TTCT - Làng quê miền trung du (Village de la Moyenne Région au Tonkin) là một bức tranh sơn mài của Hoàng Tích Chù và Nguyễn Tiến Chung, kết quả của sự cộng tác hài hòa giữa hai người bạn cùng khóa 11, Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Bức tranh Làng quê miền trung du. Sơn mài vốn vẫn được cho là có tính “mỹ nghệ”, nhưng dưới những bàn tay tài hoa khéo léo của hai người bạn đồng môn, tác phẩm Làng quê miền trung du đã thực sự bước chân vào hàng “nghệ thuật”.Hoàng Tích Chù (1912-2003) theo học lớp hội họa dự bị từ năm 1929 do Nguyễn Nam Sơn hướng dẫn nhưng hoàn cảnh khó khăn, việc học dở dang, đến năm 1936 mới thi đỗ vào Trường Mỹ thuật Đông Dương, bạn bè tặng ông biệt danh “Chù già” do lớn tuổi hơn các bạn.Tốt nghiệp năm 1941, đứng thứ nhì sau Nguyễn Văn Tỵ, ông mở xưởng ở phố Hàng Khoai (1), làm sơn mài theo đơn đặt hàng của Cooperative des Artistes Indochinois (Hợp tác xã các nghệ sĩ Đông Dương, do Joseph Inguimberty lãnh đạo và Trần Văn Cẩn điều hành). Bút pháp nghệ thuật của Hoàng Tích Chù chịu nhiều âm hưởng thi ca nghệ thuật dân gian, đưa ông đến danh hiệu “bậc thầy trữ tình trong hội họa sơn mài”.Nguyễn Tiến Chung (1914-1976) có năng khiếu hội họa từ thuở bé, thi đậu vào Trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1936, cùng khóa 11 với Hoàng Tích Chù, Nguyễn Văn Tỵ, Bùi Trang Chước... Ông rất thành công ở những tranh mang đậm tính Á Đông, diễn tả nông dân, làng thôn với những cánh đồng vàng rực, mây núi ngút ngàn, phong cảnh những ngôi chùa lặng lẽ, hoặc thiếu nữ thị thành lãng mạn mộng ảo...Ông nổi tiếng trong tranh lụa với những tạo nét tạo hình vững vàng. Tài nghệ ấy, cùng kỹ thuật sơn mài xuất sắc của Hoàng Tích Chù, đã cho ra đời những tác phẩm làm kinh ngạc giới thưởng ngoạn nghệ thuật thời bấy giờ. Làng quê miền trung du là một trong những kết hợp hiếm hoi của hai danh họa nói trên.Sơn ta - một chất liệu cổ truyền - từng có địa vị nghệ thuật vững chắc và phong phú trong sự kết hợp với kiến trúc và điêu khắc, trong các công trình văn hóa tâm linh như đền, chùa, tượng đài, hoành phi, câu đối... Nhưng thị hiếu sơn mài tại Pháp vào những năm 1920, tiếp theo đó là sự thành lập xưởng sơn mài của Jean Dunand (1877-1942) (2) tại Paris với những người thợ tuyển đến từ Đông Dương đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển của ngành sơn mài tại Việt Nam.Khoa sơn mài được đưa vào giảng dạy tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khoảng năm 1927, do Joseph Inguimberty phụ trách, Alix Aymé giúp đỡ về phương pháp tiến hành, nhưng sơn mài chỉ được chính thức chấp nhận một cách rõ ràng theo cải cách Trường Mỹ thuật Đông Dương trong nghị định do toàn quyền Đông Dương Jules Brévié ký ngày 24-5-1938.Cải cách Trường Mỹ thuật Đông Dương, toàn quyền Jules Brévié ký ngày 24-5-1938, (theo báo “Le Nouvelliste d'Indochine”, ngày 8-1-1939, trang 02). Thực hiện vào thời kỳ vàng son của sơn mài Việt Nam, Làng quê miền trung du ra đời cùng năm với những tác phẩm khác của Hoàng Tích Chù và Nguyễn Tiến Chung, như Phong cảnh trung du (La moyenne région, sơn mài, 100x150cm, 1942), Giáng Sinh (La Nativité, sơn mài, 224x146cm, 1942-1943)...Trích đoạn bức tranh Làng quê miền trung du. Với kích thước 60x100cm, Làng quê miền trung du được thể hiện theo thể loại tranh đứng kakémono (3), diễn tả sự hùng vĩ của thiên nhiên. Đứng trước tác phẩm này, người xem có một cảm giác yên bình ấm áp. Làng quê được diễn tả bằng một góc nhà sàn ẩn hiện sau hàng cây chuối, bao bọc bằng một hàng rào phên nứa, có đám gà luẩn quẩn, có con heo thả rông chạy hẳn ra ngoài phên, chủ nhà đeo gùi đang cố gắng điều khiển con ngựa không chịu về nhà.Trời đang chiều ư? Xa xa, bóng núi chập chùng mờ mịt dưới áng mây vàng bảng lảng. Những hàng cau vươn mình theo phong cách art-déco, tạo nên những đường nét mềm mại uyển chuyển, bức kakémono như thêm cao vun vút...Tranh có bố cục rất vững vàng, độ viễn cận được tôn trọng, thể hiện rõ ràng chiều sâu của tranh. Nhưng hai điểm đáng lưu ý nhất: Một là, nó được thực hiện với những nguyên liệu thuần túy tự nhiên như gỗ, nhựa cây sơn, vàng lá, cát và vỏ trứng.Những mảng vàng được dát lên tạo ra một thứ ánh sáng có màu sắc huyền hoặc, làm nên bóng nắng chiều khi ẩn khi hiện sau những ngọn núi mờ xa, hắt vào những hàng cau bừng lên trên nền son đỏ, nâu đen. Vỏ trứng được cẩn lên thân ngựa và con heo nhỏ, điểm xuyết trên một vài bông hoa, tạo nên tính linh động nhẹ nhàng...Thứ hai, khi sờ vào tranh, ta sẽ nhận ra một kỹ thuật rất độc đáo, tranh không hoàn toàn được mài bằng phẳng mà có những chỗ được chạm nổi lên rất nhẹ, tại thân cau, trên vài nhánh lá... như những bas-rélief. Phía dưới, bên trái bức tranh là chữ ký của hai họa sĩ và năm sáng tác, được khắc chìm vào trong tranh.Triển lãm sơn mài của cựu sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương tại Viện Đại học Đông Dương, Hà Nội năm 1937, (theo báo “Le Populaire”, ngày 26-1-1939, trang 04). Bức tranh thuộc sưu tập của hoàng đế Bảo Đại. Vào khoảng cuối thập niên 1950, ông Lê Thanh Cảnh (4) giữ chức vụ đổng lý văn phòng của hoàng đế Bảo Đại và được hoàng thượng tặng bức tranh Làng quê miền trung du làm quà. Về sau, năm 1982, tranh vào bộ sưu tập tư nhân (của một cựu giáo sư triết học Trường ĐH Minh Đức, Sài Gòn) và chuyển sang Pháp vào năm 1983.Ngày 25-6-2018, Làng quê miền trung du của Hoàng Tích Chù và Nguyễn Tiến Chung được đưa lên sàn đấu giá của nhà Aguttes Paris. Uớc giá là 50.000-80.000€, cuối cùng, giá gõ búa là 175.000€ (cộng 28% phí). Gần một năm trước, ngày 28-5-2017, tác phẩm sơn mài Phong cảnh trung du của Hoàng Tích Chù và Nguyễn Tiến Chung cũng đã được nhà đấu giá Christie's Hong-Kong ước giá 36.107/ 46.423 USD, cuối cùng giá gõ búa là 595.771 USD.Người ta hay nói “trung thi hữu họa”, trong bài thơ ẩn hiện bức tranh. Có ai như tôi, một người tha hương, nghe thấy đâu đó từ “Làng quê miền trung du” tỏa ra những tiếng vọng ngọt ngào êm dịu, vẳng lại đâu đây điệu ru huyền hoặc thổn thức của một bài thơ quê hương?■(*) NHÀ NGHIÊN CỨU MỸ THUẬT, TỪ PARIS.Chú thích:(1): Lúc ấy cả Hà Nội chỉ có bốn xưởng sơn mài: Phạm Hậu, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Văn Tỵ và Hoàng Tích Chù (“Vĩnh biệt họa sĩ Hoàng Tích Chù - người thầy của nghệ thuật sơn mài”, Thuận Thiên, báo Lao Động số ra ngày 24-10-2003).(2): Jean Dunand tên thật là Jules-John Dunand, một nghệ sĩ người Pháp gốc Thụy Sĩ, năm 1904 là hội viên Hội Mỹ thuật quốc gia Pháp (Société Nationale des Beaux Arts), nhập tịch Pháp năm 1922. Ông nổi tiếng trong nghệ thuật điêu khắc, hội họa, đồ đồng và nhất là sơn mài. “Jean Dunand là một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất trong thời Art-Deco” (Félix Marcilhac, “Jean Dunand. Vie et œuvre”, NXB Amateur, 1991). Cuộc gặp gỡ với nghệ nhân sơn mài Nhật Bản Seizo Sugawara vào năm 1912 tại Paris đã thay đổi cuộc đời của Jean Dunand. Sugawara dạy Dunand kỹ thuật sơn mài, đổi lấy kiến thức và kinh nghiệm đúc đồng. Jean Dunand qua đời ngày 7-6-1942 tại Paris, ở tuổi 65. Tác phẩm cuối cùng là một bức sơn mài cẩn trứng Dunand đang thực hiện dang dở.(3): Người Nhật gọi là “Kakémono” (tableau à suspendre), người Pháp gọi là “perspective atmosphérique” cho những tranh có bố cục đứng theo cách vẽ “Thấu thị phi điểu”, 透視飛鳥, là lối cấu trúc không gian như nhìn từ trên lưng một con vật đang bay nhìn xuống, hình ảnh trong tranh từ gần đến xa đều bằng nhau và như chồng lên nhau theo hàng dọc, cảnh này đặt lên trên cảnh kia, sắp xếp thành tầng tầng lớp lớp, đường chân trời được tượng trưng rất cao để diễn tả một cái nhìn sâu thẳm, bức tranh trở nên hẹp. Tiêu biểu cho lối cấu trúc này là thể loại tranh đứng, miêu tả sự hùng vĩ của thiên nhiên.(4): Lê Thanh Cảnh sinh năm 1893, là bạn học cùng lớp với Nguyễn Sinh Cung (Hồ Chí Minh) tại lớp trung học đệ nhị niên của Trường Quốc học Huế thời kỳ 1907-1909. Năm 1937, ông trúng cử Viện Dân biểu Trung Kỳ và là ủy viên thường trực. Về sau, ông là đổng lý văn phòng của Bảo Đại. Tags: Hoàng Tích ChùLàng quê miền trung du.Bức tranh Làng quê miền trung duNguyễn Tiến Chung
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Doanh thu cơ quan báo chí giảm mạnh, cần ưu đãi sâu về thuế thu nhập TIẾN LONG 22/11/2024 Cơ quan báo chí, truyền thông hiện đang khó khăn cần chính sách ưu đãi ở mức không chịu hoặc chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp nhất.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Gần 150 bộ hài cốt ở phố Tây Sơn không phải của binh lính nhà Thanh PHẠM TUẤN 22/11/2024 Ngày 22-11, nhà chức trách cho biết gần 150 bộ hài cốt phát hiện trên phố Tây Sơn, Hà Nội là của người dân bình thường, được chôn cất ở đây từ 50-70 năm.