở Hà Lan, khi xảy ra ô nhiễm vi sinh đối với nguồn nước uống, sẽ có một quy trình gửi tin nhắn đến tất cả khách hàng trong khu vực bị ảnh hưởng với nội dung họ cần đun sôi nước trước khi uống.

Ngoài ra, chúng tôi cung cấp thông tin cảnh báo tương tự rộng rãi trên mạng xã hội, các phương tiện truyền thông, đài phát thanh và truyền hình...

Một khâu khác trong kế hoạch an toàn nước uống là giám sát chất lượng nước. Để đảm bảo chất lượng nước, chúng ta phải theo dõi chỉ số vi sinh (như E.coli, enterococci) trong nước đã qua xử lý hằng ngày và theo dõi liên tục các chỉ số hóa chất tại nguồn.

Để thực hiện điều này, cần có hệ thống cảnh báo sớm sinh học (biomonitor), giám sát độ đục, nồng độ oxy, pH và nhiệt độ, dẫn suất, và đánh giá chất lượng hóa học của nước hằng ngày hoặc hằng tuần về các thông số như mùi, vị, dư lượng thuốc trừ sâu, kim loại nặng, các chất bụi siêu nhỏ...

Đối với hồ cấp nước lộ thiên, có nên hạn chế sự tiếp cận của dân chúng hoặc vật nuôi để đảm bảo an ninh nguồn nước?

- Ở Hà Lan, các hồ chứa lộ thiên trong khu vực đầu nguồn nước là khu vực hạn chế công chúng, nếu không được phép, người dân không được ra vào. Khu vực hồ chứa có lực lượng an ninh chính thức bảo vệ liên tục.

Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng tôi cũng có thể ngăn người dân vào khu vực này, nhất là những người câu cá. Vì vậy, ở cuối hệ thống hồ chứa, chúng tôi thiết kế một hệ thống quan trắc sinh học (từ động vật nhuyễn thể, thân mềm có hai mảnh vỏ như vẹm, nghêu) để liên tục chỉ thị về chất lượng nước bên cạnh các biện pháp kiểm tra trực tuyến về độ đục, nhiệt độ, pH và clo.

Hồ nước lộ thiên ở tỉnh Saskatchewan, Canada. Chất lượng nước mặt của các hồ trong tỉnh được giám sát bởi 24 trạm quan trắc để bảo vệ 11 nguồn nước của địa phương. Ảnh: Saskatchewan.ca
Hồ nước lộ thiên ở tỉnh Saskatchewan, Canada. Chất lượng nước mặt của các hồ trong tỉnh được giám sát bởi 24 trạm quan trắc để bảo vệ 11 nguồn nước của địa phương. Ảnh: Saskatchewan.ca

Làm sao nhà chức trách/người dân có thể tham gia kiểm tra, giám sát chất lượng nước của các công ty cấp nước?

- Người dân ở khu vực nào chỉ có thể mua nước sinh hoạt từ nhà máy nước phụ trách khu vực đó, điều này áp dụng ở khắp nơi trên thế giới. Tôi chưa thấy ở đâu người dân có thể chọn nhà cung cấp nước theo ý mình.

Theo tôi, công ty cấp nước là bên có trách nhiệm giám sát và chịu trách nhiệm về chất lượng nước. Cơ quan quản lý sẽ kiểm tra để đảm bảo việc giám sát chất lượng nước có được thực hiện đúng như những gì đã được phê duyệt và cam kết hay không. Ở Việt Nam, theo tôi biết Bộ Y tế cũng có kiểm tra chất lượng nước để đảm bảo chất lượng nước đạt tiêu chuẩn.

Làm sao để tránh tình trạng dân kêu, báo chí vào cuộc thì công ty cấp nước mới lên tiếng như trường hợp đã xảy ra ở Nhà máy nước mặt Sông Đà?

- Trong kế hoạch an toàn nước uống, công ty cấp nước phải có phương án ứng phó trong tình huống khẩn cấp. Quy trình bao gồm các bước hành động khác nhau như thông báo cho khách hàng về sự cố.

Đầu tiên, thông báo khách hàng ngưng sử dụng nước cho đến khi có kết quả nghiên cứu, phân tích về chất gây ô nhiễm nguồn nước và các rủi ro sức khỏe có thể xảy ra. Sau khi có thêm thông tin, các biện pháp nghiêm ngặt này có thể giảm dần mức độ phù hợp với tình huống cụ thể.

Luật về nước uống của Hà Lan buộc các công ty cấp nước phải có kế hoạch ứng phó khẩn cấp trong trường hợp nhà máy xử lý nước gặp sự cố hoàn toàn.

Các công ty cấp nước buộc phải có phương án dự phòng khác để cung cấp cho mỗi khách hàng trong khu vực bị ảnh hưởng 3 lít nước uống mỗi ngày tại các điểm phân phối khác nhau được mô tả trong kế hoạch ứng phó với rủi ro khẩn cấp. Việc phân phối nước khẩn cấp nói trên được diễn tập thường xuyên để có thể cung cấp nước hiệu quả khi cần thiết.

Rõ ràng để đảm bảo chất lượng nước uống, không thể có cách tiếp cận đơn ngành mà phải là cách tiếp cận toàn diện và đa ngành. Bà có thể chia sẻ ví dụ nào Việt Nam có thể học tập trong việc này?

- Đúng là không thể nâng cao chất lượng nước nếu không giải quyết các vấn đề liên quan, đặc biệt như xử lý nước thải, chất thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp. Điều quan trọng là chất lượng nước thải sau xử lý phải được kiểm tra và kiểm soát chặt chẽ trước khi được trả lại cho môi trường.

Ở Hà Lan, việc trả lại nước thải đã qua xử lý của mọi ngành công nghiệp cũng như nước thải sinh hoạt của thành phố phải có giấy phép của cơ quan chức năng phụ trách chất lượng nước bề mặt. 

Việc xả nước thải đã qua xử lý phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về chất lượng nước dùng cho các mục đích môi trường và các chức năng phục vụ khác nhau như nước ở khu vui chơi, giải trí, nước để sản xuất nước uống.

Đối với nguồn nước để sản xuất nước uống, chúng tôi có các quy định riêng để ngăn ngừa các sự cố có thể ảnh hưởng chất lượng nước. Các công ty cấp nước có liên hệ chặt chẽ với các ủy ban nước, đơn vị chịu trách nhiệm xử lý nước thải sinh hoạt và với các cơ quan chức năng khác phụ trách chất lượng nước.

Toàn bộ dữ liệu về chất lượng nước được chia sẻ rộng rãi với những ai quan tâm. Sự sẵn sàng hợp tác của các bên đã tăng lên kể từ khi chúng tôi có một số sự cố lớn liên quan đến rò rỉ hóa chất xảy ra trong quá khứ.

Xin cảm ơn bà!

Biển truyền thông kêu gọi người dân bảo vệ nguồn nước “vì tất cả chúng ta” của Hiệp hội quản lý đầu nguồn Assiniboine được đặt tại nhiều nơi ở Canada. Ảnh: Assiniboine Watershed
Biển truyền thông kêu gọi người dân bảo vệ nguồn nước “vì tất cả chúng ta” của Hiệp hội quản lý đầu nguồn Assiniboine được đặt tại nhiều nơi ở Canada. Ảnh: Assiniboine Watershed

Ông Scott West (giám sát nhà máy xử lý nước ở Clarenville, tỉnh Newfoundland and Labrador, Canada):

Đánh giá mức độ rủi ro của các hoạt động dân sinh quanh nguồn nước

Quản lý lưu vực đầu nguồn nước bao gồm việc lập bản đồ chi tiết về cao trình của khu vực, thông tin về các dòng chảy để nắm rõ nước chảy vào hồ chứa đầu nguồn đến từ đâu. 

Trong điều kiện lý tưởng, tôi cho rằng không hoạt động nào được phép diễn ra ở khu vực đầu nguồn nước uống và khu vực này phải được bảo vệ nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, điều này rất khó thực hiện triệt để trên thực tế vì diện tích rộng lớn của khu vực hồ chứa. Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro, nhà máy nước sẽ lập danh sách phân loại và đánh giá mức độ rủi ro của các hoạt động cụ thể khác nhau bằng công cụ đánh giá rủi ro.

Rủi ro nghiêm trọng thì phải tránh tuyệt đối. Rủi ro trung bình cần thêm các bước để đảm bảo tác động của hoạt động sẽ không gây hại hoặc gây ra thay đổi đến chất lượng nước. Hoạt động có rủi ro thấp hoặc không có rủi ro thì cần theo dõi để đảm bảo an toàn cho nguồn nước.

Công ty cấp nước cần hiểu rõ các đặc điểm “đặc trưng bình thường” của nguồn nước và chất lượng nước vì như thế, chỉ cần một thay đổi nhỏ trong chất lượng nước sẽ cho bạn hiểu điều gì có thể đã xảy ra.

Tại nhà máy nước nơi tôi làm việc, chúng tôi kiểm tra mỗi 2 giờ các thông số như màu sắc, độ đục, độ pH và nhiệt độ. Ngoài ra, chúng tôi tuần tra khu vực đầu nguồn càng nhiều càng tốt để phát hiện hoạt động không được phép trong khu vực.

Nhà chức trách sẽ giám sát chất lượng nước của nhà máy nước bằng cách tiến hành các xét nghiệm độc lập. Ngoài ra, chúng tôi có luật về an toàn nước uống, công ty cấp nước có trách nhiệm giải trình khi nước không đảm bảo chất lượng.

Những yếu tố như thiếu quy định pháp lý, thực thi không nghiêm các quy định đã có, các hoạt động bất hợp pháp, thiếu tập huấn cho nhân viên vận hành nhà máy, giấu giếm sự cố, thiếu hiểu biết về chất lượng nước... đều là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến chất lượng nước ở bất cứ thời điểm nào.

Nhưng nếu có thể khẳng định nhà máy nước chậm thông báo, thậm chí là che giấu sự cố, tôi cho rằng nhà máy phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về các rủi ro và hậu quả liên quan.

Ở Canada, nhà máy nước thường xuyên tổ chức các hội thảo và tập huấn cho đội ngũ. Chúng tôi có số điện thoại để người dân thông báo về các hoạt động bất hợp pháp hoặc đáng ngờ quanh khu vực nguồn nước.

Một khi đã cổ xúy tư nhân hóa, nhà nước phải kiểm soát tốt rủi ro

CẦM PHAN 31/10/2019 01:10 GMT+7

Sự cố cấp nước ở khu vực nam Hà Nội gây bức xúc thời gian qua nêu ra nhiều câu hỏi cơ bản về tính chất của dịch vụ cung cấp nước sạch cho người dân.

Nước sạch là quyền cơ bản của người dân, là hàng hóa thiết yếu, hay chỉ đơn giản là một hàng hóa thương mại như bao hàng hóa khác? Trao những nhà máy nước vào tay tư nhân mang lại những lợi ích gì, và đi kèm là các rủi ro ra sao? Vai trò của Nhà nước thế nào trong toàn bộ mối quan hệ này?

TTCT trao đổi với tiến sĩ kinh tế học Vũ Thành Tự Anh - giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright.

TS Vũ Thành Tự Anh
TS Vũ Thành Tự Anh

Trước hết, xin ông làm rõ thế nào là dịch vụ công ích? Cung cấp nước sạch có phải và có cần được coi là dịch vụ công ích không?

- Dịch vụ công ích là dịch vụ thiết yếu, phục vụ đời sống hằng ngày của quảng đại người dân. Theo định nghĩa này, cung cấp nước sạch hiển nhiên là một dịch vụ công ích (bên cạnh một số dịch vụ công ích khác như điện lực, điện thoại, viễn thông...).

Việt Nam có nên đưa nước sạch vào danh mục “doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên” không, và những hệ quả của điều này là gì?

- Về lý thuyết, dịch vụ cung ứng nước sạch có chi phí trung bình giảm dần theo khối lượng cung ứng (do chi phí đầu tư cố định ban đầu lớn), vì vậy có tính chất “độc quyền tự nhiên”. 

Tuy nhiên, độc quyền tự nhiên này thường chỉ có tính chất địa phương, nghĩa là chi phí trung bình chỉ giảm dần trong chừng mực quy mô cung ứng (hay phạm vi địa lý) nhất định, chứ không thể giảm vô hạn.

Về nguyên tắc, khi một hàng hóa hay dịch vụ có tính chất độc quyền tự nhiên thì Nhà nước có thể can thiệp, thậm chí biến hoạt động cung ứng trở thành độc quyền nhà nước. 

Tuy nhiên, do sự kém hiệu quả vốn có của khu vực công, nên ở một số quốc gia, dịch vụ cung ứng nước sạch được giao cho khu vực tư nhân vận hành, nhưng luôn đi kèm quy định điều tiết và kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng và chi phí “chấp nhận được” (affordable), vì đây là dịch vụ thiết yếu, phục vụ đời sống hằng ngày của tất cả mọi người.

Như vậy, mặc dù có tính chất “độc quyền tự nhiên”, song cung ứng nước sạch không nhất thiết phải đưa vào danh mục độc quyền nhà nước.

Việc tư nhân hóa hoạt động cung cấp nước sạch cần theo những nguyên tắc nào? Rủi ro của tư nhân hóa là gì? Khi giao quyền khai thác một nguồn tài nguyên thiên nhiên như nước - vốn vô cùng thiết yếu, và là một nguồn lực tự nhiên - cho khu vực tư nhân, đâu là trách nhiệm của Nhà nước trong kiểm soát giá cả, chất lượng, sự an toàn và độ sẵn có của dịch vụ, cũng như đảm bảo an ninh nước sạch?

- Rủi ro của hoạt động cung cấp nước sạch bao gồm nguồn cung không ổn định dẫn tới thiếu nước, vận hành và quản lý hệ thống nước kém hiệu quả, cơ sở hạ tầng không đầy đủ, chất lượng nước thấp hay thậm chí ô nhiễm nguồn nước, cạnh tranh giữa các mục đích sử dụng khác nhau, và giá cao làm hạn chế sự tiếp cận của người nghèo.

Có thể thấy dù độc quyền nhà nước hay tư nhân vận hành thì những rủi ro này vẫn luôn tồn tại, sự khác nhau nếu có nằm ở mức độ cũng như khả năng quản lý rủi ro - đây chính là nơi Nhà nước đóng vai trò then chốt một khi hoạt động cung cấp nước sạch được tư nhân hóa.

Nhà nước có thể kiểm soát những rủi ro kể trên bằng nhiều cách. Chẳng hạn như để đảm bảo chất lượng của hệ thống cơ sở hạ tầng cấp nước, 

Nhà nước có thể đưa ra những chỉ tiêu kỹ thuật buộc công ty tư nhân tuân thủ, hoặc thậm chí sở hữu luôn hệ thống cơ sở hạ tầng này (cũng như nguồn nước) và chỉ để khu vực tư nhân đảm nhận việc vận hành.

Để kiểm soát giá cả, Nhà nước cũng có thể có nhiều biện pháp. Một cách là Nhà nước sẽ điều tiết tỉ lệ lợi nhuận của công ty độc quyền cung ứng nước. 

Cụ thể là Nhà nước xem xét các chi phí của công ty, và các chi phí không hợp lý sẽ được điều chỉnh, thậm chí loại bỏ. Trên cơ sở mức chi phí hợp lý này, Nhà nước cho phép công ty cộng thêm một tỉ lệ lợi nhuận “công bằng”.

Cách thứ hai là Nhà nước đấu thầu quyền cung ứng nước sạch, và công ty nào đưa ra mức giá thấp nhất (tất nhiên là phải đảm bảo tất cả các điều kiện khác về chất lượng, sự ổn định...) sẽ được giao quyền vận hành trong một thời gian xác định.

Cách thứ ba là Nhà nước đưa ra mức giá trần, được điều chỉnh theo thời gian (chẳng hạn căn cứ vào mức độ lạm phát) để phản ánh thay đổi trong chi phí vận hành.

Cách thứ tư - cách ít tính thị trường nhất - là Nhà nước ấn định luôn mức giá bán buộc công ty cung ứng nước sạch phải tuân thủ.

Nói tóm lại, trước khi quyết định tư nhân hóa dịch vụ cung ứng nước sạch, Nhà nước cần đánh giá một cách cẩn trọng lợi ích và chi phí của việc tư nhân hóa này, và chỉ tư nhân hóa nếu lợi ích lớn hơn chi phí.

Sau đó, một khi dịch vụ này được tư nhân hóa, Nhà nước có trách nhiệm điều tiết hoạt động có tính độc quyền tự nhiên để đảm bảo quyền lợi của người dân, nhất là đối với dịch vụ công thiết yếu như nước sạch.

Ảnh: un.org
Ảnh: un.org

Nếu cứ để tư nhân hóa như đang diễn ra, cần tới những thiết chế giám sát và giải trình nào cho công chúng? Hiện nay, các công ty cung cấp nước sạch tư nhân có niêm yết trên sàn chứng khoán chỉ mới hoàn tất báo cáo trước cổ đông của họ...

- Vì dịch vụ cung ứng nước sạch - dù do Nhà nước hay tư nhân độc quyền cung ứng - có tính thiết yếu và không thể thay thế nên việc hình thành các cơ chế giám sát và giải trình cho công chúng là hết sức cần thiết. 

Những cơ chế này nên đa dạng và được thực hiện ở nhiều cấp độ để tạo ra hiệu lực và sức mạnh tổng hợp cao nhất.

Ngày nay, trách nhiệm xã hội đã trở thành một tiêu chí quan trọng để đánh giá một doanh nghiệp. 

Nếu bản thân doanh nghiệp cung ứng nước thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình thì sự cần thiết của những cơ chế giám sát và giải trình cũng sẽ nhẹ đi.

Tất nhiên, chúng ta cũng không thể dựa hoàn toàn vào trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, mà phải xây dựng những cơ chế giám sát và giải trình cho công chúng, đặc biệt là người sử dụng dịch vụ, độc lập với doanh nghiệp. Về mặt lý thuyết, các cơ chế này được chia thành hai nhóm, trực tiếp và gián tiếp.

Cơ chế giám sát và giải trình gián tiếp vận hành thông qua Nhà nước - tức công ty cung ứng nước sạch có trách nhiệm giải trình trước chính quyền địa phương, còn chính quyền địa phương có trách nhiệm giải trình trước công chúng. 

Bên cạnh các biện pháp điều tiết như đã thảo luận, Nhà nước có thể yêu cầu công ty minh bạch thông tin về kết quả hoạt động cũng như cung cấp thông tin theo yêu cầu của khách hàng. 

Nhà nước cũng có thể tạo ra các cơ chế đối thoại và tham vấn giữa công ty và đại diện của người tiêu dùng, chẳng hạn thông qua hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hay thông qua những cơ chế đại diện khác của người dân.

Thậm chí, trong hợp đồng giữa Nhà nước và công ty cung ứng nước sạch, Nhà nước có thể đưa vào điều khoản cho phép đại diện của chính quyền địa phương tham gia các cuộc họp và quá trình ra quyết định liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người sử dụng nước sạch. 

Và tất nhiên, chính quyền luôn ở vị trí đưa ra tối hậu thư chấm dứt hợp đồng với công ty cung ứng nước nếu công ty này không thực hiện đúng cam kết và nghĩa vụ ghi trong hợp đồng.

Cơ chế giám sát và giải trình trực tiếp được thực hiện bởi bản thân người sử dụng dịch vụ nước sạch, tất nhiên là với sự hỗ trợ của chính quyền.

Một cách là chính quyền yêu cầu công ty cung ứng nước khảo sát ý kiến của khách hàng theo định kỳ, đồng thời lấy chỉ số đo lường mức độ hài lòng của khách hàng như một KPI (tức key performance indicator: chỉ số đánh giá hiệu quả thiết yếu) quan trọng để đánh giá hoạt động của doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông■

Chính quyền cần hậu thuẫn người dân khi quyền và lợi ích của họ bị xâm phạm. Lấy ví dụ cụ thể trong sự cố vừa rồi của Nhà máy nước Sông Đà, người dân có quyền khiếu nại, thậm chí khởi kiện và yêu cầu công ty cung ứng nước bồi thường thiệt hại khi công ty này không thực hiện đúng khế ước với người sử dụng.

Ứng phó ô nhiễm nguồn nước nhìn từ nước Mỹ

TRƯỜNG SƠN 30/10/2019 22:10 GMT+7

TTCT - Trong dòng thời sự của sự cố nước sạch sông Đà nhiễm bẩn ở Việt Nam, câu chuyện hệ thống cấp nước sinh hoạt cho dân bị nhiễm chì ở hai thành phố Mỹ, Flint và Newark, là trường hợp đáng tham khảo, nhất là ở cách chính quyền xử lý vụ việc và cách những người dân bị ảnh hưởng đòi quyền lợi cho mình.

Khủng hoảng nước ở Flint. Ảnh: instagram/vincentillustrator
Khủng hoảng nước ở Flint. Ảnh: instagram/vincentillustrator

Cần nói ngay cả hai sự cố ở Mỹ đều là do đường ống dẫn nước bị gỉ sét, khác với nguyên nhân nguồn nước bị làm bẩn vì nhiễm dầu (do đổ trộm) của cấp nước Sông Đà. Tuy sự cố xảy ra ở hai khu vực khác nhau trong hệ thống cấp nước, người sử dụng nước là người chịu hậu quả cuối cùng, không chỉ những bất tiện khi bị cắt nước mà còn các rủi ro sức khỏe do nước bẩn gây ra.

Khủng hoảng kéo dài nhiều năm

Nhà máy xử lý nước cung cấp cho thành phố Flint (bang Michigan) vẫn dùng nguồn nước chính từ hồ Huron cho đến năm 2014, khi chính quyền quyết định chuyển sang dùng nước từ sông Flint. Tuy nhiên, không lâu sau sự thay đổi đó, người dân bắt đầu phản ảnh nước uống của họ có mùi rất tệ, vị như kim loại, và gây mẩn ngứa trên da.

Kết quả kiểm tra mẫu nước do Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) năm 2015 cho thấy nồng độ chì trong nước sinh hoạt của người dân Flint cao đến mức nguy hiểm. Theo New York Times, dù đã đổi nguồn nước, nhà máy xử lý vẫn sử dụng các quy trình áp dụng cho nguồn nước cũ.

Cụ thể, các quan chức Flint đã không áp dụng thêm các biện pháp kiểm soát ăn mòn vào nước sông Flint trong quá trình xử lý. Vì không có chất này, chì từ đường ống dẫn chính (nối từ nguồn nước đến nhà máy) bị rỉ và lẫn vào trong nước. Phần nước được xử lý không đúng cách này khi được cấp cho các hộ dân lại tiếp tục làm đường ống (vốn cũng làm bằng chì) ăn mòn và tăng nồng độ chì trong nước.

Người có hàm lượng chì trong máu cao có thể ảnh hưởng đến tim, thận và hệ thần kinh. Đối với trẻ em, chì có thể làm khiếm khuyết nhận thức, rối loạn hành vi, ảnh hưởng thính lực và gây ra dậy thì muộn.

Ngày 25-4 năm nay, New York Times có bài “kỷ niệm” 5 năm từ khi Flint thay đổi nguồn nước và dẫn đến sự cố nhiễm bẩn trên, chỉ để nhấn mạnh hệ quả của cuộc khủng hoảng vẫn còn, bất chấp nhiều quan chức, bao gồm cả thị trưởng Flint, đã “ra đi” vì bê bối này và nhiều năm trời nỗ lực khắc phục hậu quả.

Cho đến tháng 4-2019, tân thị trưởng Karen Weaver, người lên thay người tiền nhiệm phải từ chức vì bê bối, vẫn khuyên người dân chỉ nên uống nước đóng chai hoặc đã qua vòi lọc. Trong khi đó, tờ Guardian của Anh hồi tháng 9 đã có bài phóng sự mô tả một khủng hoảng nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn khác ở thành phố Newark (bang New Jersey), được cho là “Flint thứ hai” của nước Mỹ.

Phần mở đầu của bài báo có thể khiến những người Hà Nội vừa trải qua đợt khủng hoảng “cắt nước vô thời hạn” hồi tuần trước rùng mình: “Đó là một buổi chiều tháng 8 oi bức ở Newark, xe hơi đỗ thành hàng dài trước trung tâm giải trí Boylan Street.

Thường thì đây là xe của phụ huynh chở con cái đến để tranh thủ những ngày hè cuối cùng vui thú trong bể bơi hay chơi bóng rổ hoặc tennis. Nhưng những người này đang đến đây vì một lý do khác. Trung tâm này đã được trưng dụng làm nơi tập trung phân phát nước uống”.

Trong mỗi đợt phân phát như thế, những người có giấy tờ chứng minh là công dân Newark sẽ nhận được 2 két, mỗi két gồm 24 chai nước 500ml. Mỗi “hộ khẩu” được 2 két, bất kể gia đình có bao nhiêu nhân khẩu.

Nguồn cấp nước sinh hoạt ở Newark được phát hiện nhiễm chì khi thành phố tiến hành cuộc kiểm tra mẫu nước thường niên vào tháng 3-2016. Ngay sau khi có kết quả kiểm tra, thành phố đã ngưng cung cấp nước uống cho 30 trường công trong địa bàn.

Theo Business Insider, kết quả kiểm nghiệm mẫu nước ở Newark vào năm 2017 và 2018 đều có nồng độ chì vượt ngưỡng cho phép của EPA là 15ppb (phần tỉ). Trong khi đó, đợt kiểm tra từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay cho kết quả hơn gấp 3 lần ngưỡng cho phép.

Từ năm 2018, chính quyền Newark đã phải phát các hệ thống lọc gắn vào vòi cho người dân Newark để đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt. Trớ trêu thay, chính quyền sau đó thừa nhận các bộ lọc này hoạt động không hiệu quả, buộc EPA phải yêu cầu thành phố chuyển sang phát nước đóng chai cho dân, không được đụng đến nguồn nước sinh hoạt nữa.

Bộ lọc nước hoạt động không hiệu quả đồng nghĩa với việc hàng ngàn người, bao gồm cả trẻ em, có thể đã phải uống hoặc nấu nướng bằng nước ô nhiễm chì trong nhiều tháng liền, theo Guardian.

“Tôi không biết mình đã “dính” phải nước nhiễm chì được bao lâu rồi - Kelvin Watts, một cư dân Newark 53 tuổi, nói với Guardian khi đang chờ nhận nước đóng chai - Thật điên rồ và tồi tệ khi bạn nghĩ rằng mình an toàn (khi dùng nước sinh hoạt được cấp) trong khi chì thật ra đã nhiễm vào cơ thể bạn”.

Người dân xếp hàng chờ lấy nước đóng chai ở Newark. Ảnh: New York Times
Người dân xếp hàng chờ lấy nước đóng chai ở Newark. Ảnh: New York Times

Con kiến có kiện củ khoai?

Không phải vô cớ mà vụ việc ở Newark được gọi là “Flint thứ hai”. Theo Guardian, ngoài có cùng nguyên nhân ô nhiễm nguồn nước là rò rỉ chì từ đường ống dẫn, chính quyền địa phương ở cả hai vụ khủng hoảng đều được cho là phản ứng chậm và có phần che giấu vấn đề, chối bỏ trách nhiệm.

Chính quyền Newark ban đầu cho biết việc mẫu nước lấy từ nhà dân cho kết quả bị nhiễm chì là do ống dẫn nước vào nhà họ bị ăn mòn, chứ nguồn nước cung cấp cho dân hoàn toàn sạch và đảm bảo chất lượng.

Chính quyền sở tại hùng hồn khẳng định trên trang web của thành phố rằng “nước ở Newark tuyệt đối an toàn để uống và KHÔNG bị nhiễm chì”. Tuy nhiên, khi kiểm tra Nhà máy xử lý nước Pequannock, sự thật mới bị phanh phui rằng nhiều quy trình xử lý tại đây không hoạt động.

Tháng 10-2018, chính quyền Newark mới thừa nhận cả nhà máy xử lý nước lẫn đường ống cấp nước đều có vấn đề. Thành phố bắt đầu cung cấp bộ lọc nước gắn vòi cho khoảng 40.000 dân trong khi chờ thay đường ống bị ảnh hưởng và áp dụng quy trình xử lý ăn mòn mới tại Nhà máy xử lý nước Pequannock.

Cư dân cả hai thành phố đa số là người Mỹ gốc Phi, và nhiều hộ sống dưới ngưỡng nghèo khó. Điểm tương đồng khác trong vụ việc ở Flint và Newark là người dân đều tiến hành nhiều vụ kiện tập thể để buộc chính quyền và các quan chức có liên quan, ở cả cấp thành phố lẫn bang, phải chịu trách nhiệm.

Người dân bị ảnh hưởng ở Flint đòi được khắc phục hậu quả bằng bồi thường tiền mặt cho chi phí bỏ ra để điều trị ngộ độc chì, và hoàn trả tiền nước mà họ đã đóng, trong khi một nhóm các giáo viên ở Newark và Hội đồng Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên (NRDC) khởi kiện chính quyền thành phố và bang New Jersey vì vi phạm luật liên bang vốn bắt buộc các chính quyền địa phương phải thay thế ống dẫn nước, thông tin cho công chúng và xử lý ăn mòn nếu phát hiện có nồng độ chì trong nước cao.

NRDC cũng là một trong các tổ chức phi lợi nhuận có đơn kiện Flint vì lý do tương tự, theo Guardian. Theo New York Times, tính đến tháng 4-2019, 15 quan chức trong chính quyền Flint và bang Michigan đã bị khởi tố hình sự vì biết nguy cơ nước nhiễm bẩn nhưng không cảnh báo để người dân biết, cũng như đặt lợi ích kinh tế (thay nguồn nước là để tiết kiệm chi phí) lên trên sự an toàn của nước sinh hoạt.

Thế nhưng, 5 năm sau khi xảy ra sự cố, chưa có ai bị bỏ tù. Các vụ kiện ở cả Flint và Newark vẫn đang trong trạng thái chờ.■

Điều tích cực duy nhất sau sự cố ở Flint chính là EPA đã nhân khủng hoảng này mà công bố các quy định mới, áp dụng cho toàn nước Mỹ, nhằm giảm nguy cơ người dân bị nhiễm chì từ nước uống.

Các quy định mới, công bố hôm 10-10 nhằm thay thế các nội quy đã tồn tại hơn 20 năm, yêu cầu các hệ thống cung cấp nước uống trên toàn quốc phải chủ động rà soát hệ thống ống dẫn bằng chì trong địa bàn và thay thế khi cần thiết, tránh để dân bị nhiễm chì. Quy định mới cũng yêu cầu các hệ thống cấp nước phải áp dụng cùng quy trình kiểm tra nước tại vòi và phải báo cho khách hàng trong vòng 24 tiếng nếu phát hiện nồng độ chì trong nước vượt mức cho phép (15ppb).

Ngày 21-7, các nhà máy xử lý nước SSP 1, 2, 3 và Rantau Panjang, đều lấy nước từ sông Sungai Selangor (Malaysia), phải tạm dừng hoạt động vì nước có mùi khó chịu, khiến hơn 1 triệu người dân bị cúp nước bất ngờ.

Theo báo The Star (Malaysia), cơ quan chức năng sau đó bắt hai người nghi làm đổ dầu diesel ra một nhánh của sông Sungai Selangor, cách Nhà máy SSP 2 khoảng 6km. The Star cho biết làm nguồn nước bị ô nhiễm là một tội hình sự ở Malaysia.

Báo chí Malaysia ban đầu mô tả có dấu hiệu cố tình đổ chất thải xuống sông, song sang tháng 8, tờ The Malaysian Reserve dẫn lời cảnh sát cho biết không có dấu hiệu phá hoại, mà nguyên nhân vụ việc là do bất cẩn của công nhân ở các công ty được nhà nước giao dọn dẹp sông Sungai Selangor.

Một câu chuyện khác về xã hội hóa cấp nước sạch

QUANG KHẢI 29/10/2019 22:10 GMT+7

TTCT - Trong khi các dự án xây dựng các nhà máy nước đều ăn nên làm ra, khiến nhiều doanh nghiệp quan tâm, lĩnh vực đầu tư mạng lưới, phân phối và chống thất thoát nước tại TP.HCM lại rất ì ạch trong nhiều năm qua, nhiều dự án lỗ, đối diện nguy cơ “chết đứng”.

Công nhân Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn lắp đặt đường ống cung cấp nước sạch cho người dân huyện Củ Chi. Ảnh: QUANG KHẢI
Công nhân Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn lắp đặt đường ống cung cấp nước sạch cho người dân huyện Củ Chi. Ảnh: QUANG KHẢI

Mỗi năm lỗ 140 tỉ đồng

Sau khi TP.HCM có chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư mạng lưới, phân phối, từ năm 2015, Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn (Saigon Water) đã đầu tư mạng lưới đường ống cấp nước, phân phối cho toàn bộ người dân trên địa bàn huyện Củ Chi.

Theo ông Nguyễn Văn Thành - tổng giám đốc Saigon Water, đến nay doanh nghiệp này đã bỏ ra hơn 2.000 tỉ đồng đầu tư hàng ngàn kilômet đường ống, gắn hơn 85.000 đồng hồ nước.

Do địa bàn huyện Củ Chi rộng nên chi phí đầu tư đường ống lớn. Vấn đề là khoảng 30% người dân dẫu vẫn lắp đặt đồng hồ nhưng không sử dụng nước sinh hoạt, không ít hộ chỉ dùng một lượng nước rất thấp, ít hơn 4m3/tháng...

Vì vậy theo ông Thành, đơn vị này đang lỗ hơn 10 tỉ đồng/tháng. “Mấy năm nay, mỗi năm chúng tôi lỗ khoảng 140 tỉ đồng. Nếu không có các chính sách hỗ trợ, chúng tôi không biết có thể duy trì việc cấp nước sạch cho người dân sau năm 2021 hay không” - ông Thành nói.

Theo ông Thành, Saigon Water đã kiến nghị cơ quan chức năng hỗ trợ bằng cách “chuyển giao việc cấp nước” cho 4 khu công nghiệp lớn trên địa bàn Củ Chi sang công ty ông, gồm: Khu công nghiệp Tây Bắc, Khu công nghiệp Đông Nam, Khu công nghiệp Tân Phú Trung, Khu công nghiệp Hòa Phú.

Nhưng các đơn vị trên vẫn đang sử dụng nước giếng do họ tự xử lý hoặc được các đơn vị khác cấp nước mà không phải là Saigon Water.

“Nếu không được chuyển giao lại việc cấp nước cho các khu công nghiệp trên, có khả năng Saigon Water không duy trì được hoạt động cấp nước cho khu vực Củ Chi và sẽ đề nghị chuyển giao lại toàn bộ hệ thống cho ngành nước TP tiếp nhận, quản lý” - ông Thành nói.

Một dự án xã hội hóa cấp nước khác đang trong tình trạng “sống dở chết dở” là dự án Nhà máy xử lý nước lợ ở huyện Cần Giờ của Công ty cổ phần Đặng Đoàn Nguyễn. Công trình này có giấy chứng nhận đầu tư 20 năm (từ 2007 - 2027), vốn đầu tư gần 70 tỉ đồng, công suất 5.300m3/ngày (giai đoạn 1), hoàn thành và cấp nước năm 2008 theo chủ trương xã hội hóa của TP.HCM.

Tuy nhiên, khi dự án hoàn thành khoảng 1 năm thì TP.HCM triển khai dự án đưa đường ống cấp nước sạch vượt sông cung cấp cho toàn bộ khu vực Cần Giờ. Dự án xã hội hóa này chết dần bởi cả hai nguyên nhân: trục trặc trong khâu xử lý, chất lượng nước và động tác đầu tư đường ống, phát triển mạng lưới sớm hơn kế hoạch của TP.HCM.

Nhà máy nước sạch này hiện đã ngưng hoạt động, chủ đầu tư đã đề xuất TP.HCM “mua lại”, xem như cách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xã hội hóa từ giai đoạn đầu. Tuy nhiên đến nay, việc mua lại nhà máy nước này vẫn chưa ngã ngũ.

Chống thất thoát nước sạch: không doanh nghiệp nào ham

Giai đoạn 2008 - 2009, tỉ lệ thất thoát nước trên địa bàn TP.HCM ở mức rất cao: 42%. Nghĩa là cứ 1 triệu mét khối nước sạch phát ra, chỉ có khoảng 600.000 khối đến được người sử dụng, số còn lại “rơi rớt” dọc đường, Nhà nước không thể thu được tiền. Sau khi triển khai nhiều giải pháp, gồm cả sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới, giám sát nước online... việc chống thất thoát nước có hiệu quả hơn.

Có thể ví dụ với dự án Chống thất thoát, thất thu nước khu vực 1 của TP.HCM vay Ngân hàng Thế giới 44 triệu USD (kết thúc tháng 6-2013), Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) giảm được 90.000m3/bị thất thoát mỗi ngày đêm (mục tiêu là giảm 125.000m3/thất thoát ngày đêm).

Thời điểm tỉ lệ thất thoát nước ở mức cao, có nhiều nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư nước ngoài cũng muốn tham gia lĩnh vực này. Tuy nhiên, do chưa xây dựng được cơ chế rõ ràng, việc kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân tham gia xã hội hóa gặp nhiều khó khăn, không ít đơn vị xem đây là lĩnh vực “xương xẩu”. Việc đầu tư nguồn nước và bán giá sỉ qua Sawaco, vẫn được coi là “dễ ăn” hơn.

Sau khi các công ty con của Sawaco được cổ phần hóa, Sawaco đã bán nước sạch cho các công ty con qua đồng hồ tổng. Vì vậy, chuyện chống thất thoát nước sạch không còn là việc của công ty mẹ mà là “chuyện sống còn” của các công ty cổ phần.

Bởi thời điểm này, Sawaco chỉ chịu trách nhiệm phần nước thất thoát đến đồng hồ tổng, việc thất thoát nước sau đó (trên hệ thống ống phân phối) do các công ty cổ phần chịu trách nhiệm.

Vì vậy, các công ty cổ phần cấp nước phải tính cách giảm lượng nước thất thoát, điều này đã làm tỉ lệ thất thoát nước nói chung trên toàn hệ thống giảm đáng kể. Các vụ xì bể trên đường ống phân phối được xử lý tức thời chứ không “ầu ơ” như trước.

Lộ trình giảm thất thoát nước giai đoạn 2015 - 2020 mà UBND TP phê duyệt đã yêu cầu: tỉ lệ thất thoát nước đến năm 2020 giảm còn 23%, đến năm 2025 còn 20%. Đến nay, tỉ lệ thất thoát nước sạch trên toàn hệ thống còn khoảng 21 - 22%.

Nếu lấy công suất phát nước thực tế hiện nay là 1,9 triệu m3/ngày đêm, việc giảm thất thoát nước sạch từ 42% còn 21%, tương ứng mỗi ngày đêm có gần 400.000m3 nước sạch không bị mất. ■

Đề xuất tăng giá nước sinh hoạt

Sở Tài chính TP.HCM vừa có tờ trình UBND TP.HCM về điều chỉnh giá nước sinh hoạt trên địa bàn TP lộ trình 2019 - 2022. Theo đó, giá nước năm 2019 sẽ tăng 5,66% so với mức giá hiện nay, từ 5.300 đồng/m3 lên 5.600 đồng/m3 đối với hộ dân cư, riêng hộ nghèo và cận nghèo vẫn giữ nguyên 5.300 đồng/m3.

Sang năm 2020, giá nước sạch bán lẻ sẽ tăng lên 6.000 đồng/m3 đối với hộ dân cư, 5.600 đồng/m3 đối với hộ nghèo và cận nghèo. Năm 2021 là 6.300 đồng/m3 đối với hộ dân cư và 6.000 đồng/m3 đối với hộ nghèo và cận nghèo.

Năm 2022 là 6.700 đồng/m3 đối với hộ dân cư và 6.300 đồng/m3 đối với hộ nghèo và cận nghèo. Giá này chưa bao gồm thuế VAT và áp dụng cho định mức sử dụng đến 4m3/người/tháng. Đối với định mức từ 4-6m3/người/tháng và trên 6m3/người/tháng sẽ có mức giá cao hơn.

Trong đề án, Sở Tài chính vừa trình TP cho biết với việc quyết định giá nước sạch cho các mục đích sử dụng khác, thẩm quyền thuộc Sawaco. Đơn vị này sẽ quyết định giá nước sạch cho các mục đích khác ngoài giá nước sạch cho sinh hoạt phù hợp với phương án giá nước sạch lộ trình 2019 - 2022 đã được UBND TP phê duyệt.

Hiện giá nước kinh doanh - dịch vụ là 16.900 đồng/m3, chưa bao gồm thuế VAT.

Chia nhỏ nguồn cấp nước sạch ở Hà Nội: Nhiều rủi ro?

XUÂN LONG 28/10/2019 22:10 GMT+7

TTCT - Vụ nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải đã gây ra một cuộc “khủng hoảng” thiếu nước sạch chưa từng có ở các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai (Hà Nội). Các chuyên gia cho rằng vấn đề an toàn cấp nước ở Hà Nội hiện nay có nhiều lỗ hổng, chứa đựng nhiều rủi ro khi thị phần nước sạch bị “chia nhỏ”.

Người dân tại khu đô thị Linh Đàm xếp hàng để lấy nước sạch (ảnh chụp ngày 16-10).-Ảnh: Nguyễn Khánh
Người dân tại khu đô thị Linh Đàm xếp hàng để lấy nước sạch (ảnh chụp ngày 16-10).-Ảnh: Nguyễn Khánh

Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, hiện Hà Nội có năm nguồn cấp nước sạch với tổng công suất là 1,37 triệu m3/ngày đêm, cung cấp cho khoảng 5,3 triệu dân tại 12 quận nội thành và các xã ven. Những nguồn nước sạch trên do 7 công ty phân phối đến các hộ dân.

Trao đổi với TTCT, ông Trần Quang Hưng - nguyên phó chủ tịch, kiêm tổng thư ký Hội Cấp nước VN - cho rằng hiện nay vấn đề an toàn cấp nước của Hà Nội chứa đựng nhiều rủi ro. “Điều dễ thấy là những sự cố vừa qua trong hệ thống cấp nước của Hà Nội không phải do ô nhiễm nguồn nước ngầm hay nước mặt mà hoàn toàn do con người tạo ra, từ vỡ đường ống nước, đổ dầu thải vào nguồn nước hoặc do quản lý kém, không biết cách xử lý khi xảy ra sự cố” - ông Hưng nhận định.

Ông Phạm Văn Sơn - giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường VN - cho rằng nếu nhìn rộng ra từ vụ ô nhiễm nước sạch sông Đà, cơ quan quản lý phải thấy có quá nhiều lỗ hổng trong quản lý nguồn nước, chất lượng nước sinh hoạt.

“Không chỉ có nguy cơ xâm nhập nguồn ô nhiễm, nguồn thải độc vào hệ thống nước của các nhà máy, ngay cả trên hệ thống đường ống cấp nước tới nhà dân cũng có nguy cơ bị ô nhiễm” - ông Sơn nêu.

Theo ông Hưng, ở các nước, an ninh trong nhà máy cấp nước rất được coi trọng trong khi ở Hà Nội, việc bảo vệ nguồn nước sạch chưa thống nhất. Nhu cầu nước sạch của người dân rất quan trọng, vì thế việc mua và phân phối nước sạch phải hướng tới vì lợi ích chung của người dân toàn TP.

“Người dân chỉ cần một đường ống cấp nước đến nhà và đường ống đó phải đảm bảo tiêu chuẩn, nguồn nước cung cấp liên tục 24/24 giờ, giá cả phù hợp, đấy mới là điều quan trọng với người dân” - ông Hưng nhận định.

Với 7 đầu mối là các công ty phân phối nước sạch khác nhau ở Hà Nội, thị phần nước sạch đang bị chia nhỏ. Công tác quản lý, vận hành chỉ đơn vị nào biết đơn vị đó. Vì thế, xảy ra sự cố ở nhà máy nào là người dân dùng nước của nhà máy đó bị cắt nước sinh hoạt.

“Nếu quản lý tập trung thì người ta xây dựng hệ thống mạng vòng toàn TP, khu này bị sự cố nguồn nước thì đơn vị quản lý khóa mạng khu vực đó lại và sử dụng nguồn nước khác để thay thế. Như vụ nước sạch sông Đà ô nhiễm ở Hà Nội, khu vực tây nam Hà Nội với 250.000 hộ dân dùng nước của nhà máy này gần như bị cắt nước hoàn toàn.

TP Hà Nội hỗ trợ bằng cách yêu cầu Công ty Nước sạch Hà Nội phải chở bằng xe bồn đến. Tuy nhiên đây là giải pháp thủ công, vì chở đến bao giờ cho đủ nước sạch để người dân dùng?” - ông Hưng phân tích.

Ông Hưng cho rằng quản lý cấp nước theo kiểu phân mảnh với quá nhiều công ty đảm nhiệm, sau sự cố vừa qua đã bộc lộ rất nhiều nguy cơ bất ổn. Đó là hệ thống cấp nước của công ty này không thể cấp nước sang mạng lưới của đơn vị khác ngay khi có sự cố.

Công ty Nước sạch Hà Nội dù là đơn vị ra đời lâu năm, chủ lực của ngành cấp nước Hà Nội nhưng chỉ có thể chỉ đạo được các công ty con, xí nghiệp của mình, mà không chi phối được các công ty cấp nước độc lập khác.

“Cách làm này của Hà Nội không phù hợp với một đô thị phát triển. Khác với TP.HCM là tập trung dịch vụ cấp nước chính cho Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco). Đơn vị này sử dụng nguồn từ các nhà máy của mình và ký hợp đồng mua nước sạch từ các nhà sản xuất khác để phân phối cho toàn TP.

Vì thế Sawaco chủ động trong đầu tư phát triển mạng lưới để cung cấp nước cho dân và các cơ sở sản xuất. Các TP khác trong nước và nước ngoài cũng theo mô hình này vì có lợi cho cả quản lý cũng như người tiêu dùng” - ông Hưng nói.

Nguyên phó chủ tịch Hội Cấp nước VN cho rằng để cấp nước an toàn, dù con người hay thiết bị cũng cần phải kiểm soát được chất lượng nước từ nguồn đến các hộ dân. “Khi đó một đầu mối phân phối nước là rất quan trọng. Vì thế, Hà Nội cần quản lý tập trung dịch vụ cấp nước cho một đơn vị và thiết kế đường ống cấp nước như hệ thống mạng vòng” - ông Hưng nhấn mạnh.

Ông Hưng cũng cho rằng nước sạch là nhu cầu thiết yếu, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vì vậy phải xem đây là dịch vụ công ích, không được coi như mặt hàng thương mại.

“Tại TP.HCM vừa qua cũng đã phải làm lại, siết lại việc cấp nước an toàn, xem lại vấn đề chủ sở hữu - không cổ phần hóa nữa để tập trung thống nhất quản lý về nhà nước, Hà Nội cũng cần làm như vậy” - ông Hưng nhận xét.■

Giám sát chất lượng nước nguồn qua các thiết bị điện tử tại trạm bơm Hòa Phú (Nhà máy nước Tân Hiệp). Ảnh: QUANG KHẢI
Giám sát chất lượng nước nguồn qua các thiết bị điện tử tại trạm bơm Hòa Phú (Nhà máy nước Tân Hiệp). Ảnh: QUANG KHẢI

Cần có Luật cấp nước sạch để xử lý trách nhiệm khi có sự cố

Theo ông Trần Văn Khuyên - chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) - cho biết trước năm 2009, việc cấp nước sạch trên địa bàn TP.HCM chủ yếu dựa vào Nhà máy nước Thủ Đức (công suất 750.000m3/ngày đêm), Nhà máy nước Tân Hiệp (300.000m3/ngày đêm) và Nhà máy nước Bình An (công suất 100.000m3/ngày đêm). Trong đó nhà máy nước Tân Hiệp và Thủ Đức do Sawaco trực tiếp quản lý vận hành. Thị phần về nguồn nước Sawaco lúc này chiếm hơn 90% toàn TP.

Tuy nhiên theo ông Khuyên, khi thực hiện chủ trương xã hội hóa, sau năm 2009, nhiều nhà máy nước sau đó đã được đầu tư và đưa vào vận hành: như Nhà máy BOO Thủ Đức, Nhà máy nước Kênh Đông, Thủ Đức 3, Tân Hiệp 2...

Như vậy, tính đến khoảng thời điểm này, thị phần nắm giữ các nhà máy cấp nước của Sawaco giữ chỉ trên 50% trong tổng công suất phát nước khoảng 2,4 triệu m3/ngày đêm. Lượng nước này được cung cấp bởi khoảng 8 triệu mét đường ống các loại.

Đa số nguồn nước được lấy từ hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn xử lý lại để cung cấp cho người dân. TP.HCM hiện đang giảm dần, tiến tới ngưng khai thác nước ngầm ở những nơi đã được cấp nước máy.

Cũng theo ông Khuyên, thuận lợi trong công tác xã hội hóa đầu tư nguồn là huy động nguồn lực xã hội trong công tác đầu tư các nhà máy phục vụ cấp nước sạch, đáp ứng nhu cầu, quy hoạch...

Đồng thời Sawaco có điều kiện tập trung phát triển mạng lưới, đưa nước sạch đến từng nhà dân. Tuy nhiên điều này cũng có hạn chế là giá nước sạch mà Sawaco mua sỉ lại của các nhà máy nước liên tục tăng từ 3-7%/năm, chưa kể những chi phí khác. Tuy nhiên những năm gần đây giá bán nước sinh hoạt cho người dân không tăng.

Sawaco không thể chủ động trong vấn đề giá nước mà phải do cơ quan thẩm quyền TP xem xét phê duyệt. Do giá nước nhiều năm liền (từ năm 2013 đến nay) chưa tăng dẫn tới khó khăn trong việc kinh doanh.

“Các nhà máy nước của tư nhân, của công ty cổ phần đã đồng hành với Sawaco thì nên chia sẻ để cùng lo cho người dân chứ cứ theo hợp đồng đã ký mỗi năm đều tăng giá bán cho Sawaco nhưng giá nước Sawaco bán ra lại không được tăng thì rất khó” - ông Khuyên nói.

Ông Khuyên đề xuất việc quản lý nguồn nước nên để các cơ quan nhà nước điều phối, còn các dịch vụ khách hàng khác có thể tư nhân hóa. Việt Nam cũng có thể học tập mô hình của một số nước hình thành cục cấp nước, xây dựng Luật cấp nước sạch nhằm tạo thêm hành lang pháp lý, quy định rõ ràng để có người chịu trách nhiệm nếu xảy ra các sự cố nguồn nước.

Ngoài các kịch bản ứng phó khi có sự cố về nguồn, lãnh đạo Sawaco cũng cho biết đã có kế hoạch ứng phó với những tình huống trên mạng lưới. Hiện nay trên các đường ống truyền tải (ống cấp 1) nước từ các nhà máy về mạng lưới đường ống cấp 2 - 3 của Sawaco đều có hệ thống van đóng mở.

Căn cứ hệ thống giám sát chất lượng nước từ nhà máy, khi có các sự cố từ nguồn nước thì trước khi truyền tải vào đường ống sẽ có các giải pháp ứng phó. Ví dụ khi có sự cố tại nhà máy thì tạm ngưng hoạt động nhà máy, khi nước có sự cố vào đường ống lập tức sẽ đóng van chặn, tiến hành cô lập nguồn nước. Đồng thời sẽ điều hòa áp lực từ các nhà máy khác hỗ trợ để đảm bảo có nước sinh hoạt cho người dân tại khu vực đang bị sự cố.

QUANG KHẢI

Bạn đang đọc trong chuyên đề "NƯỚC SẠCH CHO DÂN: GIỮA NHÀ NƯỚC VÀ TƯ NHÂN"