Vị giáo sư Canada mê ong Việt

LÊ MY 23/02/2021 20:10 GMT+7

TTCT - “Một người như tôi, với tất cả các loài ong của Việt Nam trong tầm mắt, sẽ sung sướng như trẻ nhỏ giữa một tiệm bánh kẹo; chẳng bao giờ là đủ, một niềm vui bao la” - giáo sư Gard Otis, nhà côn trùng học và chuyên gia nuôi ong thuộc ĐH Guelph (Canada), kể về mối nhân duyên của ông với một đất nước tận bên kia địa cầu.

Ong sát thủ "thảm sát" một tổ ong mật ở Nhật. Ảnh: Getty Images

“Tôi rất yêu mến Việt Nam và nhiều bạn bè của tôi ở đó. Tôi đã nghỉ hưu. Phần lớn ĐH Guelph đã đóng cửa. Toàn tỉnh bang của chúng tôi lại phải đóng cửa vì COVID-19. Hiện tại bên ngoài đang -10 độ C, tuyết trắng xóa bao phủ muôn nơi… - vị giáo sư (GS) “trước lạ sau quen” gửi cho tôi một tràng tin nhắn để đi đến một kết luận không thể thuận lợi hơn cho bài viết này - Tôi sẵn sàng bất cứ khi nào cháu muốn nói chuyện, bắt đầu từ ngay bây giờ!”.

Để gửi đến ông chút nắng ấm từ Việt Nam, tôi đã chọn một góc vườn nhiều ánh sáng nhất cho cuộc gọi video xuyên lục địa một ngày cuối tháng 1-2021. Cuộc trò chuyện bắt đầu với “trái ngọt” mới hái của GS Otis cùng các đồng nghiệp ở Mỹ và Việt Nam: phát hiện đầu tiên trên thế giới về chiến thuật tự vệ “khác thường” của ong mật châu Á trước loài ong bắp cày khổng lồ. Kết quả nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí khoa học PLOS ONE hồi cuối năm 2020.

“Chiến tranh hóa học” của ong

Những con ong bắp cày khổng lồ châu Á to khỏe (loài Vespa mandariniaVespa soror) chẳng vô duyên vô cớ mang biệt danh “ong sát thủ” (murder hornet). Là loài hành động theo nhóm, chúng tấn công những tổ ong mật, giết hàng ngàn con ong thợ và chén sạch trứng, ấu trùng lẫn nhộng. 

Khi các “trinh sát” tìm thấy một tổ ong mật, chúng hạ cánh và đánh dấu lối vào bằng một chất hóa học từ cơ thể, sau đó bay đi tìm thêm chừng 50 chị em để phát động một cuộc tấn công. Chẳng mấy chốc, tổ ong đó sẽ bị xóa sổ.

Khác với người họ hàng khốn khổ trước lũ sát thủ ở Bắc Mỹ, các loài ong mật bản địa của châu Á, vốn đã bị lũ ong bắp cày khổng lồ săn đuổi không ngừng suốt hàng triệu năm qua, đã phát triển một số chiến thuật phòng thủ bên cạnh sử dụng những ngòi đốt bỏ mạng.

Trước hết, ong mật châu Á xây tổ như một pháo đài với những lối vào nhỏ xíu và tường thành cứng cáp. Chúng cũng tạo những tiếng rít hung hăng để cảnh báo kẻ săn mồi. Và nếu cách đó không hiệu quả, bầy ong mật quả cảm có thể hợp sức bao kín kẻ thù, tạo thành những “quả bóng ong” nóng hổi với lượng nhiệt đủ để nướng chín con ong bắp cày bên trong. Và gần đây nhất, một chiến lược táo bạo của ong mật Việt Nam được hé lộ: chúng che chắn tổ của mình bằng… phân.

Theo nghiên cứu của GS Otis và cộng sự, để đối phó với sự đánh dấu của các “trinh sát” bắp cày, ong mật (thuộc loài Apis cerana) đã nhanh chóng thu thập phân trâu, thậm chí phân gà và lợn để trét khắp lối ra vào tổ. Việc “tô trét phân” kéo dài nhiều ngày sau khi những cuộc tấn công ngừng lại. 

Điểm đặc biệt là chúng không triển khai phương thức này với loài Vespa velutina, một loài ong bắp cày nhỏ hơn, vốn hiếm khi hạ cánh ở lối ra vào tổ. Điều này cho thấy loài ong mật thực sự rất “biết địch biết ta”.

Đây là ghi nhận đầu tiên trên thế giới về việc ong mật biết sử dụng công cụ - những mẩu phân nhỏ. Tại sao phân động vật có thể xua đuổi được ong bắp cày vẫn còn là một câu đố, nhưng nhóm nghiên cứu đã quan sát một số chất có mùi khác được ong mật sử dụng, bao gồm nước tiểu của người, xà phòng và một vật liệu màu xanh rất có thể là sơn.

“Chúng tôi không chủ trương chuyện “bón phân” vào tổ ong, vì mọi người sẽ không muốn ăn mật ong từ những chiếc tổ như vậy. Mấu chốt có vẻ chính là mùi hôi, chứ không phải một vật liệu cụ thể nào” - GS Gard Otis giải thích. 

Phát hiện này gợi ý rằng những người nuôi ong có thể sử dụng các chất có mùi mạnh và bền, như dầu đinh hương, gần các lối vào tổ để ngăn chặn ong bắp cày phá hoại. Tuy nhiên, điều đó vẫn đang chờ được chứng minh.

Cách ong "trát phân" để bảo vệ tổ

Ong mật bảo vệ đàn khỏi sự tấn công của ong bắp cày bằng cách bôi các mẩu phân xung quanh lối vào tổ.

(A) Cửa ra vào tổ với đầy các mẩu phân được bôi trét xung quanh.

(B) Con ong thợ được đánh dấu đang làm việc trên một đống phân.

(C) Con ong giữ mẩu phân giữa hai hàm.

(D) Những con ong được đánh dấu quay lại tổ để “tô trét” phân.

(E) Ong bắp cày châu Á tấn công một tổ ong mật.

(F) Cổng ra vào tổ bị ong bắp cày phá hoại (cuộc tấn công đã được nhóm nghiên cứu dừng lại trước khi tổ ong bị phá vỡ).

 

Từ câu chuyện Việt Nam

Đến đây, bạn đọc có thể tò mò bằng ngôn ngữ của loài ong: trước khi hái được trái ngọt là phát hiện của nghiên cứu trên, ai đã “thụ phấn” cho ý tưởng đó?

Mọi chuyện bắt đầu cách đây hơn mười năm, khi GS Gard Otis đang thực hiện một dự án phát triển nghề nuôi ong ở Hà Tĩnh. Và vạn sự bắt đầu từ những câu hỏi… Ông thắc mắc về những đốm đen kỳ lạ trên nhiều tổ ong. 

Bấy giờ, người dân địa phương chỉ biết chúng xuất hiện sau khi ong bắp cày “ghé thăm” tổ nhưng không rõ đó là gì. Chỉ duy nhất người nuôi ong giỏi từng chứng kiến “nghề tay trái” của lũ ong và có câu trả lời cho Otis: “Phân trâu đấy”!

Thế là vào năm 2012, Gard Otis khuyến khích một học trò cũ là Heather Mattila, phó giáo sư sinh học tại ĐH Wellesley (Mỹ), cùng ông nghiên cứu hành vi “tô trét phân” này. Họ tiếp tục mời 2 chuyên gia tại Hà Nội vào nhóm là tiến sĩ Phạm Đức Hạnh từ Viện Khoa học động vật quốc gia và tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Liên từ Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam.

“Hóa ra bốn người chúng tôi đã tập hợp đầy đủ những chuyên môn cho phép chúng tôi thực hiện thành công nghiên cứu của mình trong năm 2013” - GS Otis cho biết (công đoạn phân tích dữ liệu sau đó kéo dài 6 năm ròng!).

Nhóm nghiên cứu làm thí nghiệm tại thực địa ở Ba Vì năm 2013. Ảnh: Nhóm nghiên cứu GS Otis

Heather Mattila, chủ nhiệm nghiên cứu trên, chia sẻ trong một email gửi Tuổi Trẻ Cuối Tuần: “Cả Gard và tôi đều đồng ý rằng kinh nghiệm nghiên cứu ở Việt Nam là điểm nhấn trong sự nghiệp của chúng tôi tính đến nay. Mỗi ngày trôi qua là một ngày khám phá và thật tuyệt vời khi được làm việc với một nhóm nghiên cứu quốc tế đa dạng như vậy. Tôi không biết liệu mình có đủ may mắn để một lần nữa trong đời có được nhiều niềm vui như thế trong vai trò một nhà nghiên cứu hay không”.

“Cỗ máy bong bóng” và “cửa hàng phân”, tuy nghe dị thường, là hai trong số những niềm vui khó quên. Để chứng minh hành vi độc đáo của ong mật, các nhà khoa học cần có những tổ ong “bất khả xâm phạm” để đối chứng với những chiếc tổ bị tấn công. 

Công nghệ hiện đại để xua đuổi ong bắp cày chính là quả bóng bay trắng được cột vào một cây gậy và được trực tiếp điều khiển bởi con người. Trong khi đó, nhóm nghiên cứu cần đảm bảo luôn có đủ phân động vật cho lũ ong lựa chọn. 

“Chúng tôi tạo một “cửa hàng phân” nho nhỏ của riêng mình với gà, lợn, trâu và bò - GS Otis kể tiếp - Đến cuối ngày, khoảng 140 con ong đã ghé thăm cửa hàng này và chúng tôi đã nhìn thấy chúng giữ mẩu phân trong miệng rồi bay đi”.

“Niềm vui là ở chỗ nhóm nghiên cứu đi ra vườn và thật sự cũng không biết phải tìm cái gì và phải quan sát cái gì. Chúng tôi học được (về hành vi của ong) từng ngày từng ngày như thế. Tất cả đều khiến tôi thấy thú vị và mới mẻ” - Phan Thanh Ngọc, một trong các trợ lý nghiên cứu, chia sẻ.

Tham gia dự án ngay sau khi tốt nghiệp ĐH, Ngọc xem đây là một sự kiện “đổi đời” và GS Otis trở thành “một trong những người quan trọng nhất”. Sau này, với sự hỗ trợ của GS Otis, Ngọc được “bỏ qua” chương trình thạc sĩ và vừa trở thành tiến sĩ ngành côn trùng học của ĐH Pennsylvania (Mỹ).

Từ trái sang: Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Liên, Heather Mattila, Gard Otis và Phạm Đức Hạnh. Ảnh: Nhóm nghiên cứu cung cấp

 Theo tập tính sinh sản và phát triển, đến khoảng tháng 11 lũ ong bắp cày sẽ biến mất để âm thầm chuẩn bị cho những đế chế ong chúa mới, thường sẽ tái xuất tung hoành vào tháng 8 năm sau. Trong thời gian đó, các tổ ong mật cũng ngừng việc “tô trét phân” và những vết bẩn sẽ tự động được thời tiết rửa trôi. Như vậy, chỉ khoảng 2,5 đến 3 tháng trong năm chúng ta có thể quan sát thấy những đốm đen trên tổ ong. Giáo sư Gard Otis thấy đáng tiếc vì trước đó có vẻ như không chuyên gia hay nông dân Việt Nam nào đặt câu hỏi về sự khác thường này.

Hành trình khuyến nông

Tiến sĩ Ngọc không phải là “hạt giống” duy nhất được ươm mầm để trở thành chuyên gia thực thụ trong ngành nghiên cứu ong hay nghề nuôi ong trong hành trình gắn bó với Việt Nam đến nay đã 25 năm của GS Otis. 

Trở lại năm 1996, GS Gard Otis tham gia một hội thảo của Hiệp hội Nuôi ong châu Á được tổ chức tại Việt Nam và vào cuối chuyến đi, ông cam kết sẽ cố gắng tìm tài trợ cho một dự án phát triển nghề nuôi ong tại đất nước này. 

“Sau hội thảo, tại văn phòng của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển ong Việt Nam (VBRDC), các cán bộ người Việt nhận hàng loạt câu hỏi từ 3 GS bọn tôi. Họ tỏ ra rất thành thật và cởi mở. Mỗi khi gặp câu hỏi khó, thay vì đáp lại bằng một lời hài hước, họ đã cố gắng có câu trả lời và đó là lúc tôi quyết định muốn thử làm việc cùng họ” - ông kể.

Trong thời gian chuẩn bị, Otis đã ngang dọc khắp các tỉnh thành của Việt Nam thu thập các giống ong cho việc nghiên cứu. “Một người như tôi, với tất cả các loài ong của Việt Nam trong tầm mắt, sẽ sung sướng như trẻ nhỏ giữa một tiệm bánh kẹo, chẳng bao giờ là đủ, một niềm vui bao la” - ông nói. 

Cần biết rằng ở Bắc Mỹ chỉ có loài ong mật duy nhất (các chuyên gia ở đó đã quá am tường) và chúng cũng chẳng phải là côn trùng bản địa, mà được nhập khẩu từ châu Âu vào thế kỷ 17.

Phải đến 10 năm sau, Gard Otis mới xin được tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Canada để tổ chức đào tạo kỹ thuật nuôi ong cho hơn 190 nông dân khó khăn ở 6 xã thuộc huyện Hương Sơn và Vũ Quang, Hà Tĩnh từ năm 2007 đến 2012. Nằm ngoài mong đợi của dự án, sau năm cuối cùng, 100% người tham gia đào tạo vẫn duy trì việc sản xuất mật ong, thậm chí truyền nghề cho nông dân khác. 

Thật bất ngờ khi người dân không chỉ bán mật mà còn nâng cao kỹ thuật để nuôi dưỡng và thu hoạch tổ ong, sáp ong, ong thợ, ong chúa… tạo thành một hệ sinh thái tại khu vực. Đến nay, thương hiệu Hương Sơn và Vũ Quang đã có tên trên bản đồ mật ong cả nước.

GS Gard Otis và các cộng sự nghiên cứu thực địa ở Ba Vì năm 2013. Ảnh: NVCC

Một phần việc đầu tiên của dự án là tập huấn cho các giảng viên ở VBRDC về các phương pháp giảng dạy kết nối để việc đào tạo sinh động hơn, thực hành nhiều hơn. Đó là thời điểm Gard Otis gặp Phạm Đức Hạnh, cán bộ của VBRDC, sau này là nghiên cứu sinh tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của ông và là đồng nghiệp trong nghiên cứu bất ngờ về ong mật.

Theo vị GS, tài trợ cho một nghiên cứu sinh trong 3 hay 4 năm học tập là một phần kinh phí lớn trong tổng thể dự án: “Tại sao lại chi nhiều tiền đến thế? Một phần là vì chúng tôi nghĩ rằng cần có một nhà khoa học được đào tạo tốt và có thể nói tiếng Anh tốt - một người có thể đặt câu hỏi nghiên cứu chất lượng, thiết kế thí nghiệm hợp lý và có khả năng tiếp tục đào tạo những người khác”.■

Cuối năm 2014, Bộ NN&PTNT đã trao tặng “Kỷ niệm chương vì sự nghiệp NN&PTNT Việt Nam” cho giáo sư Gard Otis. 

Nhìn lại hành trình của mình, ông chân thành chia sẻ: “Tôi sinh ra ở Mỹ. Tôi vốn đã có thể bị gửi sang Việt Nam để tham gia chiến tranh, nhưng rất mừng là việc đó đã không xảy ra. Lần đầu tiên đến Việt Nam, đã chuẩn bị tinh thần để gặp những người giận dữ hoặc không thân thiện vì tôi là người Mỹ, nhưng tôi hoàn toàn ngạc nhiên vì chuyện đó cũng chưa từng có. Thế nên một lý do khác khiến tôi muốn làm việc cùng người Việt là vì các bạn thật tử tế khi tha thứ, và còn đề cử tôi cho một giải thưởng. Tôi đã có một bữa tiệc ăn mừng sau đó với đầy đủ những người đã đi cùng tôi”.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận