Yêu quyển sách nhưng ghét cái bìa

TRÚC ANH 26/04/2024 04:56 GMT+7

TTCT - Điều gì trên bìa sách khiến ta ghét nhất? Hãy hỏi chục người đọc sách, kiểu gì cũng sẽ có ít nhất vài lý do chung.

Nhãn

Nhãn "đã có phim Netflix" in thẳng lên bìa khiến nhiều người ghét.

Từ các thảo luận trong các cộng đồng đọc sách trên mạng xã hội và khảo sát bỏ túi của người viết, có thể thấy người ta có thể ghét nhiều thứ trên bìa sách, từ cách thiết kế cho đến những gì được viết trên đó, từ trước ra sau, từ trong ra ngoài.

Điều không thích về bìa sách

Với Claire Handscombe - nhà văn, người dẫn podcast và cây bút thường xuyên của trang Book Riot - điều cô ghét nhất về thiết kế bìa sách là những con dấu kiểu "Từ tác giả đoạt giải Nobel", "Đã được chuyển thể thành series Netflix" in thẳng vào bìa mà cố tình làm như thể chúng được dán vào. Nếu chúng là tem dán rời thì còn được, chứ in thẳng vào vừa mất thẩm mỹ vừa không liên quan - sách được chuyển thể thành phim là nhất định phải hay à?

Những cái "nhãn giả" này thường đi kèm với một xu hướng làm bìa dễ làm độc giả mất cảm tình khác: lấy hình người thật làm bìa, mà thường là hình diễn viên trong phim chuyển thể, thậm chí tương luôn poster phim lên "mặt tiền" cuốn sách. Độc giả phẫn nộ vì bị áp đặt hình ảnh về các nhân vật, đôi khi trái ngược hoàn toàn với hình dung của họ.

Năm 2018, Book Riot tổ chức "thử thách đọc quyển sách có bìa bạn ghét". Để gợi ý cho độc giả, biên tập viên Katie McLain đưa ra vài ví dụ, trong đó có ấn bản quyển sách nổi tiếng The Handmaid's Tale (Chuyện người tùy nữ) của Margaret Atwood, mà bìa sách là ảnh của nữ văn sĩ - dù đây không phải hồi ký hay tự truyện. 

"Tôi không biết ai có thể nghĩ dùng ảnh của tác giả làm bìa sách là ý tưởng hay nhưng nó khiến tôi phát điên. Bìa này không cho bạn biết gì về cốt truyện, nó lạc hậu và luôn là bản cuối cùng còn sót lại trong thư viện của tôi" - McLain viết.

Yêu quyển sách nhưng ghét cái bìa- Ảnh 2.

Về chuyện này, một người dùng Reddit cũng chia sẻ nhà anh có một bản in quyển The Giving Tree (Cây táo yêu thương), một tác phẩm thiếu nhi rất nổi tiếng của Shel Silverstein, nhưng toàn bộ bìa 4 là chân dung của tác giả, khiến "mấy đứa bé nhà tôi khóc thét".

Ngoài phần hình, độc giả khó tính còn không thích những gì được viết trên bìa - mặt trước, mặt sau hoặc phần bìa gập vào (flip).

Grace Lapointe - tiểu thuyết gia và cây bút của Book Riot - không thích những dòng "mồi", so sánh quyển sách với những tác phẩm tương tự, cùng thể loại (tiếng Anh gọi là comp title) đặt ở bìa 1. Đó là những câu đại loại như "Đã mê Harry Potter/Percy Jackson/The Da Vinci Code thì không thể bỏ qua quyển sách này" hay "Khi 50 sắc thái kết hợp với Chạng vạng".

"Tôi hiểu vì sao có người thấy những dòng như vậy là hữu ích, nhưng với tôi thì không. Tôi không nhất thiết phải thích một quyển sách vì nó tương tự những quyển khác mà tôi mê. Tôi thích sự đa dạng. Tôi cần nhiều chi tiết về chính quyển sách đó trước khi chọn mua, chứ không phải được bảo là nó "dành cho người hâm mộ XYZ"" - Lapointe viết.

Nhiều người cũng cho rằng cách gợi sự liên quan như vậy sẽ gây cảm giác "mượn hơi" những tác phẩm nổi tiếng hoặc áp đặt cảm xúc cho người đọc bằng mô tả chủ quan của đơn vị phát hành. 

Một lời giới thiệu đơn giản như "Phiên bản Bí kíp quá giang vào Ngân Hà cho trẻ em" sẽ tốt hơn, vì nó giúp hình dung rõ ràng nội dung (tất nhiên với ai đã đọc Hitchhiker's Guide to the Galaxy của Douglas Adams).

Ảnh quyển sách thiếu nhi với bìa sau

Ảnh quyển sách thiếu nhi với bìa sau "kinh dị" do người dùng Reddit chia sẻ.

Một nội dung bị ghét nhất nhì trên bìa sách là "những lời thù tạc", thường là ở bìa sau. Đó có thể là đánh giá, bình sách từ các tờ báo, nhà phê bình, thậm chí một ngôi sao nổi tiếng nào đó. Nhà phát hành nghĩ đó là cách tăng uy tín cho tác phẩm nhưng thực tế chúng gây tác dụng ngược.

Nhiều quyển sách đăng nhận xét về tác phẩm trước đó của tác giả (ai mà quan tâm chứ, còn quyển tôi đang cầm trên tay thì sao?); đăng những lời khen một từ, chẳng nói lên điều gì - "tuyệt vời", "chấn động", "xuất sắc"; hay ý kiến của một ngôi sao ca nhạc. 

"Những từ ngữ như "ngôn từ phát sáng" hay "không thể đặt xuống" có thuyết phục bạn đọc quyển sách đó không, nhất là khi bạn biết rằng các tác giả sách là bạn bè với nhau và thường sẽ buộc phải thích tác phẩm của nhau?" - Handscombe viết.

Một tác giả khác của Book Riot, Eileen Gonzalez cho rằng bìa sau là một không gian quý giá để thể hiện thông tin, thu hút người đọc chọn mua quyển sách đó nhưng lại đang bị lãng phí. 

Bìa sau là nơi thích hợp để đăng một đoạn ngắn tóm tắt nội dung, dẫn dụ người đọc nhưng lại thành nơi đăng những lời sáo rỗng như "Quyển sách sẽ thay đổi cuộc đời bạn" hay "Một câu chuyện về yêu thương và mất mát".

Những quyển đăng tóm tắt nội dung thì lại dễ mắc hai sai lầm khiến độc giả khó tính phẫn nộ: lười biếng lấy vài câu trong sách, trúng ngay đoạn tiết lộ tình tiết quan trọng hoặc viết luôn tóm tắt mà kể tuốt tuồn tuột. Kiểu nào thì cũng khiến người sợ spoiler (tiết lộ nội dung) hết muốn mua.

Ghét sách từ bìa

Đôi khi mất điểm từ kiểu bìa chứ chưa bàn gì trên đó - bìa cứng hay bìa áo chẳng hạn. Hơn chục năm trước, nhà phê bình văn học Michelle Dean từng viết một bài kịch liệt đả kích bìa áo (dust jacket - bìa rời bọc bên ngoài quyển sách) vì hoàn toàn phiền toái và vô dụng. 

Bà đưa ra các lý do "hợp lý và thực tế" như sau: chúng chả bảo vệ sách khỏi bụi mà bản thân còn dễ bám bụi, khó lau chùi; trơn tuột, dễ rách; thừa thãi - muốn đẹp thì in thẳng vào bìa gốc cho rồi.

Dean không giấu giếm chuyện sách bìa cứng kèm bìa áo về đến tay mình là gần như sẽ tanh bành ngay lập tức, bởi "tôi sẽ nhanh chóng gỡ bìa kéo và ném thẳng vào thùng rác". Nhiều "người trong ngành" cũng thậm ghét. Tác giả sách thriller người Anh Vincent Holland-Keen đăng tweet hưởng ứng: tôi đồng ý với Michelle, bìa áo mới ngu ngốc làm sao.

Một quyển sách có bìa áo.

Một quyển sách có bìa áo.

Bìa áo thường đi cùng sách bìa cứng và dạng sách này cũng có nhóm anti-fan hùng hậu. Lý do để ghét sách bìa cứng rất rõ ràng: khó mua (vì giá cao), khó mang đi (vì quá nặng), khó đọc (không cầm được bằng một tay, không vừa nằm vừa đọc). Tóm lại là đắt đỏ và bất tiện. 

Dù vậy, ở những thị trường như Anh và Mỹ, thông lệ là với đầu sách mới các nhà xuất bản sẽ phát hành bản bìa cứng trong lần in đầu tiên, rồi có khi một năm sau mới ra bìa mềm. Sách càng gây sốt thì càng lâu có bìa mềm, ví dụ điển hình là tập đầu trong series Harry Potter ở Mỹ có bản bìa cứng tháng 9-1998 nhưng một năm sau mới có bìa mềm. May là ở Việt Nam chưa đến mức này.

Nhưng tại sao? Theo trang Mental Floss, mặc dù bìa cứng in ấn tốn kém hơn bìa mềm, giá bán của chúng đủ để đơn vị xuất bản bù đắp nhiều chi phí - từ tiền ứng trước cho tác giả đến in ấn, phân phối, tiếp thụ. 

Dinah Dunn, đối tác hãng đóng sách Indelible Editions, nói in đắt đỏ chứ thật ra cũng chỉ vài đô la/bản, trong khi giá bán lẻ có thể lên tới 30 USD/quyển. Bìa cứng là cách lấy lại vốn và có lời nhanh nhất. 

Bìa mềm có thể chiếm tới 80% tổng bản bán ra của một tựa sách, nhưng giới phát hành vẫn tin vào cửa bìa cứng. "Fan của một tác giả luôn sẵn sàng trả giá cao để có sách (bìa cứng) sớm" - Dunn nói.

Sách bìa cứng cũng sang chảnh hơn bìa mềm, gây hiệu ứng thị giác mạnh mẽ hơn - thích hợp để các nhà sách trưng bày và quảng bá. Sách bìa cứng được điểm và xét giải thưởng nhiều hơn bìa mềm, các thư viện cũng thích nhập bìa cứng hơn, theo Dunn.

Phiên bản bìa mềm ra sau nhưng tất cả cũng nằm trong tính toán của đơn vị phát hành. Nó là dịp để tổ chức sự kiện quảng bá, làm nóng lại tên tuổi của tựa sách, tất nhiên bán thêm được hàng sau khi đã "vắt sữa" triệt để bản bìa cứng trước đó.

Chọn sách, không chọn bìa

Khó có thể ép bìa sách chỉ có những thông tin tối giản. Sách là hàng hóa, nhà kinh doanh phải có chiêu trò để thu hút khách. Vấn đề là những thông tin phụ thêm trên sách đang phải khoác cái áo quá rộng, được trao "sứ mệnh" quá cao cả so với sức vóc của nó. 

Làm sao vài dòng chữ có thể vừa mô tả chính xác và chân thật về nội dung sách, trong khi phải vừa màu mè và câu khách theo ngôn ngữ quảng cáo? Những dòng ngợi khen, những đoạn tóm tắt hoặc là nói quá ít, hoặc là nói quá nhiều nhưng nói thứ không cần thiết. Chúng có thể áp đặt cảm xúc hoặc hủy hoại cảm xúc.

Có thể bạn chưa bao giờ có vấn đề gì với những thứ kể trên, vì thuộc nhóm mua sách không nhìn bìa hoặc không đọc lấy một cái gì trên đó, không xem trước tóm tắt nội dung, không quan tâm sách được đánh giá thế nào. 

Bạn thuộc nhóm mua sách mà không cần ai phải bảo trước nó sẽ nói về cái gì, sẽ gây cảm xúc thế nào. Mua vì tác giả "ra sách là mua", vì thể loại yêu thích, vì chủ đề, vì bối cảnh, vì người dịch, thậm chí vì đơn vị xuất bản.

Những người có tiêu chí chọn sách thế này sẽ đỡ mệt, không cần phải cố thêm một chút, như lời khuyên của chuyên gia, mà nghe cũng sáo mòn: đọc sách là vì nội dung bên trong, hãy cố bỏ qua những tiểu tiết bên ngoài, đừng để chúng ngăn cản ta tới bến bờ kiến thức.

Tất nhiên vẫn có giải pháp cho những sách có cái bìa "thấy ghét". Bìa cứng thì ráng chờ ra bìa mềm, bìa xấu thì mong nó tái bản thay bìa, với nhiều trường hợp có thể săn bản cũ có bìa hợp mắt.

Hoặc cứ đọc ebook - chẳng phải lăn tăn bìa cứng hay mềm, bìa gấp hay rời. Nhưng lúc đó lại tiếc cái cảm giác sờ vào giấy. Người mê sách có vẻ thường hay "lắm chuyện" thế nhỉ?

Nỗi đau người yêu sách: Bìa mềm - dễ hỏng; Bìa cứng - quá đắt; Kindle - đâu phải là sách? Nguồn: Julia Lee

Nỗi đau người yêu sách: Bìa mềm - dễ hỏng; Bìa cứng - quá đắt; Kindle - đâu phải là sách? Nguồn: Julia Lee

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận