Hoa Kỳ và nỗ lực trấn an Đông Á

DANH ĐỨC 14/07/2018 17:07 GMT+7

TTCT - Chuyến đi Đông Á của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuần rồi là nhằm trấn an các đồng minh và đối tác, sau cuộc gặp “lịch sử” Donald Trump - Kim Jong Un. Song, mỗi nước lại có những nhu cầu trấn an riêng của mình.

Mỹ sẽ cần nhiều nỗ lực thực tế hơn để trấn an được các đồng minh châu Á. Ảnh: The Straits Times
Mỹ sẽ cần nhiều nỗ lực thực tế hơn để trấn an được các đồng minh châu Á. Ảnh: The Straits Times

 

Câu chuyện của Nhật Bản, nêu ra trong bài này, là một trong những minh họa cho nỗi băn khoăn đa dạng đó.

Hôm 12-6 lịch sử ấy, ông Trump họp xong với ông Kim thì tới 9h34 tối hôm ấy (giờ Tokyo), tức sau khi cất cánh rời Singapore khoảng ba giờ, đã “phải” nói chuyện qua điện thoại với ông Shinzo Abe, Thủ tướng Nhật Bản. Qua đó, ông Trump “giải thích chi tiết” cuộc gặp cho ông Abe, theo nguồn tin từ Chính phủ Nhật cho biết. “Giải thích” chớ không phải “thông tin” đơn thuần.

Có thể đoán được rằng trọng tâm “giải thích” của ông Trump chính là nội dung cuộc họp báo hào hứng và hể hả kéo dài hơn một tiếng của ông Trump trước đó vào lúc 4h15 chiều (giờ Singapore), đầy những thổ lộ rất hào hứng và đầy những bất ngờ “chưa từng thấy”.

Có thể tin rằng ông Abe đã dành hơn bốn giờ sau cuộc họp báo “kỳ thú” của ông Trump để nghiên cứu những ý nghĩa khác nhau của thông tin quá bất ngờ từ cuộc họp báo “lịch sử” này, Trong số các bất ngờ có thể làm giật mình văng khỏi ghế, nổi bật nhất là loan báo của ông Trump rằng sẽ ngưng tập trận với Hàn Quốc, vì tập trận như thế chính là “khiêu khích” Triều Tiên, rằng sẽ rút 32.000 quân Mỹ ra khỏi Hàn Quốc...

Những lo âu chưa từng có

Không cần phải là người trong cuộc như ông Abe mới có thể bị bất ngờ vì loan báo của ông Trump. Một nhà báo nữ người Mỹ, sau khi nghe ông này nhắc đi nhắc lại rằng bỏ tập trận là để “tiết kiệm tiền của” và nhấn mạnh rằng “tôi nghĩ rằng họ (Triều Tiên) khoái lắm”, đã hỏi xẵng ông Trump: “Vậy chớ Triều Tiên có cho ông gì để đáp lại không?”. Câu hỏi của nữ nhà báo có lẽ cũng là câu hỏi mà ông Abe muốn đặt ra trong cuộc điện đàm với ông Trump khi chiếc Không lực 1 mới rời Singapore được khoảng bốn tiếng.

Đáp lễ của ông Kim với thịnh tình của ông Trump là hứa hẹn “phi hạt nhân hóa toàn diện” được nêu ra trong thông cáo chung Trump - Kim. Đây chính là điều mà ông Abe đã hỏi ông Trump ngay. Thông báo về cuộc điện đàm, sau vài câu “xã giao” nhập đề, đã nêu bật mối quan tâm này:

“Tổng thống Trump cam kết cung cấp các đảm bảo an ninh cho CHDCND Triều Tiên, và Chủ tịch Kim Jong Un xác nhận lại quyết tâm chắc chắn và không lay chuyển của ông về phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên”. Có lẽ, ông Trump là người đã ra sức đoan chắc với ông Abe về ý nghĩa tối quan trọng của hứa hẹn trên văn tự của ông Kim, để sau đó hai ông cùng “chia sẻ” niềm tin vào chữ ký đó.

Câu tiếp theo của thông báo từ phía Chính phủ Nhật về cú điện thoại này, hành văn mà nói dường như phản ánh lập trường và yêu cầu của ông Abe: “Ngoài ra, dựa trên kết quả của cuộc họp lịch sử này, Thủ tướng Abe và Tổng thống Trump tái khẳng định chính sách kiên quyết của Nhật Bản và Hoa Kỳ cũng như Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc nhằm nỗ lực phối hợp cùng cộng đồng quốc tế thúc giục Triều Tiên thực hiện đầy đủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc”.

Nôm na mà nói, có thể nghĩ rằng ông Abe đã muốn nhắc cho ông Trump nhớ rằng:

(1) Vẫn tồn tại hai mối quan hệ chiến lược song song là hiệp định hợp tác quốc phòng Mỹ - Hàn năm 1953 và hiệp định hợp tác an ninh hỗ tương Nhật - Mỹ năm 1960. Đến năm 1994 là hiệp định quốc phòng ba bên giữa Nhật - Mỹ - Hàn.

(2) Các mối quan hệ song song trên là bất khả phân, không thể tách rời kiểu khơi khơi giải quyết “công chuyện” giữa ông Trump và ông Kim mà lờ đi quan hệ chiến lược tay đôi Nhật - Mỹ cũng như quan hệ tay ba Nhật - Mỹ - Hàn. Nói trắng ra: đừng bán đứng nhau!

Và (3) Cho tới trước cuộc họp có một không hai Trump - Kim, cả ba bên Nhật - Mỹ - Hàn vẫn luôn cùng cộng đồng quốc tế yêu cầu Triều Tiên thực thi các nghị quyết của HĐBA LHQ về giải trừ hạt nhân và tên lửa. Thành ra, ông Trump vui lòng nhớ rằng hứa hẹn phi hạt nhân của ông Kim là chuyện bắt buộc, chứ chẳng hề là “món quà đáp trả” với món quà từ trên tròi rơi xuống là việc ông Trump đơn phương loan báo ngưng tập trận.

Câu “Thủ tướng Abe và Tổng thống Trump tái khẳng định chính sách kiên quyết của Nhật Bản và Hoa Kỳ, cũng như Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc trong việc thúc giục Triều Tiên...” nói lên ý đó.

Qua lời ông Mattis và ông Pompeo

17 ngày sau cuộc gặp Trump - Kim và cú điện thoại Abe - Trump, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sang Tokyo gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Taro Kono. Ở đó, ông Mattis phát biểu nhiều điều “chắc như đinh đóng cột”.

Đầu tiên là: “Liên minh Nhật - Mỹ là một ưu tiên và tôi có ý định làm tròn nhiệm vụ của mình là người có thẩm quyền về quốc phòng”. Cơ bản, Liên minh Nhật - Mỹ là một ưu tiên, như bộ trưởng Mattis nói, song nói thế có nghĩa là còn có những ưu tiên khác, và ưu tiên nào mới là số 1 với ông Trump?

Trong bối cảnh của một chính quyền Trump thay đổi nhân sự xoành xoạch, câu hỏi không thể không đặt ra là: nay bộ trưởng Mattis cam kết thế, song mai kia lỡ ông không còn ở Lầu Năm Góc nữa thì sao? Kinh nghiệm vụ cựu ngoại trưởng Rex Tillerson bị cách chức hồi tháng 3 còn đó. Dẫu sao, cũng có thể an tâm rằng Bộ trưởng Mattis là quan chức cấp cao vào loại “bền ghế” nhất trong nhiệm kỳ của ông Trump, có thể là do đã đồng thuận cơ bản được với tổng thống.

Ông Mattis trấn an Nhật rằng “việc có tiếp tục dừng tập trận quy mô lớn với Hàn Quốc hay không tùy thuộc vào hành động của Triều Tiên nhằm thực hiện hủy bỏ hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược tất cả các tên lửa đạn đạo và vũ khí sát thương hàng loạt”. Ông Mattis cũng nhắc lại rằng “liên minh Nhật Bản - Hoa Kỳ và Mỹ - Hàn là một răn đe ngăn chặn, đóng vai trò thiết yếu trong an ninh ở Đông Bắc Á”, và rằng “việc rút quân cũng như việc giảm lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc không được xem xét”.

Đây là hai trấn an trực tiếp với các băn khoăn của Nhật khi nhìn vào những “món quà” của ông Trump 17 ngày trước đó. Thông cáo của Nhật cũng ghi ở điều 7 rằng: “Hai bên tái khẳng định Nhật và Mỹ sẽ tiếp tục tập trận”.

10 ngày sau chuyến thăm Nhật Bản của ông Mattis, đến lượt Ngoại trưởng Mike Pompeo bay qua Nhật. Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung Wha cũng bay sang để họp ba bên. Cuộc họp này, dịp ra mắt đầu tiên của tân ngoại trưởng Pompeo ở Đông Á, có thể được xem như một dịp trấn an của Mỹ đối với hai thành viên của hiệp định quốc phòng ba bên 1994. Càng có ý nghĩa hơn nữa là việc ông Pompeo là người phụ trách “hồ sơ Triều Tiên” và vừa mới đi Bình Nhưỡng về.

Câu hỏi của Ryo Kiyomiya của tờ Asahi Shimbun trong cuộc họp báo của ba ngoại trưởng phản ánh phần nào quan ngại của người Nhật: “Gần đây, Hoa Kỳ xác định mục tiêu của mình là sự triệt hủy chung cuộc, được xác minh hoàn toàn (FFVD) hạt nhân của Triều Tiên thay vì triệt hủy hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược (CVID). Điều này có vẻ mềm hơn CVID.

Câu hỏi của tôi là: Liệu có tiếp tục làm việc hướng tới CVID với Triều Tiên không? Và ông nghĩ gì về khác biệt giữa CVID và FFVD? Ít nhất, công thức cũ CVID (triệt hủy hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược) cũng gắt gao hơn công thức mới FFVD (triệt hủy chung cuộc, được xác minh hoàn toàn) ở yêu cầu “không thể đảo ngược”?”.

Bộ trưởng Pompeo trong trả lời rằng “không có khác biệt gì cả”, và rằng chủ yếu là để Triều Tiên hiểu chi tiết hơn thế nào là triệt hủy hạt nhân toàn toàn. Theo ông Pompeo, phía Triều Tiên nay đã nhận ra triệt hủy hạt nhân phải mang nghĩa rất rộng, bao gồm từ các hệ thống vũ khí tới các vật liệu phân hạch cùng các cơ sở sản xuất, làm giàu uranium, chớ không chỉ số vũ khí hạt nhân và tên lửa đang có. Tóm lại, ông Pompeo đã dành hai ngày ở Bình Nhưỡng để giải thích định nghĩa mở rộng này của yêu cầu phi hạt nhân hóa.

Trong cuộc họp báo chung đó, có vẻ như cả ba ngoại trưởng cùng nói đến cơ chế mới FFVD. Tuy nhiên, nếu biết rằng trước cuộc họp tay ba, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kono đã bay sang Áo gặp tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano để hỏi xem IAEA định đưa ra cơ chế kiểm tra nào một khi Triều Tiên chấp nhận, sẽ hiểu Nhật cần được trấn an như thế nào. Đặc biệt khi Mỹ phải “chiều” Triều Tiên vốn rất khó chịu với cơ chế CVID.

Điều này thể hiện trong tuyên bố về hai ngày họp với ông Pompeo rằng “Mỹ đã phản bội tinh thần của thượng đỉnh Trump - Kim tháng rồi bằng cách đưa ra những yêu cầu “đơn phương kiểu ăn cướp” về việc phi hạt nhân hóa toàn diện, kiểm chứng được và không đảo chiều trở lại (CVID)” - Thông tấn xã Triều Tiên KCNA dẫn lời một quan chức không xưng tên, người cũng đã nói: “Chúng tôi đã ngỡ rằng Mỹ sẽ đưa ra các biện pháp giúp xây dựng lòng tin dựa trên tinh thần hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo... Tuy nhiên, thái độ và lập trường của Hoa Kỳ trong cuộc họp cấp cao đầu tiên này cho thấy... những kỳ vọng và hi vọng của chúng tôi là rất ngây thơ, thậm chí còn là ngu ngốc”.

Ngoài mặt, có thể ngờ rằng Triều Tiên “thất vọng” vì nghe ông Trump loan báo đủ thứ như đã nghe hôm 12-6, thậm chí khen ngợi Triều Tiên đã phá hủy cơ sở hạt nhân, song nay gặp ông Pompeo, bị nghe giải thích thế nào mới là phi hạt nhân thật sự nên đâm bực! Nếu quả thật như thế, có thể là những “hồ hởi phấn khởi” nơi ông Trump trong cuộc gặp lịch sử có lẽ chẳng đáng hân hoan như thế.■

Ngoại trưởng Pompeo cũng thăm Việt Nam nhân dịp này. Bản tin của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ có đoạn nói về các cuộc gặp ở Hà Nội: “Các bên cũng khẳng định mối quan tâm chung trong việc duy trì hòa bình và an ninh ở Biển Đông và việc quân sự hóa và cải tạo các thực thể (trên Biển Đông) trái với luật pháp quốc tế. Cả hai bên hoan nghênh hợp tác để duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không, với các nhà lãnh đạo Việt Nam chào đón một vai trò mạnh mẽ của Hoa Kỳ trong việc đảm bảo sự ổn định ở Biển Đông”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận