TTCT - Trung Quốc công bố Sách trắng quốc phòng mới nhằm thanh minh cho chính sách của Bắc Kinh trên biển Đông. Tuy nhiên, phóng sự của CNN trước đó về việc máy bay Mỹ đã bị hải quân Trung Quốc “đuổi” trên Trường Sa, cùng chính những giải thích từ Bắc Kinh đã khiến những giải thích trở nên “hươu vượn”...! Tàu Trung Quốc nạo vét phi pháp trong vùng biển quanh bãi đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa (ảnh do hải quân Mỹ cung cấp ngày 21-5-2015) - Ảnh: Reuters China Daily ngày 27-5 giải thích: “Sách trắng là bằng chứng rõ ràng rằng đất nước (chúng tôi) đang tích cực đáp ứng các mối quan tâm và sự hiểu lầm của thế giới bên ngoài về việc hiện đại hóa lực lượng quốc phòng của chúng tôi. Điều này là cần thiết để tránh những đánh giá chiến lược sai lầm”. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tỏ ra để ý tới các mối quan tâm của thiên hạ và lo rằng thiên hạ hiểu lầm về việc hiện đại hóa lực lượng quốc phòng của mình, thay vì cứ “đường ta, ta cứ đi...” như trước. VÌ SAO LẠI SỢ BỊ “ĐÁNH GIÁ SAI”? Song, giải thích trên cho thấy điều khiến Trung Quốc nay phải dè chừng không phải là dư luận dân chúng mà là lo ngại chính phủ các nước đánh giá chiến lược sai rồi sẽ cùng nhau phản ứng... Mệnh đề “những đánh giá chiến lược sai của thế giới bên ngoài” của China Daily cho thấy cách nhìn thế giới của Trung Quốc vẫn như mấy ngàn năm trước, Trung Quốc ở trung tâm và thế giới còn lại ở bên ngoài, và “bên trong” chiến tranh với “thế giới bên ngoài”. Khi sợ bị “thế giới bên ngoài hiểu lầm” và “đánh giá chiến lược sai”, Trung Quốc đang sợ bị cô lập trong một cuộc xung đột mới với “thế giới bên ngoài”. Chuyện Trung Quốc phát triển hải quân cùng lực lượng pháo binh “thứ nhì” (tên lửa) kèm theo những động thái “một mình một chợ” từ biển Hoa Đông xuống đến biển Đông, đã vượt quá giới hạn của sự phát triển binh bị thông thường, trái lại mang tính chất bành trướng trên biển Quả thật là trong thực tế, thiên hạ ngày càng đánh giá chiến lược Trung Quốc một cách sát thực tế hơn. Không phải vô cớ mà hôm 15-4 các ngoại trưởng G7 và EU đã phải cùng nhau ra một “Tuyên bố về an ninh biển” nêu rõ quyết tâm chung: “Việc sử dụng các đại dương của thế giới một cách tự do và không bị cản trở chính là điều kiện cho hành trình vào tương lai của mọi nước”. Đơn giản là bảy nền kinh tế lớn nhất thế giới này cùng khối EU không thể nào chấp nhận để cho việc lưu thông trên biển (Đông và Hoa Đông) ngày càng bị đe dọa bởi các hoạt động điều động của hải quân Trung Quốc nay đưa đi lấn chiếm đảo này, mai cắm dùi ở vùng độc quyền kinh tế kia, mốt tự ý bồi đắp các bãi đá thành đảo nhân tạo, kéo vũ khí tới... rồi thản nhiên giải thích rằng đó là vì “nhu cầu phòng thủ”. Một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tự ý lập nên để chặn đường bay của thiên hạ cuối năm 2013 đã là quá lộng hành rồi, huống hồ nay lại đang giở trò xét hỏi đó trên biển Đông! Sở dĩ Trung Quốc đã phải mất 17 tháng qua để “xào nấu” ra quyển Sách trắng này là do phải tìm cách thanh minh những ngang ngược đã gây ra đó. Thế nhưng, ý đồ thanh minh đó trở nên giấu đầu lòi đuôi. Đối với thế giới, chuyện phát triển binh bị, vũ khí là điều bình thường, nước nào cũng sắm sửa cả, thậm chí sản xuất và buôn bán! Song làm gì với sự tăng cường binh bị đó lại là một vấn đề khác và đó chính là cơ sở cho các nước đánh giá chiến lược. Chuyện Trung Quốc phát triển hải quân cùng lực lượng pháo binh “thứ nhì” (tên lửa) kèm theo những động thái “một mình một chợ” từ biển Hoa Đông xuống đến biển Đông, đã vượt quá giới hạn của sự phát triển binh bị thông thường, trái lại mang tính chất bành trướng trên biển buộc G7 và EU nay phải bật đèn đỏ cảnh báo nguy cơ. Không chỉ G7 và EU mà cả Ấn Độ, Úc cùng các đảo quốc Thái Bình Dương (mới tuần trước vừa ký kết hợp tác an ninh chung với Nhật)... Làm thế nào mà nay từ Âu sang Á, từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương, các nước rủ nhau cảnh giác Trung Quốc? Đây chính là thực tế mà Trung Quốc quan ngại chứ chẳng phải do sợ mất lòng dư luận thế giới! Chính vì thế mới phải “nặn” ra Sách trắng mới này, mà China Daily “tô màu” rằng “đây là nỗ lực mới nhất để cải thiện tính minh bạch quân sự và chứng minh sự chân thành của Trung Quốc trong việc chia sẻ những nhận thức mới về an ninh, quốc phòng và chiến lược quân sự với phần còn lại của thế giới”. Công bố thì cứ công bố, song đọc hiểu như thế nào lại là quyền của các nước, và các nước sẽ đọ những phân bua đó với thực tế hằng ngày. MỐI ĐE DỌA TỪ SÁCH TRẮNG Các phóng viên đặt câu hỏi chất vấn chiến lược quốc phòng của Trung Quốc trong Sách trắng công bố tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 26-5 - Ảnh: Reuters Như đe dọa của nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh: “Trung Quốc sẽ tiếp tục đeo đuổi chính sách phòng thủ tích cực song cũng sẽ không bao giờ nữa để cho bất cứ nước nào xâm phạm chủ quyền của mình”. “Phòng thủ tích cực” là gì trong thực tế? Phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh giải thích: “Sách trắng nói rằng hải quân CHND Trung Quốc sẽ tập trung từng bước chuyển từ phòng thủ cận duyên sang kết hợp với bảo vệ viễn dương”. “Bảo vệ viễn dương” là điều mà lịch sử hải quân Trung Quốc chưa bao giờ làm do lẽ biên cương xa nhất trên biển từ muôn đời của Trung Quốc chính là đảo Hải Nam như có thể thấy trên các bản đồ nhà Thanh. Vậy mà nay Trung Quốc lại kết tội “một số nước láng giềng trên biển đã tiến hành khiêu khích...”, và giở trò dọa nạt “...sẽ không bao giờ để cho bất cứ nước nào xâm phạm chủ quyền của mình nữa”. Cụm từ “sẽ không bao giờ nữa” ý nói nay Trung Quốc sẽ “dập” thẳng tay. So với những tuyên bố “không thể tranh cãi” trước đây của các phát ngôn viên Trung Quốc, rõ ràng cụm từ “không bao giờ nữa” này chính là một lằn ranh cấm chỉ. Các nước đã làm gì để Trung Quốc cho là đã “xâm phạm chủ quyền” của Trung Quốc? Câu trả lời ngay trong phát biểu của phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh (China Daily 28-5): “Sách trắng đã đề cập các thách thức an ninh ngày càng gia tăng đặt ra bởi một số nước, gồm việc gia tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Á cùng các điều chỉnh sách lược an ninh then chốt của Nhật... Một số nước láng giềng trên biển đã tiến hành các hành động khiêu khích cũng như đã tăng cường hiện diện quân sự trên các bãi đá và đảo của Trung Quốc mà họ đã chiếm đóng một cách bất hợp pháp”. Những “cáo buộc” rất quyết liệt trên không dựa trên bất cứ một cơ sở nào. Bằng cớ nào chứng minh rằng đó là “các bãi đá và đảo của Trung Quốc” mà bảo rằng các nước kia “chiếm đóng”? Nếu đủ lý lẽ tranh biện, khi Philippines đưa vấn đề này ra trước tòa án quốc tế sao lại cự tuyệt? Cũng thế, phát biểu “việc gia tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Á” hàm ý Mỹ chưa hề hiện diện quân sự đông đảo tại đây, hoặc chỉ mới lấp ló như Pháp (cũng có căn cứ trên Thái Bình Dương và nay buộc lòng phải “gia tăng hiện diện quân sự”). Trong khi trong thực tế, tác nhân đang tăng cường hiện diện quân sự lại chính là Trung Quốc. Thật vậy, từ khi bị các cường quốc Âu - Mỹ thôn tính vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 tới nay, ngoại trừ hai lần đấu pháo với Đài Loan ở Kim Môn và Mã Tổ vào cuối thập niên 1950 cùng vài lần đánh lén vào các năm 1974, 1988 trong sự ngó lơ của các “ông lớn”, Trung Quốc chưa từng ra khỏi ven biển của mình, mãi gần đây mới “trỗi dậy” mà vươn xa với lá bài “đường chín đoạn”! Còn chuyện Nhật “điều chỉnh sách lược an ninh” chẳng qua là nay tự “cởi trói” để cùng góp tay phòng ngừa một cuộc binh đao mới trên Thái Bình Dương. BẰNG CHỨNG SỐNG KHỎI CHỐI CÃI Việc hải quân Trung Quốc từ những bãi đá bồi lấp thành đảo nhân tạo đuổi máy bay Mỹ “đi chỗ khác chơi” là những bằng chứng không thể tranh cãi của chính sách bành trướng của Bắc Kinh. Đã qua rồi giai đoạn Trung Quốc chỉ nhắm vào tàu bè, tàu bay các nước nhỏ mà húc đuổi, nay là đuổi cả Mỹ, một nước vốn vẫn đang đứng trung lập trong các tranh chấp chủ quyền, song luôn tuyên cáo không chấp nhận mọi sự vi phạm quyền tự do lưu thông trên biển Đông. CNN hôm 21-5 “độc quyền” đưa phóng sự về việc máy bay Mỹ bị Trung Quốc đuổi trên không phận quốc tế cũng đủ trưng ra trước toàn thế giới bằng chứng sống về việc Trung Quốc chà đạp quyền tự do lưu thông trên Thái Bình Dương Khi chủ trương cho đài rađa trên biển Đông cứ việc “A lô! Đây là hải quân Trung Quốc... Hãy biến đi!”, những cái đầu hấp tấp ở Bắc Kinh đâu có ngờ rằng Mỹ đang tìm kiếm một bằng chứng khỏi chối cãi như thế nên đã gọi truyền hình CNN tháp tùng để rồi hôm 21-5 phát đi phóng sự tố cáo hải quân Trung Quốc tám lần tự ý “làm luật” trên biển Đông tức ngáng trở lưu thông! Tai tiếng đến nỗi trong một cuộc họp báo ở Đối thoại Shangri-La, đại diện Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã giả lả cho rằng chẳng qua do “một số báo chí ồn ào thái quá”! Có những thể chế xem trọng dư luận, song cũng có những thể chế bất cần. Hitler 80 năm trước cũng đã bất cần dư luận! Chẳng cần bất cứ một cuộc họp nào của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để ngoại trưởng Mỹ công bố bằng chứng Trung Quốc “làm luật”, mà có muốn triệu tập cũng khó lòng do Trung Quốc thủ sẵn lá phiếu phủ quyết! Chỉ mỗi CNN hôm 21-5 “độc quyền” đưa phóng sự về việc máy bay Mỹ bị Trung Quốc đuổi trên không phận quốc tế cũng đủ trưng ra trước toàn thế giới bằng chứng sống về việc Trung Quốc chà đạp quyền tự do lưu thông trên Thái Bình Dương. Thật ra, nếu Trung Quốc quan tâm đến dư luận thì đã phải dè chừng từ tháng 11 năm ngoái khi tuần báo Jane’s Defense tung ra những bức ảnh vệ tinh đầu tiên về những hoạt động bồi đắp cơi nới của Trung Quốc trên biển Đông, những rò rỉ để báo chí thế giới đăng lại mà chuẩn bị dư luận về một Trung Quốc đang bành trướng, lấn chiếm, để nay khỏi phải rơi vào tình thế có thề thốt “không bành trướng, mở mang bờ cõi”, “xây dựng bồi đắp để phục vụ nhu cầu của thế giới” cũng chẳng ai tin! Trắng đen hiện rõ, không thể nào nhìn lầm được nữa! Tags: Biển Đông
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tin tức thế giới 24-12: Ukraine nói 3.000 lính Triều Tiên thương vong; Ông Bill Clinton nhập viện BÌNH AN 24/12/2024 Thủ tướng Israel ra lệnh đánh Yemen để phá cơ sở hạ tầng của Houthi...
Bão số 10 tác động thế nào đến nước ta? CHÍ TUỆ 24/12/2024 Dự báo bão số 10 (bão Pabuk) suy yếu thành vùng ấp thấp trên vùng biển Ninh Thuận - Bà Rịa Vũng Tàu nên ít có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Ba cựu phó giám đốc sở nhận hối lộ vụ chuyến bay giải cứu giai đoạn 2 bị đưa ra xét xử THÂN HOÀNG 24/12/2024 Ba cựu phó giám đốc sở ở tỉnh Thái Nguyên và Quảng Nam bị đưa ra xét xử với cáo buộc nhiều lần nhận tiền để giúp doanh nghiệp xin chủ trương cách ly y tế, trong vụ án 'chuyến bay giải cứu' giai đoạn 2.
Bán kết ASEAN Cup 2024: Ai thay Văn Toàn 'tiếp đạn' cho Xuân Son? NGUYÊN KHÔI 24/12/2024 Chấn thương của Văn Toàn buộc HLV Kim Sang Sik phải bố trí người thay thế thích hợp nhằm giúp tiền đạo nhập tịch Nguyễn Xuân Son thi đấu hiệu quả trước chủ nhà Singapore ở trận bán kết lượt đi ngày 26-12 tới.