Hội An cần “cây gậy” đủ lực để bảo tồn

THÁI BÁ DŨNG THỰC HIỆN 08/05/2018 22:05 GMT+7

TTCT - Đề cập đến thực trạng quản lý ở Hội An hiện nay, ông Nguyễn Chí Trung, giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cho biết:

Ông Nguyễn Chí Trung, giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An. -Ảnh: T.B.D.
Ông Nguyễn Chí Trung, giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An. -Ảnh: T.B.D.

Hiện bộ máy quản lý di sản ở Hội An đang dựa trên 5 quy chế: quy chế quản lý sử dụng phố cổ, quy chế trật tự kinh doanh, quy chế che bảng hiệu quảng cáo, quy chế tham quan du lịch, cơ chế điều hành, quy chế hoạt động trên sông...

Tất cả quy chế này trước đây vận dụng rất hiệu quả, nhưng hiện nay không còn phù hợp. Vậy nên phố cổ hiện nay lộn xộn, buôn bán chụp giật, xe ôm “chặt chém” du khách..., nhưng khi cán bộ xử lý thì bị chùn tay vì làm căng quá người ta kiện lại, sẽ nắm chắc phần thua. Chưa kể nhiều người kinh doanh ở Hội An là từ nơi khác đến thuê nhà, họ rành luật. Chính quyền ban hành quy định nào đó có lợi thì họ làm thinh, ngược lại quy định gây khó khăn thì họ lại phản ứng bằng luật pháp.

Theo ông, việc những người Hội An gốc lùi xa, người nơi khác đến kinh doanh có khiến cho Hội An bị mai một, nhợt nhạt dần?

Nhiều ý kiến nói những người kinh doanh từ Hà Nội, TP.HCM, Hạ Long... về đây kinh doanh và họ đã “phá” Hội An là không phải. Vấn đề là cơ chế, chính sách quản lý của Hội An phải vận dụng linh hoạt và hiệu quả, buộc người ta phải tuân thủ theo hướng tốt cho phố cổ. Gần đây khi chúng tôi chỉnh trang khu giao lưu văn hóa Việt - Nhật ở trong phố cổ, có một hộ kinh doanh căng mái che ra lấn át không gian, sai quy chế nhưng khi đề nghị họ tháo dỡ họ đòi phải hỗ trợ 10 triệu đồng. Nếu như trước đây chúng tôi có quyền dỡ đi, nhưng bây giờ thì không làm được bởi các quy chế đã lỗi thời, nguy cơ rủi ro về pháp lý rất cao. Có cơ chế đặc thù sẽ bao quát rộng hơn.

Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An được giao nhiệm vụ tham mưu soạn thảo để quý 3-2018 UBND tỉnh Quảng Nam trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong các đợt về làm việc với Hội An, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gợi mở và hối thúc địa phương cần làm nhanh để trình phê duyệt nhằm quản lý phố cổ linh hoạt và hiệu quả hơn. Còn quy chế đặc thù chúng tôi cũng đang làm và sẽ trình HĐND tỉnh Quảng Nam phê duyệt. Khi đó Hội An mới thực sự có bộ khung, có “cây gậy” pháp lý đủ sức để điều chỉnh, chế tài những hành vi, hoạt động gây ảnh hưởng đến đời sống, không gian của phố cổ.

Hiện nay rất nhiều công trình, nhà hàng, khách sạn lớn mọc lên khiến không gian phố cổ bị uy hiếp, ông nghĩ gì về điều này?

Hiện nay giữa quy chế của Hội An và các quy định pháp luật hiện hành đang có nhiều điểm mâu thuẫn nhau. Ví dụ ở Hội An một doanh nghiệp muốn xây một khách sạn thì phải tuân theo các quy chế áp dụng tại phố cổ như chiều cao bao nhiêu mét, sảnh rộng bao nhiêu, số phòng ốc bố trí ra sao...

Nếu bản thiết kế không tuân theo như quy chế trên thì TP Hội An sẽ không cấp phép. Tuy nhiên ở góc độ luật pháp thì doanh nghiệp chỉ cần đủ điều kiện theo quy định là phải cấp phép. Nếu Hội An không cấp phép thì doanh nghiệp sẽ đến UBND tỉnh Quảng Nam xin và tỉnh sẽ cấp nếu hồ sơ đúng quy định.

Vậy theo ông, có cách nào để cho Hội An thực hiện đúng các quy chế, vừa đảm bảo các quy định khác của pháp luật?

Nói thực lâu nay có hồ sơ nào gửi lên mà tỉnh người ta xem xét thấy “lơ” được thì họ “lơ” đi và yêu cầu doanh nghiệp tuân theo các quy định của riêng Hội An, nhưng có cái thì tỉnh thấy đủ điều kiện nên vẫn cấp. Tỉnh vẫn biết quy chế của Hội An chưa phù hợp về mặt luật pháp, nhưng nó mang lại điều tốt cho Hội An và thực tế là Hội An cũng đã áp dụng rất hiệu quả nên tỉnh ủng hộ.

Nhưng càng ngày sức ép càng lớn, chúng ta phải tìm cách thay đổi, không thể cứ đối phó như vậy mãi được, phải ra đời một công cụ mang tính pháp lý cao hơn, có sức mạnh hơn để đem lại hiệu quả lớn cho công tác quản lý chung.

Cảm giác chung của du khách tới Hội An là phố cổ đang quá ngột ngạt, chật chội, việc quy hoạch chưa tương xứng nên chỉ có khu vực hạt nhân của phố cổ là thực sự đáng nhìn?

Chính xác là như thế, đó là một trong những lý do mà nhiều chuyện lộn xộn, rối rắm, tranh chấp nảy nở và phát sinh ngày càng tăng lên ở Hội An. Hội An hiện nay vẫn chưa có một quy hoạch nào mang tầm chiến lược và dài hạn. UBND TP Hội An cũng đã hợp đồng với một đơn vị tại Nhật Bản để lên quy hoạch dài hạn, tạo thành những hình khối, khu vực rõ ràng. Một khi đã có quy hoạch cụ thể thì sự phát triển của TP cứ theo khung đó mà làm. Đặc biệt là khu vực “đỏ” với hơn 1.000 ngôi nhà trong phố cổ phải là khu vực bị cấm tác động tiêu cực.■

Đặc điểm lịch sử của Hội An là biến động cơ học, và có thể khẳng định rằng cư dân Hội An là cư dân chất lượng cao. Và nếu cho rằng chỉ người Hội An mới là giữ phố cổ thì không phải. Bởi vì từ 400-500 năm trước Hội An đã có sự hội nhập dân cư, yếu tố này đã tạo ra văn hóa riêng của Hội An.

Cho nên Hội An không sợ sự thay đổi, biến động mà vấn đề là bản lĩnh quản lý của chính quyền: phải cởi mở, sẵn sàng đón nhận những cái mới. Điều đó tạo nên một bản chất của Hội An như bây giờ. Nhưng nếu ai yêu Hội An thì cần phải hành xử đúng luật. Cái tài của nhà quản lý là tạo ra một môi trường mà mọi người đều phải dốc tâm huyết với nơi mình sinh sống, làm ăn, dù đó là người Hội An gốc hay người nhập cư.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận