Người thầy 20 năm chở trẻ tới trường

LƯ THẾ NHÃ 08/04/2007 06:04 GMT+7

TTCT - Ở xóm rẫy vùng sâu này chưa có đường bộ, chỉ có tuyến đường sông nối với trung tâm xã dài khoảng 3km. Dân nghèo, nên không phải nhà nào cũng có xuồng ghe đi lại. Trẻ em nơi này sẽ có nhiều em không biết chữ nếu không có một người thầy tốt bụng, ngày ngày đem ghe đón trẻ đến trường.

Phóng to
Đưa trẻ đến trường
TTCT - Ở xóm rẫy vùng sâu này chưa có đường bộ, chỉ có tuyến đường sông nối với trung tâm xã dài khoảng 3km. Dân nghèo, nên không phải nhà nào cũng có xuồng ghe đi lại. Trẻ em nơi này sẽ có nhiều em không biết chữ nếu không có một người thầy tốt bụng, ngày ngày đem ghe đón trẻ đến trường.

Người có tấm lòng lo cho trẻ cái chữ là thầy Võ Văn Hé, giáo viên Trường tiểu học xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Nhà thầy ở tổ 29, ấp Thạnh Khương, xã Mỹ Hưng. Cách nay hơn 20 năm, nhà trường phân công thầy về mở lớp dạy chữ cho trẻ em ở xóm rẫy vùng sâu này. Năm học đầu tiên có 42 em ở lứa tuổi 14-15 chưa biết chữ vào học lớp 1.

Dạy được 2-3 năm thì các em lớn tuổi xin nghỉ, thầy phải dời lớp về trung tâm xã nhưng trong xóm còn trên 10 em trong độ tuổi ra lớp nên thầy phải động viên các em ngày ngày theo ghe thầy chở đến trường. Vì thầy biết 90 hộ dân ở đây luôn bận rộn việc đồng áng, làm thuê kiếm sống. Đời sống còn nhiều lo toan, nếu thầy không chịu khó đưa đón trẻ đi học, xóm rẫy vùng sâu này sẽ có nhiều em đành chịu mù chữ...

Ở vùng sâu giao thông cách trở, việc ngày ngày bơi xuồng ra trung tâm xã để dạy học đã vất vả, khi nhận đưa đón các trẻ đi học, thầy càng phải cố gắng nhiều hơn. Nhận đưa trẻ đến trường, mỗi sáng thầy phải cho xuồng rời bến sớm hơn thường lệ: 5g30 để đến đón trẻ ở năm “trạm” mà thầy đã “hợp đồng” trước.

Thầy có bốn người con, đứa học buổi sáng, đứa học buổi chiều, nên ngày hai buổi thầy cũng làm người đưa rước học sinh. Ngày bốn lượt, trên chiếc xuồng con bảy lá của thầy Hé có 5-7 em quá giang đi học. Các em cười nói hồn nhiên, còn thầy thì luôn lo lắng tập trung chèo chống sao cho chiếc xuồng được an toàn, trẻ đến trường kịp giờ học.

Trên hai đoạn sông này, khi dự án 418 chưa triển khai ngăn dòng - ngọt hóa, nước chảy xiết, thầy phải ra sức chèo mạnh hơn để vượt lên dòng nước xiết cho kịp giờ đến trường. Từ bến neo xuồng còn phải qua một cầu khỉ, đi bộ một đỗi mới đến điểm trường tiểu học. Để bảo đảm an toàn cho trẻ, thầy phải cõng từng em học sinh lớp 1, lớp 2 qua cầu. Giờ tan học, thầy đợi các em xuống xuồng đầy đủ mới quay về.

Phóng to
Đường đi chỉ có bờ mẫu
Ban giám hiệu Trường tiểu học xã Mỹ Hưng cho biết: “Thầy Hé rất có trách nhiệm đưa rước trẻ đi học, mỗi khi nhà trường hay bạn đồng nghiệp có tiệc mời, thầy đều từ chối vì còn phải đưa học sinh về nhà. Lý do thầy đưa ra là: để phụ huynh các em ở nhà an tâm thì việc đưa đón của thầy luôn phải đúng giờ”. Ông Võ Văn Bé có bốn người con đi học, trong đó có một đứa út học lớp 4, nói: “Nhà tôi nghèo không có xuồng đưa con đi học, nếu không có thầy Hé, các con tôi đành ở nhà chịu dốt. Gửi con theo ghe thầy Hé tôi rất an tâm vì thầy luôn chăm lo các cháu chu đáo”.

Cùng đi với thầy Hé qua hai tuyến sông Trong và sông Giữa đến trung tâm xã Mỹ Hưng, tôi mới biết việc thầy và trò đi dạy, đi học chẳng đơn giản chút nào. Đường từ nhà các em ra “trạm” và từ nơi ghe cập bến đến trường, tháng mưa đường bờ trơn trượt nên các em và thầy phải mang theo trong cặp một bộ đồ, tay xách dép, khi đến trường mới rửa chân và thay bộ áo quần đi dạy và học.

Năm tháng đưa trẻ đến trường thấm thoát trôi qua. Chiếc xuồng đầu tiên đã mục, thầy thay chiếc xuồng khác. Rồi đến một ngày nhận thấy việc đi xuồng chèo không mấy an toàn, nhất là những hôm đông trẻ nên thầy và gia đình tiêu xài tiện tặn, dành dụm và ba năm qua đã mua được chiếc ghe máy cũ nhưng còn chắc và an toàn. Việc đi dạy và đón trẻ đỡ vất vả hơn nhưng lại tốn tiền xăng dầu.

Nhiều phụ huynh ngỏ ý đóng góp phụ thầy ít tiền xăng nhưng thầy cương quyết không nhận. Thầy nói với tôi: “Phụ huynh học sinh ở đây nghèo lắm, mình không có tiền bạc nên giúp con em họ có được cái chữ, mở mang trí tuệ, sau này có cuộc sống khá hơn là thấy vui lắm rồi...”. Từ ngày sắm được chiếc ghe máy, thầy không chỉ sử dụng đi dạy, đưa trẻ đến trường, mà những đêm khuya khoắt trong xóm có bà con bệnh nặng, tai nạn... thầy sẵn lòng đưa người bệnh đi cấp cứu.

Cho đến nay, nhiều lớp trẻ theo thầy Hé đi học đã tốt nghiệp trung học phổ thông, có em vào đại học. Có em đã vào đời từ chiếc ghe của thầy Hé. Tính ra trên 200 em đã theo thầy Hé tìm cái chữ mở ra tương lai của mình. Em nào cũng mang nặng nghĩa ơn của thầy. Em Đào Thị Lời (học sinh lớp 10 thị trấn Thạnh Phú) có 10 năm quá giang ghe thầy Hé đi học, cho biết: “Gia đình em có sáu anh chị em đều nhờ thầy đưa đi học.

Phóng to
Thầy Hé (phải) dắt trẻ lên bờ
Có anh chị đang sống và làm việc đạt kết quả cao. Ba mẹ em làm ruộng, nếu không nhờ thầy đưa rước, các anh chị và em đành chịu dốt. Đi học với thầy vui lắm, trên quãng đường dài thầy vừa chèo xuồng vừa kể chuyện cho chúng em nghe, những câu chuyện của thầy tuy không có trong sách vở nhưng dạy các em cách sống làm người...”.

Em Võ Thị Cẩm, học sinh lớp 4 Trường tiểu học Mỹ Hưng, nói: “Thầy không chỉ kể chuyện cho quên đoạn đường tới trường, mà còn giảng những bài học các em chưa hiểu và hướng dẫn cách học, làm bài thế nào để nhớ lâu...”. Anh Nguyễn Văn Diện, 35 tuổi, bộc bạch: “Lúc nhỏ tôi cũng quá giang ghe thầy Hé đi học, nay tôi có gia đình, con trai tôi là cháu Nguyễn Văn Giới cũng đang gửi thầy đưa đi học”.

Hơn 20 năm đưa trẻ em ở xóm rẫy vùng sâu tới trường, biết bao vất vả nhọc nhằn nhưng thầy Hé không tính toán điều gì. Thầy tâm sự: “Ước mong của tôi là tất cả lớp trẻ ở xóm rẫy vùng sâu này đều được học hành thành tài, làm được nhiều việc có lợi cho đất nước và quê hương. Tôi và 90 hộ dân ở đây đều mong xóm rẫy vùng sâu này sớm có điện, có đường để cuộc sống được cải thiện, trẻ em có điều kiện đến trường tốt hơn...”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận