Đồng tiền tiết kiệm sẽ đi về đâu?

HỒ QUỐC TUẤN 23/01/2016 18:01 GMT+7

TTCT - Ngân hàng Nhà nước đang tính đến chuyện buộc người gửi ngoại tệ ở ngân hàng phải trả phí, một chính sách nhắm đến việc giảm đôla hóa trong nền kinh tế. Việc này sẽ tác động đến đồng tiền tết kiệm ra sao?

Gửi USD tại ngân hàng sẽ bị thu phí là chuyện thực tế trong tương lai?  -Thanh Tùng
Gửi USD tại ngân hàng sẽ bị thu phí là chuyện thực tế trong tương lai? -Thanh Tùng

Vào những ngày cuối năm 2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã phát đi thông điệp sắp tới gửi ngoại tệ có thể phải trả phí. Trao đổi của thống đốc với báo Tuổi Trẻ ngày 28-12-2015 cho thấy mấy điểm căn bản trong quan điểm chính sách của NHNN.

Trước tiên, mục tiêu của chính sách này là hướng tới của chính sách hiện tại là để giảm đôla hóa trong nền kinh tế, chuyển quan hệ vay và gửi ngoại tệ sang quan hệ mua - bán. Điều này cũng tương tự NHNN đã làm với vàng là chấm dứt chuyện huy động vốn bằng vàng trong ngân hàng và gửi vàng ở ngân hàng thì phải trả phí giữ hộ vàng thay vì lãnh lãi.

Việc kéo lãi suất đôla Mỹ về 0% và bây giờ còn tính tới chuyện buộc người gửi tiền phải trả phí nằm trong một loạt chính sách của NHNN nhằm tiến tới giảm găm giữ ngoại tệ trong nền kinh tế, củng cố niềm tin vào đồng nội tệ và thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam chỉ dùng đồng nội tệ. Tuy nhiên, nếu muốn thực hiện gửi USD cũng phải trả phí như gửi vàng thì còn nhiều điều cần cân nhắc.

Thành công với vàng, “đô” vẫn là dấu hỏi

Điều mà NHNN gọi là thành công với chính sách về vàng có sự hỗ trợ rất nhiều từ việc giá vàng thế giới đi vào chu kỳ giảm giá dài hạn mấy năm qua. Giả sử giá vàng thế giới biến động mạnh và tăng ào ạt như trước đó vài năm thì liệu chính sách về vàng của NHNN thành công hay không vẫn là một câu hỏi.

Mặt khác, NHNN có thể độc quyền sản xuất vàng miếng. Như vậy, vấn đề cốt lõi của chính sách với vàng là về thời điểm áp dụng chính sách và khả năng kiểm soát nguồn cung vàng. Hai yếu tố này đều thiếu với chính sách với đồng đôla Mỹ.

Về thời điểm, hiện tại Việt Nam đã quay lại với tình trạng nhập siêu. Hơn nữa mẫu hình nhập siêu lại không cân bằng: một bộ phận lớn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì xuất siêu, trong khi nhiều doanh nghiệp nội lại nhập siêu.

Điều này khiến nhu cầu ngoại tệ trở nên căng thẳng với bộ phận doanh nghiệp nội địa phải nhập khẩu nhiều nhưng không đủ nguồn thu bằng đôla. Do đó sức ép tăng giá của đôla Mỹ cũng lớn hơn ở một số thời điểm trong năm. Tình trạng này nhiều khả năng sẽ lặp lại trong năm 2016, và nhiều tổ chức nước ngoài đã dự báo tiền đồng Việt Nam (VND) sẽ tiếp tục mất giá so với đôla Mỹ.

Như vậy, khác với chính sách về vàng đưa ra vào thời điểm vàng mất giá, chính sách về gửi tiết kiệm phải trả phí đối với đôla Mỹ là bất lợi hơn về thời điểm nếu được áp dụng trong thời gian gần sắp tới, khi mà VND được dự báo sẽ tiếp tục mất giá với đôla Mỹ.

Trong khi đó, NHNN không thể độc quyền về đôla Mỹ như với vàng miếng. Đơn giản là vì NHNN không thể quy định chỉ có đôla Mỹ do NHNN cung cấp là được giao dịch hợp pháp và công nhận. Do đó, những biến động trên thị trường đôla tự do nằm ngoài tầm kiểm soát của NHNN hơn nhiều so với vàng miếng. Điều đó đồng nghĩa là người dân, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp có nhiều cách để “lách” quy định của NHNN hơn so với vàng.

Nói như vậy để thấy khả năng thành công của chính sách gửi đôla Mỹ phải trả phí sẽ thấp hơn so với chính sách về vàng.

Có ai lo người gửi tiết kiệm tổn thương?

Chính sách gửi đôla Mỹ phải trả phí nhiều khả năng sẽ làm khổ người tiết kiệm, nhất là người ít tiền. Điều này mới quan trọng. Trong những trao đổi về chính sách, nhiều chuyên gia đã quá chú trọng đến vai trò găm giữ đôla Mỹ kiếm lợi của người đầu cơ mà quên mất bộ phận quan trọng nhất và bị ảnh hưởng xấu nhất của chính sách: người tiết kiệm, nhất là người có ít tiền.

Với người đầu cơ, khi bị chặn đầu làm ăn này, họ sẽ tìm đầu làm ăn khác, chẳng hạn với cổ phiếu, với nhà đất, với những loại hình đầu tư, thậm chí là cá cược dựa trên biến động giá cả khác sắp ra đời. Nhưng với người gửi tiền bình thường, buộc họ gửi đôla Mỹ không lãi suất vào ngân hàng, nay lại buộc họ phải trả phí thì chắc là khổ sở.

Vấn đề cốt lõi là làm sao cho đồng tiền nội tệ không mất giá quá nhiều như những năm trước. Với người dân bình thường, họ không quan tâm và cũng thiếu thông tin để đánh giá sự khác biệt trong chính sách tiền tệ giữa các thời kỳ như thế nào, họ chỉ hiểu là đồng nội tệ mất giá nhiều theo năm tháng.

Vì vậy, trường hợp gửi ngoại tệ phải trả phí xảy ra, hoàn toàn có thể người dân sẽ không chuyển hết các khoản tiết kiệm sang kênh nội tệ như người làm chính sách dự báo. Thay vào đó, nhiều người sẽ đem về cất giữ trong nhà. Rủi ro của việc giữ nhiều tài sản ở nhà là không nhỏ.

Đáng lo hơn nữa khi kênh tiết kiệm chính thức bị giới hạn, và khi giữ tiền ở nhà ngày càng ít an toàn, người dân có thể chuyển sang gửi tiền đôla ở kênh không chính thức, thậm chí là bất hợp pháp (chẳng hạn chuyển lậu ra gửi ở nước ngoài, hay bị lường gạt gửi đôla lãi suất cao với những tổ chức không có uy tín). Khi đó rủi ro họ bị lừa gạt hoặc bị vướng vào những rủi ro pháp lý là lớn hơn nhiều. Người làm chính sách phải lường trước rủi ro có thể xảy ra khi chính sách đi vào cuộc sống để cân nhắc.

Mặt khác, khi chính sách không hợp với nhu cầu của xã hội cũng có thể khiến ngân hàng thương mại và các tổ chức khác lách luật, buôn lậu ngoại tệ có cơ hội ngóc đầu dậy, cũng như khiến nguồn kiều hối có thể đi theo những kênh không chính thức.

Đôla Mỹ không vào ngân hàng mà trôi nổi bên ngoài có thể sẽ tạo ra những hệ quả khó có thể ngờ được. Một khi thị trường phi chính thức phức tạp hơn xuất hiện, NHNN cũng như cơ quan công an đương nhiên sẽ phải có nhiều việc để làm hơn. Khi đó, mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam chỉ dùng đồng Việt Nam liệu có thành hiện thực? Và tình trạng đó chắc chắn càng không giúp ổn định niềm tin vào đồng nội tệ.

Tóm lại, chính sách của NHNN hướng tới giảm găm giữ ngoại tệ trong nền kinh tế, củng cố niềm tin vào đồng nội tệ là có dụng ý tốt. Nhưng chọn thời điểm nào để thực hiện, cách làm nào ít khổ dân là quan trọng. Người làm chính sách vẫn mong mỏi tận dụng và khai thác hiệu quả nguồn tiền trong dân đưa vào nền kinh tế. Về nguyên tắc, nơi nào đủ an toàn và sinh lợi, người giữ tiền sẽ đầu tư.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận