TTCT - Những năm gần đây, nông dân bắt đầu quen với việc thực hành “trồng sạch” theo tiêu chuẩn của những tổ chức chứng nhận quốc tế. Kết quả ban đầu khả quan vì nông sản bán được giá cao và khách hàng mua ổn định. Tuy nhiên, rất cần bàn tay điều phối và chăm chút của Nhà nước để nông dân an tâm thực hiện quy chuẩn mới và xây dựng thương hiệu cho nông sản VN. Phóng to Nông dân hi vọng nhiều vào các chương trình trồng cà phê có chứng nhận quốc tế - Ảnh: Thái Bá Dũng Khác với cách làm truyền thống chỉ đơn giản là trồng, tưới, bón phân rồi chờ thu hoạch, những người nông dân trồng cà phê, cacao theo quy chuẩn của các tổ chức chứng nhận quốc tế có sổ ghi chép, theo dõi sự sinh trưởng của cây hằng ngày. Ghi nhật ký cho cây Những ngày giữa tháng 5, trên cánh đồng lúa rộng 60ha tại xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ (Long An), ông Năm Hòa đang sạ những hàng lúa cuối cùng cho vụ lúa thứ hai làm theo tiêu chuẩn Global GAP. Vụ trước, ông Năm Hòa là một trong số trên 60 hộ nông dân tham gia cùng với Công ty cổ phần Đầu tư, nghiên cứu và xuất khẩu gạo thơm (ITA-RICE) triển khai dự án sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn Global GAP. Trước đây bà con ai cũng làm lúa theo kinh nghiệm nhưng khi đã làm theo tiêu chuẩn mới thì phải thay đổi thói quen canh tác, từ khâu làm đất đến khâu gieo sạ đều đúng quy trình và thời gian. Phân bón và thuốc trừ sâu cũng phải sử dụng theo khuyến cáo, đúng liều lượng chứ không tùy tiện như trước. “Thậm chí phải để ý những chi tiết nhỏ nhặt khác như sử dụng nhà vệ sinh tự hoại, bỏ vỏ thuốc trừ sâu đúng nơi quy định, có thùng đựng rác riêng...” - ông Võ Văn Hiệp, một nông dân ở xã Mỹ Thạnh Đông, cho biết. Ở Đắk Lắk có bốn chương trình trồng cà phê theo tiêu chuẩn quốc tế được triển khai là Chương trình phát triển cà phê bền vững (4C), Chương trình chứng nhận cà phê toàn cầu (UTZ), Chương trình cà phê thương mại công bằng (FLO), Chương trình cà phê rừng nhiệt đới (RFA). Ông Nguyễn Văn Sinh - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk - cho biết việc “trồng cà phê có chứng chỉ quốc tế” này xuất phát từ các công ty xuất nhập khẩu phối hợp với các nhà rang xay trên thế giới triển khai cho nông dân áp dụng các mô hình trồng cà phê khoa học đã được thế giới công nhận. Nông dân phải trải qua các lớp tập huấn, chuyển giao cách làm và thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ. Hạt cà phê làm ra được “truy nguyên nguồn gốc” trên một hệ thống sổ sách và được các công ty nhận bao tiêu sản phẩm. Hiện nay Công ty Cargill (Mỹ) cam kết thu mua 100% cacao chứng nhận UTZ tại VN với giá thưởng 100 USD/tấn hạt khô. Công ty Halba (Thụy Sĩ) cho biết mỗi năm có thể mua 1.000 tấn cacao (có chứng nhận thương mại công bằng) nếu chất lượng đảm bảo, với giá thưởng khoảng 200 USD/tấn hạt khô. Còn Công ty Ritter Sport có thể mua cacao hữu cơ kể cả trong gia đoạn chuyển đổi, với giá thưởng cacao hữu cơ đã được chứng nhận khoảng 400 USD/tấn hạt khô. Ông Phạm Văn Tám - trợ lý kỹ thuật UTZ tại VN - giải thích: tất cả chương trình phát triển cà phê đều hướng đến ba mục tiêu là tính xã hội, yếu tố kinh tế và môi trường nhưng mỗi chương trình có sự khác biệt. Chẳng hạn trong khi UTZ tập trung vào yếu tố hài hòa giữa lợi ích kinh tế - sản xuất đi đôi với việc bảo vệ môi trường thì FLO có đặc thù là nông dân tuân thủ theo các quy tắc mà FLO đòi hỏi, khi bán hạt cà phê nông dân được mua với giá cao hơn trên thị trường một vài giá và ngoài giá này thì khi hạt cà phê nông dân làm ra đến tay các nhà rang xay trên thế giới thì họ có nghĩa vụ trả lại một khoản tiền khá lớn cho các hộ nông dân, số tiền này được sử dụng vào việc đầu tư xây dựng hệ thống đường sá, nhà cộng đồng, các công trình phúc lợi xã hội tại vùng cà phê FLO. Trong khi đó, RFA tập trung cao nhất vào việc bảo vệ môi trường, tạo hệ thống vườn cà phê “xanh”, tỉ lệ cây phù hợp, trồng cây che bóng trong vườn cà phê, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục mà RFA cho phép. “Tất cả chương trình đều hướng dẫn nông dân làm cà phê có khoa học, chăm sóc cà phê không sử dụng thuốc trừ sâu hoặc sử dụng lao động khoa học thì tất yếu sẽ dẫn đến năng suất, chất lượng cà phê cao hơn” - ông Tám nói. Dẫn chúng tôi ra thăm vườn cà phê xanh tốt đang bước vào giai đoạn đậu quả, ông Nguyễn Đăng Quế (thôn 3, xã Cư Đlie M’Nông, Cư M’Gar, Đắk Lắk) cho biết trước đây chỉ quen với việc làm cà phê theo kinh nghiệm nên rủi ro rất cao. Theo đuổi chương trình FLO, ông Quế cho biết phải tuân thủ cách trồng cà phê mà các kỹ sư của công ty về hướng dẫn, từ việc tưới nước thời điểm nào, lượng nước bao nhiêu cho đến việc tỉa lá, tạo cành cũng phải đúng quy tắc. Nhờ thế cà phê phát triển khỏe mạnh hơn hẳn. Mỗi ngày ông Quế phải ghi chép vào sổ tất cả công việc chăm sóc vườn để cuối tháng kỹ sư đến kiểm tra. Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, rất nhiều hộ dân cũng bắt đầu làm quen với việc trồng cây cacao theo quy trình UTZ. Ông Ninh Quang Sơn (ấp 1, xã Tài Lài, H.Tân Phú, Đồng Nai) chia sẻ: “Khi tham gia UTZ nông dân được tập huấn, học về kỹ thuật bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật liều lượng ít nhưng làm đúng cách, đúng thời điểm năng suất ra trái hiệu quả. Trước đây sử dụng vô tội vạ, có tiền thì đi mua phân bón, thấy bệnh nặng mới phun thuốc nên chi phí lúc nào cũng cao hơn so với bây giờ”. Ông Sơn cho biết trồng cacao UTZ vừa đỡ tốn công sức vì chỉ cần một người chăm sóc, thu hoạch 1ha, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phóng to Cacao trồng theo mô hình UTZ bắt đầu được người nông dân Đồng Nai lựa chọn - Ảnh: L.N.M. Giá cao, năng suất tăng Lâu nay nông dân vẫn hay than phiền “cứ được mùa lại rớt giá”, nhưng khi tham gia các chương trình hợp tác với những tổ chức chứng nhận quốc tế để “gắn nhãn quốc tế” cho nông sản, đầu ra thường được các nhà nhập khẩu đảm bảo. Ông Lê Minh Tôn - chủ nhiệm CLB cacao Hưng Lộc, ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất, Đồng Nai - cho biết: “Giá cacao bình thường là 3.900 đồng/kg, nhưng cacao có chứng nhận UTZ là 4.100 đồng/kg, nông dân còn được thêm một khoản “thưởng” khác là 200 đồng/kg. Điều quan trọng là khi tham gia UTZ, giá cả thu mua luôn ổn định, hệ thống thu gom chặt chẽ nên đỡ chi phí vận chuyển. Với 82ha, năng suất của các hộ trong CLB đạt khoảng 20 tấn/ha/năm, cao hơn 2-3 lần so với những năm chưa tham gia UTZ”. Ông Hồ Viết Thắng - một người trồng cà phê - cho biết ban đầu nghe “trồng cà phê có chứng chỉ quốc tế” nông dân cứ nghĩ sẽ phải bỏ ra nhiều tiền, nhưng khi được đi học và triển khai thì không mất một khoản nào và thực tế làm cho thấy năng suất cà phê cao hơn rõ rệt, chi phí trồng và chăm sóc lại giảm. “Trước đây trung bình mỗi hecta chúng tôi thu được khoảng 3-4 tấn nhưng chi phí đầu tư rất cao, vài năm nay làm theo các mô hình thì năng suất tăng lên được khoảng 2-5 tạ tùy theo vụ, chi phí đầu tư cũng ít hơn vì nước tưới tiết kiệm, ít dùng thuốc trừ sâu. Nông dân có thể tham gia cùng lúc nhiều chương trình khác nhau” - ông Thắng nói. Trên cánh đồng lúa Long An, ông Năm Hòa xác nhận: “Làm theo tiêu chuẩn này có nhiều cái cực nhưng bù lại đầu ra được công ty bao tiêu và giá cao hơn so với giá thị trường nên tôi tiếp tục tham gia vụ lúa hè thu này”. Ở vị trí người mua, bà Lưu Thị Lan, phó tổng giám đốc Công ty CP Gentraco (sở hữu thương hiệu Viet Rice), cho biết đã bán được dòng sản phẩm gạo thơm đặc sản, gạo trắng vào hệ thống siêu thị tại Úc và New Zealand, qua hợp đồng với Tập đoàn Oriental Merchant nhờ liên kết bao tiêu lúa thơm với nông dân. Bà Lan cho biết thêm công ty đang mở rộng vùng nguyên liệu áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, giúp sản phẩm gạo có chất lượng tốt ổn định, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các khách hàng và giá bán luôn cao hơn gạo thường. Ông Võ Văn Phong, giám đốc dự án cacao hữu cơ tại VN, cho biết hiện nay nhu cầu đối với sản phẩm cacao chứng nhận (hữu cơ, UTZ và thương mại công bằng) tăng mạnh. Khách hàng không chỉ yêu cầu sôcôla chất lượng cao mà còn muốn biết nguồn gốc của cacao để chế biến sản phẩm sôcôla đó, trồng cacao có tạo thu nhập tốt cho nông dân hay không và việc sản xuất cacao gây ảnh hưởng đến môi trường như thế nào. __________ Lợi ích từ mô hình trồng cây theo tiêu chuẩn của các tổ chức chứng nhận quốc tế đã được chứng minh. Tuy nhiên, diện tích đất trồng tham gia còn khá ít, thậm chí có nông dân rời bỏ dù đã tham gia một thời gian. Các chuyên gia cảnh báo nếu không “cùng sống chết” với nông dân thì coi chừng đây lại trở thành phong trào như những chương trình khác. Phóng to Dù đã chọn mô hình Global Gap, nhưng một số nông dân chưa thấy hiệu quả, cần lắm bàn tay hỗ trợ của Nhà nước - Ảnh: Hoàng Thạch Vân Nông dân chưa yên tâm Điều đáng lo là đầu ra cho nông sản Global GAP vẫn còn hạn chế, việc tiêu thụ các loại trái cây áp dụng Viet GAP, Global GAP vẫn còn bấp bênh, giá bán thực tế nhiều nơi không cao hơn các loại trái cây khác. Trong khi sản xuất theo tiêu chuẩn này đòi hỏi tuân thủ quy trình khá khắt khe và cả tốn kém khoản phí cấp chứng nhận, từ đó nhiều nông dân cảm thấy hoang mang, thậm chí mất lòng tin rồi tự rút khỏi các mô hình. Theo chiến lược phát triển của ngành cacao VN, đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 100.000ha với tổng sản lượng khoảng 100.000 tấn. Sản lượng này vẫn còn quá nhỏ so với tổng sản lượng cacao trên thế giới là khoảng 3 triệu tấn/năm. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng không thể cạnh tranh trên thị trường thế giới bằng số lượng như lúa hay cà phê, thay vào đó là cạnh tranh bằng chất lượng và hình ảnh quảng bá cacao VN thân thiện với môi trường. Ví dụ, cacao sản xuất ở Madagascar hiện nay bán với giá khoảng 5.000 USD/tấn, trong khi giá thị trường bình quân khoảng 2.200 USD/tấn. Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), tình trạng các đơn vị đạt chứng nhận GlobalGAP nhưng giá bán sản phẩm không cao như kỳ vọng, không trang trải chi phí chứng nhận và cuối cùng không tiếp tục làm tiêu chuẩn nữa không phải là chuyện hiếm. Tại Hợp tác xã (HTX) vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) và HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (Vĩnh Long) - những đơn vị đầu tiên của VN đạt chứng chỉ Global GAP - thời gian qua đã có một số nông dân xin ra khỏi HTX. Những năm đầu tiên có chứng chỉ Global GAP, vú sữa Lò Rèn và bưởi Năm Roi xuất khẩu sang châu Âu với giá có lợi cho nông dân. Tuy nhiên kể từ năm 2011, khi nhu cầu thị trường giảm dần trong khi trong nước chưa có kênh tiêu thụ riêng cho sản phẩm có chứng nhận Global GAP, giá sản phẩm này xuống bằng giá thông thường. Với công sức bỏ ra để tuân thủ 250 tiêu chí Global GAP, chi phí để có chứng nhận là 3.000-5.000 USD mỗi năm trong khi giá bán như sản phẩm thông thường, không khó hiểu khi nông dân bỏ Global GAP về với cách làm truyền thống. Nhiều nông dân kể lâu nay trồng lúa dựa vào kinh nghiệm, chọn giống tùy thích. Khi làm lúa theo Global GAP họ được hướng dẫn kỹ thuật và yêu cầu phải tuân thủ quy trình sản xuất rất nghiêm ngặt nên cảm thấy bị gò bó. Chẳng hạn, mặt ruộng phải bừa phẳng, dọn sạch rơm rạ để tránh ngộ độc hữu cơ, phải áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường như không xả rác thải, đi vệ sinh trên đồng ruộng. Khi xuống giống thì sử dụng máy sạ hàng hoặc cấy, quá trình canh tác chỉ bón phân vừa đủ và quản lý tốt dịch hại để hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… Ở Đức Huệ (Long An), lúc ITA - RICE mới triển khai mô hình, GS.TS Võ Tòng Xuân - chủ trì dự án - cho biết ban đầu có gần 120 hộ đăng ký tham gia. Nhưng sau khi được hướng dẫn cách làm thì một số nông dân đã… bỏ chạy nên xuống giống chỉ được 60ha. Ngay cả Công ty ADC dù đã thành công với gạo Tứ Quý từ ở HTX Mỹ Thành Nam nhưng vẫn không thể mở rộng thêm vùng nguyên liệu, trong đó có nguyên do nông dân chưa mặn mà với Global GAP. “Nông dân Nam bộ mình vốn quen với lối canh tác… thoải mái xưa nay rồi. Để thay đổi được tập quán đó không thể một sớm một chiều. Vấn đề làm sao cho họ hiểu, họ thấy chỉ cần chịu khó, tỉ mỉ là làm được, đổi lại chi phí sản xuất thấp hơn vì ít sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu nên lợi nhuận thu được cao hơn. Khi đó bà con sẽ ủng hộ” - GS Xuân phân tích. Để làm được điều này, nhiều chuyên gia cho rằng các trung tâm khuyến nông phải xắn tay áo, sát cánh cùng nông dân, đồng thời Nhà nước phải hỗ trợ những chi phí ban đầu cho người dân. Bởi cái lợi to lớn chính là thương hiệu cho cây trồng VN. Khó tiếp cận thông tin Trong khi đó, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh có 185.000ha cà phê nhưng diện tích trồng cà phê có chứng chỉ chiếm tỉ lệ rất thấp. Một trong những lý do, theo ông Nguyễn Văn Sinh - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đắk Lắk, đây là cách làm còn khá mới mẻ, trong khi tập quán sản xuất của nông dân vẫn chưa thay đổi, xưa nay vẫn trồng cà phê dựa vào kinh nghiệm và thiên nhiên là chính. Trồng cà phê có chứng chỉ là “cách trồng cà phê kiểu mới” khoa học đã được áp dụng tại các vườn cà phê Đắk Lắk từ năm 2006. Tuy nhiên, ông Sinh cho rằng để triển khai được một mô hình cà phê có chứng chỉ khá tốn kém nên các công ty chỉ tập trung ở những vùng có diện tích cà phê trung bình trên mỗi hộ dân lớn, ở những vùng mà mỗi hộ chỉ được khoảng dưới 5 sào thì hiện vẫn chưa làm được (hiện 85% diện tích cà phê nằm trong dân, 34% vườn cà phê có diện tích chỉ dưới 1ha). Còn ở Đồng Nai, dù thấy lợi ích từ cây cacao mang lại nhưng nông dân không đủ thông tin, thậm chí không biết tiếp cận thông tin như thế nào nên nhiều người hoang mang khi có những thông tin truyền miệng trái chiều. Mặt khác, những nông dân từng tham gia các chương trình này còn lo ngại cán bộ khuyến nông không cùng mình đi đến cùng bởi cán bộ thì ít mà chương trình cho cây khác cũng nhiều. Theo ông Ninh Quang Sơn - chủ nhiệm CLB cacao số 5 huyện Tân Phú, một số hộ nông dân trồng cacao không tham gia chương trình UTZ vì tâm lý lo sợ đi theo “vết xe đổ” như trồng các loại trái cây khác theo tiêu chuẩn GAP nhưng lại chẳng bán được giá cao hơn trong khi chi phí, công sức bỏ ra nhiều. Một lý do nữa là một số doanh nghiệp thu mua cacao giá cao nhưng cũng chỉ mua được một thời gian rồi cao chạy xa bay, nông dân không biết đâu mà lường. Phóng to Nông dân trồng lúa rất cần mô hình sản xuất chuẩn mực để xây dựng được thương hiệu cho hạt gạo VN - ẢnhL H.T.V. Cần bàn tay Nhà nước Việc áp dụng VietGAP và Global GAP trong nông nghiệp được xem là đòi hỏi tất yếu để đi đến một nền sản xuất hàng hóa lớn và xây dựng thương hiệu nhằm gia tăng giá trị lợi nhuận cho nông sản VN. Vấn đề chính là giải quyết đầu ra ổn định cho sản phẩm. Cần quy hoạch, tổ chức lại sản xuất trên quy mô lớn với sự liên kết tham gia của các thành phần trong chuỗi giá trị. Ông Phạm Khánh Hiệp, một chuyên gia về cà phê, cho rằng cần thận trọng trong phát triển cà phê theo các tiêu chuẩn quốc tế. Bởi “họ cam kết chỉ mua sản phẩm cà phê đạt tiêu chuẩn 4C không có nghĩa là họ sẽ mua hết cà phê 4C mình sản xuất” - ông Hiệp nói. Ông Hiệp kể thực tế trong quá trình làm theo tiêu chuẩn nước ngoài, trong giai đoạn đầu khi cà phê đạt tiêu chuẩn 4C còn ít thì các nhà nhập khẩu sẽ mua toàn bộ, nhưng khi sản lượng tăng lên nhiều doanh nghiệp sẽ không đủ khả năng mua hết. TS Lê Ngọc Báu, viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên, cũng thừa nhận điều này và cho biết đây là thực tế đang diễn ra ở các nước trồng cà phê trên thế giới chứ không riêng gì tại VN. Hiện VN là nước có sản lượng cà phê được xác nhận sản xuất theo tiêu chuẩn 4C gần 13.000 tấn và là nước có tỉ lệ sản lượng tiêu thụ trên tổng sản lượng xác nhận cao nhất, nhưng tỉ lệ các công ty mua cà phê xác nhận tiêu chuẩn 4C chỉ bằng 1/5 so với lượng sản xuất. Trong khi đó, giám đốc một doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra tại An Giang cho hay doanh nghiệp này sẽ không tiếp tục thực hiện theo chứng nhận tiêu chuẩn Global GAP mà chuyển sang làm một bộ tiêu chuẩn khác là ASC. Nguyên nhân là sau thời gian đầu thực hiện đúng cam kết, các nhà nhập khẩu châu Âu đã không còn mua hàng với giá cao hơn giá thị trường nữa. Ông Nguyễn Văn Hòa, cục phó Cục Trồng trọt, cho rằng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) là xu thế phát triển tất yếu của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, từng mô hình, từng tiêu chuẩn nên có cách áp dụng khác nhau, không chạy theo phong trào. Việc thực hiện trồng trọt theo tiêu chuẩn quốc tế mới có thể phát triển mạnh xuất khẩu nông sản là một xu hướng tất yếu mà VN không thể đứng ngoài. Nhiều chuyên gia cho rằng các bộ máy hỗ trợ ngành nông nghiệp cần vào cuộc để cùng nông dân lựa chọn và theo đuổi đúng mô hình, nếu không cơ hội của ngành nông nghiệp lại tiếp tục chậm chân hơn nước bạn. __________ Phóng to Ông Nguyễn Văn Hòa - Ảnh: Trần Mạnh Chỉ mới bắt đầu áp dụng nhưng nông dân lại phải đối mặt với quá nhiều tiêu chuẩn của các tổ chức nước ngoài. Ông Nguyễn Văn Hòa, cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho rằng không nhất thiết phải làm theo mọi tiêu chuẩn mà nước ngoài đặt ra. Ông Hòa nói: Xu hướng và yêu cầu chung của sản phẩm nông nghiệp là hướng tới sản xuất tốt, bền vững và an toàn thực phẩm. Xuất phát từ nhu cầu của xã hội và nhu cầu của các thị trường đặt ra yêu cầu cho người sản xuất phải thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Từ yêu cầu trên mà mỗi thị trường, mỗi tổ chức hoặc doanh nghiệp đặt ra các yêu cầu khác nhau theo tiêu chí của họ như tiêu chuẩn Global GAP của các nhà thương mại châu Âu, tiêu chuẩn UTZ, 4C cho cà phê, Rain Forrest, UTZ cho cacao… Đối với từng nước cũng đưa ra các tiêu chuẩn canh tác nông nghiệp riêng cho mình như ASEAN thì có ASEAN GAP, Thái Lan có tiêu chuẩn ThaiGAP, còn VN mình cũng có bộ tiêu chuẩn VietGAP. * Những khó khăn mà người dân gặp phải khi thực hiện các tiêu chuẩn này là gì, thưa ông? - Hiện nay VN đang thực hiện rất nhiều tiêu chuẩn khác nhau trên những sản phẩm nông nghiệp khác nhau như lúa, rau, trái cây, cá tra, tôm… Nhưng phát triển trên diện rộng là điều khó khăn vì nền nông nghiệp VN đi lên từ một nền sản xuất nhỏ lẻ nên áp dụng GAP là một quá trình khó khăn. Có những tiêu chuẩn như Global GAP người dân phải tuân thủ 25 tiêu chí sản xuất. Hơn nữa, chi phí để có chứng nhận Global GAP không phải là ít, từ 3.000-5.000 USD mỗi năm. Cái khó nhất của nhà nông khi thực hiện các tiêu chuẩn GAP là nhiều khi giá bán sản phẩm GAP không khác sản phẩm thông thường. Điều này dẫn đến hậu quả là nhiều nông dân bỏ Global GAP về với cách làm truyền thống. * Vậy định hướng sản xuất theo tiêu chuẩn nào cho VN? - Các tiêu chuẩn GAP rất đa dạng với những yêu cầu khác nhau, do đó VN không thể chạy theo đáp ứng mọi tiêu chuẩn của nước ngoài được mà phải căn cứ vào nhu cầu của thị trường cũng như khả năng thu được lợi nhuận khi làm theo các tiêu chuẩn đó. Tuy nhiên, định hướng chung của VN đó là mức độ áp dụng tối thiểu bắt buộc theo chỉ tiêu cơ bản của VietGAP nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Các sản phẩm như rau, quả, chè, lúa gạo tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu được khuyến cáo sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời các cơ quan chức năng của VN cũng phải từng bước nâng cấp VietGAP để được thừa nhận trên thị trường quốc tế. Những cơ sở có hợp đồng tiêu thụ yêu cầu sản phẩm chứng nhận VietGAP hoặc GAP khác thì tiếp tục tổ chức sản xuất, chứng nhận sản phẩm phù hợp GAP theo yêu cầu của hợp đồng và thị trường tiêu thụ. Ví dụ như tiêu chuẩn Global GAP chỉ áp dụng đối với các sản phẩm đặc thù có giá trị kinh tế cao và có hợp đồng bao tiêu chắc chắn, trong đó yêu cầu phải có chứng nhận Global GAP. Với các loại khác như 4C, UTZ Certified, Rain Forest… thì chủ yếu áp dụng cho cây công nghiệp xuất khẩu như chè, cà phê, cacao, hồ tiêu thông qua các dự án đối tác công ty (PPP), doanh nghiệp tập đoàn quốc tế lớn và nông dân phối hợp sản xuất, chứng nhận GAP và tiêu thụ sản phẩm. * Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ nào để nông dân thực hiện các tiêu chuẩn đó? - Hiện Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định các chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Theo đó, ngân sách nhà nước đầu tư 100% kinh phí về điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu không khí để xác định các vùng sản xuất tập trung thực hiện dự án. Nhà nước cũng hỗ trợ tối đa 50% tổng vốn đầu tư xây dựng, cải tạo đường giao thông, hệ thống thủy lợi, điện và xử lý chất thải của vùng sản xuất tập trung theo yêu cầu VietGAP. Ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần kinh phí thuê tổ chức chứng nhận đánh giá để được cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn, hỗ trợ xúc tiến thương mại. Đối với những cơ sở đã và đang thực hiện VietGAP hoặc GAP khác nhưng chưa có thị trường đầy đủ hoặc tạm thời có khó khăn về thị trường thì cần hỗ trợ nông dân tiếp tục duy trì sản xuất theo GAP, không để nông dân quay về cách làm cũ, đồng thời chủ động tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Tags: Nông sảnChuyên đềChung chiTrồng sạchChứng nhận quốc tế
Tin tức sáng 26-11: Quốc hội xem xét thông qua Luật Thuế VAT; Ngành nào đang cần nhiều lao động? TUỔI TRẺ ONLINE 26/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét sửa Luật Thuế VAT; Số người thất nghiệp cả nước đang giảm nhưng ngành nghề nào cần nhiều lao động nhất?
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine LỤC MINH TUẤN 26/11/2024 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lần lượt tung ra nhiều phương án nhằm thăm dò phản ứng của tất cả các bên cho kế hoạch hòa bình Ukraine sắp tới.
Dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh đại học: Nhiều trường kêu khó TRẦN HUỲNH 26/11/2024 Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non với nhiều điểm mới.