Tin tức về kế hoạch di dời thủ đô khỏi Jakarta vừa được Tổng thống Indonesia Jokowi đưa ra gây bất ngờ và ít nhiều tranh luận. Đối với Việt Nam, đây có thể là cơ hội để thử nhìn lại những gì đã dẫn đến ý định này, với hi vọng bớt đi theo vết xe đổ… của người khác, cũng như học chút hay ho của họ. Jakarta từ lâu đã trở thành một bãi đậu xe khổng lồ. Ảnh: AFP “Chúng ta có hơn 17.000 hòn đảo nhưng 57% dân số tập trung ở Java. Do đó, khả năng đáp ứng bao gồm nước, môi trường, giao thông... không còn hỗ trợ được mức gia tăng dân số liên tục trong tương lai. Vì vậy, tôi quyết định chuyển (thủ đô) khỏi Java” - Tổng thống Jokowi phát biểu tại Tangerang, tỉnh Banten, hôm thứ ba 30-4, theo website của Phủ tổng thống Indonesia cùng ngày. Bài toán địa lý - dân số Có thể kiểm chứng những than phiền của ông Jokowi. Java là một trong 5 đảo lớn nhất của Indonesia. Các đảo kia là Sumatra, Borneo (chỉ thuộc Indonesia một phần: Kalimantan), Papua, và Sulawesi. Đảo lớn nhất là Papua, với diện tích hơn 785.000km2; phần Kalimantan thuộc Borneo lớn thứ hai, hơn 544.000km²; rồi đến Sumatra 473.000km²; Java (nơi có thủ đô Jakarta) 138.000km²; và Sulawesi 180.000km². Theo lời ông Jokowi, “57% dân số tập trung ở Java”, tức xấp xỉ 150 triệu người (số liệu năm 2017) chen chúc trên một diện tích chỉ 138.000km², quả là chật hẹp. Rõ ràng, ông Jokowi chính xác khi cảnh cáo “sẽ không thể đáp ứng sự gia tăng dân số liên tục trong tương lai”. Bản tin của Phủ tổng thống cũng nêu rõ: “Tổng thống phải kiểm tra chi tiết khả năng đáp ứng môi trường và khả năng đề kháng các thảm họa như lũ lụt hay động đất” ở các địa điểm dự tính để “thiên đô”. Đây là yêu cầu sinh tử ở đất nước nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương. Đảo Java, nơi đang đóng thủ đô Jakarta, gần như hoàn toàn có nguồn gốc núi lửa với 38 núi lửa đã hoặc vẫn còn hoạt động, tạo thành một xương sống theo chiều đông - tây. Bản tin của Phủ tổng thống kết thúc bằng một hứa hẹn: “Chính phủ cũng sẽ thực hiện các nghiên cứu về luật pháp, xã hội, chính trị... Nhưng tổng thống vẫn phải tham khảo ý kiến của Quốc hội, và Chính phủ cũng sẽ tính đến kế hoạch dài hạn”, cùng một chú giải về bối cảnh của việc nêu ra ý định này: “Trước đó, trong một cuộc họp nội các giới hạn được tổ chức tại Phủ tổng thống hôm thứ hai 29-4, Tổng thống Jokowi nói rằng ý tưởng dời đô đã xuất hiện kể từ chính quyền của Tổng thống Indonesia đầu tiên Sukarno và luôn được tranh luận trong các trào tổng thống khác, dù chưa bao giờ trở thành hiện thực”. Tranh luận Cũng theo tin tức từ Phủ tổng thống Indonesia, đã có 3 ứng viên được nhắm tới cho vị trí thủ đô mới ở các vùng Sumatra, Sulawesi hoặc Kalimantan. Song, diện tích không phải là điều kiện duy nhất để chọn thủ đô tương lai. Bản đồ Kalimantan (Wiki) Trước khi cuộc tham vấn tại Quốc hội diễn ra và cuộc tổng tuyển cử ngày 17-4 vẫn chưa có kết quả chung cuộc, tranh luận đã bắt đầu. Sáng thứ bảy 4-5, tờ Jakarta Post đăng bài xã luận tựa đề “Dời đô”, ký tên ban biên tập. Bài báo viết: “Ý tưởng này không phải là mới, nhưng thực tế là việc ông Jokowi, người đang tiến vào nhiệm kỳ thứ nhì, đã thảo luận điều này trong một cuộc họp nội các chuẩn bị ngân sách năm tới cho thấy lần này ông ấy nghiêm túc. Cho tới nay, kế hoạch này chưa bao giờ bị bác bỏ hoàn toàn, mặc dù thông điệp chỉ xuất hiện mỗi khi Jakarta, thành phố đông đúc, ùn tắc, bị lũ lụt theo mùa này, bị nêu tên như một đô thị thất bại 'tan tành'”. Một điểm son của nếp sống chính trị mới ở Indonesia thời kỳ hậu Suharto là cho dù cũng đã trải qua những lúc “bẻ cua” sang trái, sang phải, quân đội còn giữ ghế đặc quyền trong Quốc hội, thậm chí có lúc một cựu tướng trở lại giữ ghế tổng thống, thì tập quán mới là tranh luận công khai, cởi mở, và tự do cho tới thắng thua vẫn đang được khẳng định. Kết quả bầu tổng thống năm 2014 giữa cựu tướng Prabawo Subianto và ông Jokowi, lúc đó là đô trưởng Jakarta, chính là kết quả của cuộc “tranh luận” giữa hai ứng cử viên này; kết quả dự đoán cầm chắc của cuộc tranh chấp chức tổng thống cũng giữa hai đối thủ kình địch này năm nay, nghiêng về ông “dân sự” Jokowi, là một khẳng định tiếp của sự mọc và cắm rễ thành công của cơ chế mới ở Indonesia. Về sự thay đổi này, Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Úc nhận xét: “Bối cảnh truyền thông Indonesia năm 2018 khác rất nhiều so với thời đại Suharto, khi mà chế độ kiểm duyệt của Chính phủ và tự kiểm duyệt là phổ biến với báo in và truyền hình. Truyền thông Indonesia ngày nay rất mạnh mẽ và phần lớn không bị Chính phủ kiểm soát và xử phạt. Tuy nhiên, các nhà báo, và đôi khi cả các chủ bút, phải đối mặt với các mối đe dọa bên ngoài hệ thống tư pháp, đôi khi là bạo lực từ giới tài phiệt cùng các tổ chức tôn giáo thủ cựu”. Chính trong tinh thần tranh luận nay đang gần thành nếp đó, tờ Jakarta Post “nói lại” với Tổng thống Jokowi: “Các lựa chọn được đưa ra đã không thuyết phục được công chúng rằng việc dời đô sẽ diễn ra trong 10 năm tới. Chính phủ đã chọn các tỉnh ở Kalimantan và Sulawesi để thoát khỏi sự phát triển tập trung vào đảo Java. Điều này gây quan ngại vì một số lý do. Tháng 9-2018, trung bộ Sulawesi từng bị tàn phá bởi động đất và sóng thần, sau đó là đất tan thành bùn ướt, và tỉnh này nay vẫn đang được tái thiết. Kalimantan có thể là một lựa chọn tốt hơn. Phía Đông Kalimantan Các nhà địa chất cho biết Kalimantan đã tránh được các vụ động đất và núi lửa phun trào, nhưng những khu rừng nhiệt đới rộng lớn ở đấy vẫn tiếp tục bị đốt cháy, nhường chỗ cho các đồn điền, tạo ra khói mù. Ngành công nghiệp khai mỏ đã khiến hàng trăm người chết trong những hang hốc bỏ hoang, trong khi môi trường suy thoái làm dấy lên nghi ngờ về việc khôi phục các khu vực bị thiệt hại để cho phép phát triển một thủ đô mới có đủ chức năng hoạt động”. Tiền đâu? Sau khi nêu ra những thắc mắc về các điểm đến chọn lựa, tờ Jakarta Post nêu tiếp vấn đề cơ bản của dự án này: “Phát triển cơ sở hạ tầng trên cả hai hòn đảo sẽ rất tốn kém khi phải vật lộn để kết nối đường bộ và đường sắt với các làng, thị trấn và các huyện thị. Chính phủ sẽ cần 450 nghìn tỉ rupiah (32 tỉ USD) để xây dựng thủ đô mới, chưa kể chi phí tái định cư cho người lao động và gia đình của họ từ Jakarta”. Tờ báo cũng sòng phẳng đăng phát biểu của Bộ trưởng Kế hoạch phát triển quốc gia Bambang Brodjonegoro: “Chúng tôi sẽ ưu tiên cho các nguồn lực trong nước, nhưng chúng tôi không đóng cửa với đầu tư nước ngoài”. Bộ trưởng Bambang cho biết nguồn tài chính để phát triển thủ đô mới sẽ đến từ ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước và khu vực tư nhân, thông qua quan hệ đối tác công tư (PPP) và đầu tư tư nhân. Bộ trưởng Bambang giải thích mô hình PPP có thể là ưu tiên cho phát triển cơ cấu hạ tầng tại thành phố mới, trong khi các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân được kỳ vọng đầu tư vào các công trình nhà ở cùng các khu thương mại. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Ngân sách nhà nước được ưu tiên là nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng cơ bản như công trình nước sạch, quản lý chất thải, đường giao thông và giao thông công cộng”. Phát biểu sau cùng này phản ánh một “bắt buộc” đối với mọi chính phủ dù theo “chiều” nào: cơ sở hạ tầng cơ bản mà người dân cần tới, như ông Bambang đã nêu, luôn là trách nhiệm chi ngân sách của mọi nhà nước, một khi đã và vẫn đang thu ngân sách bằng thuế và phí. Từ bao thế kỷ qua, cầu đường, nước sạch, thoát nước... luôn là nhiệm vụ của nhà nước và là phúc lợi với người dân. Còn các dự án có thể thương mại hóa như... nhà ở, phố xá, chợ lớn chợ nhỏ, thì tùy nghi công hay tư cũng được. Việc di dời thủ đô Jakarta không thoát khỏi bối cảnh chung là những thắc mắc về đồng vốn Trung Quốc. Khi được hỏi liệu Trung Quốc có quan tâm đến việc đầu tư vào sự phát triển của thành phố hay không, Bộ trưởng Bambang trả lời cơ quan của ông không “dòm ngó” bất kỳ quốc gia cụ thể nào như là một nguồn tài trợ: “Tại sao bạn chỉ đề xướng mỗi Trung Quốc? Nghiên cứu được thực hiện bởi chúng tôi không nhắm trước sự đóng góp từ các quốc gia cụ thể nào mà tập trung vào từng hoạt động có thể được thực hiện với sự hợp tác của các bên thứ ba”.■ Trong 10 siêu đô thị của thế giới tính theo quy mô dân số thì hết 9 là ở châu Á, bao gồm: Tokyo (Nhật Bản), Thượng Hải (Trung Quốc), Jakarta (Indonesia), Delhi (Ấn Độ), Seoul (Hàn Quốc), Quảng Châu và Bắc Kinh (đều Trung Quốc), Manila (Philippines), Mumbai (Ấn Độ), và thứ 10 là New York (Mỹ). Thực ra, câu chuyện bùng nổ các siêu đô thị đã là chuyện “xưa”, có khi được quan tâm trong chiều hướng lo ngại như ở Indonesia từ thời tổng thống tiên khởi Sukarno, cũng có khi được quan tâm như là một hãnh diện “hiện đại hóa, văn minh hóa” (thủ đô càng lớn, càng oai, càng ngước mặt nhìn đời). Càng về sau này, với giới quy hoạch và thiết kế đô thị, các thành phố “càng phình to, càng là bể khổ mọi đàng”. Thêm nữa, trình độ quản trị đô thị mới là điều quan trọng, chứ không phải quy mô của nó. Khác biệt giữa Tokyo hay Seoul và Jakarta hay Delhi là rất lớn, dù quy mô của chúng có thể tương đương. Tags: IndonesiaSiêu đô thịKalimantanDời đôTắc nghẽn giao thông Indonesia
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Doanh thu cơ quan báo chí giảm mạnh, cần ưu đãi sâu về thuế thu nhập TIẾN LONG 22/11/2024 Cơ quan báo chí, truyền thông hiện đang khó khăn cần chính sách ưu đãi ở mức không chịu hoặc chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp nhất.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Gần 150 bộ hài cốt ở phố Tây Sơn không phải của binh lính nhà Thanh PHẠM TUẤN 22/11/2024 Ngày 22-11, nhà chức trách cho biết gần 150 bộ hài cốt phát hiện trên phố Tây Sơn, Hà Nội là của người dân bình thường, được chôn cất ở đây từ 50-70 năm.