TTCT - Quá trình điều trị bệnh nhân phẫu thuật tim hở cần có sự phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng của nhiều chuyên ngành như nội tim mạch, chẩn đoán hình ảnh, gây mê tim, tim phổi nhân tạo, phẫu thuật tim, hồi sức tim... Bệnh nhân được hỗ trợ tập bài tập vai (ảnh chụp tại bv Đại học Y dược TP.HCM). Ảnh: Huỳnh Thị Minh Thùy Một chuyên ngành khác, ngày càng được quan tâm nhiều hơn là vật lý trị liệu. Vật lý trị liệu sẽ giúp rút ngắn quá trình hồi phục và phòng ngừa các biến chứng hậu phẫu. Các kỹ thuật viên vật lý trị liệu là người hướng dẫn và giúp đỡ người bệnh tập luyện vào thời điểm trước và sau phẫu thuật. Các bài tập có thể khác nhau ở các trung tâm phẫu thuật tim mạch khác nhau, tuy nhiên tất cả đều xoay quanh mục đích giúp người bệnh tập thở, tập vận động và có cách thức sinh hoạt đúng đắn. Tập thở, tại sao? Trong phẫu thuật tim hở, có nhiều yếu tố góp phần vào việc ảnh hưởng đến chức năng hô hấp hoặc gây ra những biến chứng về hô hấp: - Trong phòng mổ, bệnh nhân cần được gây mê toàn thân. Khí gây mê và ống nội khí quản đặt vào đường thở sẽ làm cho người bệnh tăng tiết nhiều đàm và chất nhầy trong đường hô hấp vào giai đoạn hậu phẫu. Đàm cũng trở nên đặc và dính hơn nên khó ho khạc ra hơn. Những người hút thuốc hoặc có bệnh phổi mãn tính sẽ còn tăng tiết đàm nhầy nhiều hơn nữa. - Trong quá trình phẫu thuật, khi mà máy tim phổi nhân tạo hoạt động để làm thay nhiệm vụ của tim và phổi, phổi của người bệnh sẽ được làm xẹp hoàn toàn và như vậy, sau phẫu thuật, phổi cần có thời gian để giãn nở, hồi phục chức năng. - Ở giai đoạn hậu phẫu, vết mổ sẽ rất đau. Bên cạnh đó, có những ống dẫn lưu đặt trong lồng ngực hoặc khoang màng phổi của người bệnh. Những yếu tố trên khiến cho người bệnh không dám cử động mạnh, không thể ho khạc đàm tích cực hoặc hít thở sâu. Hậu quả là đàm nhầy bị ứ đọng trong đường hô hấp và chức năng phổi chậm hồi phục, thậm chí tăng nguy cơ gặp phải biến chứng về hô hấp, viêm phổi, xẹp phổi... - Việc phải nằm trên giường bệnh dài ngày cũng là yếu tố làm tăng tình trạng ứ đọng đàm nhầy. Vì vậy, vào giai đoạn hậu phẫu, bên cạnh việc điều trị nội khoa, dinh dưỡng..., người bệnh cần phải được áp dụng vật lý trị liệu hô hấp. Việc tập thở thường xuyên và đúng cách sẽ giúp phổi nở ra, phục hồi chức năng hô hấp, loại bỏ các chất tiết trong đường thở. Khi tập thở, người bệnh cần ngồi thẳng lưng và có thể hít thở sâu. Yếu tố phổ biến nhất cản trở những điều này là triệu chứng đau, vì vậy cần thông báo cho bác sĩ nếu cảm thấy vết mổ còn đau nhiều. Bên cạnh tập thở, ho khạc hiệu quả cũng giúp ích rất nhiều cho việc loại bỏ đàm nhầy. Khi ho khạc, cần ngồi thẳng lưng, dùng tay hoặc gối để chặn vùng trước ngực, hít thật sâu và ho mạnh, đẩy hơi từ dạ dày chứ không phải từ vùng họng để tống đàm ra. Sau đó, thực hiện một vài đợt tập thở theo các bước nêu trên. Nằm yên là sai lầm Nhiều bệnh nhân có suy nghĩ sai lầm là khi sức khỏe chưa hồi phục, cần nằm nghỉ ngơi tịnh dưỡng trên giường bệnh. Sự thật là bệnh nhân phẫu thuật tim hở được khuyến khích vận động sớm ngay khi điều kiện sức khỏe cho phép. Thông thường, vào ngày hậu phẫu thứ nhất, người bệnh sẽ được giúp đỡ để có thể ra khỏi giường và bắt đầu chương trình tập vận động. Việc vận động sớm rất hữu ích cho quá trình hồi phục. Khi vận động, người bệnh sẽ từ từ hít thở tự nhiên hơn và có thể hít thật sâu. Điều này giúp cho phổi nở tốt và loại bỏ đàm nhầy dễ dàng hơn. Vận động còn giúp làm tăng quá trình tuần hoàn đưa máu lưu thông trong cơ thể, giảm nguy cơ hình thành huyết khối trong lòng mạch máu; giúp cho chức năng hệ tiêu hóa nhanh chóng hồi phục, giảm nguy cơ táo bón và chướng bụng. Đi bộ là hình thức vận động cực kỳ hữu ích. Thông thường, vào ngày hậu phẫu thứ 3-4, người bệnh sẽ được hướng dẫn tập đi lại với khoảng cách tăng dần tùy theo tiến triển của người bệnh. Khoảng một tuần sau phẫu thuật, người bệnh sẽ được tập leo một tầng lầu dưới sự hướng dẫn và theo dõi của kỹ thuật viên vật lý trị liệu để cải thiện dần chức năng của hệ tim mạch. Tập đều đặn vai, cổ hằng ngày giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn, giảm triệu chứng đau nhức. Các động tác này có thể tập vào ngày hậu phẫu thứ nhất. Động tác như sau: - Đưa hai tay ra phía trước và giơ cao về phía đầu, giữ thẳng khuỷu để cho hai cánh tay luôn ôm sát hai bên đầu (để không làm căng rộng vết mổ trước ngực). - Nhún hai vai về phía tai rồi thả lỏng vai trở lại vị trí ban đầu. - Đặt các ngón tay lên vai cùng bên. Xoay tròn khuỷu tay để xoay tròn khớp vai. - Hai mắt nhìn thẳng, từ từ ngửa đầu ra phía sau rồi trở lại vị trí ban đầu. Với bài tập thân, người bệnh đứng thẳng, nghiêng mình về bên phải (không nghiêng ra trước hay ra sau), trượt nhẹ bàn tay phải trên chân cho đến khi đụng đầu gối. Đếm đến 5 và chầm chậm trở lại tư thế đứng thẳng. Thực hiện tương tự với bên trái. Ở tư thế ngồi: hai tay bắt chéo trước ngực, chầm chậm quay người sang phải. Giữ yên tư thế và đếm đến 5. Lặp lại tương tự với bên trái. Kỹ thuật viên vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn người bệnh tập các động tác cho cổ chân, khớp gối và khớp hông. Các động tác này nhằm hạn chế khả năng hình thành huyết khối tại tĩnh mạch ở hai chân. Với những người được mổ bắc cầu mạch vành có lấy tĩnh mạch hiển ở chân để làm cầu nối, bài tập chân sẽ giúp chân bớt sưng nề và giảm triệu chứng đau. Động tác tập đơn giản như sau: người bệnh nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng, cử động bàn chân lên, xuống. Tương tự, tập bằng cách xoay tròn hai bàn chân. Người bệnh ngồi trên giường, hai chân duỗi thẳng, gập đầu gối một chân về phía ngực, duỗi thẳng chân và lặp lại với chân kia. Người bệnh đứng thẳng lưng, hai chân không khép quá sát. Chầm chậm khụy gối xuống khoảng 45 độ rồi từ từ đứng thẳng lên. Thông thường, người bệnh có thể ngồi dậy với sự giúp đỡ của kỹ thuật viên vật lý trị liệu vào ngày hậu phẫu thứ hai khi bác sĩ cho phép. Cần nhớ là không bao giờ được ngồi dậy từ tư thế nằm ngửa với hai tay chống ra sau để nâng đỡ cơ thể vì tư thế này có thể gây hở vết mổ trước ngực. Ngồi dậy an toàn bằng cách nằm nghiêng, thòng chân ra khỏi giường và nâng đầu lên. Có thể dùng tay để nâng thân mình lên. Để nằm xuống, bệnh nhân ngồi lên giường trước, nhấc chân lên giường, nghiêng người qua một bên và hạ đầu xuống, hạ mình xuống từ từ. Khi ngồi, giữ thẳng người, chêm một gối hay một khăn lông cuộn tròn để nâng đỡ vùng lưng. Hông và đầu gối cần giữ ngang bằng với nhau. Hầu hết các bệnh nhân sau phẫu thuật đều có dáng đi lom khom, hai vai đưa ra phía trước, cổ rụt lại để làm giảm sự căng vết mổ. Đây là tư thế sai, sẽ gây đau, nhức mỏi vì làm giảm sự lưu thông máu của vùng vai và vùng cổ. Cần giữ thân người thẳng, hai cánh tay đong đưa nhẹ nhàng theo bước đi. Tập luyện tại nhà, khó không? Sau khi xuất viện, người bệnh cần tiếp tục duy trì các bài tập thở, tập vận động, áp dụng các tư thế đúng trong sinh hoạt... Trong vòng hai tuần đầu sau khi xuất viện, cần tiếp tục tập thở. Thời gian đầu, chỉ nên đi bộ khoảng hai lần/ngày, mỗi lần 5 phút. Sau đó, khi sức khỏe ổn định hơn, tăng thêm 2-3 phút mỗi ngày. Mục tiêu là đến tuần 4-6 sau phẫu thuật, có thể đi bộ 30 phút mỗi ngày. Tiếp tục thực hiện các bài tập vai, thân và chân hai lần/ngày trong vòng một tháng sau phẫu thuật. Nâng đồ vật: Để an toàn cho đường mổ xương ức (đường mổ được áp dụng cho hầu hết các trường hợp phẫu thuật tim hở là đường rạch da dọc giữa ngực và chẻ dọc xương ức), trong vòng 6-8 tuần lễ đầu sau phẫu thuật, người bệnh không nên nâng bất cứ đồ vật gì nặng quá 2 ký, không giơ tay cao quá đầu (trừ khi thực hiện đúng theo bài tập vai), không làm những công việc có tính chất lặp đi lặp lại cử động dang một bên vai như quét nhà, lau nhà. Mang hành lý: Cần phân bổ trọng lượng đều lên hai bên tay. Khi muốn quay người theo hướng khác, cần xoay hai chân trước rồi mới xoay thân mình theo để tránh cho thân mình không bị vặn đột ngột. Người bệnh có thể trở lại các hoạt động bình thường sau khoảng thời gian hồi phục thích hợp, chẳng hạn như có thể rửa chén sau 2 tuần; may vá, ủi quần áo sau 3 tuần; đi xe đạp sau 6 tuần; quét nhà, chơi bowling, khiêu vũ sau 8 tuần; bơi lội, làm vườn, chạy bộ, chơi golf sau 12 tuần; lái xe, chơi tennis sau 16 tuần... Tuy nhiên, lưu ý là nên tham khảo ý kiến bác sĩ về mức độ gắng sức để có thể vận động hay tập thể dục ở mức phù hợp.■ Bài tập thở gồm có các bước: - Bước 1: Thở sườn bên: Hít vào thật chậm qua mũi sao cho hai bên cạnh sườn phình ra, giữ hơi lại một chút (khoảng 2 - 3 giây) rồi thở ra nhẹ nhàng bằng miệng. - Bước 2: Thư giãn: Hít vào đều đặn, thả lỏng hai vai và các cơ quanh cổ để tạo sự mềm mại và thư giãn (không gồng các cơ đó). - Bước 3: Thở sườn bên (như bước 1). - Bước 4: Thư giãn (như bước 2). - Bước 5: Thở ra mạnh: Hít vào một hơi vừa phải rồi thở mạnh ra hết bằng đường miệng giống như khi đang hà hơi sưởi ấm các ngón tay bị lạnh cóng. - Bước 6: Thư giãn (như bước 2 và bước 4): Sự thư giãn xen kẽ giữa các bước sẽ giúp không bị đau và mệt mỗi khi tập thở. Hai tư thế ngủ sau giúp người bệnh cảm thấy thoải mái, không làm đau vết mổ hay nhức mỏi cơ thể. - Nằm ngửa: Chêm một chiếc gối dưới hai đầu gối và chêm một gối hay khăn nhỏ dưới cổ để giữ vững phần cột sống cổ. - Nằm nghiêng: Ôm một chiếc gối giữa hai đầu gối và dùng một gối hay khăn nhỏ để nâng đỡ vùng cổ. Có thể dùng một chiếc gối ôm trước ngực để giảm bớt triệu chứng đau ngực. Tags: Vật lý trị liệuTrị liệu sau phẫu thuậtTrị liệu sau mổ tim
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.