Chuyện một người Palestine ở Hà Nội

HIỀN NGUYỄN 24/11/2017 22:11 GMT+7

TTCT - Saadi sinh ra tại một vùng lãnh thổ mà người Israel gọi là “đang tranh chấp”, còn Liên Hiệp Quốc khẳng định rằng nó “bị chiếm đóng”. Bản thân Saadi - một người Palestine - thì tin rằng Bờ Tây là lãnh thổ của dân tộc mình.

Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama
Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama (Ảnh: Đỗ Mạnh Cường)

 

Đó là một buổi sáng mùa hè năm 1967. Saadi đang ngồi trước cửa nhà, phía trước là Idhna - ngôi làng nhỏ 4.000 năm tuổi nằm bên rìa thành phố Hebron, nơi ông sinh ra. Bỗng một người lính mặc quân phục Jordan phóng xe máy vào làng. “Bà con ơi, bà con ơi” - nhiều năm sau, Saadi mô tả lại sự hớt hải của người lính ấy bằng tiếng Việt - “Quân Israel sắp vào làng rồi. Mau đi đi!”.

Năm ấy, Saadi lên 6 tuổi. Trong cái nắng tháng 6, bụi mù mịt bốc lên khi đoàn xe quân sự tiến vào. Lần đầu trong đời, Saadi thấy “người nước ngoài”. Họ đeo kính đen, vai mang súng, đứng trên những chiếc xe thùng. Quân Israel.

Vấn đề của Palestine

Chiều hôm đó, cả gia đình Saadi rời làng. Họ cùng những người làng lên núi, lánh vào một cái hang. Nhưng chỉ hai ngày sau, cả làng Idhna quay về.

Dù có chết cũng chết trong ngôi nhà của mình - người lớn bảo nhau, Saadi vẫn nhớ - Từ buổi sáng hôm ấy, cuộc sống của chúng tôi không còn bình thường như trước nữa. Tôi cũng biết rằng sinh mệnh không còn nằm trong bàn tay mình nữa”.

Sự kiện đó, bây giờ được biết đến dưới cái tên “Cuộc chiến 6 ngày” - khi Israel giành chiến thắng trước Ai Cập, Syria và Jordan để giành lấy nhiều phần lãnh thổ trước đó thuộc quyền kiểm soát của các nước này.

Trong đó có Bờ Tây sông Jordan - quê hương của Saadi, nơi những người Palestine đang sinh sống. 1 triệu người Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza rơi vào sự kiểm soát quân sự của quân Israel sau cuộc chiến.

Năm ấy, tháng 9, Saadi đi học lớp 1. Bài học đầu tiên của Saadi ở trường, trước cả khi biết chữ, là lãnh thổ của dân tộc Palestine đang bị chiếm đóng. Và con đường của các con, thầy giáo nói, là cố gắng học hành, thành đạt để phụng sự tổ quốc.

Từ nhỏ, những đứa trẻ Palestine đến trường đã được dạy rằng cuộc sống từ nay không còn dễ dàng nữa. Chúng tôi phải học và chống lại sự chiếm đóng ấy bằng các hình thức khác nhau. Học tập cũng là một cách”.

Bắt đầu từ năm 1976, các cuộc nổi dậy của người Palestine chống lại việc Israel xây dựng các khu định cư Do Thái nổ ra mạnh mẽ hơn. Những cuộc đụng độ xảy ra nhiều hơn cơm bữa, chủ yếu do sinh viên tổ chức với quy mô nhỏ. Saadi , lúc đó 16 tuổi, đi học ở Hebron - thành phố lớn nhất phía nam Bờ Tây.

Cậu xuống đường, lẫn trong các đoàn sinh viên, cùng người dân Palestine ném đá, rau củ vào xe tuần tra của lực lượng quân sự Israel. Họ hô to khẩu hiệu chống lại sự chiếm đóng, ngăn chặn hành động bắt bớ sinh viên, học sinh. Trong một lần như thế, Saadi bị bắt và giam 48 tiếng.

Có thời, thanh niên Việt Nam đã trưởng thành cùng những hình ảnh về Yasser Arafat. Nhưng rồi những thế hệ sau này mất dần ý niệm về điều đó. Họ không còn quan tâm nữa, vì cho rằng đó là cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Palestine và Israel” - Saadi nói, trong dòng hồi ức một sáng mùa thu Hà Nội.

Đại sứ Palestine tại Việt Nam tiếp khách ở nhà riêng, một biệt thự Pháp nhỏ, có ảnh của Yasser Arafat và Mahmoud Abbas (tổng thống Palestine đương nhiệm, người kế tục Arafat dẫn dắt Phong trào giải phóng Palestine - BTV) treo ngay cửa chính.

Trên một bức tường treo một tấm tranh thêu mô tả toàn bộ phần lãnh thổ lịch sử mà người Palestine cho rằng thuộc về mình. Trên thực tế, cụm từ “tranh chấp” chỉ được Israel sử dụng. Liên Hiệp Quốc sử dụng khái niệm “vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng”. Ngay cả Mỹ, đồng minh số 1 của nhà nước Do Thái, cũng dùng khái niệm “vùng lãnh thổ bị chiếm đóng” khi nói về Bờ Tây.

Phim tài liệu Gatekeepers (Những người gác cổng) làm rõ thêm bức tranh từ phía những người Israel. Bộ phim phỏng vấn các nhân vật cao cấp của tình báo Israel về mối quan hệ với dân tộc Palestine. Trong đó, nổi bật nhất là Avraham Shalom.

Năm 1967, Shalom là một sĩ quan của Shin Bet - cơ quan tình báo nội địa Israel. Ông mô tả lại cảm giác sau khi chiến thắng “Cuộc chiến 6 ngày”: “Người Ả Rập đã đầu hàng, chúng tôi đột nhiên không còn kẻ thù nữa”. Thời điểm đó, một số người Do Thái đã nêu ý tưởng về một chính quyền Palestine ở Bờ Tây. “Tôi thích ý tưởng đó” - Shalom nói, và họ đã bắt đầu các cuộc thương lượng với dân Palestine.

Nhưng các cuộc tấn công của người Palestine bắt đầu diễn ra. Một vài lính Israel bị giết. “May thay cho chúng tôi, chủ nghĩa khủng bố đã phát triển - Shalom, sau này trở thành giám đốc Shin Bet, nói - Sao tôi lại nói điều đó? Vì giờ chúng tôi có việc để làm, và chúng tôi ngừng thỏa thuận với chính quyền Palestine.

Ngay sau khi chúng tôi ngừng thỏa thuận với Palestine, khủng bố trở nên tinh vi hơn. Chúng tôi cũng thế. Đột nhiên chúng tôi có rất nhiều việc để làm, ở Bờ Tây, Dải Gaza và cả hải ngoại nữa. Và thế là chúng tôi quên mất vấn đề của Palestine”.

Năm 1987, Phong trào kháng chiến Hồi giáo (Hamas) chủ trương khước từ mọi thương lượng hòa bình, không công nhận nhà nước Israel, tiến hành thánh chiến và xây dựng nhà nước Hồi giáo.

Lịch sử của vùng Bờ Tây và Dải Gaza những năm sau “Cuộc chiến 6 ngày” hiện lên trong con mắt thế giới như những cuộc xung đột vũ trang lúc nào cũng theo chiều hướng leo thang. Và như cách nói của Shalom, vấn đề thực sự của Palestine bị quên mất.

Cho đến tận bây giờ, sau rất nhiều xung đột vũ trang và mất mát cho đôi bên, nhiều người Israel vẫn tin rằng họ cần duy trì sự kiểm soát quân sự ở các vùng đất này, để “chống lại khủng bố Palestine”.

Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama (phải) và Osama tại Hà Nội, tháng 11-2017. -Ảnh: Đỗ Mạnh Cường
Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama (phải) và Osama tại Hà Nội, tháng 11-2017. -Ảnh: Đỗ Mạnh Cường

 

Những đứa con Việt Nam

Suốt những năm 1980, chính quyền Israel triệu tập cha của Saadi lên và hỏi: “Con trai ông đang làm gì? Đang ở đâu?”. Người cha chỉ lắc đầu. Ông nghĩ con mình đã chết trong một cuộc đụng độ nào đó. Một năm trước đó, sau khi tốt nghiệp cấp III, Saadi tới căn cứ quân sự Salula ở Syria, trở thành một người lính Palestine. Người cha không biết con mình đang ở Việt Nam.

Năm 11 tuổi, Saadi đi bán báo. Cậu mang trái cây từ Idhna lên Hebron cách đó 13 cây số bán, rồi lại lấy tiền đó mua báo đem về làng bán lại. Bao giờ cậu cũng giữ lại một tờ báo cho riêng mình.

Một ngày, cậu bỗng nhận ra hình người lính trên tờ báo có quân trang giống hệt những người lính đang kiểm soát vùng Bờ Tây. Đó là năm 1972, những ngày mà cả thế giới nói về một cuộc chiến. Đó là hình của những người lính Mỹ - đồng minh số 1 của Israel.

Và đó là những tin tức về chiến trường Việt Nam. Từ ngày ấy, tưởng tượng của Saadi về Việt Nam hình thành và lớn dần. Tại căn cứ quân sự Salula, chú lính trẻ Saadi được chọn cử đi học nước ngoài. Cậu đứng trước hai lựa chọn: nhận học bổng tại Ý, hoặc Việt Nam. Cuối cùng, cậu lên một chuyến bay đến Hà Nội.

Hà Nội đón Saadi bằng một môi trường sống cơ cực của một đất nước vừa đi qua chiến tranh. Chàng tân sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội trải qua những cú sốc văn hóa trong từng miếng ăn, hớp nước. Anh trở thành một người lủi thủi ở ký túc xá, có lúc tưởng không chịu được sự khác biệt ở nơi này. Nhưng rồi, nghĩ đến sứ mệnh của một đứa con Palestine, anh quyết tâm ở lại.

Mãi đến năm 1985, Saadi mới viết thư cho gia đình, nói mình đang ở Việt Nam. Lá thư ấy phải được gửi khéo léo qua đường Thụy Sĩ chuyển về Bờ Tây. Tại sao không gửi trực tiếp từ Việt Nam? “Vì đi học ở Việt Nam thì Israel biết ngay là đi làm cách mạng” - Saadi cười.

Tháng 6-1982, Saadi Salama đã làm một bữa tiệc nhỏ chia tay bạn bè ở Việt Nam. “Tôi đi kháng chiến, nếu còn sống thì quay lại Việt Nam. Nếu không quay lại thì nghĩa là chết rồi” - anh nói với bạn bè. Năm đó, quân Israel tấn công vào miền Nam Lebanon hòng tiêu diệt lực lượng PLO trên đất nước này.

Bức tranh vẽ Yasser Arafat của họa sĩ Palestine Raed al-Qutani.
Bức tranh vẽ Yasser Arafat của họa sĩ Palestine Raed al-Qutani.

 

Những thanh niên Palestine trên khắp thế giới được gọi về để chiến đấu. Saadi còn sống sau cuộc chiến và quay trở lại Việt Nam. Ở đó, anh tiếp tục học tập và quyết tâm trở thành một nhà ngoại giao. Anh tin đó là một trong những biện pháp đấu tranh quan trọng trong tiến trình đi tìm độc lập cho dân tộc Palestine.

Tiếp khách cùng Saadi Salama tại nhà là Osama, chàng trai mới 23 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học. Anh cũng sinh ra ở Bờ Tây, và cho dù sinh ra trong một thời kỳ mà những xung đột vũ trang không còn nhiều như thời của Saadi, anh cũng ý thức rằng mình đang bị chiếm đóng.

Mất nước theo nghĩa đen: nguồn nước cả Bờ Tây hoàn toàn bị kiểm soát bởi lực lượng chiếm đóng Israel. Anh cũng đã chứng kiến sự ra đời của các khu định cư Do Thái - những vùng dân cư mà Israel xây trên lãnh thổ Bờ Tây. Và cũng giống như Saadi, chàng thanh niên chọn Việt Nam làm nơi đi học. “Vì Việt Nam là đại diện cho tinh thần giành độc lập” - Osama lý giải ngắn gọn.

Anh đang là thực tập sinh của Đại sứ quán Palestine ở Hà Nội, vì cũng như bác Saadi, tin rằng việc trở thành một nhà ngoại giao là con đường hiệu quả để đấu tranh cho độc lập của dân tộc Palestine.

Tháng 11 này, người Palestine kỷ niệm 29 năm ngày quốc khánh. Ngày 15-11-1988, tại phiên họp thứ 19 ở thủ đô Algeria, Hội đồng quốc gia Palestine tuyên bố thành lập Nhà nước Palestine độc lập, thủ đô là Đông Jerusalem. Nhà ngoại giao trẻ Saadi Salama khi đó làm việc tại Lào.

Cùng hai nhân viên khác trong sứ quán, họ ngồi trước màn hình xem buổi tuyên bố từ Algiers qua kênh truyền hình của Thái Lan. Ông vẫn nhớ cảm giác xúc động khi đó, và nhớ rằng Việt Nam là một trong những nước đầu tiên công nhận Nhà nước Palestine.

Mong muốn của họ là hòa bình. Rất nhiều người Israel mong muốn điều tương tự. Trong một cuộc trưng cầu năm 2003, 76% người Israel được hỏi muốn có hòa bình bằng việc rút hoàn toàn khỏi Bờ Tây và chung sống như hai quốc gia riêng biệt.

Avraham Shalom, ông trùm tình báo tàn nhẫn của Israel, những năm cuối đời cũng trở thành một người ủng hộ việc chung sống hòa bình. “Chúng ta phải thừa nhận một lần cho dứt khoát, rằng có một phe khác, rằng họ có cảm xúc, rằng họ đang phải chịu đựng đau thương, và rằng chúng ta đang hành xử sai lạc” - Shalom nói trên tờ The Washington Post năm 2003.

Như thường lệ, Saadi mời khách maghluba - món cơm gà lộn ngược của người Palestine - ăn kèm sữa chua. Cũng như thường lệ, bên bàn ăn, ông lại nói, các em yêu quý đất nước Palestine như thế, chắc chắn khi có dịp sẽ phải mời các em sang chơi. Nhưng chính ông đại sứ cũng không biết là dịp nào. Bây giờ, ra vào Bờ Tây phải có sự cho phép của chính quyền Israel.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận