Làm báo Việt ở Czech

DUY THÔNG 22/08/2007 15:08 GMT+7

TTCT - Bắt đầu từ những tờ rơi hướng dẫn trong những dịch vụ tư vấn, làng báo chí người Việt ở Cộng hòa Czech bắt đầu hình thành từ những năm 1990. Lúc đầu cũng chỉ tự phát đơn lẻ, cho đến khi những đòi hỏi phát sinh trong cộng đồng ngày một nhiều hơn, hàng loạt đầu báo đã ra đời.

Phóng to
Ở các chợ của người Việt, bên cạnh các loại hàng hóa thì những tờ báo tiếng Việt là một thứ không thể thiếu
TTCT - Bắt đầu từ những tờ rơi hướng dẫn trong những dịch vụ tư vấn, làng báo chí người Việt ở Cộng hòa Czech bắt đầu hình thành từ những năm 1990. Lúc đầu cũng chỉ tự phát đơn lẻ, cho đến khi những đòi hỏi phát sinh trong cộng đồng ngày một nhiều hơn, hàng loạt đầu báo đã ra đời.

Tại thủ đô Praha của Cộng hòa Czech có đến gần chục đầu báo tiếng Việt. Tất cả tòa soạn đều tập trung tại Sapa - một khu chợ của người Việt. Ông Nguyễn Hoài Vũ là giám đốc Công ty quảng cáo Đại Dương cũng là một trong những sáng lập viên của tờ Vạn Xuân. Ông Vũ cho biết làm báo là công việc tay trái của mình. Nhóm sáng lập Vạn Xuân gồm bốn người có ngành nghề khác nhau hợp tác để làm tờ báo được hai năm nay.

Vạn Xuân cũng như tất cả các đầu báo có trụ sở tại khu thương mại này đều là những tuần san. Công việc thật sự của tòa soạn chỉ tập trung vào hai ngày nghỉ cuối tuần. Khi đó những nhân viên đến tòa soạn cũng là trụ sở của công ty để làm việc. Tòa soạn được trang bị vài máy vi tính nối mạng. Lê Anh, một sinh viên đang học tại Praha, có công việc làm thêm tại tòa soạn này. Công việc của anh là theo dõi tin tức trên tất cả các mạng báo tiếng Việt trên toàn thế giới - từ đó sàng lọc và biên tập thành sản phẩm cho Vạn Xuân. Tiến sĩ hóa học Vũ Hữu Nam là trưởng ban biên tập sẽ có nhiệm vụ đọc lại lần cuối trước khi chuyển cho nhà in.

Người Việt đưa tin cho người Việt

Phóng to
Một số đầu báo tiếng Việt ở Czech
Mỗi tờ báo tại Czech đều dành cho trang tin tức của cộng đồng một vị trí trang trọng. Những sự kiện không cần phải săn tin đâu xa, ngay trước cổng tòa soạn. Đó là một buổi lễ bế mạc lớp học tiếng Việt tại Sapa, hay một đoàn khách VN vừa ghé thăm trung tâm thương mại... Tất cả đều được bung hình lớn và tít tựa ở trang bìa. Một độc giả nhận xét: không phải là giá trị thông tin nóng sốt, vì ai ở khu vực này đều không biết những hoạt động cộng đồng như vậy. Thế nhưng người làm báo ở đây ý thức rất rõ tình cảm của độc giả với những sự kiện của chính họ.

Đọc lướt qua những trang báo Việt ở Praha có thể nắm bắt gần hết tin tức đời sống ở quê nhà. Từ những chuyện đại sự của quốc gia như những cuộc làm việc cấp nhà nước đến câu chuyện đời Trần Thị Hạ, hay một công trình cầu đường, dự án sắp khai trương... Một số tờ báo cũng định hướng nội dung cho gần với đối tượng của mình. Những mục “Kết bạn bốn phương” hay “Nhỏ to tâm sự”, “Bạn đọc viết” được định kỳ với những nội dung thấm đẫm nỗi niềm của người xa xứ. Những trang mục truyện nhiều kỳ, trinh thám, chuyện lạ đó đây được dịch từ một số báo của khu vực cũng hấp dẫn chị em trong giờ phút rảnh tay bán hàng.

Phát triển cùng cộng đồng

Ông Thiều Văn Quang, một trong những chủ nhiệm báo đầu tiên ở Czech, nhớ lại: công ty của ông lúc đầu làm dịch vụ tư vấn pháp luật cho người Việt. Vào những năm giữa thập niên 1990 nhu cầu này tăng lên rất lớn. Để tăng tính tiện ích cho khách hàng, công ty in ra những tờ rơi hướng dẫn nhiều người cùng đọc. Bà con người Việt ở Czech rất thiếu thông tin mà lại không rành tiếng địa phương, từ đó tờ báo được manh nha và ra đời sau đó không lâu.

Đã hơn mười năm trôi qua, cùng với sự phát triển của cộng đồng người Việt, nhiều đầu báo nối tiếp ra đời. Có thể kể tên: Tuần Tin Mới, Thế Giới Trẻ, Vạn Xuân, Người Việt Châu Âu, Xa Xứ, Cuối Tuần... Đặc biệt hơn cả là có sự góp mặt của hai đầu báo trong nước Thanh Niên Tuần SanAn Ninh Thế Giới.

Hai tờ báo trong nước, ngoài nội dung chính được xuất bản từ “bản báo” còn có thêm phụ trương thông tin cộng đồng, hay quảng cáo do những đại diện tại Czech thực hiện. Công ty cổ phần Media là chủ quản của tờ Tuần Tin Mới và Thế Giới Trẻ do ông Quang làm chủ nhiệm được xem có số lượng phát hành lớn nhất tại đây với số lượng phát hành 5.000 số/kỳ. Công ty còn mở rộng địa bàn phát hành qua thị trường Đức.

Mỗi tờ báo chừng trên dưới 60 trang, bìa in màu và có giá hơn 20.000 đồng. Phần “sống được” ở mỗi tờ báo là nội dung quảng cáo rao vặt. Hiện có chừng 40.000 người Việt sống ở Czech, mà phần lớn làm nghề buôn bán, dịch vụ cho chính người Việt nên thị trường quảng cáo cũng có đất sống. Từ những rao vặt cần bán xe, tìm người ở chung cho đỡ tiền thuê nhà, sang sạp... đến dịch vụ quay phim đám cưới, khai trương nhà hàng quán ăn Việt.

Hoài Vũ cho hay cũng “đủ ăn đủ chung” sau khi hạch toán chi phí. Với tờ báo ngoài mục đích làm tin cho cộng đồng, Vũ cũng sử dụng nó như một phương tiện hỗ trợ thêm cho hoạt động quảng cáo của công ty. Ở Praha có một doanh nghiệp chuyên in và phát hành báo cho người Việt. Mạng lưới phát hành rộng khắp và chi phí phát hành chiếm tỉ lệ lớn trong giá thành, bởi người Việt ở rải rác khắp nơi.

Ước muốn chuyên nghiệp

Phóng to
Tòa soạn báo Vạn Xuân chỉ làm việc vào hai ngày cuối tuần, thời gian khác dành cho hoạt động kinh doanh
Thủ tục để ra đời một tờ báo tương đối đơn giản, các ông chủ đăng ký với nhà nước sở tại và thực hiện nộp lưu chiểu là xong. Các chủ bút cũng thông báo cho sứ quán Việt Nam hoạt động của mình. Nhiều chủ nhiệm báo cho biết khó khăn lớn nhất vẫn là nghiệp vụ làm báo. Phần lớn những người làm báo vì đam mê chứ không sống bằng nhuận bút. Họ đều có công việc làm khác để có nguồn thu nhập chính.

“Tư cách” nhà báo cũng là những điều mà nhiều người mong muốn. Trước những sự kiện đòi hỏi phải dẫn nguồn thông tin chính thống từ chính quyền thì các phóng viên nghiệp dư “chào thua”. Vì vậy công việc của người biên dịch có vai trò rất quan trọng. Anh Davis Nguyễn là một người sống được bằng tiền nhuận bút nhờ những thông tin của cộng đồng được anh cung ứng cho các báo.

Sang Tiệp Khắc từ những năm bao cấp, với vốn kiến thức và ngôn ngữ sở tại vững vàng anh trở thành cộng tác viên đắc lực cho hầu hết các tờ báo tiếng Việt. Khao khát được hoạt động chuyên nghiệp là tâm sự của nhiều người làm báo trẻ tuổi ở nơi đây. Những người mới qua thì không giỏi tiếng sở tại.

Những bạn trẻ thuộc thế hệ thứ 2 thì gặp khó khăn bởi tiếng và văn hóa Việt. Đó là những khó khăn mà nhiều tòa soạn đang gặp phải. Nhiều nhà báo xa xứ cũng mong muốn được nâng cao nghiệp vụ, được gặp gỡ trao đổi với người làm báo trong nước, để từ đó có cơ hội học hỏi giao lưu nâng cao tay nghề.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận