Vaccine cúm - Một trợ thủ cho ta trong đại dịch covid

XUÂN MINH 20/09/2021 00:55 GMT+7

TTCT - Các nghiên cứu riêng biệt tại Brazil, Anh, Mỹ cùng dẫn đến một kết quả bất ngờ: vaccine cúm có thể giảm triệu chứng nhiễm COVID-19 nặng. Dù vậy, các nhà khoa học không khuyến khích thay thế vaccine COVID-19 với vaccine cúm.

 
 

 Vaccine cúm có những tác dụng gì?

Một nghiên cứu lớn, phân tích dữ liệu của 75.000 bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Anh, Mỹ và nhiều nơi khác cho thấy những người tiêm vaccine cúm dường như được bảo vệ một phần trước các tác động nghiêm trọng của virus SARS-CoV-2 và do đó ít phải nhập viện cấp cứu hơn.

Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu so sánh hồ sơ y tế điện tử của 37.377 người nhiễm COVID-19 có tiêm vaccine cúm với một nhóm tương đồng về số lượng, nhiễm COVID-19 nhưng không tiêm vaccine cúm.

Các bệnh nhân trong cả hai nhóm còn tương đồng chặt chẽ về tuổi tác, giới tính, sắc tộc, các vấn đề sức khỏe như đái tháo đường, bệnh phổi, các thói quen về lối sống như chế độ ăn, thói quen hút hoặc không hút thuốc.

Các nhà khoa học cũng phân tích tần suất các bệnh nhân này bị bất kỳ vấn đề nào trong 15 tác động sức khỏe nguy hiểm tiềm ẩn sau khi nhiễm COVID-19 như vấn đề về cục máu đông, đau tim, suy thận, suy hô hấp... trong 4 tháng.

Kết quả cho thấy vaccine cúm có thể bảo vệ bệnh nhân trước một số vấn đề sức khỏe do COVID-19 gây ra. Những người có tiêm vaccine cúm giảm đáng kể tình trạng đột quỵ, huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) và nhiễm khuẩn huyết, ít phải nhập viện cấp cứu hoặc điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt hơn.

Những bệnh nhân COVID-19 không tiêm phòng cúm có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn từ 45 - 58%, khả năng bị chứng DVT cao hơn khoảng 40%, khả năng bị nhiễm trùng huyết cao hơn từ 36 - 45%. Họ cũng có nhiều khả năng bệnh nặng, phải sử dụng phòng chăm sóc đặc biệt và đi cấp cứu thường xuyên hơn. Nghiên cứu không thấy vaccine cúm giúp làm giảm các ca tử vong do COVID-19.

Lý giải về kết quả này, Devinder Singh, giáo sư về phẫu thuật lâm sàng của Đại học Miami, Mỹ và là tác giả nghiên cứu, cho rằng có thể vaccine cúm cung cấp một số sự bảo vệ chống lại virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 bằng cách tăng cường hệ miễn dịch - hệ thống phòng thủ chung của cơ thể. Cũng có thể những người đã tiêm vaccine cúm có sức khỏe tổng quát tốt hơn những người không tiêm.

Giáo sư Peter Openshaw, thành viên nhóm tư vấn về virus gây bệnh hô hấp mới của Chính phủ Anh, cũng cho rằng có thể vaccine cúm kích hoạt hệ miễn dịch chung và mang lợi ích như nghiên cứu chỉ ra. Tuy nhiên, chưa thể biết liên hệ này có quan hệ nhân quả không, hay một yếu tố chung nào đó, như tác động của giãn cách xã hội, tạo ra tác dụng này. Hoặc những người tiêm ngừa cúm có thể có sức khỏe tốt hơn”.

 
 

 Vaccine cúm giảm nguy cơ nhiễm COVID-19

Một nghiên cứu cắt ngang bằng phương pháp hồi cứu với dữ liệu từ ngày 1-7-2019 đến 30-6-2020 của 56 triệu người từ 65 tuổi trở lên ở Mỹ cũng cho thấy nguy cơ nhiễm COVID-19 giữa nhóm tiêm phòng cúm và nhóm không tiêm phòng cúm có khác biệt mang ý nghĩa thống kê.

Trong nghiên cứu, những người tiêm vaccine cúm giảm được 24% khả năng nhiễm COVID-19 và giảm 28% khả năng bị COVID-19 nặng. Kết quả này gợi ý rằng vaccine cúm dường như bảo vệ người được tiêm khỏi COVID-19 bằng cách kích thích các phản ứng miễn dịch chung, từ đó bảo vệ cơ thể trước COVID-19.

Tuy nhiên, cũng tương tự như nghiên cứu trên, có thể người tiêm vaccine cúm cơ bản khỏe mạnh hơn hoặc những người chọn tiêm vaccine cúm bảo vệ họ khỏi nhiễm COVID-19 hoặc giảm rủi ro bệnh nặng tốt hơn.

Trong nghiên cứu tại Brazil nhằm tìm mối liên hệ giữa việc tiêm vaccine cúm với các ca tử vong hoặc nhập viện do COVID-19, các nhà nghiên cứu đã sử dụng thông tin của 53.752 bệnh nhân nhập viện do COVID-19 tại Brazil từ ngày 1-1 đến 23-6-2020. Thông tin về tiêm vaccine cúm được lấy từ cơ sở dữ liệu quốc gia của Brazil về bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trong cùng thời gian.

Kết quả, có bằng chứng mạnh rằng những người có nguy cơ nhiễm COVID-19 nặng có thể được bảo vệ nhờ vaccine cúm. Bệnh nhân đã tiêm vaccine cúm có cơ hội vượt qua COVID-19 cao hơn đáng kể và cũng ít cần nhập viện điều trị đặc biệt so những bệnh nhân không tiêm vaccine cúm.

Với tư cách là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới xem xét quan hệ giữa tiêm vaccine cúm và nguy cơ bị bệnh COVID-19 nặng hoặc tử vong, các nhà nghiên cứu ở Brazil cho biết các chính phủ có thể khuyến khích tiêm vaccine ngừa cúm quy mô lớn, đặc biệt là ở những nhóm có nguy cơ cao bị nhiễm COVID-19 nặng. Việc tiêm vaccine cúm có thể giúp giảm gánh nặng tổng thể của các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trong mùa cúm và bảo vệ hệ thống y tế.

Dĩ nhiên, cách tốt nhất để bảo vệ bản thân với COVID-19 vẫn là tiêm vaccine COVID-19 hiện đã được các quốc gia phê duyệt. Dịch vụ y tế quốc gia Anh đang chuẩn bị cho việc triển khai tiêm bổ sung bằng mũi tiêm COVID-19 thứ ba và tiêm phòng cúm hằng năm từ tháng 9-2021.

Vaccine cúm có thể hữu ích với các nước không thể cạnh tranh trong việc mua vaccine COVID-19 hoặc tại những nơi mà bệnh cúm và COVID-19 đồng thời xảy ra, khiến hệ thống y tế bị quá tải.

Giáo sư Singh, Đại học Miami, nhấn mạnh: “Phát hiện của nghiên cứu không có nghĩa vaccine cúm có thể dùng thay thế cho vaccine COVID-19”.

Một khuyến cáo về việc tiêm

Ngày 24-5-2021, Hãng Pfizer thông báo bắt đầu tiến hành thử nghiệm mới về kết hợp vaccine liên hợp phế cầu khuẩn 20 valent (20vPnC) với liều thứ 3 của vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech ở người từ 65 tuổi trở lên đã tiêm 2 liều vaccine COVID-19.

Mục tiêu của thử nghiệm là xác định tính an toàn khi tiêm hai loại vaccine đồng thời (nhưng không phải 2 trong 1). Mục tiêu thứ hai là ghi nhận các phản ứng miễn dịch được tạo ra bởi từng loại vaccine. Nếu được chứng minh là an toàn, vaccine liên hợp phế cầu khuẩn 20 valent và liều thứ ba của vaccine COVID-19 của Pfizer có thể được tiêm trong cùng một lần đi tiêm.

600 tình nguyện phải đáp ứng điều kiện là đã tiêm đủ 2 liều vaccine COVID-19 ít nhất 6 tháng trước. Họ sẽ được theo dõi 6 tháng sau khi tiêm. Các tình nguyện viên được chia thành 3 nhóm: Nhóm 1 tiêm vaccine 20vPnC kết hợp vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech liều thứ ba. Nhóm 2 tiêm vaccine 20vPnC và giả dược. Nhóm 3 tiêm vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech (mũi thứ 3) và giả dược.

Tháng 2-2021, Cơ quan Quản lý dược châu Âu (EMA) cũng đã chấp nhận đơn đăng ký cấp phép tiếp thị của Pfizer với vaccine 20vPnC để phòng các bệnh xâm lấn và viêm phổi do các chủng huyết thanh Streptococcus pneumoniae gây ra ở người từ 18 tuổi trở lên. Vaccine 20vPnC đã được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt tháng 6-2021.

TS.BS Nguyễn Huy Luân - trưởng phòng khám nhi – tiêm ngừa (Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM) - cho biết cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên, thường vào mùa đông xuân. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Bệnh tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những trẻ nhỏ, trẻ sinh non, người lớn tuổi hoặc những người có bệnh lý nền như tim bẩm sinh, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch...

Theo bác sĩ Luân, vào thời tiết giao mùa, số người mắc các bệnh đường hô hấp tăng cao, trong đó bệnh cúm và các bệnh do phế cầu chiếm tỉ lệ đáng kể. Trên thế giới, hằng năm có khoảng 1,6 triệu người chết do phế cầu và khoảng nửa triệu người chết do cúm mùa. Phế cầu khuẩn cũng là nguyên nhân chính của viêm phổi lây nhiễm cộng đồng, viêm màng não, nhiễm trùng huyết ở cả trẻ em và người lớn.

Nghiên cứu cũng cho thấy tỉ lệ nhập viện và tử vong do phế cầu càng tăng cao ở những người bị mắc bệnh cúm. Ngoài ra, tỉ lệ đồng nhiễm virus cúm và SARS-CoV-2 làm tăng nguy cơ nhập viện; người mắc COVID-19 dễ biến chứng nặng khi chưa được tiêm vaccine cúm. 

“Hiện nay đã có vaccine phòng cúm mùa và vaccine phòng các bệnh do phế cầu. Dù chưa đánh giá được mối liên quan nhưng nghiên cứu cho thấy người mắc COVID-19 nếu được tiêm ngừa cúm thì tỉ lệ bệnh nhẹ hơn, có cơ hội đương đầu với bệnh tốt hơn người chưa tiêm” - bác sĩ Luân nói. 

Điều cần lưu ý không nên tiêm cùng thời điểm tiêm với vaccine COVID-19, nên tiêm trước đó vài ngày.

HOÀNG LỘC

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận