​Đọc kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học 2015: Quan ngại cho tương lai khoa học

NGUYỄN VĂN TUẤN 07/08/2015 21:08 GMT+7

TTCT - Gần 817.000 thí sinh trong khoảng 1 triệu thí sinh dự kỳ thi quốc gia đã đậu tốt nghiệp THPT. Điểm đáng chú ý năm nay là số thí sinh thi các môn khác nhau khá lớn.


Phân bố điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2015 các môn toán, lý, hóa, sinh, sử, ngữ văn, ngoại ngữ và địa lý

Các môn học bắt buộc như toán và ngữ văn có số thí sinh cao nhất (671.149 thí sinh môn toán và 610.928 thí sinh ngữ văn), trong khi số thí sinh môn sử chỉ khoảng 115.000 (bằng 14% tổng số thí sinh tốt nghiệp THPT).

Toán thấp, Anh xoàng

Điều đáng quan ngại là số thí sinh chọn các môn khoa học cơ bản khá thấp. Số thí sinh môn vật lý (408.000) và hóa học (406.000) chỉ bằng khoảng phân nửa tổng số thí sinh. Riêng môn sinh học chỉ có khoảng 204.000 thí sinh dự thi, chỉ bằng 30% số thí sinh môn toán. 

Dĩ nhiên, do thí sinh dự thi theo ban và môn sinh học nằm trong ban B (toán - hóa - sinh) nên cũng có thể hiểu được số thí sinh môn này thấp. Tuy nhiên, so với tình hình ở nước ngoài (như Úc chẳng hạn) thì số thí sinh môn sinh học cao xấp xỉ 60-70% số thí sinh môn toán.

Điểm trung bình cũng rất khác nhau giữa các môn học. Điểm trung bình môn toán là 5,5, nhưng với độ lệch chuẩn 2,06, chứng tỏ có sự khác biệt lớn giữa các thí sinh về điểm môn toán. Chỉ có 57% thí sinh có điểm toán cao hơn 5. Tính trung bình, điểm trung bình của môn hóa học là cao nhất (6,25 điểm), tiếp theo là vật lý và địa lý (xấp xỉ 6 điểm). Trên 70% thí sinh có điểm cao hơn 5 ở các môn toán, hóa và vật lý.

Môn có điểm thấp nhất là tiếng Anh (trung bình chỉ 3,25 điểm). Chỉ có 20% thí sinh môn tiếng Anh có điểm cao hơn 5. Một môn học khác cũng có điểm thấp là sinh học, với trung bình 4,75 điểm, và gần 60% thí sinh có điểm bằng hoặc thấp hơn 5.

Theo một quan chức Bộ GD-ĐT, đề thi năm nay được thiết kế với 40% kiến thức nâng cao, chỉ có các thí sinh khá và giỏi mới làm được. Phân tích thêm cho thấy đối với môn toán, 60% thí sinh có điểm 6 hoặc thấp hơn, hay nói cách khác chỉ có 40% thí sinh có điểm toán cao hơn hoặc bằng 6. 

Những số liệu này cho thấy thiết kế đề thi môn toán có vẻ đạt yêu cầu 40% nâng cao, nhưng đối với các môn khác như ngữ văn, và đặc biệt là tiếng Anh, thì chưa đạt yêu cầu đó.

Điểm thi của tất cả các môn, đặc biệt là môn toán, đều không tuân theo luật phân bố chuẩn. Phân bố điểm tiếng Anh, vật lý đều lệch hẳn về phía các điểm thấp.

Thông thường, nếu đề thi được soạn cẩn thận và có kiểm định trước khi đưa ra thi thì điểm thi gần như tuân theo luật phân bố chuẩn (có đặc điểm là đa số thí sinh tập trung ở chính giữa thang điểm, và hai bên - nhóm điểm thấp và nhóm điểm cao - cân đối xung quanh điểm trung bình). Điều này có thể hiểu được vì đề thi được soạn với những câu hỏi từ dễ đến khó, nhưng phù hợp với khả năng của đa số thí sinh.

Tuy nhiên, điểm thi năm nay, nhất là điểm môn toán, có sự phân bố rất bất bình thường. Điều này có thể nói lên rằng cách ra đề thi có vấn đề và không phù hợp với trình độ thật của đa số thí sinh. 

Nhưng không chỉ riêng môn toán mà hầu hết các môn khác (có lẽ ngoại trừ môn sử), nhất là ngoại ngữ, cũng đều có phân bố không chuẩn. Dù trong thực tế cũng có trường hợp điểm không tuân theo luật phân bố chuẩn, nhưng với cỡ mẫu hàng trăm ngàn thí sinh thì phân bố chuẩn thường là quy luật.

Tín hiệu về một nền khoa học mất cân bằng

Có diễn giải rằng tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay là xấp xỉ 92% phản ánh đúng hơn kết quả học tập của học sinh. Tuy nhiên, nếu chỉ so sánh với tỉ lệ tốt nghiệp năm ngoái (97%) thì chưa đủ để phát biểu rằng kết quả kỳ thi năm nay phản ánh đúng kết quả học tập, bởi vì khái niệm “đúng” không chỉ đơn giản dựa vào sự khác biệt về điểm trung bình theo thời gian.

Rất khó biết kết quả kỳ thi năm nay phản ánh đúng năng lực thật của học sinh hay không, vì chưa có những dữ liệu về độ tin cậy và mức độ chính xác của các đề thi và câu hỏi thi. Tin cậy và chính xác là vấn đề khoa học rất quan trọng trong việc ra đề thi, đòi hỏi nhiều nghiên cứu hơn trong tương lai để tránh những ảnh hưởng xấu đến tương lai của thí sinh.

Điều đáng nói là con số thí sinh chọn các môn khoa học tự nhiên là đáng quan tâm. Dù việc lựa chọn môn học và ban học là quyết định cá nhân, nhưng quyết định đó cũng phản ánh một phần quá trình giảng dạy và chuyển giao kiến thức. Chẳng hạn như đối với sinh học, một môn học quan trọng nhưng phức tạp, học sinh phải làm quen với thí nghiệm, phân tích và diễn giải dữ liệu.

Trong khi đó, phần lớn học sinh Việt Nam không có điều kiện để làm thí nghiệm hay tiếp cận với phòng thí nghiệm, hệ quả là các em phải “học chay”, học một cách trừu tượng. Cách học đó có thể làm học sinh chán và không muốn theo đuổi môn học quan trọng này.

Nhưng các môn như sinh, hóa, lý lại là những môn học quan trọng cho tương lai nền khoa học nước nhà. Do đó, con số thí sinh các môn khoa học cơ bản năm nay (và có lẽ cũng giống như các năm trước) là một tín hiệu cho thấy trước một nền khoa học mất cân bằng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận