Tây nguyên và mùa thiên di của người

NGUYỄN HÀNG TÌNH 03/11/2008 23:11 GMT+7

TTCT - Cứ đến mùa cà phê chín, họ - những người đi mưu sinh bằng việc hái cà phê thuê - tự tính ngày tháng để biết rồi âm thầm “bay” lên cao nguyên, như một quy luật “thiên di” xưa nay trên vùng đất này...

Người dân Tây nguyên ở dọc quốc lộ 14, nơi các ngã ba, ngã tư, lối rẽ vào các huyện, xã... cho biết cứ thấy ai đi lơ ngơ, lững thững, lếch thếch với balô trên vai thì đích thị là những “con chim lưu lạc” đi tìm rẫy cần người hái cà phê thuê. 500.000ha cà phê giăng phủ khắp Tây nguyên, đến mùa thu hoạch cần một lượng lao động khổng lồ để thu hái.

Phóng to
Vợ chồng anh Dương Thành Phát và Triệu Thị Ngọc Hà, 42 tuổi (đến từ Giồng Trôm, Bến Tre) hái cà phê thuê ở huyện Dak R’lấp (Đăc Nông)

3g sáng 26-10, hai vợ chồng nông dân Tô Văn Quýt và Lê Thị Bích Phượng gõ cửa một quán cà phê cóc xa lạ ở ngã ba Gia Nghĩa (Đắc Nông) để ngủ nhờ, bởi tiền túi chỉ đủ để trả cho chuyến xe đò từ Chợ Gạo (Tiền Giang) lên đây. Lúc lên xe, đôi vợ chồng này nói với nhà xe là với số tiền 250.000 đồng họ đưa, cứ tính được độ dài nào hay chừng ấy, nghĩa là có thể thả họ xuống bất kỳ đâu trên quốc lộ 14 (đường xuyên Tây nguyên, nơi hai bên là những vườn rẫy cà phê nối tiếp) khi thấy “hết tiền”.

Sáng ra, 7g15, một chủ rẫy đi ngang qua quán cà phê, được chủ quán ngoắc tay lại và chỉ vào anh Quýt, chị Phượng. Thế là đôi vợ chồng này được chấp nhận cho làm thuê và được chở vào bố trí trong một căn nhà gỗ thuộc rẫy đồi cà phê ở vùng Nghĩa Tân (Gia Nghĩa, Đắc Nông).

Cách đấy 59km, ở ngã ba Bình Thuận, Đức Mạnh, huyện Dak Mil, chuyến xe chở 56 người từ vùng Quỳnh Lộc, Quỳnh Lưu (Nghệ An) vào đổ khách xuống. Họ nằm, ngồi ngổn ngang, tựa vào nhau bên mái hiên của dãy cửa hiệu chờ trời sáng. Một số người trong số này đã đến gõ cửa nhà những chủ rẫy để ngủ nhờ qua đêm. Những người có thâm niên “thiên di” nói nếu gặp chủ tốt, thương người sẽ sẵn lòng mở cửa lúc nửa đêm.

Chỉ riêng vùng Đức Mạnh (Dak Mil), từ đầu tháng mười đến nay đã có vài chục xe đổ người từ phía bắc xuống. Cả một ngày qua lại quan sát nhóm người lưu lạc ở Đức Mạnh, tôi đếm chỉ một nửa trong số họ được các chủ rẫy bố trí công việc.

Nội dung đàm phán của các chủ rẫy với những người làm thuê thường là mức tiền công hái cà phê được trả mỗi ngày (55.000-70.000 đồng/ngày), hoặc cơm chủ lo ba bữa thì lương 1 hay 1,2 triệu đồng/tháng, nếu cơm nước tự lo có thể 1,5-1,8 triệu đồng/tháng. Những người có vóc dáng mạnh khỏe và nét mặt hiền thường được chọn trước, cứ thế chọn dần đến khi còn lại những người gầy gò, già cả.

Với nữ, những cô đen chắc, chưa chồng được chọn trước rồi sau rốt, nếu “cạn” nguồn mới đến lượt những người đã có chồng con hoặc đứng tuổi. Nếu các chủ bận bịu ở rẫy xa, không ra tự chọn được người hái thuê thì giao cho cánh xe ôm chọn giùm. Những người chạy xe ôm nói họ là “cầu nối” người lưu lạc tìm việc với hệ thống nương rẫy ở đây, cứ mỗi người làm thuê chở vào đến rẫy, họ được chủ rẫy chi 20.000-50.000 đồng, dĩ nhiên thêm vào đó là tiền đi xe ôm tính theo chiều dài đến rẫy mà những người đi tìm việc phải trả.

Những người hái cà phê thuê kể mỗi tuần họ được ra “phố” (trung tâm xã) một lần, có chủ cho hai tuần/lần. Tuy nhiên, lắm người phải lam lũ suốt ba tháng (từ tháng mười đến hết tháng mười hai) ở rẫy sâu, vì núi đồi, suối sông cách trở. Không sao, càng ít ra “phố” càng hay vì số tiền bán sức còn nguyên để mang về nhà, khỏi tiêu xài!

Phóng to
Đôi vợ chồng quê ở Tiền Giang Tô Văn Quýt và Lê Thị Bích Phượng từ đi hái cà phê thuê chuyển sang yêu nhau và cùng nhau đi làm mùa này sang mùa khác ở Tây Nguyên

Trong hành trình đi qua rẫy đồi trên cao nguyên mùa hái cà phê, tôi nhận ra ở những đoàn người hái cà phê thuê “bay” từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định... vào, dễ bắt gặp những cô gái trẻ đôi mươi. Trong khi đó, ở vùng Kiến Đức, Dak R'lấp, Gia Nghĩa, Dak Glong - những địa bàn tập trung người hái thuê ngược núi đến từ miệt sông nước miền Tây như Cà Mau, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang... - hầu như chỉ xuất hiện nam thanh niên, nếu có phụ nữ thì đó là những cặp vợ chồng nông dân nghèo lớn tuổi.

Anh chàng lái xe ôm tên Linh (là người Thạnh Phú, Bến Tre, chín năm trước cũng là người đi hái cà phê thuê) ở ngã ba Nhân Cơ (huyện Dak R'lấp, Đắc Nông) nhận định với vẻ từng trải: “Ở các đô thị dưới xuôi lẫn trên xứ cao nguyên này dễ thấy các cô gái miền Tây ở các tiệm karaoke, uốn tóc hay massage hơn trong các rẫy cà phê, anh ạ!”.

Tại những vùng trồng cà phê tôi đi qua, dễ nhận ra chất “làng xã” còn lưu cữu khá bền bỉ nơi người Việt mình. Các đồi rẫy cà phê của người Quảng Trị chỉ ưu tiên “tuyển” người hái cà phê thuê là người nói tiếng Việt giọng Quảng Trị. Rẫy của người Nam Định chỉ chọn người từ Nam Định; của người Quảng Nam, Thanh Hóa họ chỉ chọn người Quảng Nam, Thanh Hóa và nhất là vùng cà phê của người gốc Hà Tĩnh, Nghệ An thì không thể để “lọt” một người hái cà phê thuê là người có giọng khác giọng “quê mình”, cho dù chủ rẫy đã rời bản quán từ năm 1954.

Chỉ có những rẫy vườn của người Nam bộ... chấp nhận “tuyển” bất cứ người có giọng nói nào. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với những chủ rẫy là người gốc Nam bộ họ cũng bày tỏ vẫn thích giao khối của cải giữa trời (rẫy cà phê và hạt cà phê) cho người đến từ... đồng bằng sông Cửu Long và ngại nhất là người “thiên di” từ Hà Tĩnh, Nghệ An. Trong một nhóm lao động từ 5-30 người làm cho một rẫy cà phê lớn bất kỳ, dù cũng phận làm thuê như nhau nhưng người được giao “quản lý hoạt động thu hoạch” bao giờ cũng là người có giọng nói giống chủ. Các chủ rẫy nói “đó là mô hình lý tưởng!”. Họ bảo cái họ cần nhất ở người hái cà phê thuê nơi rẫy đồi xa xôi là sự trung thành, tự trọng và không trộm cắp vặt.

Ngay ở rẫy vườn, người ta vẫn cứ “đói” niềm tin vào người.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận