Dệt vải từ cây!

TTCN - Từ thân cây lanh, cây gai, TS Nguyễn Việt có thể tạo ra các loại sợi cao cấp. Và qua bàn tay của nghệ nhân Triệu Văn Mão ở xứ lụa Vạn Phúc nổi tiếng, sợi cây này được dệt nên những tấm vải bền đẹp. Tận mắt nhìn thấy tấm vải mịn màng, sặc sỡ ở nhà ông Mão, chúng tôi không thể tin nó được dệt từ những cây lanh, cây gai thô mộc.

Phóng to
Một gian hàng trưng bày các sản phẩm từ vải lanh tại hội chợ thương mại quốc tế Hoa Kỳ năm 2000
TTCN - Từ thân cây lanh, cây gai, TS Nguyễn Việt có thể tạo ra các loại sợi cao cấp. Và qua bàn tay của nghệ nhân Triệu Văn Mão ở xứ lụa Vạn Phúc nổi tiếng, sợi cây này được dệt nên những tấm vải bền đẹp. Tận mắt nhìn thấy tấm vải mịn màng, sặc sỡ ở nhà ông Mão, chúng tôi không thể tin nó được dệt từ những cây lanh, cây gai thô mộc.

Từ bí mật ngôi mộ cổ

Làm việc tại Hội Đông Nam Á VN, TS Việt là người hoạt động chủ yếu trong ngành khảo cổ. Ông còn là thành viên của Tổ chức Lanh quốc tế (IHA) và Hội Lanh công nghiệp Hoa Kỳ (HIA). Ý tưởng tạo ra sợi từ thân cây lanh, gai đến với TS Việt cách đây vài năm khi tiến hành khai quật các khu mộ thuyền ở Hải Dương và Hà Tây. Trong quá trình tìm hiểu các khu mộ ông thật sự bị bất ngờ trước những mảnh vải dùng khâm liệm thi thể trong quan tài.

Những ngôi mộ này đều thuộc thời đại văn hóa Đông Sơn (niên đại cách đây hơn 2.500 năm), vậy mà khi khai quật vải được tìm thấy còn khá bền chắc. “Ngay lúc đó trong đầu tôi nảy ra câu hỏi: chất liệu nào mà có thể làm ra loại vải tốt đến vậy?” - TS Việt nói. Ông đem vài mẫu vải về nhà bảo quản trong các dung dịch đặc biệt. Dung dịch này tạo nên môi trường giống môi trường tồn tại trước đây của các loại vải.

TS Phạm Quốc Long (trưởng phòng công nghệ hóa biển, Viện hóa các hợp chất thiên nhiên) đã dùng chất hóa học để bóc, tách các sợi vải và quan sát cấu trúc phân tử của chúng dưới kính hiển vi. Những cấu trúc do TS Long tìm thấy ở mẫu vải cổ giống với cấu trúc phân tử của cây lanh, gai hiện nay. Từ kết quả đó, nhóm nghiên cứu đã xác định loại vải trong mộ thuyền được dệt từ sợi cây gai và cây lanh.

Đi sâu nghiên cứu về mặt lịch sử, TS Nguyễn Việt cùng các đồng sự phát hiện ra nhiều khám phá thú vị. Các loại vải có trong mộ thuyền là sản phẩm may mặc phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại khu vực châu Á, Nhật và một vùng rộng lớn kéo dài từ Quảng Nam (VN) lên tới Thượng Hải (Trung Quốc) ngày nay là nơi có nghề vải sợi đặc biệt phát triển. Đến khoảng thế kỷ 10-15, sự xuất hiện của kỹ thuật dệt bông Ân Độ với năng suất cao hơn đã lấn át nền sản xuất vải gai, lanh ở nước ta. Việc thực dân Pháp tiến hành xâm lược Đông Dương vào thế kỷ 19, kéo theo sự du nhập của vải sợi tổng hợp đã gần như xóa sổ nghề vải sợi truyền thống. Những phát hiện này không chỉ có giá trị khảo cổ, mà còn giúp việc khôi phục nghề dệt gai, lanh thành một ngành kinh tế đầy tiềm năng.

Nhà sử học nghiên cứu cỏ cây

Phóng to
Nghệ nhân Triệu Văn Mão(trai đang giới thiệu kỹ thuật dệt lanh bên khung dệt thí nghiệm
Việc nghiên cứu và chế tạo sợi vải từ lanh, gai đã được Pháp tiến hành khi xâm lược Đông Dương. Và trước những năm 90 của thế kỷ 20 nước ta cũng đã có những dự án hợp tác với Liên Xô (cũ) để tìm hiểu việc sản xuất vải từ lanh, gai nhưng không thu được kết quả nào đáng kể nên đã ngừng thực hiện hàng chục năm nay. Trong khi đó trên thế giới việc sản xuất vải từ cây lanh hiện rất phát triển. Các nước như Hoa Kỳ, Ý, Trung Quốc đều đã tiến hành sản xuất theo phương pháp công nghiệp từ những năm 1980. Và sản phẩm may mặc từ các loại cây có sợi đã chiếm 60 - 70% hàng may mặc tại những nước này.

Trên tạp chí Hemp World (tạp chí quốc tế giới thiệu sản phẩm làm từ các loại cây có sợi trong thiên nhiên) luôn có sự xuất hiện của hàng trăm mặt hàng thời trang từ vải cây. Chính vì vậy TS Việt đã quyết định đi sâu nghiên cứu về cây lanh, gai và cây có sợi ở nước ta. Hiện ông là chủ nhiệm dự án “Chương trình nghiên cứu cây lanh và những cây có sợi” với sự cộng tác của nhiều nhà khoa học hàng đầu.

Trong căn nhà của TS sử học này hàng trăm hiện vật khảo cổ được bày khắp nơi. Bên bàn làm việc của mình nằm ở gác hai, TS Việt đang say sưa nghiên cứu, quan sát các mẫu vải được bảo quản trong hai chiếc hộp nhựa. Những công trình đã được ông công bố, giới thiệu tại các hội thảo chuyên ngành trong nước cũng như trên thế giới: công trình “Thử nghiệm giống lanh lấy sợi ở Duyệt Yên, Phú Xuyên, Hà Tây”; “Tình hình nghiên cứu về công nghệ trồng lanh trên thế giới”; “Triển vọng của việc khai thác các sản phẩm từ hạt lanh ở VN và trên thế giới”...

Cầm chiếc áo thổ cẩm của người Mông, TS Việt nói: “Đây là sản phẩm được họ dệt từ cây lanh. Nhưng loại áo như thế không thể làm hàng xuất khẩu do chất lượng không cao, mẫu mã không đẹp. Tuy nhiên, hiện ở VN chỉ có một số địa phương vùng miền núi Hà Giang, Lào Cai hay vài nơi ven biển Thái Bình, Nam Định còn biết cách lấy sợi và dệt loại vải này”. Khó khăn lớn nhất của TS Việt là tìm hiểu cách lấy sợi từ thân cây. Vì vậy, ông đã đến ăn ở với bà con ở nhiều vùng dân tộc để tìm hiểu.

Phóng to
Những mẫu vải làm từ sợi lanh, gai và chuối của ông Mão

Qua nhiều tháng ngày lăn lộn, TS Việt nhận thấy cách lấy duy nhất ở nước ta hiện nay vẫn là cách truyền thống. Cách này thực hiện bằng việc ngâm thân cây dưới sông, suối, ao hồ để chờ cây thối, rữa rồi lọc lấy sợi. Cách làm này rất lâu, hơn nữa không thể tạo ra các loại sợi chất lượng tốt và dài.

Trong khi đó các quốc gia trên thế giới đã sử dụng phương pháp ngâm cây vào dung dịch hóa học ở những bồn lớn, các hóa chất sẽ tác dụng mạnh mẽ vào quá trình phân hủy của cây. Cách làm này rất nhanh và tạo được loại sợi dài, nhưng nhược điểm là gây ô nhiễm. Hiện TS Việt cùng những người thực hiện dự án đang nghiên cứu để tìm ra hợp chất tách cây theo phương pháp công nghiệp và không ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Ước mơ Việt!

Với mong muốn có thể xuất khẩu các sản phẩm làm từ lanh, gai ra thị trường quốc tế, TS Nguyễn Việt đang tập trung nghiên cứu việc sản xuất vải. Ông liên hệ với Hội nghệ nhân làng lụa Vạn Phúc, làng dệt nổi tiếng và có truyền thống lâu đời để cùng sản xuất vải lanh, gai. Nghệ nhân Triệu Văn Mão là người có nhiều kinh nghiệm dệt vải truyền thống. Những kinh nghiệm của ông Mão góp phần không nhỏ trong việc tạo ra những tấm vải chất lượng cao.

Những mét vải xuất xưởng đầu tiên đã cho những kết quả rất tốt. Ông Mão dùng vải đó may hai chiếc áo. Một chuyên gia người Đức khi đến thăm xưởng dệt rất thích thú và mua ngay một chiếc, dù giá của nó đến 230.000 đồng (bằng giá một chiếc áo tơ tằm cao cấp). Chiếc còn lại nhiều người hỏi mua với giá cao nhưng ông không bán mà để mặc làm kỷ niệm. Lúc chúng tôi có mặt ở nhà ông thì có một đoàn du khách người Pháp đến. Thăm và dừng khá lâu trước chiếc áo vải lanh rồi trầm trồ “tuyệt quá”. Anh Jean, một du khách trong đoàn, đề nghị mua với giá 20 USD nhưng ông từ chối. Ông Mão cho biết áo may bằng loại vải này mặc rất thoáng mát, bền nhưng không thô ráp. Cách dệt không khó, kỹ thuật tương tự như dệt lụa tơ tằm. Cách tạo hoa văn cho những tấm vải được tiến hành như tạo hoa văn trên lụa với việc luồn sợi qua những băng đục lỗ sẵn.

Đánh giá về hiệu quả kinh tế, cả TS Nguyễn Việt và nghệ nhân Mão đều nói: Nếu mở rộng sản xuất mặt hàng này không chỉ người dệt có thu nhập cao, mà đồng bào miền núi (những vùng khó khăn) cũng có thể thoát nghèo nhờ trồng cây nguyên liệu. Hiện một ký sợi lanh, gai giá khoảng 100.000 đồng, dệt được 3m vải trị giá 300.000 đồng, hiệu quả không hề thua kém ngành lụa cao cấp Vạn Phúc. Tuy nhiên, để có thể mở rộng sản xuất cần có vùng nguyên liệu lớn, ổn định. Ông Mão tiếc nuối: “Khi nghe tin tôi làm thành công loại vải này, nhiều thương nhân Nhật, Indonesia đã đến đặt hàng nhưng tôi không dám nhận vì không làm đủ số lượng họ yêu cầu. Nếu có nguyên liệu, mặt hàng mới này đã có thể thâm nhập thị trường quốc tế”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận