TTCT- Bên cạnh cuộc tranh chấp chủ quyền cố hữu giữa sáu nước và lãnh thổ trên Biển Đông gồm Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei, còn có một cuộc tranh chấp khác ngày càng căng thẳng giữa Trung Quốc, Mỹ và Nhật. Bãi đá Chữ Thập ở Trường Sa đang được Trung Quốc gấp rút bồi đắp xây sân bay thứ ba trong vùng biển tranh chấp (ảnh chụp từ vệ tinh ngày 3-9-2015) -REUTERS/CSIS Cho đến nay, tranh chấp trong khu vực Biển Đông vẫn được hiểu là trên cơ sở lợi ích mà các quốc gia quan tâm gồm ngư trường, khai thác tài nguyên, đặc biệt là dầu khí và gần đây nhất là quyền kiểm soát các vị trí chiến lược. Nhưng qua năm 2015, những tựa báo như “Trung Quốc quan ngại việc kêu gọi hải quân Mỹ tuần tiễu ở các đảo tranh chấp” (Reuters 18-9-2015) đã thế chỗ cho những tựa báo của 20 năm trước như “Dầu hỏa dẫn đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông” (International Herald Tribunes, 24-4-1995). Không hẹn mà gặp, những tít tựa như “Nhật dự toán ngân sách quốc phòng lớn nhất cho đến nay nhằm ứng phó với sự vươn xa của Trung Quốc” (The Guardian, 31-8-2015) thật khớp với tựa đề “Trung Quốc sẵn sàng khống chế Biển Đông với sức mạnh quân sự mới” đăng trên tờ International Business Times cùng ngày. Bồi đắp để “cấm đường” Báo cáo thường niên gửi đến Quốc hội Mỹ năm 2015 của Bộ Quốc phòng Mỹ ghi chép: “Năm 2014, Trung Quốc bắt đầu cải tạo đất và tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng tại các tiền đồn của Trung Quốc trong quần đảo Trường Sa. Một khi hoàn tất, các cơ sở này có thể bao gồm bến cảng, các hệ thống truyền tin và giám sát, hỗ trợ hậu cần và ít nhất một sân bay. Trong khi các khu vực mới khai phá này không đem đến cho Trung Quốc có thêm bất kỳ quyền yêu sách bổ sung nào về mặt địa lý hàng hải trong Biển Đông, Trung Quốc sẽ có thể sử dụng chúng như cơ sở dân sự - quân sự liên tục của hoạt động để tăng cường đáng kể sự hiện diện của mình trong khu vực tranh chấp”. Các ghi chép trên về năm 2014 còn mơ hồ trong mô tả, ấy thế mà hạ tuần tháng 8 năm nay, trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ David Shear đã phải đưa chi tiết hết sức cụ thể như sau trong một cuộc điều trần trước Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ: “Việc Trung Quốc bồi đắp đất quy mô lớn vào các tính năng tranh chấp trong hai năm qua khiến cho những lo ngại về sự ổn định trong khu vực trở nên sắc nét hơn. Trong khi việc bồi đắp đất không phải là mới và rằng Trung Quốc không phải là bên duy nhất tiến hành việc đó, song hoạt động bồi đắp của Trung Quốc gần đây đã vượt quá một cách đáng ngại những nỗ lực của các bên khác về kích thước, tốc độ và tác động. Trung Quốc đã bồi đắp hơn 2.900 mẫu Anh đất (trên 11,7 triệu m2), chiếm đất 17 lần nhiều hơn chỉ trong 20 tháng qua so với các bên tranh chấp khác gộp lại trong suốt 40 năm qua, và chiếm đến khoảng 95% của tất cả đất bồi đắp ở quần đảo Trường Sa. Trung Quốc đã tuyên bố rõ ràng rằng các vị trí tiền tiêu ấy sẽ có những thành tố quân sự. Bằng cách thực hiện những hành động này, Trung Quốc không chỉ đơn phương thay đổi hiện trạng trong khu vực, mà đang làm phức tạp thêm việc làm giảm căng thẳng và giải quyết tranh chấp Biển Đông”. Hiện trạng mới từ giữa năm 2015 này là gì? Tuyên bố sau của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 18-9 vừa qua, được China Daily cùng ngày đăng lại, ghi rõ: “Chỉ huy lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương hôm thứ năm (17-9) phát biểu Mỹ nên thách đố tuyên bố của Trung Quốc về lãnh thổ ở Biển Đông bằng cách tuần tra gần các đảo nhân tạo được Trung Quốc xây dựng. Trung Quốc, cũng như Mỹ, duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông. Tuy nhiên, chúng tôi phản đối bất kỳ thách đố nào với đất nước, chủ quyền và an ninh của Trung Quốc ở Biển Đông, nhân danh tự do hàng hải. Chúng tôi yêu cầu các bên liên quan phát biểu và hành động một cách kín kẽ, tôn trọng chủ quyền và an ninh lợi ích của Trung Quốc, và không thực hiện bất kỳ động thái khiêu khích nào”. Người phát ngôn này lại tiếp tục giở luận điệu cũ rích ra: “Trung Quốc có bằng chứng lịch sử mạnh mẽ và hỗ trợ pháp lý để chứng minh chủ quyền của chúng tôi đối với quần đảo Nam Sa (cách gọi Trường Sa của Trung Quốc) và vùng biển lân cận”. Vấn đề là trong cái gọi là “lịch sử chủ quyền” đó chẳng hề có những hòn đảo nay mới mọc lên bằng cát đá và bêtông từ đất liền chở ra bồi đắp, để chỉ từ mấy tháng nay mới lần đầu tiên lên giọng “cấm chỉ” đến gần các “hòn đảo” mới mọc đó! Từ những “cấm chỉ” ngang xương đó, nay nổ ra một cuộc tranh chấp mới giữa một bên “lấn chiếm cấm cửa” và bên kia là những nước bị cấm cửa. Cuộc tranh chấp này “chồng lấn” với cuộc tranh chấp chủ quyền giữa sáu quốc gia và lãnh thổ trên Biển Đông, càng khiến cho tình hình thêm nghiêm trọng chừng nào mà bên “lấn chiếm cấm cửa” vẫn khăng khăng đạt mục tiêu. Song cũng chính vì thế khiến cho những e ngại “độc hành” sớm kết thúc khi nay tất cả “cùng cảnh ngộ”. Mỹ tăng lực lượng lên 30% “Chúng tôi đang triển khai một số tàu mặt nước tiên tiến nhất của chúng tôi đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả việc thay thế tàu sân bay USS George Washington vào năm 2015 với phiên bản mới hơn là tàu sân bay USS Ronald Reagan; phái tàu đổ bộ chiến đấu đường không mới nhất, chiếc USS America, đến khu vực này, triển khai bổ sung hai tàu khu trục Aegis đến Nhật Bản; cùng cả ba tàu khu trục tàng hình lớp mới nhất của chúng tôi (tàu DDG-1000) đến Hạm đội Thái Bình Dương. Thông qua những nỗ lực khác, Hải quân Hoa Kỳ sẽ tăng quy mô lực lượng viễn chinh của Hạm đội Thái Bình Dương khoảng 30% trong vòng năm năm tới”. (Trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ David Shear trong phiên điều trần tại Thượng viện ngày 17-9-2015) Xuất phát từ tình hình trên, theo trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ David Shear, chiến lược hàng hải của Mỹ sẽ là “toàn diện và có hệ thống” để đáp ứng các thách thức. Chiến lược của Bộ Quốc phòng Mỹ tập trung vào ba mục tiêu cơ bản: bảo vệ tự do hàng hải trên các vùng biển; ngăn chặn xung đột và cưỡng bức; thúc đẩy sự tuân thủ luật pháp cùng các chuẩn mực quốc tế. Để theo đuổi các mục tiêu này trong vùng biển châu Á, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tăng cường năng lực quân sự, xây dựng năng lực hàng hải của các đồng minh và đối tác, giảm nguy cơ tiềm ẩn xung đột bằng cách thúc đẩy ngoại giao quân sự, và tăng cường thể chế an ninh khu vực. Đúng với tinh thần công khai minh bạch, điều mà ngược lại Trung Quốc đang cố giấu giếm, trợ lý bộ trưởng Shear không ngần ngại phác họa vài chi tiết sách lược này: “Chúng tôi đang tăng cường khả năng quân sự để đảm bảo có thể thành công trong việc ngăn ngừa xung đột cũng như việc cưỡng ép, đồng thời đáp trả dứt khoát khi cần thiết. Để đạt được mục tiêu này, bộ đang triển khai các phương tiện hàng hải tinh vi nhất của mình ra tuyến đầu, và phân bố các phương tiện đó rộng rãi hơn trong toàn bộ khu vực. Chúng tôi cũng đang tăng cường vị thế của lực lượng trong khu vực, đặc biệt là các phương tiện hàng không và hàng hải, nhằm đảm bảo khả năng của chúng ta trong việc thực hiện các nhiệm vụ quan trọng”. Nếu so với kế hoạch “xoay trục sang châu Á” ban đầu là tăng cường sức mạnh hải quân Mỹ từ 50% lên 60% vào năm 2020, thì kế hoạch tăng lên 30% lực lượng hạm đội Thái Bình Dương chính là một thay đổi lớn. Nhật Bản mở đường “tự lực” Từ Tokyo, phản ứng trước ý đồ độc chiếm Biển Đông vốn cũng là đường hàng hải sinh tử đối với Nhật, ngày 19-9, Thượng viện Nhật đã thông qua hai đạo luật an ninh mang tính quyết định tháo gỡ những hạn chế pháp lý đối với việc Lực lượng phòng vệ Nhật có thể hành quân ở nước ngoài. Trên bề nổi, có thể xem các đạo luật này nhằm tăng cường liên minh quân sự với Mỹ là vi phạm điều 9 hiến pháp nước này (bởi thế nên phe đối lập phản đối). 1. Chân thành hướng đến một nền hòa bình quốc tế dựa trên công lý và trật tự, nhân dân Nhật Bản mãi mãi từ bỏ chiến tranh như là một quyền chủ quyền của quốc gia cùng việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực như một phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế. 2. Để thực hiện mục tiêu trong đoạn trên, lực lượng bộ binh, hải quân và không quân, cũng như mọi tiềm năng chiến tranh khác, sẽ không bao giờ được duy trì. Quyền giao chiến của nhà nước sẽ không được công nhận. (Điều 9 Hiến pháp Nhật) Theo các đạo luật mới, Nhật Bản sẽ có thể chi viện một đồng minh trong ba điều kiện sau: (1) khi liên quan đến sự sống còn của Nhật; (2) khi không có một phương án nào khác; (3) việc sử dụng vũ lực phải ở mức tối thiểu cần thiết. Trong thực tế, từ nửa sau năm 2015 này, với sự xuất hiện các “hòn đảo” mới mọc giữa Biển Đông cùng lệnh “cấm chỉ”, e rằng sự sống còn của Nhật bị đe dọa khi đường hàng hải sống còn bị uy hiếp mà không có một giải pháp nào khác ngoại trừ việc vùng vẫy khỏi vật án ngữ là các “hòn đảo” đó. Có thể nói chính việc Trung Quốc gấp rút giành thế thượng phong trên Biển Đông bằng cách bồi đắp các “hòn đảo” này càng giúp cho lý lẽ của chính quyền Shinzo Abe thêm phần hữu lý. Chính trong tuần lễ các đạo luật an ninh mới này được thông qua, nhân chuyến thăm Nhật của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, một “Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam - Nhật Bản” đã ra mắt qua tuyên bố cùng tên. Trong đó, có đoạn: “(27). Hai bên bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây đang diễn ra ở Biển Đông, bao gồm việc bồi đắp đảo và xây dựng công sự quy mô lớn, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin và sự tin cậy, đe dọa hòa bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới. Hai bên nhấn mạnh các quốc gia ven biển cần tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm luật pháp về biển, kiềm chế những hành động đơn phương làm thay đổi nguyên trạng. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không; thúc giục các bên liên quan không có hành động đơn phương làm phức tạp và mở rộng tranh chấp trên Biển Đông...”. Khi nỗi niềm của nước này cũng là của nước kia thì đó chính là một sự đồng cảm, đồng lòng do cùng cảnh ngộ.■ Tags: Biển ĐôngTranh chấp khác trên biển ĐôngTranh chấp Trung NhậtTranh chấp Mỹ Trung
Sửa thuế thu nhập cá nhân lạc hậu: Phải chờ đến... 2026! LÊ THANH 26/11/2024 Phải có quy định cho phép người nộp thuế thu nhập cá nhân được trừ lãi vay mua nhà, tiền học, khám chữa bệnh của người nộp thuế và của con cái họ.
Bộ Tư pháp Mỹ hủy bỏ mọi vụ án liên bang chống lại ông Trump THANH BÌNH 26/11/2024 Công tố viên đặc biệt Jack Smith đã hủy bỏ hai vụ án hình sự liên bang chống lại ông Trump.
Nhận hối lộ gần 6 tỉ, luật sư đề nghị áp dụng biện pháp hình sự đặc biệt với cựu vụ phó Anh Tuấn TUYẾT MAI 26/11/2024 Sáng 26-11, phiên tòa xét xử vụ sai phạm tại Công ty Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan. Bào chữa cho ông Hoàng Anh Tuấn (cựu vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương), luật sư đề nghị áp dụng biện pháp hình sự đặc biệt với ông Tuấn.
Truy tố cựu chủ tịch tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương ĐỨC TRONG 26/11/2024 Cựu chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương cùng nhiều thuộc cấp bị truy tố liên quan đến vụ án xảy ra tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.