Những con chim nhỏ của phố

TRẦN ANH 09/03/2011 19:03 GMT+7

TTCT - Rất nhiều lần, tôi bắt gặp đàn chim sẻ trên phố Trần Hưng Đạo. Chúng sà xuống vỉa hè rồi lại chao liệng trong nắng, ríu rít trong vòm sấu xanh cao lớn.

Phóng to
Ảnh: L.T.Hằng

Phố dài với những cửa hiệu thời trang cao cấp, tòa nhà công sở nhiều tầng, một vài biệt thự cổ và những giàn hoa của tư gia ai đó. Những bước đi của mùa có trên từng cây sấu, cây hoa sữa và cây cơm nguội.

Ngắm phố, chợt thấy như một Hà Nội thu nhỏ trong chiều kích không gian và thời gian. Và chợt thấy yêu hơn những con chim sẻ nhỏ sum vầy, cho phố bình yên và tự nhiên giữa mùa xuân đương chín.

Duyên dáng chim sẻ nhỏ là một lần tôi thấy chúng đang vui chơi ở tòa nhà Bộ Tài chính. Mấy mươi đôi chân xinh xinh chạm vào chiếc xe hơi sáng loáng. Chúng xòe đuôi di chuyển bầy đàn trên mui xe, y như các kiều nữ tạo dáng để quảng cáo cho thương hiệu xe hơi. Một làn gió thổi qua, mấy đôi bé bỏng thoắt nhảy nhót lên cây bằng lăng gần đó. Chúng gọi nhau hòa ca thêm những lần sau nữa...

Tôi từng ngạc nhiên khi bách bộ mà bất chợt gặp đàn chim từ trên sà xuống. Chúng nhanh nhẹn nhặt những hạt cơm của bà cụ vung từ cửa sổ ra đường. No bụng, chim sẻ đu giăng mắc trên dây điện. Những đứa trẻ trong trường mầm non ồ ra ngắm chim trời dưới sự chỉ dẫn của cô giáo. Từ dịp đó, tôi siêng đi bộ từ ngõ ra phố để có đôi phút thấy sẻ về như một món quà thi vị của ngày.

Có một ngôi nhà mà gia chủ ưa thích trồng nhiều giỏ phong lan ngoài hiên. Giỏ nào trổ hoa cũng gửi hương cho gió. Đàn sẻ hay đến trên giỏ lan mỗi sáng. Chúng như người nhà quý mến của chủ nhân.

Một đàn chim trong phố. Hiền ngoan, nhí nhảnh làm nên vệt bay tự nhiên giữa ồn tạp của thị thành. Sẻ đến và bay đi trong niềm đón đợi thảnh thơi của bao người có tình với cây cỏ và chim muông.

Cụ bà bán trầu cau phố cổ

Hà Nội. Cái rét cắt da cắt thịt đất Bắc thật da diết. Cồng kềnh áo mũ găng tay, tôi đi dạo Hà Nội 36 phố phường.

Những con phố cổ sầm uất và chật chội. Này Hàng Bạc, Hàng Chiếu, Hàng Thiếc, Hàng Đào... Hàng hóa độc đáo và quyến rũ. Người mua bán thăm thú tấp nập, đông đúc.

Trong cái nhộn nhịp sầm uất đó, tôi bắt gặp quầy trầu cau của một cụ bà trên phố Hàng Mã. Gọi là “quầy” cho sang, chứ thật ra cụ ngồi nép bên một gốc cây cổ thụ, cái ghế nhỏ và mẹt bày hàng nằm lọt xuống lòng đường.

“Bảng hiệu” của cụ là một nhành cau tươi gắn trên thân cây. Hai cái mẹt trước mặt cụ bày biện đơn sơ mấy quả cau, vài lá trầu, ống vôi và con dao têm trầu. Một cây chổi tre để sau lưng cụ. Tôi chợt nhận ra chỗ cụ ngồi rất gọn gàng, sạch sẽ.

Thỉnh thoảng có vài người sau khi mua đồ mã trong phố ra ghé chỗ cụ mua vài quả cau, mấy lá trầu. Khi không có khách, cụ ngồi trầm ngâm mân mê mấy thứ hàng hóa trên mẹt. Dáng ngồi trầm mặc của cụ, mấy món hàng đơn sơ của cụ dường như lạc lõng giữa con phố đầy màu sắc và tấp nập này.

Chạnh lòng, tôi nghĩ đến bà tôi ở quê cũng trạc tuổi cụ. Nếu không vì mưu sinh thì chắc cụ cũng chẳng tội tình gì phải ngồi đó trong cái rét đậm rét hại như thế này. Tôi lại nơm nớp lo khi nhìn phố đông đúc, xe cộ cứ như chực lao vào cụ. Mẹt hàng của cụ cả vốn lẫn lời có được bao nhiêu...

Cụ già với mẹt trầu cau trên phố cổ đọng vào lòng tôi như một dấu lặng của Hà Nội phồn hoa đô hội.

Hạnh phúc đâu xa...

Trong cuộc sống xô bồ của thành phố, bên cạnh những tòa nhà cao tầng của khu phố tôi ở, bên cạnh những chiếc xe hơi bóng lộn vẫn có những mảnh đời nhỏ bé tưởng như không ai biết đến. Nhưng họ vẫn sống và góp phần làm thành phố này sạch đẹp hơn.

Ngày ngày, cứ tầm từ 1 giờ đến 2 giờ trưa thì chiếc xe ba gác chở rác đến ngang cửa nhà tôi. Vì nhà tôi nằm ở đầu hẻm, mà xe rác bắt đầu lấy rác từ cuối hẻm trở ra nên khi đến nhà tôi xe đã đầy ứ. Hai cha con người đổ rác tranh thủ ngồi nghỉ dăm ba phút trước khi lái xe ra điểm tập kết rác để xe lớn mang đi. Người cha trạc bốn mươi ngoài, còn cậu con trai chỉ khoảng hai mươi tuổi.

Nhìn cách họ ngồi trò chuyện với nhau, tôi cảm nhận họ là một gia đình hòa thuận.

Ba tôi kể ông bố làm nghề đổ rác cho khu phố này từ trước khi cậu con được sinh ra. Khi đó có cả người vợ cùng đi đổ rác với chồng, đến lúc mang thai đứa bé vẫn một mực sát cánh cùng chồng làm công việc mà ai cũng cho là dơ bẩn và độc hại này. Đến khi đứa bé tập tễnh biết đi thì cũng bắt đầu theo cha mẹ tiếp nối nghề “truyền thống” này.

Ngày nào cũng thế, cả nhà họ dừng bước ngồi nghỉ trước cổng nhà tôi độ 15 phút, bình thản sống với cuộc sống hiện có.

TTCT cảm ơn các bạn: Dương Thị Lài, Nguyễn Đắc Chiến, Dân Hùng,... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận