Tiền chống biến đổi khí hậu đã được dùng thế nào?

Tuổi Trẻ Cuối Tuần

TTCT - Năm 2009, các quốc gia giàu có ra kế hoạch chi 100 tỷ đô la/năm cho đến 2020 để bù đắp sự bất công của biến đổi khí hậu - những nước nghèo phải gánh chịu hậu quả vì cách các nước lớn tăng trưởng và trở nên giàu có. Mục tiêu đó đã không thể đạt được, và quan trọng hơn, hóa ra không ai — từ cá nhân, chính phủ đến cơ quan đa phương — biết chính xác tất cả nguồn tài trợ khí hậu này đã và đang được sử dụng như thế nào.

Doanh nghiệp Việt và COP26

NAM MINH 26/11/2021 18:00 GMT+7

TTCT- Các thỏa thuận ở COP26 sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng của Việt Nam, và qua đó là tới cộng đồng doanh nghiệp trong nước nói chung.

Hội nghị về biến đổi khí hậu toàn cầu của Liên Hiệp Quốc (COP26) đạt được sự đồng thuận của nhiều quốc gia hướng tới mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 1,5-2oC so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. 

Các thỏa thuận đó hứa hẹn sẽ làm thay đổi cơ bản diện mạo nền kinh tế thế giới, tạo động lực để thúc đẩy một số lĩnh vực mới nhưng ngược lại, một số ngành công nghiệp truyền thống đang đứng trước nguy cơ thu hẹp hoạt động và buộc phải chuyển đổi.

Người dân sinh hoạt dưới dòng nước ngập do triều cường tại khu vực đường Trần Xuân Soạn (quận 7, TP.HCM). Tình trạng ngập lụt ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế khiến TP.HCM thiệt hại ước tính 1,3 tỉ đôla mỗi năm, theo McKinsey. Ảnh: NHẬT THỊNH

 

Nhiều ngành có thể phải thu hẹp

Việt Nam nằm trong số các quốc gia chịu thiệt hại nặng nhất trong xu hướng Trái đất ấm dần lên và nước biển dâng, đặc biệt ở những vùng dễ bị tổn thương nhất ở miền Nam, nơi sinh sống của hơn 20 triệu người. Khu vực này cũng sản xuất gần một nửa sản lượng lúa của cả nước.

TP.HCM ngày càng bị ngập lụt, dù đang có tham vọng phát triển trở thành một trung tâm tài chính và thành phố thông minh hàng đầu khu vực. 

Một báo cáo của Hãng McKinsey cho biết lũ lụt hằng năm khiến TP.HCM thiệt hại khoảng 1,3 tỉ đôla Mỹ. Xu hướng đó còn có thể nghiêm trọng hơn do chi phí liên quan đến tình trạng ngập lụt tăng nhanh hơn so với hoạt động kinh tế.

Việc tham gia COP26 mang đến ý nghĩa phát triển bền vững cho Việt Nam. Nội dung cơ bản của COP26 tập trung vào hành động vì khí hậu, thúc đẩy các bên liên quan bao gồm nhà đầu tư, nhà kinh tế và các nhóm công dân tăng cường hơn nữa áp lực lên các chính trị gia để đẩy nhanh việc cắt giảm khí thải. 

Dù vậy, từ đồng thuận đến hiện thực là cả một quá trình phức tạp do sẽ có nhiều khu vực chịu tác động.

Điển hình như ngành năng lượng sử dụng nhiệt liệu hóa thạch (dầu mỏ, khí đốt, than đá) sẽ là lĩnh vực chịu tác động kiểm soát đầu tiên. 

Lãnh đạo hơn 40 quốc gia đồng ý sẽ giảm dần các nhà máy nhiệt điện than. Việt Nam cùng Indonesia, Ukraine và Hàn Quốc hứa hẹn sẽ loại trừ dần và dừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than cho tới năm 2040.

Khoảng 20 quốc gia và tổ chức đã cam kết không tài trợ cho các dự án năng lượng hóa thạch ở nước ngoài từ cuối năm tới. Các nhà máy nhiệt điện than trong tương lai sẽ gặp khó khăn hơn trong việc kêu gọi tài trợ từ các quốc gia đã ký COP26.

Giao thông sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể vì các quy định kiểm soát khí thải và động cơ đốt trong. Ngành hàng không mỗi năm đang phát thải khoảng 2% tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu. 

Mặc dù phần lớn ôtô thế hệ mới sản sinh ra lượng khí thải thấp hơn gấp 10 lần so với 20 năm trước, vấn đề nằm ở chỗ số lượng ôtô lưu thông trên đường lại tăng nhanh. 

Điều này dẫn đến lượng khí thải vẫn tiếp tục tăng và ôtô là một trong 3 nguồn sinh ra CO2 nhiều nhất trên Trái đất.

Các ngành công nghiệp như dệt may, da giày, nhà máy thép dùng công nghệ lò thổi oxy BOF, ximăng, nhựa, nông nghiệp sử dụng hóa chất, chăn nuôi cũng sẽ đối mặt với các quy định tuân thủ môi trường khắt khe hơn. 

Hay ngành xây dựng cũng sẽ chứng kiến chi phí gia tăng nếu buộc phải sử dụng các loại vật liệu mới tân tiến, thân thiện với môi trường hơn.

Động lực cho thay đổi

Cộng đồng doanh nghiệp có thể đóng một vai trò quyết định trong việc thúc đẩy hành động khí hậu, cả bằng cách giảm phát thải trong các hoạt động của chính họ và bằng cách phát triển và sản xuất thế hệ công nghệ tiếp theo có thể giúp giảm hay ngăn ngừa phát thải. 

Những người nào tích cực tham gia vào xu thế “zero carbon” có thể sẽ được tưởng thưởng xứng đáng.

Ví dụ, công nghiệp ôtô đang cực kỳ sôi động với cuộc đua đầu tư vào công nghệ xe điện, trong đó có sự xuất hiện của Hãng xe Vinfast. 

Theo nghiên cứu của EDF Energy - một công ty tổng hợp năng lượng của Anh, mỗi năm ôtô truyền thống thải trực tiếp ra môi trường gần 5.400kg khí CO2. Con số này ở xe điện chỉ là 1.800kg - tức thấp hơn 70% so với xe truyền thống. 

Với tốc độ phát triển công nghệ xe điện như hiện nay, các chuyên gia nhận định tới năm 2030, lượng phát thải ở xe điện còn nhỏ hơn nữa.

Những ví dụ khác: nhiều chuỗi bán lẻ đã sử dụng túi nilông tự phân hủy trên toàn hệ thống, hay Tập đoàn Hòa Phát áp dụng giải pháp thu hồi nhiệt khí thải trong quá trình sản xuất để phát điện, tái sử dụng cho các khu liên hợp sản xuất gang thép của tập đoàn tại Hải Dương và Khu kinh tế Dung Quất.

Sự phát triển của công nghệ số, in 3D và trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp một số lĩnh vực “go green” nhanh hơn. Gần đây, thủy sản Vĩnh Hoàn rót vốn vào Shiok Meats, công ty đầu tiên trên thế giới sản xuất thịt tôm từ các tế bào được nuôi trong phòng thí nghiệm. 

Các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đang thử nghiệm các mô hình canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng giải pháp quản lý thông minh vào sản xuất giúp tiết giảm chi phí.

Kinh tế tuần hoàn cũng được các doanh nghiệp ngày càng quan tâm. Các đô thị phát triển theo hướng thông minh hơn, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm điện nước sẽ kích thích làn sóng đầu tư cho nhiều loại hình công nghệ mới như proptech (công nghệ bất động sản), fintech (công nghệ tài chính), năng lượng, di chuyển thông minh hay nhiều dịch vụ khác.

Các nhà đầu tư tham gia lĩnh vực năng lượng sạch sẽ nhận được ưu đãi. Hiện Chính phủ đang hoàn thiện đề án quy hoạch điện VIII, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. 

Trong đó có những điều chỉnh đáng kể về tỉ trọng phân bổ các nguồn năng lượng. Đến năm 2045, tỉ lệ nhiệt điện than dự kiến giảm còn 15-19%, nhiệt điện khí (tính cả khí hóa lỏng LNG) chiếm 20,6-21,2%, điện năng lượng tái tạo (thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...) có thể sẽ chiếm 26,5-28,4%.

Các doanh nghiệp tham gia cùng COP26 còn có cơ hội tiếp cận các gói tài chính hấp dẫn từ các nhà đầu tư và ngân hàng. 

Đầu năm nay, khoảng 160 ngân hàng, nhà quản lý tài sản và chủ sở hữu tài sản hàng đầu thế giới đã thành lập một liên minh tài chính, trong đó cam kết điều chỉnh hoạt động và danh mục đầu tư của họ theo mục tiêu “net-zero pathway” vào năm 2050. 

Các công ty trong liên minh này đang nắm giữ khoảng 70.000 tỉ USD. Một báo cáo của OECD ước tính các cam kết tài trợ tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu đã đạt đến 78,9 tỉ USD vào 2018, dự kiến sớm vượt mốc 100 tỉ USD vào thập niên 2020.

Nhưng bên cạnh đó sẽ có nhiều nỗi lo cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam trong việc thay đổi chính sách kinh tế và thích ứng với thỏa thuận COP26. Theo Hãng Economic Intelligence Unit, mâu thuẫn trong triển khai là khó tránh khỏi. 

Các quốc gia phát triển có thể sẽ mất đi năng lực cạnh tranh nếu các nước giàu ra các quy định mới về khí thải nhập khẩu. Ví dụ EU đang cân nhắc ban hành quy định CBAM về việc đánh thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu thuộc diện phát sinh carbon như điện, ximăng, sắt thép, phân bón... 

Đạo luật này dự kiến có hiệu lực từ năm 2026.

Sự thu hẹp một số ngành kinh tế truyền thống còn gây ra thách thức về việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân. Chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của các địa phương cũng sẽ cần điều chỉnh đáng kể so với trước đây, theo hướng hạn chế các ngành tiêu hao nhiều điện nước hay gây ô nhiễm. ■

Tài chính khí hậu: Tiền đi đâu, về đâu?

LÊ MY 19/11/2021 03:10 GMT+7

TTCT - Cách đây 12 năm, các nước giàu có cùng đưa ra một cam kết tốt đẹp để giúp các nước nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu, cùng con số long lanh 100 tỉ USD viện trợ mỗi năm. Lời hứa hoa mỹ hóa ra lại thành quả táo bất hòa, mà hệ quả của nó tới nay vẫn còn.

 
 Một ngôi nhà tạm bị hư hại ở Bangladesh, trong khu vực ven biển đang bị đe dọa bởi xói mòn và xâm nhập mặn. Ảnh: Getty

“Chúng tôi không xin tiền bố thí, chúng tôi yêu cầu tiền bồi thường cho những thiệt hại gây ra bởi thói hoang phí của các quốc gia phát triển. Những kẻ đã thải ra lượng khí thải carbon này, gây ra các hiện tượng khí hậu, phải trả tiền” - Molwyn Joseph, bộ trưởng môi trường của quốc đảo Antigua và Barbuda, nói với báo Financial Times ngày 3-11.

Như nhiều hòn đảo khác, Antigua và Barbuda nằm ở tuyến đầu của cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Sống xa đất liền, nơi có địa hình thấp và tài nguyên thiên nhiên hữu hạn, người dân nước này thuộc nhóm những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất do mực nước biển dâng cao và thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Sẽ thật bất công nếu thế giới để mặc cho các quốc đảo nhỏ nhất phải hứng chịu những tác động ghê gớm nhất của biến đổi khí hậu, mặc dù họ thải ra chưa tới 1% của tổng lượng khí nhà kính toàn cầu.

Cũng vì lý do đó mà tại Hội nghị COP15 ở Copenhagen năm 2009, các quốc gia giàu có đã đưa ra một lời hứa quan trọng và xúc động: gửi ít nhất 100 tỉ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển, đến năm 2020, để giúp những nước nghèo hơn thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu sự gia tăng nhiệt độ của Trái đất.

Nhưng trước thềm COP26, các “anh lớn” thừa nhận rằng họ đã bỏ lỡ mục tiêu đó vào năm 2020. Hạn chót được dời sang năm 2022, mà cũng có thể là năm 2023.

Hứa là một chuyện...

“Đột nhiên bạn có con số 100 tỉ đôla đầy tính biểu tượng, rất khó để đạt được thỏa thuận toàn cầu (ngay tại COP), trừ khi bạn tính toán cho ra trò” - Josué Tanaka, người góp công phát triển “tài chính khí hậu” (hiểu đơn giản là khoản ngân sách dành để ứng phó với biến đổi khí hậu) ở Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu, nhớ lại.

12 năm trước, con số đó là tín hiệu, cơ sở của lòng tin, giữa các nước phát triển và đang phát triển, nhưng nó nhanh chóng trở thành cục nam châm hút lấy bao bất đồng giữa các nước giàu và nghèo, vì quá nhiều câu hỏi không có câu trả lời thỏa đáng: Ai sẽ bỏ ra 100 tỉ? Khi nào có tiền? Phân bổ tiền như thế nào?

Một mặt, do không có thỏa thuận chính thức nào về số tiền mà mỗi quốc gia phải trả, lời hứa lớn đến mấy cũng chỉ dựa vào niềm tin. Vì thế, phần đóng góp thực tế của một số nước như Mỹ, Úc, Canada hay Hy Lạp vẫn còn thua xa con số mà những nước này đáng lý phải bỏ ra, theo nhiều bài phân tích.

Mặt khác, tài chính khí hậu hiện vẫn là một khái niệm mơ hồ. Tỉ như trường hợp của Nhật và Pháp: hai nước này đã bỏ ra nhiều tiền hơn phần trách nhiệm của họ, nhưng phần lớn số tiền đó là các khoản vay, chứ không phải kiểu viện trợ không hoàn lại. Nhật Bản cũng xếp một số dự án phát triển vào diện “liên quan khí hậu”, và cứ thế cộng vào lời hứa 100 tỉ đô kia, ngay cả khi mục tiêu chính của chúng không hẳn là giải quyết biến đổi khí hậu, như Tracy Carty - cố vấn chính sách cấp cao của Oxfam - đã chỉ ra trên tạp chí Nature.

Đôi khi, các con số có thể bị thổi phồng quá mức. Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), nhóm này đã đóng góp hơn 79 tỉ USD cho tài chính khí hậu vào năm 2019. Tuy nhiên, báo cáo của Oxfam sau đó lại phơi bày một thực tế khác: chỉ khoảng 1/5 con số trên thật sự là tiền trợ cấp, còn lại là cho vay... nghĩa là người nhận rồi sẽ phải hoàn trả.

Đáng buồn thay, 555 tỉ USD mỗi năm là số tiền mà các nền kinh tế tiên tiến và mới nổi đã tài trợ cho ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, từ 2017 - 2019, theo một ước tính của OECD. Và 2.000 tỉ USD là chi tiêu quân sự toàn cầu vào năm 2020!

“Số tiền đó (100 tỉ USD) vốn có sẵn. Không hề thiếu tiền để đưa chúng ta đến 1,5 độ C (mục tiêu của thỏa thuận Paris)” - Black-Layne, nhà đàm phán khí hậu của Liên minh Các quốc đảo nhỏ với 39 nước thành viên, bức xúc nói với Reuters.

 Ai đang trả tiền chống biến đổi khí hậu?

Các chính phủ và các tổ chức liên chính phủ (như LHQ) là một trong những nhà tài trợ quan trọng nhất. Thật không may, tăng trưởng trong đầu tư công đang chậm lại, một phần là do đại dịch và những tác động kinh tế của nó.

Thế là nhóm nhà tài trợ thứ hai đến giải cứu: khu vực tư nhân. Ta không nên xem tiền tài trợ của nhóm này là hoạt động từ thiện, mà đó là những lời đáp trả cần thiết và chính đáng sau những thiệt hại về môi trường do các tập đoàn đã, đang và còn sẽ gây ra. Gần đây, hơn 450 công ty - đại diện cho 130.000 tỉ USD tài sản - đã tham gia Liên minh tài chính Glasgow cho Net Zero (GFANZ), cam kết sẽ đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này. (Tuy nhiên, các thành viên vẫn chưa phải cam kết ngừng tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch).

Nguồn tiền thứ ba đến từ các nhà đầu tư tổ chức và các quỹ, bao gồm đầu tư mạo hiểm và vốn cổ phần tư nhân. Họ giúp sức chống lại biến đổi khí hậu bằng cách rót vốn vào những dự án tốt lành cho hành tinh, như một mô hình canh tác ít phát thải hay mẫu xe điện thân thiện với môi trường.

Không ít người sẽ ngạc nhiên khi biết rằng các ngân hàng cũng đóng một vai trò quan trọng. Hầu hết số tiền mà chúng ta gửi vào ngân hàng sẽ được chuyển ra ngoài thế giới dưới hình thức cho vay. Trong 5 năm kể từ khi có thỏa thuận Paris, bốn ngân hàng lớn nhất Hoa Kỳ đã cung cấp gần 1.000 tỉ USD cho... việc khai thác nhiên liệu hóa thạch! May sao, các ngân hàng dường như đang quay về “chính đạo”: 63 ngân hàng toàn cầu đã tham gia Liên minh Ngân hàng Net-Zero (NZBA), cam kết danh mục đầu tư và cho vay của họ sẽ hướng đến mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng chính là người tiêu dùng. Người dân có thể chi tiền cho xe điện và các tấm pin mặt trời để cuộc sống của mình “xanh” hơn. Một số người khác đang lựa chọn đầu tư vào những doanh nghiệp bền vững. Tất nhiên, một cá nhân thì không thể kiểm soát các loại quyết định vĩ mô như loại bỏ nhiệt điện than. Nhưng họ có thể sử dụng quyền lực của người tiêu dùng để tác động đến các tập đoàn, quyền lực của công dân để bầu ra những nhà lãnh đạo vì môi trường.

Có một nguồn tài trợ mới đầy tiềm năng, mà COP26 mong mỏi làm cho “ra môn ra khoai”: Điều khoản thứ 6 về thị trường carbon toàn cầu. Một khi đàm phán thành công, điều khoản thứ 6 sẽ quy định cách các quốc gia gây ô nhiễm phải trả tiền cho các dự án giảm thiểu carbon ở những nước khác.

Tiền đi đâu, về đâu?

Huy động tiền chưa phải là phần khó khăn nhất. Hiện có rất ít sự đồng thuận trong cách chi tiêu số tiền khổng lồ đó, hay người nhận là ai, hoặc làm thế nào để đảm bảo tiền được sử dụng hiệu quả nhất.

Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã lập ra Quỹ khí hậu xanh (GCF) để phân phối một phần của 100 tỉ USD hằng năm. Tiền tài trợ sẽ được sử dụng thông qua các chương trình viện trợ sẵn có và các ngân hàng phát triển. Các “nhà tài trợ” sẽ tự gửi báo cáo thường niên tới LHQ về nguồn vốn mà họ đã đóng góp. Tuy nhiên, số dự án giúp người dân thích ứng với biến đổi khí hậu lại không nhiều như kỳ vọng của thỏa thuận Paris; phần lớn tài chính khí hậu đang chảy vào các dự án giảm phát thải khí nhà kính - thường được gọi là dự án “giảm nhẹ”, như xây dựng cánh đồng điện gió, nâng cấp hạ tầng giao thông...

Một lý do dẫn đến sự mất cân đối giữa nhóm dự án “giảm nhẹ” và “thích ứng” là xu hướng “cho vay”, thay vì “cho luôn” của các nước giàu. Saleemul Huq, giám đốc Trung tâm Quốc tế về biến đổi khí hậu và phát triển của Bangladesh, nói với Nature: “Chuyện thích ứng hầu như không bao giờ là một tình huống cho vay. Nếu bạn cho người nghèo tiền để giúp họ đối phó với tác động của biến đổi khí hậu, việc đó sẽ không tạo ra thêm tiền”.

Bên cạnh đó, các nhà tài trợ thích kiểu dự án “giảm nhẹ” hơn vì dễ đo lường thành công hơn, theo chuyên gia tài chính khí hậu Jessica Omukuti của ĐH Oxford (Anh). “Một người hoặc một nhóm không bao giờ thích ứng hoàn toàn với biến đổi khí hậu, bởi vì các rủi ro khí hậu mới và những tổn thương sẽ xuất hiện”.

Nhưng các dự án “giảm nhẹ” cũng gặp thử thách. Nếu đầu tư 10 triệu USD vào hệ thống tàu điện ở Hà Nội, chúng ta có thể giảm được bao nhiêu tấn CO2? Câu trả lời thường phụ thuộc rất lớn vào thủ thuật tính toán. Các chuyên gia trong ngành luôn nhắc nhở rằng mục tiêu của tài chính khí hậu là “sự chuyển đổi”, kích hoạt những thay đổi mang tính hệ thống, thay vì chỉ xây mấy tòa nhà và vài cây cầu. Những mục tiêu đó còn khó lượng giá hơn nữa.

Phần lớn tài chính khí hậu đã được phân bổ cho các nước có thu nhập trung bình, chứ không phải các nước nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất. “Rất nhiều quốc gia châu Phi đang than thở rằng họ không thể vượt khó (để tiếp cận nguồn quỹ) vì sự phức tạp và tính kỹ thuật” - Chukwumerije Okereke, một nhà kinh tế học ở Nigeria, cho biết.

Như các chương trình viện trợ truyền thống, tài chính khí hậu cũng bị cản trở bởi những thách thức về lãng phí, tham nhũng và kém hiệu quả. Mushtaq Khan, một giáo sư kinh tế tại Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi (Anh), nói với Financial Times rằng 1/3 số tiền tài trợ khí hậu cho Bangladesh đã tan biến vì nạn tham ô. Dẫu vậy, vị này nói tiếp: “Nhiều lãng phí và tham nhũng không nên là cái cớ để nói rằng: ồ việc này (tài trợ) sẽ không hiệu quả, ta đừng làm!”.

 
 Ảnh: LHQ

Những đàm phán mới

Tạm gác lại những con số của quá khứ. Tại COP26 ở Glasgow năm nay, các nước yêu cầu tăng thêm tiền cho mục tiêu “giảm nhẹ” và “thích ứng”. Và nhiều quốc gia muốn tiền đền bù cho những thiệt hại đã xảy ra rồi, cho những cộng đồng đang phải trải qua những mất mát vốn không thể nào thích nghi được.

Thật ra, cam kết 100 tỉ USD/năm là rất nhỏ. Thế giới cần đến hàng nghìn tỉ đôla mỗi năm để đáp ứng mục tiêu của thỏa thuận Paris - hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C đến dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. LHQ ước tính rằng các nước đang phát triển hiện cần 70 tỉ USD mỗi năm để thích ứng với biến đổi khí hậu, và con số đó sẽ phải tăng gấp đôi hoặc gấp bốn vào năm 2030.

Không thể cứ vương vấn lời hứa năm nao. Tại Glasgow, người ta đã bắt đầu nói về các mục tiêu tài chính khí hậu lớn hơn cho năm 2025. “Nhu cầu vào lúc này là hãy đưa chúng tôi kế hoạch cho 500 tỉ USD trong 5 năm, bởi vì quý vị đã không đạt 100 tỉ USD vào năm 2020” - Saleemul Huq nhận định. V20, một nhóm các bộ trưởng tài chính từ 48 quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu, đã kêu gọi một kế hoạch rõ ràng và chính thức, tăng các khoản viện trợ không hoàn lại, và cần dành ít nhất 50% ngân sách cho các dự án “thích ứng”.

Các nước đang phát triển cũng tự phân bổ ngân sách của mình trong cuộc chiến này. Nhưng để kịp thời đạt được các mục tiêu chung về khí hậu, họ cần nhiều tiền hơn mức họ có thể chi trả. Khi thủ tướng Ấn Độ mới đây gây bất ngờ với cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2070, có một điều kiện đính kèm: 1.000 tỉ USD cho các nước đang phát triển. Các nước giàu đã khá nỗ lực tại COP26: Liên minh châu Âu, Anh, Nhật Bản và Hoa Kỳ đều đã cam kết tăng thêm tiền chống biến đổi khí hậu. Có gợi ý rằng nên tách bạch phần tài trợ của tư nhân với lời hứa của các chính phủ... để tránh bối rối khi làm báo cáo về sau.

Chuyện tiền nong hẳn sẽ còn được tranh luận sôi nổi. Dù có nhiều khía cạnh chưa hoàn hảo, tài chính khí hậu là một phần trung tâm của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Vì một hành tinh nóng lên sẽ không thiên vị cho quốc gia nào, nên thế giới rồi cũng sẽ đi đến những đồng thuận. Vấn đề là làm sao để ta còn có đủ thời gian để ngăn chặn một tương lai không mấy dễ chịu.

Một ví dụ về tài trợ của GCF cho Việt Nam thông qua sự hợp tác với Chương trình Phát triển của LHQ: Ở Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi, đến cuối năm 2022, sẽ có 4.000 căn nhà an toàn được xây dựng. Khi đó, hai vạn người dân nghèo ở những vùng thường gặp thiên tai sẽ có thể thoải mái ở yên trong nhà của mình giữa mưa bão hay lũ lụt. Đồng thời, 4.000ha rừng ngập mặn đang được trồng và phục hồi. Một kế hoạch cải thiện việc sử dụng dữ liệu ở 28 tỉnh ven biển cũng đang được triển khai. Toàn bộ dự án tiêu tốn 29,5 triệu USD (hơn 650.000 tỉ đồng).

Chống biến đổi khí hậu: Tiền ở đâu ra mà hứa hẹn nhiều thế?

XÊ NHO 18/11/2021 18:10 GMT+7

TTCT - Xung quanh Hội nghị COP26, có chuyện dễ hiểu nhầm phổ biến về các mức cam kết khổng lồ và chuyện “thủ phạm” phát thải.

 
 Ảnh: un.org

 Đọc tin về COP26 rất dễ bị ấn tượng mạnh bởi mẩu tin hàng trăm ngân hàng, quỹ đầu tư, hãng bảo hiểm có trong tay đến 130.000 tỉ đôla cam kết đặt ưu tiên cho các hoạt động vì khí hậu. Ai cũng nghĩ với những khoản tiền khổng lồ như thế, việc hỗ trợ các nước chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch như than đá sang các nguồn năng lượng tái tạo là dễ như trở bàn tay. 

Tiền là tiền thế nào?

Thật ra, tin các báo bị ảnh hưởng bởi thông cáo báo chí do cái liên minh tài chính này soạn thảo và phát ra nên đều tô đậm món tiền 130.000 tỉ đôla, tức lên đến 40% dòng vốn toàn cầu. Nói cho chính xác thì đây là tổng dòng tiền các ngân hàng, quỹ đầu tư này quản lý, chủ yếu là quản lý cho người khác. Cái họ cam kết là khi quản lý dòng tiền này, họ sẽ chú ý để tiền chảy vào các dự án thân thiện với môi trường, góp phần ngăn chặn thảm họa biến đổi khí hậu. 

Nói cụ thể hơn, một quỹ đầu tư chuyên rót tiền cho các dự án năng lượng, nay sẽ yêu cầu các tập đoàn dầu khí giảm khai thác mỏ dầu mới bằng không họ sẽ rút vốn đem đi nơi khác. Một ngân hàng sẽ ưu tiên cho dự án làm điện mặt trời vay vốn trong khi sẽ từ chối tài trợ cho một dự án xây nhà máy điện chạy than. 

Cộng các hoạt động cho vay và đầu tư như thế lại, mục đích của liên minh tài chính là sao cho đến năm 2050, các dự án nhận tiền vay, tiền đầu tư sẽ có mức phát thải ròng là 0. 

Cam kết này là quan trọng vì sẽ nắn dòng chảy đầu tư toàn cầu vào các điểm cần thiết cho nỗ lực cứu lấy Trái đất thoát nạn diệt vong. Nhưng điều đó không có nghĩa 130.000 tỉ đôla sẽ được sử dụng vào các dự án chống biến đổi khí hậu. Hơn nữa, cam kết là lời nói, rất có thể gió sẽ thổi bay. 

Như tờ The Economist nhận định, không có cách nào đo lường chính xác mức phát thải của một danh mục đầu tư, chẳng hạn khí thải từ 1 thùng dầu có thể gán cho các hãng từ hãng khoan dầu, hãng lọc dầu đến hãng đốt thùng dầu đó. Ngược lại, giảm 1 tấn khí carbon cũng có thể gán cho nhiều quỹ khác nhau để cùng ghi nhận. Khái niệm mức phát thải ròng bằng 0 cũng rất dễ bị nhào nặn theo lợi ích của từng công ty.

Trước cam kết của liên minh tài chính này, The Economist đưa ra lời khuyên rất lạ: Các quỹ sở hữu tài sản lớn như quỹ hưu trí phải duy trì các khoản đầu tư vào các hãng đang gây ô nhiễm nặng để đem lại sự thay đổi. 

Đó là bởi có một nguy cơ rất lớn khi cổ đông các quỹ gây sức ép buộc thoái vốn ra khỏi các ngành gây ô nhiễm như khai thác than đá, nhiều quỹ sẽ chuyển sang đầu tư vào các dự án sạch như kiểu rót tiền mua cổ phiếu Facebook hay Apple. 

Nhưng động cơ tìm kiếm lợi nhuận vẫn còn ở đó, thế là tiền từ các nguồn khác, kể cả từ các quỹ nhà nước không ai giám sát sẽ vẫn rót vào khai thác dầu khí, đào quặng than, xây nhà máy nhiệt điện... Như thế mèo lại vẫn hoàn mèo. 

Đốt rừng rồi dập lửa

Ngoài chuyện tiền, ai là thủ phạm gây phát thải nhiều nhưng không bị giám sát cũng là chuyện dễ hiểu nhầm. Các NFT gây ồn ào trên báo chí vì tuy chỉ là một phiên bản số duy nhất của một tác phẩm nào đó nhưng chúng lại được bán với giá hàng triệu hay hàng chục triệu đôla. 

Điều ít người chú ý hơn là để tạo ra một NFT hay để ghi nhận một giao dịch mua bán một NFT tạo ra chừng 200 ký khí thải carbon, tương đương với việc lái 800 cây số trên một chiếc xe hơi chạy xăng. Một ước tính cho biết lượng khí thải của một NFT bình quân bằng lượng điện một hộ gia đình châu Âu tiêu thụ trong 1 tháng. 

Họa sĩ kỹ thuật số Mike Winkelmann, người nổi tiếng dưới nghệ danh Beeple từng bán 1 tác phẩm NFT với giá “kinh khủng” 69 triệu đôla, hứa hẹn các NFT tương lai sẽ “có mức phát thải ròng bằng 0” như một cam kết long trọng của cả một quốc gia! 

 Mike Winkelmann với tác phẩm NFT tiêu tốn lượng điện khủng khiếp.

 Điều này có nghĩa dù các NFT tương lai của anh ta vẫn tạo ra lượng khí thải lớn, anh sẽ đầu tư vào các dự án năng lượng sạch hay rót tiền vào một dự án công nghệ hút khí carbon ra khỏi bầu khí quyển... sao cho bù qua sớt lại mức phát thải sẽ trung hòa! Nói vậy chẳng khác gì đốt rừng xong rồi mua bình cứu hỏa để bên cạnh. Tại sao không nghĩ đến phương cách đơn giản hơn là chấm dứt các sản phẩm NFT điên rồ kia đi?

NFT đã vậy, các đồng tiền mã hóa như Bitcoin càng gây hại cho môi trường gấp trăm ngàn lần. Một nghiên cứu của Đại học Oxford cho biết lượng điện do khai thác Bitcoin còn cao hơn lượng điện cả nước Argentina xài; mỗi giao dịch của Bitcoin cần đến 707 kWh. 

Thử tưởng tượng sau này giao dịch bằng Bitcoin phổ biến như quẹt thẻ Visa, cứ mỗi lần quẹt như thế tốn đến 707 “chữ điện”, ai mà chịu nổi. Việc khai thác Bitcoin được cố tình làm cho ngày càng khó nên lượng điện tiêu thụ ngày càng tăng; từ năm 2015 đến 2021 đã tăng đến 62 lần và vẫn còn đang tăng nữa. 

Ấy vậy mà Hội nghị biến đổi khí hậu không hề đề cập đến thủ phạm to tướng này; nó cũng mỉa mai như chuyện nghệ sĩ người Pháp Joanie Lemercier từng tham gia các cuộc biểu tình chống khai thác than đá để ủng hộ phong trào bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Thế nhưng anh cũng là người tạo ra nhiều NFT đem bán đấu giá và mới phát hiện 6 NFT của anh sử dụng lượng điện bằng phòng vẽ của anh cần dùng trong hai năm. 

Có lẽ anh sẽ còn buồn hơn nữa khi biết hàng triệu người Ấn Độ đang sống nhờ vào việc khai thác thủ công than đá; lượng than một người chuyên chở bằng xe đạp cả năm ắt ít gây hại hơn một tác phẩm NFT của anh nhiều lần. 

Biến đổi khí hậu: Sám hối phải đạo

NHIÊN ANH 18/11/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Ô nhiễm không khí, khủng hoảng sinh thái, biến đổi khí hậu, sự nóng lên toàn cầu... Những cảnh báo đấy đã xuất hiện từ rất lâu, và “nóng” hơn nhiều trong khoảng hai thập niên qua. Biểu hiện cụ thể là việc trước khi COVID hoành hành, hầu hết người thành thị đã đeo khẩu trang ra đường và sự xuất hiện của các màn hình điện tử hiển thị chất lượng không khí ở các cửa ngõ thành phố.

Ở nhiều vùng quê, không còn ai dám dùng nước giếng và rất nhiều trẻ con lớn lên không biết đến trải nghiệm tắm sông. 

Rừng nguyên sinh ở Việt Nam hầu như chỉ còn trên giấy và nước lũ bây giờ không còn là ân sủng thường niên thiên nhiên ban tặng cho Đồng bằng sông Mekong, như hàng bao thế kỷ đã từng là vậy.

Ảnh: New Yorker

 

Sự thay đổi ý thức chưa đủ

Chỉ khoảng 20 năm, môi trường tự nhiên của nước Việt Nam thay đổi một cách khủng khiếp vì tác động của biến đổi khí hậu và các thảm họa sinh thái tiềm tàng. 

Nó có buộc Chính phủ và người dân thay đổi về nhận thức và chính sách không? Có.

Sự thay đổi đấy có đủ không? Không.

Nguyên nhân nằm ở cả người dân, doanh nghiệp lẫn chính quyền.

Có cảm giác như lối sống nông thôn vẫn còn in đậm trong cảm thức người Việt Nam, kể cả khi họ là cư dân tinh hoa sống ở những tòa nhà trăm triệu đô. 

Minh chứng cho nhận xét chì chiết này là câu chuyện hai thùng rác khác màu. Vàng cho rác vô cơ, xanh cho rác tái chế. 

Ghi chú này ban đầu xuất hiện ở thùng rác các nhà máy, nơi nó là yêu cầu bắt buộc, sau đấy lan ra các khu vực công cộng và chung cư trung - cao cấp, cũng trên dưới 20 năm có lẻ.

Đến bây giờ, sau chừng ấy năm truyền thông vận động, hầu hết các nhà chứa rác ở chung cư vẫn chỉ là một thùng rác lớn màu xanh. Nó xuất phát từ thói quen thâm căn cố đế của các vị chủ nhà: Tất cả rác dồn hết vào một bịch cho gọn, trước khi tống vào thùng rác công cộng. 

Cũng chính các vị chủ nhà ấy, khi đi siêu thị, luôn tiện tay lấy thêm một ít bao nilông để... về nhà dùng dần.

Các thông điệp 3R (Reduce, Recycle, Reuse: giảm rác thải, tái chế, tái sử dụng) được Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ tài trợ ròng rã bao nhiêu năm, nhưng nói nó đem lại bao nhiêu thay đổi về nhận thức thì có thể quay lại hai ví dụ trên.

Với doanh nghiệp, chi phí để đảm bảo môi trường bao giờ cũng là khoản chi được ưu tiên... sau cùng. 

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, các nhà máy sản xuất hóa chất cơ bản, nhuộm sợi, giấy, bột ngọt, xử lý bề mặt... muốn có lời thì phải nằm gần sông, trong rừng hoặc những nơi mà cơ quan phụ trách môi trường không đến được hay không được đến, để họ có thể bỏ qua công đoạn xử lý chất thải độc hại, vốn là nguyên vật liệu chính của quy trình sản xuất.

Chi phí xử lý độc hại này chiếm 20 - 30% chi phí sản xuất tùy ngành, nên với các công ty khởi nghiệp lĩnh vực này, một bí quyết giá rẻ hàng đầu là tìm cho ra địa điểm có thể đổ thẳng chất thải ra tự nhiên, rừng hay sông đều được. 

Một sự thật mà những ai làm trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ như người viết đều biết là trong hàng trăm công ty gia công xi mạ bề mặt kim loại, chỉ đếm được trên đầu ngón tay vài công ty nằm ở các khu công nghiệp có khu xử lý nước thải.

Chuyện này không chỉ là gây thiệt hại môi trường, mà trong dài hạn, sẽ còn là thiệt hại kinh tế, khi các đối tác nước ngoài, nhất là ở những nước tiên tiến, sẽ ngày càng đòi hỏi khắt khe với nhà cung cấp về các tiêu chuẩn này. 

Một ví dụ, với Schneider Electric, công ty thiết bị điện hàng đầu thế giới của Pháp, ở Việt Nam chỉ có duy nhất nhà thầu phụ về xi mạ ở Khu công nghiệp Hiệp Phước đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường của họ!

Câu chuyện của Vedan đổ chất xả chưa xử lý ra sông Thị Vải năm 2008 hay sự cố tương đương một thảm họa môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra năm 2016 chứng tỏ sự thật buồn: Với doanh nghiệp, bất chấp quy mô lớn hay nhỏ, nếu né tránh được các chi phí liên quan đến bảo đảm môi trường, họ sẽ không do dự, kể cả phạm pháp hay hối lộ các cơ quan phụ trách.

Câu chuyện của Chính phủ

Về phần Chính phủ, năng lượng tái tạo có vẻ đã được xác định là xu hướng và động lực phát triển trong tương lai. 

Sự phát triển thần tốc của điện gió, và đặc biệt là điện mặt trời: đạt công suất 8.000 MW chỉ trong 2 năm thay vì 5 năm; hay cam kết của người đứng đầu Chính phủ ở Hội nghị COP26 về tỉ lệ phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050, ngang với mốc thời gian của Hàn Quốc và Nhật Bản, cho thấy quyết tâm đó.

Những thông điệp và con số thể hiện tầm nhìn, ý chí và cả sự lãng mạn. 

Việc xây dựng nền kinh tế xanh, cần phải hiểu là áp lực của các nước lớn và các tổ chức tài chính, khi tiêu chuẩn về sản phẩm và điều kiện hợp tác, tài trợ, cho vay... đều đính kèm từ “green” (xanh). 

Các nước đang phát triển không muốn thực hiện cũng không được.

Còn bắt tay vào thực hiện, vấn đề vẫn là tiền. Tất cả những mỹ từ năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió), thực phẩm hữu cơ, giảm phát thải, chấm dứt điện than... đều phải đánh đổi bằng một cái giá không hề rẻ, với chi phí ban đầu chắc chắn cao hơn rất nhiều các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống (than đá, dầu mỏ) hay các sản phẩm thông thường không hữu cơ.

Sở dĩ Việt Nam có được kỳ tích phát triển điện mặt trời trong hai năm 2019 - 2020 không gì khác là bởi giá bán điện được Nhà nước bảo hộ ở mức chủ đầu tư luôn có lời cao hơn giá điện sinh hoạt người dân đang phải trả 10 - 20%. 

Hay như điện gió, sản lượng để đạt tới mức chi phí cạnh tranh là khoảng 5.000 MW, tức gần bằng tổng sản lượng điện gió dự kiến đến năm... 2030 theo quy hoạch điện VII. Nghĩa là để có năng lượng tái tạo cho sản xuất hay dân sinh, Nhà nước đang phải bù lỗ.

Tiền đâu để bù lỗ? Đó là những khoản vay nước ngoài có điều kiện. Kết quả là do phát triển năng lượng tái tạo, nợ nần của Chính phủ lại tăng lên. 

Còn lợi ích mang lại, do giảm lượng khí thải CO2, giảm chi phí giải quyết ô nhiễm môi trường, hạn chế sự nóng lên của khí hậu toàn cầu... nằm ở thì tương lai, thậm chí là tương lai khá xa. 

Thêm nữa, liệu mục tiêu giảm thải ròng CO2 về 0 năm 2050 có phải là một cam kết buộc phải thực thi, khi các cơ chế ràng buộc thật ra khá lỏng lẻo, mà người ta có thể giải thích bằng một lý do đơn giản: hết tiền!

Cảm hứng Greta Thunberg

Cũng phải nhìn rộng ra khỏi trách nhiệm của những nước mà ngay cả việc kiếm sống còn vất vả với rất nhiều người dân, chứ đừng nói lo chuyện năng lượng tái tạo và biến đổi khí hậu. 

Mức tiêu thụ năng lượng của một người Mỹ gấp 32 lần mức trung bình thế giới. 60 triệu người Ý tiêu thụ năng lượng xấp xỉ 1 tỉ người Phi. 

Đấy là những con số giật mình theo sử gia Jared Diamond trong cuốn sách in năm 2019 Biến động: Các quốc gia ứng phó với khủng hoảng như thế nào, khi ông đề cập đến nguyên nhân và thực trạng của khủng hoảng sinh thái toàn cầu.

Gốc rễ của thảm họa môi trường nằm ở nhu cầu tiêu dùng vô độ của những nước giàu: nhà nhà đều phải có xe hơi, điện thoại, tivi màn hình phẳng..., ai ai cũng ăn thịt bò như chuyện đương nhiên, rồi tiền mã hóa, vốn ngốn năng lượng vô độ, cũng từ đó mà ra. 

Các giá trị vật chất do phương Tây áp đặt đấy tới lượt nó trở thành chuẩn mực sống của các quốc gia giàu xổi như Trung Quốc hay mới chập chững thoát nghèo như Việt Nam. Trái đất nào mà kham cho nổi.

Đến khi thảm họa chực chờ, giải pháp là các nước nghèo và đang cựa quậy phát triển nhờ sản xuất công nghiệp như Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam phải cùng gánh. 

Những lời kêu gọi bảo vệ môi trường phát đi từ phương Tây, trong khi đó, không tương xứng với hành động ít ỏi của họ. Đấy là lý do để một cô bé mới 15 tuổi (nay là 18) ở Thụy Điển trở thành biểu tượng toàn cầu của phong trào đấu tranh vì môi trường.

Greta Thunberg đã thẳng thắn một cách cực đoan khi phát biểu lên án các lãnh đạo thế giới ở hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc COP24 năm 2018 rằng họ chỉ lần lữa hứa hẹn mà không hề có hành động quyết liệt nào, rằng họ chỉ tìm cách đổ gánh nặng cho tương lai. 

Cô bé dũng cảm này đã nói ra điều ai ở thế hệ cha anh cô cũng biết nhưng không ai dám nói ra.

Ở Việt Nam chắc còn lâu mới xuất hiện một Greta Thunberg, nhưng hiện đã thấy một thế hệ biết xếp hàng, biết bỏ rác đúng quy định. 

Hy vọng một phần trong số họ lớn lên, sẽ biết chọn niềm vui của cuộc sống không nhất thiết phải có xe hơi, biệt thự, và khi khởi nghiệp, không như thế hệ cha anh, họ sẽ không trốn tránh các nghĩa vụ về phí tổn môi trường.

Có lẽ đến lúc đấy, câu chuyện về bảo vệ môi trường mới không phải là một hành động sám hối phải đạo. 

COP 26 là nơi các nguyên thủ quốc gia cam kết sự nỗ lực để cứu vãn nền sinh thái toàn cầu, nhưng ở đó vắng mặt người đứng đầu quốc gia phá rừng nhiều nhất Brazil, nước sản xuất dầu mỏ nhiều thứ nhì thế giới Saudi Arabia, nước phát thải nhiều nhất Trung Quốc, và Nga, nhà cung cấp khí đốt lớn nhất thế giới.

Kinh tế học của khí hậu

CHIÊU VĂN 18/11/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Nếu có tác nhân đơn lẻ nào ảnh hưởng lớn nhất lên việc định hình các nền kinh tế, thì đó chính là năng lượng.

Cách nơi diễn ra Hội nghị toàn cầu về khí hậu COP26 ở Glasgow tuần trước chỉ chừng 60 cây số, trên đảo Bute, có một trong những nhà máy dệt sợi bông đầu tiên của Anh, bắt đầu hoạt động từ năm 1779, sử dụng sức nước của hồ Fad để chạy các máy xe sợi sẽ làm thay đổi bộ mặt nước Anh và cả thế giới. 

Nhưng dòng nước không ổn định và không đủ lực. Tới năm 1800, nhà máy này chạy bằng động cơ hơi nước theo thiết kế của James Watt. Nhưng việc chở than ra đảo rất đắt đỏ và nhọc nhằn. 

Một kỹ sư tên là Robert Thom đã xoay chuyển tình thế khi vào những năm 1810, ông tăng sức nước bằng cách xây một đập kèm cống xả gần đó. Sức nước tăng gấp đôi, vì thế người ta không cần các động cơ hơi nước nữa.

Ảnh: Vox

 

Lược sử nhiên liệu hóa thạch

Cho tới giờ khắp thế giới, phiên bản sách giáo khoa về cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên đều nói là do động cơ hơi nước dẫn đầu. Vào cuối thế kỷ 19 thì điều đó đúng. 

Nhưng riêng động cơ hơi nước không thể giải thích cho việc sử dụng than đá thống trị toàn cầu vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. (Ở Việt Nam, than đá đã được khai thác với quy mô đáng kể từ thời Minh Mạng, vào khoảng năm 1840, nhưng chỉ thực sự trở thành một ngành công nghiệp sau khi người Pháp xuất hiện, vào cuối thế kỷ 19).

Nhiều sử gia đã tìm hiểu kỹ để dựng lại lịch sử này, bao gồm Andreas Malm ở Đại học Lund, Thụy Điển, với cuốn Tư bản hóa thạch (Fossil Capital, 2015). Theo Malm, tới tận những năm 1830, hoạt động công nghiệp vẫn chưa khai thác quá 10% thủy năng có sẵn ở vùng miền trung Anh. 

Dù các động cơ chạy sức nước là công nghệ cũ, chúng rõ ràng “thân thiện với môi trường” và có thể cải tiến không mấy khó khăn, như kỹ sư Thom đã chứng minh. Nhưng không như động cơ hơi nước (chạy bằng than đá), chúng chưa bao giờ thực sự bùng nổ.

Vấn đề là động cơ hơi nước có nhiều lợi thế trong mắt nhà đầu tư. Quan trọng nhất có lẽ là khả năng xây một nhà máy mới ngay cạnh nhà máy cũ ở những đô thị đã tồn tại ngành dệt may hoặc có nguồn than đá gần bên: lao động và nhiên liệu, thế là cỗ máy chạy thôi. 

Những đô thị công nghiệp lớn kiểu này cũng khuyến khích dòng chảy ý tưởng và kỹ năng. Những phát kiến của Watt, không giống của Thom, có thể áp dụng đại trà, cho mọi động cơ hơi nước.

Để rồi suốt thế kỷ 19, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy bởi việc theo đuổi và ứng dụng một cách có hệ thống tri thức kỹ thuật với động cơ hơi nước là mô hình có tính hệ thức, lặp đi lặp lại. 

Có thể nói không ngoa rằng than đá đã tạo ra cách mạng công nghiệp, khi nó giúp “phổ cập hóa” các nhà máy, mang chúng đi khắp thế giới, để rồi khi tăng trưởng đòi hỏi ngày càng nhiều năng lượng hơn, các loại nhiên liệu hóa thạch khác, đáng chú ý nhất là dầu mỏ và khí đốt, cũng được đưa vào sử dụng.

Chủ nghĩa tư bản và khí hậu

Một số người, như Malm, nhìn thấy hàng thế kỷ đan cài chặt chẽ của nhiên liệu hóa thạch và hệ thống tư bản chủ nghĩa bắt đầu từ các nhà máy dệt ở Anh, tới mức không thể loại bỏ cái này mà giữ lại cái kia. 

Với họ, đó là một lựa chọn “hoặc là tư bản chủ nghĩa, hoặc là môi trường”, như lời nhà tranh đấu và tác giả Naomi Klein cho cuốn sách ăn khách của bà Điều này thay đổi tất cả: Chủ nghĩa tư bản đối đầu khí hậu (This Changes Everything: Capitalism vs. the Climate, 2014). 

Theo quan điểm này, lợi nhuận của ngành năng lượng hóa thạch không chỉ cản trở chính sách khí hậu phù hợp, mà còn là dấu hiệu cho sự bất lực có tính hệ thống của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.

Nhưng đòi hỏi tăng trưởng vẫn là rất thật và rất chính đáng ở ít ra là 2/3 thế giới, bao gồm Việt Nam. 

Để phát triển mà vẫn giảm được sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch - động cơ tăng trưởng duy nhất có tương lai thật sự - các nước nghèo sẽ cần công nghệ và những khoản đầu tư mới. Và để có điều đó, họ cần chủ nghĩa tư bản.

Thật ra, hầu hết các kinh tế gia lớn đều nhất trí về việc chấm dứt thời kỳ nhiên liệu hóa thạch. Vấn đề là làm sao để tăng trưởng không gắn với việc làm tăng mức CO2.

Câu hỏi đó được tổng kết gọn ghẽ qua công thức của kinh tế gia năng lượng người Nhật Bản Yoichi Kaya: CO2 = dân số x (GDP đầu người) x (năng lượng / GDP) x (CO2 / năng lượng). 

Phát thải là sản phẩm của dân số tăng, GDP tăng, năng lượng tiêu tốn cho một đơn vị tăng GDP, và lượng phát khí thải cho lượng năng lượng đó.

Để giảm phát thải, ta sẽ phải giảm tối thiểu một trong bốn yếu tố trên. Hành động của cả các tổ chức tư nhân và nhà nước nhắm chủ yếu vào hai yếu tố sau: khí thải carbon trên một đơn vị năng lượng và năng lượng tiêu tốn cho một đơn vị GDP. 

Tình hình là một số người cho rằng đã tới lúc phải xem xét hai yếu tố đầu: dân số và GDP.

Lịch sử thế kỷ 20 cho thấy việc giảm dân số không khả thi cho lắm. Nên câu hỏi còn lại là GDP.

Cuộc tranh luận về tăng trưởng

Kể từ hiệp định khí hậu Paris 2015, thảo luận về giảm tốc độ tăng trưởng đã trở thành đề tài nóng trong giới chuyên môn. Thật dễ hiểu, nhiều người nhanh chóng chỉ ra đó là giải pháp có lợi cho các nước giàu, vốn đã no đủ và đằng nào cũng đang tăng trưởng chậm lại.

Đây trước hết là một vấn đề đạo đức. Một cá nhân có quyền tiết giảm mức sống của mình như họ muốn, nhưng không được áp đặt điều đó lên người khác. 

Với các quốc gia cũng vậy. Về mặt chính trị, điều này cũng khó lòng khả thi. Các chính phủ có thể và thực sự có lúc chủ ý tìm cách kìm hãm tăng trưởng (dù rất nhiều khi là do vô tình!), nhưng một chính sách công khai như vậy đồng nghĩa với tự sát về mặt chính trị.

Thêm nữa, thế giới không phải là những quốc gia sống tách biệt. Phần lớn sự thịnh vượng gia tăng ở các nước đang phát triển 20 năm qua, bao gồm Việt Nam, có động cơ không ít là để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các nước giàu. 

Nghèo đói hơn khó có thể là cách để chống biến đổi khí hậu tốt hơn. Rốt cuộc, để giảm khí thải nhanh chóng, các nước nghèo sẽ cần những khoản đầu tư khổng lồ cho năng lượng tái tạo, mà tiền bạc chỉ có thể tới từ các nước giàu. 

Những nhà tư bản cũng sẽ đầu tư, nhưng họ sẽ chỉ chọn lọc các dự án nào mang lại lợi nhuận tốt và nhanh chóng.

Điều đó dẫn tới việc để đáp ứng mục tiêu về phát thải, các cách tân công nghệ tương lai, từ lưu trữ năng lượng, sưởi ấm, làm mát, công nghiệp chế tạo, canh tác nông nghiệp, vận hành máy móc, sản xuất đồ nhựa... đều cần những mục tiêu cụ thể và rộng hơn chỉ là chạy theo lợi nhuận. 

Tesla và ông chủ nhiều tranh cãi Elon Musk của nó có thể là một ví dụ: một công ty sản xuất xe điện và kiếm được tiền bằng cách chứng minh rằng nếu họ thành công, các hãng khác sẽ phải làm theo.

Một tương lai năng lượng không phát thải sẽ còn gây nhiều đảo lộn hơn bước tiến của than đá hai thế kỷ trước. Trong một thế giới “điện hóa”, những nguồn năng lượng sẽ trở nên giống nhau hàng loạt: phích cắm không cần biết ổ cắm lấy điện từ đâu. 

Một ví dụ khác nhắc lại thời than đá lan tràn: sự xuất hiện gần như đồng loạt của những cánh đồng điện gió và điện mặt trời trong khoảng 20 năm trở lại đây.

Vấn đề lớn của những loại năng lượng đó là nó gần với sản xuất nông nghiệp hơn là công nghiệp: điện năng thay đổi khi một đám mây lững lờ trôi ngang, một trận mưa đổ xuống, Trái đất chuyển từ ngày sang đêm, mùa gió thay đổi, và cũng tùy theo năm mà “được mùa” hay “mất mùa” điện. 

Câu hỏi là làm sao cân bằng được dòng chảy năng lượng đó, cũng như lưu trữ chúng tốt hơn. Như Robert Thom đã giải bài toán ở hồ Fad, ta cần cả khả năng lưu trữ (nước) và năng lực chi phối dòng chảy của nó. 

Những nguyên tắc vẫn vậy, chỉ có điều giờ chúng sẽ được áp dụng trên toàn cầu. Các lưới điện phải lớn hơn và thông minh hơn.

Tóm lại, năng lượng sạch không nhất thiết đồng nghĩa với việc tiêu diệt hệ thống tư bản chủ nghĩa và thủ tiêu tăng trưởng. Tuy nhiên, các nhà khoa học đều nhất trí rằng thời gian để tìm ra một giải pháp lý tưởng như vậy không còn nhiều. ■

Bạn đang đọc trong chuyên đề "TIỀN CHỐNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ĐÃ ĐƯỢC DÙNG THẾ NÀO?"