Tương lai của thức ăn

Tuổi Trẻ Cuối Tuần

TTCT - Ăn chay hay hay ăn thịt? Côn trùng có thể là nguồn protein tuyệt vời để thay thế? Thịt giả đã đến bàn ăn gia đình như thế nào? Đồ uống không cồn sẽ dẫn dắt thị trường? Người ta có ra ngoài để ăn nữa không? Những nhà hàng ảo đang thay thế dần các quán ăn đông nghẹt khách ngồi. Và con virus đói đang lây nhiễm toàn cầu... Tất cả giúp bạn hình dung về một tương lai thực sự khác lạ của thức ăn.

Thời của đồ uống không cồn

BÌNH MINH 09/01/2022 19:00 GMT+7

TTCT - Từng bị chế giễu, giờ đây rượu, bia và rượu mạnh không cồn xuất hiện nhan nhản trong các quán bar, nhà hàng và cửa hàng tạp hóa trên khắp thế giới. Ngành công nghiệp đồ uống không cồn đã tăng vọt trong năm qua, khi người tiêu dùng chuyển từ uống rượu no say sang ưu tiên sức khỏe và tinh thần.

Khảo sát thị trường cho thấy người tiêu dùng không ngại chi tiền cho các loại đồ uống không cồn. Ảnh: Organic Authority

 

Cuộc chạy đua mới

“Trải qua đại dịch, nhu cầu giao lưu, kết nối với bạn bè và gia đình ngày càng nhiều hơn. Uống rượu là yếu tố cốt lõi của hoạt động này. Tuy nhiên, sự khác biệt là hiện nay mọi người muốn uống một cách lành mạnh hơn” - Jeff Menashe, người sáng lập và giám đốc điều hành của Công ty đồ uống Demeter & Co tại Mỹ cho biết.

Cùng nhận thấy xu hướng này, công ty khởi nghiệp chuyên sản xuất rượu mạnh không cồn CleanCo đã đưa ra hàng loạt sản phẩm rượu gin, tequila, vodka hay rượu rum có hương vị như thật với mức giá không quá chênh lệch. 

Một chai rượu gin của thương hiệu Hendrick loại 700ml có giá khoảng 40 USD, trong khi phiên bản không cồn mà CleanCo đưa ra có giá khoảng 25USD.

Khảo sát thị trường cho thấy người tiêu dùng không ngại chi tiền cho các loại đồ uống không cồn. Theo Công ty phân tích dữ liệu NielsenIQ, doanh số bán đồ uống không cồn đã tăng 33,2% trong năm qua, với tổng doanh thu là 331 triệu USD.

Doanh số bán bia không cồn và rượu táo tăng 31,7%, đáng chú ý hơn là doanh số bán rượu mạnh không cồn tăng 113,4% trong cùng kỳ.

Ông Justin Hicklin, chủ tịch CleanCo, cho biết mức giá của các sản phẩm được tính toán hợp lý, tương xứng với thời gian và nỗ lực mà công ty này tạo ra đồ uống không cồn có hương vị, mùi thơm và cảm giác ngon miệng. 

“Chúng tôi sử dụng 8 hoặc 9 kỹ thuật chưng cất khác nhau để chiết xuất hương vị. Đó là quy trình cực kỳ phức tạp và khá tốn kém”, ông nói. 

Hicklin tiết lộ cây bách xù mà CleanCo sử dụng trong loại rượu gin không cồn được mua từ nguồn cung cấp duy nhất tại Bulgaria, cho thấy sự đầu tư của công ty này để làm hài lòng khách hàng.

CleanCo gia nhập thị trường Vương quốc Anh vào năm 2018, sau khi người sáng lập Spencer Matthews nhận thấy sự khởi sắc đáng kể trong ngành công nghiệp từng ít được quan tâm trước đây. 

Công ty này đã hợp tác với Demeter & Co để đưa đồ uống không cồn của mình vào thị trường Hoa Kỳ từ tháng 10. Menashe ước tính từ 7 - 10 triệu người tiêu dùng tiềm năng ở Vương quốc Anh và 12 - 15 triệu người ở Hoa Kỳ.

Những chai rượu mạnh không cồn do thương hiệu Lyre’s sản xuất thậm chí còn đắt hơn rượu có cồn. Công ty thành lập vào năm 2019, với giá trị kinh doanh hiện tại là 270 triệu bảng Anh (357 triệu USD). 

“Các sản phẩm có thành phần được thu mua từ 39 quốc gia để mang lại hương vị chính xác”, giám đốc điều hành của Lyre’s Mark Livings cho biết. Một số sản phẩm trong đó phức tạp đến mức chúng có hơn 36 hương vị khác nhau. 

Theo Livings, công ty đang ở giai đoạn tăng trưởng siêu tốc với một chai bán ra cứ sau 30 giây và giá cả dường như không phải là vấn đề đối với người tiêu dùng.

Nhu cầu đồ uống không cồn và ít cồn đang tăng mạnh tại khu vực châu Á và Trung Đông. Chúng có mặt tại 60 quốc gia, ba thị trường lớn nhất của Lyre’s ở châu Á là Singapore, Hồng Kông và Trung Quốc đại lục. 

Công ty đã mở rộng sang Malaysia và 8 quốc gia trên khắp Trung Đông - những quốc gia có quy định nghiêm ngặt đối với đồ uống có cồn. 

“Chúng tôi đang có giải pháp để chiếm lĩnh thị trường còn lại của thế giới và tôn trọng, đảm bảo tuân thủ tất cả luật pháp địa phương. Những người rất giàu luôn ưu tiên sức khỏe của họ và giờ đây xu hướng này đang xuất hiện ở tất cả các nhóm người tiêu dùng”, ông Livings nhấn mạnh.

Tuổi tác cũng là vấn đề đáng quan tâm. Theo nghiên cứu mà International Journal of Drug Policy công bố, những người trẻ hơn - lớn lên trong các phong trào quảng bá thực phẩm có nguồn gốc thực vật và hữu cơ - đang uống ít rượu hơn so với các thế hệ trước.

Tuy nhiên, không phải ai cũng thích rượu mạnh không cồn. Tại Hong Kong, Darkside - nơi được mệnh danh là quán bar ngon thứ 49 trên thế giới năm 2021, chủ yếu sử dụng các nguyên liệu như nước dừa, hạt tiêu Tứ Xuyên và kombucha chứ không phải chất thay thế rượu. 

“Chúng tôi sử dụng kombucha vì nó tạo ra hương vị. Phần lớn lý do mọi người không uống rượu trong các cuộc tụ họp xã hội do đang thực hiện chế độ cai nghiện, chế độ ăn kiêng không có cồn hoặc đang mang thai.

Những nhóm khách này có xu hướng không bao giờ từ bỏ món kombucha có lợi cho đường ruột” - Arcadius Rybak, giám đốc quán bar tại khách sạn Rosewood Hong Kong, nơi có trụ sở của Darkside, cho biết.

Một số đồ uống không cồn cũng không hoàn toàn không chứa cồn. Theo công ty phân tích thị trường và dữ liệu về các loại đồ uống có cồn IWSR, đồ uống không cồn được định nghĩa là có chứa ít hơn 0,5% cồn theo thể tích.

Đây là một lý do tại sao các chuyên gia tư vấn về nghiện rượu khuyên những người có tiền sử lạm dụng rượu nên tránh những đồ uống này, mặc dù các ý kiến về vấn đề này còn trái chiều.

Dan Durkin, giám đốc thực phẩm và đồ uống tại The American Club Singapore, cho biết khách hàng đã phản ứng tích cực sau khi được giới thiệu loại rượu mạnh không cồn từ thương hiệu Seedlip của Anh. Ngoài lý do sức khỏe và tôn giáo, Durkin cho biết khách hàng yêu cầu loại đồ uống này vì họ không muốn “xuất hiện lạc lõng khi đi chơi với bạn bè hoặc đồng nghiệp”. 

Một số người khác muốn có những lựa chọn đa dạng hơn ngoài “một loại nước ngọt thông thường”, mà là thứ gì đó thú vị hơn, được làm thủ công. Một số nhà hàng, như Cloudstreet ở Singapore, còn kết hợp đồ uống không cồn với đồ ăn. Khi trả thêm 128 SGD, khách hàng được gợi ý kết hợp các hương vị rượu trong cùng một ly rượu. 

Theo Vinodhan Veloo, giám đốc đồ uống của Tập đoàn Cloudstreet, các thành phần như mật ong Bồ Đào Nha, lapsang souchong (một loại trà đen), hạt tiêu hồng và xirô nấm có giá mắc nhất.

Theo IWSR, xu hướng sử dụng đồ uống không cồn không có dấu hiệu chậm lại. Công ty phân tích đồ uống dự báo ngành này sẽ tăng trưởng 31% vào năm 2024, khi nhiều quán bar và nhà hàng cung cấp đồ uống không cồn.

“Tôi nhớ mình đã vào một nhà hàng cách đây 20 năm mà không có lựa chọn ăn chay . Các quán bar ngày nay sẽ không tồn tại nếu họ chỉ bán đồ uống có cồn” - Hicklin, giám đốc CleanCo, nói.

Các sản phẩm đồ uống không cồn của CleanCo. Ảnh: The Grocer

 

Tất cả vì sức khỏe

Đồ uống không cồn được dự đoán là một trong các xu hướng ẩm thực mới sẽ thống trị trong năm 2022. Ngoại trừ yếu tố về tuổi tác giữa các thế hệ, đại dịch COVID-19 được xem là tác nhân chính giúp thúc đẩy mọi người theo đuổi lối sống lành mạnh và cân bằng, quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn.

Thói quen uống rượu bia của người tiêu dùng đang thay đổi, trong đó lượng rượu đang giảm đáng kể. Chất lượng của các thành phần, hương vị, nồng độ cồn và nguồn gốc ngày càng quan trọng với người tiêu dùng khi họ muốn hướng tới một lối sống toàn diện hơn. 

Theo Công ty nghiên cứu thị trường Mintel, 44% người uống rượu ở Mỹ nói rằng họ cố gắng “chọn loại rượu lành mạnh nhất” và 44% cũng thích xem lại thông tin dinh dưỡng trước khi uống. 57% số người đưa ra các câu trả lời này nằm ở độ tuổi từ 22 - 54. 

Ngoài ra, sự tập trung ngày càng tăng vào sức khỏe đã làm cho việc kiêng rượu trở nên rõ ràng hơn, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Một báo cáo mới từ Công ty nghiên cứu thị trường Innova Market Insights cho thấy xu hướng này rõ ràng nhất ở người tiêu dùng thế hệ Z, với khoảng một phần ba số người trong độ tuổi 18 - 25 nói rằng họ không bao giờ uống rượu.

Đáng chú ý, nhà nghiên cứu thị trường cho biết xu hướng này tạo ra một tiểu danh mục hoàn toàn mới trong thị trường đồ uống có cồn. Các lựa chọn thức uống không cồn đang tràn ngập trên các kệ hàng và các công ty đang tập trung vào chiến lược phát triển sản phẩm mới liên tục.

Theo Innova Market Insights, 4% tổng số các loại bia và rượu mạnh được tung ra thị trường toàn cầu vào năm 2021 hoàn toàn không chứa cồn, tăng lên 7% trong số các loại đồ uống có cồn có hương vị (FAB).

Loại bỏ rượu cũng đang trở nên phổ biến hơn nhiều. Lu Ann Williams, giám đốc thông tin chi tiết toàn cầu tại Innova Market Insights, nhận định những tập đoàn lớn đều đang đầu tư vào phong trào giải khát không rượu bia. 

Cho dù là giảm rượu hay loại bỏ hoàn toàn, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp này nhận ra những người trẻ tuổi không biết uống rượu là khách hàng tiềm năng trong tương lai. Điều chỉnh theo nhu cầu của họ là trọng tâm chính hiện tại, Innova Market Insights cho biết.

Đi tìm chế độ ăn “thần thánh”

TRÚC ANH 07/01/2022 19:10 GMT+7

TTCT - Tìm kiếm một hay nhiều chế độ ăn tốt cho cả con người lẫn hành tinh là điều cần thiết, nhưng gần như bất khả.

 
 Nguồn: EAT-Lancet

Tìm kiếm một hay nhiều chế độ ăn tốt cho cả con người lẫn hành tinh ta đang sống đang là tâm điểm của nhiều nhà nghiên cứu, Liên Hiệp Quốc, các quỹ tài trợ quốc tế và nhiều quốc gia, theo một bài viết trên Nature ngày 1-12. Chế độ ăn đó có thể gọi là “thần thánh” theo nghĩa quá khó đạt được, bởi nó yêu cầu phải thỏa rất nhiều điều kiện: dinh dưỡng cho con người, an toàn cho hệ sinh thái, giá phải chăng và phù hợp về mặt văn hóa.

Sự đa dạng và phức tạp của hành tinh chúng ta - nơi có hơn 2 tỉ người, chủ yếu ở phương Tây, thừa cân béo phì và hơn 800 triệu người không nạp đủ dinh dưỡng cần thiết mỗi ngày, đa số ở các nước thu nhập thấp và trung bình; nơi cấm thịt bò chỗ không ăn thịt heo - khiến tìm ra một chế độ ăn như vậy gần như bất khả.

Trong một báo cáo năm 2019, EAT-Lancet - liên minh gồm 37 nhà dinh dưỡng học, sinh thái học và các chuyên gia khác từ 16 quốc gia - đề xuất một chế độ “linh hoạt”: chủ yếu là ăn thực vật suốt tuần và thỉnh thoảng xen vào một lượng nhỏ thịt (1 tuần không quá 100g thịt đỏ) hoặc cá, vừa đảm bảo dinh dưỡng vừa không vượt các giới hạn về sử dụng tài nguyên, phát thải carbon, mất mát đa dạng sinh học.

Vấn đề là tính thực tế và thực dụng của nó. Nhiều nhà khoa học cho rằng chế độ ăn nói trên là “chuẩn” với các nước giàu, vốn đã ăn quá nhiều thịt và thức ăn không bổ dưỡng, nhưng không đảm bảo dinh dưỡng cho người sống ở nơi còn thiếu thốn. Một vấn đề khác là chi phí: Hàng triệu người không có tiền để tiếp cận các thực phẩm dù rất cơ bản như các loại hạt, cá, trứng, chế phẩm từ sữa…

Mới đây, một nhóm các cơ sở kinh doanh thức ăn ở Baltimore (Maryland, Mỹ) áp dụng chế độ này khi hỗ trợ thực phẩm cho các gia đình không có điều kiện ăn uống đầy đủ. Khảo sát các gia đình tham gia chương trình sau đó cho thấy 93% trong số 242 người trả lời cho biết họ thích chế độ ăn gồm cá hồi, rau theo mùa này. Có điều mỗi phần ăn này có giá 10 USD, gấp 5 lần mức hỗ trợ của chương trình tem phiếu thực phẩm của Mỹ.

Marco Springmann, nhà khoa học thực phẩm Đại học Oxford có tham gia EAT-Lancet, thừa nhận chế độ mà họ đề xuất không phải là giải pháp phù hợp cho tất cả. Từ nỗ lực của EAT-Lancet, các nhà khoa học y tế cộng đồng khắp thế giới đang tiếp tục nghiên cứu để chế độ ăn này thực tế hơn, phù hợp với cả người thừa cân ở phương Tây lẫn trẻ suy dinh dưỡng ở châu Phi. Chẳng hạn, FAO đã lập một ủy ban để thực hiện một phân tích toàn diện và mang tính bao trùm hơn về chuyện ăn uống, an ninh lương thực và tính bền vững của ngành chăn nuôi.

Lora Iannotti, chuyên gia nghiên cứu y tế cộng đồng Đại học Washington, St. Louis, mô tả nỗ lực của FAO là “đi xa hơn (EAT-Lancet) và đảm bảo rằng chúng tôi có bằng chứng từ khắp nơi trên thế giới” hầu tìm được giải pháp thực tế và khả thi hơn cho bài toán ăn không chỉ cốt no mà còn để bớt lo về tương lai của Trái đất.

Vấn đề đang rất cấp bách, như cảnh báo của Sam Myers, giám đốc Planetary Health Alliance, liên minh nghiên cứu tác động của các thay đổi về môi trường lên sức khỏe con người: “Chúng ta cần phải đạt được tiến bộ trong việc áp dụng các chế độ dinh dưỡng ít ảnh hưởng môi trường hơn, nếu không chỉ vài thập niên nữa là chúng ta bắt đầu chứng kiến sự sụp đổ toàn cầu về đa dạng sinh học…”. 

Nhưng thực tế không thể tránh khỏi là trước mắt, giới khoa học ở các nước thu nhập thấp và trung bình vẫn quan tâm đến việc có đủ dinh dưỡng hơn là ngăn tổn hại môi trường - theo Purnima Menon, chuyên gia của Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế tại Ấn Độ.

Giống sữa, nhưng không có bò…

XUÂN TÙNG 06/01/2022 19:05 GMT+7

TTCT - Từ chỗ chỉ là sản phẩm thay thế sữa động vật, chủ yếu là sữa bò, sữa yến mạch (oat milk) đang trở thành cơn sốt thực phẩm mới nhất tại các nước phương Tây trong mấy năm gần đây, đúng vào lúc các mối quan tâm về môi trường và sức khỏe đang khiến bơ, sữa, phô mai động vật trở nên kém hấp dẫn hơn bao giờ hết.

 
 Ảnh: FT

Xét lại khẩu phần ăn

Sữa và chế phẩm từ sữa từ lâu đã được coi là một phần không thể thiếu trong chế độ ăn tại các nước Âu Mỹ, nhưng vị trí vững chãi của các sản phẩm này đang lung lay trong mấy năm trở lại đây khi các báo cáo về tác động môi trường của ngành công nghiệp sữa bò cũng như sự lên ngôi của lối sống thuần chay, chế độ ăn lành (eat clean) kiêng sữa, đang khiến người tiêu dùng quay lưng lại với nguồn protein quen thuộc này. Sau hơn hai thập niên từ 1996 - 2018, lượng tiêu thụ sữa trung bình của người tiêu dùng Mỹ đã giảm hơn một phần ba, từ khoảng 110 lít xuống chỉ còn 77 lít/năm.

Nhóm khách hàng trẻ tuổi thế hệ Millennials (tuổi 26 - 40) và Gen Z (dưới 25), những người đặt mối quan tâm về môi trường và đạo đức tiêu dùng cao hơn hẳn thế hệ cha mẹ mình, đang là người dẫn đầu trào lưu quay lưng với sữa động vật.

“Tôi cắt sữa khỏi khẩu phần ăn của mình vì lý do đạo đức” - Irene Meier, một công dân Anh trẻ tuổi, trả lời Đài BBC, ám chỉ chuyện các nông trại ép bò cái thụ thai liên tục để kích thích tuyến sữa hay chuyện giết bê đực ngay từ khi mới chào đời - những thực hành bị coi là “phi nhân tính” đang bị người tiêu dùng chỉ trích kịch liệt mấy năm gần đây.

Với sự “rớt đài” của sữa động vật, các sản phẩm sữa thực vật như sữa hạnh nhân, đậu nành, dừa, yến mạch… đang được coi là phương án thân thiện môi trường và an toàn với sức khỏe, được khách hàng trẻ ngày một yêu thích. Theo thống kê của Nielsen, doanh thu các sản phẩm sữa thực vật tại Mỹ từ tháng 7-2020 đến tháng 7-2021 đạt 2,4 tỉ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời chiếm 15,5% tổng lượng sữa bán ra trên toàn nước Mỹ.

Theo báo cáo hồi tháng 4-2021 của Hiệp hội Thực phẩm nguồn gốc thực vật (PBFA), sữa hạnh nhân vẫn chiếm lĩnh thị trường sữa thực vật ở Mỹ với 2/3 thị phần, nhưng đáng chú ý nhất là sự đổi ngôi ở vị trí thứ 2 - sữa yến mạch “vượt mặt” sữa đậu nành, với doanh số tăng hơn gấp 3 trong năm 2020 và tăng trưởng 25 lần kể từ 2018.

 
 Ảnh: Oatly

Công thức Thụy Điển

Muốn tìm hiểu lý do sữa yến mạch đạt tốc độ tăng trưởng nhanh chóng đến vậy, không thể không nhắc đến người dẫn đầu trào lưu - không phải các ông lớn đa quốc gia như Nestle hay Unilever, mà là một doanh nghiệp khiêm nhường đến từ Thụy Điển mang tên Oatly.

Khởi đầu là sản phẩm “nhà làm” do Rickard Öste sáng chế vào năm 1994 cho người không uống được sữa động vật do chứng bất dung nạp lactose, Oatly vẫn chỉ là một sản phẩm nội địa Thụy Điển cho đến năm 2012, khi Toni Petersson, một nhân vật có đầu óc marketing khác người, vạch ra một chiến lược kinh doanh mới sau khi được mời về điều hành công ty.

Dưới con mắt của Peterson, thân thiện với môi trường là một lợi thế lớn của Oatly. Theo trang Quartz, sản xuất sữa yến mạch tốn ít đất đai hơn 11 lần, xả thải nhà kính ít hơn 4 lần và dùng ít nước hơn 13 lần so với sữa bò. Lợi thế này liên tục được Oatly nhắc lại trong các chiến dịch quảng cáo hòng định vị sản phẩm như một phương án giúp khách hàng thoát khỏi mặc cảm “gián tiếp phá hoại môi trường” khi tiêu thụ sữa bò.

Thay vì đổ tiền vào biển quảng cáo đắt tiền và mua sóng truyền hình khung giờ vàng, Oatly tiếp cận thị trường Mỹ bằng những đoạn quảng cáo hài hước được sơn lên tường (“Bạn đang đọc cái này ư? Vậy là chúng tôi thành công rồi đấy!” - một đoạn quảng cáo viết). Không cần kể lể nhiều về chất lượng sản phẩm, Oatly mời các nhân viên pha chế tại các quán cà phê nhỏ dùng thử miễn phí, khuyến khích họ dùng Oatly trong đồ uống cho khách, từ đó tạo hiệu ứng truyền miệng với tập khách hàng trẻ, sành điệu, quan tâm đến môi trường.

Không xuất hiện bóng bẩy, Oatly luôn biết cách làm cho mình độc đáo và khác người nhất có thể. Bao bì sản phẩm không có hình giọt sữa sóng sánh, thay vào đó là những con chữ trông như được cắt dán bằng tay ở một xưởng thủ công nhỏ nào đó.

Mới đây, công ty này bị “ném đá” tơi bời tại Mỹ khi chiếu đoạn clip CEO Toni Petersson ngồi giữa cánh đồng yến mạch đệm đàn và hát nghêu ngao lệch tông trong đoạn quảng cáo phát giữa giờ tại Super Bowl 2021, trận tranh chức vô địch thường niên của Liên đoàn Bóng bầu dục Mỹ, cũng là sự kiện để các nhãn hàng tiếp cận hàng trăm triệu người dùng tiềm năng, với giá hàng triệu USD cho 30 giây xuất hiện. Dù nghe ngớ ngẩn nhưng lời bài hát “Giống sữa nhưng dành cho người… Quào, không có bò” đã nhanh chóng lan truyền trên mạng, thậm chí còn được yêu thích ngược vì tạo cảm giác chân thật, không màu mè - cũng chính là hình ảnh mà Oatly đang theo đuổi.

Dù vậy, marketing tốt thôi chắc chắn là chưa đủ. Theo Barb Stuckey, chuyên gia tư vấn thị trường thực phẩm tại California, sự áp đảo của Oatly đến từ chất lượng vượt trội so với các sản phẩm sữa thay thế khác đã có trên thị trường. “Rất nhiều sản phẩm sữa thực vật bị loãng và nhạt, vì vậy các nhà sản xuất phải thêm đường và phụ gia để tạo độ sánh. Các sản phẩm này cũng có ít hàm lượng dinh dưỡng, protein và vitamin” - Stuckey cho biết. Trong khi đó, nhờ có công thức độc quyền của Oste, Oatly đã tìm được cách hòa tan chất xơ trong yến mạch, tạo ra thành phẩm sánh đặc như sữa động vật mà không cần thêm đường.

Với lợi thế công nghệ, cùng với sự nổi loạn hiếm thấy trên thị trường, Oatly đã thuyết phục hoàn toàn tập khách hàng Millennials và Gen Z tại Mỹ, biến sữa yến mạch từ chỗ ít người biết trở thành một món tiêu dùng sành điệu. Doanh thu của công ty trong năm 2020 đạt 421 triệu đôla, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, giúp Oatly trở thành công ty sữa yến mạch lớn nhất hành tinh ở thời điểm hiện tại.

 
 CEO Oatly Toni Petersson hát "Quào, không có bò" trong quảng cáo Super Bowl. Ảnh cắt từ clip

“Cuộc chiến sữa” chỉ mới bắt đầu

Sự tăng trưởng chóng mặt của sữa yến mạch và sữa thực vật nói chung đang trở thành mối đe dọa ngày một hiển hiện với các tập đoàn sữa truyền thống, buộc họ phải viện đến nhiều công cụ - trong đó có luật pháp.

Các nhóm vận động hành lang đại diện cho quyền lợi ngành sữa động vật Mỹ đã liên tục vận động Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấm các công ty sữa thực vật gọi sản phẩm của mình là “sữa” với lý do tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Nỗ lực này hiện nay vẫn chưa thành công, tuy nhiên Liên minh châu Âu đã cấm các sản phẩm thay thế in những từ như “milk” (sữa) hoặc “yoghurt” (sữa chua) trên bao bì từ năm 2017.

Cuộc chiến này đặc biệt căng thẳng ở Thụy Điển - quê nhà Oatly, nơi tập đoàn sữa truyền thống Arla thực hiện một loạt quảng cáo ngắn trên truyền hình như để đáp trả cách truyền thông gây hấn của phe sữa yến mạch. Dựng cảnh các nhân vật uống sữa thay thế với tâm trạng ủ dột, mỗi đoạn quảng cáo đều kết thúc bằng câu “Chỉ có sữa thật mới có vị giống sữa.”

Mặc dù vậy, việc khẩu vị người tiêu dùng nghiên về phía sữa thực vật là không thể chối cãi, và nhiều hãng sữa động vật khác đã chọn xuôi theo dòng để bắt kịp xu hướng. Mới đây, Chobani - hãng thực phẩm đã khơi mào cơn sốt sữa chua Hy Lạp - vừa ra mắt dòng sản phẩm sữa yến mạch, sữa chua yến mạch và cà phê sữa yến mạch để giành phần trong thị trường đang lên. HP Hood, một hãng sữa lâu đời tại Mỹ, cũng đã ra mắt dòng sữa yến mạch Planet Oat, trong khi Nestle cũng đã tham gia cuộc chơi với sản phẩm sữa yến mạch vị socola GoodNes.

Bên cạnh đó, hàng loạt các công ty start-up cũng đã và đang ra mắt thương hiệu sữa yến mạch, khiến ngôi đầu thị trường của Oatly gặp phải vô số cạnh tranh. Tuy vậy, CEO của Oatly vẫn tỏ ra khá lạc quan về sự khác biệt của công ty trong mắt người tiêu dùng. “Chúng tôi chỉ muốn làm cho thế giới tốt đẹp hơn. Chúng tôi không tạo ra một sản phẩm để chạy theo cơ hội thị trường. Đó là một tư duy kinh doanh hoàn toàn khác, và người tiêu dùng hoàn toàn có thể cảm nhận sự khác biệt” - Petersson chia sẻ với Quartz.

Đứng trước lựa chọn giữa sữa bò và sữa thực vật, người tiêu dùng có khá nhiều điều phải cân nhắc. Hàm lượng protein trong một cốc sữa bò là khoảng 8g, nhiều hơn tất thảy các loại sữa hạt. Sữa bò cũng có hàm lượng canxi và vitamin B6 và B12 tự nhiên - thứ mà hầu hết sữa hạt không có. Đổi lại, sữa bò không chứa chất xơ như sữa hạt và có thể gây vấn đề tiêu hóa cho ⅔ dân số thế giới do có chứa đường lactose.

Về khía cạnh môi trường, sữa bò bị áp đảo hoàn toàn: ngành công nghiệp sữa đóng góp tới 4% tổng lượng khí thải toàn cầu, trong khi sữa hạt dùng ít tài nguyên đất đai, nước và xả thải ít hơn nhiều. Điều đó không có nghĩa là quy trình sản xuất sữa hạt hoàn toàn vô hại: Một điều tra của tờ The Guardian cho thấy nhu cầu sữa hạnh nhân đã đóng góp vào sự cố chết hàng loạt của các bầy ong nuôi tại Mỹ năm 2020, do các trang trại hạnh nhân đã vắt kiệt sức các bầy ong để thụ phấn đồng thời khiến chúng phải tiếp xúc với hóa chất canh tác thường xuyên.

Chỉnh sửa gene vật nuôi, thịt này nuốt có xuôi?

LÊ MY 05/01/2022 19:05 GMT+7

TTCT - Mâm thịt của tương lai sẽ có gì? Trong những hướng nghiên cứu mà giới khoa học dày công theo đuổi bấy lâu nay, thịt lấy từ vật nuôi chỉnh sửa gene là giải pháp gây nhiều tranh cãi dù nó được trao cho một mục đích tốt đẹp: tăng phúc lợi động vật và tốt cho môi trường.

 
 Ảnh: Johan Jarnestad/Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển

Mỗi năm, hàng triệu con gà bị tiêu hủy sống vì nhiễm virus cúm gia cầm. Vắc xin ngừa cúm gia cầm tuy đã có nhưng vẫn chưa thể bảo vệ hoàn toàn những đàn gà khỏe mạnh, chưa kể virus có thể đột biến và kháng vắc xin. Còn một nguy cơ đáng sợ hơn: virus cúm gia cầm có thể lây sang người và gây thêm ít nhất một đại dịch.

Vì vậy, các nhà khoa học đang nghiên cứu một giải pháp lâu bền hơn: chỉnh sửa ADN của gia cầm để ngăn virus bám vào tế bào và nhân bản, lợi gà mà cũng lợi người. Nhưng ta có lăn tăn gì khi biết đĩa gà chiên nước mắm thơm lừng trước mặt làm từ gia cầm chỉnh sửa gene? Trước mắt, cộng đồng khoa học và giới làm luật đã có nhiều băn khoăn.

Thuận tự nhiên không?

“Chỉnh sửa gene” (gene editing) thường được gộp chung nhóm với “biến đổi gene” (genetic modification, GM) - một công nghệ vốn đã gây ồn ào và chia rẽ từ những năm 1990. Ở Mỹ chẳng hạn, hầu hết đậu nành và ngô được canh tác là hàng GM để tối đa hóa sản lượng. Nhưng với Liên minh châu Âu (EU), cây trồng lẫn vật nuôi GM hầu như không có “đất sống” vì những quy định nghiêm ngặt do lo ngại những ảnh hưởng ngoài ý muốn lên môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Giờ đây, một số nhóm vận động nói rằng chỉnh sửa gene cũng tiềm ẩn những rủi ro tương tự. Tổ chức Greenpeace đã lên tiếng cảnh báo hồi đầu năm 2021: Việc sử dụng các công nghệ chỉnh sửa gene “rất có thể sẽ biến cả thiên nhiên và bản thân chúng ta (thông qua thực phẩm chúng ta ăn) thành một màn thí nghiệm kỹ thuật gene khổng lồ với những hệ quả chưa biết được và có khi chẳng thể nào đảo ngược”.

Trong kỹ thuật GM, gene từ sinh vật này sẽ được chuyển sang sinh vật khác theo ý đồ của người nghiên cứu. Ví dụ ở loại ngô “Bt” có khả năng tự kháng côn trùng nhờ được cấy vật chất di truyền của loài vi khuẩn Bacillus thuringiensis vào tế bào ở giai đoạn phôi.

Trong khi đó, chỉnh sửa gene hoạt động trong khuôn khổ bộ gene của sinh vật, không vay mượn bên ngoài. Kỹ thuật mới này cho phép các nhà khoa học thêm, bớt hoặc thay đổi ADN của sinh vật ở những vị trí họ mong muốn. “Ngôi sao” của chỉnh sửa gene là công cụ CRISPR được phát triển vào năm 2012 (hai “mẹ đẻ” của nó đã nhận giải Nobel hóa học năm 2020). Có thể xem CRISPR như một cây kéo ở cấp độ phân tử dùng để cắt tỉa ADN.

Những người ủng hộ khẳng định rằng công nghệ chỉnh sửa gene chỉ là một phiên bản chính xác hơn của quá trình lai tạo, chọn lọc động vật truyền thống. Nói một cách dễ hiểu: biết đâu các nhà chăn nuôi truyền thống cũng có thể lai tạo giống gà miễn nhiễm với cúm, nhưng họ sẽ cần rất rất nhiều thời gian và may mắn. Trong khi đó, với “cây kéo” CRISPR, các nhà khoa học có thể đánh giá kết quả ngay trong phòng thí nghiệm, nếu khả quan thì mới tiến hành trên gia cầm sống.

Tách bạch 2 công nghệ “chỉnh sửa” và “biến đổi” gene có vai trò quan trọng trong việc mở đường cho việc nghiên cứu chỉnh sửa gene vật nuôi. Quan điểm không xếp “vật nuôi chỉnh sửa gene” vào nhóm “sinh vật biến đổi gene” đồng nghĩa với việc gỡ bỏ các quy định vốn dành cho công nghệ GM khỏi các dự án về chỉnh sửa gene. Một số quốc gia như Mỹ, Úc và Nhật Bản đã chọn hướng tiếp cận tương đối “dễ chịu” này. Trong khi đó, theo luật của EU, các “sinh vật chỉnh sửa gene” được đối xử như các sinh vật GM truyền thống và phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt hơn.

Khi còn trong cảnh “đồng sàng dị mộng” tiền Brexit năm 2019, Thủ tướng Boris Johnson đã hứa sẽ “giải phóng lĩnh vực sinh học phi thường của Vương quốc Anh khỏi các điều luật chống biến đổi gene” của EU. Hậu Brexit, tháng 9-2021 Chính phủ Anh tuyên bố sẽ soạn ra các điều luật mở đường cho một số hoạt động chỉnh sửa gene trong chăn nuôi.

 
 Các nhà khoa học tham vọng tạo ra giống gà miễn nhiễm trước cúm gia cầm bằng chỉnh sửa gene. Ảnh: Shutterstock

Ý tốt của một loài ăn thịt

Bộ trưởng Môi trường Anh George Eustice cho rằng chỉnh sửa gene làm giảm “mối bận tâm về mặt đạo đức hoặc sinh học” nhiều hơn kỹ thuật GM, và tăng “sự tôn trọng các quy luật của thiên nhiên”. Phe ủng hộ còn tin rằng việc chỉnh sửa gene có thể giải quyết một số vấn đề lớn trong việc tiêu thụ thịt và chăn nuôi hiện nay: thực phẩm lành mạnh hơn, nhu cầu sử dụng kháng sinh thấp hơn và phúc lợi động vật tốt hơn. Lại lấy lũ gà làm ví dụ. Một khi thế giới “chỉnh sửa” thành công những giống gà khỏe mạnh, người chăn nuôi sẽ vứt bớt những nỗi lo dịch bệnh triền miên và sẽ không cần “tắm” cả trại gà trong thuốc kháng sinh như hiện nay. Khi đó, người tiêu dùng sẽ có những quầy thịt “sạch” và an toàn hơn, không còn bận tâm về dư lượng thuốc kháng sinh trong thịt gà nữa. Ở một góc nhìn rộng hơn, chúng ta có thể hy vọng giải quyết được vấn đề kháng kháng sinh ở người và vật nuôi, và giảm các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người.

Nhưng chuyện “phúc lợi động vật tốt hơn”, theo nghĩa chỉnh sửa gene để chúng không đau khổ khi bị giết mổ, thì hơi khó xử. Gia cầm thời nay đã khác xa những loài mà tổ tiên chúng ta lấy thịt. Mô hình chăn nuôi công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã ra sức lai tạo và chọn lọc những đặc điểm “dễ kiếm tiền” ở vật nuôi nhưng khiến chúng khốn khổ hơn. Tỉ như phần lớn gà công nghiệp đang tăng trọng nhanh đến mức khung xương của chúng không thể chống đỡ, thành thử chúng có chân cũng chẳng thể đi lại… Sẽ ra sao nếu những con gà công nghiệp tạm gọi là “thừa cân” đó được “lập trình” để không còn cảm nhận cặp chân yếu ớt?

Một ví dụ khác là các trang trại bò sữa thường phải cắt bỏ sừng bò để dễ dàng quản lý gia súc (mà việc này với bò chẳng dễ chịu gì đâu). Cho đến nay, thật khó để lai tạo giống bò không sừng theo cách truyền thống, nhưng chỉnh sửa gene thì khả thi hơn. Có ý tưởng kinh khủng như tạo ra những con vật mù hoặc điếc bẩm sinh, để chúng đỡ bị phiền hà bởi chuồng trại ồn ào và đông đúc.

Và có một thực tế “xấu xí” trong chăn nuôi: các con đực/trống non thường sẽ sớm bị tiêu hủy hay nghiền nát vì chúng chẳng thể đẻ trứng hay tạo sữa… Hồi đầu tháng trước, nhóm nghiên cứu từ ĐH Kent (Anh) và Viện Francis Crick công bố họ đã sử dụng CRISPR để tạo ra những lứa chuột “đơn giới” - toàn con cái hoặc toàn con đực, với hiệu quả 100%. Thành tựu này hứa hẹn có thể chấm dứt các cuộc “thảm sát” nói trên.

Với động vật GM, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ đã phê duyệt cá hồi AquAdvantage biến đổi gene (nhằm khiến cá tăng trưởng nhanh hơn). Các cơ quan quản lý nước này dự kiến sẽ là những người đầu tiên chấp thuận việc nhân giống vật nuôi thay thế gene, để chúng có khả năng chống lại hội chứng hô hấp và sinh sản ở lợn (PRRS).Đến nay, chưa có sản phẩm thịt “chỉnh sửa gene” nào lưu hành trên thị trường, ở bất kỳ đâu trên thế giới. Có thể những trải nghiệm với COVID - rằng dịch bệnh rất kinh khủng và khoa học có thể giải quyết những vấn đề khó khăn - sẽ góp phần thay đổi cách người ta nhìn vào công nghệ này.

Theo Yehuda Elram, người đứng đầu Công ty khởi nghiệp EggXYt của Israel, cho đến khi thế giới đồng loạt hài lòng với một loại protein thay thế thịt, chúng ta chỉ còn cách cải thiện cách tiêu thụ protein truyền thống. Công ty này cũng đang nghiên cứu chỉnh sửa gene ở gà nhằm chống lại virus cúm gia cầm.

Ý tưởng “chỉnh sửa gene vật nuôi để chúng bớt đau khổ” nhận được vô số ý kiến trái chiều. Nhưng có một chân lý: thế giới đang làm đau hay gây stress cho hàng tỉ động vật mỗi năm, trong các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, cá và cả côn trùng. Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, mỗi năm có khoảng 50 tỉ con gà bị làm thịt và con số này sẽ tiếp tục tăng. Nếu chúng ta có thể “chỉnh sửa chúng” để giảm nhẹ đau đớn và căng thẳng, đó sẽ là một cải tiến lớn so với hiện tại.

Tuy nhiên, đó cũng sẽ là một tuyên bố ngầm rằng việc chăn nuôi của loài người đang quá sức tồi tệ, đến mức những thay đổi “đầy khuyết điểm” cũng có thể được xem là cải tiến. Mặt khác, có ý kiến rằng phúc lợi động vật sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn bởi động vật được chỉnh sửa gene sẽ ngày càng hành xử và được đối xử như những món đồ vô tri, vô cảm... Phải chăng lối sống của loài người mới thật sự cần được chỉnh sửa?

Kant và bọn ăn thịt

CAMERON SHINGLETON 04/01/2022 18:00 GMT+7

TTCT - “Lập luận ủng hộ chuyện từ bỏ ăn thịt phải nói là dễ như ăn… cháo. Ăn thịt rõ ràng là xung đột cơ bản với tình yêu thương loài vật: tàn sát hàng tỉ sinh linh mỗi năm là tàn nhẫn một cách không cần thiết khi nhu cầu dinh dưỡng của con người có thể được đáp ứng dễ dàng bằng cách khác. Ăn thịt cũng là bất công với đồng loại của chúng ta và với môi trường. Ăn thịt - nhất là thịt bò, thứ thịt gây lãng phí và làm hại môi trường nhất - là nguyên do chính gây ra khí thải carbon trong ngành thực phẩm”.

Đó là đoạn mở đầu bài báo đăng cách đây mấy tuần trên tờ The Economist, một tạp chí hàng tuần có uy tín ở các nước nói tiếng Anh, chứ không phải nguyệt san Hội Nhà khoa học cấp tiến ăn chay trường.

Hãy tạm thời gác qua một bên sự xung đột của việc ăn thịt với tình yêu thương động vật, dù nó cũng là vấn đề lớn, như con số đề cập thoáng qua trong đoạn trên (“hàng tỉ sinh linh mỗi năm”).

Ảnh: The Economist

 

Hãy tập trung vào chuyện này: Ăn thịt là nguyên do chính gây ra khí thải nhà kính trong ngành thực phẩm - cụ thể là đến 60% tổng số và gấp đôi khí thải do trồng trọt sinh ra.

Hoặc hãy suy nghĩ như một “kế toán viên khí hậu học”: Hơn 25% tổng khí thải toàn cầu có nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp từ cách ta sản xuất đồ ăn, trong khi lượng khí thải khí nhà kính từ ngành vận tải, giao thông toàn cầu “chỉ” chiếm 16% tổng số khí thải.

Hoặc theo kiểu của các nhà kinh tế học: Lối sống của các nước phát triển được ngày càng nhiều người “ăn theo” khắp thế giới, thu nhập trung bình ở các nước đang phát triển càng tăng thì lượng sản phẩm từ động vật như thịt, trứng, sữa cũng tăng. Việt Nam là một điển hình.

Từ hai góc nhìn kinh tế và khí hậu đó, ta hãy thử tưởng tượng xa hơn một chút: Nếu tất cả mọi người (dù cố tình hay vô ý) đều ăn nhiều thịt thì mức khí thải nhà kính tất yếu tăng lên, hậu quả là đến cuối thế kỷ 21 hành tinh ta đang sống sẽ nóng lên từ 2 - 3,5 độ C so với mức trung bình trước cuộc cách mạng công nghiệp. Khi đó, điều kiện sống của loài người sẽ không còn như cũ nữa.

Vấn đề “ăn uống thế kỷ 21” này, ai suy nghĩ kỹ thì chắc đều thấy có nhiều khía cạnh khác nhau. Thử thách trí tuệ là dung hòa ba điều nhân loại rõ ràng chưa làm được: Một là tình hình khoa học liên quan đến biến đổi khí hậu. Hai là nhu cầu vô cùng thực tế là ai cũng phải ăn ba bữa mỗi ngày, và ăn thịt là niềm vui hợp khẩu vị của ngày càng nhiều người. Còn ba là đối phó với hậu quả của chế độ ăn uống chúng ta chọn lựa.

Bài này là một thử nghiệm tổng hợp ba chiều kích của vấn đề đó. Trọng tâm của bài là một quy tắc triết học tôi sẽ thử áp dụng để kết hợp ba điều có vẻ ít liên quan.

Một mặt, vấn đề ăn thịt không chỉ là chuyện cá nhân mà mang tính hệ thống. Ngành thực phẩm hoạt động khắp thế giới, chuỗi cung ứng, đường vận chuyển của nó mang thịt bò Úc, sữa bò New Zealand sang người tiêu thụ ở Việt Nam, hay ở chiều ngược lại, tôm cá rau củ Việt Nam vượt biển qua các siêu thị, bàn ăn Bắc Mỹ. Bên cạnh đó, việc ăn nhiều thịt hơn, như đã nói, là kỳ vọng của rất nhiều người. 

Ảnh: The Guardian

 

Vì thế, nghĩ bao quát thì khi một người quyết định ăn chay hay bớt ăn thịt vì tác hại của việc ăn thịt đến môi trường toàn cầu, cục diện hình như chẳng thay đổi mấy.

Tuy nhiên, một cách nhìn khác chủ động và mang tính lý tưởng. Nếu ta đã biết tác động của việc ăn nhiều thịt thì việc ăn chay hay ít thịt hơn có vẻ là điều đúng đắn nên làm, bất kể mọi người xung quanh hành động thế nào và bất chấp điều cá nhân tôi làm có giúp cho thế giới tốt đẹp hơn hay không. 

Như vậy, khía cạnh cá nhân này của vấn đề gắn liền với đạo đức. Nó không gì khác là nghe theo tiếng gọi của lương tâm, điều mà gần như ai cũng coi là quan trọng. 

Nó đòi hỏi mọi cá nhân có khả năng chạy ngược chiều đám đông, nói không với lề thói thông thường, hành động “phi thực tế” khi cần. Ví dụ, khi tất cả mọi người đều vượt đèn đỏ lúc còn vài giây là chuyển xanh thì ta phải đủ bản lĩnh để vẫn dừng cho tới cuối. 

Vậy làm sao để hòa hợp hai nhận thức: Một là suy nghĩ “vấn đề chế độ ăn uống thế kỷ 21 quá lớn nên hành vi cá nhân vô nghĩa”, hai là thôi thúc “vấn đề đáng báo động và cá nhân tôi cũng phải góp phần giải quyết”? Câu trả lời, theo tôi, là phải nhận ra hai mặt của vấn đề là thuộc cùng một hiện tượng.

Công nhận bộ máy sản xuất và phân phối thịt toàn cầu là cả một hệ thống. Thế nhưng, nếu những người tiêu thụ cá nhân không còn, hoặc nếu lựa chọn của họ khác đi, thì ngành sản xuất thịt không thể hoạt động nữa. 

Vả lại, lập luận “một cánh én không làm nên mùa xuân” không phải là giải pháp cho vấn đề, mà chỉ là nhắm mắt làm ngơ.

Nhìn cả hai mặt của một vấn đề, tạo ra kết nối trong suy nghĩ giữa hai khía cạnh là điều mà điểm xuất phát có thể trông cậy ở triết học. 

Ở đây, tôi nghĩ tới một người khổng lồ của triết học Đức thế kỷ 18: Immanuel Kant. Đề nghị của tôi là trông cậy vào nguyên tắc Kant đặt tên là “mệnh lệnh tuyệt đối”. 

Kant động não nghĩ ra tiêu chuẩn này để giúp chúng ta suy nghĩ toàn diện hơn về những lựa chọn cá nhân. Áp dụng vào thực tế, nó đòi hỏi chúng ta đặt ra một số câu hỏi hóc búa trước khi thực hiện hành động cá nhân, nếu hành động đó có tác động đến người khác, đến cộng đồng hay đến môi trường hành tinh.

Immanuent Kant. Ảnh: https://globalgovernanceforum.org/

 

Những câu hỏi mang tính phản biện này là: Nếu tất cả mọi người làm điều tôi đang cân nhắc xem nên làm hay không thì kết quả thế nào? 

Cộng đồng sẽ nhìn nhận điều đó ra sao? Việc mọi người làm theo quy tắc tôi đang âm thầm theo có chấp nhận được không? Nếu câu trả lời là không, thì theo Kant, hành động trù tính của tôi là đáng ngờ về mặt đạo đức.

Tóm lại, câu hỏi mang tính giả định chúng ta phải tự đặt ra khi nói đến tác hại của chế độ ăn uống tới môi trường là: Giả sử mọi người tiêu thụ thịt ngày càng nhiều, như tôi đang định làm, thì thế giới sẽ ra sao? Thế giới đó là nơi tôi thấy đáng sống hay không?

Tác động đến môi trường của ngành thực phẩm thực sự lớn đến khó tin. Trước khi tiếp tục dòng tư duy của Kant, ta hãy xem xét một vài số liệu.

Việc nuôi bò để lấy thịt và sữa tiềm ẩn nhiều vấn đề nhất chủ yếu do đặc tính sinh học có phần hơi mắc cười của con bò. Một con bò có tới bốn bao tử, nên nó cũng tiêu hóa thức ăn tới bốn lần, và vì vậy… xì hơi liên tục. 

Một con bò vì vậy giống như một nhà máy sản xuất khí methane - loại khí gây hiệu ứng nhà kính còn gấp 50 lần carbon. Vì thế khi nhân loại nuôi và tiêu thụ thịt của hàng trăm triệu con bò mỗi năm, khí hậu toàn cầu bị tác động theo đúng nghĩa đen.

Gay go không kém là việc chăn nuôi bò thường kéo theo nạn phá rừng. Rừng nhiệt đới có vai trò “bể chứa carbon” tối quan trọng, phá rừng đồng nghĩa giải phóng khí carbon đang tích lũy ở đó. Phương pháp dễ nhất để có đất màu mỡ nuôi bò, nhất là ở Nam Mỹ và Đông Nam Á, là phát quang rừng nhiệt đới. 

Theo quan điểm của tay “kế toán viên khí hậu học” khó tính, xài thịt gà và thịt heo tốt hơn nhiều, dù xét về sự tàn nhẫn với động vật thì không khác gì nhau. Lượng khí thải khi sản xuất 100g thịt heo trung bình khoảng 10 ký, thịt gà là 8 ký, còn để có 100g protein bò thì trung bình thải ra tới 60 ký khí nhà kính.

Tất nhiên, khí thải do trồng trọt, phân phối và tiêu thụ các loại trái cây, rau củ thì ít hơn nhiều nữa. Đại khái trung bình sản xuất một phần đậu hũ thải ra một đơn vị khí thải thì một phần thịt gà tương tự là 4 đơn vị, và một phần bít tết là tới 30 đơn vị.

Có thể nói, từ góc nhìn khoa học, thịt bò thực chất là “nhiên liệu bẩn” của ngành thực phẩm, giống y như than đá vậy.

Đã trang bị những con số đó rồi, giờ ta hãy trở lại với “mệnh lệnh tuyệt đối” của Kant. Câu hỏi cốt tủy là: Nếu số lượng thịt chúng ta xài tiếp tục tăng mạnh thì thế giới sẽ ra sao, môi trường hành tinh sẽ thế nào? 

Việc lối sống của các nước phát triển được ngày càng nhiều người “ăn theo” khắp thế giới có tác động chính và phụ gì từ góc nhìn toàn cầu? Liệu điều đó có khả thi không? Có chấp nhận được không?

Đầu tiên lấy ví dụ Ấn Độ và Thái Lan, hai đất nước người ta hạn chế ăn thịt và có tỉ lệ dân ăn chay cao. 

Giả sử cả nhân loại có chế độ ăn thịt từ tốn như người Ấn, người Thái và người Việt cổ nữa, diện tích đất cần thiết để chăn nuôi gia súc ít hơn bây giờ rất nhiều, khí thải nhà kính giảm đáng kể, khả năng giữ nồng độ khí thải và sự nóng lên của Trái đất dưới mức chấp nhận được cao hơn.

Thứ đến là Tây Ban Nha, Nhật Bản, và có thể cộng thêm Việt Nam hiện nay: ba nước ăn khá nhiều thịt. Nếu cả thế giới đều ăn nhiều thịt như vậy, tất yếu phải chặt thêm khá nhiều rừng mới có đủ đất chăn nuôi, khả năng Trái đất nóng lên vượt ngưỡng an toàn sẽ tăng.

Cuối cùng là những số nước như Úc, Mỹ, Pháp - nơi người ta ăn thịt nhiều kỷ lục (trung bình 124 ký/người/năm) - hoặc muốn thêm điểm tham khảo giả định thì có thể là một Việt Nam tương lai. 

Nếu cả thế giới đều ăn thịt kiểu đó thì toàn bộ diện tích hành tinh cũng không đủ để nuôi động vật lấy thịt cho 7,8 tỉ người.

Suy nghĩ kiểu Kant thì người Việt tốt nhất nên bớt ăn thịt so với hiện giờ, còn người ở Úc và Mỹ phải giảm rất nhiều. Cả khí hậu học lẫn suy nghĩ về đạo đức kiểu Kant đều có vẻ đi đến kết luận này.

Kết luận đó không mang tính tuyệt đối, dù theo Kant, nguyên tắc đạo đức nó cậy vào vẫn phải gọi là “mệnh lệnh tuyệt đối”. Không ăn thịt rõ ràng là cách tốt nhất để mọi cá nhân góp phần bảo vệ môi trường hành tinh: quan điểm này khó mà chối cãi. 

Tuy nhiên, ăn thịt từ tốn, miễn là không ăn thịt bò và không xài các loại sản phẩm làm từ sữa, cũng hòa hợp được với tiêu chí do Kant đề ra, như thử nghiệm vừa mới đưa ra làm sáng tỏ.

Ảnh: scientificamerican.com

 

Với người Việt, muốn có chế độ ăn uống “thân thiện với môi trường” hơn thì chắc không cần liệt kê các món chay địa phương ngon tuyệt, hay kể cả các món chay “giả cầy” đã có lịch sử hơn một ngàn năm ở châu Á. Công nghệ sinh học hiện đại đưa ra một số giải pháp khác. 

Sữa làm từ thực vật cũng có lâu rồi, không chỉ có sữa đậu nành, và ngày càng dinh dưỡng cũng như thơm ngon. Thế hệ thịt mới làm từ thực vật vừa đủ bổ vừa có độ ngon khác thường nhờ công nghệ sinh học hiện đại. 

Cũng còn những lập luận khá phổ biến ở Việt Nam, dù không hẳn dựa trên khoa học, cho rằng nhu cầu dinh dưỡng con người chỉ được đáp ứng bởi chế độ ăn thịt, uống sữa bò chất lượng. 

Ăn đủ rau củ giàu chất canxi, protein sau khi từ bỏ không ăn thịt, không uống sữa bò rõ ràng là hai chuyện những người ăn chay phải tính, nhưng theo các chuyên gia dinh dưỡng thì thử thách đó ngày nay không quá khó giải quyết.

Một lập luận khác rất phổ biến ở Việt Nam là ai ăn nhiều thịt thì đang tuân theo chế độ ăn uống “tự nhiên” của nhân loại. Con người vốn ăn tạp, không ăn chay trường, là chuyện chắc. 

Tuy thế, như những nghiên cứu khảo cổ sinh học chứng minh, suốt hàng chục ngàn năm, con người tiền sử thường ăn ít thịt hơn nhiều so với hậu duệ của họ. 

Hoặc nói trong chiều hướng lịch sử gần hơn, ai cũng biết ở Việt Nam các sản phẩm làm từ sữa bò gần như chẳng ai xài trước thời Pháp thuộc.

Tựu trung: Chúng ta cố gắng giải quyết những mâu thuẫn liên quan đến vấn đề ăn thịt, trong suy nghĩ và trên thực tế, mà vẫn cho rằng mọi người muốn ăn thịt bao nhiêu thì cứ ăn bấy nhiêu có còn được không? Theo Kant thì chắc là không. 

Trừ khi mình nghĩ mong muốn của mình xứng đáng được thỏa mãn hơn kẻ khác, cách suy nghĩ kiểu “ăn thịt mỗi ngày là niềm vui tự nhiên và tôi có đủ điều kiện nên đó là lựa chọn chính đáng của riêng tôi” có phần mờ ám.

Viễn cảnh mọi cá nhân đều phải cân nhắc những lựa chọn của mình như vậy thực sự rất lớn, bao trùm cả điều kiện sống của loài người về mặt môi trường và tương lai khá gần mà con cháu chúng ta sẽ sống. 

Tin vui là một “công cụ tư duy” có thể giúp chúng ta làm điều đó đã có sẵn rồi. Nó được gói gọn trong quy tắc của Kant, theo đó chúng ta nên “hành động theo phương châm mà bởi đó bạn đồng thời muốn rằng nó có thể trở thành một luật phổ quát của loài người”.

Đọc thì thấy khá cao xa, song nghĩ kỹ thì có thể nói gần như chưa bao giờ có phương châm triết học nào thực tế hay bức thiết hơn thế. 

Singapore xây “Thung lũng công nghệ thực phẩm”

HẠ LAM 22/09/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Nhiều năm qua, Singapore đã đầu tư rất nhiều cho thịt nhân tạo và các loại protein thay thế. Tất cả nằm trong nỗ lực của chính phủ nhằm tăng cường khả năng chống chịu lại những bất ổn về nguồn cung của ngành thực phẩm nước này, và xa hơn nữa là đưa đất nước thành “Thung lũng Silion của thực phẩm” thế hệ mới của châu Á.

 
 Trang trại công nghệ cao giữa lòng đô thị Commonwealth Greens. Ảnh: Straits Times

Singapore xếp hạng khá cao (thứ 19) trong chỉ số An ninh lương thực toàn cầu năm 2020 của Economist Intelligence Unit. Trong điều kiện bình thường, Singapore không phải lo về vấn đề an ninh lương thực vì không thiếu tiền để mua. Nhưng khi xảy ra gián đoạn trong sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu thì lại khác. 

Sự dễ tổn thương trong an ninh lương thực của Singapore từng bộc lộ rõ rệt trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi giá lương thực tăng cao và Malaysia ngừng xuất khẩu cá; dịch tả heo châu Phi tác động đến chăn nuôi; rồi đến COVID-19, khi nhập khẩu lương thực ảnh hưởng vì nhiều quốc gia ngừng xuất khẩu để phục vụ nhu cầu trong nước.

Trước tình hình đó, Singapore đã có các giải pháp như đa dạng hóa nguồn cung và tăng năng lực cung cấp nội địa. Nước này hiện nhập khẩu lương thực từ hơn 170 quốc gia và khu vực, trong khi con số này vào năm 2004 chỉ khoảng 30. Năm 2019, chính phủ công bố mục tiêu “30 trước 30”, tức tự sản xuất 30% nhu cầu lương thực trong nước vào năm 2030, tăng 20% so với năng lực thời điểm ấy.

Nhưng chừng ấy là chưa đủ. Việc canh nông tại Singapore không hề dễ dàng do diện tích nhỏ hẹp và mật độ dân số dày đặc. Nước này chỉ có 1% quỹ đất dành cho nông nghiệp. Đó là lý do giờ đây Singapore chuyển sang phát triển năng lực khoa học và công nghệ để có những giải pháp đột phá trong nguồn cung thực phẩm, mà cụ thể là protein thay thế - theo Melvin Chow, giám đốc cấp cao tại bộ phận quản lý và phát triển cơ sở hạ tầng thực phẩm của Cơ quan Lương thực Singapore. Lý do của lựa chọn này không khó giải thích. 

“Sản xuất protein từ thực vật và tế bào cần ít không gian và tài nguyên hơn so với các phương thức truyền thống” - Bernice Tay, giám đốc mảng sản xuất thực phẩm của Enterprise Singapore, nhận xét.

Tháng 12-2020, Singapore trở thành nước đầu tiên cho phép thương mại hóa thịt gà nuôi trong lò phản ứng sinh học. Không lâu sau khi chào sân, món gà do Công ty Eat Just (trụ sở tại California) sản xuất đã có mặt trong thực đơn của nhà hàng 1880 ở khu trung tâm giải trí Robertson Quay (Singapore). 

Tháng 3 năm nay, Next Gen - công ty có trụ sở chính tại đảo quốc sư tử - cho ra mắt đùi gà làm từ đậu nành và sản phẩm ngay lập tức trở thành nguyên liệu chính trong 4 món ăn được phục vụ tại quán bar Three Buns cũng ở Robertson Quay. Món “gà giả” này hiện có mặt tại hơn 45 nhà hàng địa phương.

Trong hơn 2 năm qua, hơn 15 công ty sản xuất protein thay thế (từ thực vật, côn trùng, tảo và nấm thay cho nguồn thịt giết mổ) đã mở cửa hàng tại Singapore. Ngoài Eat Just và Next Gen còn có thể kể đến nhiều cái tên đa quốc gia cũng đang hoạt động tại đây như Perfect Day, Shiok Meats và Gaia Foods. Trong đó, Shiok Meats và Gaia Foods đang lần lượt nghiên cứu sản xuất thủy sản và thịt đỏ nhân tạo.

 
 Một món cơm sử dụng thịt gà có nguồn gốc đậu nành do Next Gen sản xuất. Ảnh: Green Queen

Việc Singapore trở thành thị trường tiêu thụ thịt nhân tạo đầu tiên trên thế giới không phải chuyện ngày một ngày hai. Nó là thành quả của việc Chính phủ Singapore đã đầu tư những nguồn lực cần thiết để “tạo ra một hệ sinh thái chào đón những đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực thực phẩm”, tạp chí Nikkei Asia ngày 6-7 dẫn lời Mirte Gosker, thuộc Tổ chức phi lợi nhuận Good Food Institute Asia Pacific (GFI APAC).

Cụ thể, chính phủ đã đầu tư 107 triệu đôla Mỹ cho các chương trình nghiên cứu và phát triển thực phẩm tới năm 2025. Cục Tác vụ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ Enterprise Singapore cũng hợp tác với một số quỹ đầu tư quốc tế, như Big Idea Ventures, để đầu tư vào protein thay thế. 

Tháng 4 năm nay, Singapore khánh thành Trung tâm An toàn thực phẩm chế biến sẵn cho tương lai (Future Ready Food Safety Hub) để nghiên cứu về sự an toàn của các loại thực phẩm mới và hỗ trợ hoạt động nghiên cứu của các doanh nghiệp trong ngành. Trong tháng 9, Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), với sự hợp tác cùng GFI APAC, dự kiến sẽ tuyển sinh khóa học kéo dài 1 kỳ về công nghệ và kinh doanh protein thay thế.

Chính sự đầu tư với quy mô lớn đã tạo cơ hội để những công ty khởi nghiệp như Eat Just và Next Gen phát triển. Andre Menezes, người đồng sáng lập Next Gen, gọi Singapore là “một hệ sinh thái toàn diện trên một hòn đảo rất nhỏ và đông đúc”. “Singapore đang bắt đầu tự định vị mình như Thung lũng Silicon về công nghệ thực phẩm” - Menezes nói với Nikkei Asia.

Hồi tháng 2, Next Gen huy động được 10 triệu đôla từ một nhóm các nhà đầu tư, bao gồm cả quỹ nhà nước Singapore Temasek International. Đây là khoản đầu tư lớn nhất đến từ một liên doanh công nghệ thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Cơ sở sản xuất của Next Gen hiện được đặt tại Hà Lan, có khả năng tạo ra 5.000 tấn sản phẩm đủ cung cấp cho 9.000 nhà hàng mỗi năm, nhà đồng sáng lập Timor Recker chia sẻ với FoodNavigator-Asia hồi tháng 10-2020.

Một trụ cột khác giúp hiện thực hóa mục tiêu “30 trước 30” của Singapore là hoạt động canh tác trong nhà sử dụng công nghệ cao, với năng suất cao hơn 10 - 15 lần trên mỗi hecta so với phương thức truyền thống. 

Hiện tại, Singapore có 31 trang trại trong nhà theo hình thức này, bao gồm 28 nơi trồng rau và 3 nơi nuôi cá. Điển hình là trang trại Commonwealth Greens, đặt trong một tòa nhà công nghiệp lớn. Ở đó, trong những căn phòng có trần cao, rau mù tạt, cải thìa, rau chua cùng nhiều loại rau khác được trồng trong các thùng nhựa; mỗi giá trồng dài khoảng 1m, được kết nối với dải đèn LED riêng, treo lơ lửng trên trần nhà. 

“Bộ não” của hệ thống này là hai cảm biến ở phía trước mỗi phòng. Một cảm biến điều khiển nhiệt độ không khí, độ ẩm tương đối, CO2 và mức độ axit. Cảm biến còn lại đo lượng và thành phần chất dinh dưỡng dạng lỏng tưới cho rau. 

Hệ thống thủy canh bằng dung dịch dinh dưỡng này của Commonwealth Greens tiêu thụ nước ít hơn 95% và ít phân bón hơn 85% so với trồng trên đất theo cách truyền thống, trong khi lại cho ra tới 100 tấn rau mỗi năm, gần bằng 1% tổng sản lượng rau ăn lá tại Singapore.

“Virus đói” và một đại dịch khác

HOA KIM 21/09/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực trên khắp thế giới, nhưng cách một số chính phủ đang hỗ trợ hiệu quả nhóm yếu thế trong dịch bệnh là một gợi ý cho phương sách xóa đói trong tương lai.


 
 Ảnh: one.org

Số người sống trong điều kiện “giống như nạn đói” trên thế giới đã tăng hơn 5 lần kể từ đầu dịch, theo báo cáo The Hunger Virus Multiplies do Oxfam công bố vào tháng 7-2021. Cứ mỗi phút trôi qua lại có 11 người chết vì đói toàn cầu, so với 7 người chết/phút vì COVID-19, báo cáo cho biết.


Khi nói về sinh mạng, không con số nào đỡ kinh khủng hơn và “dù chỉ một người chết cũng là quá nhiều”, Đài Al Jazeera dẫn lời Abby Maxman, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Oxfam America.

Một đại dịch đói nghèo

Theo báo cáo trên, thế giới hiện có 155 triệu người đang sống trong cảnh mất an ninh lương thực “ở mức độ khủng hoảng hoặc tệ hơn” - nhiều hơn năm ngoái 20 triệu người. Giao tranh và xung đột vẫn là nguyên nhân chính đẩy người dân vào cảnh thiếu ăn: khoảng 2/3 trong số 155 triệu người này sống ở những nơi có chiến tranh.

“Trước chiến tranh, tôi từng có một công việc kinh doanh nhỏ, tay làm hàm nhai nuôi sống bản thân và gia đình, nhưng chiến sự nổ ra đã lấy đi của tôi mọi thứ. Giá thực phẩm tăng cộng với mất việc làm khiến tôi không còn khả năng trang trải cuộc sống. Có những đêm lũ con tôi phải đi ngủ với chiếc bụng đói” - bà Wafaa, một bà mẹ 5 con sống ở phía bắc Syria, nói với Oxfam.

Xung đột, bạo lực và tình trạng thiếu an ninh đang làm lan rộng điều kiện sống “giống như trong nạn đói” - mức độ đói ăn nghiêm trọng nhất và được xếp vào hàng “thảm họa” - khi ảnh hưởng 521.814 người ở các nước Ethiopia, Madagascar, Nam Sudan và Yemen tính đến giữa tháng 6-2021. Vào cuối năm 2019 khi dịch COVID-19 vừa khởi phát, con số này chỉ là 84.500 người ở Nam Sudan và Yemen.

“Thay vì chiến đấu với đại dịch, các bên tham chiến đánh nhau và giáng đòn kết liễu lên hàng triệu người vốn đã lay lắt bởi thảm họa thiên nhiên và các cú sốc kinh tế” - Maxman nói. 

Theo Oxfam, chi tiêu cho quân sự toàn cầu đã tăng 51 tỉ USD trong đại dịch dù các nước vẫn phải chật vật chống dịch - số tiền nhiều gấp 6 lần con số mà Liên Hiệp Quốc ước tính cần để xóa đói cho toàn thế giới. 

Trong khi đó, sự nóng lên toàn cầu và những tác động kinh tế của đại dịch đã khiến giá lương thực tăng 40%, mức cao nhất trong hơn 10 năm và góp phần đáng kể vào việc đẩy thêm hàng chục triệu người vào cảnh thiếu đói.

Số người sống trong điều kiện đói ở mức độ thảm họa tính từ đầu dịch COVID-19. Nguồn: Báo cáo Khủng hoảng lương thực toàn cầu tháng 4-2021

 Nước giàu cũng không thoát

Chị Mariassunta Seccia (36 tuổi, người Ý) từng làm công việc dọn dẹp trong một khách sạn ở Milan, còn anh Rodolfo (chồng chị) đứng sạp trái cây trong một khu chợ địa phương trước khi COVID-19 ập đến. Mất việc, rồi “chẳng mấy chốc mà tiền dành dụm cũng cạn”, hai vợ chồng phải vật lộn từng ngày để có cái bỏ bụng và trả tiền thuê nhà cũng như các hóa đơn chất đống, Seccia nói với báo Financial Times hồi đầu tháng 8.

“Con chúng tôi mở tủ lạnh và thậm chí không thể tìm thấy một chai nước để uống... đó là điều khá sốc đối với chúng. Cả đời bọn trẻ chưa từng biết thế nào là thiếu đói” - chị nói. 

Nhà Seccia không phải là trường hợp khó khăn cá biệt đến từ một nước giàu. Tỉ lệ người dân thiếu đói ở châu Âu và Bắc Mỹ theo thống kê năm 2020 lần đầu tiên tăng lên kể từ khi Liên Hiệp Quốc bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 2014. Cụ thể, gần 9% người dân tại đây bị mất an ninh lương thực mức độ từ vừa đến nghiêm trọng vào năm 2020, so với 7,7% của năm trước đó.

“Đôi khi người ta có ấn tượng rằng nghèo đói không tồn tại ở các nước phát triển, nhưng thực tế nó vẫn luôn hiện hữu” - Isabella Catapano, tổng giám đốc tổ chức từ thiện Albero della Vita, nói với Financial Times

Thực tế ngay cả ở những nước phát triển với mạng lưới an sinh tốt thì không phải tất cả mọi người đều được bảo vệ. Tại Ý, số người nghèo đã tăng 22% lên 5,6 triệu người vào năm 2020, tương đương cứ khoảng 10 người Ý thì có 1 người nghèo, theo số liệu từ Viện thống kê quốc gia.

Tại Mỹ, dù con số 45 triệu người trải qua tình trạng mất an ninh lương thực trong năm 2020 vẫn còn thấp hơn mức 50 triệu người sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, việc đội giá thực phẩm đang trở thành một vấn đề đáng lo ngại, theo ông Craig Gundersen, giáo sư nông nghiệp và kinh tế tiêu dùng tại Đại học Illinois. Ông cảm thấy lo lắng về những gì sẽ xảy ra hậu COVID-19 hơn, khi các gói kích cầu dẫn đến lạm phát và tiếp đó là giá thực phẩm tăng cao. “Lạm phát tăng sẽ là gánh nặng rất lớn đối với các hộ gia đình dễ bị tổn thương” - Gundersen giải thích.

Tại một góc thủ đô Tokyo, Nhật Bản, anh Yuichiro (46 tuổi) rơm rớm nước mắt khi nhận gói thực phẩm cứu trợ tại một điểm phát đồ thiện nguyện dành cho người dân gặp khó khăn vì dịch COVID-19. “Không còn bất cứ công việc gì để làm, hoàn toàn không. Không nhiều báo đài đưa tin về chuyện này nhưng rất nhiều người đang phải ngủ tại các ga tàu và trong những chiếc hộp cactông. Một số thì đang chết vì đói” - Yuichiro mô tả tình cảnh của một bộ phận lao động mất việc tại đây với tờ Japan Times hồi tháng 1.

Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới từng được đánh giá là đủ khỏe để vượt qua tác động của đại dịch, nhưng tình trạng thất nghiệp gia tăng cộng với tiền lương giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến những người lao động nghèo, nhóm dân mà “ngay cả trước dịch cũng chỉ đắp đổi qua ngày”, theo Ren Ohnishi, người đứng đầu nhóm Moyai chuyên giúp đỡ người nghèo ở Nhật. 

Các nhà kinh tế ước tính khoảng nửa triệu người Nhật đã mất việc chỉ trong 6 tháng cuối năm 2020. Khoảng 40% người lao động ở Nhật đang làm những công việc “không thường xuyên” dễ bị tổn thương với mức lương thấp hơn và hợp đồng có thể dễ dàng bị chấm dứt, theo Japan Times

Nhiều người trong số này phải vật lộn để tiếp cận các khoản phúc lợi. Yuichiro từng gõ cửa nhiều cơ quan để xin nhận trợ cấp nhưng cuối cùng bị từ chối với lý do chỉ dành cho người có con nhỏ. “Nhưng có rất nhiều người lớn vẫn không đủ ăn cơ mà” - anh thắc mắc.

Riêng tại châu Á, đại dịch COVID-19 đã khiến thêm 75 - 80 triệu người ở 35 nền kinh tế mới nổi trong khu vực lâm vào tình trạng “nghèo cùng cực” với mức sống thấp hơn 1,9 USD/ngày chỉ trong năm ngoái, một báo cáo tháng 8-2021 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tiết lộ. Khoảng 203 triệu người - tương đương 5,2% dân số châu lục - sống trong cảnh nghèo đói cùng cực vào năm 2017, và con số này đã có thể giảm đáng kể còn khoảng 104 triệu người năm 2020 nếu đại dịch không xảy ra, báo cáo nhận xét.

Đại dịch cũng đã làm chững lại các bước tiến trước đó trong việc giảm đói và cải thiện y tế, giáo dục, những lĩnh vực mà khu vực châu Á đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể những năm gần đây, ADB cho biết. “COVID-19 đã làm lộ ra những đường đứt gãy kinh tế - xã hội có thể làm suy yếu sự phát triển bền vững và bao trùm của khu vực” - ông Yasuyuki Sawada, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, nhận định.

Các hạn chế đi lại cũng đã làm mất đi 8% giờ làm của khu vực, chủ yếu ảnh hưởng các hộ nghèo và lực lượng lao động trong nền kinh tế phi chính thức, càng “khuếch đại những bất bình đẳng kinh tế - xã hội mà hàng triệu người sống dưới hoặc cận mức nghèo đã phải trải qua từ lâu”, báo cáo nhấn mạnh.

Một lối thoát cho nạn đói

Ngay từ những ngày đầu của đại dịch, Nhà Trắng cho thấy họ đã học được bài học từ những cuộc khủng hoảng trong quá khứ, điển hình như vụ sụp đổ tài chính năm 2008, khi các nhà hoạch định chính sách phản ứng quá chậm chạp để giúp người dân chống chọi và kết quả là quá trình phục hồi kinh tế bị cản trở.

Lần này, khi Mỹ phải đối mặt với đại dịch trăm năm có một kèm suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930, quốc hội nước này đã ném hàng nghìn tỉ USD vào các biện pháp cứu trợ ở mức độ chưa từng có cho các gia đình và doanh nghiệp Mỹ.

Để đánh giá tính hiệu quả của các gói này, từ đầu dịch năm 2020 Cục Thống kê dân số Mỹ đã tiến hành các khảo sát định kỳ để nắm số lượng dân cư thiếu ăn trong từng thời điểm. Kết quả là họ nhận thấy một quy luật không quá bất ngờ: cứ khi nào chính quyền liên bang tung ra các gói cứu trợ thì số lượng người mất an ninh lương thực giảm và ngược lại, khi các gói này hết hạn thì số người đói ăn có xu hướng tăng trở lại.

Về bản chất, đại dịch đã kích hoạt một cuộc đại thử nghiệm chính sách trên quy mô toàn quốc với mục tiêu cuối cùng là để mọi gia đình đủ ăn và dư dả về tài chính, dù là trong dịch hay sau dịch. 

Một chi tiết quan trọng là phần lớn sự hỗ trợ đến từ Washington lần này là tiền mặt chi trả trực tiếp đến tay người dân, một thay đổi so với hệ thống hỗ trợ trước đây thông qua tem phiếu, chi trả y tế và mua nhà trợ giá - vốn đòi hỏi một hệ thống quan liêu cồng kềnh hơn rất nhiều.

Chương trình hỗ trợ dinh dưỡng bổ sung (SNAP - nhưng được biết đến phổ biến là chương trình “tem phiếu”) đã bỏ quy định ứng viên phải đến phỏng vấn trực tiếp, cho phép trẻ em không cần phải làm đơn để được nhận suất ăn trưa miễn phí tại trường, và bật đèn xanh cho người trong chương trình đặt hàng online thay vì phải đến trực tiếp cửa hàng thực phẩm để sử dụng tem phiếu. 

Tất cả thay đổi tích cực này có giá không hề rẻ: chi tiêu cho SNAP đã tăng gần gấp đôi và tiêu tốn khoảng 100 tỉ USD ngân sách trong năm 2021.

Nhưng chính nhờ các biện pháp quyết liệt này mà bất chấp việc một bộ phận lớn kinh tế Mỹ đã phải đóng cửa và tỉ lệ thất nghiệp gia tăng, tỉ lệ người thiếu đói ở Mỹ đã duy trì ổn định trong năm 2020 so với năm trước đó, một kết quả được xem là thành công theo báo cáo được Bộ Nông nghiệp (USDA) nước này công bố ngày 8-9.

Chính phủ liên bang định nghĩa tình trạng mất an ninh lương thực là khi một hộ gia đình có “khả năng tiếp cận hạn chế hoặc không chắc chắn” với đủ thực phẩm cho nhu cầu sống vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. USDA đã theo dõi chặt chẽ tỉ lệ này mỗi năm kể từ năm 1995. Ngay trước đại dịch, USDA ước tính chỉ có hơn 10% hộ gia đình Mỹ bị mất an ninh lương thực, lần đầu tiên tỉ lệ này giảm xuống dưới mức thấp nhất trước đó là 11%, ghi nhận vào năm 2007.

“Ngạc nhiên chưa. Nếu bạn đưa người ta tiền, họ sẽ bớt nghèo” - Elaine Waxman, chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu chính sách Urban Institute, nói với trang Politico. Điều này đặt ra câu hỏi: nếu giải pháp hiển nhiên đến vậy, tại sao thế giới vẫn chưa thể xóa sổ nạn đói, và cái đói vẫn còn tồn tại ở quốc gia có nền kinh tế số 1?

“Chúng ta không nên đợi đến khi một đại dịch trăm năm có một lần xảy ra thì mới dám mạnh dạn suy nghĩ về việc giải quyết những bất công cơ bản trong xã hội. Chúng ta cần thay đổi điều này” - Politico dẫn lời dân biểu Jim McGovern, chủ tịch Ủy ban thẩm tra các dự luật Hạ viện Mỹ, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn.

Với những ai phản bác rằng xóa đói là công việc tốn kém và bất công với người nộp thuế, cần nhớ rằng đó không chỉ là công tác từ thiện. Việc để nguyên hiện trạng đói nghèo trong một bộ phận không nhỏ dân cư cũng đang khiến xã hội gánh những chi phí vô hình: một nghiên cứu ước tính tình trạng mất an ninh lương thực và thiếu đói làm nước Mỹ tiêu tốn khoảng 160 tỉ USD/năm đến từ giảm năng suất lao động và gia tăng các chi phí y tế.

“Một giải pháp để kéo giảm mất an ninh lương thực có thể không khả thi về mặt chính trị, nhưng rõ ràng là thế giới biết cách làm điều đó” - Gundersen nói với Politico. “Chúng ta đã có lộ trình để chấm dứt hoàn toàn nạn đói. Chúng ta không thể dừng lại tại đây” - Sergio Mata-Cisneros, nhà phân tích chính sách tại Bread for the World, nhấn mạnh.■

Bạn đang đọc trong chuyên đề "TƯƠNG LAI CỦA THỨC ĂN"