Nào, ta cùng vào kỷ nguyên của công nghệ viễn tưởng!

TỪ PHONG 31/12/2013 01:12 GMT+7

TTCT - Trong một bộ phim khoa học viễn tưởng nổi tiếng của Mỹ được làm vào những thập niên cuối của thế kỷ trước, những người hành tinh khác đến Trái đất, khi nhìn thấy chiếc máy tính để bàn họ đã vồ lấy con chuột để hét vào nó nhằm ra lệnh cho máy tính hoạt động.

Cảnh phim này đã khiến khán giả thời đó cười khoái trá trước sự “ngây ngô” của người hành tinh khác nhưng lại thể hiện tầm nhìn khoa học rất xa của nhà làm phim. Có lẽ bởi ông đã hình dung được từ thuở nguyên sơ của ngành công nghệ thông tin, một thế giới tương lai, nơi con người tương tác với máy tính nói riêng và các thiết bị nói chung thông qua các giao diện mang tính nhân bản hơn rất nhiều so với bàn phím và con chuột thời đó.

Quả thật, nhiều siêu thiết bị mới cách đây không lâu chỉ đi cùng các điệp viên siêu sao trên màn ảnh rộng, nay đã nằm gọn trong túi xách của các cô gái tuổi teen. Cũng như tham vọng của con người, công nghệ dường như không biết đến điểm dừng. Thử hình dung những sản phẩm hiện đại nào sẽ đồng hành cùng chúng ta trong năm 2014 và những năm sắp tới.

Máy in 3D

Công nghệ in 3D được nghiên cứu từ những năm 1980. Về bản chất, nó cho phép in cắt lớp các bản vẽ ba chiều được thiết kế trước bằng các chất liệu đặc biệt có khả năng hóa rắn. Chiếc máy in 3D đầu tiên được Chuck Hull tạo ra năm 1984. Nhưng chỉ vào những năm gần đây thì giá loại máy in này mới giảm mạnh và nhờ đó đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ viễn tưởng này vào các mặt khác nhau của đời sống con người.

Từ những ứng dụng ban đầu như in đồ mỹ nghệ, in tượng..., ngày nay máy in 3D đã bắt đầu có khả năng cung cấp những sản phẩm dân dụng. Trong một dự án gần đây do giáo sư Hod Lipson của Đại học Cornell lãnh đạo, nhóm chuyên gia đã chọn loa điện tử làm sản phẩm tích hợp đầu tiên chế tạo bằng máy in 3D.

Với vỏ được in từ nhựa tổng hợp, lõi dẫn điện in bằng mực bạc và nam châm từ chất liệu đặc biệt, loa có thể được sử dụng ngay lập tức sau khi ra lò chứ không cần qua khâu lắp ráp như phương pháp truyền thống.

Theo dự đoán của Gartner, trong năm 2013, các công ty sản xuất máy in 3D có thể bán được hơn 56.000 chiếc thuộc loại có giá bán thấp hơn 100.000 đôla Mỹ, và con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2015.

Tổng thị trường máy in 3D dự đoán sẽ vượt con số 8 tỉ USD vào năm 2020. Người ta kỳ vọng các máy in loại này có thể in từ bữa ăn đến xe hơi, từ đồ gia dụng đến các bộ phận trong cơ thể người, từ chính bản thân nó cho đến, biết đâu đấy, một hiện thân khác của chính chúng ta.

Màn hình dẻo

Mới vài năm trước, khán giả còn choáng ngợp trước cảnh Harry Potter đọc tờ báo ma thuật trong bộ phim cùng tên. Tờ báo “thần” đó, một bản mềm mại, nhẹ nhàng và thân thiện như bất cứ một tờ báo giấy nào nhưng lại thể hiện thông tin sống động, trực tuyến và có khả năng tương tác với độc giả giờ đây không còn là thiết bị cổ tích nữa mà đã sẵn sàng để nằm trên bàn làm việc của chúng ta, rất có thể, chỉ trong năm 2014.

Công nghệ màn hình dẻo đã đặt những dấu chân đầu tiên bằng chiếc điện thoại G-Flex có thể uốn cong và trở lại hình dạng ban đầu mà vẫn làm việc bình thường. Một ngày không xa, những màn hình dẻo, có thể uốn cong, gập nhỏ, quăng quật thoải mái sẽ là những cửa sổ quan trọng nhất để chúng ta giao tiếp với bên ngoài và cả với bên trong chúng ta.

Cùng với các thư viện ảo trên “mây”, chúng sẽ thay đổi những thói quen tưởng chừng đã bám rễ vào đời sống con người, chẳng hạn như đọc sách giấy.

Robot gia đình

R2-D2 và C-3PO, hai nhân vật robot nổi tiếng trong bộ phim nhiều tập Chiến tranh các vì sao, dường như cũng sắp bước từ màn ảnh rộng vào trong nhà chúng ta.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) đang phát triển thế hệ robot mới có thể trợ giúp việc nhà như hâm nóng thức ăn, lấy sách ra khỏi kệ hay thậm chí là trả lời những cuộc điện thoại. Nó được trang bị các cảm biến cho phép tự động thu thập dữ liệu về môi trường xung quanh, và qua quá trình xử lý dữ liệu có thể học hỏi cách thức mà con người thực hiện những công việc thường ngày.

Theo báo cáo “Thị trường robot dịch vụ toàn cầu giai đoạn 2009-2014” của M&M (MarketsandMarkets), tổng thị trường robot dịch vụ toàn cầu sẽ đạt 21 tỉ USD vào năm 2014, trong đó 35% thuộc về châu Á. Trong thị trường robot phục vụ cá nhân thì tỉ trọng lớn nhất thuộc về robot gia đình, và sẽ đạt doanh thu khoảng 1,97 tỉ USD trong năm 2014.

Nhu cầu với robot gia đình xuất phát từ khả năng phục vụ việc nhà và bầu bạn với con người của chúng.

Một trung tâm dữ liệu của Google

Thư viện ảo

Mặc dù Bill Gates không giấu giếm tham vọng biến sách giấy thành cổ vật, nhưng có lẽ nỗ lực của ông đang gặp không ít rào cản tinh thần và vật lý. PwC (PricewaterhouseCoopers) dự đoán tổng doanh thu sách điện tử sẽ vượt qua doanh thu sách giấy và đạt con số 8,2 tỉ USD vào năm 2017, nhưng sách giấy vẫn “sống tốt”. Tuy thế, tốc độ tăng trưởng của sách điện tử dường như đã chậm lại.

Một điều dễ thấy: nếu các đại gia trong ngành kinh doanh sách điện tử chấp nhận hạ giá thì sách giấy khó còn đất sống. Tuy nhiên chẳng công ty nào muốn hi sinh quyền lợi của mình cho khách hàng, trừ khi họ bị buộc phải làm thế, hoặc họ không phải là một công ty mà là một tổ chức phi lợi nhuận hoặc chính trị nào đó, như Chính phủ Na Uy chẳng hạn.

Thư viện Quốc gia Na Uy thông báo rằng họ đang tiến hành số hóa tất cả những quyển sách mà họ sở hữu và sắp tới, khi hoàn tất thì dữ liệu sẽ được đưa lên mạng. Đây là quốc gia đầu tiên thực hiện số hóa sách thư viện và đưa lên mạng cho mọi người đọc miễn phí (nếu IP truy cập thuộc về quốc gia này). Một số quốc gia khác cũng đang theo đuổi những chương trình tương tự Na Uy.

Ở Việt Nam cũng có những công ty kinh doanh sách đang làm những dự án số hóa cho toàn bộ thư viện của mình. Tuy nhiên, để số hóa hầu hết tài liệu tiếng Việt, có lẽ cần đến những khoản chi phí lớn hơn nhiều lần so với tiềm lực của một doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam.

Sách là một trong những phát minh quan trọng làm thay đổi đến tận gốc rễ toàn bộ nền văn minh nhân loại, và chắc chắn việc số hóa sách, lập các thư viện ảo, dù miễn phí hay thu phí cũng sẽ tạo một cú hích mạnh mẽ cho sự phát triển của nền văn minh.

Các thiết bị cá nhân thông minh

Sắp tới, không những các thiết bị chúng ta đang sở hữu sẽ tiếp tục nhanh hơn, rẻ hơn, mạnh hơn, nhẹ hơn, mà các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới còn chào mời thêm không ít sản phẩm trói buộc khách hàng của mình chặt hơn vào thế giới ảo:

 • Tivi thông minh:

Dự đoán sẽ có 123 triệu tivi thông minh được bán ra trong năm 2014, và người ta đang chờ sự ra mắt của iTV - chiếc tivi thông minh được mong đợi từ lâu của Apple - vào mùa hè. Dù thị trường có phát triển đến đâu chăng nữa thì sản phẩm mới của Apple vẫn có tính đột phá, vẫn có thể làm thay đổi căn bản thói quen của người dùng, và tác động mạnh mẽ đến mọi khía cạnh khó tin nhất của đời sống con người.

• Đồng hồ thông minh:

Nhiều người đang chờ đợi sự ra đời của chiếc đồng hồ thông minh của Google, dự kiến ra mắt trong năm 2014, tích hợp với Google now, một hệ thống có khả năng cung cấp thông tin đúng lúc và đúng nơi chủ nhân của nó cần đến, thậm chí trước cả khi chủ nhân hỏi - một thiết bị dường như chưa có cả trong phim 007!

5 triệu là con số ước tính về số đồng hồ thông minh được bán ra trong năm 2013. Con số này dự tính sẽ lên đến 15 triệu vào năm 2014, và theo các tính toán của Nextmarket Insights thì con số này sẽ lên đến 373 triệu vào năm 2020. Một thị trường vô cùng hấp dẫn với mức tăng trưởng hằng năm cao khủng khiếp, mở ra cho các công ty phần mềm, thiết bị ngoại vi... những cơ hội hiếm có.

• Kính thông minh:

Một sản phẩm viễn tưởng khác của Google, một thiết bị giúp con người không những online mọi lúc mọi nơi mà còn tự nguyện biến mình thành một nhân vật ảo trong một thế giới không còn ranh giới giữa ảo và thật.

Với những khả năng kỳ diệu: chụp ảnh không cần dùng tay, hiển thị kết quả tìm kiếm ngay trên kính, dịch đa ngôn ngữ, chỉ đường tường tận từng bước, hỗ trợ Google now, soạn văn bản bằng giọng nói..., kính thông minh sẽ mở ra cho bạn một thế giới rõ nét đến kỳ quái, khi bạn có thể biết rõ thu nhập, mã số thuế, và biết đâu cả hồ sơ y tế của bất kỳ ai bạn nhìn thấy trên đường.

Chưa biết Google làm thế nào để xử lý lượng thông tin lớn khủng khiếp mà hàng tỉ chiếc kính có thể chuyển liên tục về cho các máy tính của họ, và cũng chưa hiểu người ta sẽ sống làm sao trong một thế giới sáng trưng như trong trò chơi điện tử như vậy, nhưng sản phẩm này hứa hẹn sẽ bán được hàng triệu chiếc trong năm 2014.

Theo dự đoán của Business Insider, thị trường của kính thông minh Google sẽ đạt con số 11 tỉ USD vào năm 2018, với số lượng sản phẩm vào khoảng trên 21 triệu chiếc.

Trong khi chờ đợi sản phẩm này đạt được gia tốc bán hàng mong đợi trên thị trường, chúng ta hãy dè chừng hơn khi tận hưởng ánh mắt quyến rũ xa lạ nào đó đằng sau một cặp kính. Những sản phẩm trên đây gần như đã sẵn sàng để tung ra thị trường, và chúng sẽ không gặp nhiều khó khăn khi gia nhập hệ sinh thái công nghệ hiện nay.

Vấn đề với Việt Nam là các doanh nghiệp của chúng ta đã chuẩn bị gì để thích ứng và kiếm được lợi nhuận từ những sản phẩm này hay chưa?

Một số doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm đến robot, và có những cố gắng bước đầu trong việc tích hợp phần mềm vào các hệ thống robot đã được chuẩn hóa, nhưng cũng còn rất nhiều việc phải làm trước khi những con robot hồn Việt da Tây này thật sự hoạt động và mang lại lợi ích thiết thực cho khách hàng.

Chúng ta đã bỏ lỡ những cơ hội vô giá trong thời điểm bùng nổ máy tính cá nhân, và rất đáng tiếc nếu chúng ta một lần nữa lại đứng ngoài cuộc khi thế giới chuyển từ máy tính cá nhân qua các siêu thiết bị cá nhân mới.

 Tìm kiếm định hướng theo văn hóa địa phương 

Công nghệ tìm kiếm thông tin của Google, Microsoft và Apple đang thầm lặng tiến những bước vững chắc theo hướng đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu của một thế giới đa ngôn ngữ và văn hóa. Các hệ thống đã hiểu được ngôn ngữ của người yêu cầu tốt hơn rất nhiều so với những năm trước đây, thậm chí còn đoán trước được nhu cầu của khách hàng. 

Đằng sau những tiện ích tưởng chừng nhỏ nhoi này là các phần mềm vĩ đại, những nền tảng công nghệ trị giá nhiều tỉ USD và chất xám của vô số chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau. Đi cùng khả năng am hiểu văn hóa và ngôn ngữ địa phương ngày một hoàn thiện này là những cơ chế cho phép các phần mềm dịch tự động có thể nâng chất lượng chuyển ngữ lên mức khó hình dung.

 Hiện nay, chỉ trong tích tắc, các phần mềm dịch tự động của Microsoft và Google đã, đôi khi, đưa ra được các phương án dịch có thể chấp nhận được. Và có thể tin tưởng rằng trong thời gian không xa, máy có thể thay thế phần lớn công việc dịch thuật của người thường.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận